Ô
ng Édouard cố ý thu xếp đến ký túc xá lúc các học sinh chưa về. Ông chưa gặp lại cụ La Pérouse từ ngày khai trường, và trước hết là ông muốn trò chuyện với cụ. Ông thầy dạy đàn dương cầm trước kia, nay đảm đương công việc giám thị mới mẻ; cụ làm cố sức mình, nghĩa là rất tồi. Thoạt đầu, cụ ra sức tranh thủ tình cảm của học sinh, nhưng cụ thiếu uy quyền; bọn trẻ liền lợi dụng; cụ độ lượng thì chúng lại cho là nhu nhược nên hết sức phóng túng. Sau đó, La Pérouse cố lập nghiêm, nhưng quá muộn mất rồi; những lời cảnh cáo, đe dọa, quở mắng của cụ, cuối cùng chỉ gây ác cảm với tụi học trò. Cụ mà to tiếng là chúng cười nhạo; cụ mà đập bàn đập ghế là chúng kêu ré lên làm bộ sợ hãi; chúng bắt chước cụ, chúng gọi cụ là “Lão Lapère”; từ bàn này sang bàn khác, những bức biếm họa về cụ được chuyền tay nhau, vẽ cụ mặt mày dữ tợn, tay cầm một khẩu súng lục to tướng (khẩu súng mà Ghéridanisol, Georges và Phiphi đã phát hiện được trong một lần tò mò lục soát phòng cụ), tàn sát học sinh, tuy cụ nhu nhược là thế; hoặc vẽ cụ chắp tay cúi rạp van xin học trò, như cụ làm trong những ngày đầu, “xin làm ơn im lặng cho một chút”. Chẳng khác nào một chú hươu già tội nghiệp bị bủa vây giữa bầy chó săn hung dữ. Édouard không biết tí gì về tất cả những chuyện này.
NHẬT KÝ CỦA ÉDOUARD
“Cụ La Pérouse tiếp ta trong một căn phòng nhỏ ở tầng trệt, ta biết đó là căn phòng thiếu tiện nghi nhất ở ký túc xá. Đồ đạc tất cả chỉ có bốn chiếc ghế dài, kề bên bốn cái bàn học sinh đối diện với chiếc bảng đen và một chiếc ghế tựa độn rơm mà cụ La Pérouse ép ta phải ngồi xuống... Còn cụ thì thu mình ngồi chéo trên một chiếc ghế dài sau khi đã cố gắng tống đôi chân dài ngoằng xuống dưới gầm bàn mà chẳng xong.
- Không sao, không sao. Tôi ngồi thoải mái lắm rồi, xin cam đoan với ông.
Còn giọng nói và nét mặt cụ thì lại bảo:
- Tôi khó chịu kinh khủng, và tôi mong là ông thấy rõ; nhưng tôi thích thế này; và tôi càng khó chịu, ông càng chẳng nghe thấy tôi than phiền đâu.
Ta cố đùa cợt, nhưng chẳng làm sao cho cụ nở được một nụ cười. Cụ làm ra bộ trịnh trọng, như thể trang nghiêm để duy trì giữa hai người một khoảng cách và để làm ta hiểu: “Tôi phải ngồi ở đây là vì ông đấy”.
Thế nhưng cụ nghĩ bụng là hết sức hài lòng với tất cả mọi chuyện; vả chăng cụ lảng tránh những câu hỏi của ta và bực mình thấy ta cứ gặng hỏi mãi. Tuy nhiên, khi ta hỏi phòng của cụ ở đâu:
- Ở hơi xa nhà bếp quá, - cụ đột nhiên thốt ra; và thấy ta ngạc nhiên: - Thỉnh thoảng ban đêm tôi bỗng thèm ăn... những lúc ngủ không được.
Ta ngồi gần cụ; ta nhích lại gần thêm nữa và nhẹ nhàng đặt bàn tay lên cánh tay cụ. Cụ nói tiếp, giọng tự nhiên hơn:
- Cần phải nói để ông biết là tôi ngủ rất kém. Những khi chợp mắt đi được, tôi vẫn có ý thức là tôi ngủ. Thế đâu phải là ngủ thật sự, phải không ông? Người ngủ thật sự thì không cảm thấy là mình ngủ; chỉ khi nào thức dậy mới biết là mình đã ngủ mà thôi.
Rồi cụ cúi về phía ta, nhấn đi nhấn lại:
- Đôi khi tôi cứ muốn nghĩ là mình tự dối mình, và chính là tôi ngủ thật sự trong khi tôi cứ tưởng là mình không ngủ. Nhưng bằng chứng tôi không thật sự ngủ là nếu muốn mở mắt ra là tôi mở được mắt ra. Thông thường thì tôi chẳng muốn. Ông hiểu được, phải không, là tôi chẳng thích mở mắt ra. Chứng tỏ cho bản thân mình biết là mình không ngủ để làm gì cơ chứ? Tôi luôn luôn mong ước ngủ được bằng cách tin chắc là mình ngủ rồi...
Cụ cúi sát xuống nữa, và hạ giọng nói thêm:
- Thế rồi, có cái gì đấy làm tôi khó chịu. Ông đừng nói thế... Tôi không ca thán đâu, bởi lẽ chẳng làm gì được, và bởi lẽ, có phải thế không, đã chẳng làm sao thay đổi được, thì ca thán cũng vô ích. Ông cứ hình dung là áp sát giường của tôi, ở trong tường, đúng ngang tầm đầu tôi, có cái gì đấy gây ra tiếng động.
Cụ sôi nổi lên trong khi nói. Ta đề nghị cụ đưa ta đến phòng cụ.
- Phải! Phải! - Cụ vừa nói vừa đứng phắt dậy. - Có lẽ ông sẽ có thể cho tôi biết đó là cái gì... Tôi thì tôi không tài nào hiểu nổi. Ông đi với tôi.
Ta và cụ leo hai tầng lầu, rồi đi dọc theo một hành lang khá dài. Ta chưa bao giờ đến khu vực này của tòa nhà.
Phòng của cụ La Pérouse nhìn ra phố. Căn phòng tuy bé nhưng tươm tất. Ta nhìn thấy trên chiếc bàn để đèn đêm, cạnh quyển sách kinh, là chiếc hộp đựng súng lục mà cụ đã khăng khăng mang theo. Cụ nắm lấy cánh tay ta và đẩy dịch giường ra một chút:
- Đây này. Đấy... Ông hãy đứng áp vào tường... Ông có nghe thấy không?
Ta lắng tai nghe và tập trung chú ý rất lâu. Nhưng mặc dù đã hết sức thiện ý, ta vẫn chẳng nghe thấy gì cả. Cụ La Pérouse bực mình. Một chiếc xe tải chạy ngang qua làm rung chuyển cả nhà và các cửa kính kêu loảng xoảng.
- Vào giờ này trong ngày, - ta nói với hy vọng làm cụ bình tâm, - tiếng động nhỏ khiến cụ bực dọc đã bị tiếng ồn ào inh ỏi của đường phố át đi...
- Bị át đi với ông vì ông không biết phân biệt nó với các tiếng động khác, - cụ kêu lên rất hăng. - Còn tôi ấy à, phải không, tôi cứ nghe thấy như thường. Tôi vẫn nghe thấy, bất chấp tất cả. Lắm khi tôi bực đến nỗi định đem chuyện kể với cụ Azaïs hoặc với ông chủ có nhà cho thuê... Ôi! Tôi không dám hy vọng bắt nó im bặt đi đâu... Nhưng ít ra tôi muốn biết đó là cái gì.
Cụ có vẻ suy nghĩ một hồi rồi lại nói tiếp:
- Nghe như tiếng gặm nhấm. Tôi đã thử mọi cách để đừng nghe thấy nữa. Tôi đã kéo giường của tôi ra cách xa tường. Tôi đã bịt bông vào hai lỗ tai. Tôi đã treo cái đồng hồ quả quýt của tôi (ông xem, tôi đã đóng một chiếc đinh nhỏ kia kìa) đúng vào chỗ tôi cho là có cái ống đi xuyên qua, để tiếng đồng hồ tích tắc át tiếng động kia... Nhưng lúc đó tiếng động còn làm tôi phát mệt hơn nữa. Vì tôi buộc phải cố hết sức để nhận ra nó. Thật phi lý có phải không? Nhưng tôi lại ưng nghe nó một cách không úp mở, bởi vì tôi biết rằng dù thế nào thì nó vẫn cứ ở đây... Ôi! Lẽ ra tôi chẳng nên kể cho ông nghe những chuyện đó. Ông thấy đấy, tôi chỉ còn là một lão già lẩn thẩn.
Cụ ngồi xuống mép giường và như ngây người ra. Tuổi già suy sụp thê thảm ở cụ La Pérouse tác hại đến phần sâu thẳm của tính cách còn hơn là tác hại đến trí tuệ. Con sâu nằm trong ruột của trái cây, ta nghĩ như vậy, khi nhìn thấy cụ vừa mới ngày nào cương nghị, tự hào là thế mà nay buông xuôi vào nỗi tuyệt vọng ngây ngô. Ta cố kéo cụ ra khỏi nỗi tuyệt vọng bằng cách nói chuyện với cụ về Boris.
- Phải, phòng của nó ở gần phòng tôi, - cụ ngẩng đầu lên nói. - Tôi sẽ đưa ông đến xem. Ông đi theo tôi.
Cụ đi trước ta trong hành lang và mở cửa phòng bên cạnh.
- Giường thứ hai mà ông thấy kia là giường của anh thanh niên Bernard Profitendieu. (Ta thấy chẳng cần thiết cho cụ biết là kể từ chính ngày hôm nay, Bernard thôi không ngủ ở đấy nữa. Cụ nói tiếp.) Boris hài lòng có được anh ta là bạn, và tôi tin rằng nó rất tâm đầu ý hợp với anh. Nhưng ông biết đấy, nó chẳng nói năng nhiều với tôi đâu. Nó kín như bưng... Tôi sợ rằng thằng bé đó có trái tim hơi khô khan.
Cụ nói điều đó buồn rười rượi đến nỗi ta thấy có trách nhiệm phải phân trần và bảo đảm rằng cháu nội cụ là đứa có tình cảm.
- Nếu thế lẽ ra nó có thể chứng tỏ nhiều hơn chút ít chứ, - cụ La Pérouse lại nói. - Này nhé: buổi sáng khi nó cùng những đứa khác tới trường, tôi nhoài người ra ngoài cửa sổ để nhìn nó đi ngang qua. Nó biết đấy... Thế mà! Nó có quay đầu lại đâu! Nó có quay đầu lại đâu!
Ta muốn thuyết phục cụ rằng chắc là Boris sợ làm trò cười cho các bạn và bị các bạn chế giễu; nhưng đúng lúc ấy có những tiếng la hét ở dưới sân vọng lên.
Cụ La Pérouse nắm cánh tay ta và nói lạc cả giọng:
- Nghe mà xem! Ông nghe mà xem! Bọn nó về đấy.
Ta nhìn cụ. Toàn thân cụ run lên bần bật.
- Bọn nhóc ấy làm cụ sợ ư? - Ta hỏi.
- Không, không - cụ nói ấp a ấp úng, - sao ông lại cho rằng... - Rồi liến thoắng: - Tôi phải xuống đây. Giờ chơi chỉ kéo dài có mấy phút, mà ông biết rằng tôi giám thị việc học hành. Tạm biệt! Tạm biệt!
Cụ lao ra ngoài hành lang, thậm chí chẳng bắt tay ta nữa. Một lát sau, ta nghe tiếng cụ đi chệnh choạng ở cầu thang. Ta lắng tai nghe ngóng hồi lâu, không muốn đi qua trước mặt bọn học trò.
Chúng la hét, cười đùa, hát hò. Rồi có một tiếng chuông, và đột nhiên tất cả trở lại im lặng.
Ta đến gặp cụ Azaïs và được cụ đồng ý cho phép Georges rời phòng học để tới nói chuyện với ta. Chú đến gặp ta ngay tức khắc tại đúng căn phòng nhỏ nơi cụ La Pérouse tiếp ta lúc đầu.”
“Vừa tới trước mặt ta, Georges nghĩ là cần làm bộ cười cợt. Đấy là cách của chú để che giấu nỗi ngượng nghịu. Nhưng ta không dám quả quyết rằng giữa hai cậu cháu, nó là đứa ngượng nghịu hơn ta. Chú giữ thế thủ; bởi vì chắc chú trông chờ ta quở mắng. Ta tưởng chừng như chú tìm cách tập hợp nhanh chóng nhất các lợi khí chú có thể có được để chống lại ta, bởi vì ta chưa kịp mở miệng, chú đã hỏi ta tin tức về Olivier bằng một giọng hết sức nhạo báng đến nỗi ta chỉ muốn cho ăn cái tát. Chú có lợi thế hơn ta. “Mà này, ông biết đấy, tôi chẳng sợ ông đâu”. Lời đó như toát lên từ ánh mắt nhìn mỉa mai, cái bĩu môi nhạo báng và từ giọng nói của chú. Ta mất hết tự tin ngay lập tức và chỉ còn lo sao đừng để lộ ra. Các lời lẽ ta đã chuẩn bị sẵn bỗng nhiên ta thấy hình như không thể chấp nhận được nữa. Ta không có cái uy cần thiết để đóng vai người phê phán. Thực ra, Georges làm ta vui thích quá đỗi.
- Không phải đến để quở mắng cháu đâu, - cuối cùng ta nói. - Cậu chỉ muốn báo cho cháu biết. (Và mặc dù ta không muốn, cả bộ mặt ta vẫn tươi cười).
- Trước hết, xin ông cho biết có phải mẹ tôi phái ông đến đây không?
- Vừa phải, vừa không phải. Cậu đã nói chuyện với mẹ cháu về cháu; nhưng cách đây đã mấy ngày. Hôm qua, cậu đã có cuộc trò chuyện hết sức quan trọng về cháu với một nhân vật hết sức quan trọng mà cháu không quen biết, ông ta đến tìm cậu để nói cho cậu biết về cháu. Một viên dự thẩm. Chính là ông ta nhờ cậu đến đây... Cháu có biết một viên dự thẩm là thế nào không?
Georges bỗng tái nhợt đi, và chắc hẳn trái tim chú có một khoảnh khắc ngừng đập. Chú nhún vai, đúng thế, nhưng giọng hơi hơi run run:
- Vậy lão Profitendieu đã nói gì với ông, ông tuôn ra đi.
Cái trơ tráo của thằng bé đó làm ta bối rối. Chắc hẳn nếu cứ đi thẳng vào vấn đề thì cũng đơn giản thôi. Nhưng chính là đầu óc ta chán ghét cái đơn giản nhất, và cứ ương bướng thích chọn lối quanh co. Để giải thích một cách xử sự mà sau đó ta thấy ngay là phi lý, nhưng nó lại là tự phát, ta có thể nói rằng cuộc trò chuyện gần đây của ta với Pauline đã làm ta vô cùng áy náy. Các suy ngẫm về vấn đề này, ta đã đưa ngay vào cuốn tiểu thuyết của ta dưới hình thức một cuộc đối thoại hoàn toàn phù hợp với một số nhân vật trong đó. Ta rất ít khi trực tiếp vận dụng được những gì cuộc sống cung cấp cho ta, nhưng một lần ta sử dụng được chuyện của Georges; cứ như là tiểu thuyết của ta chờ đợi chuyện này, vì chuyện tìm được chỗ đứng hết sức thỏa đáng trong sách; hầu như ta chẳng phải sửa đổi chi tiết bao nhiêu. Nhưng chuyện này (ta muốn nói về chuyện ăn cắp của chú), ta không trình bày một cách trực tiếp. Người ta chỉ thấy nó thấp thoáng, và các hậu quả của nó cũng chỉ thấp thoáng, qua các cuộc trò chuyện. Ta đã ghi chép những cuộc trò chuyện ấy vào một quyển sổ tay ta luôn mang theo trong túi. Trái lại, câu chuyện tiền giả như Profitendieu đã kể lại cho ta nghe, thì hình như ta lại chẳng có thể dùng làm gì cả. Chắc vì vậy nên đáng lẽ đề cập ngay lập tức với Georges vấn đề chính, nó là mục tiêu hàng đầu của việc ta đến gặp chú, thì ta lại quanh co:
- Trước hết, cậu muốn cháu đọc mấy dòng này đi đã, - ta bảo. - Cháu sẽ hiểu tại sao. - Và ta đưa chú quyển sổ tay của ta mở ra đúng vào trang có thể khiến chú quan tâm.
Ta nhắc lại: cách xử sự ấy bây giờ ta thấy có vẻ phi lý. Nhưng trong tiểu thuyết của ta, ta nghĩ rằng chính là phải báo tin cho nhân vật trẻ tuổi nhất bằng cách cho đọc như vậy. Điều quan trọng là ta phải biết được phản ứng của Georges; ta hy vọng là phản ứng đó có thể giúp ta hiểu được... và hiểu ngay cả tính chất của những dòng ta đã viết ra.
Ta chép lại ra đây đoạn ấy.
“Trong đứa trẻ này có cả một vùng tối tăm mà Audibert muốn quan tâm tìm hiểu một cách trìu mến. Ông cho là chưa đủ nếu chỉ biết rằng Eudolfe đã ăn cắp; ông rất muốn Eudolfe kể cho mình nghe vì sao em đã đi đến chỗ ăn cắp và em có cảm giác thế nào khi ăn cắp lần đầu. Vả chăng, dù có tin cậy đi nữa, đứa trẻ chắc cũng chẳng dám kể cho ông nghe. Mà Audibert thì không dám hỏi, vì sợ đẩy em đến chỗ biện bạch dối trá.
Một tối kia, Audibert cùng ăn với Hildebrant ông đem chuyện Eudolfe ra kể cho Hildebrant nghe; ông không nêu thẳng tên, và kể khéo léo thế nào để Hildebrant chẳng có thể nhận được ra là ai.
- Ông có nhận thấy rằng, - Hildebrant liền nói, - các hành động có tính chất quyết định nhất của cuộc đời chúng ta, tôi muốn nói: các hành động có nhiều khả năng quyết định toàn bộ tương lai của chúng ta nhất, thường lại là những hành động khinh suất hay không?
- Tôi sẵn lòng tin như vậy, - Audibert đáp, - Đó là một đoàn xe lửa, người ta lên tàu mà hầu như chẳng nghĩ là mình lên tàu, và chẳng băn khoăn là tàu đưa đến đâu. Thậm chí thường là người ta chỉ hiểu ra là tàu đưa mình đi sau khi đã quá muộn không xuống được nữa.
- Nhưng có thể đứa trẻ này không hề muốn xuống tàu thì sao?
- Chắc là nó chưa thiết tha muốn xuống. Lúc này đây, nó để cho tàu đưa đi. Phong cảnh bên đường mua vui cho nó, và đi đâu thì đi nó cũng chẳng cần.
- Ông liệu có răn bảo nó không?
- Chắc là không! Răn bảo chẳng được tích sự gì cả đâu. Nó đã chán ngấy những lời răn bảo, chán đến phát buồn nôn.
- Tại sao nó lại ăn cắp?
- Tôi không biết thật chính xác. Chắc chắn không phải do nhu cầu cuộc sống. Nhưng là để kiếm cho mình một số lợi thế; để khỏi thua kém các bạn bè gặp may mắn hơn... biết đâu đấy? Do thiên hướng bẩm sinh và chỉ là thích ăn cắp?
- Chính đó là cái tệ hại nhất.
- Tất nhiên! Vì như thế nó sẽ lại tái phạm.
- Nó thông minh không?
- Lâu nay tôi tưởng rằng nó không thông minh bằng các anh nó. Nhưng bây giờ tôi không dám chắc là mình có lầm hay không, và ấn tượng đáng buồn của tôi có phải là do chỗ nó chưa hiểu có thể thu được những gì từ bản thân nó hay không. Tính tò mò của nó cho đến nay đã lầm lạc, hay đúng hơn là còn ở trạng thái phôi thai, ở giai đoạn thiếu kín đáo.
- Liệu ông có nói cho nó biết không?
- Tôi định cho nó cân nhắc lợi hại giữa một bên là chút tiền bạc ăn cắp được và một bên là những gì mà thói bất lương làm cho nó bị mất mát đi: sự tin cậy của bà con thân thuộc, lòng quý mến của họ, trong đó có lòng quý mến của tôi..., tất cả những thứ ấy không thể quy thành con số được, mà người ta chỉ có thể đánh giá bằng những nỗ lực ghê gớm sau đó để lấy lại lòng tin cậy và quý mến kia. Có những người đã dùng vào đấy cả cuộc đời họ. Tôi sẽ nói với nó là từ nay trở đi hễ quanh nó xảy ra chuyện gì khả nghi, mờ ám, thế nào người ta cũng ngờ cho nó, nhưng điều này nó còn trẻ quá chưa thể hiểu nổi. Có thể nó sẽ bị buộc tội oan là thủ phạm những vụ việc nghiêm trọng, và sẽ không thể chối cãi được. Người ta đổ riệt cho nó vì nó đã có tiền sự. Nó bị “lộ tẩy” như người ta nói. Cuối cùng tôi muốn bảo nó... Nhưng tôi sợ nó cãi lại.
- Ông muốn bảo nó...
- Là việc nó đã làm tạo thành tiền lệ, và nếu như vụ ăn cắp đầu tiên nó còn phải ít nhiều đắn đo, thì đến các vụ tiếp theo, nó chỉ còn việc cứ thế mà trượt đi. Tất cả những gì xảy ra sau đó chỉ còn là buông trôi... Tôi muốn nói với nó là thường thường một cử chỉ đầu tiên mà ta tiến hành hầu như chẳng nghĩ ngợi gì, lại vẽ nên diện mạo của ta không có cách gì sửa chữa, và bắt đầu vạch ra một đường nét mà sau đó mọi nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ có thể xóa đi được. Tôi muốn... nhưng tôi sẽ không thể nói ra với nó.
- Sao ông không đem viết cuộc trò chuyện tối nay của chúng ta ra? Rồi ông sẽ đưa cho nó đọc.
- Ý hay đấy, - Audibert nói. - Sao lại không nhỉ?”
Ta đã không rời mắt nhìn Georges suốt thời gian chú đọc, nhưng bộ mặt chú chẳng hề để lộ ra tí gì những điều chú có thể nghĩ trong đầu.
- Cháu có phải đọc tiếp nữa không? - Chú hỏi và định lật sang trang khác.
- Không cần, cuộc trò chuyện đến đây là hết.
- Tiếc quá nhỉ?
Chú đưa trả lại ta quyển sổ tay, và bằng một giọng gần như vui vẻ hồn nhiên:
- Cháu rất muốn biết Eudolfe trả lời ra sao khi đọc quyển sổ tay.
- Chính bản thân cậu cũng đang muốn biết điều đó.
- Eudolfe là một cái tên lố lăng quá. Ông không thể đặt cho nó cái tên khác ư?
- Điều đó có gì là quan trọng đâu.
- Cả những lời lẽ hắn có thể đáp lại cũng thế. Và sau đó hắn ra sao?
- Cậu chưa biết. Cái đó tùy thuộc ở cháu đấy. Rồi sẽ hay.
- Thế thì, nếu cháu hiểu không lầm, chính là cháu phải giúp ông viết tiếp quyển sách của ông. Mà không, ông phải thừa nhận là...
Chú ngừng lại, như có phần lúng túng khi diễn đạt ý nghĩ của mình.
- Là sao? - Ta nói để động viên chú.
- Ông phải thừa nhận là ông sẽ bị lừa gạt - cuối cùng chú nói - nếu Eudolfe...
Chú ngừng lại lần nữa. Ta tưởng như nghe được chú muốn nói gì, và nói nốt hộ chú:
- Nếu nó trở thành một đứa trẻ lương thiện?... Không, cháu ơi. - Và ta bỗng ứa nước mắt. Ta đặt bàn tay lên vai chú. Nhưng chú gỡ ra:
- Bởi vì rút cục, nếu nó không ăn cắp thì ông đã chẳng viết ra những dòng đó làm gì.
Chỉ đến lúc đó ta mới hiểu là ta sai lầm. Thực ra, Georges thú vị đã khiến ta phải bận tâm lâu đến thế. Chú cảm thấy mình hay hay. Ta đã quên mất Profitendieu; chính là Georges nhắc ta nhớ đến ông.
- Thế ngài dự thẩm của ông đã kể cho ông nghe những gì?
- Ông ấy đã nhờ cậu báo cho cháu là ông ấy biết việc cháu lưu hành tiền giả…
Georges lại tái người đi. Chú hiểu rằng có chối cũng vô ích, nhưng lúng túng cãi lại:
- Chẳng phải chỉ có một mình cháu.
- ... và nếu cháu không thôi ngay lập tức cái trò lưu hành ấy đi, - ta nói tiếp, - cháu và các đứa bạn cháu, ông ấy sẽ buộc lòng phải tống giam.
Lúc đầu Georges đã trở nên tái nhợt. Bây giờ chú đỏ bừng hai má. Chú nhìn trân trân phía trước, và đôi lông mày cau lại đào thành hai vết nhăn sâu phía dưới trán.
- Tạm biệt, - ta vừa nói vừa chìa bàn tay ra cho chú. - Cậu khuyên cháu báo cho cả các bạn cháu biết nữa. Còn về phần cháu, coi như là đã dứt khoát.
Chú lặng lẽ siết chặt bàn tay ta rồi đi về phòng học, chẳng quay đầu nhìn lại.
Khi xem lại những trang Bọn làm bạc giả mà ta đưa cho Georges đọc, ta thấy viết dở quá. Ta chép lại ra đây đúng hệt như Georges đã đọc; nhưng cả chương này rồi sẽ phải viết lại. Rõ ràng nên nói thẳng với thằng bé là hơn. Ta phải tìm xem làm cho nó xúc động bằng cách nào. Cứ như hiện nay thì chắc chắn Eudolfe (ta sẽ đổi cái tên này đi; Georges nói có lý) khó mà đưa được trở về con đường lương thiện. Nhưng ta có ý định đưa nó trở về con đường ấy; và mặc cho Georges muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, đó vẫn là việc lý thú nhất, bởi vì đó là việc khó khăn nhất. (Thế là ta lại bắt đầu suy nghĩ như Douviers!) Ta hãy để lại cho các nhà tiểu thuyết hiện thực những chuyện buông trôi”.
Vừa về đến phòng học, Georges kể lại ngay cho hai thằng bạn các lời bắn tin của ông Édouard. Tất cả những điều ông nói về chuyện ăn cắp của chú chỉ như nước đổ lá khoai chẳng làm chú mảy may xúc động; song những đồng tiền giả có nguy cơ làm cho chúng bị rầy rà, cần phải tống khứ đi cho nhanh. Mỗi đứa đang còn giữ vài đồng định khi nào ra phố lại đem tiêu thụ. Ghéridanisol liền thu thập tất cả lại và chạy đi quẳng xuống hố. Ngay tối hôm ấy, cậu ta báo tin cho Strou- vilhou, hắn lập tức tìm biện pháp đề phòng.