Theo quyết định của quân khu thì các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được trả lại đơn vị cũ, sáng hôm sau lên đường. Nhưng ngay đêm ấy quân khu lại nhận được lệnh đưa tất cả học viên về Đoàn 4, Cục Thông tin Liên lạc đang đứng chân ở huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc.
Lần này không phải chiếc xe Gat ọc ạch mà là một chiếc xe khách 36 chỗ ngồi, khá sang trọng và êm ái. Gã - lúc này đã được phong quân hàm hạ sĩ, được chỉ định phụ trách hai mươi bốn đài trưởng về đơn vị mới, tất nhiên là chỉ để quản lý trên đường, chứ việc giao quân phải do đồng chí thượng úy quân lực quân khu đảm nhiệm.
Gần tới Mộc Châu, lên đỉnh đèo có cái quán tự giác thì xe khựng lại, bóp còi inh ỏi bởi một tốp thanh niên cười nói ầm ĩ ào ra. Lái xe bực tức, cau có chửi thề. Ở chỗ năm ngoái là “Quán tự giác” nay chỉ còn là ô đất hình chữ nhật, mấy cô cậu đang làm dáng, chụp ảnh. Gã chợt nhận ra Ành. Ôi, lạ và xinh đẹp quá. Ành không mặc trang phục dân tộc mình. Nàng diện quần ống tuýp xanh sĩ lâm, sơ mi trắng bỏ trong quần, chẽn bên ngoài bằng chiếc áo gi-lê xám, chân đi giày thể thao, kéo chân nàng dài ra, thon lại, cười tươi như nụ cười nàng Mona Lisa trong bức danh họa của Leonardo da Vinci. Tim gã như đứng lại. Gã vừa mừng, vừa căm, định mở cửa nhảy xuống. Nhưng xe đã từ từ lăn xuống dốc. Gã liếc vội theo nàng. Cái tưởng như rất tốt lúc này lại là cái bất tiện lúc khác. Giá như không phải là chiếc xe khách sang trọng này mà vẫn là chiếc Gat năm ngoái thì nàng có thể đã trông thấy gã và gã có thể sẽ được gặp nàng. Gã buồn xo, ngồi không nhúc nhích. Những bức thư, những kỷ niệm hiển hiện trong đầu, khiến gã chẳng thiết gì ngắm đường, ngắm những cô gái xinh xinh lướt qua ô kính, thậm chí tới Hà Nội gã cũng chả thèm ngó nghiêng tìm lại những ký ức của kỳ thi đại học…
Đoàn bộ Đoàn 4 đóng trong nhà kho của hợp tác xã Lỗ Đông. Nhà kho khá rộng, gồm năm gian nhà chính và ba gian nhà phụ phía đông. Sân kho lát gạch chỉ, mênh mông như sân bay, dễ cả trung đoàn tập trung cũng chưa kín chỗ. Đoàn trưởng là một trung tá cỡ tuổi tứ tuần, cao to, có bộ râu quai nón trông khá dữ. Ông tiếp nhận, nói sơ qua về lịch sử, nhiệm vụ và những đặc thù của đoàn, rồi chia bọn gã thành hai tiểu đội. Gã được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, còn Vũ Trọng Đụng - Đụng lùn là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2. Tiểu đội gã được một thiếu úy dẫn về một gia đình có ngôi nhà ngói năm gian cổ, lại cũng có ba gian nhà ngói phía đông bỏ không. Tiểu đội gã được ở ba gian nhà đó.
Chiều tối, một người con gái đạp chiếc xe fa-vơ-rít mới vào nhà. Cô không hề ngạc nhiên khi thấy bọn gã, còn thân tình hỏi:
- Các anh đi đường chắc là mệt lắm. Em tên là Hà, con gái út của bố em. Mẹ em mất sớm. Em ở với bố và anh trai cả. Anh trai em đã đi B. Em và chị dâu làm ở trạm xá…
Cứ thế, chẳng ai khảo mà Hà khai hết mọi việc. Từ việc nhà ra việc làng và cuối cùng là việc của cô.
- Em học dốt. Thi trượt cấp ba, ở nhà ăn báo cô. May mà chị dâu xin cho vào trạm xá không thì đã ế chồng lại ế cả việc làm…
Hà cười khanh khách, hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp. Gã lại đem Hà ra so bì với người vừa yêu vừa giận. Gã cho rằng Ành vẫn cao điểm hơn. Một mười, một bảy. Thế là tốt rồi cô em ạ.
Nhưng liệu Ành có chịu khó và chu đáo như Hà? Hà dậy rất sớm, quét cái sân to đùng như sân hợp tác xã, đun nước đổ vào hai chiếc phích, hôm thì nấu cơm, hôm thì luộc khoai, nấu cám lợn… Vừa làm vừa hát. Hà hát rất hay và… rất lạ: toàn hát tuồng cổ, thi thoảng mới hát vài ca khúc mới hoặc vài làn điệu dân ca. Hỏi ra mới biết ngoài việc làm ở trạm xá, Hà còn là cô đào nổi tiếng của đoàn tuồng Bến Gầm. Bến Gầm là đoàn tuồng không chuyên nhưng nổi tiếng bởi những vở diễn như Sơn Hậu, Đào Tam Xuân, Lã Bố hý Điêu Thuyền, Mộc Quế Anh dâng cây và đặc biệt là vở hài dân gian Nghêu, Sò, Ốc, Hến… Gã lập tức thân thiết với Hà bởi hai người xấp xỉ tuổi nhau, cũng bởi Hà, tuy không được gã đánh giá bằng cô gái Mộc Châu, nhưng cũng rất xinh đẹp và nhất là cùng có máu nghệ sĩ. Mỗi khi chi đoàn thanh niên địa phương giao lưu với chi đoàn thanh niên quân đội thì thế nào cũng có tiết mục song ca của Hà và gã. Khi thì ca khúc “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” đang thịnh hành, khi thì bài tủ “Trước ngày hội bắn”, lúc thì vài khúc quan họ giao duyên… Ai cũng khen cô cậu đẹp đôi, được người được nết. Họ bắt đầu gán ghép, nhất là khi thấy Hà thường xuyên cho gã mượn xe đạp, có lần còn về bên kia sông Đuống thăm nhà gã…
Đùng một cái, cả làng Lỗ Đông đồn ầm lên rằng Hà có chửa. Còn ai vào đấy nữa. Lửa gần rơm, không ăn cơm trước kẻng mới là chuyện lạ. Thôi cưới quách đi cho xong. Bố Hà chết đắng chết cay, cấm cô không được ra trạm xá, không được đến đoàn tuồng, rồi ông xồng xộc tới nhà kho yêu cầu Ban chỉ huy chuyển ngay tiểu đội gã đi nhà khác. Chính ủy gọi gã lên. Gã một mực bảo không. Mà có ai bắt được gã có biểu hiện trăng hoa với Hà đâu, cũng chả ai thấy gã đi chung trừ lời đồn thổi Hà về nhà gã. Chính ủy không bằng chứng nên chỉ động viên khích lệ, kêu gọi tính tự giác của gã. Bản thân ông cũng bán tín bán nghi. Nhưng còn dư luận, còn miệng tiếng hơn ba ngàn dân của ngôi làng được coi là bề thế, khang trang, giàu đẹp nhất huyện này. Ông tới gặp bí thư chi bộ. Bí thư cười thoải mái, khuyên ông động viên gã làm đám cưới. “Trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ có vi phạm gì đâu mà mình sợ. Một đám cưới là yên. Có gì đâu mà thủ trưởng băn khoăn?”. Nhưng gã đâu có chịu. Gã bảo gã đã có người yêu. Gã thề là không bao giờ làm chuyện ấy. Khốn nỗi cả làng, cả đơn vị (trừ chính ủy) không ai tin gã. Trai làng còn định hành hung, còn dọa ném gã xuống sông Cầu nếu gã dám chạy làng.
Cho đến một buổi trưa. Gã và Chuẩn úy Dũng - quân y sĩ của đoàn ra sông Cầu tắm tiên. Y sĩ phát hiện đầu quy của gã chưa mở. Anh lẳng lặng về báo cáo chính ủy. Chính ủy phấn chấn ra lệnh: “Đồng chí viết giấy đưa cậu ấy lên Quân y viện 110 giải phẫu ngay. Vừa giúp được đồng đội mình, vừa là bằng chứng chứng minh cậu ấy trong sạch”.
Ai cũng tưởng thế là ổn.
Nhưng. Ở đời không ai học được chữ ngờ. Khi Hà mang thai, gia đình cô vô cùng giận dữ, uất ức, bởi đó là một gia đình có truyền thống văn hóa, học hành đỗ đạt cao. Thời nho học có người đỗ đến Hiếu liêm, mấy đời làm thầy đồ. Ông nội Hà nhiều năm dạy học tận Hà Nội. Bố cô là hiệu trưởng cấp ba trường xã về hưu chưa được dăm năm. Hà là con gái duy nhất, lại út ít nên được cả nhà cưng chiều, kỳ vọng. Chẳng may mang thai, bố Hà hết mặn, đến nhạt, lúc nhu, lúc cương, nhưng cô cứ lỳ ra, chẳng nói chẳng rằng. Ông tức giận bảo: “Mày không khai tao cũng biết tỏng là thằng nào rồi. Ngu thì cho chết”. Nhưng rồi thương con, ông lại dịu giọng: “Con thuyết phục nó, đã đến nước này thì làm đám cưới là xong”. Hà vẫn như người câm, người điếc, suốt ngày rúc trong buồng, bỏ ăn bỏ uống, thi thoảng mới dậy ngó xuống ngôi nhà ba gian. Cực chẳng đã, ông cho triệu tập cả gia đình, nêu giải pháp là đành bẽ mặt sang bên nhà người ta, van lạy người ta làm đám cưới. May ra thì…
Kế hoạch chưa kịp thực hiện thì cái tin gã phải lên Viện Quân y 110 cắt đầu quy, đồng nghĩa với việc gã không phải là thủ phạm đã lan khắp làng, khắp xã. Người ta chê ông, chửi ông, bảo ông lắm chữ dạy người sao không bớt vài chữ dạy con. Có người còn độc mồm bảo ông gài bẫy anh bộ đội đẹp trai, tài hoa, gia thế khủng mong kiếm được chàng rể hơn người… Ông nổi điên, trói Hà vào cột, đánh cho một trận nhừ tử, quyết tìm ra thằng khốn nạn. Hà vẫn trơ ra, đến khi cơn hen suyễn kéo lên khiến ông thở hắt ra, ngồi phịch xuống nền nhà, Hà mới lê đến chắp tay, mắt ráo hoảnh, nhỏ nhẹ:
- Con hư, làm tổn hại thanh danh của bố, của dòng họ Đặng. Bố cứ giết con đi.
Bố quăng roi, cởi trói cho con. Hai bố con ôm nhau nức nở.
Hôm sau, Hà không dậy. Bố bực tức mở cửa buồng thì chả thấy Hà đâu. Đầu giường để ngay ngắn một bức thư:
“Thưa bố.
Con là đứa con hư. Con không giữ nổi mình. Hôm con đi diễn trên Nhã, xe đạp của con bị hỏng, Th. đã đem chiếc xe ba-bét-ta xuống đón con. Diễn xong, anh ta lại tình nguyện đưa con về. Đêm tối, con không thuộc đường, anh ta đưa con vào một nhà, nói là nhà bạn ăn uống. Từ đó con không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Con biết, con đã bị làm nhục, nhưng không dám nói. Khi biết mình có thai, con đã gặp Th. hỏi cho ra nhẽ. Hắn đã thừa nhận, còn trơ tráo bảo:
- Hay là em chịu khó làm lẽ anh. Anh sẽ đưa em xuống thị xã Bắc Ninh. Ở đó anh có bà dì ruột…
Con uất quá, gầm lên:
- Khốn nạn. Tôi không thèm.
Anh ta lại nhăn nhở bảo:
- Hay là em cứ đổ cho cái thằng bộ đội đẹp trai, vẫn song ca với em. Nhất định nó phải cưới, nếu không nó sẽ bị tước quân tịch. Như thế vẹn cả đôi đường: Em có chồng, anh có con, thi thoảng hai đứa mình lại tình cũ, nghĩa xưa…
Con bỏ ngoài tai, ra về.
Trên đường về con nghĩ hắn nói có lý. Mà thực ra con yêu anh ấy thật. Nhưng anh ấy lại quá thờ ơ. Không hiểu anh khinh con hay anh đã có người yêu.
Bây giờ ra nông nỗi này, con không còn mặt mũi nào trông thấy bố, trông thấy họ hàng, không còn mặt mũi nào nhìn anh ấy. Con đành mang tội bất hiếu. Con cúi lạy bố ngàn lạy. Vĩnh biệt bố!
Con gái bất hiếu của bố”.
Ông bố ôm bức thư ngất đi. Chị dâu Hà cuống quýt chạy tới Ban chỉ huy đoàn tìm gã. Nhưng gã vẫn đang ở Quân y viện 110. Cả đơn vị xô đi tìm Hà. Người ta tìm thấy cô ở một khúc sông Cầu. Cô tự buộc đá vào hai chân, nhảy xuống khúc sông không có sóng, trong veo như cốc nước trinh nguyên. Công an sục vào nhà Th. thì Th. đã cao chạy xa bay.
Lễ tang Hà đông nghịt. Ai cũng cúi đầu lặng lẽ. Chỉ có tiếng kèn đưa điệu Nam ai sầu thảm. Cả đoàn tuồng Bến Gầm nước mắt đầm đìa. Ông trưởng đoàn gầm lên khúc Khương Linh Tá mắng Tạ Thiên Lăng, rồi nấc lên:
- Cháu ơi! Hà ơi! Sao phải khổ thế? Ta thề sẽ bắt thằng khốn ấy về đây đền tội.
Mấy hôm sau gã về. Gã lặng lẽ đặt lên mộ Hà những bông hoa trắng muốt, mông lung suy nghĩ. Gã tự hỏi: Tình yêu là gì? Chết là gì? Sao Hà phải chết? Có phải danh dự còn cao hơn sự sống? Nếu để mất danh dự thì nhất định phải chết hay sao?...
Sẩm tối, gã lững thững bước thấp bước cao ra về, nhòe nhoẹt trong màn sương trắng đục, bảng lảng đâu đây bóng một giai nhân. Không biết đó là Hà, hay là tổ mẫu?
***
Gã được lệnh đưa cả tiểu đội lên Lạng Giang dã ngoại. Nhiệm vụ của tiểu đội là bảo đảm liên lạc về đoàn, nhận CQ của bộ, thí điểm, sử dụng thành thạo máy M-103 của Liên Xô mới giúp và đeo gạch tập trèo đèo, lội suối, chuẩn bị cho chuyến đi B.
Tới địa điểm, gã và cả tiểu đội ngạc nhiên thấy rất nhiều bộ đội Trung Quốc. Hồi nhỏ, chú gã bắt gã học chữ Nho, khi học cấp ba gã lại được học Trung văn nên bập bẹ vài trăm từ thông dụng. Gã xếp sắp vốn từ hiếm hoi hỏi mấy đồng chí Trung Quốc rằng:
- Tại sao các anh lại ở đây?
Bọn họ phá lên cười. Không hiểu họ cười vì câu hỏi quá ngây ngô hay do gã phát âm không chuẩn. Một anh chàng đứng tuổi, có lẽ là sĩ quan chỉ huy, vì bộ đội Trung Quốc không có quân hàm nên chẳng biết ai quan, ai lính, bảo:
- Chúng tôi sang bảo vệ miền Bắc, để bộ đội Việt Nam rảnh tay đánh Mỹ ở miền Nam.
Gã nghe câu được câu chăng, bán tín bán nghi, nhưng cũng cứ gật đầu hỏi tiếp:
- Ở đây các anh làm gì?
- Việt Nam cần gì chúng tôi làm nấy. Như làm đường, bảo vệ an ninh, đánh máy bay Mỹ. Trung Quốc - Việt Nam là anh em, “núi liền núi, sông liền sông” mà.
Gã nhìn quanh, rồi lại hỏi:
- Sao đánh máy bay Mỹ mà các anh không đào công sự?
Cả bọn lại phá lên cười. Người đứng tuổi lại bảo:
- Chúng tôi sang đây đánh Mỹ chứ có sang đây tránh Mỹ đâu mà phải đào công sự, phải trốn chui trốn lủi.
Lệnh của đoàn trưởng là ngay khi tới địa điểm đóng quân, việc đầu tiên là phải đào công sự, sau mới triển khai khí tài, máy móc. Nói như họ chẳng hóa ra quân đội mình toàn sợ chết. Gã ức là không đủ vốn từ để tranh cãi với họ, nhưng gã cho rằng thế là sĩ rởm. Gã lầu bầu: “Máy bay đến, thử xem mèo nào cắn mỉu nào”.
Nửa tháng sau, vẫn anh chàng đứng tuổi sang mời bọn gã sang doanh trại Trung Quốc dự buổi liên hoan lấy tiêu đề là “Thắm tình hữu nghị”. Gã đã quên những ấn tượng không tốt ban đầu, chỉ để một đồng chí ở nhà trông nhà, còn mười một anh em quân phục chỉnh tề, vác cả ghi-ta đi dự.
Doanh trại bộ đội nước bạn là những dãy lều bạt mới tinh, thoải mái che nắng, che mưa, sức chứa cả đại đội được dựng quanh một ngọn đồi dày chát sim mua. Nơi lều bạt làm hội trường liên hoan dễ chừng chứa được cả tiểu đoàn, có đủ sân khấu, ghế gấp và tràn lan đồ ăn, thức uống, bánh kẹo, hoa quả, nhu yếu phẩm. Đặc biệt ở mỗi bàn đều có một hộp sắt sơn đỏ đựng rất nhiều huy hiệu và trước tác của lãnh tụ. Khi tiểu đội gã tới thì đã có vài đơn vị bộ đội Việt Nam, có cả những nữ thanh niên của các chi đoàn địa phương. Một anh bộ đội nước bạn cao to, đẹp trai cầm nhịp để mọi người ba lần hô lớn: “Mảo chủ xỉn oan xuây, oan xuây, oan oan xuây” rồi bắt nhịp đồng thanh hát bài “Việt Nam - Trung Hoa…”. Bài hát vừa dứt thì một ông nói tiếng Việt sõi như người Hà Nội bước ra đọc diễn văn, nói về quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nói họ coi Việt Nam như đứa em út, cần gì “ông anh” cũng sẵn sàng… rồi mời mọi người liên hoan. Khi về, hai cô gái quân đội bạn quân phục chỉnh tề, đứng hai bên cửa nhà bạt âu yếm gài lên ngực mỗi người một huy hiệu đỏ chót có hình lãnh tụ của họ rồi đưa tặng mỗi người một túi quà lớn. Mọi người hoan hỷ cười nói. Gã lặng lẽ bước đi, bất bình với cách ví von họ coi Việt Nam như đứa em út. Láo toét. Trong quan hệ quốc tế người ta có thể ví hai quốc gia thân thiết như hai anh em chứ không có chuyện phân chia ai anh, ai em, lại còn là em út. Hồi nhỏ, những đêm trăng, anh em gã thường quây quần ở giữa sân nghe chú kể chuyện. Nào là chuyện “Chiếc nỏ thần” nói về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, chuyện nợ nước thù nhà kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, chuyện “Tiên phát chế nhân” kể về Lý Thường Kiệt đem quân sang Ung, Liêm phá giặc và nhất là chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam… Chú bảo giặc phương Bắc thời nào cũng muốn xâm chiếm nước ta, biến nước ta thành quận huyện, thủ đoạn vô cùng tàn độc nên dân gian mới bảo “thâm như…”. Chả biết thời nay thế nào…
Gã tin chú gã.
Hôm sau, thấy mấy đồng chí bộ đội nước bạn lởn vởn trước lán của tiểu đội, gã miễn cưỡng mời họ vào. Họ quan sát kỹ từng khẩu súng, mấy bộ máy và mọi vật dụng trong lán rồi cám ơn ra về. Vài ngày sau dễ chừng có cả trung đội của họ lại kéo sang, đem theo lỉnh kỉnh đủ thứ. Họ tự ý vào lán, thuyết phục gã và mọi người thay hết những gì mang nhãn hiệu Liên Xô, sẵn sàng bù trả gấp đôi, gấp ba. Gã lắc đầu. Nhưng những người này chẳng cần sự đồng ý của gã đã đồng loạt xông vào vơ tất cả những gì không phải của nước họ sản xuất, kể cả bánh xà phòng 72% đến hộp kem đánh răng… quăng ra ngoài, thay vào đó là những thứ cùng chủng loại mới tinh. Tiểu đội gã được trang bị hai máy 15 oát gồm một chiếc E-102 của Trung Quốc, một chiếc GRC-9 chiến lợi phẩm từ chiến trường gửi ra và một chiếc M-103 nhỏ gọn của Liên Xô gã vẫn cảnh giác cất kín trong ba-lô con cóc. Những người này lại bảo gã hãy quăng chiếc GRC-9 của Mỹ đi để thay vào đó chiếc E-102 mới khựng. Gã cau mặt xua tay. Lập tức một tốp ào vào giựt đứt ăng-ten của chiếc GRC-9. Gã - vốn dòng dõi con nhà võ. Anh - con ông bác ruột là một võ sư danh tiếng, thời kháng chiến chống thực dân Pháp được chú trá hàng vào làm Quản tổng hội tề để rồi thu được mấy chục khẩu súng, phá tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Cũng chính người anh đấy đã là cái cớ để tay phó bí thư đảng ủy viết vào bản lý lịch đi Liên Xô của gã dòng chữ “có một anh làm Quản tổng hội tề”, vì thế Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới báo với bên Tỉnh đội rằng: “Cậu ấy có vấn đề lý lịch. Đi Liên Xô thì không được nhưng đi bộ đội thì quá tốt”. Những đêm trăng sáng người anh đấy lại bắt những Hoàng nam luyện tập để “theo nghiệp tổ tiên”, giữ mình, giữ nhà.
Trước hành động ngang ngược, gã không kìm chế được, bèn nhảy tới. Hai cú bạt phong liên tiếp đã làm hai kẻ xấc láo kia ngã gục. Họ la ó, giương súng xô vào. Nhưng những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên đạn những khẩu AK, quyết bảo vệ người chỉ huy và những trang thiết bị được giao quản lý sử dụng. Có lẽ sự việc sẽ bi thảm hơn nếu không có một ông lớn bên phía họ xuất hiện. Ông ta trọ trẹ xin lỗi, lấy làm đáng tiếc.
Đêm ấy, cả tiểu đội thức trắng, súng đạn sẵn sàng. Mờ sáng hôm sau, chiếc Gát 69 của đoàn bộ tới, đưa tiểu đội gã về đơn vị.
***
Ngay chiều hôm tiểu đội về, chính ủy cho gọi một mình gã. Bỏ mẹ. Chuyến này thì rắc rối to, không khéo còn bị ra tòa án binh. Mối quan hệ Việt - Trung đang tốt đẹp là thế. Người ta giúp mình bao nhiêu thứ từ vũ khí đến đồ ăn, đồ mặc, lại còn đưa quân sang “giữ hộ miền Bắc xã hội chủ nghĩa để các đồng chí rảnh tay đánh Mỹ”. Chỉ vì người ta quá tốt, muốn cho mình những thứ đẹp hơn, mới hơn, tốt hơn thế mà nỡ lòng nào đánh người ta ngã gục. Đương nhiên là người ta cũng có cái sai, luôn tỏ ra kẻ cả, cậy mình lắm tiền nhiều của, cậy mình có công nên hơi quá đáng. Nhưng ở đời này thằng nào chả thế. Hễ có chút ban ơn cho người khác, hễ hơn người khác một chút là y rằng lên mặt, đòi nọ đòi kia, bắt người ta phải theo mình, chí ít phải từ bỏ chính kiến, từ bỏ những gì ngàn năm mới có. Nhưng… lại phải nhưng, vì đại cục mình phải kiên trì nín nhịn, phải bái phục đại ca, phải… Khổ nỗi, từ đời cụ kỵ, tổ tiên nhà gã không làm được thế. Nếu làm được thế thì họ nhà gã đã có hai ông Trạng nguyên đồng khoa, chú gã đã được hưởng hạnh phúc viên mãn bên người vợ đẹp, giàu có. Và cả gã nữa. Gã có thể đã không phải ở đây, có thể đang học hành tử tế trên đất nước Xô-viết.
Gã suy nghĩ nhiều lắm. Tại sao chú gã - một đảng viên đầu tiên, bí thư chi bộ đầu tiên ở ba tổng Đình - Hồ - Mão, một người được học hành tử tế, thông làu đông tây kim cổ lúc nào cũng ngờ vực ông anh “nước ngoài” vĩ đại? Người ta bảo vô sản quốc tế, giúp người như giúp mình, thật sự vô tư. Thế tại sao họ lại kỳ thị Liên Xô, lại thù hằn cả những thứ vô tri vô giác? Họ đúng hay Liên Xô đúng? Hành động của gã chắc sẽ được biểu dương khen ngợi nếu những kẻ xông vào đập phá vũ khí, khí tài là những kẻ khác. Dẫu sao thì sự đã rồi. Gã sẵn sàng nhận kỷ luật. Nhưng gã không hối hận. Gã cho là gã và đồng đội đã hành động đúng.
Mải suy nghĩ, gã đã đến trước mặt chính ủy. Chính ủy ngẩng lên tủm tỉm cười:
- Đến khổ. Đẹp trai như cậu làm bao nhiêu cô gái khốn khổ. Đây. Thư của một trong những cô gái ấy đây. Đọc đi.
Gã len lén cầm phong thư, bụng vẫn run. Cái ông chính ủy này chơi trò gì không biết. Đánh thì đánh đi, lại còn bày vẽ… Chắc còn xoa để mềm xương mới nện. Mặc kệ. Đọc thư đã. Gã liếc phong bì. Không có tên, nhưng nét chữ thì quen lắm.
Rồi lá thư cũng đập vào mắt gã. “Anh vẫn giận Yến à?”. Ơ… Trời ơi, là Yến! Yến gọi gã là anh. “Anh vẫn giận Yến à?”. Gã đâu còn giận. Nhưng gã quên. Cô gái Mộc Châu đã làm gã quên. Xin lỗi nhá!
“Yến muốn dùng mưu khích tướng. Anh biết em mê truyện Tàu mà”. Ô, Yến xưng em với gã. Gã ngấu nghiến đọc, nét mặt biểu cảm theo từng câu chữ. Chính ủy kiên trì ngồi đợi. Khi gã hạ tờ giấy pô-luya màu hồng xuống, ông lại tủm tỉm cười:
- Tôi ghen với cậu đấy. Cái cô Yến này vừa đẹp, vừa giỏi. Đi Đức năm năm thì cầm chắc cái bằng tiến sĩ. Cậu không cố là người ta cho ăn bụi. Nhưng đấy là chuyện của tương lai, còn bây giờ tôi thấy Yến yêu cậu lắm. Thôi, tôi cho cậu hai ngày, sáu giờ tối ngày kia có mặt nhận nhiệm vụ mới. Cho tôi gửi lời thăm ông chú và chuyển lời tôi tới Yến, chúc tình yêu hai người đẹp và trong sáng như trăng rằm đêm nay.
Gã bẽn lẽn hỏi:
- Thủ trưởng đã gặp Yến rồi sao? Thủ trưởng không bắt em kiểm điểm về vụ…
Chính ủy nghiêm mặt:
- Có chứ. Nhưng đánh Mỹ đã. Vội gì. Thôi đi đi. À quên. Yến lên tận đây. Cậu không có ở đơn vị, cô ấy mới viết thư để lại. Thôi, sang bên văn thư lấy giấy công tác. Tôi coi chuyến tranh thủ này của cậu là chuyến công tác đặc biệt, nhớ lấy chữ ký của Yến về cho tài vụ thanh toán… Ha… ha… - Ông cười sảng khoái.
Gã như đi trên mây. Bố Hà cho gã mượn chiếc xe của Hà để lại. Ông thành thực xin lỗi gã về sự hiểu nhầm. Mắt gã ầng ậng. Chiếc xe của Hà lại đưa gã băng về phía trước. Bến đò Gầm vắng ngắt. Ruột gã nóng như cào. Thuyết phục mãi ông lái đò mới chở một mình gã. Mất đứt tiếng rưỡi đồng hồ. Lên bờ, gã gò lưng đạp như điên. Tới sát đường sắt, gã định nhấc ba-ri-e lao qua thì một cánh tay rắn chắc kéo lại, gắt gỏng:
- Muốn chết hay sao? Không nhìn thấy tàu đang lao tới à?
Gã khựng lại. Vài cánh tay trên tàu thò ra vẫy vẫy, í ới hỗn độn những âm thanh vừa quen, vừa lạ.
Qua thị xã Bắc Ninh, trời bỗng nổi gió, đẩy ngược xe về phía sau. Mưa bắt đầu trút nước. Đường 38 trắng những ổ trâu, ổ bò. Sấm sét, gió và nước cứ nhằm mặt gã mà táp vào. Chiếc mũ cối là cứu tinh duy nhất. Gã cúi rạp xuống ghi-đông, vẹo người đạp như mấy cô người Thái đạp guồng quay nước.
Chỉ hơn chục cây số mà mất hơn hai tiếng đồng hồ. Trời bắt đầu tung tấm lưới đen trùm lên muôn vật. Vầng trăng vằng vặc đêm qua nay rét mướt rúc vào mấy đám mây xám xịt, thi thoảng mới nhô ra he hé chút ánh sáng vàng vọt không soi rõ mặt sông. Sông Đuống mùa này hung hăng như ngựa bất kham, ngầu đục phù sa, ạt ào lao về phía hạ nguồn.
Không ai qua phà. Càng lúc mưa càng to. Bến phà mọi khi tấp nập là thế mà bây giờ vắng tanh vắng ngắt. Gan ruột cồn cào. Bên kia, ngược đê Đại Hà sáu, bảy cây số, chú, các anh và biết đâu có cả Yến đang chờ. Gã trách trời, trách cái tuổi Giáp Thân cầm tinh con khỉ, suốt đời vất vả. Chú bảo gã sinh vào tháng Tư nhuận, là con rắn thêm, bổ sung cho sự khiếm khuyết của thời gian nên lại càng vất vả nhưng khôn ngoan và liều lĩnh. Liều lĩnh mà vẫn tồn tại thì đâu có xá. Và gã quyết định liều. Nhưng còn xe đạp của Hà. Hồi ấy xe đạp là cả gia tài. Thế mới có chuyện vui. Có một người đến mượn xe của bạn. Bạn tỉnh bơ trả lời: “Có mượn vợ tớ cho, chứ xe đạp thì không”. Suy nghĩ một lúc, gã quyết định dắt xe vào xóm Bến. Cả xóm im phăng phắc, không một ánh đèn, không tiếng chó sủa. Gã cố rặn ra ho, nói bâng quơ, mong có người rỗi hơi tò mò bắt chuyện. Nhưng đêm tối, mưa giông khiến gã thất vọng. Gã đành lủi thủi dắt xe ra thì vừa may có chiếc ô-tô đèn pha sáng quắc chạy thẳng vào sân ban quản lý bến phà. Gã vội phi xe theo, trình bày lý do xin được sang sông. Ông trưởng bến trố mắt nhìn gã, vừa ngạc nhiên, vừa tức cười, dứt khoát từ chối, mãi mới đồng ý cho gã gửi xe, còn nhấn mạnh:
- Chúng tôi thông cảm mới cho đồng chí gửi xe. Chúng tôi đã hết lời khuyên can đồng chí vẫn cố tình vượt sông, nếu xảy ra chuyện gì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Đồng chí cho xin địa chỉ để nhỡ… chúng tôi gửi trả xe.
Chả kịp nghe những câu cuối cùng của trưởng bến, gã quăng xe vào góc nhà, biến vào mưa đêm mù mịt.
Cởi hết quần áo cho vào tấm ni-lông, gã đội mũ cối lao xuống dòng sông. Nước lũ xúm vào, hò reo kéo gã đi. Gã sải những sải tay dài. Hồi còn chăn trâu, gã đã từng sải những sải tay như thế, sang bãi Giữa, sang đất làng Dền bẻ mía, đào khoai làm đồ khao quân đánh trận. Thấy bọn gã lao mình xuống dòng nước, bị dìm chìm nghỉm, bọn con gái sợ hãi chạy vội về làng gọi người lớn, có đứa còn bưng mặt khóc tu tu. Lần ấy gã bị anh cả lôi về đánh cho một trận, bọn con gái thập thò ngoài cổng, tranh nhau nhòm qua cửa sổ, khúc khích cười. Gã cố chịu đau, giơ nắm đấm dứ dứ, bị cái roi tre của anh vụt cho một cái lằn đỏ cánh tay… Ký ức tuổi thơ khiến gã tự tin hơn. Gã mạnh mẽ lao về phía trước. Ra tới giữa sông, trời càng vần vũ, không biết bên nào với bên nào. Gã loay hoay tìm phương hướng. Chịu. Thấy gì đâu mà xác định bờ Bắc, bờ Nam. Nước lũ thì vẫn ào ạt kéo gã đi, không khéo lại quay về bến cũ. A… Gã khe khẽ reo lên. Sông Đuống chảy từ Hà Nội xuống Lục Đầu Giang mà gã thì từ bờ Bắc sang bờ Nam, vậy là nước đập vào lườn phải là bơi đúng hướng, đập vào lườn trái là bơi quay lại. Có thế mà mãi chả nghĩ ra. Gã lại tự tin băng ngang con nước. Vật lộn cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tới bờ, gã bắt đầu thấm lạnh, rét run. Hai hàm răng lập cập, khô cứng. Gã thở dốc, cảm thấy hoang mang. Nhưng gã vẫn còn tự tin lắm. Đúng lúc ấy chân phải gã bỗng cứng lại, co quắp, cơn đau khủng khiếp kéo đến. Chết rồi, chuột rút. Gã nghĩ tới con thuồng luồng trong câu chuyện chú kể. Và gã bắt đầu nghĩ tới cái chết. Gã ân hận vì sự liều lĩnh của mình, ân hận không cho ông trưởng bến địa chỉ. Gã chết khác nào ăn cắp chiếc xe quý giá, ăn cắp di vật của người bạn đã khuất. Không. Gã không được chết. Gã phải sống vì những người thân yêu, vì chính ủy, vì bố Hà và vì Yến… Gã mơ hồ nghe cô gái Mộc Châu cười trong “Quán tự giác”, nghe rõ điệu tẩu mã của Đào Tam Xuân thúc ngựa về triều và phảng phất bờ bên kia Yến đang giơ tay vẫy gọi. Gã nén đau, quên đi đôi chân, dùng tay giữ thăng bằng, thả lỏng cơ thể mặc cho dòng nước cuốn đi. Cũng là một trải nghiệm thôi mà. Rồi đâu sẽ vào đấy. Tổ phụ, tổ mẫu chắc vẫn bay lượn trên mặt sông. Tổ tiên dễ gì bỏ những đứa con như gã. Gã lấy lại tự tin. Chân phải bắt đầu nhẹ đi, cơn đau dần dần tan biến. Đúng lúc đôi chân bắt đầu đạp nước thì bàn chân chạm đất. Gã thở đánh phào, ngoi ngóp lần lên bờ. Không hiểu đây là đâu. Gã khật khưỡng bước đi. Chỉ cần lên được mặt đê, gã sẽ ngược bên tay phải, và sẽ về nhà.
Nhưng mò mẫm mãi mà chả thấy đê. Bỗng ánh đèn pin tứ phía lóe lên, tiếng con gái đanh chua, dứt khoát:
- Giơ tay lên!
Gã ngơ ngác. Nhưng khi thấy mũi khẩu súng trường, gã hiểu ra vấn đề, bèn ngoan ngoãn giơ tay. Gã bị trói giật cánh khuỷu đưa về sân kho hợp tác xã cũng mênh mông chẳng kém gì sân kho Lỗ Đông. Một người khoảng trên năm mươi, chắc là bí thư hoặc xã đội trưởng, hỏi:
- Anh đi đâu mà vượt sông vào giờ này?
Gã bình tĩnh trình bày. Chẳng có gì chứng minh cho lời gã nói. Phải đến khi họ lục được tờ giấy công tác mọi người mới ớ ra. Vẫn người ban nãy hỏi:
- Ban nãy tôi nghe hình như anh nói anh là cháu cụ Hoàng Đình ở Đình Tân?
- Vâng. Tôi gọi cụ là chú ruột.
- Anh thử tả hình dạng cụ xem nào.
- Vâng. Chú tôi cao, gầy, da trắng, lộ yết hầu, mũi dọc dừa, thẳng, cao, có người còn tưởng cụ lai Tây. Chú tôi giỏi chữ Nho, nói tiếng Pháp làu làu. Nghe nói hồi kháng chiến, nhờ giỏi tiếng Pháp, lại ứng biến kịp thời mà thoát được ổ phục kích, cứu được mình, cứu được cả ông Tỉnh đội trưởng tỉnh Bắc Ninh.
- A… Thế mày có phải là thằng… thằng gì nhỉ? Thuở bé nói ngọng, anh thì gọi là ăn, chú thì kêu là ú… đến tức cười.
Gã vừa xấu hổ, vừa vui mừng, tự dưng thay đổi xưng hô.
- Bác. Thế bác là ai mà biết chú cháu?
- Ta ít tuổi hơn cụ. Gọi ta bằng chú hoặc bằng anh cũng được. Càng trẻ. Ta với chú anh hồi đầu kháng chiến cùng sinh hoạt trong chi bộ Đình - Hồ - Mão. Chú anh là bí thư. Một trong hai bí thư đầu tiên của huyện. Thế anh công tác gì mà gấp vậy?
Gã thành thực kể lại câu chuyện nhận thư của Yến và quyết định của Chính ủy Đoàn 4. Người lớn tuổi bảo:
- Gan lỳ. Đúng là cháu cụ Hoàng Đình. Đây là Đại Mão, về Đình Tân phải hơn chục cây số. Thôi, về nhà ta, ta cho mượn chiếc Phượng Hoàng. Hôm nào đi, đem trả.
Gã rối rít cám ơn. Đấy. Đã bảo lúc nào tổ tiên cũng theo sát gã, tiếp cho gã lòng can đảm, mang đến cho gã những vận may. Mà các cụ ngày xưa sống với nhau tình nghĩa thật. Dám cho một thằng ất ơ mượn xe đạp, quá bằng trao cả gia tài cho người xa lạ thì đủ thấy ông này có niềm tin ghê gớm vào chú như thế nào. Gã lên xe. Phía trước là chú, là các anh, các chị, là dân làng và… Yến. Giờ đây, Yến như ngọn đèn, như ánh trăng. Yến là tình yêu bất diệt. Gã quên mệt nhọc, đói, rét băng băng lao về phía Đình Tân.
Gã có biết đâu, đêm ấy Yến trằn trọc trên chuyến tàu liên vận. Chiều, Yến đã nhìn thấy gã gò lưng trên chiếc xe đạp, đợi tàu qua. Yến đã gào lên. Cô đoán là gã đã nghe được âm thanh nào đó. Con tàu vun vút băng qua, Yến thấy gã lao đi, mất hút vào thị xã. Yến đã đợi gã cả nửa ngày trời, chỉ để nói với gã một câu “hãy đợi em”.
Con tàu cứ vun vút lao đi. Yến thấy cô đơn, nhớ gã đến se lòng.
***
Gã phờ phạc quay về đơn vị. Trưởng tiểu ban Quân lực trao quyết định chung cho cả mười hai người. Gã và mười một đồng chí trong hai tiểu đội được chuyển về một đơn vị mang số hiệu 1760. Trước mắt hãy về Trạm 66 của Bộ Quốc phòng, chờ người tới đón.
Mọi người hoan hỷ, trừ gã.
Được hai ngày thì xe của 1760 tới đón mười người.
Hôm sau lại có xe tới đón nốt chàng lùn Vũ Trọng Đụng, nhưng Đụng ốm đang điều trị ở Viện 354. Gã xin đi thay nhưng người phụ trách lắc đầu. Thế là còn trơ mình gã. Đại úy trưởng trạm bảo:
- Chắc cậu thuộc diện đặc biệt, chờ nhận nhiệm vụ đặc biệt. Có thể còn lâu đấy. Tha hồ mà thăm thú Thủ đô.
Gã thấy đỡ buồn. Hôm sau, gã xin phép đi chơi, nhảy tàu điện Bờ Hồ đến trường Đại học Sư phạm. Cổng trường đại học sừng sững kia, nhưng gã lại chần chừ. Gã với cô ta còn gì nữa mà gặp nhau. Mà gặp nhau để trách cứ, để mạt sát, thêm thù chuốc oán làm gì? Lý trí bảo gã vậy. Nhưng trái tim lại dồn dập phản bác, lại quả quyết rằng “đã có bằng chứng gì đâu mà bảo Ành lừa dối? Ành chỉ trêu chọc Trần Công, chứ với gã Ành yêu thật lòng mà. Không tin thì cứ ba mặt một lời”. Gã đuối lý. Gã mạnh mẽ đến gần người gác cổng. Nhưng vô duyên quá. Thiên hạ này thiếu gì con gái. Và gã chợt nhớ tới Yến. Đồ tồi! Yến yêu gã là thế mà gã lại chạy theo, lại quỵ luỵ một đứa con gái lừa dối, ít ra cũng là bắt cá hai tay… Nhưng một giọng êm ái lại vang lên: “Gặp Ành đâu phải để yêu, để làm rõ trắng đen cơ mà? Sao hèn thế? Làm đàn ông mà đến sự thật cũng không dám làm rõ thì làm đàn ông để làm gì?”. Gã lại ớ ra, quyết liệt đi vào.
Một tiếng sau bác bảo vệ nhỏ nhẹ bảo: Ành đã về quê. Mẹ cô đang ốm, đang phải nằm viện.
Đấy nhé. Cô ấy không có đây chứ không phải không dám gặp đâu nhé.
Gã thủng thẳng ra về, vừa buồn, vừa mừng.
Hà Nội hồi đó đâu có rộng. Mới một tuần mà chả muốn đi đâu nữa. Ngày ba bữa lại nằm khoèo. Định viết cái gì đó mà đầu óc cứ đẩu đâu. Làm thơ không cảm hứng, tìm mãi chẳng ra tứ. Viết truyện thì không có cốt. Ngày ngày ghi vài trang nhật ký, đọc vài bài báo. Chán phèo.
Ngày thứ mười hai thì gặp đồng hương xóm. Bác Tư ngõ bờ ao lái xe tiếp phẩm. Bác hồ hởi rủ:
- Bây giờ tao về quê chở lợn. Mày có về thăm chú mày không? Mười giờ sáng mai tao lại đưa ra. Ở đây, đợi còn ốm.
Bùi tai. Gã nhảy lên ca-bin. Khoảng 12 giờ trưa hôm sau, gã lại chỉnh tề có mặt ở trạm.
Vừa bước vào cổng, đồng chí gác đã lạnh lùng:
- Đồng chí lên gặp trạm trưởng ngay. Đêm qua cả trạm loạn lên vì đồng chí đấy.
Gã lo quá. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Chưa kịp ngồi xuống, trạm trưởng đã lớn tiếng hỏi:
- Đêm qua, đồng chí đào ngũ đi đâu?
- Dạ! Gặp người cùng xóm, em theo bác ấy về thăm nhà. Em đâu có ngờ... Nhưng bây giờ em đã có mặt.
- Đã có mặt - Trạm trưởng đai lại. - Nhưng đoàn 1760 của đồng chí lại cho người về đón, yêu cầu đồng chí phải có mặt trước hai hai giờ đêm hôm qua. May mà… Thôi. Giấy đây, về phòng viết kiểm điểm.
Lại kiểm điểm. Không biết đời gã còn bao nhiêu lần phải viết kiểm điểm. Chắc bây giờ chẳng còn Đại úy Lê Lộc để cứu gã.
Chiều tối gã viết xong, mang nộp trạm trưởng. Trạm trưởng liếc mắt đọc qua, cau mày:
- Viết thế này hóa ra đồng chí chẳng có tội gì. Mà là tội của chúng tôi không phổ biến nội quy đầy đủ. Thế phòng ngủ của đồng chí người ta dán giấy gì trên tường ngay bàn uống nước? Hôm về đây, ai là người phổ biến nội quy? Đã vô kỷ luật lại thiếu tự giác. Lính tráng gì mà suốt ngày hết thư từ lại cờ quạt. Về viết lại.
Gã lủi thủi về phòng.
Hai mốt giờ gã lại lên gặp trạm trưởng.
- Ừ. Có thế chứ. Thế không nhận hình thức kỷ luật gì à?
- Em… Em… không biết.
- Thế cậu có biết người ta đón cậu đi đâu không? Tôi đã bảo cậu thuộc diện đặc biệt, để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Cậu có chân trong đoàn ngoại giao đi Vương quốc Cam-pu-chia. May mà đồng chí Vũ Trọng Đụng khỏi bệnh, có người thay thế, không thì ra tòa án binh, lĩnh dăm năm tù là cái chắc.
Mặt gã cắt không còn giọt máu. Thấy vậy, trạm trưởng dịu xuống:
- Đã bảo là “may mà…” rồi còn gì. Thôi cứ nhận cái khiển trách nhè nhẹ và chịu khó nằm chờ. Chắc vài ngày nữa sẽ có người tới đón.
Gã thở phào.