LUÔN CỐ GẮNG HẾT SỨC
Chỉ còn một thỏa ước nữa thôi, và đây là thỏa ước giúp cho ba thỏa ước đầu trở thành thói quen khó thay đổi. Thỏa ước thứ tư là hành động của ba thỏa ước đầu tiên: Luôn cố gắng hết sức.
Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy luôn cố gắng hết sức. Nhưng nhớ là sự cố gắng hết sức ở mỗi thời điểm có thể khác nhau. Mọi thứ trên đời đều có sự sống và đều thay đổi theo thời gian. “Hết sức” có khi nghĩa là rất cao, và cũng có khi là thấp hơn. Khi vừa thức giấc, khỏe khoắn và đầy năng lượng, “hết sức” sẽ cao hơn nhiều so với buổi tối lúc đã mỏi mệt. Khi sức khỏe tốt, “hết sức” sẽ nhiều hơn khi ốm đau, khi tỉnh sẽ nhiều hơn khi say. “Hết sức” còn phụ thuộc vào cảm xúc của bạn đang hạnh phúc, vui vẻ hay giận dữ, đau buồn, ghen tuông.
“Hết sức” thay đổi theo trạng thái cảm xúc, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. “Hết sức” sẽ thay đổi theo thời gian. Bốn Thỏa ước càng vững, “hết sức” càng mạnh.
Nhưng cho dù “hết sức” thay đổi như thế nào, bạn cũng hãy luôn cố gắng hết sức – không hơn không kém. Nếu bạn cố quá sức, hơn cả mức “hết sức”, bạn sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn cần thiết và làm cơ thể cạn kiệt. Điều đó sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn mới có thể đạt được mục đích của mình. Nhưng nếu bạn không cố gắng hết sức, bạn sẽ tự khiến bản thân trở nên bực bội, phán xét, cảm thấy tội lỗi và hối hận.
Chỉ cần cố gắng hết sức là đủ. Không cần biết bạn đang khỏe hay bệnh, chỉ cần cố gắng hết sức thì bạn sẽ không phán xét chính mình. Và vì không phán xét chính mình, bạn sẽ không bao giờ rơi vào cảm giác tội lỗi, đổ lỗi hay tự trừng phạt bản thân. Chỉ cần cố hết sức, bạn sẽ phá vỡ ma thuật trước giờ vẫn điều khiển cuộc đời bạn.
Có một người vì muốn vượt qua đau khổ nên tìm đến gặp một thiền sư. Người này hỏi thiền sư, “Thưa thầy, nếu con thiền 4 tiếng/ngày thì mất bao lâu con mới vượt qua nỗi đau khổ này được?”. Thiền sư nhìn người này rồi nói, “Nếu con thiền 4 tiếng/ngày thì con phải mất 10 năm”.
Nghĩ là mình có thể làm tốt hơn như thế, người này bèn trả lời, “Thưa thầy, vậy nếu con thiền 8 tiếng/ngày thì mất bao lâu con sẽ vượt qua?”. Thiền sư nhìn người này nói, “Nếu con thiền 8 tiếng/ngày, chắc sẽ mất 20 năm”.
Người này ngạc nhiên hỏi, “Sao thiền nhiều tiếng hơn mà lại mất nhiều thời gian hơn, thưa thầy?”. Thiền sư trả lời, “Con đến đây không phải để hy sinh niềm vui hay cuộc sống của mình. Con đến đây để sống, để hạnh phúc, để yêu thương. Nếu cố gắng hết sức của con là 2 tiếng đồng hồ, nhưng con lại cố thiền đến 8 tiếng, con sẽ mệt mỏi, hiểu sai vấn đề và không tận hưởng cuộc sống. Chỉ cần cố gắng hết sức, con sẽ ngộ ra rằng con luôn sống, luôn yêu thương, luôn hạnh phúc, dù mỗi ngày con thiền bao nhiêu tiếng đi nữa”.
Khi cố gắng hết sức, bạn sẽ sống trọn vẹn và nồng nhiệt. Bạn trở nên hiệu quả và đối xử tốt với bản thân bởi vì bạn sẽ cống hiến bản thân mình cho gia đình, cho cộng đồng, cho tất cả. Và chính hành động là điều làm bạn cực kỳ hạnh phúc. Cố gắng hết sức nghĩa là bạn sẽ hành động. Cố gắng hết sức là khi bạn hành động vì đam mê, chứ không vì bất kỳ phần thưởng nào. Thông thường thì con người làm việc vì phần thưởng chứ không hề yêu thích việc họ làm. Đó là lý do vì sao họ không cố gắng hết sức.
Ví dụ, hầu hết mọi người đều đi làm mỗi ngày vì lương bổng. Họ mong chờ tới ngày nghỉ cuối tuần và ngày lãnh lương. Họ làm việc vì phần thưởng, vì thế họ không thích và không muốn làm việc. Họ cố tránh né để khỏi làm việc và không bao giờ cố hết sức.
Họ làm lụng mệt mỏi cả tuần, khổ sở với công việc, khổ sở vì phải làm việc chứ không phải vì lòng yêu thích công việc. Họ phải làm việc để trả tiền nhà, để nuôi gia đình. Họ bực bội, và ngay cả khi lãnh lương, họ cũng không hạnh phúc. Họ có ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, để làm điều họ thích. Nhưng sự thật thì họ sử dụng ngày nghỉ ấy để làm gì? Họ chạy trốn. Họ nhậu cho say mèm vì chán nản với bản thân, chán ghét cuộc đời họ. Con người tìm đủ cách để làm tổn thương bản thân chỉ vì ta không yêu thích bản thân.
Ngược lại, nếu bạn chỉ hành động vì bạn muốn mà không mong chờ bất kỳ phần thưởng nào, bạn sẽ yêu thích việc mình làm. Phần thưởng tự nó sẽ đến, nhưng đừng cho phép mình bị nó thao túng. Rồi bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn nghĩ. Nếu ta thích việc mình làm, thì khi ta cố gắng hết sức nghĩa là ta cũng đang tận hưởng cuộc sống. Ở cảnh giới đó, ta tìm được niềm vui, không bao giờ chán nản, và chẳng bao giờ bực bội.
Khi cố gắng hết sức, ta không cho tên quan tòa phán xét hay kết tội ta. Nếu ta cố gắng hết sức mà tên quan tòa còn lôi bộ luật ra, ta chỉ cần nói “Tôi đã cố gắng hết sức” và không thấy hối hận. Đó là lý do ta cố gắng hết sức. Thỏa ước này không dễ thực hiện, nhưng nó là thỏa ước giúp bạn tự do.
Khi cố gắng hết sức, ta học cách chấp nhận bản thân. Và bạn cũng cần tập nhận thức và học hỏi từ lỗi lầm của mình. Học hỏi từ lỗi lầm nghĩa là ta thực hành, thành thực đánh giá kết quả, rồi lại tiếp tục thực hành. Điều này sẽ giúp bạn gia tăng nhận thức.
Cố hết sức sẽ giúp bạn cảm thấy mình không phải là đang làm việc, mà thật ra là đang tận hưởng việc mình làm. Bạn biết mình cố gắng hết sức khi bạn yêu thích việc bạn làm, và không chịu ảnh hưởng tiêu cực nào từ công việc. Bạn cố hết sức vì bạn muốn làm chứ không phải vì bạn bị buộc phải làm, cũng không phải vì bạn muốn làm hài lòng tên quan tòa, càng không phải vì bạn muốn làm hài lòng người khác.
Nếu bạn hành động vì bị ép buộc, bạn sẽ không bao giờ có thể cố gắng hết sức. Và như thế thì tốt hơn là bạn đừng làm. Bạn chỉ có thể cố hết sức vì bạn cảm thấy cực kỳ hạnh phúc khi cố gắng như thế. Và khi đó, bạn sẽ làm việc vì yêu thích việc bạn đang làm.
Hành động nghĩa là sống hết mình. Không hành động là phủ nhận cuộc sống. Không hành động là ngồi trước tivi suốt ngày trong nhiều năm vì bạn sợ phải sống, sợ phải thể hiện bản thân mình là ai. Thể hiện bản thân mình là ai chính là hành động. Bạn có thể có rất nhiều ý tưởng trong đầu, nhưng điểm khác biệt là nằm ở hành động. Khi không hành động thì dù bạn có ý tưởng gì đi nữa, bạn cũng không có được kết quả, và đương nhiên là không có phần thưởng.
Một ví dụ hay là câu chuyện của Forrest Gump. Anh không có ý tưởng gì hay ho, nhưng anh hành động. Anh hạnh phúc vì luôn cố gắng hết sức. Và cuối cùng anh nhận lãnh phần thưởng tuyệt vời dù bản thân không chút mong chờ. Hành động giúp bạn trở nên đầy sức sống. Hành động nghĩa là bạn chấp nhận rủi ro, dám bước ra thể hiện bản thân và thể hiện giấc mơ của bạn.
Cố hết sức là thói quen tuyệt vời. Tôi luôn cố hết sức trong tất cả những việc tôi làm, trong những cảm xúc tôi có. Cố hết sức trở thành nghi thức trong đời tôi, là một niềm tin như tất cả những niềm tin khác mà tôi chọn lựa. Tôi biến mọi việc trở thành nghi thức và luôn cố hết sức. Đi tắm cũng là một nghi thức, và với hành động đó, tôi thể hiện sự yêu thương cơ thể của mình. Tôi cảm nhận và tận hưởng cảm giác nước chảy trên cơ thể. Tôi cố hết sức làm thỏa mãn nhu cầu của cơ thể. Tôi cố dành hết sức cho cơ thể của mình, đổi lại, tôi được nhận điều mà cơ thể trao lại cho tôi.
Tại Ấn Độ, người ta có nghi lễ puja. Trong nghi lễ này, họ chọn những hình tượng khác nhau đại diện cho thần linh rồi tắm, dâng thức ăn và bày tỏ tình yêu thương. Hình tượng gì không quan trọng. Quan trọng là cách họ thực hiện nghi lễ, cách họ thể hiện tình yêu thương với Thượng Đế.
Thượng Đế là sự sống. Thượng Đế là cách sự sống hành động. Cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn Thượng Đế là luôn cố hết sức trong cuộc sống. Cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn Thượng Đế là buông bỏ quá khứ, sống trong hiện tại, ngay bây giờ và ngay lúc này. Dù cuộc đời có lấy đi của bạn điều gì, hãy cho qua. Khi chấp nhận và buông bỏ quá khứ, bạn cho phép bản thân sống hết mình trong hiện tại. Buông bỏ quá khứ nghĩa là cho phép mình tận hưởng giấc mơ đang diễn ra.
Nếu bạn sống trong giấc mơ quá khứ, bạn không thể tận hưởng những gì đang diễn ra, vì bạn luôn muốn nó khác đi. Ngồi ủ rũ mà nhớ lại chuyện gì đó hay một ai đó trong quá khứ để làm gì trong khi bạn đang sống ngay trong lúc này. Sống trong quá khứ nghĩa là bạn không tận hưởng những gì đang diễn ra, và như vậy bạn chỉ sống có một nửa mà thôi. Điều này sẽ khiến bạn đau khổ, khóc than cho thân phận mình.
Chúng ta sinh ra là để hạnh phúc. Ai sinh ra cũng có quyền được hạnh phúc, tận hưởng và chia sẻ hạnh phúc của mình. Bạn đang sống kia mà. Vì thế hãy sống và tận hưởng. Đừng để mặc cho cuộc sống trôi qua, vì cuộc sống chính là Thượng Đế đang hiện hữu trong bạn. Sự sống của bạn là minh chứng cho sự tồn tại của cuộc sống và năng lượng.
Chúng ta không cần phải biết hay chứng tỏ điều gì cả. Chúng ta chỉ cần là chính mình, chấp nhận rủi ro và tận hưởng cuộc sống. Vậy là đủ! Có quyền từ chối khi muốn từ chối. Có quyền đồng ý khi muốn đồng ý. Bạn có quyền được là chính bạn. Và bạn chỉ có thể là chính bạn khi bạn cố gắng hết sức. Khi không cố gắng hết sức, bạn đã chối từ quyền được là chính mình. Đó là hạt giống bạn cần nuôi dưỡng trong tâm trí. Bạn không cần kiến thức hay những khái niệm triết học vĩ đại. Bạn không cần người khác chấp nhận bạn. Bạn thể hiện Thượng Đế trong con người bạn bằng cách sống, bằng cách yêu thương bản thân và người khác. Đó là cách biểu hiện lòng yêu thương của Thượng Đế.
Thỏa ước thứ nhất chỉ có hiệu lực nếu bạn cố hết sức. Đừng nghĩ là lúc nào mình cũng có thể sử dụng ngôn từ tích cực. Thói quen cũ đã mọc rễ và bám sâu vào tâm trí bạn. Nhưng bạn có thể cố hết sức. Đừng nghĩ là bạn sẽ chẳng bao giờ bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói hay làm. Hãy cố gắng hết sức. Đừng cho rằng mình sẽ chẳng bao giờ đưa ra giả định, nhưng hãy cố gắng hết sức.
Khi cố gắng hết sức, thói quen lạm dụng ngôn từ, để cho bản thân bị ảnh hưởng và đưa ra giả định sẽ ngày càng ít đi và yếu dần. Bạn không cần phán xét bản thân, không cần cảm thấy tội lỗi, cũng không cần trừng phạt bản thân nếu không giữ được những thỏa ước này. Khi cố gắng hết sức, bạn sẽ hài lòng với bản thân cho dù bạn vẫn còn đưa ra giả định, vẫn bị ảnh hưởng hay chưa hoàn toàn sử dụng ngôn từ tích cực.
Nếu bạn luôn cố gắng hết sức và lặp đi lặp lại điều này thường xuyên, bạn sẽ trở thành bậc thầy. Thực hành tạo nên bậc thầy. Cố gắng hết sức tạo nên bậc thầy. Tất cả những gì bạn học, bạn học bằng cách lặp lại. Bạn học viết, lái xe, và ngay cả đi đứng nhờ lặp lại. Bạn là bậc thầy ngôn ngữ mẹ đẻ vì bạn thực hành liên tục. Hành động tạo nên sự khác biệt.
Nếu bạn cố gắng hết sức để có tự do và yêu thương bản thân, bạn sẽ ngộ ra rằng trước sau gì bạn cũng sẽ đạt được điều mình mong muốn. Không phải bằng cách ngồi mơ mộng hay ngồi thiền nhiều giờ mà bạn phải đứng lên và làm người. Bạn phải tôn trọng người đàn ông hay người phụ nữ trong bạn. Bạn phải tôn trọng cơ thể, tận hưởng cơ thể, yêu thương cơ thể bạn, tắm cho nó, cho nó ăn, và chữa lành cho nó. Hãy tập thể dục và làm những gì có thể giúp cơ thể cảm thấy hài lòng. Đây là nghi lễ puja cho cơ thể, và đó chính là cách giao tiếp giữa bạn với Thượng Đế.
Cơ thể bạn chính là biểu hiện của Thượng Đế. Và nếu bạn tôn trọng cơ thể mình, mọi thứ trong đời sẽ thay đổi. Khi bạn thực hành yêu thương bản thân, bạn gieo hạt giống yêu thương vào tâm trí. Khi hạt giống lớn lên, bạn sẽ vô cùng yêu thương và tôn trọng cơ thể của mình.
Mỗi hành động sẽ trở thành một nghi thức bày tỏ lòng tôn kính của bạn với Thượng Đế. Sau đó, bạn hãy bày tỏ lòng tôn kính với Thượng Đế bằng suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, bằng cả sự đúng sai. Mỗi suy nghĩ trở thành một hiệp thông với Thượng Đế, và bạn sống giấc mơ không phán xét, không buộc tội bản thân, bạn thoát khỏi mọi tin đồn và sự lạm dụng.
Khi bạn tôn trọng Bốn Thỏa ước này, bạn sẽ không bao giờ sống trong địa ngục. Không bao giờ! Nếu bạn sử dụng ngôn từ tích cực, nếu bạn không để mình bị ảnh hưởng, nếu bạn không đưa ra giả định, và nếu bạn luôn cố gắng hết sức, bạn sẽ có một cuộc sống tuyệt vời. Bạn sẽ hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình.
Bốn Thỏa ước là bản tóm lược bí quyết chuyển đổi của người Toltec. Bạn chuyển đổi địa ngục thành thiên đàng. Giấc mơ trần thế chuyển đổi thành giấc mơ thiên đàng của riêng bạn. Tri thức luôn ở đó, chờ bạn sử dụng. Bốn Thỏa ước luôn ở đó, bạn chỉ cần học thuộc, tôn trọng ý nghĩa và quyền năng của nó.
Hãy cố gắng hết sức để tôn trọng những thỏa ước này. Bạn có thể ký liền trong hôm nay, rằng bạn sẽ tôn trọng Bốn Thỏa ước. Đơn giản và hợp lý đến nỗi trẻ con cũng có thể hiểu được. Nhưng bạn cần ý chí sắt đá, một ý chí cực kỳ sắt đá để giữ gìn Bốn Thỏa ước này. Tại sao? Vì ở đâu cũng đầy khó khăn thách thức. Ai cũng cố phá hoại cam kết của bạn đối với những thỏa ước mới này. Mọi thứ xung quanh ta đều được thiết lập để phá vỡ Bốn Thỏa ước.
Tất cả những thỏa ước của giấc mơ trần thế đều đang sống và đang rất mạnh. Vì thế, bạn cần phải trở thành thợ săn, trở thành chiến binh để bảo vệ Bốn Thỏa ước, bằng cả mạng sống của bạn. Hạnh phúc, tự do và cả cuộc đời bạn đều phụ thuộc vào đó. Mục đích của chiến binh là chuyển đổi cuộc đời mình, thoát khỏi địa ngục, và không bao giờ quay trở lại. Lời dạy của người Toltec giúp con người thoát ly đau khổ, trở thành hiện thân của Thượng Đế. Đó chính là phần thưởng.
Chúng ta cần phải sử dụng tất cả sức mạnh của mình để giữ vững Bốn Thỏa ước này. Ban đầu, bạn sẽ gặp khó khăn. Bản thân tôi cũng nhiều lần thất bại. Nhưng tôi luôn đứng lên và bước tiếp. Rồi lại ngã. Rồi lại đứng lên. Tôi không tội nghiệp bản thân mình. Tôi tự dặn lòng, “Nếu mình ngã, mình vẫn mạnh mẽ, mình vẫn thông minh, mình sẽ làm được”. Thế là tôi lại đứng lên và bước tiếp. Cứ mỗi lần đứng lên từ vấp ngã, tôi lại thấy mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
Cho nên, khi bạn té ngã, đừng phán xét. Đừng cho phép tên quan tòa biến bạn thành nạn nhân. Đừng bao giờ! Hãy mạnh mẽ lên. Đứng lên và ký lại thỏa ước. Phải, tôi có lỡ phá vỡ thỏa ước sử dụng ngôn từ tích cực, nhưng tôi sẽ bắt đầu lại. Tôi sẽ giữ gìn Bốn Thỏa ước hôm nay. Hôm nay, tôi sẽ sử dụng ngôn từ tích cực. Hôm nay, tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói hay làm. Hôm nay, tôi sẽ không đưa ra giả định. Và hôm nay, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Nếu bạn phá vỡ một thỏa ước, ngày mai hãy bắt đầu lại. Thời gian đầu sẽ rất khó khăn, nhưng mỗi ngày bạn sẽ thấy dễ dàng hơn. Rồi một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra mình đang vận hành cuộc sống bằng Bốn Thỏa ước. Bạn sẽ ngạc nhiên với những thay đổi trong cuộc đời mình.
Bạn không cần phải theo một tôn giáo hay hành lễ mỗi ngày. Tình yêu thương và lòng tự trọng của bạn lớn dần lên theo năm tháng. Bạn có thể làm được chuyện này. Nếu tôi làm được, bạn cũng thế. Đừng lo lắng đến tương lai. Hãy tập trung vào hôm nay, và giữ mình trong hiện tại. Hãy sống từng ngày, từng ngày một. Cố gắng hết sức giữ vững những thỏa ước này, và không lâu sau nó sẽ trở nên vô cùng dễ dàng. Hôm nay chính là ngày khởi đầu của một giấc mơ mới.