Đúng như đại úy trạm trưởng nói, ngay ngày hôm sau đã có xe của 1760 về đón.
Chưa đầy tiếng đồng hồ, xe đã đỗ lại ở một phố nhỏ có cái tên cộc lốc: Gốt. Gọi là phố bởi hai bên đường có hai dãy nhà dân quay mặt vào nhau, có các cửa hàng của công ty bách hóa, công ty lương thực, có cả hiệu thuốc bắc, hiệu may Âu phục và cửa hàng ăn uống. Cuối phố còn có trường phổ thông, xa chút nữa là trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Sơn. Cả lái xe và thiếu úy đi nhận gã đều bảo Gốt nổi tiếng bởi món tiết canh, lòng lợn và đặc biệt là món cháo lòng. Cũng chỉ là nước luộc lòng, muối, rau răm và vài miếng lòng mà cháo lòng Gốt có vị ngon đặc biệt, cánh lái xe chạy đường 6 không thể bỏ qua. Thiếu úy còn nháy mắt với lái xe, hỏi gã:
- Cậu có biết chơi cờ tướng không?
Gã thành thực bảo:
- Chú và anh em dạy em chơi từ nhỏ. Cũng chỉ sạch nước cản thôi.
- Biết ngay mà. Cậu số đào hoa. Ông già cắt tóc đang cần tìm người như cậu. Nhưng cẩn thận đấy. Mấy tướng đơn vị cậu đã bị thanh niên ở đây cho uống nước no, lại còn phải ca mấy bài vọng cổ nữa cơ đấy. Thanh niên ở đây không đùa được đâu.
Gã được chàng thiếu úy dẫn đi bộ qua hai làng, ba cánh đồng và một cây cầu xây bằng gạch, cuốn tò vò, vào một cổng làng đồ sộ, tít trên cao ghi ba chữ “Thanh Nê trang” mốc mác, nhưng nét chữ thì sắc, đẹp như vẽ. Hai người rẽ vào một ngõ nhỏ, bên trong có ngôi nhà cổ y như nhà gã đóng quân ở Hiệp Hòa. Trong nhà hơn chục người ào ra. Tưởng ai, hóa ra mười đồng chí đi chuyến trước. Lập - tiểu đội phó của gã, hỏi:
- Sao nghe nói anh đi nhận nhiệm vụ đặc biệt?
- Đúng vậy. Nhưng vì mình vô kỷ luật nên lại về chỗ các cậu. Càng vui.
Rồi gã kể câu chuyện theo ông tiếp phẩm về quê, suýt nữa ra tòa án binh lĩnh dăm bảy năm tù. Trưa hôm ấy mọi người vui vẻ làm một bữa liên hoan nho nhỏ vì có thêm món lạc rang gã đem ở nhà lên. Tiểu đội phó cũ, cười vui vẻ, bảo:
- Giá mỗi người có thêm bát cháo lòng của cô Chanh phố Gốt thì tuyệt vời.
- A… Cái cậu này, mới về trước mình vài hôm mà đã quen cô Chanh cô Chua nào rồi. Giỏi thật!
Cả đám phá lên cười.
- Đâu có. Cô Chanh năm nay đã ngót tứ tuần, có con gái học đại học, con trai đi bộ đội rồi. Nhưng bên cạnh quán cháo lòng mới đáng nói.
Gã gặng hỏi, tất cả đưa tay lên miệng, ra điều bí mật.
Gã lại được trả lại chức tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ của tiểu đội vẫn là rèn kỹ thuật sử dụng máy 15 oát, nhưng trước mắt là phải học võ, vì theo các thủ trưởng thông tin của bộ đội đặc công cũng phải luồn sâu, tham gia đánh hiểm, vì thế không những phải học võ mà còn phải học cả cách ngụy trang, cách tiềm nhập và sử dụng các loại vũ khí thành thạo.
Ngày chủ nhật đầu tiên, tiểu đội được năm mươi phần trăm quân số đi chơi. Gã tình nguyện ở nhà để tiểu đội phó đi. Nhưng tiểu đội phó bảo:
- Tôi biết anh chơi cờ rất giỏi. Hãy đi mà đoạt giải.
Gã không hiểu mô tê răng rứa gì cả, nhưng cũng gật đầu, cám ơn.
Tới Gốt, mỗi người bỏ ra hai hào mua cháo. Gã gạt ra, bảo:
- Mình chiêu đãi.
Ngon thật. Đúng là danh bất hư truyền. Định đứng dậy ra về thì đồng chí thiếu úy nhận quân hôm nọ ở nhà bên vẫy vẫy tay. Cả bọn kéo sang.
Đó là một hiệu cắt tóc. Một ông già chừng ngoại lục tuần, tóc bạc trắng, nhưng da dẻ thì nhẵn nhụi, hồng hào, cực kỳ đẹp lão đang cắt tóc cho khách. Thiếu úy lễ phép:
- Con giới thiệu với bố. Đây là - anh chỉ vào gã - một cao thủ cờ đất Kinh Bắc. Hôm nay muốn tiếp chiêu bố.
Ông già đưa mắt gườm gườm nhìn gã, phán:
- Mã thì được. Xe, pháo thế nào, hậu xét.
Rồi cạo qua quýt cho người khách, bảo:
- Thôi. Ông về đi, tôi không lấy tiền đâu. Hôm khác nhé!
Hình như ông khách quá hiểu tính nết ông chủ nên vui vẻ ra về. Ông già cắt tóc lúc đó mới cười, bảo:
- Vào đây. Ba ván nhé. Anh thua, tôi không tính. Được. Tôi có thưởng.
Ván thứ nhất, gã nhường ông đi trước. Ông xua tay, bảo:
- Anh coi thường lão già này thế à? Đấu cờ như đấu võ, nhường tiên cho đối thủ là quá coi thường đối thủ đấy.
Gã đành xin phép, đi một nước kỳ quái: thăng xe 9, bỏ không con mã 8. Ông lão nghĩ ngẫm một lúc, không hiểu ý gã, bèn hỏi lại:
- Anh bỏ không con mã à?
Gã không dám nói gì. Ông già cảm thấy vô hại, bèn nhấc con mã, phấn khởi bảo: “Thế thì tôi xin”. Gã bèn cắm con pháo 8 của gã vào đúng vị trí con pháo ông già vừa rời đi ăn con mã, rồi bình pháo 2 vào đầu. Ván ấy, ông thua nhanh, chẳng nói, chẳng rằng, bày ngay ván mới. Thiếu úy thò tay cấu nhẹ gã. Gã hiểu ý, cố tình để pháo đuổi hai xe. Gã thua. Bấy giờ ông già mới thong thả hỏi chuyện. Biết gã ở gần Dâu, Keo, ông hồ hởi hỏi:
- Anh có biết cụ Bếp Viết ở phố Dâu không? Cao thủ số một Bắc Kỳ đấy. Thế mà chiến với tôi cũng chỉ hòa. Hầy! Xưa mình trẻ, thông minh, sáng láng, chứ bây giờ thì… À Nhã. Nhã đâu. - Có tiếng con gái dạ bên trong - Pha cho bố ấm trà ngon.
Lúc sau, cô gái bưng khay trà ra. Gã ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt nàng đang nhìn gã. Gã sững sờ. Không ngờ ở xứ này mà có được người đẹp đến thế.
Ván thứ ba trong thế giằng co. Đúng hơn là gã muốn tạo ra cái thế ấy khiến ông già khát nước. Lúc sau thì hòa. Bắt chước thiếu úy, gã bẽn lẽn khen:
- Bố! Cờ bố cao vút. Con cố lắm cũng chỉ được vậy.
- Anh cũng khá lắm. Ở vùng này, kể cả đơn vị anh, cả cái ông chỉ huy có cái tên rất xấc là gì ý nhỉ? À à… Cụ - ông Nguyễn Cụ, có ai hòa được tôi đâu. Mai lại ra nhé!
Ra tới đường, thiếu úy phá lên cười:
- Mình định để cậu kiếm mấy bát cháo lòng. Nhưng thôi, phải trường kỳ mai phục. Cái cô Nhã ấy mới là mục tiêu của mấy ván cờ.
Thiếu úy kể: Nhã mười tám tuổi. Vì mẹ ốm, chữa chạy mãi không khỏi, qua đời. Nhã đau buồn bỏ học mất một năm. Ông bố dỗ dành mãi mới đi học lại, vì thế năm nay mới học lớp 10. Nhã đẹp, lại chịu khó, ăn nói dễ nghe, đám thanh niên phố Gốt suốt ngày nhòm ngó. Ông bố không biết làm sao ngăn được bọn này, bèn đặt ra tiêu chuẩn, anh chàng nào thắng cụ ba ván cờ liền thì cụ cho tự do tới nhà tìm hiểu, còn chiêu đãi một tua tiết canh, lòng lợn, cộng bát ô-tô cháo lòng quán cô Chanh, còn không thì biến. Có thế, Nhã mới học hành được, không thì suốt ngày tiếp mấy gã vô công rồi nghề quanh vùng.
Nghe thiếu úy kể, gã thấy cũng hay hay, định bụng chủ nhật nào rỗi rãi, hứng lên thì đi kiếm mấy bát cháo lòng.
Nhưng rồi gã sợ. Gã cảm thấy mình như khắc tinh của cái đẹp, nhất là các cô gái. Ành gặp gã thì trở thành lừa dối. Mến gặp gã thì coi như đã qua một đời chồng. Nhất là Hà. Gã không trực tiếp hại Hà, nhưng cũng góp phần khiến Hà tìm tới cái chết. Chỉ còn Yến. Liệu tình yêu của em có tạo nên bản lĩnh đủ để vượt qua bao cám dỗ xứ người, có đủ kiên nhẫn để đợi chờ trong vô vọng? Bây giờ lại đến Nhã. Dù gã không có ý gì, nhưng hình như gã đã gieo vào lòng cô gái ngây thơ, trong trắng ấy một cái gì như niềm hy vọng, như ảo giác lung linh, tươi đẹp. Tốt nhất là đừng gặp lại nàng và nàng đừng dính líu gì với gã. Gã cố xua đi hình ảnh nàng, nhưng nàng cứ hiển hiện, cứ đong đưa bưng khay nước qua mặt gã. Gã càng sợ, càng muốn lẩn tránh. Vì thế mà mấy tuần liền gã không ra phố để không phải vào hiệu cắt tóc của ông già, để khỏi bị ánh mắt thôi miên của nàng thiêu đốt. Và cũng còn để gã thanh thản nhớ Yến, nhớ những kỷ niệm học trò thời hoa phượng.
Một ngày chủ nhật, ông già cắt tóc bảo có việc phải vào Thanh Nê, tình cờ biết gã ở đây, vào chơi. Nếu không bận thì làm vài ván cho vui. Gã bảo chúng con không có bàn, ông già liền rút trong túi dết ra một bộ quân cờ mới tinh, có cả một bàn cờ bằng gỗ gấp tư rất gọn và cơ động. Gã đành phải tiếp ông. Nhưng khác với tư tưởng chủ hòa của chàng thiếu úy, gã hạ quyết tâm không dành cho ông già một cơ hội nào. Cả ba ván gã đều triển khai pháo đầu, mã đội, xe thọc sâu, tiến thoái linh hoạt. Đó cũng chính là cách đánh của cụ Bếp Viết phố Dâu. Cả ba ván ông già đều thúc thủ, lẳng lặng ra về.
Chiều chủ nhật sau, đang định rủ Lập đi chơi thì Nhã vào. Cô bối rối bảo:
- Chủ nhật trước bố em thua anh ba ván liền. Chẳng biết ai bày trò nghịch ngợm, đặt cả một lồng vịt con ở trước cửa nhà em. Sáng dậy, bố em tức quá, ốm liệt từ hôm đó. Hôm nay bố em đã đỡ hơn, sai em vào mời các anh ra chơi. Anh cố thu xếp chiều bố em lần này. Cụ cũng già rồi.
Gã đứng chết lặng. Tại sao gã làm cái gì cũng liên lụy đến người khác? Còn cái cô Nhã này nữa. Đã quyết không dính líu đến cô ta, thế mà vẫn không tránh khỏi. Thôi, đành chiều ý người già. Lần này chớ mà hiếu thắng.
Gã chơi ba ván. Cũng như lần gặp trước, lại hòa. Nhưng ông già không vui như hôm trước mà cầm tay gã, buồn buồn bảo:
- Tôi mê cờ từ khi sáu tuổi. Chơi với đủ hạng người. Có thua, có thắng, nhưng chưa gặp ai như anh. Tôi biết cả ba lần tôi đều thua. Để tôi hòa chẳng qua là anh chiếu cố cái thân già. Tôi chỉ mong anh đừng tìm cách xa lánh tôi, xa lánh con cái Nhã…
Gã lặng đi, chỉ biết lý nhí vâng dạ rồi xin phép ra về, lòng dạ hoang mang, không biết xử sao cho phải phép.
***
Sáng thứ hai chào cờ. Cả đại đội tập trung ở sân kho hợp tác xã nghe đại đội trưởng nhận xét và giao nhiệm vụ cho từng phân đội thì một chiếc xe con rẽ vào. Một người cao, gầy, ve áo đeo quân hàm thiếu tá bạc phếch, mắt đeo kính đen, bước ra khỏi xe. Đại đội trưởng hô nghiêm, chạy ra báo cáo. Thiếu tá xua xua tay, nhanh nhẹn đi ngắm hết lượt đơn vị. Tới trước tiểu đội gã, thấy cả tiểu đội đeo phù hiệu thông tin, ông hỏi:
- Lính thông tin có chịu tập võ không đấy?
- Dạ. Báo cáo thủ trưởng, chúng em tập tốt lắm ạ. - Gã thay mặt tiểu đội báo cáo.
Ông thong thả lại gần, bất ngờ vung tay đấm thẳng vào mặt gã. Gã đã từng được chàng thiếu úy đi nhận quân, cũng chính là giáo viên võ thuật đã nhiều lần kể về Đoàn trưởng Nguyễn Cụ, về phong cách làm việc, phong cách ứng xử của ông. Việc gì ông cũng phải “mục sở thị” theo phương châm “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”. Gã đoán ông này là đoàn trưởng nên đã có ý thức cảnh giác. Khi thấy ông đi về phía mình, gã khẽ nhún chân. Cú đấm của ông chỉ nhằm kiểm tra nên chậm và nhẹ, gã chỉ khẽ lắc đầu là tránh được. Thấy vậy, ông tiếp tục ra đòn, gã không đỡ mà tránh tiếp. Lúc ấy, không biết có phải đã chạm tới lòng tự ái, hay cảm thấy đã gặp đối thủ ngang tầm mà ông bắt đầu đánh như đang đứng trên võ đài. Gã nhớ có lần thiếu úy dặn: “Gặp ông, các cậu phải đánh hết sức, phải lì đòn. Càng rụt rè, sợ đau, càng chết”. Mặc kệ ông là thủ trưởng cấp cao, cũng chẳng cần biết đại đội có cho phép hay không, gã liều lĩnh phản đòn. Gia tộc nhà gã bao nhiêu thế hệ vẫn tôn thờ Thái cực quyền, kết hợp võ xứ Nghệ, tạo thành Hoàng gia phái. Gã được luyện rèn từ bé nên rất thành thục, thân pháp uyển chuyển, vô cùng linh hoạt. Gã ra đòn dồn dập, liên hoàn như sóng nước con nọ đè con kia, ạt ào, mạnh mẽ, dồn đối phương vào thế chống đỡ. Lúc ấy, đội hình đại đội đã giải tán, bộ đội vòng trong vòng ngoài xúm lại, reo hò cổ vũ. Sau cú nhảy tránh đòn, kính của ông văng ra, để lộ một hố đen hun hút, đối nghịch với bên kia là con mắt sáng quắc, rất đẹp. Ông chính là Đoàn trưởng Nguyễn Tư Cường, có biệt danh là Nguyễn Cụ. Gã cảm thấy có chút tự hào, lại thêm sự cổ vũ của đồng đội, nên giao đấu hăng hái như một chiến binh thời Trung cổ. Trình độ chắc chẳng ai hơn ai, nhưng đoàn trưởng đã ngót tứ tuần, còn gã mới bước vào tuổi thanh xuân phơi phới nên dần dần chiếm thế thượng phong. Có lẽ ông thấy đã thấm mệt, vả lại kiểm tra như thế là quá đủ để hiểu chiến sĩ của mình, nên ông lựa thế nhảy ra xa, giơ hai tay, cười vang:
- Khá lắm! Tớ chịu thua.
Lúc ấy gã mới cuống quýt, vừa sợ, vừa xấu hổ, cho rằng mình quá vô lễ. Gã bước lại gần ông, ấp úng:
- Cho em xin lỗi. Em xin lỗi thủ trưởng, xin lỗi mọi người!
Ông lại cười vang, tiến lại, cầm tay gã giơ cao như kiểu trọng tài vẫn làm trên võ đài với người thắng cuộc. Rồi ông hỏi tên, tuổi, quê quán. Đột nhiên ông reo lên:
- A… Cậu là người “đo ván” ông cụ cắt tóc ngoài phố Gốt ba ván liền không gỡ, phải không?
Thiếu úy - giáo viên võ thuật vội thanh minh:
- Không phải đâu thủ trưởng ạ. Hôm ấy em cũng ở đó. Một thắng, một thua, một hòa.
- Đấy là hôm đầu. Còn trận ông cụ đem cả quân, cả bàn vào tận nhà cơ mà?
- Thế thì em không biết.
- Xong rồi. Tối nay, đồng chí - ông chỉ vào thượng úy, đại đội trưởng - cho xe đưa cậu này - Ông chỉ vào thiếu úy - và cậu này - Ông chỉ vào gã - lên đoàn bộ. Đúng bảy giờ có mặt.
- Rõ!
***
Gió bắc đầu mùa bắt đầu hun hút thổi, báo hiệu mùa đông năm nay rét đậm. Thứ hai, cả tiểu đội về Hà Nội nhận máy. Tất cả là năm bộ gồm năm máy E-102 công suất 15 oát made in China mới khựng và năm bộ M-103 CCCP cải tiến, nhỏ, gọn. Năm bộ trang bị cho năm đội (tương đương đại đội). Đó là các đội 5, 6, 7, 11, 13. Gã được phong trung sĩ, chức vụ Đài trưởng, Ngô Thế Lập - hạ sĩ - đài phó và được bổ sung ba báo vụ, bốn quay viên. Tất cả là chín người, được điều về Đội 6, đóng quân dưới chân đèo Mông thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương. Đoàn trưởng cho nghỉ ba ngày: thứ ba, thứ tư và thứ năm để liên hoan chia tay. Sáng thứ sáu sẽ có xe đưa về từng đội.
Việc đầu tiên là gã mời tất cả anh em, cả cũ lẫn mới ra quán cô Chanh chiêu đãi mỗi người một lon Trúc Bạch, một bát tiết canh, tất nhiên là không thể thiếu bát ô-tô cháo lòng, gọi là khao được thăng quân hàm và cũng là để chia tay mỗi người mỗi ngả. Xong xuôi, gã mua mấy cái bánh nướng, một phong kẹo Hải Hà cho vào chiếc túi đã đựng sẵn hai bánh xà phòng 72 của Liên Xô, rủ Lập sang hiệu cắt tóc. Ông già đã khỏe. Gã biếu ông túi quà, gọi là chút kỷ niệm trong những ngày ở Gốt. Ông già cảm động lắm, gọi Nhã ra đón, còn mời hai anh em ở lại xơi bữa cơm trưa. Gã bịa đủ lý do để từ chối. Biết không thể thuyết phục được gã, ông già chặc lưỡi, bảo:
- Ăn hay không, hậu xét. Nhưng anh phải chơi với tôi vài ván. Mà phải chơi hết mình. Nhường nhịn là không xong với tôi đâu.
Ông gọi Nhã, rỉ tai điều gì. Nhã pha nước, buồn buồn nhìn gã rồi tất tả ra ngoài.
Ông không phải là đối thủ của gã, nên nhanh chóng thua cả ba ván. Nhưng ông vui, bảo:
- Thôi. Dừng ở đây nói chuyện. Vả lại có đánh nữa tôi cũng chả thắng được anh. Phải công nhận anh quá cao thủ. Giá không có chiến tranh thì nhất định thành tuyển thủ quốc gia, ngán gì cờ tướng bọn Tàu. - Rồi ông hạ giọng: - Tôi hỏi thật nhé. Anh đã có người yêu chưa?
Gã đỏ mặt:
- Thưa bố. Con có rồi. Cô ấy vừa đi du học bên Cộng hòa dân chủ Đức, năm năm mới về.
- Thế à? Tưởng chưa, tôi cho anh con Nhã. Con Nhã nhà tôi cả vùng này biết tiếng. Nó học giỏi, lại ngoan. Tôi định cho nó vào Đại học Y Hà Nội, nhưng nó bảo học hết cấp ba con sẽ xung phong đi bộ đội. Lớp trẻ bây giờ lạ thật. Cứ đâu có tiếng súng là xông tới.
Nhã về. Đeo một tay nải nặng. Ông già bảo:
- Có chút hoa quả làm quà chia tay. Làng tôi mãi trong Quyết Hạ, đất rộng, trồng toàn cây ăn quả, dư dật tiền rau dưa.
Gã và Lập lẽo đẽo đeo tay nải ra về, buồn vui khó tả. Có lẽ bao nhiêu lần chia tay cũng là lần thứ nhất.
***
Sáng hôm ấy, một buổi sáng thứ sáu, trời xầm xì, lất phất mưa bay. Những cơn gió bấc gào rú, vun vút vượt mỏ đá Chúc Sơn ào ào đổ về Gốt. Mọi người khẩn trương chuẩn bị lên xe về đơn vị mới. Dân làng Thanh Nê kéo ra đông nghịt, người quăng lên xe bao tải bưởi, người đưa tận tay từng chiến sĩ hộp kẹo, chục bánh rán, chiếc khăn tay và cả những bông hoa vừa nở.
Vì say xe, gã được ưu tiên ngồi trên ca-bin.
Ra khỏi làng, gã thò đầu nhìn lại ba chữ “Thanh Nê trang” thì thấy hai cha con Nhã đứng bên đường. Mắt ông già đỏ hoe, còn Nhã thì ren rén đưa khăn mùi soa lau mặt. Khi thấy gã, hai cha con chạy tới. Lái xe biết ý cho xe chậm lại. Ông già vừa vẫy, vừa hét:
- Đi nhé. Có dịp quay về phố Gốt, để lão già này gỡ nhé…
Gã dạ dạ vâng vâng, mắt không rời khỏi Nhã. Em xinh đẹp, non tơ, chỏng chơ giữa mùa giá rét, giữa cảnh phân ly, dẫu chưa một lời hẹn ước mà tơ lòng như khắc khoải yêu thương… Bánh xe cứ từ từ quay như thời gian vô tình chạy dọc mỗi đời người. Em tất tả chạy theo. Gã chỉ kịp gọi: “Nhã ơi!... Chúc em…” rồi biến mất trong mịt mù mưa gió. Hình ảnh ấy theo gã suốt chặng đường dài, suốt cuộc trường chinh, suốt cả cuộc đời…
***
Xe bon bon ra Đường 5. Tới Lai Khê thì rẽ trái. Bến phà Mây mênh mông, lộng gió, hiu hắt như chốn không người. Tha hồ cho ba chiếc ô tô thay nhau còi inh ỏi, con phà vẫn bất động phía bờ bên kia. Cả tiếng đồng hồ chờ đợi, mãi mới thấy con phà nhúc nhích nhờ một chiếc xe con phóng tới. Phà Mây có hai chiếc phà, một to, một nhỏ. Chiếc to có thể chở được sáu ô tô, còn chiếc nhỏ chỉ hai. Tùy lượng khách, chủ yếu là ô tô mà trưởng bến điều phà. Con phà mới sang là con phà nhỏ mà đoàn của gã có tới ba ô tô nên phải đi hai chuyến. Ông chỉ huy đi đón quân và lái xe kịch liệt phản đối, đòi phải chở phà to. Nhà phà không chịu, cứ ì ra, còn buông những lời vô trách nhiệm: “Tùy. Các đồng chí đi thì chúng tôi chở. Không đi thì chúng tôi nghỉ”. Đúng là qua sông phải lụy đò… Ông đại úy đi nhờ, nhay nháy mắt, mời riêng trưởng bến ra chỗ kín hội ý. Chả biết ông làm công tác gì mà nói ngọt như mía lùi, khiến mấy ông lái phà phải thốt lên:
- Gớm! Chúng em nể thủ trưởng quá. Thôi. Chúng tôi nể thủ trưởng đây, cứ như các anh thì còn khuya nhé.
Thế là họ xếp sắp, xi-nhan, nhích lên, tụt xuống. Cả ba ô tô lọt thỏm trong lòng phà, còn dư chỗ cho một chiếc nữa. Thế mà…
Lên phà, đoàn xe vội vàng rồ máy mong về đơn vị trước bữa cơm trưa. Xe nhảy như cóc nhảy, nghiêng bên nọ, ngoặt bên kia, có lẽ chẳng có con đường đồng bằng nào lại khủng khiếp như con đường này. Chả thế mà có cả đèo Mông, khéo mà có cả người Mông sinh sống cũng nên. Đèo Mông là đoạn gần cuối của dãy An Phụ huyền bí, được ví như cái đuôi của vòng cung Đông Triều hùng vĩ, như bộ xương sống của Kinh Môn. Con đường lồi lõm, ổ trâu, ổ bò nối Lai Khê với bến phà Triều, là con đường rải nhựa duy nhất, không biết được làm từ bao giờ mà bong tróc như người ghẻ lở, khiến ai qua đây dù khỏe đến mấy cũng mệt lử, huống hồ là gã. Ngồi trên ca-bin mà gã vẫn say, mật xanh mật vàng rải khắp đường đèo.
Quá mười hai giờ trưa mới tới đơn vị. Và chỉ hơn hai tháng luyện rèn, gã thấy mình như con người khác. Gã có thể đeo ba mươi viên gạch suốt tám tiếng đồng hồ, có thể ngậm ống thở thả trôi hàng ki-lô-mét vẫn trúng mục tiêu. Gã cảm thấy thể lực dồi dào và mừng nhất là mấy ngày hành quân dã ngoại bằng ô tô gã không còn bị say xe. Tóm lại, gã và đồng đội có thể lên đường vào Nam bất cứ lúc nào. Tất cả đã sẵn sàng.
***
Ngày ấy rồi cũng đến. Khoảng tám giờ sáng, gã nhớ không nhầm thì đó là ngày 20 tháng 12 năm 1965, bởi tối hôm trước gã và cả tổ đài còn thức rất khuya nghe một vị tướng nguyên là Chính ủy Trung đoàn Thủ đô kể về ngày Toàn quốc kháng chiến mười chín năm về trước. Cả đội đang tập sử dụng một loại thuốc nổ mới có tên là C4 màu trắng đục, dẻo như bột gạo nếp, thì có điện của chỉ huy đoàn:
- Toàn đội khẩn trương chuẩn bị. Đúng chín giờ có xe đón đi nhận nhiệm vụ mới.
Đoàn 1760 tương đương cấp trung đoàn, trực thuộc Cục Nghiên cứu của Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của đoàn là đào tạo những tình báo chiến thuật và thành lập những đội quân hoạt động sâu trong lòng địch. Mãi đến ngày 19 tháng 3 năm 1967 mới hợp nhất với Lữ dù 305 thành Binh chủng Đặc công.
Hồi ấy Đoàn 1760 chia thành hai khu đóng quân. Khu một ở huyện Chương Mỹ chạy suốt từ mỏ đá Chúc Sơn ngược tới Xuân Mai. Khu hai gồm năm đội ở vùng Kinh Môn, Chí Linh, trong đó ba đội 5, 6, 7 ở xã Thất Hùng gần bến phà Triều, có sông Kinh Thày tiện cho đặc công nước luyện tập. Ba đội được phân công hoạt động ở ba chiến trường đều thuộc Quân khu 5. Cụ thể: Đội 5 ở Tuy Hòa - Phú Yên, Đội 6 - tức là đội của gã ở Quy Nhơn - Bình Định, Đội 7 ở Nha Trang - Khánh Hòa. Theo điều động của Bộ Tổng Tham mưu thì Đội 7 sẽ là đội đi tiên phong, cán bộ, chiến sĩ được thông báo từ trung tuần tháng Mười một, cho về phép bảy ngày để chia tay gia đình, bạn bè. Ngày 20 tháng 12 xuất phát.
Sáng hôm ấy, đoàn trưởng, chính ủy và rất nhiều cán bộ của cả ba ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần đều có mặt rất sớm ở Hán Xuyên. Bảy giờ sáng, bộ đội có mặt đầy đủ, đội ngũ chỉnh tề chờ lệnh. Nhưng chưa thấy đại úy đội trưởng. Liên lạc được lệnh khẩn trương đi tìm. Ba mươi phút rồi mà vẫn bặt vô âm tín. Chính trị viên sốt ruột, xộc vào nhà trọ thì thấy đội trưởng vẫn đang say giấc, bên cạnh một thiếu nữ khỏa thân. Hay tin, đoàn trưởng tím mặt, lập tức lệnh cho Đội 6 thay thế…
Đấy là chuyện sau này gã mới biết. Còn lúc đó thì túi bụi chuẩn bị, cũng chả có thời gian mà chào chia tay chủ nhà, chia tay nhân dân Vũ Xá đã nhường những gì tốt đẹp nhất cho bộ đội.
Xe vẫn chạy theo đường cũ, nhưng bến phà Mây lúc đó có tới ba chiếc phà, xe đến lúc nào là sang sông lúc đó. Chưa đến mười một giờ thì xe tới ga Thường Tín. Đã có người (hầu hết là cán bộ phụ nữ) ra đón, dẫn về từng nhà, cơm nước đã sẵn sàng, toàn những món lạ, thơm nức mũi. Cả tiểu đội ăn uống thoải mái, ngủ một giấc đến hai giờ chiều thì có lệnh tập trung về hội trường thôn. Mọi người ngạc nhiên thấy trên sân khấu băng rôn, khẩu hiệu sáng rực. Một chiếc bàn dài, trên đó có nhiều cán bộ cao cấp trong đó có một Trung tướng, một Đại tá, một Thượng tá.
Mở đầu, Thiếu tá Nguyễn Cụ - Đoàn trưởng Đoàn 1760 phát biểu. Đại loại ông nói rằng: Đơn vị các đồng chí vinh dự được là đơn vị đặc công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến trường miền Nam chiến đấu, rằng các đồng chí vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội tới tận điểm xuất phát tiễn đưa. Gã nhớ mang máng là ông giới thiệu Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa - Cục trưởng Cục Nghiên cứu. Thượng tá Cao Pha - Phó Cục trưởng Cục Nghiên cứu… Sau đó ông Cao Pha phát biểu. Ông tươi tắn, nói chuyện rất duyên, tuy không có sức truyền cảm như Thượng tá Hồng Kỳ nhưng cũng rất lọt tai người khác. Quân đội đúng là trường đại học lớn. Cái ông Chính trị viên phó Tiểu đoàn 26 thông tin Quân khu Tây Bắc “năm phút rưỡi hai mươi chữ tức” thế mà thâm thúy ra phết. Gã ngồi nghiêm chỉnh, im lặng lắng nghe, nhưng chỉ lỗ bỗ câu được câu chăng. Đầu óc gã đang ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu nỗi nhớ, bao nhiêu việc làm, bao nhiêu điều cần nói…
Sau cùng gã nghe Thượng tá Cao Pha xin lỗi vì không kịp bố trí để các đồng chí nghỉ phép, chia tay gia đình, bè bạn. Ông nói: “Đêm nay, ngày mai các đồng chí viết thư cho tất cả những ai cần viết, gửi lại tất cả những gì liên quan đến miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tất cả sẽ được đưa về tận tay cho những người thân yêu. Chiều mai sẽ phát quân trang và chúng ta sẽ xuất quân đúng vào kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Ông ngừng, tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Các đồng chí lãnh đạo xuống từng hàng ghế bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ. Thiếu tá đoàn trưởng còn ôm gã hôn chùn chụt, giới thiệu với Trung tướng rằng: “Cậu này là đài trưởng Đài 15 oát, tuy là “lính cậu” nhưng võ nghệ và kỹ thuật đặc công thì không thua kém bất kỳ một chiến sĩ đặc công nào. Cậu ta còn là kỳ thủ cờ cao ngất ngưởng… Cậu ta còn…”. Khi đoàn trưởng dừng lời, Trung tướng bắt tay gã lần nữa, bảo:
- Chúng tôi tin tưởng các đồng chí. Chúc các đồng chí chân cứng đá mềm, chiến thắng trở về.
Rồi ông vui vẻ nói thêm:
- Lúc ấy mình sẽ đấu với cậu ba ván, xem xem mèo nào cắn mỉu nào.
Tất cả cười vang. Không khí ra trận như đi hội. Gã thầm hỏi: Không biết ở Liên Xô các chiến sĩ đi đánh phát xít Hít-le năm xưa có như thế này không nhỉ? Chắc là có. Đều là xã hội chủ nghĩa cả mà.
***
Nhưng, ra khỏi hội trường cái không khí như đi hội ấy không còn nữa. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều theo đuổi những ý nghĩ riêng tư. Có người hừng hực khí thế, có người chợt nghĩ tới sự ra đi vĩnh viễn, có người bất cần, có người tiếc nuối cả những điều nhỏ nhặt. Và không ít người mềm lòng đã khóc. Tiếng khóc tức tưởi giữa tuổi thanh xuân…
Gã thương chú, thương các anh, thương người chị gái theo chồng lập nghiệp tận Tuyên Quang. Gã buồn vì không thực hiện được lời thề đón thím Oanh về. Rồi gã nghĩ tới những người con gái mà gã thân thiết, yêu thương. Gã đã hết giận Ành, gã thấy nàng thật thà, tốt bụng. Câu chuyện cô gái Nga nào đó có lẽ câu chuyện thật. Ành là người bắt chước vụng về. Nàng không đáng bị gã căm ghét, không đáng bị xã hội lên án. Gã thắt lòng khi nhớ tới cha con ông già phố Gốt. Sao lại có những con người tốt bụng và đam mê đến thế. Gã chưa kịp hiểu rõ về họ, nhưng họ lại như ánh chớp sáng lòa trong đêm tối. Vì sao ước mơ của Nhã lại nhất định phải là bộ đội? Chắc không phải Nhã chạy theo xu hướng thời cuộc, cũng không phải sự bốc đồng của tuổi trẻ. Có lẽ như ông già nói: “Lớp trẻ bây giờ lạ thật. Cứ đâu có tiếng súng là xông tới”. Bất giác gã bật cười, tự thấy xấu hổ khi nhớ đã có lúc định trốn không đi bộ đội…
Tới nhà, gã chỉ muốn lăn ra giường đánh một giấc. Nhưng trách nhiệm ràng buộc gã. Gã lục ba lô, xếp sắp những thứ cần gửi về. Gã ngồi lặng trước lá thư sau cùng của Ành, lá thư duy nhất không bị gã vò nát quăng xuống dòng suối đang hối hả, ào ạt tìm về cõi xa xăm. Gã lại nhớ người con gái ấy. Hình như tình yêu của gã với nàng vẫn như cây sen “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Gã quyết định giữ lại lá thư này. Biết đâu… Trái đất tưởng là mênh mông, lắm khi cũng vô cùng chật hẹp. Gã đem giấy bút ra bàn, không hiểu sao lá thư đầu lại viết cho Ành. Gã kể cho nàng nghe chuyện gã đến trường đại học, chuyện gã nhìn thấy nàng trên dốc quê nàng. Gã bảo gã đã có người yêu và không giận nàng nữa. Gã còn hối hận vì đã trách nàng. Rồi gã viết cho Yến. Gã nhờ chú giữ hộ, nếu Yến về thì đưa cho cô ấy. Nhất định chú sẽ đưa. Gã khuyên Yến đừng đợi gã. Gã không tin có ngày trở về. Người ta đang gạt gã. Nhưng đúng thôi. Nếu nói thật thì ai sẽ ra trận, thì đất nước này mãi mãi cắt chia, một ngày nào đó lại thành nô lệ. Gã đâu sợ chết. Vì yêu Yến, gã không muốn cô ấy khổ đau. Đừng tin những câu thơ Xi-mô-nốp viết. Ông ta là nhà thơ. Trách nhiệm công dân bắt ông phải có những câu thơ như thế.
Đêm ấy, gã không ngủ. Gã lại nhớ mẹ. Mẹ vẫn thều thào gọi: “Con ơi…”. Gã đấm tay xuống chiếu. Gã quyết tâm ra trận vì trách nhiệm, vì tình yêu đất nước, còn vì trả một mối thù.
Đêm ấy, gã viết hàng chục bức thư, còn làm cả thơ tặng chị gái, sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy và… gã ngần ngừ rồi dứt khoát cho tấm ảnh của Ành vào cuốn nhật ký, đút vào ngực trái nơi tim gã đang dồn dập đập.
Ngày hôm sau, gã cảm thấy vô cùng thanh thản, đi khắp làng nơi đóng quân, thăm thú, giúp đồng đội chuẩn bị hành trang.
Mười hai giờ đêm hôm ấy, gã và đồng đội lặng lẽ lên tàu. Con tàu băng băng xé màn đêm lao về phía trước. Sáng hôm sau thì tới Đò Lèn. Dấu vết trận chiến hai ngày mồng Ba, mồng Bốn tháng Tư vẫn còn nguyên vẹn. Cầu Lèn bị sập, hàng trăm ngôi nhà đổ nát, ngổn ngang, những hố bom lổm chổm như vết sẹo đậu mùa, những thân cây xơ xác, trơ cành và những khẩu cao xạ vẫn ngẩng cao đầu… Người Hà Trung, người sông Lèn có quyền tự hào với chiến công bắn hạ mười hai máy bay hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ chỉ trong vẻn vẹn hai ngày.
Nhưng không có cầu, những đoàn tàu phải ngừng lăn bánh.
Đơn vị gã được lệnh rời tàu, nhanh chóng tản vào một làng nhỏ ven sông.
Hôm sau, tất cả những người lính được kiểm tra kỹ lưỡng, tối giản mọi thứ. Những gì không thật sự cần thiết phải bỏ lại phía sau. Chỉ còn vũ khí, khí tài, các phương tiện thông tin, thuốc men, thực phẩm dự phòng. Thế mà bước qua bàn cân, mỗi chiến sĩ vẫn phải mang trên mình ngót nghét năm mươi ki-lô-gam. Ấy là chưa kể phần gạo để ăn từ trạm giao liên nọ sang trạm giao liên kia.
Cuộc hành quân có một không hai kéo dài hơn sáu tháng trời bằng đôi dép cao su, vượt qua bao nhiêu sông suối, núi cao, dốc đứng, nắng lửa, bão giông trên dọc dài đất nước. Đơn vị có bốn chín người thì sáu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên dãy Trường Sơn. Tất cả đều sốt rét, trừ gã. Gã không hiểu vì sao mình lại là người duy nhất đặt chân tới Tỉnh đội Khánh Hòa mà không sốt rét, không một ngày ốm đau, vẫn vẹn nguyên như lúc lên tàu. Và gã vẫn sẵn sàng.