Ngày xưa có hai anh em, người em rất thích tu đạo, gặp được duyên lành liền xuất gia làm một Sa môn(1), tinh tấn tu hành, rất nhanh chóng đã chứng đạo, đạt được quả vị A La Hán. Người em nhìn thấy anh mình suốt ngày ngập chìm trong bể khổ, khó lòng giải thoát, thường khuyên bảo anh trai cố sức làm nhiều việc phúc đức.
Người anh nói:
- Ta hiện nay đang gắng sức tích góp của cải nên công việc bận tối mắt tối mũi, lấy đâu thời gian mà quan tâm việc khác. Việc tu hành, khi nào có cơ hội hãy nói sau vậy!
Người anh cứ thoái thác như vậy khiến cho người em vô cùng thất vọng, hết mực đau khổ vì không có cách nào khiến anh trai mình khởi tâm giác ngộ.
Sống chết vô thường, đại nạn đến không một lời báo trước. Chẳng bao lâu sau, người anh mắc bệnh hiểm nghèo mà chết. Người em dùng đạo nhãn quan sát xem thần hồn của anh mình rốt cuộc sẽ tái sinh ở chốn nào. Người em nhìn vào cõi người(2), chẳng thấy được gì, lại tìm trong cõi địa ngục(3) và cõi ngạ quỷ(4), cũng không thấy gì nốt. Cuối cùng, người em nhìn thấy anh trai mình đã đầu thai thành một con trâu lớn ở trong cõi súc sinh(5).
Con trâu đang oằn mình trên một con đường gập ghềnh. Điều khiển nó là các thương nhân đang gấp gáp cho kịp giờ giao hàng. Đường sá đầy gian nan, hiểm nguy, các thương nhân lại còn ra sức đánh đập, nên chẳng mấy chốc con trâu đã thở không ra hơi. Không may, nó lại còn bị sa vào một vũng lầy. Con trâu cố rút chân lên mãi mà không được. Những người đi buôn hằm hằm nổi giận, giơ roi quất mạnh. Con trâu đau đến chịu không nổi. Nó tự hỏi làm sao để thoát khỏi cảnh này bây giờ? Lúc này, người em đến bên cạnh thân trâu, nói với người anh của mình:
- Việc tu phúc thôi chờ đó đã, bởi kiếm tiền trăm mối bộn bề. Nếm mùi này rồi, cảm thấy sao đây?
Con trâu nghe được lời của người em thì xấu hổ, hối hận tột cùng. Sau đó nó tuyệt thực đến chết. Đạo nhân - người em cũng lên đường trở về nhà.
Các thương nhân thấy chuyện lạ kì, tự ngẫm trong lòng: “Vì sao đạo nhân lại dùng thần chú giết chết con trâu này chứ?”
Nghĩ xong, họ tức tốc đuổi theo đạo nhân để hỏi rõ sự tình.
Đạo nhân nói:
- Tiền thân của con trâu này chính là anh trai của ta. Kiếp trước, anh ấy chỉ dốc lòng tích góp tài sản, không nghe lời thiện. Anh ấy đâu biết rằng mệnh người ngắn chẳng tày gang, chẳng mấy chốc lâm bệnh mà chết nên một chút công đức, tí ti việc thiện cũng chưa làm. Nghiệp chướng bó chặt toàn thân, anh phải đầu thai làm trâu, hứng chịu quả báo, khổ không kể xiết. Ta nghĩ anh trai ta bệnh chết, không biết được sẽ tái sinh vào cõi nào cả. Khi nhập định quan sát, trên trời, nhân gian, địa ngục, ma đạo ta đều không nhìn thấy, cuối cùng thấy anh đầu thai thành trâu. Vậy nên ta mới tìm đến tận đây, dùng những lời thoái thác thường ngày anh trai hay nói để nói lại cho anh ấy nghe, những mong anh tỉnh ngộ. Anh trai ta đã vô cùng hối hận nên mới tuyệt thực để chết.
Các thương nhân nghe xong mới biết được đạo nhân có thể giải thoát sinh tử, không phải người thường. Họ rối rít trách mình thất lễ, lại dâng hương cho trâu tạo phúc. Trâu lớn nhờ vào cơ duyên của em trai mà mau chóng thoát khỏi nỗi khổ của cõi súc sinh, siêu thoát lên trời.
Đọc xong câu chuyện trên, chúng ta có thể nhìn lại mình như thế này: ăn cơm, uống nước, mặc áo quần quan trọng hơn niệm Phật không? Khúm núm, kính cẩn tiếp đãi khách quý có bằng kính lễ chư Phật không? Chỉ cần tự hỏi như vậy cũng có thể tích lũy thiện căn và đạo lực của bản thân rồi.
Giải thoát luân hồi là việc phi thường, nếu không có được sức mạnh thực sự thì đạo nghiệp làm sao thực hiện được đây?
Ghi chú:
(1) Sa môn (沙門 - śraman. a) chỉ tăng sĩ Phật giáo - những người cố gắng, nỗ lực, tinh tấn tu đạo. Do vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn được gọi là Sa môn Gautama. Một người thợ rèn có tên Cunda (Thuần Đà) từng hỏi Đức Phật có mấy loại Sa môn, Đức Phật trả lời có bốn loại: Thắng Đạo Sa Môn là bậc thánh đã chứng quả A La Hán; Thuyết Đạo Sa Môn là bậc thánh hữu học, tuy chưa chứng quả A La Hán nhưng đã hiểu được nội dung giáo lý đạo Phật và thuyết giảng được giáo lý đó cho chúng sinh; Hoạt Đạo Sa Môn là những người chưa xuất gia, chưa được khai ngộ, còn là phàm phu nhưng vẫn giữ đúng giới luật, nỗ lực học đạo; Ô Đạo Sa Môn là những người tuy đã xuất gia nhưng không trì giới, không có niềm tin, sao nhãng tu đạo, làm ảnh hưởng đến đạo.
(2) (3) (4) (5) Sáu cõi luân hồi (Kamadhatu) là sáu con đường mà chúng sinh sẽ tái sinh vào sau khi chết. Sáu cõi này bao gồm: cõi trời (deva), cõi thần (asura), cõi người (manussa), cõi súc sinh (tiracchānayoni), cõi ngạ quỷ (petta) và cõi địa ngục (niraya). Sáu cõi luân hồi đều vô thường, chúng sinh tùy vào nghiệp của mình mà được tái sinh vào cõi nào. Những người làm việc tốt, việc thiện thì được đầu thai vào các cõi trời, cõi thần, cõi người; còn những ai làm nhiều việc xấu, việc ác sẽ bị đầu thai vào các cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Vị nào đã chứng quả vị A La Hán thì không phải luân hồi sau khi chết.