C
hiều hôm sau, chuông đã vang lên tập hợp các học sinh của ký túc xá.
Boris, Ghéridanisol, Georges và Phiphi ngồi cùng một bàn. Ghéridanisol rút đồng hồ ra đặt ở giữa hắn và Boris. Đồng hồ chỉ năm giờ ba mươi lăm phút. Giờ học bắt đầu từ năm giờ và sẽ kéo dài đến sáu giờ. Đã thỏa thuận là Boris phải kết liễu vào lúc sáu giờ kém năm trước khi học sinh giải tán; như thế là hơn, vì ngay sau đó có thể vù ra nhanh chóng. Liền đó, Ghéridanisol mắt không nhìn Boris mà nói hơi cao giọng, hắn cho rằng như thế sẽ làm cho lời của mình rùng rợn hơn:
- Này, mày chỉ còn hơn một khắc đồng hồ nữa thôi đấy.
Boris nhớ đến cuốn tiểu thuyết chú mới đọc gần đây, trong đó bọn cướp lúc sắp hạ sát một người đàn bà đã bảo chị ta cầu nguyện để chị hiểu rằng sắp sửa phải chết. Như một người ngoại quốc chuẩn bị giấy tờ ở biên giới trước khi rời một xứ sở nào đấy, Boris tìm những lời cầu nguyện trong tim trong óc, nhưng tìm không ra; nhưng chú vừa mệt đồng thời vừa căng thẳng đến mức chẳng băn khoăn quá đáng về chuyện này. Chú cố tập trung để suy nghĩ mà chẳng suy nghĩ gì được cả. Khẩu súng lục trĩu nặng ở trong túi; chú chẳng cần phải thò tay vào mới cảm thấy là có nó bên trong.
- Chỉ còn mười phút nữa.
Georges ở bên trái Ghéridanisol liếc mắt theo dõi cảnh tượng ấy, nhưng làm bộ tỉnh bơ như không nhìn. Nó cuống cuồng chúi đầu vào học. Chưa bao giờ phòng học lại yên tĩnh đến thế. Cụ La Pérouse không nhận ra bọn trẻ của mình nữa, và lần đầu tiên cụ thở nhẹ nhõm. Còn Phiphi thì lòng dạ bồn chồn; Ghéridanisol làm cậu ta sợ, cậu không sao yên tâm được là trò chơi này chẳng dẫn đến chuyện gì đáng tiếc; trái tim như căng phồng làm cậu tức ngực và thỉnh thoảng cậu lại nghe thấy mình hắt ra một tiếng thở dài sườn sượt. Cuối cùng, không chịu được nữa, cậu xé một tờ trong quyển vở lịch sử ở trước mặt mình, - vì cậu đang phải học thi; nhưng các dòng chữ rối lên trước mắt, các sự kiện và niên đại rối lên trong đầu - nửa dưới của tờ giấy, và viết vội vàng lên trên: “Mày biết chắc là súng không nạp đạn chứ?” rồi đưa mẩu giấy cho Georges, Georges chuyển cho Ghéri. Nhưng hắn ta đọc xong liền nhún vai chẳng buồn nhìn Phiphi, rồi vo mẩu giấy búng một cái lăn đến chỗ có đánh dấu phấn. Sau đó hắn mỉm cười vì hài lòng đã nhắm trúng. Nụ cười ấy mới đầu nở ra một cách tự nhiên, rồi cứ gượng lại mãi như được tạc trên nét mặt cho đến cuối cảnh này.
- Còn năm phút nữa.
Mấy tiếng đó hầu như được nói to. Đến cả Philippe cũng nghe thấy. Một nỗi lo âu không sao chịu đựng nổi xâm chiếm cậu ta, và tuy giờ học đã sắp hết, cậu vẫn phải vờ có nhu cầu cấp thiết cần ra ngoài, hoặc có thể cậu bỗng nhiên đau bụng thật cũng nên, cậu giơ tay và bật ngón tay kêu tanh tách như học sinh vẫn quen làm để xin phép thầy giáo; rồi chẳng đợi cụ La Pérouse cho phép, cậu vùng đứng dậy. Muốn ra cửa phải đi ngang qua trước bục giảng; cậu đi mà như chạy, nhưng người lảo đảo.
Philippe vừa ra khỏi lớp, đến lượt Boris cũng đứng dậy. Cậu bé Passavant đang cặm cụi ngồi học phía sau lưng, ngước mắt lên nhìn. Về sau, cậu kể với u Séraphine là Boris “tái xanh tái xám”, nhưng ai mà chẳng nói thế trong những trường hợp như vậy. Vả chăng, hầu như lập tức cậu thôi không nhìn nữa và lại vùi đầu vào học. Về sau cậu cứ ân hận mãi, cậu vừa nói vừa khóc là nếu hiểu được chuyện gì sắp xảy ra, chắc chắn cậu đã có thể ngăn lại. Nhưng cậu nào có ngờ đâu.
Boris lúc ấy tiến thẳng đến chỗ có đánh dấu. Chú bước chậm chạp như một người máy, hai mắt đờ đẫn; như một kẻ mộng du thì đúng hơn. Bàn tay phải của chú đã nắm lấy khẩu súng lục, nhưng vẫn giấu trong túi áo va-rơi; chỉ đến phút cuối cùng mới rút ra. Như tôi đã nói, cái địa điểm chết người ở sát cái cửa bịt kín, tạo thành chỗ hõm vào phía bên phải bục cao, khiến thầy giáo phải cúi xuống mới nhìn thấy được.
Cụ La Pérouse cúi xuống. Mới đầu cụ La Pérouse không hiểu đứa cháu nội của cụ đang làm gì, tuy rằng điệu bộ trang trọng đến kỳ lạ của cháu lại làm cụ lo lắng. Cụ quát thật to, giọng cố ra oai:
- Anh Boris, tôi xin anh lập tức quay về...
Nhưng chợt cụ nhìn thấy khẩu súng lục. Boris vừa giơ súng lên thái dương. Cụ La Pérouse chợt hiểu ra và cảm thấy lạnh xương sống, như máu đông lại trong huyết quản. Cụ muốn bật dậy, chạy đến chỗ Boris, giữ tay cháu lại, muốn kêu hét lên... Một cái gì như tiếng rên khàn khàn bật ra trên đôi môi; cụ vẫn đứng sững, như chôn chân, người run lên bần bật.
Phát súng nổ. Boris không khuỵu xuống ngay. Cơ thể chú vẫn đứng khựng một lúc như treo trong hốc tường; rồi cái đầu ngoẹo xuống vai, kéo theo cơ thể; rồi tất cả sẽ sụp xuống.
Qua cuộc điều tra của cảnh sát tiến hành sau đó một chút, người ta lấy làm lạ không tìm thấy khẩu súng ngắn ở gần Boris, - tôi muốn nói là ở gần nơi chú ngã xuống, bởi vì người ta hầu như đã chuyển ngay cái cơ thể nhỏ bé lên một chiếc giường. Trong cảnh hỗn loạn ngay sau khi sự việc xảy ra, lúc Ghéridanisol vẫn đang còn ngồi yên tại chỗ, Georges nhảy vọt qua hàng ghế, đã kịp giấu biến khẩu súng mà không ai biết; mới đầu nó lấy chân đá hất khẩu súng về phía trong khi mọi người nhào về phía Boris, rồi nhặt vội ngay lấy, giấu trong áo vét và len lén chuyển cho Ghéridanisol. Mọi người đều tập trung chú ý vào một chỗ, nên chẳng ai để ý Ghéridanisol chạy tót lên phòng cụ La Pérouse đặt trả lại khẩu súng vào nơi cũ. Sau đó, khi lục soát tìm thấy khẩu súng lục trong hộp, cảnh sát có thể không nghĩ rằng súng đã được lôi ra và Boris sử dụng, nếu như Ghéridanisol đã nhớ lấy vỏ đạn đi. Chắc là hắn đã có phần nào rối trí. Chỉ là hoang mang trong phút chốc mà thôi, và thật đáng buồn! Hắn day dứt về thái độ hoang mang ấy còn nhiều hơn là ân hận về tội lỗi của hắn! Tuy vậy, chính sự hoang mang đã cứu hắn. Bởi vì, khi hắn quay xuống dưới nhà trà trộn vào những đứa trẻ khác, nhìn thấy người ta mang thi thể Boris đi, hắn như lên cơn khủng hoảng thần kinh, người run bần bật, khiến bà Vedel và cô Rachel vừa chạy tới, thấy thế tưởng là hắn xúc động ghê gớm. Người ta đặt ra đủ thứ giả thiết mà chẳng ai nghĩ đến cái vô nhân đạo của một đứa trẻ còn nhãi ranh; và khi Ghéridanisol phân trần là mình chẳng có tội tình gì, người ta tin hắn ngay. Mẩu giấy nhỏ của Phiphi do Georges chuyền cho hắn, rồi hắn búng đi, sau đó người ta nhặt được dưới gầm ghế, mẩu giấy nhỏ vo viên ấy giúp cho hắn. Quả thật, hắn có tội, cũng như Georges và Phiphi, là đã nhúng tay vào trò chơi độc ác; nhưng hắn khẳng định rằng nếu biết là súng có nạp đạn, hắn đã chẳng tán thành. Chỉ một mình Georges biết rõ là hắn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Georges không đến nỗi hư hỏng lắm nên từ chỗ phục Ghéridanisol, cuối cùng nó đã ghê tởm hắn. Tối hôm đó khi về nhà, chú đã nhào vào lòng mẹ; và Pauline trào dâng lòng cảm tạ Chúa qua tấn thảm kịch kia đã đem con trai bà về trả lại cho bà.
NHẬT KÝ CỦA ÉDOUARD
“Tuy chẳng có tham vọng lý giải chuyện gì cả, nhưng ta không muốn đưa ra sự kiện nào mà lại không nêu lý do đầy đủ. Vì vậy ta sẽ không sử dụng chuyện tự sát của chú bé Boris cho cuốn Bọn làm bạc giả của ta; ta đã vất vả quá nhiều để tìm hiểu nó. Hơn nữa, ta không thích những “chuyện linh tinh”. Chúng có cái gì đấy không thể chối cãi, không thể phủ nhận, tàn bạo, thật một cách phũ phàng... Ta thừa nhận rằng thực tại đến hỗ trợ cho tư duy của ta như một bằng chứng; nhưng không phải là nó đi trước tư duy. Ta không thích bị bất ngờ. Chuyện tự tử của Boris hình như là sỗ sàng đối với ta, vì ta chẳng ngờ tới.
Đã là tự sát thì bao giờ cũng có một chút hèn nhát dù cho cụ La Pérouse nghĩ thế nào đi nữa, chắc hẳn cụ cho rằng đứa cháu nội dũng cảm hơn mình. Nếu đứa trẻ này thấy trước là hành động kinh khủng của nó dẫn đến tai họa cho gia đình Vedel, thì sẽ không thể tha thứ cho nó được. Cụ Azaïs đã phải đóng cửa ký túc xá - cụ nói là đóng cửa tạm thời, nhưng Rachel thì sợ là lụn bại. Bốn gia đình đã rút con cái của họ về. Ta không can nổi Pauline đừng kéo Georges về ở tại gia đình, nhất là chú bé đó bị xúc động dữ dội trước cái chết của bạn, có vẻ sẵn sàng muốn tu tỉnh. Cái tang này dẫn đến những hậu quả tác động mãnh liệt biết bao! Ngay Olivier cũng tỏ ra bị tác động. Armand dù thái độ trơ trẽn, vẫn lo lắng cho nguy cơ gia đình lụn bại, nên có chút thì giờ nào Passavant cho được rảnh rỗi, anh đều dành cho gia đình; bởi vì La Pérouse rõ ràng không còn đáp ứng được những gì người ta trông đợi ở cụ.
Ta sợ gặp lại cụ. Cụ đã tiếp ta tại căn phòng nhỏ của cụ trên lầu hai ở ký túc xá. Cụ đã nắm ngay lấy cánh tay ta, với vẻ bí ẩn, gần như tươi cười, khiến ta vô cùng sửng sốt, vì ta cứ tưởng là cụ sẽ khóc:
- Cái tiếng động ấy, ông biết đấy... cái tiếng động tôi kể cho ông nghe hôm nọ...
- Làm sao cơ?
- Nó thôi rồi. Hết hẳn rồi. Tôi chẳng nghe thấy nữa. Dù tôi có chú ý đến đâu...
Như người ta đồng ý tham gia vào một trò chơi trẻ con, ta bảo cụ:
- Tôi đánh cuộc là bây giờ, không nghe thấy nữa cụ lại lấy làm tiếc.
- Ồ! Không; không... Được thư thái biết bao! Tôi cần yên tĩnh đến nỗi... Ông có biết tôi nghĩ gì không? Đó là suốt đời chúng ta không sao hiểu được cái yên tĩnh thật nó như thế nào. Ngay máu chảy trong người chúng ta cũng tạo nên tiếng rì rầm không ngớt; chúng ta chẳng nhận ra tiếng động ấy nữa, vì chúng ta nghe đã quen đi từ ngày thơ ấu... Nhưng tôi cho rằng có những thứ chúng ta không sao nghe thấy được trong cuộc đời, những hòa âm... bởi vì tiếng động kia làm chúng bị át đi. Đúng thế, tôi cho rằng chỉ sau khi chết, chúng ta mới có thể nghe thấy được thật sự mà thôi.
- Cụ đã nói với tôi là cụ chẳng tin vào...
- Sự bất tử của linh hồn? Tôi đã nói với ông như thế ư?... Phải, ông xem ra có lý. Nhưng, xin ông hiểu cho, tôi cũng chẳng tin vào điều ngược lại.
Và thấy ta im lặng, cụ lắc đầu nói tiếp, giọng trang trọng:
- Ông có nhận thấy rằng ở thế gian này, Chúa luôn luôn im lặng hay không? Chỉ có quỷ lên tiếng mà thôi. Hay ít ra, hay ít ra... - cụ nói tiếp... - dù ta có lắng nghe thế nào đi nữa, thì mãi mãi cũng chỉ nghe thấy được tiếng nói của quỷ. Tai chúng ta không nghe được tiếng nói của Chúa. Lời Chúa phán! Thỉnh thoảng có bao giờ ông tự hỏi liệu Chúa phán lời gì không?... Ôi! Tôi không nói với ông về cái lời mà người ta đã chuyển dịch sang ngôn ngữ của loài người đâu... Ông nhớ câu Phúc âm là: “Khởi thủy là Lời”. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng lời Chúa phán, đó là toàn bộ vũ trụ. Nhưng vũ trụ đã bị quỷ chiếm đoạt. Tiếng của quỷ bây giờ át đi lời phán của Chúa. Ôi! Xin ông cho biết, ông không tin rằng tiếng nói cuối cùng vẫn cứ sẽ thuộc về Chúa hay sao?... Và nếu thời gian, sau cái chết, không tồn tại nữa, nếu chúng ta bước ngay vào cõi Vĩnh Hằng, ông có nghĩ rằng lúc đó chúng ta sẽ có thể nghe thấy được lời Chúa phán... một cách trực tiếp hay không?
Cụ bắt đầu rung cảm dữ dội, như sắp ngã vật xuống đến nơi, rồi bỗng òa lên nức nở:
- Không! Không! - Cụ thốt lên ấp úng; - quỷ và Chúa chỉ là một; hai bên đồng tình với nhau. Chúng ta cố tin rằng mọi cái xấu xa trên Trái Đất này đều từ quỷ mà ra; nhưng đấy chính là vì nếu không thế, chúng ta chẳng làm sao tha thứ được cho Chúa. Chúa đùa giỡn với chúng ta như mèo vờn chuột... Và sau đó Người còn đòi hỏi chúng ta phải biết ơn Người. Biết ơn về nỗi gì? Nỗi gì?...
Rồi ngả người về phía ta:
- Và ông có biết. Người đã làm điều gì khủng khiếp nhất hay không?... Đó là hy sinh chính con trai mình để cứu vớt chúng ta. Con trai Người! Con trai Người!... Độc ác, đó là thuộc tính đầu tiên của Chúa.
Cụ nằm vật ra giường, quay mặt vào tường. Toàn thân cụ còn giần giật rung lên một hồi lâu, rồi hình như cụ ngủ thiếp đi; ta liền bỏ ra về.
Cụ chẳng nói với ta một lời nào về Boris; nhưng ta nghĩ là cần phải thấy nỗi đau đớn của cụ biểu hiện gián tiếp qua sự tuyệt vọng thần bí kia, nỗi đau đớn lạ lùng quá nên ta không thể nào chăm chú nhìn thẳng vào được.
Ta được Olivier cho biết Bernard đã trở về nhà với cha anh; và thực tình mà nói, như thế thì hơn. Tình cờ gặp chú bé Caloub cho biết tin ông thẩm phán già không được khỏe, Bernard chỉ còn lắng nghe trái tim mình mà thôi. Chúng tôi sẽ gặp lại nhau tối mai, bởi Profitendieu đã mời ta đến ăn tối với Molinier, Pauline và hai con. Ta rất tò mò muốn biết Caloub”.
Hết