N
gay tối hôm ấy, trong lúc Édouard trò chuyện với thằng cháu Georges, Olivier tiếp Armand sau khi Bernard đã ra về.
Armand Vedel trông chẳng còn nhận ra được nữa; mày râu nhẵn nhụi, mặt mũi tươi cười và vầng trán ngẩng cao; thân hình bó quá sát trong bộ com-lê mới cứng, anh cảm thấy có lẽ hơi lố bịch một chút.
- Lẽ ra tớ đến thăm cậu sớm hơn, nhưng lắm việc quá đi mất!... Cậu có biết bây giờ tớ là thư ký của Passavant không? Hay có thể nói: là chủ bút tờ tạp chí do ông ta điều khiển. Tớ sẽ không đề nghị cậu cộng tác đâu, vì Passavant có vẻ khá bực mình với cậu. Vả chăng, tờ tạp chí này dứt khoát nghiêng về phe tả. Đó là lý do tại sao nó đã bắt đầu bằng cách gạt Bercail và các thơ thẩn của hắn ta…
- Nó cần cóc gì, - Olivier nói.
- Đấy là lý do vì sao, ngược lại, nó đã tiếp nhận bài Cái bình để đái đêm của tớ, bài đó, nhân tiện đây xin nói là sẽ đề tặng cậu, nếu cậu cho phép.
- Tớ cần cóc gì.
- Thậm chí Passavant còn muốn xếp bài thơ thiên tài của tớ ở ngay đầu của số đầu tiên; nhưng tớ không tán thành vì do bản tính khiêm tốn của tớ, và những lời tán tụng của ông ta làm cho tớ ngượng vô cùng. Nếu tớ yên chí là không làm mệt tai một kẻ mới ốm dậy như cậu, tớ sẽ kể cho cậu nghe cuộc tiếp kiến đầu tiên của tớ với tác giả nổi tiếng của tiểu thuyết Cái xà đơn, mà trước đó tớ chỉ được biết qua những lời cậu kể mà thôi.
- Tớ chẳng có việc gì để làm tốt hơn là lắng nghe cậu.
- Khói thuốc không làm cậu khó chịu chứ?
- Tớ cũng sẽ hút để cho cậu được yên tâm.
- Cần phải nói để cậu biết, - Armand châm một điếu thuốc và bắt đầu nói, - là việc cậu rút lui không tham gia nữa đã làm cho ông bá tước của chúng tớ đâm lúng túng. Chẳng phải nói nịnh cậu đâu, nhưng thật chẳng dễ dàng thay thế một người tập trung bao nhiêu năng khiếu, đức độ, phẩm chất như cậu khiến cậu trở thành một trong những…
- Tóm lại… - Olivier ngắt lời vì anh bực không chịu được giọng mỉa mai chua chát của bạn.
- Tóm lại, Passavant cần một thư ký. Tình cờ ông ấy quen biết một người tên là Strouvilhou, mà tình cờ bản thân tớ cũng quen biết, vì người này là anh họ51 và là đại diện phụ huynh của một đứa ở trong ký túc xá, tình cờ Strouvilhou lại quen biết Jean Cob-Lafleur mà cậu cũng quen biết đấy.
51 Nguyên văn: “Oncle” (cậu). Có lẽ nhầm, vì Strouvilhou chỉ là anh họ của Ghéridanisol.
- Nào tớ có quen biết đâu, - Olivier nói.
- Ô kìa! Ông bạn ơi, cậu có quen biết nó mới phải chứ. Nó là một đứa khác thường, tuyệt vời; một loại nhóc con héo hon, nhăn nheo, hóa trang, sống bằng rượu khai vị và khi say mèm cũng nặn ra được những câu thơ hay hay. Cậu sẽ đọc trong số tạp chí đầu tay của chúng tớ. Strouvilhou liền có sáng kiến tiến cử với Passavant để thay chân của cậu. Cậu có thể hình dung nó bước vào tòa dinh thự ở phố Babylone. Cần phải nói để cậu biết, quần áo của Cob-Lafleur thì bẩn ơi là bẩn, mớ tóc màu hoe nhạt thì rũ xuống tận đôi vai, và có vẻ như cả tuần lễ nó chưa tắm. Passavant luôn luôn chủ trương vượt lên trên tình huống, nên khẳng định là rất thích Cob-La- fleur. Cob-Lafleur biết tỏ ra dịu dàng, tươi tỉnh, rụt rè. Khi nó muốn, nó có thể giống như Gringoire của Banville52.
52 Banville (1823 - 1891): Nhà thơ, nhà văn Pháp. Gringoire là nhân vật trong một vở hài kịch cùng tên của ông.
Tóm lại, Passavant tỏ ra bị mê hoặc và đã quyết định tuyển dụng nó. Cần phải nói để cậu biết rằng Lafleur không một xu dính túi… Lúc nó đứng dậy để ra về: “Thưa ông Bá tước, trước khi tạm biệt ông, em thấy nên cho ông biết là em có vài khuyết điểm. - Chúng ta ai mà chẳng có khuyết điểm. - Và vài tật xấu. Em hút thuốc phiện. - Cái đó có hề chi, - Passavant nói, ông ta không hề bối rối về chuyện vặt ấy; - tôi có loại tốt để anh hút. - Vâng, nhưng khi hút vào rồi, - Lafleur lại nói: - em hoàn toàn mất hết ý niệm về chính tả. - Passavant tưởng là nó nói đùa, nên cố gượng cười và chìa tay ra bắt tay nó. Lafleur nói tiếp: - Rồi em hút cần sa. - Thỉnh thoảng tôi cũng hút, - Passavant nói. - Vâng, do ảnh hưởng của cần sa, em không sao giữ được cho mình đừng ăn cắp. - Passavant bắt đầu thấy rằng Cob-Lafleur coi thường ông ta; và Lafleur được thể, tiếp tục nói càng hăng: - Thế rồi, em uống ête, và thế là em xé tan nát, em đập phá tất; - rồi nó vớ lấy một chiếc lọ pha lê và làm ra vẻ định quật vào lò sưởi. Passavant giằng lấy cái lọ: - Cảm ơn anh đã báo cho tôi biết trước.
- Và ông ta đã tống cổ nó ra cửa chứ?
- Rồi ông nhìn qua cửa sổ theo dõi xem Lafleur khi bỏ đi có dúi quả bom nào vào tầng hầm tòa dinh thự của ông không.
- Nhưng tại sao thằng Lafleur của cậu lại làm như thế?
- Olivier hỏi sau một lát im lặng. - Theo như cậu kể với tớ, thì nó rất cần chỗ làm việc ấy cơ mà.
- Ông bạn ơi, dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng có những kẻ cảm thấy nhu cầu hành động trái với lợi ích của bản thân mình chứ. Với lại, cậu có muốn tớ nói cho biết không: Lafleur… cảnh xa hoa của Passavant đã làm cho nó chán ngấy; cả vẻ lịch sự của ông ta; cả những cung cách dễ thương, thái độ chiều chuộng, bộ tịch ra vẻ ta đây cao thượng của ông ta. Đúng thế, những cái đó làm nó ghê tởm. Và tớ nói thêm là tớ thông cảm điều đó lắm… Thực ra, Passavant của cậu làm phát mửa.
- Tại sao cậu lại nói: “Passavant của cậu?” Cậu biết là tớ có gặp ông ta nữa đâu. Với lại, tại sao cậu lại nhận của ông ta cái công việc ấy nếu cậu thấy ông ta ghê tởm đến thế?
- Chính vì tớ thích những gì làm cho tớ ghê tởm… kể từ cái con người sạch sẽ hoặc bẩn thỉu của tớ đây. Với lại, thực ra Cob-Lafleur là đứa rụt rè; nó chẳng nói ra mọi chuyện đó đâu nếu nó không cảm thấy ngượng ngập.
- Ồ! Chẳng hạn như…
- Tất nhiên. Nó ngượng ngập và ghê tởm khi cảm thấy mình ngượng ngập trước một kẻ mà thực ra nó khinh bỉ. Chính vì muốn che giấu nỗi ngượng ngập của mình mà nó đã làm bộ ta đây cứng đầu cứng cổ.
- Tớ thấy cái đó ngớ ngẩn lắm.
- Ông bạn ơi, không phải thiên hạ ai cũng thông minh như cậu đâu.
- Lần trước cậu đã nói như thế với tớ rồi.
- Nhớ dai đấy nhỉ!
Olivier tỏ vẻ nhất quyết đương đầu:
- Tớ cố quên đi những lời đùa cợt của cậu, - anh nói. Nhưng lần trước, cuối cùng cậu đã nói với tớ một cách nghiêm túc. Cậu đã nói với tớ những điều mà tớ không thể nào quên được.
Ánh mắt nhìn của Armand sầm lại; anh cố cười gượng:
- Ồ! Ông bạn ơi, hôm nọ tớ đã nói với cậu theo kiểu cậu muốn nghe. Cậu đòi nghe khúc nhạc điệu thứ, nên tớ đã chơi một bài ca ai oán với những uẩn khúc và các day dứt theo kiểu Pascal… Cậu muốn gì bây giờ nào? Tớ chỉ thành thực khi nào tớ đùa cợt thôi.
- Cậu sẽ chẳng bao giờ làm tớ tin được rằng cậu không thành thực khi nói với tớ như cậu đã nói. Chính bây giờ mới là lúc cậu đóng kịch.
- Anh chàng ngây thơ ơi là ngây thơ, với tâm hồn như trên mây trên gió! Cứ như mỗi người chúng ta chẳng phải là đang đóng kịch một cách thành thực và có ý thức ít hay nhiều. Ông bạn ơi, cuộc đời chỉ là một tấn tuồng. Nhưng sự khác nhau giữa cậu và tớ, là ở chỗ tớ biết mình đóng kịch; trong khi…
- Trong khi… - Olivier nhắc lại một cách khiêu khích.
- Trong khi, để khỏi phải nói về cậu, như ông bố tớ chẳng hạn đóng vai mục sư mà có biết gì đâu. Dù tớ nói gì hay làm gì, bao giờ một phần cá nhân tớ cũng đứng lại ở phía sau, xem cái phần kia nói năng, hành động, quan sát nó, coi khinh, huýt sáo, la ó, hoặc vỗ tay tán thưởng nó. Khi người ta bị chia xẻ như thế thì cậu bảo còn thành thực làm sao được? Thậm chí tớ chẳng hiểu nổi cái từ ngữ ấy muốn nói lên điều gì. Nếu tớ buồn, tớ thấy là tớ lố lăng nên bật cười lên; khi tớ vui, tớ đùa bỡn ngớ ngẩn đến nỗi tớ muốn rớt nước mắt; chẳng làm thế nào được.
- Cậu làm cho cả tớ cũng muốn rớt nước mắt đây, ông bạn tội nghiệp ơi. Tớ có ngờ đâu cậu lại điên rồ đến thế.
Armand nhún vai và đổi hẳn sang giọng khác:
- Để an ủi cậu, cậu có muốn biết số đầu tiên của bọn tớ gồm những bài gì không? Sẽ có bài Cái bình để đái đêm của tớ; bốn bài của Cob-Lafleur; một bài đối thoại của Jarry; mấy bài thơ văn xuôi của thằng nhỏ Ghéridanisol học sinh ở ký túc xá; rồi đến bài Chiếc bàn là, một tiểu luận có tầm bao quát về phê bình đại cương, trong đó các khuynh hướng của tạp chí sẽ được xác định. Bọn tớ đã góp công sức của lắm người để đẻ ra kiệt tác đó.
Olivier chẳng biết nói làm sao nên lập luận một cách vụng về:
- Chẳng có kiệt tác nào lại là kết quả của một sự cộng tác.
Armand phá lên cười:
- Nhưng cậu ơi, tớ nói kiệt tác là để đùa cợt thế thôi. Nói đúng ra, gọi là tác phẩm cũng chẳng đáng. Và trước hết, sẽ cần phải biết “kiệt tác” nghĩa là thế nào. Chính là bài Chiếc bàn là nhằm làm sáng tỏ vấn đề ấy. Có hàng đống những tác phẩm người ta khen lấy khen để, không hề ngần ngại, bởi vì ai nấy đều khen cả, và cho tới nay chẳng ai định nói hoặc dám nói là dở òm. Chẳng hạn, ở đầu số tạp chí, bọn tớ sẽ cho in lại mấy bức tranh nàng La Joconde có dán thêm một đôi ria mép. Cậu sẽ thấy, ông bạn ơi, gây ấn tượng choáng váng phải biết đấy!
- Phải chăng điều đó muốn nói là cậu xem bức La Joconde như một cái gì ngớ ngẩn?
- Hoàn toàn không phải thế, cậu ạ. (Tuy tớ thấy nó cũng chẳng phải là tuyệt tác). Cậu không hiểu tớ. Cái ngớ ngẩn là ở chỗ người ta hết lời tán dương nó. Thiên hạ có thói quen là cứ phải ngả mũ cầm tay khi nói đến cái mà người ta gọi là những “kiệt tác”. Chiếc bàn là (vả chăng, đấy cũng sẽ là nhan đề chung của tạp chí) nhằm mục đích biến thái độ tôn sùng ấy thành trò cười, nhằm làm mất tín nhiệm… Còn một biện pháp tốt nữa là tán dương làm cho bạn đọc khen lấy khen để một tác phẩm ngớ ngẩn nào đấy (chẳng hạn bài Cái bình để đái đêm của tớ) của một tác giả hoàn toàn không có lương tri.
- Passavant tán thành tất cả những cái đó ư?
- Ông ta khoái lắm.
- Tớ thấy tớ đã rút lui là phải.
- Rút lui… Sớm hay muộn, ông bạn ơi, và dù muốn hay không, người ta thế nào rồi cũng phải đi đến rút lui thôi. Ý tưởng khôn ngoan ấy lẽ đương nhiên bảo tớ đứng dậy ra về.
- Ở lại thêm lúc nữa đã, gã bông phèng… Do đâu cậu lại bảo rằng cha cậu đóng vai mục sư? Thế cậu cho rằng cha cậu không có đức tin ư?
- Ông già tớ đã thu xếp cuộc sống của ông thế nào mà cuối cùng không có quyền cũng chẳng có cách trốn tránh cái chân mục sư. Đúng, ông là một người có đức tin do nghề nghiệp. Một giáo sư giảng dạy đức tin. Ông khắc sâu đức tin vào trí não người ta; đấy là lý do tồn tại của ông; đấy là vai kịch ông đảm nhiệm và ông phải hoàn thành đến nơi đến chốn. Nhưng còn như tìm hiểu xem điều gì diễn ra trong cái mà ông gọi là “thâm tâm của ông” ư?... Đem chuyện đó ra hỏi ông, cậu còn lạ gì, là tò mò soi mói. Và tớ tin rằng bản thân ông cũng chẳng khi nào tự hỏi mình. Ông loay hoay thế nào mà chẳng bao giờ có thời gian để nghĩ đến nữa. Ông đã ôm vào cuộc đời ông một mớ nghĩa vụ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu đức tin của ông sút kém đi; thành thử chính là các nghĩa vụ kia đòi hỏi và duy trì đức tin. Ông nghĩ là mình tin, bởi vì ông tiếp tục xử sự như ông có đức tin. Ông đâu có quyền tùy ý chẳng tin thì thôi. Nếu đức tin của ông già tớ mà lung lay, cậu ơi, thì đó sẽ là thảm họa! Một sự sụp đổ tan tành! Cậu cứ nghĩ mà xem, trong trường hợp ấy gia đình tớ sẽ chẳng có gì để mà sống nữa. Đấy là một việc phải cân nhắc: đức tin của ông già là cái cần câu cơm của gia đình tớ, cậu ơi. Tất cả chúng tớ sống nhờ vào đức tin của ông già. Thế mà cậu lại đi hỏi tớ là ông già có đức tin thật sự hay không, cậu phải thừa nhận với tớ là cậu hỏi thế chẳng tế nhị lắm.
- Tớ cứ tưởng gia đình cậu sống chủ yếu bằng thu nhập của ký túc xá.
- Cái đó chỉ đúng một phần. Nhưng cắt ngang mạch trữ tình của tớ như vậy cũng chẳng phải là tế nhị lắm đâu.
- Vậy là cậu, cậu chẳng tin vào cái gì cả nữa ư? - Olivier buồn bã hỏi, bởi anh yêu mến Armand và đau lòng về tính cách hèn hạ của bạn.
- “Jubes renovare dolorem…”53 Cậu ơi, hình như cậu quên rằng ông bà già tớ có ý định nuôi dạy tớ trở thành mục sư. Người ta đã tôi luyện tớ nhằm mục đích ấy, đã nhồi nhét cho tớ những lời lẽ thánh thiện, hòng làm đức tin của tớ giãn nở ra, có thể nói như vậy… Nhưng phải thừa nhận là tớ chẳng có năng khiếu. Tiếc quá đi mất. Nếu không có lẽ tớ đã đóng vai một nhà thuyết giáo cừ khôi. Năng khiếu của tớ là viết Cái bình để đái đêm.
53 Nghĩa là: Người trả giá để ta tiếp tục. Câu thơ trong Aeneid của Virgil. Câu đầy đủ là: Injadium, regina, jubes renovare dolorem.
- Ông bạn tội nghiệp ơi, nếu cậu biết là tớ thương hại cậu như thế nào!
- Cậu vẫn luôn luôn có cái mà ông già tớ gọi là “một trái tim vàng”… mà tớ không muốn lạm dụng lâu hơn nữa.
Anh cầm mũ. Anh đã sắp bước đi, bỗng quay lại đột ngột:
- Cậu không hỏi thăm tớ về Sarah ư?
- Bởi vì có hỏi cậu cũng sẽ chẳng cho biết gì hơn ngoài những điều Bernard đã cho tớ biết.
- Hắn đã kể với cậu hắn không ở ký túc xá nữa rồi chứ?
- Cậu ấy đã kể với tớ là chị Rachel giục cậu ấy đi. Armand đã đặt một bàn tay lên quả đấm cửa; bàn tay kia anh cầm can vén rèm cửa lên. Chiếc can thọc vào một lỗ thủng ở rèm và làm cho nó rách to ra.
- Cậu giải thích việc đó thế nào thì giải thích, - anh nói và nét mặt trở nên rất nghiêm trang. - Chị Rachel, đúng vậy, là người duy nhất trên thế gian này tớ yêu mến và kính trọng. Tớ kính trọng vì chị ấy có đạo đức. Mà tớ thì luôn luôn hành động xúc phạm đến đạo đức của chị. Về chuyện của Bernard với Sarah, chị ấy không nghi nghi hoặc hoặc gì cả. Chính tớ đã kể hết cho chị nghe… Và ông thầy thuốc chữa mắt dặn chị không được khóc! Hài hước quá!
- Lúc này tớ có nên tin là cậu thành thực không?
- Có chứ, tớ cho rằng đấy là khía cạnh thành thật nhất trong con người tớ: ghê tởm, căm ghét tất cả những gì mà người ta gọi là Đạo đức. Cậu đừng tìm hiểu làm gì. Cậu chẳng biết được nền giáo dục ban đầu theo kiểu Thanh giáo có thể biến bọn tớ thành những kẻ như thế nào đâu. Nó để lại trong lòng ta một mối hận thù mà ta chẳng bao giờ có thể gột rửa được nữa… đấy là tớ ngẫm về bản thân tớ, - anh vừa nói nốt câu vừa cười khẩy. - Nhân tiện, cậu nói cho tớ biết tớ có cái gì đây này.
Anh đặt mũ xuống và đến bên cửa sổ:
- Đây này, nhìn mà xem: ở rìa môi, bên trong.
Anh cúi sát Olivier và lấy ngón tay lật môi lên.
- Tớ chẳng thấy gì cả.
- Có thấy chứ, đây này, ở trong góc.
Olivier nhận thấy một vết trăng trắng ở gần mép. Anh hơi lo lắng:
- Nốt nhiệt đấy mà. - Anh nói để làm yên lòng Armand.
Armand nhún vai:
- Cậu là người nghiêm túc nên đừng có nói vớ vẩn. Trước hết, “nốt nhiệt” là giống đực54 ; sau nữa, nốt nhiệt thì mềm và sẽ khỏi. Còn đây thì nó lại rắn và cứ mỗi tuần lại to thêm ra. Và nó gây cho tớ một thứ mùi khó chịu trong mồm.
54 Aphte (nốt nhiệt). Trong tiếng Pháp, danh từ chia làm hai giống, giống đực và giống cái, Aphte là danh từ giống đực (un aphte) nhưng Olivier lại dùng nhầm là giống cái (une aphte). Không thể hiện được trong bản dịch.
- Cậu bị cái đó lâu chưa?
- Tớ phát hiện ra đã hơn một tháng nay. Nhưng, như người ta nói trong các kiệt tác: Nỗi đau của ta bắt nguồn xa hơn…
- Thôi được! Cậu này, nếu lo lắng, cậu nên đi khám bệnh.
- Cậu tưởng là tớ phải đợi lời khuyên của cậu chắc?
- Thế thầy thuốc bảo sao?
- Tớ chẳng đợi lời khuyên của cậu mới nghĩ ra là phải đi khám bệnh. Thế nhưng tớ vẫn chưa đi khám bệnh; bởi vì nếu đích là căn bệnh như tớ nghĩ, thì thà chẳng biết còn hơn.
- Ngốc ơi là ngốc!
- Có phải là ngốc như bò không! Mà lại rất người, cậu ơi, rất người…
- Ngốc ở chỗ không đi chữa bệnh.
- Và có thể nhủ thầm trong bụng khi bắt đầu chữa bệnh: “Muộn quá rồi!” Điều này Cob-Lafleur thể hiện khá rõ trong một áng thơ của nó mà cậu sẽ đọc:
Phải thừa nhận chuyện hiển nhiên
Vì ở cõi trần gian, điệu múa
Thường đi trước cả lời ca đó.
- Người ta có thể làm văn chương bằng đủ thứ trên đời.
- Đúng như cậu nói: bằng đủ thứ. Nhưng ông bạn ơi, điều đó không phải là đã dễ lắm đâu. Thôi tạm biệt… Tớ còn muốn nói với cậu chuyện này nữa; tớ đã nhận được tin của Alexandre… Phải rồi, cậu còn lạ gì: đấy là ông anh cả của tớ, anh đã chuồn sang châu Phi, bắt đầu bằng những việc kinh doanh xấu xa, và ngốn hết tiền của Rachel gửi sang cho. Bây giờ anh sinh cơ lập nghiệp ở vùng ven sông Casamance. Anh viết thư cho tớ biết là buôn bán phát đạt, và chẳng bao lâu nữa, anh sẽ có thể hoàn trả lại tất cả tiền nong.
- Buôn bán gì?
- Ai biết được? Cao su, ngà voi, có thể cả nô lệ da đen… đủ thứ linh tinh… Anh rủ tớ sang bên ấy với anh.
- Cậu sang chứ?
- Ngay ngày mai, nếu trước mắt tớ chẳng có việc gì làm, Alexandre là một hạng ngu ngốc kiểu như tớ. Tớ tin là sẽ rất tâm đắc với anh… Này cậu muốn xem không? Tớ có mang theo thư của anh tớ đây.
Anh lôi trong túi ra một chiếc phong bì, và rút từ phong bì ra nhiều tờ giấy; chọn một tờ đưa Olivier:
- Cậu chẳng cần phải đọc hết đâu. Bắt đầu từ chỗ này này.
Olivier đọc:
“Đã mười lăm hôm nay anh sống cùng với một con người đặc biệt anh đón nhận vào lều của anh. Ánh nắng ở xứ sở này chắc là đã táp vào đầu óc của y. Mới đầu anh cho rằng y chỉ là hoang tưởng, nhưng thực ra là điên hẳn hoi. Cái anh chàng kỳ lạ này - một gã tuổi trạc ba mươi, to khỏe, khá đẹp trai, và chắc chắn “con nhà khá giả” như người ta bảo, căn cứ vào cung cách, lời ăn tiếng nói của y, và vào đôi bàn tay ấy quá mịn màng, chắc là chưa bao giờ phải mó vào những công việc nặng nhọc, anh chàng kỳ lạ này tưởng là mình bị quỷ ám; hay đúng hơn, tưởng rằng chính bản thân mình là quỷ, nếu anh hiểu đúng các lời lẽ của y. Chắc là đã có chuyện gì xảy đến với y, bởi vì trong lúc nằm mơ, hay trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê thường diễn ra, y lải nhải luôn mồm về những bàn tay bị chặt đứt (và lúc đó, y trò chuyện với chính mình như không có mặt anh ở đấy). Thấy y khoa chân múa tay và hai mắt long sòng sọc, nên anh cẩn thận không để gần y loại vũ khí nào. Ngoài những lúc ấy ra, y là một chàng trai tử tế, ăn ở rất dễ chịu, điều này anh đánh giá cao vì anh đã nhiều tháng ròng sống cô đơn, mày cứ tin như thế, và y đỡ đần anh trong công việc kinh doanh. Y chẳng bao giờ nói về quãng đời quá khứ, nên anh không sao đoán được y là ai. Y đặc biệt quan tâm đến các loài sâu bọ và cây cỏ, và một số câu trò chuyện của y hé cho thấy y học rộng biết nhiều. Y có vẻ thích ở với anh và không nói đến chuyện ra đi. Anh đã quyết định để cho y muốn ở lại đây đến bao giờ thì ở. Chính là khi anh đang muốn có kẻ đỡ đầu; tóm lại, y đã tới đúng lúc.
Một tên da đen xấu xí như ma đi cùng với y, ngược dòng sông Casamance; anh đã ít nhiều trò chuyện với nó, và nó kể là có một người phụ nữ cùng đi với y, và nếu anh hiểu không sai thì cô nàng đã chết đuối trên sông khi thuyền của họ bị lật úp. Anh không lấy làm lạ nếu chính là y, anh chàng đang ở với anh, cố tình gây ra tai nạn. Ở cái xứ sở này, khi người ta muốn trừ khử ai, có vô khối cách để lựa chọn, và chẳng bao giờ có ai buồn để ý. Hễ khi nào anh biết rõ hơn, anh sẽ viết thư cho mày - hoặc trực tiếp kể cho mày nghe khi mày sang đây với anh. Phải, anh biết… chuyện công việc của mày… Kệ đấy! Anh sẽ đợi. Bởi vì mày phải nhớ cho kỹ là nếu muốn gặp anh, mày sẽ phải quyết định sang đây. Còn anh thì càng ngày càng không muốn về nữa. Ở nơi đây, anh sống một cuộc đời thích thú và phù hợp với anh như bộ quần áo may đo. Việc buôn bán của anh phát đạt, và anh thấy chiếc cổ áo giả của nền văn minh có vẻ như cái vòng xích mà anh sẽ chẳng bao giờ có thể chịu đựng nổi nữa.
Kèm theo đây một ngân phiếu mới để mày muốn tiêu gì thì tiêu. Ngân phiếu trước là để cho Rachel. Ngân phiếu này mày giữ lấy cho mày…”
- Phần còn lại chẳng hay ho gì nữa, - Armand nói.
Olivier trả lại bức thư chẳng nói năng gì. Anh không nghĩ ra rằng kẻ sát nhân nói đến trong thư chính là ông anh ruột của mình. Từ lâu chẳng có tin tức gì về Vincent; cha mẹ anh tưởng anh ở châu Mỹ. Thực tình mà nói, Olivier chẳng lo lắng gì nhiều về anh ta.