Ngày xưa, có một người nghèo khổ tột cùng, thường xuyên lâm cảnh bữa no bữa đói. Vào một đêm nọ, ông đem theo đứa con trai lên bảy của mình lén vào vườn rau của hàng xóm, định ăn trộm vài củ cải mang về. Đúng lúc ông ta đang miệt mài đào bới thì bỗng nghe tiếng đứa con hớt hải la lên:
- Cha ơi! Có người đang nhìn cha!
Người đàn ông hoảng hốt, không màng đến củ cải sắp đào lên khỏi mặt đất, kéo con trai bỏ chạy thục mạng. Chạy được một lúc, không nghe thấy tiếng động gì, cũng chẳng thấy người truy đuổi, ông liền hỏi đứa con:
- Hồi nãy có người nhìn cha thật hả?
- Cha! Cha xem, người ta vẫn nhìn đây này!
Đứa bé chỉ lên vầng trăng trên trời.
Người đàn ông nghèo khổ nghe xong câu nói của con thì vô cùng xấu hổ, lặng lẽ cầm tay con trở về nhà.
Người xưa đã dạy: “Cự diễm phụ vu thâm tiêu, xích hối kim vu mộ dạ”(1). Đây đều là những lời giáo huấn minh triết, quang minh chính đại. Dù là trong phòng tối(2) thì ở trên cao ba thước vẫn có thần linh, vậy nên không được lọc lừa, không dối trá. Trong câu chuyện trên, câu nói của đứa bé đã đánh thức lương tri của người cha. Chúng sinh ngu dại, chỉ thấy sợ “quả” chứ nào đâu biết sợ “nhân”, nên mãi trôi dạt trong nghiệp khổ mà thôi. Tham lam vốn là quả của kiếp trước, kiếp này sao lại còn tạo nhân đạo tặc? Nếu có thể một lòng sửa mình thì coi như đã đặt được một chân vào cánh cửa chánh đạo rồi đó.
Ghi chú:
(1) Nguyên văn: “拒艷婦於深宵,斥賄金於暮夜”. Câu này đại ý khuyên dạy con người không được lợi dụng đêm hôm khuya khoắt chọc ghẹo đàn bà, con gái; không vì nhập nhoạng, tối trời mà lấy trộm của cải, tiền bạc.
(2) Nguyên văn: “不欺闇室” (bất khi ám thất), nghĩa là phải tuyệt đối chân thật cho dù xung quanh không có bất kì ai đi chăng nữa. Cho dù là ở trong phòng tối (闇室: ám thất), không có ai nhìn thấy, thì những gì mình làm vẫn có thần linh chứng kiến. Vậy nên phải ngay thẳng, thành khẩn, không dối trá, lọc lừa.