*
Một trong những bi kịch lớn nhất của thời hiện đại đó là những đứa trẻ yêu thích môn toán và các con số đã lớn lên với niềm tin rằng chúng dở toán, không thích toán và thậm chí còn sợ hãi môn toán.
Trong những cuộc điều tra nghiên cứu của tôi trên khắp thế giới, hơn 75% những người được hỏi nói rằng bản thân họ đã không có năng khiếu với môn này và luôn ái ngại khi phải “đụng chạm” đến những hoạt động liên quan đến tính toán và con số.
*
Sự thật là trẻ em luôn yêu thích sự huyền bí và kỳ diệu của những con số. Chúng thích chơi với số. Không những vậy, trong các hoạt động thường ngày, chúng luôn thể hiện trình độ toán học cực cao, đến mức nếu chúng ta nhận thức được đầy đủ điều đó, chúng ta sẽ chỉ biết sững sờ kinh ngạc mà thôi.
Vậy làm thế nào mà “thiết bị siêu tính toán” này lại tin rằng mình không có khiếu, không thích và thậm chí còn sợ hãi tính toán?
Bốn câu chuyện sau sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc trên.
Câu chuyện về Oliver
Gerard Benson, một nhà toán học, nhạc sĩ, người giải mã, nhà thơ, và cũng chính là cha của bé Olivia kiên trì (xem chương Sự bền bỉ, quyển Bộ não tí hon tập 1), đã sớm truyền cho cậu con trai năm tuổi Oliver của mình lòng yêu thích đối với môn toán. Hai cha con ông vẫn thường chơi trò đố vui cùng nhau, và Oliver ngày càng tỏ ra thành thạo với những con số.
Một ngày nọ, nhân lần tôi đến thăm gia đình Gerard, Oliver cũng vừa trở về nhà sau ngày học đầu tiên ở trường. Khuôn mặt cậu bé có vẻ không vui. Gerard rất nhẹ nhàng và tế nhị, cố gắng không hỏi thẳng – nhưng thực sự ông cũng đang rất thắc mắc – mà chỉ hỏi thăm về những thông tin “thông thường” như: ngày hôm nay thế nào, trường học, giáo viên ra sao… Oliver chỉ trả lời qua loa, và rõ ràng lúc đó cậu đang miễn cưỡng nói chuyện với cha mình.
Cuối cùng, không thể kìm nén nổi, Gerard đành phải hỏi:
- Hôm nay ở trường con có làm toán không?
- Dạ có. – Cậu bé cáu kỉnh trả lời.
- Và…
- Con không thích toán.
Gerard thật sự rất ngạc nhiên trước tuyên bố này của con, nhưng ông vẫn cố bình thản tránh làm Oliver lo lắng hay cảnh giác.
Ông hỏi một câu rất “thường tình”:
- Tại sao con không thích toán?
Oliver suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Vì đó là công việc.
- Công việc như thế nào cơ? – Gerard gặng hỏi tiếp.
Oliver nhíu mày, nghiêm túc suy nghĩ một lúc lâu rồi nói:
- Công việc là điều ta phải làm khi ta không thích nó.
Cả Gerard lẫn tôi đều kinh ngạc trước định nghĩa sâu sắc của cậu bé. Hóa ra vào buổi sáng ở trường, lúc Oliver thích làm toán thì thầy giáo đã cấm không cho cậu làm, nhưng sau đó lại bắt cậu học toán vào buổi trưa, ở một trình độ đối với cậu là quá đơn giản, lúc cậu hoàn toàn không có hứng thú.
Và có ai ngờ những điều sâu sắc như vậy lại được thốt ra từ miệng một đứa bé năm tuổi!
Số Mặt trăng
Một trong những thành viên tham dự buổi hội thảo của tôi ở Liverpool, nước Anh đã kể câu chuyện cảm động và buồn bã dưới đây.
Billy, cậu con trai nhỏ của ông, cũng giống như Oliver vậy, mang theo lòng yêu thích đối với các con số khi đến trường và cũng luôn xuất sắc trong những kiến thức toán học mà cha cậu dạy cho. Ấy vậy mà khi ở trường, cậu bé lại khiến thầy giáo phát cáu lên khi liên tục nói ra kết quả của những bài toán thầy còn đang viết lên bảng. Thầy còn chưa viết xong, câu trả lời đã được trò nêu lên. Điều đó khiến thầy giáo cảm thấy bực bội vô cùng.
Khi hành động “gây rối” này càng lúc càng tăng, thầy giáo quyết tâm phải vạch trần sự “dối trá” cho bằng được. Nhưng rồi thầy phát hiện rằng cậu bé không dùng “thủ thuật” nào để đánh lừa cả. Ông hỏi Billy làm thế nào cậu có câu trả lời, và thật ngạc nhiên, cậu bé đáp rằng chính là nhờ vào “số Mặt trăng”. Cả lớp học cười ngả nghiêng trước sự “ngớ ngẩn” của cậu bé, và không may là thầy giáo cũng vậy. Ông cũng chế nhạo, mỉa mai Billy vì “số Mặt trăng” vô nghĩa.
Từ ngày đó trở đi, Billy cự tuyệt môn toán.
Phải một thời gian khá lâu sau đó, cha Billy mới phát hiện được điều đã xảy ra. Ông hỏi con trai “số Mặt trăng” là gì, và cậu bé đáp: đó là những con số đặc biệt mà cậu đã tự khám phá ra. Chúng không có trong bất kỳ bài học nào cậu đã từng được dạy, nên chắc chắn chúng không đến từ trái đất. Billy cho rằng chúng phải đến từ một nơi khác, và mặt trăng với cậu dường như là một địa điểm rõ ràng hơn cả. Giờ thì cậu đã không còn sử dụng và cũng không suy nghĩ về chúng nữa.
Cha Billy đã thảo luận với một số nhà toán học và phát hiện được rằng bằng cách nào đó, Billy đã có được một năng lực trực giác tuyệt vời cũng như mối quan hệ logarit với các con số. Cậu đã sử dụng chúng như những công cụ tính toán tuyệt hảo.
Nhưng đáng tiếc là Billy không bao giờ sử dụng lại chúng, và “số Mặt trăng” vẫn mãi không còn được “phi hành gia” trẻ tuổi này viếng thăm trong trí tưởng tượng của mình.
Bằng trực giác của mình, Billy đang mày mò khám phá ra “Số Mặt trăng”
Câu chuyện về Joanna
Joanna là một cô bé sáu tuổi sống ở Johannesburg, Nam Phi. Cũng như Billy, cô bé luôn cắt ngang thầy giáo của mình với câu trả lời chính xác cho những bài toán còn đang viết dở trên bảng.
Và cũng giống như trong trường hợp của Billy, thầy của Joanna hết sức giận dữ và bực bội, thậm chí còn tra hỏi như buộc tội rằng cô bé đã làm thế nào để có câu trả lời nhanh đến như vậy. Sợ hãi trước thái độ hung hăng của thầy, Joanna thu mình rút vào vỏ ốc yên lặng. Điều này lại khiến cô bé bị đánh giá là vô lễ. Thầy giáo nói với Joanna rằng ngay cả khi có câu trả lời đúng, nhưng nếu cô bé không nêu được cách thức “hợp lý” để ra được câu trả lời đó thì cô vẫn bị đánh trượt như thường.
Vài năm sau đó, Joanna giải thích vừa hứng thú, vừa bối rối rằng khi được nghe đọc về những con số hay nhìn thấy chúng được viết ra, những hình dạng hình học nhiều màu sắc xuất hiện trong tâm trí cô. Rồi những mẫu hình đó biến đổi một cách kỳ diệu trong một điệu nhảy siêu nhiên, tụ lại rồi tản ra, rồi biến mất, để rồi để lại chỉ một mẫu hình duy nhất, lập tức biến thành đáp án cho đề toán vừa được đọc hay viết dứt. Cô hoàn toàn không biết tại sao điều này lại xảy ra, chỉ biết rằng con số chuyển hóa từ hình dạng cuối cùng luôn luôn là đáp án đúng.
Câu chuyện về Lorraine
Lorraine là một cô bé bảy tuổi người Úc, sớm phát triển khả năng nghệ thuật và cũng nổi tiếng với khả năng nhìn và ghi nhớ chớp nhoáng. Nhưng thầy giáo dạy toán của Lorraine lại có ác cảm phi lý với em. Ác cảm đó ngày càng trở nên trầm trọng, thậm chí khiến em trở thành bia hứng chịu mọi nỗi bực dọc của thầy giáo.
Một ngày kia, trong tâm trạng khó chịu, cay nghiệt, thầy giáo đi xuống lớp, đứng ngay cạnh Lorraine rồi lấy ra đồng mười xu. Một cách đầy ác ý, ông tung đồng xu lên một đoạn khoảng 5 cm rồi chụp lại ngay trước mắt Lorraine, xong cúi người xuống, ghé sát vào tai cô bé, gằn giọng: “Này, trò có thể nói ta biết con số trên đồng xu không? Được không hả?”.
Hình ảnh đồng xu đó, như một mảnh sắt nung nóng, in sâu vào trong đầu óc cô bé tội nghiệp. Nỗi sợ hãi và căm ghét khi phải tiếp xúc với con số hay tiền bạc cũng từ đó xuất hiện trong Lorraine. Nhiều năm sau đó, ngay cả một giao dịch tài chính đơn giản nhất cũng khiến cô cảm thấy run sợ.
Còn có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện tương tự diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Để tiếp cận những đứa trẻ đặc biệt như vậy, thầy cô, cha mẹ của các em phải luôn tâm niệm rằng mình đang khám phá một “môn toán học mới” mà nhiều em đã tự phát minh ra.
Như tôi đã nói ở trên, và sẽ còn lặp lại để nhấn mạnh, mọi trẻ em đều yêu thích toán học. Ngay cả những người lớn cứ ngỡ rằng mình không thích, thì thật lòng họ cũng rất thích toán. Tất cả mọi người đều rất thích được nghe: “Anh vừa trúng giải 100.000 bảng Anh”, “Con học giỏi gấp đôi lúc trước đấy!”, “Chúng tôi giảm giá 60% đơn hàng của cô”, “Anh yêu em hơn tất cả số sao trong thiên hà này”, “Tỉ lệ thành công của trò trong kỳ thi lần này là hơn chín mươi phần trăm”, “Điểm số của con trong bài kiểm tra vừa rồi khiến con trở thành người dẫn đầu trong số hàng triệu người”, “Đội bóng yêu thích của bố đang đứng đầu bảng xếp hạng nhờ vào 10 điểm vô cùng tuyệt vời trong trận đấu chiều qua”, “Con lấy miếng bánh to nhất đi”…
Điều khiến những người yêu toán trở nên ghét toán cũng giống như những gì bạn sẽ khám phá trong chương tiếp theo về lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc. Ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình học tập, những sự kiện như trong các câu chuyện kể trên, hoặc những thắc mắc đơn giản nhưng không được người lớn quan tâm trả lời, hoặc một vài lỗi lầm cơ bản có thể dẫn đến kết luận sai lầm rằng “đầu óc mình không thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến tính toán”. Nhiều trẻ đã ngã ngay ở chướng ngại vật đầu tiên “1+1=2” bởi chúng hỏi một câu vô cùng quan trọng “tại sao 1+1 lại bằng 2 mà không phải số nào khác?” nhưng không nhận được câu trả lời thích đáng, hoặc không hiểu được câu trả lời. Một vài em khác, trong khi đang được dạy về các nguyên lý toán học, lại mơ mộng về một điều gì đó thú vị hơn. Bỏ lỡ bài học, không hiểu được những phép tính cơ bản, kết quả là chúng chỉ nhận được điểm zero trên bài kiểm tra toán.
Câu chuyện về Calvin
Calvin là một cô bé rất ghét trường học, đặc biệt là môn toán và cả thầy giáo dạy toán của mình. Vào lúc này, cô bé đang ngồi bất động trong chỗ ngồi của mình trên lớp, với đôi mắt trừng trừng nhìn thầy giáo, dưới cánh tay cô là bài kiểm tra toán với câu hỏi đầu tiên trong dãy dài những con tính: 5+6 = ?
Ngay lúc đó, một trong nhiều nhân vật tưởng tượng của Calvin, nhà du hành vũ trụ Spiff, xuất hiện.
Spiff đang ở một góc xa trong vũ trụ, một mình trên con tàu không gian khám phá một thiên hà chưa từng được biết đến. Anh tiến lại gần một ngôi sao khổng lồ, và thấy cả một hệ mặt trời ở đó, với những hành tinh to lớn quay xung quanh một mặt trời. Phi hành gia Spiff kích hoạt tia hấp dẫn cực mạnh của mình, hướng về phía hành tinh thứ sáu, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời. Khi tia năng lượng chụp lấy hành tinh, Spiff ném nó đi như một viên đạn bắn ra từ khẩu súng, nhằm thẳng hướng hành tinh thứ năm, một hành tinh nhỏ hơn đang quay. Anh quan sát khi nó tiến thẳng về phía hành tinh kia, đập thẳng vào, nghiền nó ra thành tro bụi, rồi lại tiếp tục bay đi theo quỹ đạo mới của mình.
Bóng thầy giáo lù lù tiến đến làm Calvin giật mình. Cô bé “trở lại” với lớp học, nhận ra toàn bộ thời gian cho bài kiểm tra đã kết thúc. Thầy giáo cầm trên tay bài làm của cô, với chỉ duy nhất một câu hỏi đầu tiên là có đáp án. Calvin viết thật đậm: 6+5 = 6.
Khi dạy toán cho những em nhỏ, chúng ta phải luôn luôn quan tâm đến nguồn gốc và quá trình đi đến giải đáp của các em. Thường thì chúng thật sự sáng tạo, giàu tưởng tượng và phản ánh sâu sắc “hành tinh” toán học đầy bí ẩn, diệu kỳ chứ không hề khô khan, đơn giản.
Hàng triệu người “không thích toán” thực sự có yêu thích bộ môn này. Điều họ không thích hoàn toàn khác: họ không thích cảm giác khó chịu của cái suy nghĩ rằng mình không thể giỏi toán. Họ đã nhầm lẫn giữa việc không thích thất bại với chính môn học, và khi nghĩ là mình không thích môn này, nỗi sợ hãi thất bại càng tăng lên.
ĐIỀU CẦN LÀM
• Hãy biến những con số và các phép toán trở thành ngôn ngữ tự nhiên trong gia đình bạn.
Bạn có thể giới thiệu với con mình những con số ngay từ khi bé còn rất nhỏ. Các bé đều thích những bài hát đếm. Các bé lớn hơn có thể giúp mẹ đếm táo hay cam khi đi mua hàng, hoặc cũng có thể tự mình cầm tiền đi mua vài thứ lặt vặt cho mẹ.
• Hãy là một người yêu thích các con số, con bạn sẽ bắt chước điều đó.
Khi bạn biến những con số và việc tính toán trở thành trò chơi thú vị, bạn sẽ truyền được cảm giác này cho con.
• Hãy khuyến khích con bạn khi bé thể hiện khuynh hướng đặc biệt như nhìn thấy số dưới dạng màu sắc, hình dạng hay nhân vật. Nhiều nhà toán học vĩ đại cũng có khả năng như vậy.
• Dạy bé cách ước tính.
Đây là một kỹ năng quan trọng, giúp bé khoanh vùng được khu vực cho câu trả lời chính xác. Bạn có thể làm điều này bằng cách đề nghị bé đoán xem có bao nhiêu viên kẹo chứa trong bịch, có bao nhiêu viên bi đang nằm trong hộp… Sau đó, bé có thể đếm lại để kiểm tra câu trả lời của mình.
Bạn nên giải thích cho bé rằng kết quả đoán không chính xác là điều hết sức bình thường. Càng thường xuyên luyện tập bài đoán này, kết quả sẽ càng khả quan hơn. Hãy biến nó thành trò chơi thường xuyên giữa bạn và bé, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự tiến bộ nhanh chóng mà bé thể hiện.
• Dạy con bạn tính nhẩm, khuyến khích bé “tính trong đầu” trước khi ghi ra giấy hoặc dùng máy tính.
Có thể bắt đầu bằng một cách hết sức đơn giản: dạy bé quản lý tiền bạc.
• Khi con bạn đã thành thạo cách dùng máy tính, hãy khuyến khích cạnh tranh với đối thủ mạnh mẽ này.
Đừng để bé phụ thuộc vào máy móc đối với những phép tính đơn giản hay các bài ước đoán.