V
ào khoảng mười giờ, Bernard đến nhà ông Édouard, tay xách chiếc túi đủ để đựng số quần áo và sách vở anh có không nhiều. Anh đã từ biệt cụ Azaïs và bà Vedel, nhưng chẳng tìm cách gặp lại Sarah.
Bernard trầm lặng. Cuộc vật lộn của anh với vị thần đã làm cho anh chín chắn lên. Anh chẳng còn giống với gã ăn cắp va li vô tư lự tưởng rằng ở trên thế gian này chỉ cần cả gan là đủ. Anh bắt đầu hiểu ra rằng sự táo tợn thường phải trả giá bằng hạnh phúc của người khác.
- Cháu đến xin ông cho ở nhờ đây, - anh nói với Édouard. - Bây giờ một lần nữa cháu lại lâm vào cảnh không nhà không cửa.
- Tại sao anh lại rời bỏ gia đình Vedel?
- Vì những lý do thầm kín... xin ông cho phép cháu không phải nói ra.
Édouard đã quan sát khá kỹ Bernard và Sarah buổi tối hôm dự tiệc nên như hiểu được vì sao anh không muốn nói.
- Thì thôi, - ông nói, rồi mỉm cười, - chiếc đi văng ở ngoài phòng làm việc của tôi, anh có thể dùng để ngủ qua đêm. Nhưng trước hết, tôi phải cho anh biết rằng hôm qua cha anh đến nói chuyện với tôi. - Và ông thuật lại cho anh nghe những phần nào của cuộc trò chuyện mà theo ông có thể làm anh cảm động. - Nhưng tối nay anh nên ngủ không phải tại nhà tôi, mà là tại nhà cha anh. Cha anh đợi anh đấy.
Thế nhưng Bernard im lặng.
- Cháu sẽ suy nghĩ xem sao, - cuối cùng anh nói. - Trong khi chờ đợi, xin ông cho phép cháu được để đồ đạc lại đây. Cháu có thể gặp Olivier được không ạ?
- Thời tiết đẹp quá nên tôi đã động viên nó ra ngoài dạo mát. Tôi muốn đi cùng, vì nó còn yếu lắm, nhưng nó thích đi một mình hơn. Vả chăng, nó đi đã được một tiếng đồng hồ rồi và chắc là sắp về. Anh cứ đợi nó... Nhưng, tôi thiết nghĩ... còn chuyện thi cử của anh ra sao?
- Cháu đỗ rồi, cái đó không quan trọng. Điều quan trọng với cháu là sẽ làm gì bây giờ đây. Ông có biết điều gì đặc biệt ngăn cháu đừng trở về nhà cha cháu không? Đó là cháu chẳng muốn đồng tiền của cha cháu. Chắc ông nghĩ rằng cháu coi thường vận may ấy là phi lý; nhưng cháu đã tự hứa với mình là bất cần đến. Cháu cần phải chứng tỏ với bản thân rằng cháu là người biết giữ lời hứa, là người mà cháu có thể tin cậy.
- Tôi cho rằng đấy chủ yếu là thói kiêu ngạo.
- Ông muốn gọi cái đó bằng tên gì cũng được: kiêu ngạo, tự phụ, hợm hĩnh. Cái tình cảm thúc đẩy cháu, ông sẽ không làm mất giá đi dưới con mắt của cháu được đâu. Nhưng bây giờ cháu muốn được biết điều này: muốn tiến bước trong đời, có nhất thiết phải chăm chăm nhìn vào một mục đích hay không?
- Anh nói rõ đi.
- Cháu đã vật lộn với điều đó suốt đêm. Cái sức lực mà cháu cảm thấy ở trong người mình, biết đem dùng vào việc gì đây? Làm thế nào để sử dụng tốt nhất được bản thân mình? Có phải là bằng cách hướng về một mục đích hay không? Nhưng làm sao lựa chọn được mục đích ấy? Làm sao biết được mục đích ấy là gì chừng nào chưa đạt được nó?
- Sống không có mục đích là để cho mình bị sự phiêu lưu định đoạt.
- Cháu e rằng ông không hiểu rõ cháu. Khi Colombo khám phá ra châu Mỹ, ông ấy có biết là mình lướt sóng đến đâu không? Mục đích của ông là thẳng tiến về phía trước. Mục đích của ông là bản thân ông, và nó phóng ông về phía trước của chính ông...
- Tôi thường nghĩ rằng, - Édouard ngắt lời, - trong nghệ thuật và đặc biệt trong văn chương, chỉ những ai lao mình về phía cái chưa biết mới là đáng kể. Người ta chẳng khám phá ra miền đất mới nếu lúc đầu không chấp nhận biệt tăm biệt tích mọi bến bờ và biệt tăm biệt tích rất lâu. Song, các nhà văn của chúng ta sợ biển khơi; họ chỉ là những kẻ men theo ven bờ.
- Hôm qua, khi thi xong bước ra, - Bernard nói tiếp mà chẳng để tai nghe ông, - chẳng biết do quỷ thần nào xui khiến, cháu bước vào một phòng đang có cuộc họp. Ở đấy, người ta bàn về danh dự quốc gia, về lòng tận tụy với tổ quốc, và một lô vấn đề làm tim cháu đập rộn ràng. Chỉ thiếu chút nữa là cháu ký tên vào giấy tờ lấy danh dự cam kết cống hiến mọi hoạt động của mình cho một sự nghiệp mà theo cháu chắc chắn là đẹp đẽ và cao thượng.
- Tôi mừng là anh đã không ký. Nhưng cái gì đã níu tay anh?
- Chắc là một bản năng thầm kín nào đó... - Bernard thầm nghĩ một lúc rồi vừa cười vừa nói thêm: - Cháu cho rằng trước hết đó là cái đầu của những kẻ gia nhập đảng; kể từ cái đầu ông anh cả của cháu mà cháu nhận ra trong đám cử tọa. Cháu thấy hình như tất cả các thanh niên ấy đều được thôi thúc trước những tình cảm đẹp đẽ nhất trần gian, và họ từ bỏ óc sáng kiến của họ là phải, bởi vì óc độc lập suy nghĩ của họ là kém cỏi, bởi vì có lẽ nó sẽ nhanh chóng ở vào tình thế tuyệt vọng, cùng đường. Cháu cũng nghĩ bụng là may mắn cho xứ sở nếu trong các công dân có được một số lớn những con người có ý chí lớn lao như thế; nhưng ý chí của cháu thì chẳng bao giờ thuộc vào số đó. Chính đấy là lúc cháu băn khoăn làm thế nào để xác lập được một quy tắc, bởi lẽ cháu chẳng chấp nhận sống không có quy tắc, và bởi lẽ cháu không chấp nhận quy tắc của người khác.
- Tôi nghĩ là câu trả lời rất đơn giản: đó là tìm ra quy tắc ấy ở bản thân mình; với mục đích là sự phát triển của chính mình.
- Vâng... chính là cháu đã nghĩ bụng như thế đấy. Vậy mà cháu cũng chẳng tiến xa gì hơn. Ngay cả nếu cháu biết chắc là cháu coi trọng cái ưu tú trong con người cháu hơn, cháu sẽ dành cho nó ưu tiên hơn tất cả những gì còn lại. Nhưng thậm chí cháu chẳng làm sao biết được cái ưu tú trong con người cháu là gì... Cháu đã vật lộn suốt đêm, ông ạ. Gần sáng quá mệt đến nỗi cháu đã định xung phong nghe theo lời kêu gọi của lớp cháu, là dấn thân.
- Chưa nhận ra vấn đề không phải là giải quyết vấn đề.
- Cháu đã nghĩ bụng như thế đấy, và vấn đề đó hoãn lại sẽ chỉ càng đặt ra với cháu gay gắt hơn sau khi cháu đã phục vụ. Vì vậy cháu đến tìm ông để nghe lời khuyên bảo của ông.
- Tôi chẳng phải khuyên bảo gì anh cả. Anh chỉ có thể tìm thấy lời khuyên bảo ấy ở chính bản thân mình, và chỉ có thể học được phải sống như thế nào bằng cách cứ sống đi.
- Thế nhỡ cháu sống tồi tệ trong khi chờ đợi quyết định xong phải sống ra sao?
- Ngay điều đó cũng sẽ dạy bài học cho anh. Cứ đi theo con đường dốc của mình là tốt, miễn rằng đó là lên dốc.
- Ông nói đùa ư?... Mà không, cháu tin là cháu hiểu ông, và cháu chấp nhận công thức ấy. Nhưng trong khi tự phát triển bản thân, như ông nói, cháu sẽ cần phải kiếm sống. Ông nghĩ thế nào về một dòng quảng cáo nổi bật trên các báo:“Thanh niên đầy tương lai hứa hẹn, có thể làm được bất cứ việc gì”?
Édouard bật cười:
- Chẳng gì khó đạt được hơn hơn là bất cứ việc gì. Nên xác định rõ thì hơn.
- Cháu nghĩ đến một cái bánh xe nhỏ nào đấy trong guồng máy tổ chức của một tờ báo lớn. Ồ! Cháu vui lòng nhận một ví trí thấp kém: sửa bản in thử, đốc công thợ xếp chữ... gì gì đấy! Cháu có đao to búa lớn đâu!
Anh nói ngập ngừng. Thực ra anh ao ước một chân thư ký. Nhưng anh ngại không muốn nói ra với ông Édouard, vì cả hai đều thất vọng lẫn nhau. Xét cho cùng, đâu phải lỗi tại anh, Bernard, nếu mưu toan làm thư ký đã thất bại thảm hại đến thế.
- Có lẽ tôi có thể giúp anh vào làm ở tờ Grand Journal mà tôi quen biết ông chủ bút... - Édouard nói.
Trong lúc Bernard và Édouard trò chuyện như thế, Sarah và Rachel đôi co với nhau hết sức nặng nề. Sarah chợt hiểu ra rằng những lời trách móc của Rachel là nguyên nhân khiến Bernard bỏ đi một cách đột ngột; và cô tức với bà chị là đã ngăn cản mọi niềm vui quanh mình như cô nói. Chị không có quyền áp đặt cho người khác cái đức hạnh mà tấm gương của chị đủ làm nó trở thành bỉ ổi.
Những lời buộc tội ấy gây cho Rachel bực mình, bởi xưa nay cô vẫn xả thân vì mọi người. Cô tái người đi, đôi môi run lên, cãi lại:
- Tao không thể để cho mày hư hỏng được.
Nhưng Sarah nức nở và kêu lên:
- Tôi không thể tin vào cõi Trời của chị. Tôi chẳng muốn được cứu vớt.
Cô ả lập tức quyết định lại đi sang Anh ở với đứa bạn gái. Bởi vì, “xét cho cùng, cô là người tự do và chủ trương muốn sống sao thì sống”. Vụ cãi cọ đáng buồn ấy làm Rachel rã rời cả người.