S
au khi Bronja chết một tháng, bà Sophroniska đến ký túc xá thăm, Boris mới biết tin. Từ ngày nhận được lá thư buồn rầu của cô bạn gái, Boris bặt hẳn tin tức. Chú nhìn thấy Sophroniska bước vào phòng khách của bà Vedel, nơi chú thường quen tới ngồi vào giờ ra chơi, và vì bà mặc đồ tang, nên bà chưa kịp nói gì, chú đã hiểu hết. Chỉ có hai người trong phòng. Bà Sophroniska ôm Boris và cả hai cùng khóc. Bà chỉ có thể lặp đi lặp lại: - “Tội nghiệp cháu tôi… Tội nghiệp cháu tôi…”, dường như chủ yếu là Boris mới đáng thương hại, và dường như bà quên bẵng nỗi buồn của người mẹ mất con trước nỗi buồn mênh mông của đứa trẻ này.
Bà Vedel được báo tin liền chạy đến, và Boris vẫn còn đang nghẹn ngào nức nở, lui ra xa để hai bà trò chuyện với nhau. Chú chỉ muốn các bà đừng nói về Bronja. Bà Vedel không biết cô bé nên nói về em như một đứa trẻ bình thường. Ngay những câu hỏi bà đặt ra, Boris cũng thấy sao có vẻ tầm thường vô vị đến mức chẳng tế nhị gì cả. Chú muốn Sophroniska đừng trả lời và khổ tâm thấy bà giãi bày nỗi buồn của bà. Chú thu nỗi buồn của mình lại, cất giấu nó đi như cất giấu kho báu.
Chắc chắn là Bronja nghĩ đến chú khi cô bé hỏi mẹ ít ngày trước khi chết:
- Má ơi, con muốn biết quá đi mất… Má nói đi: một mối diễm tình đúng ra gọi là gì nhỉ?
Những lời nẫu ruột nẫu gan đó, Boris muốn chỉ một mình mình biết thôi.
Bà Vedel mời uống trà. Có một tách cho Boris, chú uống vội uống vàng khi giờ ra chơi sắp hết; rồi chú chào từ biệt bà Sophroniska, hôm sau bà lại lên đường về Ba Lan vì nhiều công việc đang chờ.
Chú cảm thấy cả thế gian này sao hoang vắng đến thế. Mẹ chú, ở quá xa, luôn luôn vắng mặt; ông nội quá già; ngay cả Bernard cũng không còn ở đấy nữa; gần anh, chú có được lòng tin… Một tâm hồn dịu dàng như tâm hồn chú cần hiến dâng cái cao quý và trong trắng của mình cho một người nào đấy. Chú không có đủ kiêu ngạo để tự hài lòng với mình. Chú đã quá yêu mến Bronja nên không thể hy vọng có lúc tìm lại được cái lẽ yêu đương đã mất đi cùng với cái chết của cô bạn. Từ nay trở đi, chẳng còn Bronja nữa, chú làm sao tin được là có thiên thần mà hai đứa từng ước ao là được gặp? Ngay đến vòm trời của chú bây giờ cũng vắng lạnh.
Boris vào trong phòng học như người ta lao xuống địa ngục. Chắc chắn chú rất có thể kết bạn với Gontran de Passavant; đấy là một thiếu niên tử tế và cả hai cùng tuổi với nhau; nhưng Gontran chỉ miệt mài học tập. Ngay Philippe Adamanti cũng chẳng phải là đứa tồi; cậu ta chẳng đòi hỏi gì hơn là được gắn bó với Boris; nhưng cậu để Ghéridanisol lôi kéo đến mức không dám có lấy một tình cảm cá nhân nào; cậu bám theo gót, còn Ghéridanisol thì lập tức rảo bước; mà Ghéridanisol không thể chịu đựng được Boris. Giọng nói du dương, nét duyên dáng, vẻ yêu kiều của chú, tất cả đều làm Ghéridanisol bực mình, tức giận. Cứ như thể hễ nhìn thấy mặt là bản năng ghét cay ghét đắng ở hắn trỗi dậy, chẳng khác nào trong một bầy đàn, con khỏe ăn hiếp con yếu. Có lẽ hắn đã nghe theo lời dạy bảo của ông anh họ, và lòng căm ghét của hắn phần nào mang tính chất lý thuyết, bởi lẽ lòng căm ghét ấy dưới mắt hắn mang dáng dấp của thái độ bài xích. Hắn tìm thấy những lý do để sung sướng được căm ghét. Hắn hiểu rất rõ Boris nhạy cảm như thế nào khi bị hắn tỏ vẻ khinh bỉ; hắn thích thú và giả vờ mưu mô tính kế với Georges và Phiphi chỉ với mục đích được thấy trong ánh mắt của Boris chứa chất một nỗi băn khoăn lo lắng gì đấy.
- Chà chà! Nó có vẻ tò mò muốn biết lắm đây, - Georges nói. - Ta có nên cho nó biết không?
- Đừng mất công. Nó cóc hiểu gì đâu.
“Nó cóc hiểu gì đâu”, “Nó đếch dám đâu”, “Nó cóc biết đâu”. Chúng luôn luôn hất vào mặt chú những công thức đó. Chú nẫu ruột nẫu gan vì bị loại trừ. Thật ra chú không hiểu rõ cái tên gọi giễu nhục nhã người ta gán cho chú: “Nhát như cáy”; hoặc chú tức giận vì hiểu ra. Nào chú có tiếc gì để chứng tỏ là chú đâu có hèn nhát như người ta tưởng!
- Em không thể nào chịu nổi thằng Boris, - Ghéridanisol nói với Strouvilhou. - Tại sao anh yêu cầu em để cho nó được yên. Nó cứ luôn luôn nhìn về phía em… Hôm nọ nó làm cho bọn em cười bò cả ra vì nó tưởng rằng “một người đàn bà trần truồng” có nghĩa là “một người đàn bà có râu”55. Georges chế giễu nó. Và khi Boris hiểu ra là mình lầm, em cứ tưởng nó sắp khóc nhè đến nơi.
55 “Une femme à poil” và “Une femme à barbe”. Có sự gần gũi giữa “poil” (nghĩa đen là: lông) và “barbe” (nghĩa đen là: râu) nên Boris mới lầm. Không thể hiện được sang tiếng Việt.
Rồi Ghéridanisol hỏi dồn dập ông anh họ hết câu này đến câu khác; cuối cùng Strouvilhou trao cho thằng em tấm bùa của Boris và cách sử dụng.
Mấy hôm sau, khi vào phòng học, Boris thấy trên bàn mình mảnh giấy mà hầu như chú không còn nhớ đến nữa. Chú đã gạt nó ra khỏi ký ức cùng với tất cả những gì dính dáng đến cái “ma thuật” ở tuổi ấu thơ của chú, mà ngày nay chú lấy làm hổ thẹn. Thoạt đầu chú không nhận ra, vì Ghéridanisol đã cẩn thận đóng khung mấy lời thần chú:
HƠI ĐỐT - ĐIỆN THOẠI - TRĂM NGÀN RÚP
bằng một đường viền rộng màu đỏ và đen, có trang trí những hình tiểu yêu nho nhỏ tục tĩu, quả thật là vẽ khá đẹp. Ghéridanisol nghĩ rằng làm thế mảnh giấy sẽ mang dáng vẻ kỳ ảo khiến Boris bối rối.
Có thể đấy chỉ là một trò chơi của hắn; nhưng trò chơi thành công vượt bậc. Boris đỏ dừ mặt, chẳng nói năng gì, nhìn sang phải, sang trái, và không thấy Ghéridanisol nấp sau cánh cửa đang theo dõi mình. Boris chẳng còn nghi ngờ gì nữa, mà cũng chẳng hiểu nổi tại sao tấm bùa lại ở kia; hình như nó từ trên trời rơi xuống, hay đúng hơn là từ địa ngục ngoi lên. Chắc chắn lứa tuổi của Boris là lứa tuổi nhún vai coi thường những trò ma mãnh của học sinh ấy; nhưng chúng lại khơi dậy một quá khứ vẩn đục. Boris cầm tấm bùa và nhét vào trong áo va-rơi. Từ lúc đó cho đến hết ngày, ký ức về những trò thực hành “ma thuật” ám ảnh chú. Chú đấu tranh cưỡng lại sự năn nỉ ảm đạm cho đến khi màn đêm buông xuống, nhưng rồi chẳng được gì hỗ trợ trong cuộc đấu tranh nên khi vừa bước vào phòng riêng, chú liền sụp xuống.
Chú có cảm giác như đang lịm đi, đang đắm chìm, nhưng lại thích thú được lịm đi và tìm thấy khoái lạc ngay trong trạng thái này.
Tuy vậy, bất chấp nỗi tuyệt vọng, ngay trong tâm trạng khắc khoải cô quạnh, chú vẫn lưu giữ được khá nhiều tình cảm dịu dàng và nỗi xót xa trước thái độ ra vẻ coi thường của các bạn đến mức chú có thể sẵn sàng liều mạng làm bất cứ việc gì, nguy hiểm, phi lý, cốt sao giành lấy được chút nể nang.
Cơ hội đến ngay với chú.
Sau khi phải từ bỏ trò lưu hành tiền giả, Ghéridanisol, Georges và Phiphi chẳng ngơi tay ngơi chân lâu. Các trò chơi kỳ cục vặt vãnh của chúng trong những ngày đầu chỉ là các màn phụ. Trí tưởng tượng của Ghéridanisol nghĩ ngay ra được một trò lý thú hơn.
Mới đầu, lý do tồn tại của Hội những người hùng chỉ là để không kết nạp Boris vào hội. Nhưng Ghéridanisol chợt thấy rằng cứ kết nạp chú vào hội mới là tai ác hơn; đã vào hội tất nhiên chú phải đi đến những cam kết và thế là sau đó có thể lôi kéo chú đến chỗ thực hiện một hành động quái gở nào đấy. Từ đó hắn trăn trở với ý nghĩ này; và như khi người ta làm gì bao giờ chẳng thế, Ghéridanisol nghĩ tới bản thân sự việc thì ít mà chủ yếu nghĩ cách làm thế nào để đạt tới thành công; việc này hình như chẳng có ý nghĩa gì hết, nhưng lại có thể giải thích nhiều tội lỗi. Tóm lại, Ghéridanisol là đứa độc ác, nhưng hắn ta lại cảm thấy cần che giấu thói độc ác của mình, ít nhất là trước con mắt của Phiphi. Phiphi chẳng có gì là tàn ác, cho đến phút cuối cùng cậu vẫn cứ tưởng đây chỉ là một trò chơi.
Hội nào mà chẳng có phương châm. Ghéridanisol vốn có ý định ngấm ngầm nên đề nghị lấy phương châm là: “Người hùng không tham sống sợ chết”. Phương châm này được chấp nhận, và theo chúng, đó là lời của Cicéron56. Georges đề nghị một hình xăm ở cánh tay phải để làm dấu hiệu đặc trưng, nhưng Phiphi sợ đau nên bảo rằng chỉ ở các thành phố cảng mới có thể tìm được các thợ xăm lành nghề. Hơn nữa, Ghéridanisol không tán thành vì hình xăm chẳng bao giờ có thể xóa đi được, nên sau này có thể làm cho chúng khó chịu.
56 Cicéron (106 - 43 trước công nguyên): Nhà hùng biện La Mã.
Mà xét cho cùng, biểu hiện đặc trưng chẳng phải là một trong những thứ cần thiết nhất; những ai gia nhập hội chỉ cần trịnh trọng đọc lời cam kết là được rồi.
Dạo chơi trò lưu hành tiền giả, vấn đề đặt ra là phải có cái gì bảo đảm, vì thế mà Georges đã xuất trình các thư từ của bố. Nhưng chúng đã thôi không nghĩ đến chuyện đó nữa. Cũng may là những đứa trẻ này chẳng kiên trì gì lắm. Rút cục, ngay các “điều kiện kết nạp”, chúng cũng gạt bỏ hầu hết, chỉ cốt là có “những phẩm chất cần thiết” mà thôi. Để làm gì cơ chứ, bởi vì rõ rệt là cả ba đứa đều “ở trong hội” còn Boris thì “không ở trong hội”. Trái lại, chúng ra quyết định “kẻ nào nhát gan sẽ bị coi là tên phản bội và sẽ bị mãi mãi tống cổ ra khỏi hội”. Ghéridanisol là đứa rắp tâm kết nạp Boris vào hội nên nhấn rất mạnh vào điểm này.
Phải thừa nhận rằng nếu không có Boris, trò chơi buồn tẻ lắm và dũng khí của hội chẳng biết dùng vào việc gì. Để lừa phỉnh được thằng bé, Georges tỏ ra có khả năng hơn Ghéridanisol. Ghéridanisol có thể làm chú ngờ vực; còn Phiphi là đứa không quỷ quyệt quá quắt nên chẳng muốn dính líu vào là hơn.
Trong chuyện ghê tởm này, điều kinh khủng nhất theo tôi có lẽ là cái trò tỏ vẻ thân thiện mà Georges nhận sắm vai. Từ trước đến nay có thể nói nó chẳng buồn chú ý đến Boris, thế mà bây giờ bỗng nó làm bộ thân thiết tri kỷ tri âm. Và tôi đâm ngờ chính bản thân nó cũng bị chi phối bởi vai kịch của nó cũng nên, các tình cảm vờ vịt của nó trở nên gần như thành thực cũng nên, có thể là từ khi được Boris đáp lại. Nó tỏ vẻ ân cần, âu yếm với Boris; theo sự chỉ đạo của Ghéridanisol, nó bắt chuyện với chú... Và Boris đang khao khát một chút nể nang và yêu thương, nên đã bị chinh phục ngay từ những lời lẽ đầu tiên.
Ghéridanisol liền phác ra kế hoạch rồi cho Phiphi và Georges biết. Đó là hội viên nào trúng thăm thì phải trải qua một cuộc “thử thách”; và để làm Phiphi được hoàn toàn yên lòng, hắn bảo là đã có cách thu xếp sao cho kẻ trúng thăm có thể là Boris mà thôi. Chuyện thử thách nhằm mục đích xem Boris có thật là đứa dũng cảm không.
Còn cụ thể thử thách thế nào, Ghéridanisol chưa hé ra cho biết. Hắn ngại Phiphi có thể phản đối gì chăng.
- Ồ! Chịu thôi, cái đó thì tớ chịu; - quả thật Phiphi nói toạc ra như thế sau đó một lúc khi Ghéridanisol bắt đầu hở ra là khẩu súng lục của lão Lapère có thể sẽ được dùng vào trò chơi này.
- Mày đến là ngu! Vì đây chỉ là chuyện đùa thôi mà, - Georges đã tán thành trò chơi nên cãi lại.
- Vả chăng, mày biết đấy, - Ghéri đế thêm, - nếu mày thích làm bộ ngu ngốc, mày cứ việc nói toạc ra đi. Người ta chẳng thèm đến mày đâu.
Ghéridanisol biết rằng lý lẽ ấy bao giờ cũng tác động được đến Phiphi; và hắn đã chuẩn bị sẵn tờ cam kết để mỗi hội viên của hội ghi tên mình vào.
- Cần phải nói toạc ra như thế, bởi vì sau khi đã sa bút kí rồi thì sẽ quá muộn.
- Thôi! Đừng cáu, - Phiphi nói. - Đưa tờ giấy ấy cho tớ. - Và cậu ta ký.
- Tao thì tao đồng ý mày, - Georges vừa nói vừa âu yếm quàng vai Boris, còn thằng Ghéridanisol nó không đồng ý mày đâu.
- Sao cơ?
- Bởi vì nó không tin. Nó bảo là mày sẽ mất tinh thần.
- Sao nó lại bảo thế?
- Là mày sẽ lỉnh đi ngay từ cuộc thử thách đầu tiên.
- Rồi sẽ biết.
- Có thật là mày dám bắt thăm không?
- Tất nhiên.
- Nhưng mày có biết là phải cam kết gì không?
Boris không biết, nhưng chú lại muốn biết. Georges liền giải thích: “Người hùng không tham sống sợ chết.” Để rồi xem.
Boris cảm thấy đầu óc quay cuồng, nhưng chú cứng rắn lên và che giấu sự bối rối.
- Cậu đã ký thật rồi ư?
- Đây, nhìn mà xem. - Và Georges chìa ra tờ giấy trong đó Boris đọc được tên của ba người.
- Có phải là..., - chú bắt đầu nói một cách sợ sệt.
- Có phải là làm sao?... Georges ngắt lời một cách bốp chát đến nỗi Boris chẳng dám nói tiếp nữa. Georges thừa hiểu là Boris định nói gì: đó là những đứa kia cũng cam kết ư, và có chắc là chúng chẳng mất tinh thần không.
- Không, có gì đâu, - chú nói, nhưng ngay lúc ấy chú bắt đầu nghi ngờ mấy đứa kia; chú bắt đầu ngờ rằng bọn chúng có cái gì đấy không nói ra, và chơi không sòng phẳng. - Nhưng thôi kệ, - chú lập tức lại nghĩ; - bọn nó có mất tinh thần hay không thì can hệ gì; mình sẽ chứng tỏ cho bọn nó là mình can trường hơn. Rồi chú nhìn chòng chọc vào Georges:
- Hãy nói với Ghéri là bọn mày có thể tin ở tao.
- Thế mày ký chứ?
Ôi! Có cần thiết gì nữa đâu. Chú đã hứa rồi. Chú chỉ nói:
- Nếu cậu muốn.
Và dưới chữ ký của ba Người hùng, trên tờ giấy độc địa, chú ghi tên mình bằng hàng chữ to nắn nót.
Georges đắc thắng mang luôn tờ giấy đến cho hai đứa kia. Bọn chúng thừa nhận là Georges đã hành động hết sức hiên ngang. Ba đứa bàn bạc với nhau.
- Đã đành là súng sẽ chẳng nạp đạn đâu! Vả chăng làm gì có đạn mà nạp, - song Phiphi vẫn còn lo sợ vì cậu ta nghe nói đôi khi xúc động quá cũng đủ gây chết người. Cậu khẳng định có lần nghe bố kể một trường hợp giả vờ hành hình... Nhưng Georges gạt phắt đi:
- Bố mày là người miền Nam.
Không, Ghéridanisol sẽ không nạp đạn. Chẳng cần thiết. Viên đạn mà cụ La Pérouse một hôm đã nạp vào súng, cụ chưa lấy ra. Điều ấy Ghéridanisol rõ, nhưng hắn không nói cho mấy đứa kia biết.
Chúng thả bốn mẩu giấy nhỏ ghi tên vào trong một cái mũ; các mẩu giấy giống nhau và cùng gấp theo một kiểu. Ghéridanisol là đứa phụ trách “rút” thăm, đã ghi thêm tên Boris vào một phiếu thứ năm giấu trong lòng bàn tay; và làm như tình cờ rút trúng cái phiếu ấy. Boris nghi là có sự gian lận; nhưng chú chẳng nói năng gì. Cãi lại làm gì? Chú biết là mình nguy rồi. Chú chẳng có một động tác nào để tự bảo vệ; mà thậm chí nếu rút thăm trúng vào một trong mấy đứa kia, chú cũng sẽ xung phong thay thế, vì chú tuyệt vọng vô cùng.
- Tội nghiệp cho mày, mày không gặp may, - Georges nói như để an ủi. Nó nói lạc cả giọng đến nỗi Boris nhìn nó một cách buồn bã.
- Chắc chắn là thế, - chú nói.
Sau đó bọn chúng quyết định tiến hành diễn tập. Nhưng vì bất chợt có thể có người vào, nên chúng thỏa thuận là sẽ không sử dụng súng lục ngay. Chỉ đến phút cuối cùng, khi nào chơi “thật sự” mới lôi súng ở trong hộp ra. Đừng nên làm điều gì khiến người ta phải nghi ngờ.
Thế là hôm ấy chúng tạm thỏa thuận với nhau về ngày giờ và địa điểm; địa điểm được đánh dấu bằng một cái vòng phấn vẽ trên sàn, trong phòng học, phía bên phải bục của thầy giáo, ở chỗ góc tường hõm vào do có một cái cửa bịt kín, cửa này xưa kia mở thông ra hành lang có mái vòm. Còn về giờ giấc thì sẽ là giờ học. Sự việc phải diễn ra trước mắt cả bọn học sinh, khiến chúng sẽ phải sững sờ há hốc cả ra.
Việc tập dượt diễn ra khi trong phòng không có ai, ngoài ba hội viên chứng kiến. Song xét cho cùng, việc tập dượt này cũng chẳng có ý nghĩa gì lắm. Duy có điều ghi nhận được là từ chỗ Boris ngồi đến chỗ đánh dấu vòng phấn, khoảng cách đúng mười hai bước.
- Nếu mày không nhát gan, mày sẽ không bước thêm một bước nào, - Georges bảo.
- Tao sẽ không nhát gan, - Boris nói và thấy nhục vì bị nỗi nghi ngờ dai dẳng mãi. Thái độ cương quyết của thằng bé bắt đầu tác động mạnh mẽ đến ba đứa kia. Phiphi cho rằng có lẽ nên dừng cái trò đùa ở đấy. Nhưng Ghéridanisol tỏ ra quyết đẩy chuyện đùa nghịch đến cùng.
- Này! Đến mai nhé, - hắn nói, với nụ cười kỳ dị chỉ hơi nhếch mép.
- Ta ôm hôn nó chứ! - Phiphi hào hứng thốt lên. Cậu ta nghĩ đến chuyện các hiệp sĩ can trường ôm hôn nhau; thế là cậu ôm ghì Boris. Boris vất vả lắm mới kìm được nước mắt khi Phiphi hôn cái hôn kêu đánh chụt lên đôi má. Cả Georges và Ghéri đều không làm theo Phiphi, Georges cho rằng cách xử sự của Phiphi là không đúng mực lắm. Còn Ghéri thì hắn đếch cần!...