Chúng ta thường nghe có những người vô tình hay hữu ý nói rằng:
- Tôi chẳng qua là kẻ phàm phu, làm sao đủ tư cách để học theo thánh nhân cơ chứ? Cảnh giới của thánh nhân cao xa quá, tôi dẫu có muốn cũng chẳng dám mơ tưởng, thì há còn dám học theo ư?
Những người mang kiểu suy nghĩ này rất giống như học trò ở trường học gặp phải bài học sâu xa khó hiểu liền có tâm lý “thoái thác”, vì sợ không hiểu mà cự tuyệt không học.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng kể một câu chuyện để khuyên bảo mọi người như sau:
Xưa kia có một người đàn ông xuất hành đi xa, suốt cả ngày trèo đèo lội suối, lại thêm nắng như thiêu đốt trên đầu, nên miệng khô cổ cháy, ông ta muốn tìm chút nước giải tỏa cơn khát. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang bỏng rát, vị khách bộ hành đưa mắt tìm quanh nhưng cũng không thấy một dòng nước nào cả. Vào lúc khát không chịu nổi nữa, lừ đừ lả dần, vị khách bộ hành bỗng nhiên nhìn thấy một dòng sông. Nước dòng sông ấy khoan thai chảy về phía trước, làn nước trong mát biếc xanh, thanh khiết không gì sánh nổi. Người đàn ông ngồi xuống bên bờ sông, kinh ngạc nhìn đăm đăm vào dòng nước sông đang chảy, không hề có ý nghĩ uống một giọt nước nào cả. Có người qua đường nhìn thấy sự lạ lùng của ông ta, hiếu kì quá liền hỏi:
- Tại sao ông khát khô cổ, tìm thấy nước rồi lại không uống chứ?
Vị khách bộ hành liền đáp:
- Ngài không hiểu sao? Nước sông nhiều đến vậy, ta làm sao có thể uống cạn được đây? Đã không uống cạn được nước của dòng sông này thì ta làm sao có thể tùy tiện uống được chứ?
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng, con người thường thấy thế gian khổ không kể xiết, khi gặp được con đường giải thoát rồi lại chần chừ chùn bước. Thậm chí là người đã từng nghe qua Phật pháp, mặc dù hết lòng hi vọng bản thân tu học pháp môn thánh đạo, nhưng trên con đường tu tập thực sự lại cảm thấy Phật pháp cao siêu sâu rộng, bản thân mình sao có thể học được đây? Kết quả giống như người khách bộ hành trong câu chuyện trên, dù khát rã họng, tìm thấy cơ man là nước rồi nhưng lại không uống. Đó không phải là quá ngu muội hay sao?