PHÁ VỠ NHỮNG THỎA ƯỚC CŨ
Tất cả mọi người đều nói về tự do. Trên toàn thế giới, những con người khác nhau, những dân tộc khác nhau, những quốc gia khác nhau đều đang chiến đấu vì tự do. Nhưng tự do là cái gì? Chúng ta nghĩ mình đang sống trong một đất nước tự do. Nhưng ta có tự do không? Ta có thực sự tự do để được là chính mình? Câu trả lời là không. Chúng ta không hề tự do. Tự do thật sự là khi tinh thần ta tự do, khi ta tự do thể hiện chính bản thân mình.
Vậy ai đã ngăn cản chúng ta được tự do? Chúng ta đổ lỗi cho chính phủ, cho thời tiết, cho cha mẹ, cho tôn giáo, và cho cả Thượng Đế. Thực sự ai mới là người ngăn cản chúng ta tự do? Là chính chúng ta đó. Mà tự do nghĩa là gì? Có khi kết hôn xong người ta nghĩ mình đã mất tự do. Nhưng sau khi ly hôn, người ta vẫn thấy mình không tự do. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta không thể là chính mình?
Ta có ký ức xa xưa, thời ta còn tự do và yêu tự do, nhưng ta lại quên mất tự do nghĩa là gì.
Nếu ngắm nhìn một đứa trẻ lên 2, lên 3, hoặc lên 4, chúng ta thấy trẻ thật tự do. Tại sao trẻ em lại tự do? Vì chúng thoải mái làm những gì chúng thích. Con người trong đứa trẻ đó rất hoang dại. Nó hoang dại như cây cỏ, như động vật chưa được thuần hóa. Và nếu quan sát đứa trẻ 2 tuổi, ta sẽ thấy trẻ vui chơi và cười đùa suốt. Nó đang tìm hiểu thế giới. Nó không sợ gì, cứ thử, cứ chơi. Nó chỉ sợ khi bị đau, khi đói, khi một số nhu cầu không được đáp ứng. Nhưng trẻ không quan tâm đến quá khứ, không lo lắng cho tương lai. Chúng chỉ sống trong hiện tại.
Trẻ nhỏ không sợ thể hiện cảm xúc. Chúng tràn đầy yêu thương nên khi cảm nhận được yêu thương, chúng tan chảy. Trẻ không sợ bày tỏ tình yêu thương. Như vậy mới là con người bình thường. Khi còn nhỏ, chúng ta cũng không sợ tương lai, không xấu hổ về quá khứ. Ta cứ ung dung tận hưởng cuộc sống, cứ chơi đùa, khám phá, hạnh phúc và yêu thương.
Nhưng điều gì đã xảy ra khi ta lớn lên? Tại sao chúng ta trở nên khác đi? Tại sao chúng ta hết hoang dại? Đứng từ góc độ của nạn nhân, có thể giải thích là vì chúng ta gặp chuyện buồn.
Đứng từ góc độ chiến binh thì chuyện đó rất bình thường. Chuyện là, chúng ta có bộ luật, có quan tòa, và có nạn nhân đang điều khiển cuộc đời ta. Chúng ta không còn tự do vì quan tòa, nạn nhân và hệ thống niềm tin không cho phép chúng ta được là mình. Khi tâm trí đã bị lập trình bởi những thứ rác rưởi đó, chúng ta không còn hạnh phúc.
Chuỗi lập trình này được truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và là chuyện hết sức bình thường trong xã hội loài người. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ đã dạy bạn trở thành giống họ. Họ biết dạy cho bạn điều gì khác ngoài những điều mà họ biết? Họ đã cố gắng hết sức. Và nếu họ có lỡ ngược đãi bạn, thì đó cũng bắt nguồn từ quá trình thuần hóa, từ những nỗi sợ hãi, từ hệ thống niềm tin của họ. Họ không thể điều khiển chuỗi lập trình đã được cài vào họ. Do đó, họ không có cách nào để hành xử khác đi.
Không cần phải đổ lỗi cho cha mẹ hay cho bất kỳ ai vì đã ngược đãi bạn trong đời, bản thân bạn cũng thế. Nhưng đã đến lúc ngăn chặn sự lạm dụng này. Đã đến lúc phải trả tự do lại cho bản thân, thoát khỏi tên quan tòa độc tài bằng cách thay đổi nền tảng của những thỏa ước. Và đã đến lúc bạn cần thoát ra khỏi vai diễn nạn nhân.
Con người thật sự của bạn là đứa trẻ chưa bao giờ lớn lên. Đứa trẻ đó hiện ra khi bạn vui vẻ, chơi đùa, khi bạn hạnh phúc, vẽ tranh, làm thơ, chơi đàn, hay thể hiện mình bằng một cách nào đó. Đó chính là những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bạn, khi con người thật của bạn được bộc lộ, khi bạn không quan tâm đến quá khứ và không lo lắng cho tương lai. Bạn chỉ là đứa trẻ.
Nhưng rồi, có một thứ làm thay đổi tất cả. Đó là trách nhiệm. Tên quan tòa lên tiếng: “Chờ chút. Mày là đứa có trách nhiệm. Mày có nhiều việc phải làm. Mày phải đi làm. Mày phải đi học. Mày phải lo kiếm sống”. Thế là tất cả các thể loại trách nhiệm hiện ra trong tâm trí ta. Sắc mặt ta thay đổi và trở nên nghiêm trọng. Nếu bạn quan sát một đứa trẻ chơi trò làm người lớn, bạn sẽ thấy đứa trẻ thay đổi nét mặt như thế nào. “Giả dụ tớ làm luật sư đây”, và trẻ đổi ngay thành nét mặt của người lớn. Đến tòa án và chúng ta nhìn thấy những nét mặt như thế. Đó chính là chúng ta. Chúng ta vẫn là trẻ con, nhưng đã đánh mất tự do của chính mình.
Tự do mà chúng ta tìm kiếm là tự do để được làm chính mình, tự do thể hiện bản thân. Nhưng trong đời, chúng ta chỉ lo làm hài lòng người khác để được họ chấp nhận, thay vì sống để làm hài lòng bản thân. Đó là điều đã xảy ra cho tự do của chúng ta. Cứ nhìn xã hội này và tất cả những xã hội khác trên khắp thế giới, cứ 1.000 người thì có đến 999 người đã bị thuần hóa hoàn toàn.
Điều tệ hại nhất là chúng ta còn không biết mình bị mất tự do. Dường như có giọng nói thì thầm trong tâm trí là ta không được tự do. Ta không biết giọng nói đến từ đâu ra và tại sao ta không tự do.
Rất nhiều người đang tồn tại mà không hề biết tên quan tòa và kẻ nạn nhân đang điều khiển cuộc đời họ. Không biết, nên chẳng thể tự do. Bước đầu tiên đi về phía tự do là nhận thức. Phải biết mình không tự do mới có thể tìm được tự do. Phải biết vấn đề là gì mới có thể giải quyết vấn đề.
Nhận thức là bước đầu tiên. Nếu không nhận thức được, bạn sẽ không thể nào thay đổi.
Nếu không biết tâm trí mình đang chứa đầy vết thương và thuốc độc cảm xúc, bạn làm sao có thể gột rửa và chữa lành vết thương? Mà không chữa lành nghĩa là bạn sẽ tiếp tục chịu đau khổ suốt đời.
Không việc gì ta phải đau khổ làm chi. Khi nhận thức ra, bạn có thể bày tỏ thái độ, “Vậy là đủ rồi!”. Bạn có thể tìm cách chữa lành và thay đổi giấc mơ cá nhân. Giấc mơ trần thế cũng chỉ là giấc mơ, nó không có thật. Nếu bạn bước vào giấc mơ, và bắt đầu đặt dấu chấm hỏi về niềm tin của mình, rồi bạn sẽ thấy niềm tin này cũng không có thật. Bạn sẽ nhận ra mình chịu khổ bao năm chẳng vì điều gì cả. Tại sao? Vì hệ thống niềm tin lập trình trong tâm trí bạn dựa vào những lời nói dối.
Đó là lý do vì sao bạn rất cần phải làm chủ giấc mơ của chính mình. Đó là lý do vì sao người Toltec trở thành bậc thầy về giấc mơ. Cuộc sống của bạn là sự thể hiện giấc mơ của bạn. Nó là một nghệ thuật. Và bạn hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời mình nếu bạn không thích giấc mơ hiện tại. Bậc thầy về giấc mơ tạo ra kiệt tác cuộc đời của họ. Họ điều khiển giấc mơ bằng cách đưa ra lựa chọn. Tất cả đều có hệ quả. Và bậc thầy giấc mơ nhận thức rõ những hệ quả này.
Toltec là cách sống. Ở đó, không có người lãnh đạo, cũng chẳng có kẻ đi theo. Ở đó, bạn có sự thật của chính mình và sống trong sự thật đó. Người Toltec trở nên thông thái, trở thành hoang dại, và trở nên tự do.
Có ba bí quyết giúp chúng ta trở thành người Toltec. Đầu tiên là Bậc thầy Nhận thức, nhận thức rõ bản thân mình là ai, với tất cả những khả năng có thể xảy ra. Bí quyết thứ hai là Bậc thầy Chuyển đổi, làm sao để có thể thay đổi, thoát ly khỏi quá trình thuần hóa. Bí quyết thứ ba là Bậc thầy Mục đích. Theo người Toltec, mục đích là một phần quan trọng của cuộc sống giúp chuyển hóa năng lượng. Đó chính là bản thể sống chứa đựng tất cả mọi năng lượng. Đó chính là Thượng Đế. Mục đích chính là cuộc sống, là tình yêu thương vô điều kiện. Vì vậy, Bậc thầy Mục đích cũng chính là Bậc thầy Yêu thương.
Khi bàn về hành trình đi tìm tự do của người Toltec, các bạn sẽ nhận ra là họ có cả một tấm bản đồ để thoát ly khỏi quá trình thuần hóa. Họ so sánh quan tòa, nạn nhân và hệ thống niềm tin như ký sinh trùng bám vào tâm trí. Theo họ, tất cả những ai đã bị thuần hóa đều bị bệnh vì ký sinh trùng đang điều khiển tâm trí họ, điều khiển bộ não của họ. Thức ăn cho ký sinh trùng là cảm xúc tiêu cực sinh ra từ nỗi sợ hãi.
Nếu tìm hiểu định nghĩa ký sinh trùng, ta sẽ thấy ký sinh trùng là bản thể sống, sống nhờ vào một bản thể sống khác, hút cạn năng lượng của vật chủ mà không trả lại bất kỳ lợi ích nào, và làm vật chủ ngày càng tổn thương. Tên quan tòa, kẻ nạn nhân, và hệ thống niềm tin chính là mô tả của ký sinh trùng. Chúng là bản thể sống được tạo nên bởi năng lượng cảm xúc hay tinh thần, và năng lượng đó sống. Đương nhiên, đây không phải là năng lượng vật chất. Cảm xúc không phải là năng lượng vật chất, giấc mơ của con người không phải là năng lượng vật chất, nhưng chúng ta biết nó có tồn tại.
Tính năng của não là chuyển đổi năng lượng vật chất thành năng lượng cảm xúc. Não người là nhà máy chế tạo cảm xúc. Và chúng ta đã nhắc đến chức năng của tâm trí là mơ. Người Toltec tin rằng ký sinh trùng – bao gồm tên quan tòa, kẻ nạn nhân, và hệ thống niềm tin – điều khiển tâm trí của ta. Nó điều khiển giấc mơ của ta. Ký sinh trùng mơ bằng tâm trí ta, và sống nhờ vào cơ thể ta. Nó sống nhờ vào những cảm xúc sinh ra từ sợ hãi, và phát triển nhờ vào bi kịch và đau khổ.
Tự do mà chúng ta tìm kiếm là sử dụng tâm trí và cơ thể của mình, sống cuộc đời của mình thay vì cuộc đời của hệ thống niềm tin. Khi nhận ra tâm trí bị điều khiển bởi tên quan tòa, kẻ nạn nhân, còn con người thật của ta thì đang bị giam hãm, ta có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là cứ tiếp tục sống như thế, chấp nhận tên quan tòa và kẻ nạn nhân, tiếp tục giấc mơ trần thế. Lựa chọn thứ hai là phản ứng như trẻ con khi cha mẹ cố tình thuần hóa ta. Ta chống đối. Ta tuyên chiến với ký sinh trùng, tuyên chiến với tên quan tòa và kẻ nạn nhân. Ta tuyên chiến để giành lấy tự do, để làm chủ tâm trí và não bộ của mình.
Đó là lý do vì sao trong các truyền thống cúng tế tại châu Mỹ, từ Canada đến Argentina, mọi người tự xưng mình là chiến binh, vì họ đang chiến đấu chống lại ký sinh trùng tâm trí. Đó là ý nghĩa thực thụ của từ chiến binh. Chiến binh là người chống lại sự xâm nhập của ký sinh trùng. Chiến binh nổi dậy và tuyên chiến. Nhưng làm chiến binh không có nghĩa là tất thắng. Ta có thể thắng, có thể thua. Nhưng ta luôn cố gắng hết sức và ít ra còn có cơ hội giành được tự do. Chọn lựa hành trình này ít ra sẽ mang lại chúng ta phẩm chất của kẻ nổi loạn, để ta không chỉ là nạn nhân đáng thương của cảm xúc hay thuốc độc cảm xúc của người khác. Ngay cả khi ta không kháng cự nổi kẻ thù – lũ ký sinh trùng – ít ra ta không phải là một nạn nhân chưa bao giờ thử chiến đấu.
Nếu thắng, chiến binh sẽ có cơ hội chuyển đổi giấc mơ trần thế, thay đổi giấc mơ riêng của mình thành giấc mơ thiên đàng. Thiên đàng hay địa ngục là một nơi tồn tại trong tâm trí. Đó là chốn vui vẻ, hạnh phúc, tự do, yêu thương và được là chính mình. Ta có thể chạm đến thiên đàng khi còn sống, chứ không cần chờ đến ngày rời xa trần thế. Thượng Đế luôn tồn tại và thiên đàng ở khắp nơi nơi. Nhưng trước hết chúng ta cần đôi mắt để nhìn được sự thật và đôi tai để nghe được sự thật. Chúng ta cần tự do thoát khỏi lũ ký sinh trùng.
Ký sinh trùng có thể so sánh như con quái vật hàng ngàn đầu. Mỗi cái đầu tượng trưng cho một nỗi sợ hãi. Nếu muốn tự do, ta phải tiêu diệt con quái vật. Một trong những giải pháp là chặt từng cái đầu một, nghĩa là ta phải đối diện với nỗi sợ hãi của chính mình, từng cái một. Quá trình này hơi chậm nhưng hiệu quả. Mỗi khi ta đối diện với một nỗi sợ hãi, chúng ta lại tự do hơn một chút.
Cách tiếp cận thứ hai là không cho ký sinh trùng ăn nữa, nó sẽ chết vì đói. Để làm được điều này, ta phải điều khiển được cảm xúc, phải tiết chế việc châm dầu vào những cảm xúc bắt nguồn từ sợ hãi. Chuyện này nói thì dễ nhưng làm cực khó. Khó là vì tên quan tòa và kẻ nạn nhân đang điều khiển tâm trí của ta.
Giải pháp thứ ba được gọi là khởi đầu của cái chết. Đây là hình thức được tìm thấy trong nhiều truyền thống và giáo phái bí mật trên thế giới như ở Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp và châu Mỹ. Đây là cái chết mang tính tượng trưng để giết ký sinh trùng nhưng không làm hại cơ thể. Khi giả “chết”, ký sinh trùng chết theo. Cách này nhanh hơn nhưng khó thực hiện hơn. Bạn phải rất dũng cảm mới dám đối diện với thần báo tử. Bạn phải cực kỳ mạnh mẽ.
Giờ, ta bàn kỹ về từng giải pháp nhé.
NGHỆ THUẬT CHUYỂN ĐỔI: GIẤC MƠ CỦA SỰ CHÚ Ý THỨ HAI
Ta đã biết giấc mơ mình đang sống là kết quả của giấc mơ bên ngoài thu hút được sự chú ý của ta và truyền cho ta tất cả những niềm tin. Quá trình thuần hóa có thể gọi là giấc mơ của sự chú ý thứ nhất, vì đó là cách mà sự chú ý của bạn được sử dụng lần đầu tiên để tạo ra giấc mơ đầu tiên của cuộc đời.
Một cách để thay đổi niềm tin là hướng sự chú ý vào những niềm tin và thỏa ước hiện có, và thay đổi chúng. Để làm được việc này, bạn sử dụng sự chú ý của mình lần thứ hai, tạo ra giấc mơ của sự chú ý lần thứ hai, hay còn gọi là giấc mơ mới.
Điểm khác biệt là lần này bạn không còn ngây thơ nữa. Khi còn nhỏ, bạn thấy cái gì cũng đúng, bạn không được chọn lựa. Nhưng giờ đây bạn không còn nhỏ nữa. Giờ đây, lựa chọn tin hay không tin vào điều gì là quyền của bạn. Bạn có thể chọn tin vào bất kỳ điều gì, bao gồm cả việc tin vào chính mình.
Bước đầu tiên là nhận thức màn sương mù trong tâm trí. Bạn cần phải biết là bạn đang sống trong mơ. Chỉ khi nhận thức được điều đó ta mới có khả năng thay đổi giấc mơ. Nếu bạn hiểu bi kịch cả đời mình là kết quả của những gì bạn tin vào, mà những gì bạn tin vào thì không có thật, lúc đó bạn mới có thể bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, để có thể thay đổi niềm tin, bạn cần phải tập trung vào điều mà bạn muốn thay đổi. Bạn phải biết bạn cần thay đổi thỏa ước nào.
Bước tiếp theo là phát triển nhận thức về những niềm tin đã giới hạn bản thân bạn hay dựa trên nỗi sợ hãi khiến bạn không hạnh phúc. Bạn kiểm tra lại xem mình đang tin vào điều gì, mình đã ký những thỏa ước nào, và trong quá trình này bạn bắt đầu chuyển đổi. Người Toltec gọi đây là Nghệ thuật Chuyển đổi, và nó là một bí quyết. Bạn đạt được cấp độ Bậc thầy Chuyển đổi bằng cách thay đổi các thỏa ước cũ dựa trên nỗi sợ hãi và gây ra bao đau khổ. Bạn lập trình lại tâm trí bạn, theo cách của bạn. Một trong những cách để làm là tìm hiểu và chấp nhận những niềm tin khác, ví dụ như Bốn Thỏa ước.
Quyết định chấp nhận Bốn Thỏa ước là sự tuyên chiến để giành lại tự do từ ký sinh trùng. Bốn Thỏa ước giúp bạn ngăn chặn khổ đau, mở những cánh cửa mới cho bạn tận hưởng giấc mơ của mình. Bốn Thỏa ước được tạo ra nhằm giúp bạn thực hiện nghệ thuật chuyển đổi, giúp bạn phá vỡ những thỏa ước đang kìm hãm bạn, giúp bạn có thêm quyền lực và trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn càng mạnh, bạn càng phá vỡ được nhiều thỏa ước, cho đến khi bạn đi đến tận cùng cốt lõi của những thỏa ước này.
Đi vào tận cốt lõi của những thỏa ước giống như đi vào sa mạc. Khi vào sa mạc, bạn đối diện với con quỷ dữ của mình. Sau khi ra khỏi sa mạc, bọn quỷ sẽ hóa thành thiên thần.
Thực hành Bốn Thỏa ước là hành động đầy quyền lực. Muốn phá vỡ ma thuật trong tâm trí, ta cần sức mạnh cá nhân. Mỗi khi bạn phá vỡ một thỏa ước, bạn lại trở nên mạnh mẽ hơn. Nên bắt đầu từ việc phá vỡ những thỏa ước nhỏ và cần ít sức hơn. Khi thỏa ước nhỏ đã bị phá vỡ hết, sức mạnh cá nhân của bạn sẽ tăng lên, cho đến khi bạn đủ mạnh để đối diện với con quỹ dữ trong tâm trí của mình.
Bạn còn nhớ câu chuyện về cô bé bị mẹ la mắng khi hát chứ? Giờ đây cô đã 20 tuổi và vẫn chưa thể cất tiếng hát. Một cách để cô thoát ra khỏi niềm tin mình hát dở là tự nhủ: “Được rồi, mình sẽ hát cho dù hát dở đi chăng nữa”. Rồi cô có thể giả vờ như có ai đó đang vỗ tay và nói: “Tuyệt quá! Giọng hát thật hay!”. Chuyện này có thể phá vỡ thỏa ước được một chút, nhưng thỏa ước vẫn còn đó. Nhưng giờ đây, cô đã có thêm sức mạnh để dũng cảm thử lại nhiều lần cho đến khi thỏa ước này bị phá vỡ hoàn toàn.
Đó là một cách thoát ra khỏi giấc mơ địa ngục. Nhưng bạn cũng cần phải thay thế thỏa ước cũ đã khiến bạn đau khổ bằng một thỏa ước mới mang lại cho bạn hạnh phúc. Điều này sẽ ngăn chặn thỏa ước cũ quay trở lại. Khi bạn thay thế thỏa ước cũ bằng thỏa ước mới, thỏa ước cũ không còn chỗ tồn tại nên sẽ vĩnh viễn ra đi.
Trong tâm trí của bạn có rất nhiều niềm tin ăn sâu như vậy nên quá trình này sẽ hết sức gian nan. Vì vậy, bạn cần phải đi từng bước, nhẫn nại với chính mình, vì đây là quá trình chuyển đổi chậm. Cách bạn đang sống là kết quả của nhiều năm bị thuần hóa. Bạn không thể phá vỡ sự thuần hóa trong một ngày. Phá vỡ thỏa ước là chuyện cực khó vì ta phải đưa sức mạnh ngôn từ (hay còn gọi là sức mạnh ý chí) vào từng thỏa ước.
Ta cần sử dụng lượng năng lượng tương ứng mới có thể thay đổi được một thỏa ước. Ban đầu bạn đã dùng bao nhiêu năng lượng để ký kết và tuân thủ thỏa ước, thì bây giờ bạn cũng phải dùng bấy nhiêu năng lượng để phá vỡ thỏa ước. Bởi lẽ, thỏa ước cũng giống như cơn nghiện. Ta đã nghiện cách sống cũ. Ta nghiện sự giận dữ, ghen tuông, và thương hại bản thân. Ta nghiện niềm tin là ta không đủ giỏi giang, không đủ thông minh nên không cần cố gắng làm gì nữa, rằng người khác làm được vì họ giỏi hơn ta.
Tất cả những thỏa ước đang điều khiển giấc mơ cuộc sống của ta là kết quả của việc ta lặp lại chúng nhiều lần. Vì vậy, khi ký Bốn Thỏa ước, bạn cũng phải lặp lại hành động nhiều lần.
Thực hành những thỏa ước mới chính là cách để bạn trở nên tốt hơn mỗi ngày. Sự lặp lại giúp ta trở thành bậc thầy.
KỶ LUẬT CỦA CHIẾN BINH: ĐIỀU KHIỂN HÀNH VI BẢN THÂN
Tưởng tượng bạn thức giấc vào một buổi sáng và tràn đầy hứng khởi cho ngày mới. Bạn cảm thấy tuyệt vời. Bạn hạnh phúc và đầy năng lượng. Trong lúc ăn sáng, bạn cãi nhau với vợ hoặc chồng. Thế là một cơn lũ cảm xúc tràn ra. Bạn nổi nóng, và trong cơn giận dữ, bạn tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Sau khi cãi nhau, bạn cảm thấy cạn kiệt và chỉ muốn đi tìm chỗ nào đó để khóc. Nhưng thực tế là bạn quay về phòng, mệt mỏi, ngã quỵ và cố gắng hồi phục. Cả ngày, bạn quẩn quanh trong cảm xúc. Bạn không còn năng lượng để tiếp tục, chỉ muốn buông bỏ tất cả.
Ngày nào thức dậy ta cũng có một khoản năng lượng tinh thần, cảm xúc và thể chất dự trữ cho ngày mới. Nếu ta để cho cảm xúc tiêu hủy hết năng lượng của mình, ta sẽ không còn năng lượng để thay đổi cuộc sống hay để trao cho ai khác.
Cách bạn nhìn thế giới phụ thuộc vào cảm xúc bạn đang có. Khi bạn giận dữ, mọi thứ xung quanh đều sai. Bạn đổ lỗi cho mọi thứ, kể cả thời tiết. Trời mưa hay nắng gì cũng không làm bạn hài lòng. Khi bạn buồn, mọi thứ xung quanh đều buồn theo và khiến bạn muốn khóc. Bạn nhìn cây lá mà cũng thấy buồn. Bạn nhìn mưa và mưa cũng thật buồn. Có khi bạn rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ vì bạn không biết khi nào sẽ có người tấn công mình. Bạn không tin vào bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. Đó là vì bạn nhìn thế giới bằng cặp mắt sợ hãi.
Hãy tưởng tượng tâm trí con người giống như làn da. Ta chạm vào làn da khỏe khoắn và cảm thấy tuyệt vời. Giờ tưởng tượng bạn bị thương, da bị xước và nhiễm trùng. Bạn phải băng bó để bảo vệ. Khi đó, bạn sẽ không muốn bị đụng vào vì đau.
Giờ, tưởng tượng tất cả mọi người đều có vết thương ở da. Không ai có thể chạm vào ai vì đau. Ai cũng có vết thương trên da nên làn da tổn thương trở thành chuyện bình thường. Đụng vào đau là chuyện bình thường. Và ta liền tin rằng con người đương nhiên phải thế.
Bạn tưởng tượng loài người sẽ cư xử với nhau như thế nào trong một thế giới mà tất cả mọi người đều bị tổn thương ở da? Đương nhiên chúng ta sẽ không ôm nhau vì như thế sẽ rất đau. Ta sẽ muốn giữ khoảng cách.
Tâm trí của con người cũng vậy. Mỗi người đều có một cơ thể cảm xúc mang đầy những vết thương. Mỗi vết thương đều bị viêm nhiễm bởi thuốc độc cảm xúc như thù hận, giận dữ, ganh ghét, buồn đau. Nếu lỡ một hành vi nào đó chạm vào vết thương trong tâm trí ta, ta lập tức phản ứng bằng thuốc độc cảm xúc. Tâm trí bị tổn thương và chứa đầy thuốc độc do quá trình thuần hóa. Đây được xem là chuyện bình thường. Nhưng cho phép tôi nói với bạn là, nó không hề bình thường.
Ta có một giấc mơ trần thế bị rối loạn, và tất cả mọi người đều nhiễm một loại bệnh tâm lý có tên là sợ hãi. Triệu chứng của bệnh sợ hãi là tất cả những cảm xúc tiêu cực mà con người chịu đựng: giận dữ, thù hận, buồn bã, ganh ghét, phản bội. Khi nỗi sợ hãi quá lớn, lý trí bắt đầu ngưng vận hành, và ta gọi trạng thái đó là bệnh tâm thần. Hành vi rối loạn tâm thần xảy ra khi tâm trí quá sợ hãi, vết thương quá đau đớn, đến nỗi nó phải ngắt kết nối với thế giới.
Nếu ta có thể nhìn thấy trạng thái tâm thần của mình như một căn bệnh, ta sẽ biết tìm cách chữa. Ta không cần phải chịu khổ đau. Trước hết, ta cần sự thật để mở vết thương cảm xúc ra, hút hết chất độc và chữa lành vết thương. Làm sao để làm được chuyện này? Ta cần phải tha thứ cho những người mà ta nghĩ đã làm ta đau, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ, mà vì ta yêu thương bản thân mình. Ta yêu thương bản thân nhiều đến nỗi ta sẽ không tiếp tục trả giá cho sự bất công này.
Tha thứ là cách duy nhất để chữa lành. Ta có thể chọn tha thứ vì ta từ bi với chính mình. Ta có thể buông bỏ thù hận và tuyên bố, “Đủ rồi. Tôi sẽ không làm quan tòa phán xét bản thân nữa. Tôi sẽ không tự đánh đập mình, không tự chửi rủa mình. Tôi sẽ không làm nạn nhân nữa”.
Trước hết, ta cần tha thứ cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, và Thượng Đế. Khi đã tha thứ cho Thượng Đế, bạn rồi sẽ tha thứ cho bản thân. Sau khi tha thứ cho bản thân, sự phủ nhận bản thân sẽ biến mất. Sự chấp nhận bản thân sẽ bắt đầu. Và tình yêu thương bản thân sẽ mạnh mẽ đến mức bạn sẽ chấp nhận là chính mình. Đó khởi đầu của tự do. Tha thứ chính là chìa khóa.
Bạn sẽ biết mình đã tha thứ cho ai đó khi bạn không còn bất kỳ phản ứng gì mỗi khi gặp họ. Bạn nghe tên người đó mà không có chút cảm xúc nào. Khi ai đó lỡ chạm vào vết thương cũ mà bạn không còn cảm thấy đau, đó là lúc bạn biết mình đã hoàn toàn tha thứ.
Sự thật giống như con dao mổ. Sự thật đau đớn vì nó mở ra những vết thương được băng kín bởi những lời dối trá mà ta cố dùng để chữa lành. Những lời dối trá này chính là hệ thống tự phủ nhận. Ta có hệ thống này cũng tốt vì nó cho phép ta che đậy vết thương lại mà tiếp tục sống. Nhưng khi ta không còn vết thương hay thuốc độc, ta không cần lời nói dối. Ta không cần nó, vì cũng giống như làn da khỏe mạnh, tâm trí khỏe mạnh có thể được chạm vào mà không sợ bị đau. Khi tâm trí sạch trong, chạm vào lại là niềm vui.
Vấn đề với nhiều người là họ không điều khiển được cảm xúc mà lại để cảm xúc điều khiển hành vi của họ. Khi mất khả năng điều khiển cảm xúc, ta nói những điều mình không muốn nói, làm những chuyện mình không muốn làm. Đó là lý do vì sao ta cần phải sử dụng ngôn từ tích cực và trở thành chiến binh tinh thần. Ta phải học cách điều khiển cảm xúc để còn tiết kiệm năng lượng cho việc thay đổi các thỏa ước dựa vào nỗi sợ hãi, thoát ly địa ngục, và kiến tạo thiên đàng của riêng ta.
Ta sẽ trở thành chiến binh bằng cách nào? Chiến binh khắp thế giới sở hữu những phẩm chất giống nhau. Họ có nhận thức. Điều đó cực kỳ quan trọng. Họ biết mình đang trong trận chiến, và trận chiến trong tâm trí cần kỷ luật. Không phải là kỷ luật nhà binh, mà là kỷ luật của một chiến binh. Không phải là kỷ luật từ bên ngoài để yêu cầu ta phải làm gì hay không làm gì, mà là kỷ luật để luôn là chính mình, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.
Chiến binh có khả năng kiểm soát. Không phải kiểm soát ai khác mà là kiểm soát chính cảm xúc của mình, kiểm soát chính bản thân mình. Khi mất kiểm soát là lúc con người phải kìm nén cảm xúc. Khác biệt lớn nhất giữa chiến binh và nạn nhân là, nạn nhân kìm nén cảm xúc, còn chiến binh điều tiết cảm xúc. Nạn nhân kìm nén vì sợ thể hiện cảm xúc, sợ phải nói điều muốn nói. Điều tiết thì khác. Điều tiết là giữ cảm xúc lại để thể hiện vào thời điểm thích hợp hơn. Đó là lý do mà chiến binh luôn chính xác. Họ hoàn toàn nắm quyền điều khiển cảm xúc và hành vi của bản thân.
KHỞI ĐẦU CỦA CÁI CHẾT: ĐÓN CHÀO THẦN CHẾT
Cách cuối cùng để tự do là chuẩn bị bản thân cho khởi đầu của cái chết, xem cái chết như người thầy. Thần chết có thể dạy ta cách sống. Ta nhận thức là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta chỉ cần hiện tại để sống. Sự thật là ta không hề biết ngày mai mình còn sống hay không. Ai mà biết được chứ? Ta tưởng mình còn nhiều năm trong tương lai. Nhưng có thật vậy không?
Nếu ta đến bệnh viện và bác sĩ nói ta chỉ còn một tuần để sống, ta sẽ làm gì? Như đã nói ban đầu, ta có hai lựa chọn. Một là đau khổ vì mình sắp chết, và than khóc với mọi người rằng mình thật đáng thương, mình sắp chết, biến nó thành bi kịch. Hoặc là ta chọn sống hạnh phúc từng khoảnh khắc còn lại và làm những gì mình thích. Nếu chỉ còn một tuần để sống, hãy tận hưởng cuộc sống. Hãy sống. Bạn có thể chọn, “Tôi sẽ là mình. Tôi sẽ không lo làm hài lòng người khác nữa. Tôi không còn sợ họ nghĩ gì về mình. Tại sao tôi phải quan tâm họ nghĩ gì nếu tôi chỉ còn một tuần để sống? Tôi sẽ sống là chính mình”.
Thần chết có thể dạy ta cách sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng trong đời, như thể không còn có ngày mai. Ta có thể bắt đầu mỗi ngày bằng cách nhắc nhở mình, “Tôi thức dậy. Tôi nhìn thấy mặt trời. Tôi biết ơn mặt trời, biết ơn mọi người và mọi điều vì tôi còn đang sống. Tôi có thêm một ngày nữa để được là chính mình”.
Đó là cách tôi nhìn cuộc sống. Đó là những gì mà thần chết dạy tôi: mở tâm trí ra để biết không có gì phải sợ. Và tôi yêu thương người cần yêu thương, vì hôm nay là ngày cuối cùng trong đời tôi có thể nói yêu họ. Tôi không biết có còn gặp lại họ hay không. Vì thế, tôi tránh mọi sự tranh cãi.
Nếu tôi cãi nhau với họ, tuôn ra những lời lẽ cay độc, rồi ngày mai tôi chết đi thì sao? Trời! Tên quan tòa sẽ phán xét tôi và tôi sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi. Tôi thấy tội lỗi vì đã không nói yêu thương họ. Tình yêu thương khiến tôi hạnh phúc là tình yêu thương tôi dành cho họ. Tại sao tôi lại phủ nhận nó? Họ có yêu tôi không, không quan trọng. Ngày mai, tôi có thể chết và họ có thể chết. Điều làm tôi hạnh phúc là cho họ biết tôi yêu họ.
Bạn có thể sống cuộc đời như thế. Đó là cách bạn chuẩn bị cho sự khởi đầu của cái chết.
Điều sẽ xảy ra khi khởi đầu cái chết là giấc mơ cũ trong tâm trí bạn sẽ chết theo. Bạn sẽ còn ký ức của ký sinh trùng, của quan tòa, nạn nhân và những gì bạn đã từng tin vào. Nhưng ký sinh trùng đã chết.
Ký sinh trùng sẽ chết khi khởi đầu cái chết. Làm chuyện này thật không dễ vì tên quan tòa và kẻ nạn nhân sẽ chiến đấu. Chúng không muốn chết, và chúng ta cảm thấy chúng ta mới là người sắp chết, chúng ta sợ cái chết.
Khi sống trong giấc mơ trần thế, ta như đã chết. Ai sống sót sau khởi đầu cái chết sẽ nhận được quà tặng kỳ diệu nhất: sự hồi sinh. Hồi sinh là sống lại từ cái chết, đầy sức sống, và là chính mình. Hồi sinh là trở về làm trẻ con, hoang dại và tự do, nhưng hơi khác ở chỗ ta tự do với sự thông thái chứ không phải bằng sự ngây thơ. Ta có thể phá vỡ sự thuần hóa, giành lại tự do, và chữa lành tâm trí. Ta đầu hàng trước thần chết, biết rằng ký sinh trùng sẽ chết và ta sẽ sống với tâm trí khỏe mạnh và lý trí hoàn hảo. Ta tự do sử dụng tâm trí của mình và làm chủ cuộc đời mình.
Đó là lời dạy của thần chết theo cách của người Toltec. Thần chết đến và nói: “Tất cả những gì ngươi thấy đều là của ta, không phải của ngươi. Nhà cửa, vợ chồng, con cái, xe hơi, sự nghiệp, tiền bạc, tất cả đều là của ta và ta có thể lấy đi bất cứ lúc nào, nhưng lúc này thì ta cho ngươi sử dụng”.
Khi ta đầu hàng thần chết, ta sẽ luôn hạnh phúc về sau. Tại sao? Vì thần chết mang quá khứ đi để cuộc sống được tiếp diễn. Trong từng khoảnh khắc trôi qua, thần chết cứ lấy đi cái đã chết và giữ ta trong hiện tại. Ký sinh trùng muốn ta mang vác quá khứ theo, và quá khứ thì nặng quá đỗi, làm sao ta có thể sống? Khi sống trong quá khứ, làm sao ta tận hưởng hiện tại? Khi mơ giấc mơ tương lai, tại sao phải mang vác gánh nặng quá khứ? Khi nào ta mới bắt đầu sống trong hiện tại? Đó là điều thần chết dạy ta.