Ngày xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Xá Vệ(1), một ngày nọ, có bốn vị Tỳ kheo mới nhập đạo cùng đến dưới một gốc cây lớn ngồi thiền tu đạo.
Thời điểm đó, cây lớn đang nở hoa, hương sắc của nó mê hoặc lòng người. Bốn vị Tỳ kheo cùng nhau thảo luận: “Vạn vật trên thế gian, cái gì đáng yêu nhất, có thể làm vui lòng người nhất?”
Giáp Tỳ kheo nói:
- Thưởng lãm phong cảnh mùa xuân trăm hoa đua nở, chim hót hoa thơm, cảnh sắc xoa dịu lòng người, là điều vui nhất trần gian.
Ất Tỳ kheo nói:
- Trên đời này không có gì vui bằng niềm vui gia đình, thân quyến tụ họp, ăn uống no say, nhảy ca rộn ràng.
Bính Tỳ kheo nói:
- Của báu đầy nhà, hưởng dục xả láng, ngựa xe xa hoa, áo quần đẹp đẽ, vào ra lộng lẫy chính là cái vui nhất của con người.
Đinh Tỳ kheo nói:
- Vợ cả, vợ lẽ, khoác mặc lên người y phục thời thượng, hương tỏa bốn phía, xinh đẹp đoan chính ắt là điều vui nhất thế gian này.
Đức Phật quan sát cả bốn vị Tỳ kheo, thấy rằng cần phải hóa độ họ. Tâm của bốn vị đều tản loạn ở ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy)(2) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp)(3) mà không hiểu đạo lý vạn pháp vô thường. Đức Phật liền đến trước mặt bốn vị Tỳ kheo và nói:
- Các ngươi đang thảo luận vấn đề gì vậy?
Bốn người đều thành thực trình bày quan điểm của mình về thứ vui nhất trần gian. Đức Phật điềm đạm nói:
- Những điều mà chư vị bàn đến tất thảy đều là đạo lý của ưu sầu, sợ hãi, hiểm nguy, diệt vong cả. Đó hoàn toàn không phải là niềm an yên vĩnh viễn, chẳng phải niềm vui thực sự. Chúng ta phải thấy được vạn vật xuân đến tươi xanh, thu đông tàn tạ. Gia quyến, thân thuộc tụ họp, cuối cùng cũng phải chia tay. Của báu ngựa xe là của chung của ngũ gia(4). Vợ cả, vợ lẽ, sắc đẹp là nguyên nhân chủ đạo của yêu - ghét. Bởi vậy, con người đã sống trên đời thì thường rước nỗi sợ vô lượng của oán hận, bệnh tật, sát thân, tru di họ tộc, chết đi vào tam ác đạo(5), trải qua tám nạn, khó lòng gặp được Phật, nghe được Pháp. Nạn đầu tiên đến nạn thứ ba là tam ác đạo, ác nghiệp trùng trùng, khó mà gặp Phật. Nạn thứ tư, sinh vào Úttara-kuru(6), chỉ vui không khổ, không còn tâm tu đạo. Nạn thứ năm, sinh vào cõi trường thọ, an lạc hơn cõi Úttara-kuru, càng không có ham muốn tu đạo. Nạn thứ sáu, điếc, mù, ngọng, câm, đem những trở ngại đó mà cầu đạo. Nạn thứ bảy, nghe, biết mọi sự, ỷ cậy thông minh, không tin vào Phật. Nạn thứ tám, sinh vào cõi trước Phật sau Phật, không có duyên gặp Phật. Tất thảy ngàn vạn thống khổ cũng đều do những niềm vui giả tạo này mà thành. Vậy nên người tu đạo phải buông bỏ lạc thú thế gian mà cầu đạo, không tham vinh hoa phú quý, tự chứng bất sinh bất diệt, Niết Bàn thanh tịnh. Đó mới là niềm vui thực sự.
Phật lại bảo các Tỳ kheo: Vô lượng kiếp trước đây có một vị quốc vương tên gọi là Phổ An. Vua Phổ An có bốn người bạn thân thiết, họ đều là vua của các nước láng giềng. Một lần nọ, vua Phổ An mời bốn vị quốc vương này dự yến một tháng trời, ăn uống hưởng lạc, linh đình không gì sánh nổi. Đến ngày chia tay, quốc vương Phổ An hỏi bốn vị hoàng đế:
- Sống trên đời này, với con người, điều gì là vui nhất?
Giáp vương nói:
- Vui chơi cảnh xuân là vui nhất.
Ất vương nói:
- Họ hàng thân thuộc tiệc tùng, uống rượu nhảy múa là vui nhất.
Bính vương nói:
- Tích trữ của cải, cầu gì được nấy là vui nhất.
Đinh vương nói:
- Vợ, thiếp xinh đẹp, thỏa thích ái dục là vui nhất.
Quốc vương Phổ An trong lời tiễn biệt nói với các vị hoàng đế rằng:
- Tất cả những niềm vui mà chư vị đã nói đều là cái gốc của khổ não, là căn nguyên của sợ hãi. Bởi lẽ những lạc thú này đều là vui trước khổ sau, muôn trùng sầu bi, sao bằng vô cầu vô dục, đạm bạc thủ đạo, thanh tịnh diệt dục, ấy là vui nhất.
Nghe xong, bốn vị quốc vương hoan hỉ tán thưởng, sâu sắc ngộ ra.
Đức Phật lại nói với bốn vị Tỳ kheo:
- Quốc vương Phổ An lúc ấy chính là tiền thân của ta, bốn vị hoàng đế là tiền thân của các ngươi. Trước kia đã từng nghe qua ý nghĩa thực sự của niềm vui, cớ sao bây giờ vẫn u mê không tỉnh? Các ngươi cần biết sống chết luân hồi, cũng như cỏ dại, rễ liền không đứt, mãi không ngừng nghỉ?
Vì bốn vị Tỳ kheo trước đây có thiện căn, nay lại được nghe chân nghĩa, họ thành tâm ăn năn hối hận, tâm ý đột nhiên khai ngộ, thoát khỏi u mê, chứng quả A La Hán.
Ghi chú:
(1) Xem Ghi chú (1), (2) truyện số [12] “Chiếc đèn thiện tâm”.
(2) Xem Ghi chú (2) truyện số [17] “Con sói vô thường”.
(3) Lục trần (六塵) là sáu cảnh bên ngoài tựa như bụi bặm (塵 - trần: bụi bặm) làm nhơ bẩn thân tâm. Lục trần bao gồm “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” (色聲 香味觸法). Sắc trần là những màu sắc, hình thể, cảnh vật mà mắt nhìn thấy. Thanh trần là tiếng động, âm thanh mà tai nghe thấy. Hương trần là mùi thơm, mùi hôi mà mũi ngửi thấy. Vị trần là vị của món ăn, vật uống mà lưỡi nếm thấy. Xúc trần là sự đụng chạm với xung quanh mà thân cảm thấy. Pháp trần là bóng dáng của năm trần còn lưu lại trong ý thức, trong duy thức, là cái mà ý thức nhận biết thấy.
(4) Ngũ gia (五家) bao gồm vua, đạo tặc, nước, lửa, kẻ ác.
(5) Tam ác đạo là ba cõi dưới của sáu cõi luân hồi, bao gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. (Ba cõi trên là cõi trời, cõi thần, cõi người).
(6) Theo truyền thuyết Phật giáo thì Úttara-kuru (北拘 盧洲 - Bắc Câu Lô Châu) là một trong bốn cõi lớn của trần thế, nằm phía bắc núi Tu Di.