Đúng là gã vẫn sẵn sàng. Còn một mình, gã vẫn mắc ăng-ten, giữ liên lạc với trung tâm. Gã tham gia xuống bìa rừng gùi gạo, cùng y tá Mơ đi hái rau rừng, bắt cá suối về cải thiện bữa ăn. Nhưng, người ta bảo: “Không sốt rét, không ghẻ lở thì không phải là lính Trường Sơn”. Gã không ngoại lệ.
Một hôm đang ngồi nhận CQ, gã bỗng rùng mình. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng khiến gã rét run. Gã cố tắt máy, loạng choạng bước lại tấm sạp ken bằng rễ những cây dứa dại. Gã chưa kịp ngồi xuống thì thấy đầu đau nhức, nặng trịch. Gã lăn ra sạp. Hàng trăm gáo nước lạnh buốt đang nhằm gã ào ào đổ xuống. Gã run bắn, lịm dần. Gã thấy một người đàn bà còn trẻ, vô cùng xinh đẹp, hao hao như chị gái gã. Người đàn bà nước mắt lưng tròng, cúi sát mặt gã khe khẽ gọi: “Con ơi! Con ơi!”. Gã choàng dậy, gọi toáng lên: “Mẹ. Mẹ ơi!”. Nhưng mẹ gã đã hóa thành chùm khói trắng, bay tít lên đỉnh núi. Gã chạy theo, gào thét gọi bà. Rừng cây bỗng vút lên, đổ ập lên người gã. Gã như người đã chết, thoi thóp thở dưới một thân cây mềm nhũn. Gã không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Rồi gã lơ mơ nhớ về trận chiến đấu đầu tiên trong đời gã. Hôm ấy đơn vị đang hành quân trong rừng khộp Gia Lai, thì hàng trăm chiếc trực thăng từ đâu lao tới. Do ngụy trang kỹ càng, mặc dù ở giữa trảng trống, bọn trực thăng cũng không sao phát hiện được đơn vị gã. Chúng đua nhau quần đảo trên bầu trời. Những chiếc “cán gáo”, có lúc thổi bay cả lá ngụy trang, nhưng bọn giặc lái cũng chỉ thấy những nấm đất khô cằn, bất động. Vòng đi vòng lại cả trăm lần không thấy gì, bọn trực thăng điên tiết phóng rốc-két, xả 12,7 ly chán chê rồi cũng bay về căn cứ.
Thượng úy Đại đội trưởng Dương Tấn Đạt bật dậy, hô:
- Tạt vào bìa rừng tìm nơi ẩn nấp. Chúng sẽ quay lại bây giờ.
Cả đơn vị nhổm dậy, chạy như bay. May cho phân đội gã (từ lúc rời Thường Tín, Tiểu đội đài 15 oát được gọi là Phân đội 5) chạy vào một lùm cây trước cửa một cái hang đá ăn sâu vào tận sườn núi. Cả phân đội lọt thỏm trong hang ấy. Quả thật, chỉ mươi phút sau lại hàng đàn trực thăng kéo đến, có cả những chiếc to đùng hai đầu hai cánh quạt, lủng lẳng cẩu những khối vuông to như những tòa nhà. Hơn chục chiếc bay sát mặt đất, vừa bắn phá, vừa tìm kiếm. Số còn lại đi đi về về, đến tối vẫn chưa dừng.
Buổi chiều, cơ yếu đưa cho gã một bức điện:
- Lệnh ông Đạt là bằng mọi giá phải chuyển được bức điện này về trung tâm trước năm giờ chiều.
Gã cho họp phân đội. Khó nhất là vấn đề ăng-ten. Từ đây về trung tâm nếu không mắc ăng-ten dây thì không thể liên lạc được. Nhưng nếu mắc ăng-ten dây thì làm sao qua mắt được bọn trực thăng, lại thêm hai con “đầm già” quần đảo. Ngô Thế Lập đứng dậy, tự tin nói:
- Tôi nghĩ phải lợi dụng tảng đá này. Tảng đá này có rất nhiều dây leo. Mình sẽ cuộn những dây leo này với ăng-ten rải lên sườn dốc. Nhất định sẽ liên lạc tốt.
Có lý. Ai sẽ là người đi rải ăng-ten? Gã bảo để gã đi. Cả phân đội phản đối. Trừ ba đồng chí đang sốt cao, còn tất cả đều xung phong. Nhưng. Gã biết. Làm gì có ai có thân thủ như gã. Gã bảo đây không phải là chuyện sống chết, vấn đề là có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Nếu để bọn trực thăng phát hiện thì không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn đẩy đơn vị vào thế vô cùng nguy hiểm. Gã phải phân tích mãi, mọi người mới nghe ra. Gã bèn khoác tấm dù hoa, buộc một đầu dây ăng-ten ngang bụng, đu một cành cây, bật lên tảng đá. Gã nhẹ nhàng như một chú mèo, chỉ làm cành cây khe khẽ lay động. Thế mà ba chiếc trực thăng đã bu lại. Gã co người nén chặt mép dù. Bọn trực thăng quần đảo, có chiếc còn thò đuôi vào cửa hang ngoáy tít. Nhưng chúng đã gặp phải cao thủ, ngụy trang khéo đến nỗi chúng có mắt như mù.
Sáng kiến của Lập đã thành công. Bức điện đã được chuyển về trung tâm. Mười phút sau đã có phản hồi. Bộ Tổng Tham mưu đồng ý để Đội 6 nay mang tên K90 đánh một trận mật tập, hạ uy thế sư đoàn không vận số một Hoa Kỳ, nhưng phải bảo đảm an toàn và nhanh chóng trở về binh trạm.
Hai mươi giờ, Ban chỉ huy triệu tập các phân đội trưởng. K trưởng Dương Tấn Đạt thông báo: Địch đổ khoảng một tiểu đoàn bộ binh quân viễn chinh, trú quân trong những lô cốt dã chiến trên ba quả đồi. Chúng ta sẽ tổ chức chín đội, mỗi đội ba người, vừa điều nghiên vừa đánh. Giờ G: Chậm nhất một giờ sáng ngày mai. Hiệu lệnh: Tiếng nổ của thủ pháo ở mỏm A - nơi K trưởng trực tiếp chỉ huy. Cái khó là vấn đề lực lượng. Quân số cả K là bốn chín. Ba đồng chí đã nằm xuống vì sốt rét ác tính, còn bốn sáu. Chín đồng chí bên thông tin, một y sĩ, một y tá. Còn ba nhăm thực chiến. Hiện tại tám đồng chí sốt cao, trong đó có hai phân đội trưởng, bốn sốt nhẹ vẫn sẵn sàng cho trận đánh. Như vậy, kể cả chỉ huy mới đủ quân số cho chín mũi.
Gã đứng dậy, xin phép phát biểu:
- Không thể để bốn thủ trưởng trong đội hình chiến đấu trực tiếp vì rất nhiều lý do. Như vậy chúng ta thiếu bốn. Tôi xin về động viên các đồng chí trong phân đội thông tin, chọn lấy bốn đồng chí, trong đó có tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Tranh cãi nổ ra. Thông tin là mạch máu. Có thể đồng ý để bốn đồng chí quay viên tham gia, chứ đài trưởng và báo vụ thì không thể. Nhưng gã là người có khả năng hơn cả, mà trận đầu ra quân phải thắng. Bàn đi tính lại. Quyết định cuối cùng là: K trưởng và chính trị viên K đi theo mũi một của cánh một để thống nhất chỉ huy. K phó và Tham mưu trưởng trực tiếp nằm ở mũi một của hai cánh còn lại. Ngô Thế Lập tạm thay đài trưởng. Gã và một quay viên tham gia chiến đấu, được bổ sung vào mũi hai, cánh một. Gã được chỉ định làm mũi trưởng mũi ấy. Cả đại đội nắm tay thề quyết chiến. Phải rất khẩn trương để hai mốt giờ xuất kích.
Phía Mỹ cho rằng đã giành được bất ngờ, lại ỷ vào lô cốt dã chiến bằng bê tông kiên cố, hệ thống mìn dày đặc và địa hình núi non hiểm trở, nếu có Quân giải phóng cũng chẳng thể tiếp cận nên rất chủ quan. Phía ta, các mũi tiềm nhập thuận lợi, vô hiệu mìn Clây-mo, nhanh chóng áp sát từng lô cốt.
Hai bốn giờ, các mũi báo cáo đã vào vị trí. K trưởng Dương Tấn Đạt quyết định giờ G sớm hơn bốn nhăm phút.
Không giờ mười lăm phút, từ phía mỏm A, một quầng lửa bốc lên, tiếp theo là tiếng nổ vang trời. Nhanh như cắt, các mũi diệt ngay những tên gác, tới tấp quăng thủ pháo vào những lô cốt dã chiến. Tiếng nổ trùm tiếng nổ. Trong mịt mù lửa khói, những tiếng rú kinh hoàng bật lên thảng thốt. Trận đánh diễn ra như kịch bản, kết thúc sau năm phút. Các mũi nhanh chóng về vị trí. Mười phút sau thì pháo từ bốn phía dồn dập bắn về. Núi rừng Gia Lai rung chuyển. Bầu trời rực sáng. Máy bay đủ loại quần đảo. Những chiếc C-130 rót đạn như xay lúa. Mấy chiếc phản lực giội bom lung tung vào các mỏm đồi. Quân ta lợi dụng ánh đèn dù nhanh chóng di chuyển về phía nam - nơi các cán bộ, chiến sĩ binh trạm đang nóng lòng chờ đợi…
Gã nghe ai đó gọi tên. Gã bừng tỉnh, mồ hôi toát ra như tắm. Gã thấy cô Mơ y tá nâng đầu gã, lấy khăn mặt bông thấm từng giọt mồ hôi. Thấy gã tỉnh, cô sung sướng reo lên, rồi bưng bát cháo bảo gã húp. Gã kề răng vào mép bát húp một chút, thấy đắng như mật cá, vội nhả ra. Những gì còn trong bụng cũng đua nhau ra hết. Gã lại thấy rét run, toàn thân lạnh cứng cứ như cả cơ thể đã đóng thành một cục băng, tê dại, đau nhức, đầu óc choáng váng, nặng như có tảng đá đè lên. Gã lăn ra sạp. Chiếc sạp rung lên răng rắc. Mấy người vội lấy chăn trùm lên. Người gã vẫn run bần bật. Mơ phải ôm lấy gã đè xuống. Gã thở dốc, từng hơi đứt quãng rồi lịm dần, lịm dần.
Không biết bao lâu, gã tỉnh lại thấy Mơ hốc hác ngồi bên. Mơ mừng cuống quýt, líu lưỡi gọi:
- Ông ơi. Ảnh đã tỉnh. Ông ơi!
Một người đóng khố, da đen nhẻm, tóc quăn tít, miệng phì phào tẩu thuốc từ ngoài cửa gộp đi vào.
- Tốt rồi! Nó không chết được đâu. Ta đã bảo thế mà. Chỉ hai bát nữa là nó sẽ khỏi, sẽ lại như con mang, con nai thôi mà.
Gã ngơ ngác không hiểu ông già nói gì. Bụng gã bỗng dưng đau nhói. Gã buồn đại tiện. Ông già biết ý, nhấc bổng gã lên, đem ra phía sau gộp đá. Gã ì ạch thải ra chút cặn đen sì. Ông già cúi xuống xem xét, hoan hỷ cười, bảo:
- Tốt quá rồi! Sống thật rồi!
Mơ ép gã ăn một bát cháo loãng. Gã thấy đói, thấy vị thơm thơm, ngòn ngọt. Gã không hiểu cháo gì mà màu xanh như bát nước rau.
Ăn xong bát cháo, gã không thấy ông già đóng khố, tóc xoăn. Lúc sau thì Ngô Thế Lập và anh em tổ đài kéo đến. Lập mừng tíu tít:
- Tưởng anh bỏ chúng tôi…
Rồi Lập kể: Gã hôn mê đã ba ngày. Bác sĩ Tuyến cũng đã lắc đầu. Cơn sốt rét ác tính thể não trăm người không cứu nổi một người đột ngột quật ngã gã. Có lẽ cơ thể gã đã gồng lên chống lại lũ ký sinh trùng sốt rét suốt sáu, bảy tháng trời, cho đến khi kiệt sức. Gã đã bị lũ ký sinh trùng khủng khiếp ấy đánh bại. Nhưng số gã cao, gã luôn có quý nhân phù trợ. Khi gã đang trong cơn hấp hối, chết sống chỉ còn cách nhau sợi tóc thì ông già Ê Đê đi ngang qua.
- Ơ… thằng này sắp chết rồi. Để tao hái cho nó nắm lá. May ra thì còn kịp.
Ông già chạy vù đi. Nửa tiếng sau ông quay lại. Ông nhặt viên đá, nghiền nát nắm lá, vắt được nửa bát nước, lấy đũa ghè miệng gã đổ vào. Gã khò khè phun ra. Ông dằn ngửa đầu gã, kiên trì đổ từng giọt nhỏ. Xong xuôi, ông đặt gã nằm ngửa, cởi hết quần áo, chỉ còn một chiếc quần đùi. Gã ngoan ngoãn nằm im. Hình như cơn sốt cũng lui dần…
Hôm nay ông lại đến, mang theo một con gà, vài lon gạo nếp và rất nhiều rau, có cả mấy củ mài. Ông cho gã uống thuốc. Khoảng cách sinh tử lùi xa. Ông bảo ít nhất phải hai lần nữa. “Nó không chết được đâu. Nhưng phải cho nó ăn nhiều, không thì yếu lắm đấy”.
Cả tỉnh đội tới thăm. Tỉnh đội trưởng Nguyễn Ngọc Hoanh còn lệnh cho hậu cần mang tới một hộp sữa bột, mấy bịch sữa nước và một thùng lương khô 702.
***
Mơ như cái bóng bên gã. Có cô, gã hồi phục rất nhanh. Một tuần sau ông già Ê Đê đến thăm, cho gã một đõ mật ong vàng óng, đặc ngẩn. Gã rối rít cám ơn. Ông cười bảo:
- Tại mày khỏe quá đấy thôi. Bệnh như mày không ai thoát chết đâu. Con ma nào cũng sợ mày mà…
Ông lại cười, chỉ vào Mơ:
- Cũng tại mày tốt với nó quá. Mày bắt nó làm chồng được đấy. Khi nào bắt được nó làm chồng, tao cho một vò rượu, năm tay lợn, một đõ mật còn thơm hơn cả đõ này.
Mơ mắc cỡ quá, liếc nhìn gã rồi chạy biến vào rừng.
Vài hôm sau, có người bên Tỉnh ủy sang làm việc với Tỉnh đội. Đó là một cán bộ khoảng ngoài bốn mươi nhưng tóc đã trắng như cước, da trắng, môi đỏ, gương mặt hồng hào phúc hậu, ánh mắt thông minh anh ánh niềm vui. Ông như một ông tiên, một nhà hiền triết.
Buổi chiều, ông sang chỗ điện đài. Thấy chỉ có gã ở nhà, ông thân mật hỏi:
- Nghe em bị sốt rét ác tính, may mà gặp thầy gặp thuốc. Bây giờ em thấy thế nào?
- Thưa chú. Cháu đã khỏi hẳn. Bây giờ cháu rất khỏe, có thể nhận bất cứ nhiệm vụ gì.
- Nếu là nhiệm vụ được Đảng, Quân đội giao thì kể cả không khỏe cũng phải nhận chứ?
Rồi ông cười, hiền như Bụt. Chuyện trò hồi lâu, ông đưa mắt nhìn quanh, thấy không có ai, bèn đột ngột hỏi:
- Em có thích xuống thị xã Nha Trang không?
Ngay từ hồi ngồi trên ghế nhà trường gã đã biết Nha Trang qua những tác phẩm của Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư, đặc biệt là những bài thơ của Đặng Văn Hòa, Nguyễn Thông, Trương Gia Mô, Huỳnh Thúc Kháng… Những địa danh như Hòn Chồng, Hòn Yến, Tháp bà Pônaga, Bể Cù… đã khiến gã háo hức, mong một ngày nào đó được tận mắt ngắm nhìn. Nghe ông hỏi, mong ước của gã bỗng thức dậy, khiến gã không kìm nổi niềm vui:
- Dạ. Cháu thích lắm ạ!
- Thế còn chiếc máy 15 oát này?
- Thưa chú. Anh Ngô Thế Lập có thể thay cháu. Anh ấy thu phát còn giỏi hơn cháu đấy.
Hai người đang nói chuyện thì từ phía Nha Trang những tiếng đề pa liên tiếp, trong nháy mắt những viên đạn đã rít trên đầu. Gã vội vàng nhảy vào trong gộp, nhanh đến bất ngờ. Nhưng ông vẫn thản nhiên, ngẩng lên nhìn bầu trời, nhìn ánh hoàng hôn qua kẽ lá. Thấy vậy, gã ngạc nhiên hỏi:
- Sao chú không vào trong gộp? Chẳng may chúng bắn vào đây thì sao?
Ông cười, hỏi lại:
- Sao các anh Tỉnh đội bảo em học các môn tự nhiên, nhất là toán và vật lý giỏi lắm cơ mà? Theo lý thuyết thì tốc độ viên đạn là chín trăm mét mỗi giây, còn tốc độ âm thanh chỉ là ba trăm bốn mươi mét. Vậy là khi em nghe được tiếng đề pa và tiếng đạn rít thì viên đạn đã qua đầu em từ lúc nào rồi, việc gì phải tránh?
Gã ớ ra. Ông già này nhớ giỏi thật. Gã thấy xấu hổ, nhưng lại vớt vát, cãi:
- Nhưng, thưa chú. Trong quá trình di chuyển viên đạn chịu ma sát rất lớn, tốc độ càng xa càng giảm. Còn tốc độ âm thanh hầu như vẫn giữ nguyên. Vì thế viên đạn và tiếng đề pa có khi đến cùng một lúc, thậm chí viên đạn còn có thể đến sau.
Ông gật gật đầu, hỏi lại:
- Thế còn tiếng rít. Tiếng rít thì không thể đến sau viên đạn.
- Vâng ạ. Cháu không nghĩ tới điều đó.
- Thế đấy. Đôi khi lý thuyết thì như vậy, thực tế lại không thế. Khúc đầu mình đúng, khúc sau em đúng. Nhưng em lại không nhớ đến tiếng rít của viên đạn. Vì vậy sự việc nào cũng cần xem xét tất cả mọi mặt của nó, thậm chí phải cho nó rất nhiều giả thuyết…
Gã chăm chú lắng nghe, thấy ông vừa uyên thâm vừa tình cảm. Gã bắt đầu thấy quý ông, cảm thấy ông như cây đại thụ, như một người có thể gửi gắm cả sinh mạng của mình.
Lúc sau thì Tỉnh đội trưởng Nguyễn Ngọc Hoanh, Chính trị viên Nguyễn Ngật đến. Nguyễn Ngọc Hoanh hỏi ông:
- Anh thấy cậu này được không?
- Tốt. Rất tốt!
Nguyễn Ngọc Hoanh quay về phía gã:
- Giới thiệu với đồng chí. Đây là đồng chí Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đang hoạt động dưới thị xã. Đồng chí muốn xin cậu về làm thư ký kiêm bảo vệ. Cậu thấy thế nào?
- Báo cáo thủ trưởng. Em xin nhận bất cứ nhiệm vụ gì được phân công.
- Đây là nhiệm vụ đặc biệt, tuyệt đối bí mật, càng ít người biết càng tốt. Đồng chí rõ chưa?
***
Sáng hôm sau, gã từ biệt anh em tổ đài, từ biệt Tỉnh đội đi nhận nhiệm vụ bên Tỉnh ủy. Không ai ngạc nhiên. Đẹp trai lại có tài như gã được thăng tiến là chuyện bình thường. Mơ đeo gùi tiễn gã hai con dốc, đang định chia tay thì chú Nghĩa quay lại gọi:
- Mơ ơi. Anh Ngật bảo cháu quá bộ sang bên này đem một số tài liệu, sách vở cho cơ quan Tỉnh đội. Cháu đi được chứ?
- Dạ. Được ạ. - Mơ sung sướng bảo - Thế là em lại được tiễn anh thêm một đoạn đường. Từ đây sang bên chú Nghĩa còn xa lắm đấy. Anh kể chuyện cho em nghe đi.
- Tôi biết kể chuyện gì?
- Chuyện gì. - Mơ đai lại. - Anh thì thiếu gì chuyện. Ví dụ chuyện của anh, chuyện Hà Nội. À. Cả chuyện hát quan họ ở quê anh. Hay anh hát cho em một câu quan họ.
- Chuyện của tôi thì chả có gì. Bé đi học. Lớn đi bộ đội. Vào Nam và gặp Mơ.
- Ý… còn người yêu của anh?
Gã chợt nhớ Yến bèn thành thật kể:
- Cô ấy tên là Yến, cùng lớp. Tôi đi bộ đội, cô ấy đi du học bên Đức. Bao giờ thống nhất Bắc - Nam, còn sống thì làm đám cưới. Thế thôi.
- Chắc chị Yến đẹp lắm.
- Yêu nhau thì xấu cũng thành đẹp. Chắc gì Yến đã bằng Mơ!
- Ý… Anh xạo quá. Đẹp trai, có tài như anh mà lại yêu người xấu thì có mà trời sụp. Em chả dám sánh với chị Yến đâu.
- Không. Tôi thấy Mơ đẹp mà. Tôi còn phải mang ơn Mơ. Trong những ngày sốt rét ác tính tôi thấy Mơ như mẹ tôi, như chị gái tôi, có lúc lại như… như… như Yến của tôi. Không có Mơ chắc gì tôi còn đến hôm nay…
- Ý…
Mơ giơ tay, ấp bàn tay xinh xinh bé nhỏ vào miệng gã, ra vẻ giận dỗi, bảo:
- Anh nói gở quá. Mơ chỉ làm theo phận sự. Vả lại Mơ… thương anh. Ý… thương các anh miền Bắc lắm. Các anh phải xa gia đình, xa người yêu, xa quê hương, không quản hy sinh, khó nhọc lặn lội vào đây giải phóng quê hương chúng em…
Gã ngắt lời:
- Mơ sai rồi. Đấy là trách nhiệm. Đất nước mình làm sao có thể chia đôi. Vả lại, có vào đây mới được gặp Mơ.
Mơ đi sát vào gã, nũng nịu:
- Thôi, mình đừng nói chuyện linh tinh nữa. Anh hát cho Mơ nghe một bài quan họ đi.
- Nhưng tôi hát dở lắm.
- Càng dở, Mơ càng thích nghe.
- Nói thật đấy nhé.
Gã lấy giọng hát bài “Còn duyên”. Chất giọng của gã ấm áp, tình cảm, những câu luyến láy, vang, rền, nền, nẩy rất chuẩn khiến Mơ mê đi trong giai điệu trữ tình, trong buổi sáng tràn trề mơ ước. Hát xong, gã yêu cầu Mơ hát. Mơ ca sáu câu vọng cổ trong vở “Lan và Điệp”. Bất giác nước mắt cô chảy ròng ròng, nghẹn ngào bảo:
- Em sợ, em cũng như chị Lan. Em sợ em phải xa anh.
Gã lựa lời khuyên nhủ, mãi Mơ mới bình tâm trở lại.
Cứ thế, hết chuyện nọ đến chuyện kia, hết hát lại đọc thơ. Họ đi sát bên nhau, chậm chạp như thể muốn kéo thời gian lùi lại.
Ông Nghĩa - mà từ đây ta gọi ông bằng chú bởi gã và Mơ vẫn gọi như thế. Chú dừng chân bên kia suối. Chiếc ăng-gô của chú đang lạch xạch sôi, một đống than củi đang hồng. Thấy gã và Mơ, chú vẫy tay bảo:
- Lội qua suối đi, gần trưa rồi, cơm thôi.
Chết thật. Mải chuyện, hai thanh niên để một ông già phải cơm nước phục vụ thì đoảng thật. Cả hai mắc cỡ bảo:
- Chúng cháu vô ý quá.
- Không có gì. Chú quen rồi.
- Chú lấy đâu mà nhiều cá nướng thế này?
- À. Ở đỉnh dốc kia kìa có một tổ ong. Chú cởi áo bắt được một bọc mấy chục con, đem lên đầu con suối này vặt cánh thả xuống. Mấy chú cá hớn hở lao lên đớp mồi bị ong đốt, nổi phềnh trôi xuống đây. Chú chỉ việc nhặt đem nướng thôi mà.
Gã và Mơ tròn mắt ngạc nhiên, tấm tắc khen chú Nghĩa quá giỏi. Gã mở nắp ăng-gô thấy toàn nhái là nhái, sợ quá kêu lên:
- Chú ơi, chú luộc nhái hay sao? Ở ngoài Bắc người ta bắt nhái lột da, lóc thịt, giã nhỏ làm chả, chứ luộc thế này thì ăn sao được ạ?
- Ầy. Cứ thử xem.
- Nhưng luộc thế này thì tanh và bẩn lắm ạ.
- Các cháu cả tuần chả tắm thì chả chê là bẩn. Con nhái suốt ngày bơi lội tắm táp, chẳng dính một hạt bụi thì lại chê là dơ. Hầy… Sao con người lại bất công thế không biết.
Chả biết chú đùa hay thật nên hai người chả dám nói gì.
Vào bữa, chú xé nhái chấm với muối ớt đưa lên miệng ăn rất ngon lành. Gã và Mơ nháy nhau bắt chước. Ô, thịt nhái rất nạc, thơm, chấm với muối ớt ngòn ngọt, cay cay, đầm đậm, ngon ra phết. Có gì đâu mà sợ bẩn, sợ tanh. Người ta bảo đi ngày đàng học sàng khôn. Đi với chú Nghĩa chưa hết buổi sáng mà đã học được biết bao điều bổ ích, bất ngờ. Gã mừng thầm vì có được một người thủ trưởng như chú.
***
Mấy ngày nay gã phải ngày đêm học tập. Nào là học nói tiếng Nha Trang, học lái Hon-đa, học cả lý thuyết lái ô tô. Còn phải học thuộc lòng lý lịch cá nhân, số thẻ căn cước, các cung đường. Học cả cách giao dịch, cách truyền tin, và cả… cách ăn chơi. Chả là Phó Bí thư Tỉnh ủy Lưu Văn Trọng, bí danh Nguyễn Hữu Nghĩa, đóng vai một nhà tư sản có hàng trăm ô tô cả xe khách lẫn xe tải, hoạt động trên hầu hết các tuyến đường từ Nha Trang đi các nơi, lại còn có hơn chục chiếc tàu thủy chạy ven bờ biển. Gã được chú lựa chọn làm thư ký kiêm bảo vệ bởi chữ gã đẹp, có tài tốc ký, lại giỏi võ và nhất là có lòng trung thành tuyệt đối. Gã đóng vai một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, con một người bạn tư sản, chẳng may gặp tai nạn hàng không qua đời, để lại mấy chị em gã. Ông đã cưu mang nuôi chị em gã khôn lớn. Và gã trở thành trợ lý đắc lực cho ông dưới cái tên nghe như tên một chú khách: Lý A Thào. Lý A Thào đi bên ông giống như Châu Sương đi bên Quan Công khiến bao đối thủ phải dè chừng. Chỉ riêng tài bắn ná cao su được cái ông Vũ Hồng Quân nào đó chỉ dạy đã khiến nhiều người kính nể. Một trái cây trên cành, một con cá nổi trên mặt nước, thậm chí một con chim đang bay, Lý A Thào chỉ cần vẫy tay, viên sỏi nhẵn thín bay đi là quả phải rơi, cá phải phơi bụng và chim phải gãy cánh. Một đồn mười, mười đồn trăm, tiếng tăm Lý A Thào nổi như cồn. Vì thế gã quen nhiều. Công tử con nhà giàu, sĩ quan trẻ, tiểu thư lá ngọc cành vàng và nhất là giới giang hồ, anh hùng hảo hán… Bao nhiêu tin tức, bao nhiêu mánh lới kinh doanh và bao nhiêu lợi nhuận, chú Nghĩa đều nắm trong tay, đồng nghĩa với nhiệm vụ luôn hoàn thành xuất sắc.
Cho đến một ngày…
Đó là một ngày định mệnh giữa mùa thu năm Đinh Mùi. Công ty vận tải Nha Nghĩa chuẩn bị ký một hợp đồng quân sự lớn. Sáng hôm ấy cơm nước xong, hai chú cháu rời khách sạn Hải Âu đi Đà Lạt. Không biết vội vàng gì mà gã quên chiếc ví. Gã xin phép chú quay lại lấy. Chú Nghĩa gật đầu nhưng lại bảo:
- Chú đi trước. Em cứ bình tĩnh đi xe sau.
Chú còn hóm hỉnh cười cười bảo: “Khóa đuôi đấy nhé!”.
Đoàn xe hơn mười chiếc nối đuôi nhau chạy lên Tây Nguyên. Đến chân đèo Ngoạn Mục thì đoàn xe bỗng dưng khựng lại. Linh tính báo cho gã có chuyện chẳng lành. Gã vội mở cửa chiếc Cadillac ngó lại phía sau thì thấy rất nhiều xe Jeép từ dưới thung lũng Ninh Sơn đang vun vút lao lên. Phía trước nhiều bóng rằn ri bủa vây từng chiếc xe, một tốp đang lao về phía xe của gã. Gã vội túm quai chiếc vali, lợi dụng khúc cua, lăn mấy vòng xuống rệ đường. Gã nghe rõ tiếng quát:
- Xuống xe. Xe có bao nhiêu người?
- Dạ. Dạ… Có… Có một mình tui.
- Nói láo.
Tiếng một cái bạt tai nảy lửa. Gã còn nghe thấy bác tài la lớn:
- Các anh thật vô lý. Tui sẽ kiện các anh về tội đánh người.
- Kiện này! Kiện này! Lục soát toàn khu vực!
Bác tài quằn quại trong cơn mưa báng súng.
Gã rút khẩu ru-lô, nhanh nhẹn lủi sâu xuống vực. Mười phút sau cả đoàn xe quay đầu, mỗi xe có một xe nhà binh áp tải, rầm rập chạy về phía biển.
Thế là chú Nghĩa và đồng đội đã sa lưới giặc. Sau này gã mới biết, đội điệp báo của chú Nghĩa có tên phản bội. Chỉ một phần trăm những chứng cứ tên phản bội cung cấp cho Mỹ, ngụy đã đủ để chú không thể không thừa nhận mình là cộng sản, là điệp viên mười mấy năm trời. Nhưng bao nhiêu năm tù đày, chú cũng không thể nghĩ ra ai trong số mấy chục cộng sự có thể là kẻ đó. Chú có thể nghi ngờ tất cả, nhưng bằng trực giác, bằng linh tính, gã là người chú gạt ra trong mớ bòng bong những người nghi vấn. Và chú đã đúng. Công an Khu 5 đã tìm ra tên phản bội. Nhưng chú thì phải đến năm 1973 khi trao trả tù binh chú mới biết tên đó là ai…
Gã thoát thân - có lẽ chỉ duy nhất có gã. Khi làn bụi cuối cùng của đoàn xe khuất mãi dưới thung, gã mới ngồi phịch xuống. Nghĩ tới chú Nghĩa, nước mắt gã trào ra. Kẻ thù sẽ không buông tha một người như chú. Gã không ngờ nụ cười hóm hỉnh khi chú bảo: “Khóa đuôi đấy nhé” lại là nụ cười vĩnh biệt. Giờ đây gã biết đi đâu, về đâu? Nguyên tắc hoạt động đơn tuyến đã khiến gã như kẻ điếc người mù. Gã không biết ai, không có cơ sở nào. Gã không thể quay lại trụ sở công ty, gã cũng không thể quay lại Nha Trang. Kẻ thù nhất định sẽ truy lùng gã. Những người bạn, những công tử, tiểu thư, những anh hùng hảo hán biết đâu lại chính là những tên CIA giàu kinh nghiệm. Suy nghĩ mãi, cuối cùng gã quyết định bằng mọi giá phải tìm về đơn vị cũ - K90 đặc công Tỉnh đội Khánh Hòa.
Thung lũng Ninh Sơn tiếp giáp với cao nguyên Lang Biang là vùng núi cao rừng rậm vẫn còn rất hoang sơ, người ít, thú dữ nhiều. Người không quen đi rừng lạc vào đây như lạc vào trận đồ bát quái, vào mê cung đầy ma mị. Tuy đã sáu tháng trèo núi băng rừng đi từ miền Bắc vào tới Khánh Hòa nhưng đều là đi theo dấu chân của những giao liên, chứ chưa bao giờ một mình đi trong rừng rậm nên gã có phần hoảng sợ. Dẫu vậy gã vẫn phải đi, phải cách xa con đường trải nhựa ngoằn ngoèo đầy nguy hiểm này. Đến khi gã không còn nhìn thấy gì, không nghe thấy gì nữa thì cũng là lúc màn đêm bắt đầu ập xuống. Bụng đói, người mệt lử khiến gã đổ vật xuống một gốc cây to. Đôi mắt díp lại, gã thiu thiu ngủ. Gã mơ thấy tổ mẫu dốc ngược cái bình sứ rất đẹp cho gã uống một thứ linh đan ngòn ngọt. Tổ mẫu dỗ dành:
- Con ráng mà vượt qua. Ráng mà tìm về đơn vị. Bây giờ đơn vị là gia đình, thủ trưởng là cha mẹ, đồng đội là anh em ruột thịt. Con phải sống. Sống để trả mối thù giặc giết mẹ con.
Tổ mẫu cứ thủ thỉ, cứ vuốt ve để gã yên giấc ngủ. Lúc sau một tiếng gầm vang núi, vang rừng khiến gã bàng hoàng thức giấc. Đấy là tiếng gầm của chúa sơn lâm. Cả khu rừng táo tác. Chim vỗ cánh bay vù lên. Con nai, con mang co cẳng ràn rạt chạy, lũ khỉ ngó nghiêng chí chóe thoăn thoắt rào rào chuyền từ cây nọ sang cây kia. Có mùi gì đó khét lẹt, tanh lợm, thối hoắc. Gã nhớ ra rồi. Nhiều người kể rằng loài hổ ăn thịt nên miệng chúng vô cùng hôi thối, vừa tanh, vừa khét. Chắc là con hổ vừa gầm. Chắc là nó đã ở quanh đây. Không kịp suy nghĩ, gã vội vàng trèo tót lên một cành cao. Chết rồi. Còn chiếc vali. Chiếc vali chỉ có vài quyển hóa đơn, một ít đô-la, vài bộ quần áo, nhưng quan trọng là trong đó có con dao găm, có chiếc bật lửa, chiếc đèn pin và mấy củ sâm. Gã định liều xuống đem vali lên thì kinh hoàng thấy một con hổ to như con bò, vằn vện trắng đen, đang chạy quanh gốc cây, giương đôi mắt vàng óng ánh nổi những tia tím thèm thuồng nhìn gã. Gã vội thu chân, leo lên cao hơn, rồi rút khẩu súng nhằm mắt hổ định bắn. Nhưng gã chững lại, gã nghĩ tới hậu quả sau tiếng súng. Hình như con hổ cảm thấy sự nguy hiểm từ kẻ trên cây nên tức giận gầm lên, giơ chân trước tóm chiếc vali mà quăng quật. Rất may chiếc vali được gia công chắc chắn, bên trong là lớp vải đệm, giữa là lớp đuya-ra sáng bóng, bên ngoài là lớp da rất tốt của một hãng mỹ nghệ nổi tiếng Hoa Kỳ, nên mặc dù bị hổ cào cấu, quăng quật chiếc vali chỉ bị rách lớp vỏ bên ngoài. Chẳng thấy cái vật mềm mềm cưng cứng có tác dụng gì, hổ liền quăng vào gốc cây, nhớt rãi rỏ ròng ròng, bỏ đi.
Chờ cho hổ vằn đi xa gã mới lò dò trèo xuống. Trời bắt đầu tối mịt. Rất may gã có chiếc đèn pin sáng quắc. Sợ hổ quay lại, gã lại vội vàng leo tót lên cây, tìm một cái chạc ba vững chãi ngồi xuống. Lúc đó gã mới để ý đến những chùm quả đen mượt trông giống những quả xoan. Gã ngắt một quả, đưa vào miệng nhấm thử, thấy chua chua, man mát. Gã mạnh dạn cắn đôi, nhỏ nhẹ nhai nửa quả. Nước bọt gã tứa ra. Không kìm chế được, gã bỏ nốt nửa quả còn lại vào miệng nhai ngấu nghiến. Tuy vậy, gã vẫn phải cảnh giác, tỉnh táo nhớ lại những bài học khi lạc rừng. Người ta bảo phải tránh xa những loài nấm nhiều màu, những thứ quả đẹp mã nhẵn nhụi không loài côn trùng nào đụng tới. Gã vội lấy đèn pin soi thì thấy rất nhiều quả bị kiến hoặc bị con gì gặm nham nhở. Gã yên trí vặt lấy một chùm nhai ngấu nghiến. Kỳ lạ. Hết cả khát, đỡ cả đói, cảm giác khoan khoái vô cùng. Thế là gã ăn. Ăn thực sự. Gã khe khẽ reo lên “sống rồi”. Sau này gã mới biết đó là cây say. Quả say là thứ quả chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Quả say nấu canh chua thì không loại rau quả nào sánh kịp.
Gã quyết định, đêm nay sẽ ngủ ở đây, tại chạc ba này. Cẩn thận gã giở vali lấy ra mấy chiếc áo nối lại với nhau thành một sợi dây cột ngang bụng vào cây để không bị rơi khi mê ngủ. Tuổi trẻ và sự từng trải giúp gã lấy lại bình tĩnh. Gã ngủ ngon lành sau những biến cố kinh hoàng của một ngày định mệnh.
Gần sáng, nghe rõ tiếng sột soạt, cào cấu của những con thú, gã mở mắt, lấy đèn pin rọi xuống. Hai chiếc đèn pha sáng rực như mặt trời buổi sáng, vằn vện những tia màu tím phản chiếu lấp loáng. Gã không biết đó là cái gì, bèn rút súng thủ thế. Hai chiếc đèn pha vẫn rọi lên chỗ gã ngồi. Lúc sau thì một pha tắt. Pha còn lại sáng rực hơn. Thế rồi hai pha thay nhau tắt, sáng. Gã lại ngửi thấy mùi hôi thối. Thôi, đúng rồi. Hai cái đèn pha kia chính là đôi mắt hổ. Có lần gã đã nghe một người thợ săn nói thế. Gã khua đèn tứ phía quan sát, thấy đã đủ độ cao an toàn, bèn quyết định đuổi con mãnh thú này đi. Gã nhằm bên mắt phải hổ bóp cò. Viên đạn chính xác tới mức xuyên thủng cái vòng tròn màu vàng óng ánh. Gã thấy cả cái khối vằn vện lao vút lên, đụng phải một cành ngang ngã vật xuống và một tiếng gầm khủng khiếp rung động cả núi rừng. Con vật nằm im bất động. Tưởng nó đã chết thì bất ngờ nó quật mạnh cái đuôi rằn ri xuống đất, bốn chân bật lên, toàn thân lao rầm rầm về phía trước, trả lại cho đêm khoảng rừng tĩnh mịch. Từ đó gã không dám ngủ. Gã nghĩ về mọi thứ, đặt ra bao nhiêu giả thiết và vừa vặt những quả say đen mượt cho vào miệng, vừa chán nản tự hỏi ngày mai rồi sẽ ra sao?
Khi những tia nắng từ phía đông len lỏi qua những lùm cây chiếu vào mắt gã thì cũng là lúc gã phát hiện có khá nhiều người từ bốn phía đang dò dẫm tiến lại gốc cây say. Gã vội cởi dây buộc, thu xếp mọi thứ vào vali, tiếp cho ổ súng thêm một viên đạn, đang định leo xuống thì nghe thấy tiếng hô:
- Anh đã bị bao vây. Đầu hàng thì sẽ được cách mạng khoan hồng. Chống lại thì sẽ bị tiêu diệt.
Gã nghe rõ hai từ cách mạng. Nếu số mình hên mà gặp được Quân giải phóng thì quá tuyệt vời. Biết không cách nào thoát được đám người này, gã vạch nhanh kế hoạch hành động. Tay nhăm nhăm súng, gã nép vào một cành to, hỏi:
- Các anh là ai? Tôi biết rõ thì sẽ đầu hàng.
- Chúng tôi là Quân giải phóng, quân cách mạng, có chính sách rõ ràng. Bất cứ ai nếu biết ăn năn hối cải thì đều được hưởng chính sách khoan hồng. Nếu ngoan cố thì sẽ bị tiêu diệt.
- Nếu đúng là Quân giải phóng thì tôi xin hàng.
Nhưng gã vẫn cảnh giác. Gã nép mình, quăng chiếc vali xuống trước. Người từ bốn phía nhô ra. Họ mặc bà ba, đội mũ tai bèo, tay nhăm nhăm súng AK. Gã thấy yên lòng, nhảy xuống, ngoan ngoãn giơ hai tay lên đầu.
Họ ập đến, định trói. Một người có lẽ là chỉ huy, khẽ xua tay, từ từ tiến về phía gã, hỏi:
- Anh có thể cho chúng tôi biết anh là ai?
- Chuyện dài lắm. Nhưng tôi cũng là Quân giải phóng, là Bộ đội Cụ Hồ, từ miền Bắc vào.
- Bộ đội Cụ Hồ? Bộ đội Cụ Hồ sao mặc com-lê, ca-ra-vát như một tên tư sản?
- Tôi đã nói rồi. Chuyện dài lắm. Từ từ tôi sẽ khai hết.
Họ dẫn gã ra bờ suối. Con hổ bị gã bắn đêm qua vẫn thở khò khè nằm chắn ngang dòng nước. Trông nó đẹp như một bức tranh, nhưng nó đang sắp chết. Nó chết không phải tại gã. Tại nó là loài mãnh thú.
- Anh bắn nó à?
- Vâng. Nó rình tôi suốt đêm. May mà tôi ở trên cây. Nếu ở dưới đất chắc là làm mồi cho nó rồi.
Họ dẫn gã vào trong khe suối. Ở đây có mấy dãy lán. Một cán bộ chắc cấp cao hơn gọi gã vào một lán, có hai tay súng AK kèm sát hai bên. Gã thành thực kể hết câu chuyện sáng hôm qua, rồi ngược lại quá khứ kể về những ngày ngoài Bắc. Người chỉ huy bỗng đứng bật dậy, hỏi:
- Cậu cũng ở Tây Bắc à? Biết cả Cao Ánh Tuyết cơ à? Thế ở đó có lâu không?
- Cũng không lâu lắm. Giữa năm 1964, sau khi học xong trường hạ sĩ quan thông tin ở Bố Ẩn, tôi được đưa về Đoàn 4 ở Hiệp Hòa.
- Khoan. Cậu về Đoàn 4 bằng xe khách ba mươi sáu chỗ. Khi về tới Mộc Châu, hình như cậu gặp người quen trong số mấy cô cậu nghịch như quỷ sứ, định nhảy xuống thì xe đã từ từ xuống dốc, từ đó cậu như kẻ mất hồn, đến Hà Nội cũng chẳng thèm ngó ngàng xem thủ đô thay đổi thế nào…
- Ô. Sao anh lại biết? Hay anh là…
- Là thằng lái xe hay chửi bậy, nhưng tinh ý lắm đấy.
Anh bảo, khi quay về lại gặp cái đám quỷ sứ ấy. Anh dừng xe, hỏi:
- Có cô cậu nào quen một người lính thông tin vừa đi qua đây hôm qua không?
Một cô gái diện quần xanh sĩ lâm, sơ mi trắng bỏ trong quần, chẽn bên ngoài bằng chiếc gi-lê màu xám, chân đi giày thể thao ngơ ngác hỏi lại:
- Anh thử tả anh lính thông tin ấy xem nào.
- Tả à. Cậu ta cao suýt soát mét bảy, da trắng, tóc xoăn, mắt đen như mắt con gái… Hình như quê đâu ở vùng quan họ.
- Đúng rồi. Đúng là anh ấy. Sao anh không dừng xe cho chúng em gặp nhau? Em đang tức lắm đấy.
Rồi cô kể về nỗi oan ức bị cậu ghẻ lạnh vì nghi cô ấy bắt cá hai tay. Cô ấy bảo cô ấy bắt chước một cô gái Nga, vả lại cô ấy đã quy ước nếu cô ấy viết: “Anh thương nhớ” có dấu chấm than là viết thật lòng, còn “Anh thương nhớ” không có chấm than là viết đùa cho vui. Kể cả câu kết: Em đợi. Một chấm. Hôn anh nhiều, một chấm là thật mà anh đợi ba chấm, hôn anh nhiều ba chấm là cô ấy đùa. Cô ấy bảo, cô ấy đã quy ước thế với tất cả mọi người, cả cậu, thế mà cậu quên, cậu cắt liên lạc với cô ấy. Cô ấy giận cậu lắm đấy.
Thôi chết. Hôm ấy ở quán Tự Giác cô ấy đã nói:
- Em muốn yêu tất cả mọi người, nhưng em chỉ có một mình. Em không muốn mất bạn, không muốn mất ai. Em quy ước thế này nhé…
Thế mà cả gã, cả Trần Công đều quên, đều oán hận cô. Ành ơi, nhất định anh phải gặp em, xin em tha thứ. Em rộng lượng đừng trách mấy gã si tình, yêu quá hóa ích kỷ, hẹp hòi…
Ở lại Ninh Sơn mấy ngày, đồng chí chỉ huy cấp cho gã một bộ đồ giải phóng, một chiếc gùi vải, một bộ tăng, võng rồi cho người dẫn gã ra trạm giao liên. Hơn một tháng sau gã về tới Tỉnh đội Khánh Hòa.
Chú Nghĩa bị bắt thì người ta đã biết. Nhưng ai là tên phản bội thì vẫn còn là ẩn số. Gã là một trong những ẩn số đáng nghi ngờ nhất. Tại sao gã lại không đi cùng xe với chú Nghĩa? Tại sao gã có thể thoát khi cả tiểu đoàn quân cảnh rải kín đèo Ngoạn Mục? Vậy thì gã là ai?
Người ta bắt gã viết hết bản tường trình nọ đến bản tường trình kia. Người ta cho gã đi các cửa khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của những người bí mật. Người ta còn điện về miền Bắc yêu cầu làm rõ nhân thân.
Ba tháng trôi qua. Gã sống trong sự ghẻ lạnh, cảnh giác của mọi người. Chỉ có cô y tá Mơ là vẫn như xưa. Nhưng người tốt mấy khi là người may mắn. Gã bị sốt rét tái phát, Mơ xung phong đi xuống làng lấy gạo. Lấy gạo là nhiệm vụ chung, nhưng cái chính là Mơ muốn kiếm ít thuốc men, ít đồ bồi dưỡng cho gã. Khi trở về cả đoàn rơi vào ổ phục kích ngay trên vùng giải phóng. Mơ trúng đạn. Viên đạn xuyên vào ngực trái sát với trái tim. Khi đưa được về tới trạm xá Tỉnh đội thì cô đã yếu lắm rồi. Cô thều thào bảo:
- Cho em gặp…
Nói chưa hết câu thì Mơ đã ngất đi. Người ta hiểu ngay là Mơ cần gặp gã. Khi gã đến, Mơ bừng tỉnh, nén đau ngồi dậy, cầm tay gã đặt lên vết thương thì thào:
- Anh. Mơ yêu anh. Anh có yêu Mơ không?
Gã vội vã gật đầu. Nước mắt gã trào ra. Gã nói dối, bởi gã còn Yến, còn Ành. Có lẽ Mơ cũng hiểu điều đó. Nhưng gã gật đầu rất thành thật và nghiêm túc, bởi lúc này gã chỉ có Mơ.
- Thế là em thỏa nguyện lắm rồi. Cầu mong anh hạnh phúc!
Máu từ vết thương trào ra. Gã dùng tay bịt chặt lại. Mơ đưa cả hai tay ấp lên tay gã, từ từ ngã xuống, mắt vẫn đắm đuối nhìn vào mắt gã. Người ta lại đặt dấu hỏi vì sao bọn biệt kích dám lên tận vùng “Đất Thánh” phục kích? Ai là người báo cho chúng kế hoạch xuống làng, báo cho chúng quy luật của những chuyến đi. Người ta lại nhìn gã.
Nhưng nghi ngờ là nghi ngờ, còn sự thật vẫn là sự thật, trước sau gì cũng sẽ được phơi bày giống như vàng mười giữa sỏi cát vẫn óng ánh vàng, vẫn hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đầu tháng mười năm ấy Tỉnh đội nhận được xác minh về gã. Gã không có gì đáng để nghi ngờ. Cuối tháng, từ trong nội thành báo ra, người ta đã liên lạc được với chú Nghĩa, chú bảo chưa biết kẻ nào nhưng khẳng định không phải là gã. Chú viết giấy bảo đảm, còn giới thiệu gã vào Đảng. Chú bảo nếu không vì công việc chú đã đề nghị kết nạp gã sớm hơn. Chính trị viên Tỉnh đội Nguyễn Ngật bảo gã xứng đáng. Chú Ba Sơn bên Tỉnh ủy cũng cùng chung nhận xét. Nhưng gã vẫn bị an ninh Tỉnh đội nghi ngờ.
Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Công an Khu 5 đã tìm ra tên phản bội. Người ta định xếp gã ở lại Tỉnh đội, một là làm trợ lý trinh sát, hai là làm trợ lý thông tin. Nhưng gã kiên quyết xin về K90 - đơn vị mà gã gắn bó từ mảnh đất Thất Hùng, đi dọc dãy Trường Sơn, lập công trên đất Gia Lai, rồi vào đây gặp Mơ - người con gái dịu hiền của xứ trầm hương trung trinh, bất khuất, kiên cường.
***
K90 tức là Đại đội 90 của Tỉnh đội Khánh Hòa, tiền thân là Đội 6 của Đoàn 1760, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu. Khi trở về thì những chỉ huy cũ đã chuyển công tác. Đội trưởng Dương Tấn Đạt xuống Nha Trang làm Thị đội trưởng, Chính trị viên Nguyễn Bá đi làm Chính trị viên Huyện đội Khánh Sơn, Đội phó Nguyễn Chánh được điều sang Tiểu đoàn 407 đặc công quân khu, Tham mưu trưởng Vũ Ứng sang làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Người đón gã là đồng chí Lê Văn Hạnh mà bọn ngụy ở Nha Trang gọi là “Hùm xám” bởi anh có những trận đánh vô cùng táo bạo, hiểm hóc, ngoài mọi dự đoán của giới quân sự cả ngụy lẫn Mỹ và chư hầu. Có lẽ anh đã nghe nhiều chuyện về gã, nên khi gặp, anh hóm hỉnh hỏi:
- Sở trường của cậu là gì?
- Em không có sở trường. Chỉ là người lính.
- Thôi được. Cậu về làm “bê” phó “bê” một, dưới quyền thằng Lim - thằng gỗ Lim dân Thái Bình chính tẩy đấy.
Lim - Gỗ Lim tên thật là Nguyễn Ngọc Lim, quê thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thân hình Lim lực lưỡng, rắn chắc như cây gỗ lim mặc dù sở hữu nước da trắng trẻo. Do là dân thị trấn nên Lim có điều kiện ăn học hết cấp ba, lại kết thân với con trai một cán bộ tập kết quê Bình Định. Từ nhỏ, ngoài việc học hành thì suốt ngày tập võ nên thành thạo quyền pháp và binh khí, nhất là võ gậy. Năm 1966, khi sư đoàn Bạch Mã tràn vào Nha Trang, lập võ đài ở ngay Ngã Sáu đòi thách đấu với đặc công “Việt cộng”. Lim chân ướt chân ráo, mặc dù chưa cắt cơn sốt rét vẫn xin với đại đội được thượng đài. Cấp trên nhiệt liệt biểu dương, nhưng bảo: “Đừng mắc mưu. Đã có cách hạ uy thế karate của chúng”. Sau đó K90 dưới sự chỉ huy trực tiếp của phòng đặc công quân khu đã tấn công căn cứ Bầu Cỏ diệt hơn hai trăm tên lính chư hầu toàn bằng dao găm mà không cần nổ súng. Trận đánh khiến địch vô cùng hoang mang, dỡ bỏ võ đài, không dám huênh hoang quảng bá cho cái gọi là karate huyền thoại. Sau đó có một phái đoàn quân sự cấp cao gồm các chuyên gia quân sự Mỹ, Hàn và một số nước đồng minh tới thị sát. Khi xem xét thực địa họ đã phải thốt lên: “Đây là trận đánh tuyệt vời của một đội quân tuyệt vời tinh nhuệ”. Tên trung tướng, tổng chỉ huy quân đội đánh thuê cũng ngán ngẩm lắc đầu.
Gã về trung đội, Lim vô cùng phấn khởi, ôm gã quay tít mấy vòng, bảo:
- Cậu như thư sinh mà nghe nói võ công có hạng. Tớ với cậu thử vài chiêu, cho anh em mở rộng tầm mắt. Được không?
Gã đang hưng phấn vì được trở về đúng vị trí mà gã mong muốn, nên gật đầu.
Cả hai đều thi triển những thế đánh lạ. Lim thì rõ là đệ tử của môn phái Bình Định gia. Còn gã thì biến hóa khôn lường, khi thì Thái cực quyền, lúc lại Nghệ An tông phái. Sau vài phút, Lim nhảy ra, bảo:
- Hay! Cậu nội lực thâm hậu, chiêu thức biến hóa, rất chuyên nghiệp. Tớ chịu. Thôi, nghỉ ngơi tắm giặt, tối mai có nhiệm vụ quan trọng, tớ và cậu cùng phải thi hành.
Hôm sau, cơm chiều xong thì anh Hạnh xuống.
- Chuẩn bị xong chưa? Đâu? Anh em đâu?
Lim cho gọi ba chiến sĩ, súng đạn, gùi vải, đồ ngụy trang đã chuẩn bị kỹ lưỡng chỉ chờ có lệnh là lên đường.
Sáu người, sáu chiếc gùi vải. Ngoài khẩu K-54, Lim và gã còn đem theo mỗi người một khẩu AK báng gấp Tiệp Khắc. Gã còn nhét vào túi quần chiếc ná cao su vang bóng một thời. Họ đi xuống bìa rừng. Anh Hạnh bấy giờ mới phổ biến:
- Nhiệm vụ của đơn vị mình là tổ chức điều tra tỉ mỉ sân bay Nha Trang và Đài phát thanh. Vì thế đại đội đã thành lập hai tổ gọi là tổ công tác đặc biệt. Tổ một có tôi và năm đồng chí, có nhiệm vụ điều nghiên sân bay Nha Trang. Tổ hai có K phó và một số đồng chí của B2. Muốn điều tra được sân bay chúng ta phải dựa vào các đồng chí ở Thị đội Nha Trang. Do đó chúng ta phải xuống căn cứ Đồng Bò. Thế thôi. Đi.
Đêm nay trời đẹp. Đẹp theo nghĩa nghiệp vụ chứ không phải đẹp theo nghĩa thông thường. Đêm đầu tháng, trăng lưỡi liềm mảnh cong như lông mày thiếu nữ, chưa tối đã vội ẩn mình sau rặng núi phía tây. Vài cơn mưa cuối mùa chốc chốc lại ào ào đổ xuống. Đêm tối đen như mực. Sáu cái bóng lần mò ra sát đường tàu. Gã ngửi thấy mùi thuốc lá, bò lại trao đổi với anh Hạnh. Anh nhích lên vài mét thì phát hiện hai bên đường tàu chỗ các anh định vượt qua có rất nhiều quân mai phục. Anh quay lại nói nhỏ:
- Tình hình này chắc đêm nay không vượt được đường tàu. Bọn lính chư hầu đang phục kích. Nhưng mình không để bọn này yên. Ta chia làm hai tổ. Một do tớ phụ trách, một do Lim. Cậu - anh đập nhẹ vào vai gã - đi với tớ. Lấy tiếng nổ lựu đạn làm khẩu lệnh. Ba phút thì rút. Gặp nhau ở cửa Đá Vòm.
- Rõ.
Năm phút sau anh Hạnh quăng liền hai trái da trơn. Cả tổ quét những loạt AK ngắn, di chuyển theo kiểu sâu đo. Bọn lính chư hầu quá bất ngờ. Hai khẩu đại liên đặt trên mặt đường tàu vội vã quét những loạt dài, đạn đỏ lừ đuổi nhau chiu chíu. Cối, AR-15 nổ như ngô rang. Toàn bộ đội hình phục kích của khoảng một đại đội lính chư hầu rối loạn, phơi ra dưới con mắt các chiến sĩ đặc công. Anh Hạnh tặc lưỡi, ca cẩm:
- Tiếc là không có vài khẩu cối mà giã cho bõ. Bản lĩnh của lính đánh thuê cũng chỉ có vậy mà thôi.
Vài phút sau cả tổ đã về hang Đá Vòm đầy đủ. Anh Hạnh bực tức bảo:
- Thế là toi mất một ngày. Thôi. Về. Mai lại tính.
Gã ngần ngừ:
- Em có ý kiến thế này. Đêm còn dài. Bọn này đi phục mà bị lộ, bị đánh phủ đầu sẽ không dám ở lại. Liệu ta có thể theo chân chúng xuống Đồng Bò?
Anh Hạnh rút chiếc Sen-ko dạ quang sáng rực ra xem. Chưa đến 11 giờ. Quay về phía Lim, anh vui vẻ hỏi:
- Thế nào gỗ Lim?
- Được đấy anh ạ.
- Vậy thì đi.
Năm giờ rưỡi cả tổ tới bìa rừng của dãy Đồng Bò.
Núi Đồng Bò là dãy núi nằm ở phía tây nam thị xã Nha Trang, kéo dài từ vịnh Nha Trang, qua Diên Khánh tới vịnh Cam Ranh. Đồng Bò có nhiều gộp đá chạy từ đỉnh núi xuống chân núi, ẩn sâu trong những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Từ trên núi, leo lên đỉnh những gộp đá chót vót có thể quan sát toàn bộ thị xã Nha Trang và quân cảng Cam Ranh, cảnh sắc như bức tranh thủy mặc vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Trên những phiến đá phẳng lỳ sát bìa rừng có thể đặt ĐKZ, súng cối khống chế sân bay, ngoại ô Nha Trang và nhiều vị trí chiến lược khác. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đồng Bò như mũi dao sắc lạnh thọc sâu vào mạng sườn quân địch, khiến chúng ngày đêm mất ăn mất ngủ. Hàng ngàn tấn bom đạn đã giội xuống, hàng chục cuộc hành binh lên tới cấp sư đoàn cũng không thể đánh bật được mũi dao ấy.
Tổ công tác đặc biệt được các đồng chí lãnh đạo cả bên Thị ủy lẫn thị đội đón tiếp chu đáo. Họ bố trí cho sáu anh em ở trong một gộp đá kiên cố gần với gộp đá của tổ đài 15 oát. Gã vội vàng nhảy qua một tảng đá sang bên đài thì thấy Ngô Thế Lập đang ngồi nhận điện. Hai đồng chí quay viên không biết nên quầy quậy yêu cầu gã ra khỏi gộp. Gã phải viết mấy chữ vào mảnh giấy nhỏ: “Tôi xuống Nha Trang công tác đang ở sát gộp của cậu”. Hết phiên làm việc, nhìn thấy mảnh giấy, nhận ngay ra chữ, Lập cuống quýt bảo: “Đài trưởng cũ của chúng mình đấy”. Mấy anh em bên tổ đài ùa sang.
- Cứ tưởng anh bị bắt. Tỏi rồi.
- Cũng suýt. May mà tổ tiên phù hộ.
- Liệu bây giờ anh còn gõ được ma-níp không?
- Ngon…
Cứ thế, câu chuyện trôi về những kỷ niệm, tuyệt nhiên không ai hỏi về nhiệm vụ của gã. Bí mật đã trở thành thói quen thường nhật của mỗi người lính khi hoạt động sát nách kẻ thù.
Cơm nước xong, cả tổ ngủ một giấc dài. Khoảng ba giờ chiều thức giấc. Ăn qua loa một chút rồi tất tưởi xuống núi. Khi màn đêm buông xuống, sáu cái bóng lần mò vượt qua những đoạn sình lầy chằng chịt những rễ bần, rễ đước, lặng lẽ bơi qua chín khúc ngoằn ngoèo của con sông Cái, tiếp cận sân bay.
Sân bay Nha Trang ở phía tây thị xã, được bố phòng vô cùng cẩn mật. Từ vành đai ngoài cùng đến đường băng các anh phải vượt qua mười mấy lớp rào thép gai, lớp thì bùng nhùng như những mái nhà, lớp thì mắt cáo được máy căng căng đét khi đứt phát ra tiếng kêu đủ để lính trên chòi canh nghe rõ. Trên các hàng rào gài hàng trăm quả mìn sáng, lựu đạn nổ tức thì. Giữa những lớp thép gai là những khoảng trống đủ để lính tuần tra có chó nghiệp vụ đi kèm, xe quân sự đèn pha sáng quắc chạy quanh sân bay. Càng gần đường băng thì khoảng trống càng rộng, láng xi măng và quét sơn màu. Muốn vượt qua những khoảng trống ấy những người đột nhập phải có những tấm vải dù hợp với màu sơn đường. Họ sẽ lăn qua như những hòn bi giữa những dãy đèn sáng rực đến con chuột nhỏ cũng có thể bị phát hiện. Hệ thống đèn chiếu sáng bố trí vô cùng khoa học, được chia làm ba tầng: Tầng thấp chỉ cách mặt đất khoảng tám mươi phân, tầng trung cao hơn đầu người một chút, còn tầng thượng khoảng hơn bốn mét. Tất cả tạo thành một không gian sáng rực triệt tiêu toàn bộ khoảng tối - nơi lính đặc công triệt để lợi dụng để giấu mình. Thế nhưng, vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, chỉ trong vài tiếng đồng hồ các anh đã vượt qua không hề để lại bất kỳ một dấu vết nào. Trước mắt họ giờ đây đã là những đường băng dài tít tắp, những chiếc máy bay đủ loại gieo chết chóc trên khắp mọi miền, những dãy nhà kho đen trũi, kỳ bí… Họ chia nhau thành ba mũi, mỗi mũi hai người, do anh Hạnh, Lim và gã phụ trách. Ba giờ sáng, nhiệm vụ đã hoàn thành. Gã cùng với một chiến sĩ từ một nhà kho định vượt qua khoảng trống thì thấy bóng điện đầu nhà quá sáng, mà chòi canh lại đối diện, nếu vượt qua rất dễ bị phát hiện. Suy nghĩ một lúc, gã rút chiếc ná cao su, bắn một viên sỏi nhỏ. Viên sỏi làm bóng điện nổ tung, giống như bóng điện bị vật gì vô tình đụng phải. Không thấy chòi canh có phản ứng gì, cả hai bình tĩnh ra khỏi dãy nhà. Gần năm giờ cả sáu người gặp nhau ở vành đai cuối cùng. Lại vượt chín đoạn sông và những bãi lầy ken dày rễ bần, rễ đước. Tám giờ sáng, họ về tới gộp ông Phật.
Cứ thế, mười đêm liền. Đi đi về về. Sân bay Nha Trang đã nằm gọn trong xắc cốt của K trưởng đặc công Lê Văn Hạnh, không sót một chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Số phận của nó sẽ được quyết định vào một đêm lịch sử huy hoàng của Tết Mậu Thân - 1968.
***
Nhưng Tết Mậu Thân, K90 lại được giao một nhiệm vụ theo cấp trên là quan trọng và khó khăn hơn rất nhiều. Đặc điểm của lối đánh đặc công là bí mật, bất ngờ trên cơ sở hiểu mục tiêu tường tận như hiểu nhà ở của mình. Cho tới phút chót đại đội vẫn chưa biết mục tiêu ấy là mục tiêu nào nên cán bộ, chiến sĩ có phần lo âu, thấp thỏm.
Trưa ngày Hai chín tháng Giêng năm 1968, đơn vị tổ chức liên hoan. Mới sáng tinh mơ, tiếng lợn kêu, tiếng nói cười, tiếng dao thớt đã náo loạn cả một góc rừng. Hình như người ta không cần phải giữ bí mật. Mà bí mật để làm gì khi chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là người ta vĩnh viễn ra đi, đến với những chiến công, đến với hòa bình. Mùi thịt nướng, tiết canh, đậu phộng rang, rau thơm, mì Quảng… bốc lên khiến ai cũng tứa nước bọt. Khoảng mười giờ thì Chủ nhiệm Chính trị cùng mấy trợ lý tác chiến Tỉnh đội xuống. Ông tập hợp đại đội, nói:
- Các đồng chí! Chúng ta đang đi nốt chặng đường cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hôm nay chúng ta làm lễ xuất quân, chúng ta sẽ hạ sơn, sẽ trở về đồng bằng và thành phố. Hôm nay chúng ta cùng nâng chén từ biệt núi rừng, từ biệt những tháng ngày gian lao, vất vả. Chiến thắng đang ở phía trước. Tất cả hãy tiến lên!
Càng nói, giọng ông càng vang xa, đầy hào khí. Cán bộ, chiến sĩ ngất ngây nâng chén, thỏa thuê ăn uống, thỏa sức đập phá nơi bao ngày chở che, đùm bọc.
Mười ba giờ, cả đại đội hùng dũng xuống núi. Ai cũng ngoái đầu nhìn lại. Có chiến sĩ rút dao găm đâm thủng chiếc nồi nhôm, hét lên:
- Vĩnh biệt! Vĩnh biệt nồi nhôm, vĩnh biệt rau tàu bay. Vĩnh biệt những ngày gian khổ. Ta đi đây. Ta đi về chốn thiên đường…
17 giờ, đoàn quân qua Eo Gió. Một tiếng sau thì đến núi Thái Thông. Từ đây đoàn quân im phăng phắc, không tiếng động, không tiếng nói, đến hơi thở cũng như làn gió thoảng qua. Chỉ còn những tiếng thì thầm truyền lệnh.
1 giờ 30 phút, đoàn quân tới sông Phường Củi. Trên bờ có ba chiếc xe chờ sẵn. K trưởng Lê Văn Hạnh chọn hai mươi người trong đó có gã lên chiếc Lampro. Anh Hạnh cùng một nữ biệt động ngồi hàng ghế trên bên tay phải lái xe. Chiếc xe vù đi để lại một phần đồng đội.
Nửa tiếng sau, chiếc xe tới một chiếc cổng đồ sộ, có chòi canh, có lỗ châu mai hun hút. Bấy giờ anh Hạnh mới đứng bật dậy, chỉ:
- Đây là tỉnh đường, nơi làm việc của bộ chỉ huy quân ngụy tỉnh Khánh Hòa. Nhiệm vụ của chúng ta là đánh chiếm và giữ vững nếu địch phản kích. Các đồng chí theo đúng kế hoạch, phải thật mau lẹ, tự tin giành chiến thắng…
Chiếc xe lao vào cổng gác. Ba tên lính nhảy ra chặn lại. Anh Hạnh khệnh khạng bước xuống. Ba tên lính nhìn thấy trên ve áo bộ quân phục rằn ri lấp lánh ba bông mai thì vội vàng giơ tay chào. Trong chớp mắt cả ba tên đều bị các chiến sĩ nhảy xuống khống chế. Chiếc xe tiếp tục lao vào trong sân, khựng lại dưới một gốc cây sum suê. Tất cả rời xe, chia thành năm tổ lao tới các khu nhà. Tiếng thủ pháo vang lên. Thi thoảng mới nghe tiếng AK tắc cú.
Gã dẫn anh em lao vào một căn phòng rộng, sực nức mùi hương hoa, ly chén ngổn ngang, các loại rượu tràn khắp nền nhà. Trong phòng có chừng hơn chục tên hầu hết vận thường phục. Nhưng gã biết đây chính là những tên chỉ huy đầy tội ác. Chúng lấm lét giơ cao hai tay lên quá đầu, run như cầy sấy. Gã cho lục soát từng tên rồi dồn chúng vào một góc, đóng chặt các cửa, cử một đồng chí đứng ngoài canh gác.
Chỉ mười phút chúng ta đã làm chủ toàn bộ tỉnh đường.
Anh Hạnh cho gọi nhóm tù binh mặc dân sự lên hỏi:
- Ai là tỉnh trưởng Lê Khánh, đứng ra?
Bọn chúng nhớn nhác nhìn nhau. Không ai bước ra. Thấy vậy anh cho gọi đồng chí Trần Văn Cháu, là người lái chiếc Lampro đã từng gặp tên tỉnh trưởng vào nhận mặt. Cháu nhìn mãi không nhận ra tên nào là Lê Khánh. Có lẽ sợ Cháu chỉ bừa, một tên khoanh tay, lắp bắp:
- Dạ. Thưa cách mạng. Ông tỉnh trưởng vừa nãy ở đây, nhưng ông kêu đau bụng, được anh Giải phóng cho ra ngoài, chưa thấy quay lại.
Anh Hạnh cho gọi người được phân công đứng gác. Đồng chí ấy xác nhận là có một tên kêu đau bụng, đòi đi ngoài. Nhưng ra tới dãy hố xí thì vùng bỏ chạy, anh đã bắn chết, rồi quay lại tiếp tục canh gác. Khi anh Hạnh cùng vài người ra vị trí tên tỉnh trưởng bị bắn thì chỉ thấy một vũng máu, không thấy xác. Anh Hạnh nghiến răng:
- Lê Khánh. Thế là mày đã thoát! Nhưng trước sau gì cũng sẽ bị đền tội.
Chiến thắng nhanh chóng và hầu như không có hy sinh, mất mát khiến các cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi, ngay lập tức nảy sinh tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác và nhất là lạc quan thái quá, đua nhau ăn nhậu cho bõ những ngày mì luộc, ngô om, rau tàu bay lót dạ.
Rồi cả ngày mồng Một, cả ngày mồng Hai, khu tỉnh đường như chìm trong giấc mơ chiến thắng, giấc mơ kiêu hãnh và thỏa nguyện. Họ quên rằng chiến tranh luôn chứa đầy sự bất ngờ khủng khiếp. Không có chiến công nào dễ dàng, không có chiến thắng nào không có sự hy sinh. Những người lính của K90 đã bị rượu sâm banh, bị những lời hùng biện của ông Chủ nhiệm Chính trị làm sa đà, ngất ngây nhấm nháp những gì giành được…
Sáng mồng Ba Tết. Chiếc “bà già đĩ thõa” phành phạch lượn vòng trên bầu trời Nha Trang, đang nhai nhải lời tên tổng trấn Đoàn Văn Quảng kêu gọi binh lính Việt Nam cộng hòa, kêu gọi quân đội Mỹ, quân chư hầu siết chặt đội ngũ, giành lại những vị trí đã bị Cộng sản chiếm giữ thì từ cổng tỉnh đường, những chiếc M-113 xuất hiện. Chúng bao vây toàn bộ khu vực tỉnh đường.
K trưởng Lê Văn Hạnh bừng tỉnh. Anh tập hợp bộ đội, truyền đạt những mệnh lệnh cần thiết, rồi bảo gã:
- Tình hình có lẽ không như kế hoạch. Nhưng mệnh lệnh của cấp trên chưa có gì thay đổi. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng quyết liệt. Đồng chí cho kiểm lại toàn bộ vũ khí, đặc biệt là cơ số đạn và vũ khí của địch, ta thu được. Bố trí hai khẩu đại liên chiến lợi phẩm ở cổng tiền, cổng hậu. Không có lệnh không ai được rời trận địa. Nếu tôi làm sao thì đồng chí thay tôi thực hiện nghiêm lệnh ấy.
- Rõ!
Tâm trạng con người giống như chiếc đồng hồ quả lắc, càng lạc quan thì lại càng bi quan. Có điều họ dễ dàng xác định cái đích cuối cùng, dễ dàng nhận ra chân lý không có chiến thắng nào không có hy sinh. Và họ thầm đọc lời thề quyết tử.
Với gã. Gã hiểu điều đó hơn ai hết. Cách đây vừa tròn nửa tháng gã đã vô cùng xúc động khi đọc lời thề “chiến đấu tới hơi thở cuối cùng” trong lễ kết nạp Đảng. Hôm ấy là một ngày đặc biệt. K90 mới di chuyển xuống sát bìa rừng, đóng quân trong một hang đá lớn. Chiều tối, chính trị viên đại đội cũng là bí thư chi bộ thông báo tối nay sẽ làm lễ kết nạp Đảng cho gã và một đồng chí nữ biệt động mới từ thành phố lên. Nhưng ở đây lại không có một thứ gì, đến cả cờ Đảng cũng không thì biết làm sao? Bí thư chi bộ bảo: “Thì đành lấy thuốc đỏ vẽ lên vách đá làm cờ, hòa ký-ninh vẽ ngôi sao và búa liềm. Chả nhẽ một chút khó khăn lại có thể ngăn được vinh dự của người đảng viên cộng sản”.
Lễ kết nạp thật nghiêm trang với đầy đủ nghi lễ. Khi gã đang giơ tay đọc lời thề thì hàng loạt pháo từ ngoài biển bắn vào. Gã phải tạm dừng. Khi pháo chuyển làn, gã lại đọc tiếp những điều hệ trọng. Gã làm sao có thể quên những điều hệ trọng đó. Linh tính báo cho gã con đường phía trước. Và gã đã sẵn sàng. Gã và đồng đội chiến đấu như những con nhang nhập đồng, như những người có thừa niềm tin vào cõi niết bàn, vào những gì cháu con mai sau thụ hưởng.
Cuộc tấn công tái chiếm của kẻ thù càng lúc càng quyết liệt. Sáu chiếc trực thăng thay nhau phóng rốc-két, thả đạn cối, xả đạn 12,7 ly. Gần chục chiếc M-113 hung hãn lao vào, che chắn cho lũ bộ binh đông nghịt lúc nhúc theo sau. Hai mươi người cộng với lái xe là hai mươi mốt được chia thành bảy tổ, bốn tổ chốt chặn hai hướng cổng tiền cổng hậu, ba tổ cơ động đánh quân đổ bộ, đề phòng bọn vượt tường rào và bổ sung cho những chốt hiểm nguy. Năm chiếc M-113 đã bị B-40 thiêu rụi, một chiếc trực thăng bốc cháy, bỏ chạy ra biển, xác hàng trăm tên lính ngổn ngang trước hai cổng tỉnh đường.
Buổi chiều, trên một chiếc M-113, Lê Khánh xuất hiện. Gã nói “Việt cộng” đã giết tất cả những người trong khu gia binh, đã giết tất cả những ai đã buông súng đầu hàng, đã bắn gã gẫy chân. Nhưng gã được chúa trời phù hộ. Gã sẽ sống và sẽ trả thù. Gã thề sẽ tiêu diệt đến tên “Việt cộng” cuối cùng, sẽ đuổi bọn Cộng sản ôm đầu máu chạy về Bắc Việt. Gã hằn học hét lên… Một loạt AK bay về phía cái mồm hằn học ấy. Cái mồm ấy im bặt vài giây rồi điên cuồng ra lệnh tấn công.
Bên ta, quân số đã giảm đi quá nửa. Ba khẩu B-40 chỉ còn quả đạn cuối cùng. Súng thì nhiều mà đạn thì còn rất ít. Vũ khí thu được của địch ngoài hai khẩu đại liên còn hầu hết là vũ khí bộ binh hạng nhẹ, nhưng cũng gần hết đạn. Bốn đợt tấn công buổi chiều tuy không quá quyết liệt nhưng cũng đã cướp đi gần hết sinh mạng của đội quân ít ỏi và vét nốt những viên đạn cuối cùng. Rất may, khẩu B-40 bắn nốt viên đạn còn lại, thiêu rụi thêm một chiếc M-113 nữa thì bọn địch cũng dừng lại, rút ra bao chặt vòng ngoài.
Đêm ấy, cánh A chỉ vẻn vẹn còn lại ba người: Anh Hạnh thương tích đầy mình, một chiến sĩ mất bên tay phải mà gã chưa kịp nhớ tên, và gã. Anh Hạnh bảo:
- Ngày mai chúng ta sẽ quyết tử. K90 của chúng ta đã không phụ lòng tin của Đảng, của cấp trên. Tất cả chúng ta đã chiến đấu như những người anh hùng, đã viết nên những trang huyền thoại. Tiếc là không còn ai để kể lại huyền thoại oai hùng ấy.
Anh Hạnh và đồng chí chiến sĩ cụt tay đã không thể nhìn thấy ngày mai. Nửa đêm họ ra đi, vĩnh viễn vào cõi vĩnh hằng.
Gã còn một mình. Gã nhớ lại những khuôn mặt đồng đội thân yêu, nhớ chú Nghĩa, nhớ em Mơ. Gã chụp một chai uýt-ky uống vài ngụm hy vọng giấc ngủ sẽ đến, sẽ giúp gã thanh thản để ngày mai quyết tử. Gã vẫn giữ lại cho mình một trái da trơn gắn kíp nổ tức thì, khẩu côn-bát vẫn còn ba viên đạn. Gã sẽ bắn nốt ba viên đạn ấy, rồi sẽ tính toán đổi chác sao cho lời nhất. Quả USA da trơn sẽ giúp gã việc ấy. Gã sẽ sớm gặp liệt tổ liệt tông, sớm gặp tổ phụ, tổ mẫu. Có khi còn gặp cả Mơ, cả Hà. Nhưng giấc ngủ không đến. Gã chỉ mơ mơ màng màng. Gã thấy cả bầu trời rực đỏ. Không phải màu của ráng chiều, cũng không phải màu của bình minh trên biển mà là màu máu. Máu vung khắp mọi nơi, chỗ thì lênh láng, chỗ thì vọt lên như ráng cầu vồng. Rồi gã nhìn thấy máu của tổ phụ bị Trịnh Doanh hành quyết. Gã thấy tổ phụ vừa ôm đầu, vừa lớn tiếng đòi trả lại danh phận Trạng nguyên. Gã vội vàng chạy theo tổ phụ, tổ phụ quay lại mà mắng rằng: “Ta sa cơ phải chết. Còn con đâu đã sa cơ mà đòi theo ta. Bao nhiêu con đường dẫn con ra khỏi nơi này. Cổng chính không đi thì đi cổng phụ, lên trời không được thì chui xuống đất. Nghị lực là lúc này, trí tuệ cũng là lúc này. Con phải quay về, con phải sống mà chiến đấu…”.
Nói rồi tổ phụ xô gã một cái. Gã ngã lăn ra đường. Gã bàng hoàng tỉnh dậy. Trời se se lạnh mà mồ hôi gã tóa ra. Gã vùng dậy, lật từng thi thể đồng đội tìm đạn, rồi vào nhà kho nhặt một ít bánh quy làm thức ăn cho ngày mai. Dẫu có hy sinh gã thề sẽ chiến đấu trận cuối cùng đầy mưu trí, tiêu diệt thật nhiều quân địch. Gã nhớ lại từng chi tiết của trận đánh hôm qua. Khi nghe tên Lê Khánh hò hét tấn công gã vô cùng ân hận, đã không kiểm tra kỹ càng để tên cáo già ấy chạy thoát. Nhưng… Gã bỗng chững lại. Cổng chính, cổng phụ đều có người gác, tường bao xung quanh cao vút lại có hàng rào thép gai kín mít, tên tỉnh trưởng lại gãy chân. Thế thì hắn trốn đằng nào? Đúng rồi. Tỉnh đường này nhất định có mật đạo, chí ít cũng có đường thông ra ngoài. Gã bật dậy, lấy đèn pin soi từng ngóc ngách. Không thấy gì. Gã lại nghĩ: Hắn giả vờ đi đại tiện, bị bắn tưởng chết. Chắc là hắn không dám quay vào trong phòng. Vậy là đường hầm phải ở bên ngoài. Gã chạy ra sân. Đèn dù sáng rực bầu trời. Gã nhìn thấy một cái miệng cống. Đây rồi! Nhất định tên cào già ấy đã thoát thân từ con đường này. Gã thận trọng bấm đèn chui xuống. Một con đường hun hút đen sì. Gã nhớ ra rồi. Hồi còn đi học, gã vô cùng say mê những cuốn sách của đại văn hào Vic-to Huy-gô, đặc biệt là tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Gã nhớ như in đoạn văn của Vic-to Huy-gô miêu tả Giăng Van-giăng cõng Ma-ri-uýt bị thương chạy trốn trong đường cống thoát nước Pa-ri. Phải rồi. Đây chính là con đường cứu tên Lê Khánh. Và gã quả quyết nhất định gã sẽ thoát ra bằng con đường này. Gã lại dò dẫm đi thêm một đoạn. Đường cống này nhỏ và hẹp chứ không rộng như đường cống Pa-ri, nhưng như thế cũng là quá đủ để gã thoát thân. Gã không sợ chết, nhưng gã phải sống như lời tổ phụ, phải sống để chiến đấu, để trả thù. Gã chợt nhớ tới quả USA da trơn. Gã sẽ sống, sẽ không bao giờ tự sát. Vậy thì giữ nó làm gì? Nghĩ vậy, gã liền quay lại, rút chốt an toàn, đặt quả da trơn vào nơi bất ngờ nhất. Gã phải trả thù cho anh Hạnh, cho đồng đội.
Gã tháo đôi giày biệt kích, xỏ chân vào đôi ủng Mỹ, đeo chiếc ba-lô dã chiến, tay cầm đèn pin rút xuống cống ngầm.
Gã đi. Đi mãi. Khi nghe thấy tiếng sóng ạt ào, gã hiểu rằng mình sắp ra tới bờ biển. Gã chỉ lo không biết có mở được cửa cống hay không. Mặc kệ. Hãy tới đó. Gã tin là gã vẫn có quý nhân phù trợ. Đây rồi. Gã đã nhìn thấy biển. Biển vẫn trong xanh, từng đợt sóng vẫn xô vào bờ cát tung lên những con sóng bạc. Gã lao ra phía cửa. Một cánh cửa sắt to đùng, chắc nịch chắn ngang trước mặt. Gã thất vọng, đưa tay nắm chặt chấn song rung mạnh. Cánh cửa bất ngờ bật tung ra. Gã nhìn thấy một chiếc khóa đồng treo lơ lửng vào một thanh ngang. Ai đó đã mở cánh cửa này. Người của ta hay chính tên Lê Khánh? Nhưng, bận tâm mà làm gì. Nếu không phải là đồng đội thì nhất định là đất trời phù hộ. Gã thấy cay cay nơi khóe mắt.
Gã thận trọng quan sát. Bờ biển vắng tanh. Xa xa những chiếc bo bo hung hãn rạch mặt biển soi mói tuần tra. Gã lột đôi ủng, quẳng sâu vào trong cống, đi lại đôi giày biệt kích, chỉnh sửa quân phong. Gã hiện nguyên hình một trung úy biệt kích đang đi thi hành công vụ.
Nhờ những ngày đi cùng chú Nghĩa, gã đã quá quen với đường phố Nha Trang.
Trời Nha Trang mịt mù khói bụi. Phía Ngã Sáu, Nhà Thờ, cầu Hà Ra vẫn vang rền tiếng súng. Khu tỉnh đường, khu tiếp vụ, phía chợ Đầm, phía sân bay… từng cột khói vẫn bốc cao. Đường phố ngập tràn sắc lính. Gã lẩn trong đủ thứ bà rằn ấy, tìm đường lên núi.
Đêm mồng Bốn Tết, gã trút bỏ quân phục, mặc bộ đồ dân sự thu được ở tỉnh đường lần mò lên núi Đồng Bò.
Mười giờ hôm sau, gã tới gộp Ông Phật. Thế là thoát chết.