Sự tích góp của người đời, dù có những thứ có thể bị người khác cướp đi, nhưng chung quy lại, chúng ta đều không thể mang theo được mãi mãi. Chẳng hạn, nhà Phật đã dạy chúng ta, những thứ như tiền vàng, của cải, nhà cửa, ruộng vườn đều thuộc sở hữu chung của ngũ gia. Ngũ gia tức là vua, đạo tặc, lửa, nước, kẻ ác. Bằng bất kì một yếu tố nào đó, ngũ gia đều có thể khiến cho những gì chúng ta tích góp biến mất, trong khi chúng ta, cho đến giờ phút lâm chung cũng không thể mang theo được. Nhưng cũng có một loại của cải mà tha nhân cướp không được, đó là gì vậy? Đó chính là tu phúc và tu tuệ. Nhưng nếu tu phúc mà không tu tuệ thì bởi chỉ muốn hưởng phúc nên tạo nghiệp; còn giả như chỉ tu tuệ mà không tu phúc thì như vậy lại e rằng vì phúc phần yếu mỏng mà thiếu đi sự hỗ trợ tu hành.
Thưở xưa, thời Phật Ca Diếp(1) có hai anh em đồng xuất gia làm Sa môn. Người anh tọa thiền trì giới, một lòng cầu đạo nhưng không chịu bố thí. Người em ưa thích bố thí cầu phúc nhưng lại thường xuyên phá giới. Người anh xuất gia với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyên tâm tu hành, chứng quả A La Hán nhưng thường ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Người em vì phá giới nên đầu thai thành voi. Nhưng vì dư báo đời trước nên tuy làm thân súc sinh nhưng sức lực vô cùng mạnh khỏe, có khả năng đánh lùi kẻ địch, được quốc vương sủng ái hết mực, ban cho đeo chuỗi ngọc trân bảo lủng lẳng bạc vàng, lại cấp một thành thị lớn có hàng trăm hộ dân tùy ý voi sử dụng.
Năm đó mất mùa, đói kém, người anh khất thực bảy ngày, đi khắp cả nước cũng không xin được thức ăn, cuối cùng xin được chút thức ăn bẩn thỉu, cố nuốt mà giữ toàn mạng sống.
Tỳ kheo anh sớm biết con voi cao quý kia chính là người em kiếp trước của mình liền đến thăm. Anh cầm tai voi nói nhỏ:
- Trước kia chúng ta đều có tội.
Voi nghe xong liền nhớ lại nhân duyên kiếp trước, phiền muộn đến mức trà không thèm uống, cơm không thèm ăn. Người chăm sóc voi vô cùng sợ hãi, tức tốc trình báo quốc vương. Quốc vương hỏi quản tượng:
- Có kẻ nào ức hiếp voi sao?
- Không có ạ! Chỉ có một vị Tỳ kheo đến, nhưng chỉ đến một lát đã đi rồi.
Quốc vương phái người tìm ra vị Tỳ kheo, hỏi:
- Ngài đã nói với voi điều gì vậy?
Vị Tỳ kheo đáp:
- Ta chỉ nói với voi là: “Ta và ngươi đều đã từng mắc tội”. Vậy là chú voi lập tức nhớ lại nhân duyên kiếp trước.
Vị Tỳ kheo kể hết sự tình đã trải qua cho quốc vương nghe, quốc vương tức khắc giác ngộ, để cho Tỳ kheo đi.
Đức Phật được tôn xưng vì tuệ, phúc đồng tu. Nếu chúng ta muốn vãng sinh Tịnh Độ(2), bên cạnh niệm Phật tu tuệ, tích cực nuôi dưỡng duyên lành thì mỗi khi nhìn thấy sự lành, việc thiện cũng nên ra sức cổ vũ, hoặc lòng sinh hoan hỉ, hoặc miệng mở lời ca ngợi, hoặc dùng sức phò trợ, hộ sinh cứu nguy, trồng nhiều nhân thiện. Cứ như vậy chắc chắn có thể tiêu trừ chướng ngại, đạt được mọi điều, vãng sinh Tịnh Độ.
Ghi chú:
(1) Phật Ca Diếp (迦葉佛) (Kassapa) là vị Phật thứ ba trong số năm vị Phật của hiền kiếp (Bhaddakappe), vị Phật thứ sáu trong số sáu vị Phật trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Ca Diếp là người Benares (Varanasi), Ấn Độ. Tương truyền, Ngài cao tới 20 cubit (khoảng 9-10 m) và sống tới 2000 năm.
(2) Tịnh Độ (淨土 - Buddhaksetra) nghĩa là cõi Phật, cõi thanh tịnh. Phật giáo Bắc tông cho rằng mỗi Tịnh Độ thuộc về một vị Phật, vậy nên có vô số Tịnh Độ, nhưng chúng ta thường quen thuộc nhất là cõi Cực Lạc (Sukhāvatī) của Phật A Di Đà (Amitābha) ở phương tây. Tịnh Độ là cõi tái sinh mà người tu hành muốn vãng sinh. Muốn đến được cõi này, hành giả không những phải trau dồi nghiệp thiện mà còn phải cầu nguyện chư Phật ở các cõi Tịnh Độ cứu độ tái sinh.