Viết xong “Bóng xưa bảng lảng” tôi liền Email cho Lê Thanh, bạn tôi ngoài đời đang ở thành phố Nha Trang, bạn gã trong tiểu thuyết.
Một tuần sau, Thanh zalo cho tôi, hỏi:
- Anh ơi! “Bóng xưa bảng lảng” là tiểu thuyết hay tự truyện?
- Sao em lại hỏi vậy?
- Vì em thấy nhân vật gã chính là anh. Anh chính là gã trong tiểu thuyết.
Tôi cười, bảo:
- Gã là gã, mà anh là anh. Sao gã lại có thể là anh? Và ngược lại, sao anh lại có thể là gã?
- Em thấy anh và gã giống nhau lắm, y như hai giọt nước. Này nhé. Anh cũng học giỏi, có giấy gọi đi Liên Xô, cũng đi bộ đội, đóng quân ở miền Tây Bắc, cũng vào chiến trường Khánh Hòa, làm quân của chú Nghĩa và… bây giờ cũng là một nhà văn.
- Nhưng anh đâu có những mối tình như gã, đâu có làm đám cưới với Ành và… đâu có nổi tiếng như nhà văn Phạm Hoàng. Tóm lại, anh (hoặc gã) chỉ là cái bóng của nhau, cùng đi trên một chặng đường dài, hoặc nói như các nhà văn chuyên nghiệp anh có thể là nguyên mẫu cho nhân vật gã. Gã và anh như linh hồn và thể xác của một con người.
- Thế còn các nhân vật khác. Đơn cử như em. Anh bê nguyên cả tên tuổi, cả cuộc đời và nỗi đau của em vào trong truyện. Vậy em là cái gì?
- Là nguyên mẫu. Chỗ này, anh xin lỗi em, anh học theo người phương Tây. Người phương Tây yêu quý ai thì lấy tên người đó đặt cho những đứa con yêu quý nhất của mình. Anh quý em, nên anh không thể không đưa em vào những trang sách tâm huyết cả đời của anh. Em có tha thứ cho anh không?
- Làm gì mà nghiêm trọng thế, cha nội? Em có phản đối anh đâu, em chỉ không hiểu, em muốn anh có câu trả lời rõ ràng hơn.
- Anh biết. Nhưng chúng mình đã bước sang cái tuổi xế chiều. Cũng như Lê Thanh trong tiểu thuyết, cô ấy “không cần cái kết, bởi cái kết bây giờ còn nghĩa lý gì đâu”, rồi cô ấy đọc một câu “Cung oán” xót xa “Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Có người bảo là sái quá, người duy tâm còn bảo “văn vận vào mình”. Nhưng cái chúng ta quan tâm bây giờ là sự thật, là quy luật… Sống lâu không phải là trường tồn. Sống thế nào để người đời đừng quên mới là bất tử. Anh muốn em, anh và chúng ta đều như thế…
Khi bản thảo “Bóng xưa bảng lảng” in ra, tôi còn nhận được rất nhiều những cú điện thoại của những nhân vật tôi viết rõ họ tên thật. Họ truy vấn tôi. Tôi đều trả lời họ như đã trả lời Lê Thanh. Có người vui, có người im lặng khe khẽ buông những tiếng thở dài… Đa phần họ đều đã ở cái tuổi xế chiều, đã như những ngôi sao chờ buổi bình minh. Tôi cám ơn họ. Tôi đáng bị người ta truy vấn. Tôi chưa đủ tài năng và tư cách khiến họ trở thành bất tử, chí ít là ở phần hồn.
Làng Bến, khởi viết: 24 tháng 2 năm 2020
Hoàn thành, ngày 8 tháng 6 năm 2020.