Thoát chết, nhưng không thoát tội.
Khi về tới Tỉnh đội, người ta há miệng nhìn gã. Gã như một loài khác với loài của đa số mọi người, bởi trong đầu tất cả những người ấy đều có chung một câu hỏi: Tại sao gã không chết? Câu hỏi làm đầu óc họ quay cuồng, bởi họ chỉ có một ý nghĩ: Gã không thể sống. Cái tội lớn nhất của gã là đã sống, cũng như năm ngoái gã đã mắc phải tội là không để địch bắt. Người ta cho rằng một đội quân là một tập thể, các cá thể nhất quyết phải chịu chung số phận với cái tập thể ấy. Tập thể ấy bị địch bắt thì cá thể mà ở đây cụ thể là gã cũng nhất quyết phải bị bắt. Tập thể ấy bị tiêu diệt thì gã nhất quyết cũng bị tiêu diệt. Không bao giờ có ngoại lệ. Không bao giờ!
Gã lại phải ngồi lỳ viết tường trình. Xin giúp chị nuôi một chút. Không được. Xin đi gùi sắn trên nương về. Không được. Xin vào rừng ngay sát nơi trú quân để lượm ít củi khô. Cũng không được. Kẻ thù trăm phương ngàn kế. Mất cảnh giác, dù chỉ một chút là sẽ ăn đòn, sẽ bị tiêu diệt. Trưởng ban an ninh nói thế. Và ông có hẳn một chỉ thị riêng, một kế hoạch riêng, một biện pháp riêng để đối phó với gã, bởi gã là “một tay sành sỏi, đầy mưu mẹo”.
Ba tháng - lại ba tháng. Bao nhiêu bản tường trình, bao nhiêu cuộc hỏi cung, bao nhiêu lần xác minh… vẫn không thể trả lời được câu hỏi: Tại sao gã không chết?
Mãi tới khi Tỉnh đội trưởng Nguyễn Ngọc Hoanh đi quân khu họp về, nhìn thấy gã, reo lên:
- A. Thằng em. Giỏi! Thoát được khỏi tỉnh đường là quá giỏi! Thôi, đừng buồn. Có thắng lợi phải có hy sinh, mất mát. Ráng chiến đấu mà trả thù cho đồng đội.
- Nhưng… Thưa thủ trưởng. Em có được đi chiến đấu để trả thù cho đồng đội đâu. Đến xin phụ giúp chị nuôi, xin đi gùi sắn, đi lượm củi cũng còn chẳng được, nữa là…
- Tại sao thế? - Ông Hoanh sửng sốt.
- Bên an ninh họ…
- À. Hiểu rồi. Có lẽ chỉ là sự cảnh giác thái quá. Thôi. Đừng buồn. Đâu sẽ vào đấy thôi mà.
Sau bao cuộc họp, bao lần tranh cãi, vẫn chưa ai giải thích rõ ràng câu hỏi: “Vì sao gã sống?”. Phải đến khi an ninh quân khu điện về công nhận lời khai của gã thì gã mới thở phào. Không biết từ nguồn nào mà an ninh quân khu lại nắm rõ diễn biến của những trận ác chiến trong tỉnh đường, biết rõ hệ thống cống thoát nước của thị xã, còn biết rõ phương án mở sẵn các cửa cống đề phòng bất trắc. Đúng là ếch ngồi đáy giếng. Gã là một con ếch. An ninh tỉnh đội cũng là những con ếch.
Mấy hôm sau, gã nhận được quyết định bất ngờ: Phong quân hàm từ Trung sĩ lên H3, về C16 tức là Đại đội 16 thông tin làm chính trị viên phó đại đội. Gã chẳng hiểu H3 là cái quái gì, cũng chẳng hiểu chính trị viên phó thì làm những việc gì. Nghe nói cán bộ chính trị phải là đảng viên ưu tú. Đằng này gã mới là đảng viên dự bị. Nhưng gã cứ phải chấp hành. Quân đội là vậy. Mà sức mạnh của một đội quân cũng từ đó mà ra. Huống hồ gã mang dòng máu võ tướng. Quân lệnh như sơn đã ngấm vào từng tế bào trong gã.
Sau này gã mới biết. Sở dĩ gã từ quân sự sang chính trị, lại được thăng chức đều là do Trưởng ban An ninh. Bên an ninh vẫn chưa yên tâm, vẫn không đồng ý cho gã xuống cơ sở, cũng không đồng ý cho gã trực tiếp điều khiển máy vô tuyến điện. Biết đâu lại chả cắm thêm răng nanh cho chó sói. Gã chỉ có thể là người gián tiếp, là chân “loong toong” như chân chính trị viên phó chẳng hạn. Trưởng ban cán bộ tủm tỉm cười, khen: “Hay. Anh không phân tích cụ thể thì chúng tôi lại mất cảnh giác. Đúng. Đưa cậu ta làm chính trị viên phó là quá phải. Cảm ơn anh!”.
Gã may mắn được về sống, làm việc với một đồng chí chính trị viên tuổi đã cao, vừa giản dị, vừa bao dung, suốt ngày diện quần đùi vì lúc nào cũng “đầy mình đỏ tím như hoa gấm”, suốt ngày sột soạt. Ông cười, bảo:
- H3 tương đương với thượng sĩ ngoài Bắc. Thượng sĩ thì chỉ là cán bộ trung đội, chắc cậu có dây có dợ nên mới được lên đại đội. Còn chính trị viên phó làm gì à? Hầy. Tớ làm gì, cậu làm nấy. Rồi sẽ quen. Miễn là có nhiệt tình, có trách nhiệm.
Mấy tháng sau, ông Tùng - Chủ nhiệm Thông tin Tỉnh đội xuống, bảo:
- Các cậu chuẩn bị đưa một tổ đài xuống Nha Trang. Dưới ấy nguy quá. Thằng Lập, thằng Quyền rửng mỡ đòi xuống làng lấy gạo, bị phục kích hy sinh cả rồi. Mấy cậu báo vụ táy máy thế nào để cháy cả máy. Bây giờ tịt liên lạc. Lệnh ông Hoanh là phải đi ngay, phải cử một cán bộ đại đội đi theo. Thu xếp xong mọi việc thì mới được về. Các cậu khẩn trương. Sáng mai lên đường.
Chưa ai có ý kiến gì thì ông đã nói, gần như quyết định:
- Cán bộ đại đội hầu như toàn dân hữu tuyến, chỉ có cậu này - ông chỉ gã - là dân vô tuyến chính tẩy. Cử cậu đi.
- Nhưng sợ bên an ninh không đồng ý.
- Thế thì ai? Nếu họ không đồng ý thì để họ đi. Tôi không chịu trách nhiệm nữa.
- Đồng chí không chịu thì ai chịu? - Ngoài lán, một người vừa đi vào, vừa nói.
- Thủ trưởng. Thủ trưởng xuống bao giờ mà chúng tôi không biết?
- Mình mới xuống. Cũng vì vấn đề đưa tổ đài và một cán bộ đại đội xuống Nha Trang. Thế nào - ông hất hàm hỏi gã - Đi được chứ?
- Vâng ạ!
- Sáng mai đi thật sớm, để tối vượt đường. Tình hình Nha Trang đang mù tịt. Quân khu thông báo, có khả năng bọn đánh thuê mở càn quét lớn chiến khu Đồng Bò…
Sáng hôm sau, đang lục tục chuẩn bị thì một đoàn của Tỉnh đội, có cả ông Vũ - Tỉnh đội phó cùng đi đã tới ngoài đường mòn. Ra tới ngã ba thì gặp đoàn bên Tỉnh ủy. Các đồng chí lãnh đạo đang rất sốt ruột.
Đoàn người khá đông, lặng lẽ di chuyển. Đến các trạm nghỉ cũng đâu ở đó, không đi lại lộn xộn. Chuyến đi an toàn, thuận lợi. Chưa đến tám giờ sáng hôm sau đã tới hang Ông Phật.
Hang Ông Phật là một hang to có thể chứa cả tiểu đoàn. Không biết vì lý do gì mà người ta gọi hang này là hang Ông Phật (hay gộp Ông Phật). Có người nói hang này có một tảng đá giống y như ngài Di-lặc. Có người nói hang này ngày xưa có vị chân tu tới đây tu đạo, chứng quả thành Phật. Cô giao liên cười bảo em chả biết có Phật hay không, chỉ thấy lên được tới đây là yên tâm, là thoải mái nghỉ, không lo gặp địch, mà cũng chẳng lo đói khát. Xung quanh hang rất nhiều cây cổ thụ, nhiều nhất là say - cái cây đã cứu sống gã ở thung lũng Ninh Sơn - và rất nhiều cây đooc hao hao như cây cọ vùng Phú Thọ. Ruột của loài cây này ngọt như củ đậu, lấy làm thực phẩm thì ngon chả kém loại thực phẩm nào.
Cũng mấy lần tới hang Ông Phật, nhưng ít khi gã tìm hiểu kỹ càng. Lần này do nghỉ lâu đợi đoàn Tỉnh ủy nên có thời gian, gã đi sâu mãi vào trong hang. Càng vào sâu, hang càng hun hút, tỏa hơi mát rượi. Những lạch nước trong vắt róc rách chảy, lấy tay hứng uống ngọt mát như nước đường phèn…
Đi một lúc, gã quay ra thì gặp đoàn Tỉnh ủy vừa tới. Ơ… Ai như… Một người con gái vận bộ đồ bà ba, đầu đội mũ tai bèo, đang nhanh nhẹn leo lên hòn đá phẳng lỳ nơi gã đứng. Đúng rồi! Gã không thể nhầm. Vẫn nước da trắng hồng, vẫn đôi mắt đen láy, cái miệng ươn ướt và bộ ngực căng phồng… Gã buột miệng reo to:
- Ành!... Có phải Ành không?
- Ành đây. Ai gọi em đấy?
Trời ơi! Ành thật. Em cũng vào đây ư? Bao nhiêu con mắt trông vào, nhưng gã mặc kệ. Gã lao tới, ôm chặt lấy Ành. Ành cũng quăng gùi, ôm lấy gã. Hai người tíu tít hỏi nhau. Nước mắt Ành giàn giụa ướt cả khoang ngực áo. Ông Vũ ra hiệu mọi người tản ra, trả lại cho đôi trẻ khoảng trời bình yên hiếm hoi trong buổi sáng tuyệt vời.
Ành kể: Ành vào đây tìm gã, vì cô yêu gã, còn vì cô nhất định phải gặp gã để thanh minh, để gã hiểu đúng về cô.
Ành còn kể: Cô tốt nghiệp loại giỏi. Nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thầy chủ nhiệm đặt vấn đề với cô, muốn cả hai đi nước ngoài tu nghiệp. Cô không dám chối từ, nhưng không thể quên gã. Nhân nhà trường phát động phong trào đi B, cô viết đơn tình nguyện. Thầy chủ nhiệm chạy chọt khắp nơi, nhưng không dám ra mặt can ngăn nên đành âm thầm buồn bã, âm thầm lên tàu liên vận một mình đi Đông Âu tu nghiệp. Ành như người được cởi trói. Cô dò hỏi mãi, biết gã đi Khánh Hòa, cô tình nguyện xin đi Khánh Hòa trong đoàn giáo dục với cái tên rất đàn ông: Hoàng Mộc. Tới Khánh Hòa, Mộc dò hỏi đơn vị gã. Có người nói gã đã hy sinh trong Tết Mậu Thân khi đánh tỉnh đường ở dưới Nha Trang. Cô lại xin đi Nha Trang. Cô không tin là gã đã hy sinh bởi cô chưa giãi bày được nỗi oan với gã. Bây giờ gặp gã, cô quên hết mọi bực tức, quên hết mọi nỗi oan khiên, cô chẳng cần phải thanh minh nữa. Gã ôm cô càng lúc càng chặt như sợ cô tuột khỏi tay mình, tuột khỏi đời mình. Cô biết, gã đọc được những ý nghĩ thầm kín của cô. Chỉ cần vậy là cô đã mãn nguyện lắm rồi.
Hết giờ nghỉ. Các đoàn chỉnh đốn đội hình, tiếp tục lên đường. Thị ủy với Thị đội gần nhau, nhưng đường đi lại khác. Hai người ra sau gộp chia tay. Ành chủ động ôm hôn gã. Gã như con mãnh thú siết chặt lấy cô. Nước mắt cô lại chảy. Gã vừa hạnh phúc, vừa xót xa cho đôi lứa giữa thời chiến tranh trận mạc.
Đêm ấy, gã không sao ngủ được. Gã nhớ Ành, nhớ cả Yến. Gã tự hỏi: Mình có phải là thằng Sở Khanh? Mình đã yêu Yến, tại sao lại đối xử với Ành như thế? Trong gã có hai con người: Lên án và bênh vực. Con người nào cũng có lý. Kẻ thì vin vào hoàn cảnh, người thì khinh bỉ cho thói đời bắt cá hai tay. Thực ra, chưa bao giờ gã nói với Yến một lời yêu, chưa bao giờ viết cho Yến một dòng bày tỏ tình cảm của mình. Nhưng gã đã chấp nhận tình yêu của Yến, gã tự thề là chỉ có cô. Vì Yến mà gã phải giữ khoảng cách với Nhã, phải nén lòng trước những ân tình của Mơ.
Nhưng với Ành thì khác. Ành chính là mối tình đầu của gã, khiến gã vật vã, khổ đau và có lúc đã vô cùng chán nản. Nếu không có sự hiểu nhầm thì không bao giờ gã đón nhận tình yêu của Yến. Còn giờ đây, sự thật đã rõ ràng. Ành đã từ bỏ giàu sang phú quý, lặn lội vào nơi đạn nổ bom rơi, coi cái chết như trò đùa thử thách để đi tìm gã. Gã không thể phụ cô, không thể nhân lỗi lầm lên thành tội lỗi…
Cứ thế, suy đi nghĩ lại, tình nọ lý kia, cuối cùng gã đi đến một quyết định táo bạo: Ngày mai đi gặp Ành. Nếu Ành chấp nhận thì gã sẽ cưới cô, suốt đời sống vì cô, vì tình yêu tuyệt diệu của hai người.
Thu xếp mọi việc xong xuôi, gã nhờ người bên Thị đội đưa sang bên Thị ủy. Tưởng ở đâu hóa ra ngay sát gộp điện đài. Tuy vậy vẫn phải đi cả nửa tiếng đồng hồ. Gã tha thiết nói với Ành tất cả ý nguyện của mình. Ành cảm động lắm, nhưng lại hỏi:
- Có vội quá không anh? Chúng mình còn trẻ quá. Em sợ người ta bảo mình…, bảo em chưa làm được gì đã lo thu vén hạnh phúc cá nhân, thậm chí có người bỗ bã hỏi: Đồng chí vào đây đánh Mỹ hay vào đây lấy chồng thì em biết trả lời thế nào? Vả lại, cưới nhau rồi, mình lỡ có con thì làm sao? Em sợ lắm!
- Có gì đâu mà sợ. Chúng mình yêu nhau đã năm năm. Chuyện của chúng mình ai mà chả biết. Còn có con thì mình nuôi, đồng đội nuôi. Ai nghĩ thế nào, nói thế nào làm sao chúng mình quản được. Anh chỉ xin quản một mình em thôi.
Ành đấm gã thùm thụp, nghe đã xuôi xuôi, nhưng lại bảo:
- Em chỉ mong có thế. Em vào đây vừa vì nghĩa vụ, vừa vì anh. Em không thể mất anh. Nhưng, liệu cấp trên có đồng ý cho chúng mình…
- Cứ để anh lo. Mình có đòi hỏi gì quá đáng đâu. Đánh giặc thì cứ đánh, yêu thương thì cứ yêu thương. Chả lẽ vì cái nọ mà bỏ cái kia.
Ấy là hai người trẻ tuổi lo xa, chứ khi gặp ông Bí thư Thị ủy, ông vui vẻ nói:
- Mình ủng hộ các cậu. Để mình trao đổi với các anh trong Thị ủy, cả các anh bên Thị đội. Rất may là có cả Thủ trưởng Vũ ở đây.
Gã ra với Ành. Chỉ nửa tiếng sau, ông cho gọi cả hai người vào:
- Mình đã trao đổi xong. Ai cũng vui và chúc cô cậu hạnh phúc. Thế có cần chọn ngày lành tháng tốt không? Cái khoản tử vi mình khá lắm đấy.
- Vâng. Chúng cháu cám ơn chú. Chú như cha mẹ, xếp sắp thế nào chúng cháu xin vâng.
- Thế thì thế này đi. Hôm nay là mồng Một tháng Tám ta. Tháng này nhiều ngày tốt như mồng Bốn này, mồng Sáu này. Nhưng thôi, để hẳn đến mồng Chín. Còn để cơ quan, bạn bè, đồng chí, đồng đội có thời gian chuẩn bị chứ. Hạnh phúc một đời người đâu có thể xem thường. À này. Từ nay đến ngày cưới, chúng mình đã nhất trí cô cậu coi như đã là vợ chồng. Ưu tiên đặc biệt đấy. Nhất trí không?
Ành mắc cỡ nép sau lưng gã. Cũng từ hôm đó gã tìm được con đường tắt, từ gộp điện đài sang gộp Thị ủy chỉ mất mười phút lại cực kỳ bí mật, an toàn. Gã gọi con đường đó là con đường “từ trái tim đến với trái tim”.
Chiều ngày mồng Chín tháng Tám âm, đám cưới được tổ chức ở gộp Thị ủy. Gã không ngờ lại hoành tráng đến thế. Giữa gộp, sát với vách đá căng cái phông lớn có đôi chim bồ câu cắn mỏ nhau, bốn cánh tung bay trên nền trời xanh biếc. Giữa là hàng chữ “LỄ THÀNH HÔN” chạy vòng theo hai trái tim, bao lấy hai chữ lồng H.A. Bên trái là ngày dương lịch: 30 tháng 9 năm 1968. Bên phải là ngày âm lịch: 9 tháng 8 năm Mậu Thân. Dưới phông, hai bên góc là hai cái bàn phủ vải hoa. Bàn bên trái có hai chiếc ghế buộc chặt vào nhau. Mỗi bàn có một lọ hoa rực rỡ sắc màu, tỏa hương ngan ngát. Dưới hội trường kê bốn dãy bàn, đều bằng rễ những cây rứa dại chẻ nhỏ, nhẵn bóng, đều tăm tắp. Ghế ngồi là những cây gỗ nhỏ bóc hết vỏ, nhẵn thín. Trên mỗi dãy bàn đặt rất nhiều bánh kẹo, hoa quả và cả những chai rượu quý.
Một chiến sĩ trẻ được chọn làm người dẫn chương trình. Cậu ta là dân Nha Trang chính hãng nhưng nói tiếng Hà Nội cực chuẩn. Giọng cậu ấm, truyền cảm. Cậu giới thiệu đại diện họ nhà trai là chú Thị đội trưởng - chính là người đã dạy gã bắn ná cao su: Chú Vũ Hồng Quân. Bên nhà gái thì đích thân chú Bí thư Thị ủy đứng ra đại diện. Gã và Ành được mời lên bàn bên trái, nơi có hai cái ghế buộc chặt vào nhau. Quan khách đều là những cán bộ, chiến sĩ của hai cơ quan thị và đại diện của Tiểu đoàn 407 đặc công quân khu, Đại đội 10 pháo binh, có cả mấy anh chị em biệt động vẫn đeo mặt nạ.
Sau những thủ tục truyền thống thì bước vào liên hoan văn nghệ. Mở đầu, người dẫn chương trình giới thiệu gã phát biểu. Phát biểu xong thì hát một bài.
Gã đứng dậy, kéo Ành đứng lên. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Mọi người trầm trồ “đẹp đôi quá!”, “đúng là một cặp trời sinh”. Trước hết gã bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Quân đội mà cụ thể ở đây là Thị ủy, nhất là chú Bí thư, là Thị đội và cá nhân chú Vũ Hồng Quân, rồi gã nói về Ành, về mối tình, về sự hiểu lầm, về những đặc ân mà Ành đã khước từ. Sau cùng gã nói về Mơ. Gã để rơi một giọt nước mắt. Cả hội trường lặng đi. Gã bừng tỉnh, xin hát một bài quan họ giao duyên có tựa đề “Ngồi tựa mạn thuyền”. Người nghe như chìm vào những đêm trăng miền Kinh Bắc, như nhìn thấy cảnh sóng nước lung linh, đôi trai gái với con thuyền bồng bềnh trao nhau những lời yêu thương đằm thắm. Rồi gã lại xin hát thêm mấy câu vọng cổ, bởi gã lại nhớ tới Mơ. Gã hát một đoạn trong vở cải lương “Lan và Điệp”. Gã lại đánh rơi giọt nước mắt thứ hai. Cả hội trường lại lặng đi. Có hạnh phúc nào không chứa chất khổ đau, không đong đầy nước mắt. Gã biết, trong ngày vui mà không kìm nổi cảm xúc của mình, để rơi nước mắt là phạm điều cấm kỵ. Nhưng biết làm sao. Cảm xúc bắt nguồn từ trái tim, còn lý trí xuất phát từ bộ não. Cái này đâu quản được cái kia.
Hát xong, gã dắt tay Ành đi cảm ơn mọi người. Khi tới chỗ mấy chiến sĩ biệt động, gã nhìn sâu vào một đôi mắt rất quen, anh ánh nước. Bàn tay mềm mại của nữ chiến sĩ biệt động ấy nhắc gã nhớ về một thời chưa xa, nhớ về chú Nghĩa. Có lẽ không kìm nổi lòng mình, nữ biệt động ấy đã vi phạm nguyên tắc, ghé tai gã, khe khẽ: “Chú Nghĩa vẫn còn. Chúc anh chị hạnh phúc”. Gã nhớ ra rồi. Đôi mắt ấy, bàn tay ấy… chỉ có thể là cô gái xinh đẹp làm kế toán công ty. Hóa ra kẻ thù không thể tiêu diệt hết người của công ty Nha Nghĩa. Tổ điệp báo vẫn còn và vẫn đang hoạt động. Gã sung sướng mỉm cười, nụ cười rạng rỡ nhất trong ngày hạnh phúc.
Đám cưới chưa kết thúc thì đồng chí liên lạc bước vào. Anh đưa cho Bí thư Thị ủy một phong thư. Bí thư đọc xong liền đứng dậy, nhanh nhẹn đi tới chỗ mấy đồng chí C10. Họ ý tứ lần lượt ra ngoài. Và không trở lại…
Sáng hôm sau. Mới tờ mờ sáng, tiếng súng đã nổ vang phía gộp C10. Vài phút sau, chiếc máy bay “bà già” bay tới, ngó nghiêng khắp vùng núi Đồng Bò. Rồi từng đàn trực thăng chao liệng, quần đảo bắn phá khu vực C10. Tất cả được lệnh vào vị trí chiến đấu. Điện đài lên sóng liên lạc về Tỉnh đội. Mọi thứ đã sẵn sàng. Khoảng mười giờ trinh sát báo về: Tiểu đoàn biệt kích Trung Dũng đã bất ngờ tấn công Đại đội 10 pháo binh. Đại đội đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu từ trưa hôm trước nên tất cả những đợt tấn công của bọn Trung Dũng đều bị bẻ gãy, thương vong nặng, phải nhờ không quân, pháo binh chi viện giải tỏa. Khoảng chín giờ, tấn công không hiệu quả, địch cho trực thăng hạ xuống bốc quân. Có lẽ giờ này vẫn chưa rút hết, bởi thi thoảng tiếng súng vẫn rộ lên.
Buổi chiều đã hoàn toàn im tiếng súng. C10 hy sinh một, bị thương ba. Bên địch, theo trinh sát quan sát thì đã có hơn bốn mươi xác chết và rất nhiều tên bị thương được trực thăng chuyển đi. Bên ta còn bắt được hai tên tù binh, trong đó có một tên đeo lon trung úy. Qua khai thác và căn cứ vào các nguồn tin thì địch sẽ tổ chức một lực lượng lớn gồm trung đoàn 29 của sư “Bạch Mã”, khoảng từ một đến ba tiểu đoàn của sư “Mãnh Hổ” và một số đơn vị biệt kích mở trận càn đại quy mô vào căn cứ Đồng Bò mà địch gọi là Mật khu Đá Hang, nhằm hất văng mũi dao găm vẫn thọc vào nách Nha Trang và cả tiểu khu Khánh Hòa.
Cả căn cứ khẩn trương bước vào chiến dịch. Một số lực lượng chưa cần thiết, nhất là bên Thị ủy được đưa về cứ, một tiểu đoàn của Trung đoàn 20 Sao Thủy được tung xuống. K90 vừa được củng cố, hoàn tất khóa huấn luyện chiến sĩ mới cũng kịp thời có mặt. Ành thuộc diện về cứ, nhưng cô cố nằn nì chú bí thư cho ở lại. Chú đồng ý, điều về bên binh vận, vừa viết bài, vừa tham gia khai thác tù binh vì cô biết tiếng Hàn. Tất cả đường mòn, tất cả các cửa gộp đều được gài chông, mìn, cạm bẫy. Dự trữ đạn dược, lương thực, thực phẩm ít nhất cũng được mười lăm ngày. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ căn cứ Đồng Bò.
Tờ mờ sáng 12 tháng 10 năm 1968, từng loạt pháo từ ngoài biển, từ ba cụm pháo binh mặt đất dồn dập đổ xuống những dãy gộp đá Đồng Bò. Cây cối gãy gục, mặt đá bị nghiền vụn thành những lớp bột vôi trắng xốp, nóng bỏng. Từng đàn khỉ nháo nhác nhảy ào ào từ cành nọ sang cành kia, từ gộp nọ sang gộp kia, dù nhanh như những mũi tên cũng không thoát chết. Tiếng những con vật bị thương kêu cứu hú từng hồi thê thảm. Con nai, con hoẵng đâm bổ xuống chân núi máu me đầm đìa sa xuống gộp hoặc chết tức tưởi giữa hai hàng đá chắn.
Pháo ngừng, trời bừng nắng. Từ phía biển những chiếc C-130, C-47 lừ lừ bay về phía Đồng Bò. Từng tốp ba chiếc lượn vòng, rồi quăng xuống gộp đá những tấm gỗ vuông vức. Trên mỗi tấm gỗ có bốn chiếc thùng phuy, mỗi chiếc rộng cả mét đường kính. Khi những tấm gỗ rơi xuống, những chiếc thùng phuy bật ra, tung hết nắp. Một thứ nước sền sệt, lờ lờ máu cá chảy ra, len lỏi vào ngóc ngách từng gộp đá. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, còn những chiếc máy bay cứ đi đi về về cần mẫn chuyên chở. Người ta ước tính đã có hàng ngàn thùng phuy được ném xuống, hàng triệu lít nước bẩn thỉu đã chảy vào trong gộp.
Gần trưa, hai chiếc khu trục cánh quạt từ sân bay Nha Trang bay lên. Chúng lượn mấy vòng rồi bổ nhào, ném mỗi dãy gộp vài quả na-pan. Chỉ vài quả thôi mà cả dãy gộp phừng phừng bốc cháy. Ngọn lửa từ trong ngóc ngách phụt lên. Vách đá bị nung cả ngàn độ nứt nẻ, toác ra. Lúc ấy người ta mới hốt hoảng, nhận ra những thứ chứa trong những thùng phuy kia toàn là mủ cao su non, là một thứ cờ-rếp bén lửa. Không một gộp đá nào không bị cháy, bởi không có gộp đá nào mà thứ nước sền sệt lờ lờ máu cá chết tiệt kia không chảy tới. Chúng cháy, nhiệt độ tăng vọt và đốt hết ô-xy khiến cán bộ, chiến sĩ chỉ kịp vớ khẩu súng, bao đạn nhảy ra ngoài, ẩn trong những khoảng rừng bé nhỏ như cái thăn chuột giữa hai dãy gộp. Ở các căn cứ pháo binh, những chuyên gia sành sỏi Hoa Kỳ đã tính toán kỹ lưỡng để khi những người trong gộp chạy hết ra rừng, thoát ly nơi trú ẩn thì pháo các nơi bắt đầu cấp tập. Người ta không còn nghe thấy gì ngoài tiếng bùng bùng của màng nhĩ, cũng không nhìn thấy gì ngoài lửa và cây ràn rạt đổ.
Khi lửa trong các gộp đã tắt thì hàng trăm chiếc trực thăng đồng loạt bay lên. Những chiếc thang dây hạ xuống. Cả trung đoàn 29 của sư đoàn “Bạch Mã” và hai tiểu đoàn không rõ phiên hiệu của sư đoàn “Mãnh Hổ” quân chư hầu đổ xuống, rải khắp trên mặt gộp. Dưới chân núi, những tiểu đoàn, đại đội biệt kích, bảo an của tiểu khu Khánh Hòa dàn ra vây chặt lấy Đồng Bò. Chúng tuyên bố một con kiến cũng khó lọt qua, sẽ không để một tên “Việt cộng” nào chạy thoát, cũng không cho một đơn vị cứu viện nào đặt được chân lên đất Đồng Bò.
Khi thấy những chiếc C-130, C-47 thả những tấm gỗ kỳ lạ, dù không biết đó là gì, nhưng gã nghĩ ngay tới những điều tồi tệ. Gã lệnh cho tổ đài và tiểu đội vệ binh thu xếp đồ đạc, đem điện đài phân tán giấu vào những nơi an toàn nhất, rồi tranh thủ ăn bữa sáng, nai nịt gọn gàng, sẵn sàng chiến đấu. Ăn xong thì gộp bốc cháy. Gã cùng mọi người lao ra. Bọn thám báo và ngay cả những tên chiêu hồi hèn nhát, ham hố lập công cũng quên rằng ngoài những dãy gộp chính, Đồng Bò còn rất nhiều những dãy gộp phụ. Ngoài những dãy gộp phụ, Đồng Bò còn hàng ngàn những tảng đá mà các chiến sĩ gọi là những tảng đá mồ côi rải rác bên ngoài dưới những lùm cây. Gã cho anh em di chuyển ra nơi ấy. Địch tưởng rằng “Việt cộng” đã bị lửa và đạn pháo tiêu diệt sạch. Bộ binh chỉ còn nhiệm vụ duy nhất là đếm xác để khuếch trương chiến quả và thu chiến lợi phẩm. Chính lúc đó là lúc các chiến sĩ của chúng ta đã nhanh chân chiếm lại gộp, dùng nước và cành cây vừa hạ nhiệt, vừa thông khí. Khi những tên lính chư hầu hý hửng túm năm tụm ba là lúc những khẩu AK, B-40 phát hỏa. Chỉ loạt đạn đầu hai chiếc trực thăng đã bùng lên như ngọn đuốc, hàng trăm lính địch đã gục xuống. Những chiến sĩ thông tin vô tuyến điện cũng không ngoại lệ. Họ nổ súng dũng mãnh không kém gì những người lính bộ binh. Gã yểm trợ cho họ chiếm lại gộp. Khi cả tổ đài, cả tiểu đội vệ binh đã vào hết trong hang, gã còn dừng lại quan sát. Bất ngờ sáu tên lính nấp sau một tảng đá lao ra. Một tên ôm ngang bụng gã. Gã nhún người, đánh một cùi tay trí mạng vào sườn nó, rồi nhảy lên quay tít một cú đá vòng. Đôi dép cao su vả trúng đầu hai tên, khiến cả hai loạng choạng. Một loạt AK vang lên, tiểu đội trưởng tiểu đội vệ binh đã kịp thời quay lại. Loạt AK chính xác đã diệt gọn ba tên. Ba tên bị gã đánh vứt súng lăn xuống núi. Gã và tiểu đội trưởng thu được một khẩu phóng lựu M-79, bốn khẩu AR-15, đạn và nhất là mấy hộp cơm đỏ lừ toàn ớt. Khi hai tốp lính đánh thuê từ dưới lên, từ trên xuống, thì hai người đã biến vào trong gộp, mặc cho chúng điên cuồng thả lựu đạn xuống hang.
Thế là tất cả đã lại trở về khu gộp đá quen thuộc của mình.
Đêm ấy, bọn lính đánh thuê không dám ở trên những gộp đá đầy bí hiểm mà phải nhanh chóng rút xuống núi hoặc leo tít lên đỉnh những mỏm đồi. Và đó chính là những mục tiêu mà C10 pháo binh đã dày công chuẩn bị. Họ không để giặc yên. Chỉ dăm quả cối, vài phát ĐKZ trúng đích đã khiến cả đội quân chuyên ỷ vào công sự bê tông vững chắc phải cuống cuồng lo sợ. Nửa đêm, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 407 đặc công, của K90 lại có dịp tung hoành. Giặc ở trên đỉnh đồi, ở dưới thung lũng, thậm chí ở tận vòng ngoài cũng bị đánh. Thử xem chúng sẽ trụ được mấy ngày?
Nhưng… một đội quân mấy trăm người, những gì dự trữ hầu như đã bị cao su non đốt cháy, lại không liên hệ được với dân thì sẽ sống thế nào? Hội nghị liên tịch quân - dân - chính - đảng được mở. Giải pháp duy nhất là lấy của địch để đánh địch và để sống. Phó ban kinh tài thì bảo:
- Ta ở rừng, sao lại sợ đói? Các đồng chí không nhìn thấy những cây đa, cây đề, dù bị đạn pháo tả tơi vẫn nảy đầy nụ, lộc. Thứ ấy nuôi sống người, không chết được đâu mà sợ.
Gã thì bán tín bán nghi, họp xong vội đi tìm Ành. Cô vít đầu gã xuống, hôn tới tấp. Không biết ai đã kể câu chuyện buổi chiều gã đối diện với sáu tên lính chư hầu. Cô làm mặt giận, bảo:
- Anh là liều lắm đấy. Lần sau mà còn thế là em cấm cửa.
Nhưng. Than ôi! Làm gì còn có lần sau.
Hội nghị hôm ấy còn quyết định một điều hệ trọng: Phải di chuyển toàn bộ trạm xá sang khu gộp mới và phải tăng cường thêm lực lượng, cả phục vụ lẫn bảo vệ. Đã một ngày chiến đấu mà chưa bắt được tù binh, cũng chẳng có lúc nào mà làm binh vận, Ành thấy chán quá, bèn xung phong tăng cường cho trạm xá bởi có lần cô đã học qua một lớp cứu thương.
Bốn giờ sáng lực lượng tăng cường xuất phát. Mờ sáng thì tới gộp Cứu Thương, nơi đang đặt làm trạm xá. Nhưng những tên phản bội đã dẫn bọn lính đánh thuê bí mật bao vây. Trạm xá vẫn chìm trong giấc ngủ. Nhận thấy nguy cơ, mặc dù lực lượng nhỏ bé, những người tăng cường cũng quyết định tổ chức tấn công vừa tiêu diệt địch, vừa báo động cho trạm xá tìm cách rút lui. Những loạt AK giòn giã nổ. Bọn phục kích bừng tỉnh, cậy đông đánh trả. Lúc ấy trung đội bảo vệ trạm xá mới xông ra nổ súng quyết liệt. Nhưng những chiếc trực thăng nhanh hơn. Chúng ào ạt đổ viện binh, siết chặt vòng vây. Lúc ấy, Ành không biết làm gì, sợ lắm. Khẩu K54 đã lên đạn run bắn trên tay. Bất ngờ cô nghe câu được câu chăng tiếng một tên lính chư hầu:
- Chúng mày. Nhìn kìa. Vi-xi đẹp quá. Phải bắt sống.
Ba tên tiến về phía cô. Cô cuống quýt quay lại tìm người, nhưng tất cả đã lao lên phía trước - nơi tiếng súng nổ rền. Cô quay đầu định chạy về phía ấy thì ba tên đã ập tới. Cô giơ súng bóp cò. Một tên rống lên, đổ vật. Cô lấy lại bình tĩnh, hết sức tự tin. Vốn từ bé quen đi rừng nên Ành vô cùng nhanh nhẹn. Cô nhảy lên một tảng đá, phát hiện một tốp lính chư hầu. Nhanh như cắt, Ành rút chốt quả da trơn tung về phía ấy đúng lúc ba tên nữa cũng nhảy lên tảng đá chỗ cô đang đứng. Một tên túm được chiếc gùi. Cô vội so vai, chiếc gùi tuột ra, tên lính mất đà ngã lăn xuống đất. Cô lại bóp cò rồi nhằm phía tiếng súng lao tới. Nhưng một loạt AR-15 đã trúng đôi chân trắng muốt của cô. Cô ngã sấp xuống. Bọn lính chư hầu bu lại. Cô chỉ kịp bóp nốt những viên đạn cuối cùng, rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, cô thấy mình trần như nhộng. Bọn lính chư hầu khốn kiếp đã thay nhau hành lạc trên thân xác rã rời đầy máu của cô. Cô căm uất giơ thẳng tay tát mạnh vào mặt một tên gần đó. Bị đánh bất ngờ, tên lính liền quay súng xả cả băng đạn vào cô. Cô ra đi trong nỗi cô đơn, đầy uất hận.
Đêm hôm sau, gã bò tới, cởi quần áo của mình khâm niệm cho cô. Hai mắt cô vẫn mở, đờ đẫn nhìn gã, nhìn bầu trời cuối tháng không trăng đen kịt. Đêm ấy, gã quấn một dải khăn đen mò vào nơi đóng quân của bọn lính chư hầu, một mình diệt gọn cả tiểu đội địch.
Hôm sau, hai cơ quan thị trang nghiêm để năm phút mặc liệm, tiễn đưa gần một trăm cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, trong đó có Ành đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại mất mát quá nhiều như thế, chưa bao giờ chịu tổn thất khủng khiếp đến thế. Đau thương, uất hận lộ trên khuôn mặt từng người. Họ thề chiến đấu tiêu diệt bằng hết những tên lính đánh thuê khát máu.
Cứ thế, ngày lẩn trong gộp đá chọn thời cơ đánh địch. Đêm lên tìm địch mà diệt. Có những lúc địch - ta giành nhau từng hang nhỏ, có thể thò tay túm giặc mà giật chúng xuống hang. Lương thực, thực phẩm hết. Chúng ta đã đánh và chiếm lấy những suất ăn của địch, trước hết dành cho thương bệnh binh, sau mới tới những người già yếu. Rất may, quân ta đói nhưng không khát, bởi gộp nào cũng có những con suối chảy ngầm, nước mát và ngọt như nước đường. Mà ngay cả đói cũng chỉ đói cơm chứ những cây đa, cây đề, cây say gộp nào cũng thừa sức cung cấp cho chiến sĩ những thứ lót lòng. Vì thế quân ta vẫn khỏe. Điều lo nhất vẫn là đạn dược. Mười ngày sau thì nỗi lo ấy đã thành nguy cơ. Đạn của mỗi khẩu súng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ta quyết định rút quân. Toàn bộ tổ đài cũng phải về căn cứ. Chỉ có K90 và một số cán bộ chủ chốt còn khỏe mạnh ở lại bám đất, nắm tình hình. Gã xin ở lại. Gã bảo gã ở lại để bảo vệ điện đài. Không có điện đài giống như người câm, người điếc. Thấy gã nói có lý, cấp trên đồng ý. Thấy vậy, đài trưởng, báo vụ cũng xin ở lại. Gã phải giải thích mãi anh em mới chịu lên đường.
Đêm 21 tháng Mười, tức là đêm 30 tháng Tám âm lịch, một đêm đen mù mịt. Địch vẫn bao vây quanh núi, nhưng tuyệt nhiên không có đèn dù, pháo sáng. Có lẽ địch cũng dự liệu là chúng ta sẽ rút. Rừng rậm, hang đá, trời tối… có thách cũng chẳng ai dám mò mẫm đi ban đêm. Chúng không bắn pháo sáng, không thả đèn dù vì sợ chúng ta lợi dụng. Nhưng chúng đã lầm. Trời tối đến mức giơ bàn tay không nhìn rõ ngón tay, nhưng những người rút lui có những người hướng đạo tài ba, nhắm mắt vẫn có thể đi lại dễ dàng. Người ta lấy những cành củi mục óng ánh lân tinh giắt vào ba-lô, vào mũ, vào gùi để người nọ nhìn thấy người kia. Cứ thế, đoàn người lặng lẽ nối nhau đi. Đi đầu là Tiểu đoàn đặc công 407, rồi đến Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20 Sao Thủy, C10 pháo binh. Thị ủy và Thị đội đi giữa. Khóa đuôi là toàn bộ lực lượng vũ trang của Thị đội Nha Trang và Huyện đội Vĩnh Xương.
Đội quân mấy trăm người lặng lẽ luồn lách, vượt qua dày đặc những vị trí đóng quân của địch. Năm giờ sáng hôm sau (tức là ngày mồng Một tháng Chín âm) cả đội quân ấy đã có mặt ở Suối Lùng. Họ không liên hoan, không nghỉ ngơi mà nhanh chóng tái trang bị để quay lại Đồng Bò, nơi vẫn còn bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đang ẩn mình chiến đấu, nhất là hơn trăm những đồng chí thân yêu vĩnh viễn nằm lại nghe biển Nha Trang ào ạt hát khúc quân hành.
Đêm ấy, gã lại luồn lách tới mộ Ành. Gã lặng lẽ ngồi xuống đặt lên mộ Ành tấm bia đá gã đã dùng dao găm chạm khắc. Gã phác thảo chân dung Ành với khuôn mặt bầu bầu nhân hậu, đôi mắt đen sắc sảo, đôi môi hồng tươi tắn và mái tóc dày tung bay. Dưới chân dung gã ghi:
Liệt sĩ Anh hùng LÒ THỊ ÀNH
Sinh:1944
Hy sinh: 13-10-1968 (22-8-Mậu Thân)
Quê mẹ: Mộc Châu. Quê chồng: Hà Bắc.
Rồi úp mặt vào tấm bia, nghe trong gió tiếng Ành bảng lảng đâu đây. Gã thì thầm kể cho Ành nghe những chuyện về mình, ân hận là chưa đưa được Ành về ra mắt chú. Sương đêm sà xuống đậu vào đầu gã. Nước mắt gã lại chảy. Gã khóc Ành, khóc cho bao đồng đội, khóc cho cuộc chiến tranh đẫm máu không có điểm dừng.
Gần sáng, gã quỳ xuống hôn lên mộ rồi trở lại gộp đá điện đài. Gã sẽ trụ ở đây, sẽ bảo vệ bộ máy thông tin quý giá này.
Mấy ngày liền, địch không thấy quân ta mở những trận đánh, cho rằng ta đã bị tiêu diệt, hoặc súng đã hết đạn, không còn sức kháng cự, bèn cho chở những bao chất độc quăng đầy các gộp, rồi ném lựu đạn để những bao chất độc ấy bung ra, hy vọng những gộp đá này vĩnh viễn không bao giờ có ai dám đến, vĩnh viễn xóa bỏ “Mật khu Đá Hang” kinh hoàng mấy chục năm nay.
Sáng ngày mồng 3 tháng 11 năm 1968, bộ chỉ huy chiến dịch của địch tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bật “Việt cộng” ra khỏi chiến khu Đồng Bò, trả lại cho Nha Trang một vùng không tiếng súng.
Nhưng, C10 pháo binh đã quay lại. Khi những chiếc trực thăng đậu xuống bãi cỏ non xanh vùng Trảng É, những tên lính đánh thuê đang tranh nhau leo lên những chiếc thang dây thì hàng trăm quả cối 82 cùng đạn ĐKZ đã từ trên núi lao xuống. Mấy chiếc trực thăng bốc cháy, quân đánh thuê tán loạn, tên chết, tên bị thương kêu khóc vang khắp núi rừng.
Gã và đồng đội đã mắc lại ăng-ten. Phiên làm việc đầu tiên, các chiến sĩ thông tin đã vui mừng quên cả bảo mật, bật thoại, reo lên: “Anh. Anh có khỏe không? Đơn vị mong anh trở về!”. Gã chỉ lặng lẽ gõ hai chữ OK rồi chuyển liền hai bức điện.
Khi tổ điện đài quay lại, gã đã hoàn thành nhiệm vụ. Trận chiến Đồng Bò gã được Ban chỉ huy mặt trận đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được Đảng ủy công nhận đảng viên chính thức vào đúng ngày kết nạp sau chín tháng: 16 tháng 10 năm 1968.
***
Vinh dự thật đấy, nhưng gã không vui. Gã đã mất quá nhiều, nhất là mất đi người bạn đời phải gian truân lắm mới đến được với nhau.
Không vui, nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách. Chính trị viên ốm nặng, đi viện triền miên, gã phải chịu toàn bộ trách nhiệm về công tác chính trị, tư tưởng trong đại đội. Tuy vậy gã vẫn thích làm chuyên môn.
Một buổi chiều trời nổi cơn giông, sấm sét đùng đùng. Trưởng đài Vũ Ba vã mồ hôi nhận bức điện tối khẩn. Chỉ 49 nhóm thôi mà vật vã mãi vẫn không nhận đủ, bị phía bên kia kiên quyết đòi thay người. Vũ Ba gần như phát khóc, đưa mắt cầu cứu gã.
- Nào. Để tôi.
Gã mở vô-lum thật nhỏ, chỉnh lại máy và yêu cầu phía bên kia phát lại từ đầu. Gã tập trung cao độ. Một lần. Xong.
Cẩn thận, gã đối chiếu với mấy bản trước đó Vũ Ba đã nhận để đảm bảo độ chuẩn xác.
Đang định cho người đem đi thì đồng chí Nhật cơ yếu xuất hiện.
- Chào anh. Đi đâu mà hôm nay rồng lại đến nhà tôm?
- Cứ đùa. Trời nổi cơn giông, định đi dọc suối kiếm vài con cá ngược dòng. Thấy mưa nên chạy vào đây, tiện thể thăm các anh.
- Vâng. Cám ơn anh. À. Đang có bức điện tối khẩn. Anh có thể đem về giúp được không? Nếu được, chúng tôi đỡ phải mang sang. Trời thì đã mưa lại sắp tối.
- Có gì mà chả được. Sổ giao điện đâu, bỏ đây mình ký nhận cho.
Ba ngày sau, cả quân khu đồng loạt nổ súng. Riêng Khánh Hòa án binh bất động.
Người ta truy tìm bức điện truyền đi mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu. Nó chính là bức điện số 001/TK có 49 nhóm mà gã đã nhận trong buổi chiều giông sét. Gã báo cáo là đã giao bức điện ấy cho cơ yếu mà cụ thể là đồng chí Lê Văn Nhật, có đài trưởng Vũ Ba chứng kiến. Nhưng không hiểu vì sao mà Lê Văn Nhật không thừa nhận, còn Vũ Ba không thể là người làm chứng bởi Vũ Ba cũng là đối tượng điều tra. Vậy thì còn quyển sổ giao điện, còn chữ ký của Nhật. Khốn nỗi, ngay sau buổi chiều giông sét ấy, Tỉnh đội có lệnh di chuyển ra phía trước. Quyển sổ ấy lại vừa hết nên được cho vào thùng đạn đại liên niêm cất tận trên Ba Cụm, mà giờ đây Ba Cụm liên quân Mỹ - ngụy đang càn quét lớn.
Làm sao lại có sự trùng lặp ngẫu nhiên đến thế? Người đứng đầu cơ quan bảo vệ đặt dấu hỏi. Và ngay đêm ấy, cơ quan bảo vệ đã được Ban chỉ huy Tỉnh đội đồng ý ra lệnh quản thúc gã. Cẩn tắc vô áy náy mà.
Gã ngoan ngoãn chấp hành. Cái gì cũng quá tam ba bận. Gã mới bị quản thúc hai lần, mỗi lần ba tháng. Thôi thì, nốt lần này cho nó tròn ba, cho đủ chín tháng - thời gian một đứa trẻ nằm trong bụng mẹ. Sẽ có ngày đứa trẻ ra đời. Nhưng bây giờ hãy ngoan ngoãn mà hưởng thú nhàn. Gã nghĩ thế. Và gã thấy vui, buồn lẫn lộn. Để giết thời gian, gã lao vào viết lách. Lúc đầu là những bài thơ. Gã viết cho Ành. Viết xong gã đốt, mong là Ành nhận được. Gã muốn bù đắp thời gian giận dỗi, thời gian chỉ nhận mà không trả. Càng viết, gã càng đau, càng giận mình, giận lây sang cả anh bạn Trần Công. Nhưng rồi gã chán. Thơ không đủ để bộc bạch cõi lòng. Gã quay sang viết văn xuôi. Truyện ngắn đầu tiên gã viết về cuộc gặp gỡ với Ành, về tình yêu nảy nở và cả sự hiểu lầm. Lúc đầu gã lấy tiêu đề là “Hoa mơ Châu Mộc”. Rồi gã tự hỏi: Sao chỉ là hoa? Phải là cây, là lá, là quả và là em nữa chứ? Hoa chỉ là em trong trắng. Còn sự non tơ, còn sức sống, còn sự dâng hiến… Gã quyết định bỏ đi chữ “hoa”, chỉ còn “Mơ Châu Mộc”. Viết xong, gã mỉm cười, thở một tiếng thật dài và hai hàng nước mắt lại rơi. Gã thấy một bàn tay lau lên má. Bàn tay trắng muốt, nhẹ và lạnh. Gã lim dim, rồi chìm vào giấc ngủ. Từ đó, gã viết suốt ngày, suốt đêm. Ba tháng hoàn thành năm truyện. Đến truyện thứ sáu thì trưởng ban an ninh xuống.
- Xin lỗi nhé. Chúng mình đã có quyển sổ giao điện, đã nhìn thấy chữ ký của Lê Văn Nhật. Sáng hôm kia, Lê Văn Nhật đã được đưa về quân khu.
- Tôi nghĩ là anh Nhật không cố ý. Anh ấy là người tốt.
- Cậu ngây thơ quá! Cậu phải biết kẻ địch vô cùng thâm hiểm, mất cảnh giác một chút là phải trả cái giá khổng lồ…
Gã ngồi im nghe ông ta thuyết giảng, chẳng vui mà cũng chẳng buồn.
***
Trở về đơn vị, gã chính thức được đề bạt lên làm chính trị viên đại đội, được phong trung đội bậc trưởng, ký hiệu là 3/5, tương đương cấp chuẩn úy ngoài Bắc. Gã khe khẽ cám ơn, rồi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ theo phận sự.
Không biết có phải do di chứng trận sốt rét ác tính năm xưa, do trầm uất bởi ba năm ba lần quản thúc hay do cái chết đớn đau của người vợ trẻ mà sức khỏe gã suy giảm khá nhanh. Những cơn sốt rét thường xuyên hành hạ, hai đầu gối thi thoảng sưng vù, tấy đỏ, gần đây lại thêm chứng tim đập thình thình như gõ trống khiến gã gầy rộc đi. Gã chẳng mở miệng nói với ai, cũng không chịu nằm yên trên võng. Sau sự kiện Bác Hồ kính yêu từ trần, gã - mặc dù buồn và bi quan lắm, nhưng đơn vị vẫn đứng vững. Chính gã là người phát động phong trào “Biến đau thương thành hành động” được cả đơn vị hưởng ứng. Đơn vị gã trở thành lá cờ đầu. Tuy vậy gã vẫn sống âm thầm, nhất là về đêm, về những phút rỗi nhàn. Gã giống như cái bóng vật vờ quanh thân xác ốm yếu của mình…
Mãi tới cuối năm 1971, một đoàn kiểm tra của Tỉnh đội do đích thân Tỉnh đội trưởng Nguyễn Ngọc Hoanh dẫn đầu xuống các đơn vị. Tỉnh đội trưởng giật mình khi nhìn thấy gã.
- Ơ kìa. Cậu đấy à? Tại sao ốm yếu thế này lại không báo cáo về Ban Cán bộ?
- …
- Bác sĩ Tuyến. Bác sĩ hãy khám ngay cho cậu ta. Không thể để một cán bộ lại đau yếu đến mức này. Khám xong, báo lại cho tôi.
Hai ngày sau, bác sĩ Tuyến đưa tờ phiếu giám định sức khỏe lên trình tỉnh đội trưởng. Trong phiếu ghi rõ: Sốt rét kéo dài, hồng cầu giảm dưới hai triệu. Tim hở van hai lá, có nguy cơ đột quỵ. Viêm đa khớp mạn tính… Đề nghị: Ra Bắc chữa bệnh.
Tỉnh đội trưởng thở dài. Ông rất quý những cán bộ như gã. Khi nghe Ành hy sinh, ông đã rơi nước mắt. Ông coi vợ chồng gã như vợ chồng thằng con trai lớn nhà ông. Cha mẹ khi nghe tin con cái hy sinh đau đớn thế nào thì ông - người chỉ huy khi nghe lính mình hy sinh cũng đớn đau không kém. Ông biết gã từ khi gã mới bước vào Tỉnh đội. Đẹp trai, tráng kiện là thế mà chỉ sau sáu năm đằm mình trong cuộc chiến đã ra nông nỗi này. Ông không muốn mất một cán bộ tài hoa như gã. Ông không muốn xa gã.
Nhưng… Thôi. Phải để gã đi. Giữ gã là ích kỷ và tội lỗi. Ông lo liệu gã có còn đủ sức ra tới miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay không? Ông nhắc bên cán bộ đề nghị phong gã quân hàm 3/1. Bên cán bộ bảo gã chưa đủ niên hạn. Ô hay. Chiến tranh mà cũng cần niên hạn à?