Cái mà vợ gã bảo “yên tâm rồi” nghĩa là từ nay gã sẽ thôi không dấn thân vào những chuyện không đâu vào đâu, từ bỏ những tham vọng, những niềm tin cuồng tín… Suốt ngày gã quanh quẩn bên vợ, bên con, bên họ hàng, làng xóm láng giềng, tham gia hội cờ tướng, hội bóng bàn, câu lạc bộ dưỡng sinh. Tổ chức duy nhất mà gã hăng hái hoạt động là Hội Cựu chiến binh, không kể đến ngày mồng Ba hằng tháng đi sinh hoạt chi bộ. Gã bảo mình sắp “lão giả an chi”.
Nhưng… gã là con người của hành động. Gã tuổi Thân, hàng can đứng chữ Giáp thì làm sao có thể “an phận thủ thường”.
Hội Dâu năm Mậu Dần mở to lắm. Gã háo hức tham gia thi đấu cờ tướng từ mấy hôm trước, đến ngày chính hội - mồng Tám tháng Tư thì vào chung kết, tranh cái Nhất, Nhì. Ván cờ diễn ra không như mong đợi. Gã mắc quá nhiều sai sót. Trong cờ tướng cũng như trong cuộc đời, chỉ cần một sai sót nhỏ là đã phải trả một giá đắt, có khi rất đắt. Thế mà trong ván cờ hôm ấy gã đã ba lần đi sai. Vì thế gã thua là chuyện đương nhiên.
Người đoạt chức vô địch là một chàng trai cao lêu đêu, rất hay nói, vẻ như lốp bốp, nhưng chơi cờ lại rất “lỳ” theo trường phái “Tiên thủ, hậu phát”. Xong ván, ra uống nước, gã hỏi:
- Quê anh ở đâu?
- Cháu An Bình.
- Bây giờ anh làm gì?
- Cháu làm ruộng, thi thoảng viết báo, viết văn cho vui…
- Tôi tưởng viết báo, viết văn là một nghề nghiêm túc. Sao bảo cho vui?
- Nói thế nào cũng được ông ạ. Bảo nghiêm túc thì nghiêm túc, bảo cho vui thì cho vui.
Gã lẳng lặng ngẫm nghĩ. Rượu xong, gã lại ngồi uống nước cùng đối thủ. Gã hỏi đùa:
- Anh trông. Liệu tớ có viết được văn không?
Chàng trai cười, bảo:
- Ông hỏi thế, cháu biết trả lời thế nào? Còn phải xem ông có ham mê không, có năng khiếu không. Nhưng trước mắt cháu thấy nếu ông ham viết văn như ham cờ tướng thì ông sẽ viết được.
- Thế mình viết thử xem nhé. Ba ngày nữa, hội Đại Trạch, anh có ra không?
- Có. Ở huyện này, chả hội nào có tổ chức cờ tướng mà cháu bỏ.
- Được. Hôm ấy, tôi sẽ chơi một ván thật hay. Và hy vọng cái tôi sắp viết cũng sẽ được anh khen hay.
Gã về. Đêm ngủ, hết trở mình bên nọ, lại trở mình bên kia. Lê bảo:
- Thua cờ. Ức quá hay sao mà trằn trọc thế?
- Em chẳng hiểu gì cả. Nếu không đáng thua mà thua thì mới ức. Đằng này thua tâm phục khẩu phục thì còn ức cái nỗi gì. Vui là đằng khác.
- Thế sao quá nửa đêm rồi mà anh không ngủ. Đừng có mà lại nghĩ chuyện làm giàu, vác ba-lô đi đây đi đó là em không chịu đâu đấy. Bây giờ mà còn giở trò biểu quyết là sẽ thua to. Hai thằng con rể lúc nào cũng ủng hộ mẹ vợ, biết không?
- Ừ. Biết rồi. Ngủ đi.
Nhưng gã không ngủ được. Gã đang nghĩ tới câu chuyện gã định viết. Viết về em, về tình yêu của em dành cho gã, về làng Bến thân yêu. Gã nghĩ tới những người sẽ đọc câu chuyện này. Gã yêu mến và cảm ơn họ. Gã khẽ khàng đặt đầu Lê xuống, rút cánh tay đã hơi tê tê ra, lần mò xuống bếp, bật đèn và tiêu đề truyện ngắn đầu tiên sau khi rời quân ngũ hiện ra: “Bạn đọc”.
Gã viết say sưa. Khi nghe thấy hơi thở phập phồng phía sau lưng, cũng là lúc gã viết những dòng cuối cùng của truyện. Gã đặt bút xuống, quay lại. Lê reo lên:
- Anh viết về em, về chúng ta, về làng Bến à? Ôi, em yêu anh quá!
Gã bật dậy, ôm lấy vợ, nói lời cảm ơn. Lê trân trân nhìn gã, bảo:
- Hôm nay anh khách sáo thế. Anh nói y như một nhà văn. Ôi, nhà văn của em!
Phía đông, mặt trời le lói. Mắt gã nhòe đi. Chưa bao giờ gã thấy Lê đáng yêu như lúc này. Một đời trong sáng, yêu đắm say, tất cả vì chồng, vì con, vì những gì chồng con vươn tới… Em xứng đáng là nhân vật yêu quý nhất của bạn đọc - câu chuyện đầu tiên gã kể bằng văn bản…
Hai ngày, gã hì hụi sửa chữa. Sáng ngày thứ ba, gã dậy sớm, đạp xe đi hội. Cái anh chàng cao kều còn có mặt sớm hơn. Gã hồ hởi:
- Chào Ông Thành.
- Sao chú lại gọi cháu thế? Cháu chỉ đáng tuổi con cháu chú thôi.
- Ơ… Sao người ta bảo anh họ Ông?
- Vâng. Cháu họ Ông. Tên đầy đủ của cháu là Ông Văn Thành. Người ta sợ dài, cứ gọi và viết là Ông Thành.
- Thế thì tôi gọi đúng rồi. Tôi chào Ông Thành. Ông viết hoa, là danh từ riêng chứ không phải ông danh từ chung. Được chứ?
- Vâng. Thế thì cháu chịu.
- Hóa ra. Cái mà người ta tưởng đơn giản nhất cũng có thể sẽ vô cùng phức tạp. Vấn đề là lương tâm của mỗi con người. Cái họ của anh, nếu không vô tư trong sáng thì dễ trở thành phương tiện để mà trịch thượng.
Gã rút trong túi ni-lông ra một tập giấy, bảo:
- Đây. Giữ đúng lời hứa. Anh đọc thử rồi trả lời tôi câu hỏi ở hội Dâu.
Gã đưa cho Thành một xấp giấy. Thành ra phía sau, ngồi xuống bờ đầm, chăm chú đọc. Gã đút tay túi quần, có vẻ bất cần, vô tư lắm, nhưng đôi chân cứ đưa gã về phía sau, đôi mắt cứ đăm đắm nhìn xem phản ứng của Thành thế nào. Đọc xong, Thành đọc lại, rồi gọi gã:
- Trước hết cháu xin chúc mừng chú. Bây giờ cháu có thể mạnh dạn trả lời chú rằng: Không những chú viết được mà còn có thể trở thành một nhà văn lớn nếu như niềm đam mê không bị thuyên giảm. Đọc truyện, cháu thấy vốn sống của chú chất cao ngùn ngụt. Chú là tỷ phú vốn sống - cái mà nhà văn cần nhất. Nếu không bận gì thì ngày mai cháu đưa chú lên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh…
Được khen, gã lâng lâng như đang đi trên mây. Bỗng gã giật mình. Sao cái anh Thành này lại mạnh miệng thế nhỉ? Làm sao mà mới qua mấy trang viết, anh ta đã có thể nhìn thấy cả chặng đường? Đừng quá tin người khác. Hãy kiên trì mà đợi đến ngày mai.
Gã cám ơn, rồi cùng Thành vào sân cờ. Chưa bao giờ gã đánh một trận cờ tệ hại đến thế. Ấy vậy mà vẫn vào tứ kết. Hai chú cháu lại gặp nhau. Tàn cục, Thành nhảy mã chiếu tướng. Gã cứ ngây ra. Trọng tài nhắc nhở thì gã hỏi Thành:
- Này. Mình để tay trung úy ấy lấy cô em là đúng chứ? Liệu người ta có bảo là loạn luân không?
Trọng tài lại giục. Gã cuống quýt nhắc xe chiếu lại, bỏ tướng mình. Thế là gã bị xử thua. Gã gặng:
- Liệu có phải sửa lại đoạn kết không?
- Không. Thế là hợp lý, chú ạ.
Trọng tài chả hiểu hai người nói gì, lẩm bẩm: “Thần kinh. Đúng là thần kinh”.
Hôm sau, gã theo Thành lên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Gã thấy ông Chủ tịch quen quen, nhưng ngại, không dám hỏi. Chủ tịch chăm chú đọc truyện ngắn của gã, rồi bảo:
- Chúc mừng anh. Chắc anh đã viết nhiều vì tôi đọc thấy anh rất có nghề. Đây là một truyện ngắn hay, chi tiết mới và độc đáo. Sẽ in ngay trong tạp chí số này. Rất mong anh hợp tác.
Lúc ấy gã mới hỏi:
- Ngày xưa, anh có học Hàn Thuyên không?
- Không. Tôi quê Vĩnh Phúc. Nhưng vợ tôi học ở Hàn Thuyên, niên khóa 1960-1963.
- Thế chị ấy tên gì?
- Cam.
- Cam 10B, đúng không?
- Chắc là đúng, vì ở Hàn Thuyên quýt thì nhiều, còn cam chỉ có một.
Họ phá lên cười. Thế là thành tri kỷ.
Trên đường về, hai chú cháu lại phải qua phà Hồ. Lần này thì đợi no chày chảy nước. Thành lọ mọ vào một cái quán nát sát lô cốt bê tông từ thời Pháp. Trên chiếc chõng tre có mấy thứ quả, mấy lọ kẹo, một ấm nước vối, một bộ xuyến chén để pha trà, vết hoen bò quanh miệng và một bàn cờ bày sẵn một thế cờ hiểm. Thành gọi gã. Hai chú cháu vừa uống nước vối, vừa giải thế cờ. Lúc ấy, ông chủ quán cao lớn mới xuất hiện. Ông nhanh nhẹn rót nước, nhưng chén đã đầy mà ông vẫn rót. Chi tiết ấy, khiến những ai tinh ý biết ngay ông là người khiếm thị, dù ông đã khéo léo che đôi mắt bằng chiếc kính Cơn đắt tiền.
Đêm ấy, gã nghĩ mãi về ông chủ quán. Ngày hôm sau gã hì hụi viết. Truyện ngắn “Người bày cờ thế trên bến Hồ” ra đời. Gã phóng xe lên gặp chủ tịch hội tại nhà riêng. Chủ tịch hội niềm nở:
- Tôi cam đoan là ông vừa viết xong một truyện. Tôi cũng cam đoan rằng truyện này sẽ khá hay. Nào, ông đọc đi…
Gã đọc. Đến đoạn ông đại tá bảo rằng viên thiếu tá đi cùng chính là con đẻ của ông chủ quán, ông chủ quán loạng choạng, cuống quýt, không tin, nhưng những giọt nước từ hai hốc mắt thăm thẳm tuôn ra thì gã nghẹn lại, Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật vơ vội chiếc khăn chấm mắt… Lúc sau, gã đọc tiếp, giọng yếu hẳn đi, nhưng căn nhà lại như bừng sáng.
- Hay. Truyện quá hay. In tạp chí của tỉnh thì dĩ nhiên rồi. Nhưng mà hơi phí. Anh hãy gửi cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi tin là họ sẽ in ngay.
Gã không tin, nhưng liều. Cái địa chỉ số 4 Lý Nam Đế gã biết từ lâu vì thằng bạn thân thời phổ thông đang công tác ở đó. Nhưng gã nghĩ đó là nơi cao vời vợi. Gã còn nhớ bức thư ông Trung tá Tổng biên tập gửi cho gã hồi năm 1964. Nghĩ lại, gã thấy ông nói đúng. Truyện gã viết về Vi Thị Mến và chiếc ghế oan nghiệt chỉ là một truyện miêu tả lại một sự kiện có thật, không hơn không kém. Vì thế nó đã chết yểu. Đúng thôi, một tạp chí danh tiếng như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, không đời nào người ta in một câu chuyện chỉ bê nguyên sự thật. Không có hư cấu thì dù sự thật có phong phú đến mấy cũng trở thành chuyện bịa vô duyên… Còn lần này, gã tin truyện của gã thì ít mà tin ông chủ tịch hội thì nhiều. “Thì cứ gửi đi. In hay không thì có sao đâu”. Ông chủ tịch bảo thế… Và gã liều.
Một tuần sau, thằng cháu ruột nhớn nhác tìm gã:
- Chú. Có ông nào xưng là Đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi điện cho chú. Ông hẹn ba mươi phút nữa ông gọi lại.
Trống ngực đánh thình thình, gã ngồi bên chiếc máy điện thoại, chăm chắm nhìn đồng hồ, hồi hộp, lo âu chả khác gì lần đầu tiên đột nhập vào sân bay Nha Trang. Ôi trời, cái kim phút chạy thế kia thì có mà cả ngày chả hết ba mươi phút. Gã lo là Đại tá Tổng biên tập lại như Trung tá Tổng biên tập năm xưa, có vài lời động viên, vài lời góp ý rồi im lặng và “Người bày cờ thế…” sẽ chung số phận với “Chiếc ghế oan nghiệt”…
Rồi tiếng chuông điện thoại cũng vang lên:
- A lô. Bác có phải là bác Phạm Hoàng, có truyện ngắn “Người bày cờ thế trên bến Hồ” không ạ?
- Vâng. Tôi đây.
- Bác có tham gia Quân đội, hoặc có vào chiến trường không ạ?
- Có. Tôi nhập ngũ năm 1963. Đến năm 1965 vào Nam. Bây giờ thì về mất sức.
- À. Vâng. Tôi hiểu rồi. Bác là một cựu chiến binh, truyện của bác là truyện của những người lính, rất chân thực nhưng cũng rất mộng mơ. Truyện được bố cục chặt chẽ, nhiều chi tiết mới và lạ, rất đời mà cũng rất lính. Văn nghệ Quân đội số tháng Sáu này sẽ in truyện của bác. Xin chúc mừng bác!
Gã cám ơn, đặt máy xuống còn không tin những điều mình nghe thấy. Thế là sau cả chặng đường ba mươi nhăm năm, ước mơ có được một cái gì đó in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bây giờ mới thành sự thật.
Từ đó gã viết và đi, đi và viết. Gần hai chục truyện ngắn ra đời, truyện nào cũng được in khi thì ở Văn nghệ Quân đội, khi thì ở Văn nghệ công an, Báo Tuổi trẻ, Hoa học trò và tạp chí của nhiều tỉnh. Rồi gã tham gia biên tập cho Tạp chí Người Kinh Bắc. Gã mừng vì được đọc nhiều, được tiếp xúc với các nhà văn và cả những độc giả nhiệt thành.
***
Một lần, gã gặp một người bạn từ thời học cấp hai mãi trong Lương Tài. Đó là nhà văn Nguyễn Phan Hách. Phan Hách bảo:
- Tôi đã đọc tập truyện ngắn “Người bày cờ thế” của ông rồi. Khá hay. Nhưng mà tôi tiếc. Ông biết tôi tiếc gì không?
Gã lắc đầu.
- Ông có một kho vốn sống đồ sộ, nhất là những trải nghiệm trong chiến tranh. Tại sao ông không viết thành tiểu thuyết? Những truyện ngắn của ông có thể coi là những chương của một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh.
- Nhưng khó lắm. Với trình độ hiểu biết về văn học của tôi thì viết truyện ngắn còn vầy vậy, chứ làm sao mà viết được tiểu thuyết?
- Ông nhầm. Viết được một truyện ngắn hay thậm chí còn khó hơn viết một cuốn tiểu thuyết. Ông không nghe chuyện người ta phỏng vấn một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết à? Phóng viên hỏi: “Thưa ngài. Trong cuộc đời sáng tác, vì sao ngài không viết truyện ngắn?”. Ông biết nhà văn ấy trả lời thế nào không? Không cần suy nghĩ, ông ta nói luôn “Vì tôi không có thời gian” nghĩa là viết truyện ngắn còn công phu và mất nhiều thời gian hơn cả viết một cuốn tiểu thuyết ấy chứ. Chỗ bạn bè, tôi khuyên ông, viết tiểu thuyết đi.
Gã ngẫm nghĩ. Anh ấy nói đúng và cả anh chàng cao cờ Ông Văn Thành cũng nói đúng. Gã chợt nghĩ tới một người bạn - một người bạn mà tội lỗi và công trạng, hạnh phúc và khổ đau dập dềnh giữa hai đầu cán cân công lý. Nếu xét tài đức thì anh ấy hơn gã rất nhiều. Nhưng chỉ một phút - một phút thôi, anh dao động và loạng choạng bước chệch con đường chính đạo, trở thành một tên “B quay”, một tên đào ngũ. Sai lầm giống như người không biết bơi sa vào dòng nước, bị dòng nước đưa đẩy, may thì tạt được vào chỗ nông thoát chết, chả may lạng vào chỗ sâu, bị nước cuốn đi… Bạn của gã là như thế. Sai lại càng sai. Dòng đời đẩy anh lên đỉnh vinh quang rồi đổ ập xuống. Khi tỉnh lại thì bàn chân đã ngập ngụa trong bùn, trong xú uế và nhân phẩm, chỉ còn là sự hối hận muộn mằn…
Cả một tuần, gã như người lẩn thẩn. Người bạn ấy lởn vởn trong gã, giục giã gã. Gã quyết định đi thăm bạn ở Trại điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành. Bạn gã ngậm ngùi bảo:
- Đời tôi đã mắc quá nhiều sai lầm. Tôi ân hận lắm. Bây giờ dẫu có tự thú cũng chẳng lấy lại được gì.
- Sao không? Nếu ông dám tự thú thì ông đã bước một chân vào vương quốc của những người anh hùng.
- Nhưng tự thú bằng cách nào? Tôi không theo đạo, không có nơi xưng tội. Chả lẽ viết trong kiểm điểm đảng viên?
- Viết sách. Ông có dám viết lại những lỗi lầm của mình bằng những trang sách giấy trắng mực đen không?
- Dám. Nhưng tôi đâu biết viết. Vả lại tôi đâu còn đôi mắt, đâu còn đôi tay mà viết. Tôi là một phế nhân, một phế nhân đáng nguyền rủa.
- Yên tâm đi, ông bạn. Tôi sẽ là đôi mắt, đôi tay của bạn. Chỉ cần bạn đồng ý, tôi sẽ viết lại những gì bạn kể. Nhưng tôi nói trước “Nhà văn nói láo, nhà báo nói hay”, sẽ có nhiều chỗ tôi mô-li-phê, không còn là bạn nữa đâu. Chịu không?
- Chịu chứ sợ gì. Ông nói tới hư cấu chứ gì? Thoải mái đi. Hư cấu thế nào để vợ con tôi, bạn bè tôi và tất cả mọi người phải ghê tởm con người như tôi. Có thế, khi nhắm mắt xuôi tay, tôi mới dám gặp lại những người đồng đội. Tôi tin ông. Tôi giao cả cuộc đời còn lại cho ông…
Gã bật dậy, nhảy bổ vào ôm bạn. Nước mắt hai người tràn qua vai nhau. Giá như có một nhiếp ảnh gia, một nhà điêu khắc thì bức ảnh hoặc tượng đài hai người bạn, một nguyên lành, sung mãn, một mù lòa, không còn tay mà ôm bạn, hai vai áo đầm đìa nước mắt sẽ là bức ảnh, là tượng đài bi tráng và dũng liệt nhất - tượng đài của một thời mất mát, khổ đau và hạnh phúc…
Từ hôm đó, gã lao vào viết cuốn tiểu thuyết có tiêu đề “Tự thú” như lời đề nghị của bạn gã. “Tự thú” là lời thú tội muộn mằn cùa một chiến sĩ đặc công, là lời cảnh tỉnh cho những kẻ ham sống, sợ chết, lừa thầy, phản bạn, cảnh tỉnh cho những cô gái nhẹ dạ cả tin. “Tự thú” cũng là bản án chiến tranh nghiêm khắc lên án các thế lực thù địch, lăm le bắt nhân loại phải làm nô lệ, là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa chính và tà… và cuối cùng là bản tình ca ca ngợi những mối tình thủy chung chân chất. “Tự thú” rất gần với bạn gã, nhưng có lẽ không phải bạn gã mà là cuộc đời của không ít những kẻ yếu hèn, những kẻ một thời phải mang tấm biển “Nếu ai cũng như tôi thì mất nước!”.
Viết xong, gã đem xuống trại thương binh đọc cho bạn nghe. Bạn gã bật dậy, gay gắt bảo:
- Đúng thì đúng lắm! Phải thế! Mình đáng bị trừng phạt như thế. Nhưng sao ông không viết rõ tên tôi. Ông sợ tôi xấu hổ, sợ tôi mất danh dự à? Cái xấu phải bị chỉ đích danh. Cái xấu không được quyền thanh minh, không được quyền lẩn tránh. Ông không dám viết rõ tên tôi thì tôi cũng hèn mà ông cũng hèn…
Bạn gã tức giận nói một mạch. Anh em thương binh trong trại phải xúm vào can. Chờ bạn bình tĩnh, gã mới giảng giải:
- Tôi biết tâm trạng của ông. Nhưng ông thông cảm, đây là tiểu thuyết, là văn chương, không thể một là một, hai là hai. Vả lại, nếu viết tên ông thì là chuyện của ông, nhưng tôi lại muốn chuyện của ông là chuyện của mọi người.
Mãi rồi bạn gã cũng nghe ra, đòi gã cho xin một bản thảo. Gã bảo khi nào in được gã sẽ đem xuống tặng. Bạn gã khăng khăng:
- Không. Tôi muốn bản thảo này cơ. Tôi sợ, khi ông đưa ra nhà xuất bản, người ta sẽ sửa chữa, sẽ cắt bỏ những đoạn gọi là “mất lập trường”, là “hiện thực trần trụi”, là “tiểu tư sản”… Tôi không thích điều đó. Tôi xin ông đấy.
Gã phải đồng ý để lại bản thảo.
Năm sau, “Tự thú” được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản. Cuối năm Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho gã giải C. Nhà văn Phan Hách điện thoại:
- Chúc mừng nhé! Nhưng ông phải trả tôi năm mươi phần trăm giá trị giải thưởng đấy. Hôm nào ra Hà Nội ông báo trước để cánh bạn bè còn đến chúc mừng. Tôi hoặc thằng Phạm Huy Khảo sẽ nhận chủ chi, còn ông sẽ phải chủ trì. Mà này. Ông phải nhanh chóng quên đi niềm vui để viết cái khác. Từ kinh nghiệm cá nhân mà tôi khuyên ông thế. Nếu không biết quên đi niềm vui cũ thì sẽ không bao giờ có niềm vui mới đâu. À này. Chủ nhật tuần này, bọn tôi về Thiên Thai, thăm đền thờ cụ Lê Văn Thịnh. Ông xếp việc hôm này vào đó chơi đi. Được không?
- Được.
Chủ nhật đó gã rủ họa sĩ Phan Cẩm Thượng - người đã vẽ cho gã mấy cái bìa, cái nào cũng được nhà xuất bản khen hết lời, cùng đi. Chín giờ gặp nhau, vui như hội. Cả đoàn vào làm lễ. Cụ thủ từ giới thiệu:
- Như các bác đã biết. Phía nam sông Đuống, đoạn từ đây tới Lục Đầu Giang, không hiểu mạch đất thế nào mà bao nhiêu những vụ án oan lớn nhất trong lịch sử dân tộc đều tập trung vào vùng đất này. Xa xưa từ trước công lịch là vụ án Cao Lỗ vương với nghi án nỏ thần. Đến đời nhà Lý là vụ án Dâm Đàm vu cho Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ đoạt ngôi. Đời nhà Trần thì vụ án nàng Điểm Bích với ngài Lý Đạo Tái và đau xót nhất là vụ Lệ Chi Viên chu di tam tộc đại công thần Nguyễn Trãi…
Trời ơi! Một khúc sông hơn chục ki-lô-mét mà có tới bốn vụ án động trời. Có phải vì thế mà sông Đuống hay bất bình nổi sóng, nước sông như máu và dòng sông nghiêng nghiêng luôn trăn trở xoay mình? Có phải vì thế mà vùng Gia Bình quanh năm úng lụt, nước mắt oan sai không dễ gì thấm vào lòng đất? Cho đến nay, ba vụ án kia hậu thế đã rõ rồi, người ta phải lấy nước Cam lồ nhà Phật, lấy những chứng lý khoa học và nhất là lương tâm để rửa nỗi oan. Nhưng còn vụ án Dâm Đàm? Đến nay vẫn còn là nghi án. Năm 1994 người ta cũng đã họp nhau, đưa ra những lời phán quyết rửa oan cho vị Trạng nguyên đầu tiên của dân tộc. Nhưng nào đã mấy ai tin? Bằng chứng là vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” vẫn được lưu diễn, người ta vẫn bảo Thái sư bán nước cho giặc, giết cả chú hề già không thương tiếc. Ai đến đây cũng thành kính cúi đầu trước tượng thủy quái bằng đá, nhe nanh cắn ngập thân mình, hai lỗ tai bên thông, bên tịt như cúi đầu trước tượng thờ Lý Phật Tử, Trần Di Ái, Lê Chiêu Thống… Có ai nghĩ tới thông điệp của người xưa? Tự cắn thân mình, giả câm giả điếc. Đời nay, đời xưa đâu khác gì nhau…
Gã ngẫm nghĩ mãi. Ờ thì bản thân gã cũng ba lần bị quản thúc. Oan lắm chứ. Nhưng chỉ ba tháng thôi, chứ dằng dặc ngót cả ngàn năm thì nỗi oan đã thành sông, thành núi. Gã lần mò đọc lại những bộ sử xưa. Người ta viết về ông trạng khai khoa chỉ có mấy dòng. Rồi gã la cà vào làng Đông Cứu. Những gì gã nghe được có thể ghi lại thành bộ sử dày cộp, đầy bi tráng.
Gã tự hỏi: Mình cầm bút làm gì? Mấy đêm gã trằn trọc trả lời câu hỏi ấy, để rồi một buổi sáng gã ăn mặc chỉnh tề, thắp ba nén hương, gã khấn:
- Con là… Hôm rồi con vào thăm đền thờ cụ. Con đã đọc được thông điệp của tổ tiên. Hôm nay con muốn viết một cuốn sách về Người, về cuộc đời và những gì Người đã cống hiến cho non sông đất nước, cho Đại Việt trường tồn. Con xin Người chứng giám. Nếu Người thuận lòng cho phép thì xin Người hãy thổi bùng ngọn lửa đam mê, thổi bùng tình yêu và tấm lòng của kẻ hậu sinh. Con xin cúi lạy Người.
Gã cúi xuống thật thấp. Khi ngửng lên gã thấy trên bát hương ngọn lửa bùng lên sáng rực. Trong nháy mắt, bát hương trắng những tàn tro. Gã toát mồ hôi, sung sướng ngồi vào bàn viết. Gã lấy tiêu đề cuốn sách là “Sương khói Dâm Đàm”. Sáu tháng sau, gã viết xong, đem bản thảo vào đền thờ Ngài. Trời bỗng nổi cơn giông. Gió từ bốn phía đổ về. Trời mưa như trút nước. Làm lễ xong, gã ra về. Tiếng bánh xe dèo dèo như tiếng hát, lại như tiếng rên. Vui hay buồn còn đang chờ phía trước.
Gã đem ba bản thảo tới ba nhà xuất bản danh tiếng. Ba tháng trời không thấy hồi âm. Gã lo lắm. Đùng một cái, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân báo gã ra ký hợp đồng. Nhà xuất bản Công an nhân dân đã lên ma-két. Nhà xuất bản Hà Nội đã xong phần thẩm định. Gã cuống lên. Hôm sau ra Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ký hợp đồng. Nhà văn Nguyễn Tiến Hải - Trưởng phòng biên tập khen hết lời, còn Phòng Kế hoạch thì báo một tuần sau gã ra lấy sách. Gã thành thực tâm sự với Hải. Hải bảo:
- Thế là anh phạm luật. Ngay cả chúng tôi - dù đã in sách của anh vẫn có thể phạt anh, chứ đừng nói bên Công an hay bên Hà Nội. Tốt nhất là anh cứ nói thật với họ. Họ thông cảm là cái tốt. Họ làm theo nguyên tắc cũng đành phải chịu.
Gã làm theo lời Hải. Trưởng phòng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội - nhà văn Vũ Đức Nguyên, hỏi:
- Bác in tập này là tập thứ mấy?
- Thứ ba.
- Thế những lần trước bác không xem hợp đồng à?
- Có. Nhưng chỉ xem in bao nhiêu cuốn và được trả bao nhiêu tiền nhuận bút.
Mấy anh chị biên tập ngồi bên nghe gã nói đều phá lên cười.
- Thôi. Bác đã in hai cuốn, nhưng cũng coi như mới. Nghe bác nói là chúng tôi biết. Lần sau bác rút kinh nghiệm.
Gã thở phào.
Nhưng Nhà xuất bản Công an thì không cho gã thở phào. Thượng tá Thu Trang - Trưởng ban Biên tập thì không nói gì, nhưng Thiếu tá Kiều ngồi tính toán một lúc, rồi bảo:
- Bên Quân đội đã in rồi thì bên chúng tôi đành dừng lại. Nhưng chúng tôi đã biên tập, đã lên ma-két, đã xin giấy phép, chỉ còn việc bấm máy… Tổng chi là ba triệu bảy, đấy là chúng tôi thông cảm không bắt phạt theo luật. Xin bác nộp lại số tiền này.
Ba triệu bảy. Số tiền lớn quá, gã đào đâu ra? Gã đành xin khất. Lúc qua phòng Thu Trang, gã thấy chị ngồi một mình, bèn ghé vào chào.
- Anh về à? Chỗ anh Kiều ý kiến thế nào về cuốn “Sương khói Dâm Đàm”?
- Anh ấy bảo tôi phải bồi thường ba triệu bảy tiền nhà xuất bản chi phí.
Nghĩ một lúc, Thượng tá Trang bảo:
- Anh ấy làm đúng. Nhưng thôi. Tôi sẽ có ý kiến vì anh mới vi phạm lần đầu do không biết. Chúng tôi tiếc là tiếc cuốn của anh khá hay.
- Cám ơn chị! Tôi hứa là sẽ không có lần thứ hai…
Trang mỉm cười, tặng gã một tập thơ và một tập ký. Gã phấn khởi bảo:
- Đáng lẽ bị phạt, lại được cho quà. Tôi đang biên tập ở Tạp chí Người Kinh Bắc. Nếu trong hai tập này có bài nào phù hợp, tôi xin phép được đăng lại. Chị đồng ý chứ?
- Có gì mà chả đồng ý. Nhà văn chỉ cần tác phẩm của mình tới tay bạn đọc chân chính là hạnh phúc lắm rồi. Vả lại tôi là người Bắc Ninh, cũng phải có gì đóng góp cho tạp chí của quê hương chứ.
Gã như mở cờ trong bụng. Mọi rắc rối thế là đã qua. Trung thực, cầu thị và lòng chân thành đã giúp gã vượt qua những sai lầm không đáng có. Gã thấy mình lớn lên, tự tin, yêu quý cuộc đời hơn…
Một tháng, sau ngày gã được Hội Nhà văn thưởng cho tác phẩm lọt vào chung khảo, gã nhận được một cú điện thoại:
- Xin lỗi. Anh có phải là nhà văn… viết cuốn tiểu thuyết “Tự thú” không ạ?
- Vâng. Tôi đây. Chị là ai?
- Anh ơi. Em là cô biệt động nội thành Nha Trang, là con nuôi ba Nghĩa - thủ trưởng của anh. Em cũng là người tới dự đám cưới của anh với chị Ành, đã vi phạm nguyên tắc bảo mật, báo tin cho anh rằng “Chú Nghĩa vẫn bình an”…
Gã kêu lên:
- Trời ơi! Em Thanh, em Lê Thanh có phải không? Anh được tin em hy sinh trong trận đấu súng với bọn Nam Hàn ở cầu Xóm Bóng cơ mà. Sau này, trong những giấc mơ em vẫn xuất hiện với những người đã khuất…
- Dạ. Đúng. Nhưng em chỉ suýt chết thôi. Em bị thương nặng, bị chúng bắt, đưa đi khắp các nhà tù. Sau này lại bị tổ chức hiểu lầm…Có dịp gặp nhau, em sẽ kể anh nghe.
May mắn, năm ấy trại viết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ở Nha Trang. Gã xin đi.
Ngay tối đầu tiên đặt chân tới Nhà sáng tác, Lê Thanh đã đem xe tới đón. Hai người - theo đề nghị của gã không về nhà Thanh mà ra cầu Xóm Bóng. Ở đây, những kỷ niệm của một thời bỏng rát cứ lần lượt hiện về. Tiếng cười và nước mắt thay nhau hiện lên trên hai khuôn mặt tuy chưa già nhưng dấu thời gian đã âm thầm in gió sương, bão táp và những khổ đau, bất hạnh.
Hôm sau, gã tới nhà Thanh. Ngôi nhà hai tầng rêu phong im phăng phắc, không tiếng cười, không dấu vết trẻ thơ, không bàn tay cứng cỏi… chỉ có bà mẹ già hơn chín mươi nằm co ro bất động. Lúc ấy gã mới giật mình, hiểu ra một phần sự thật. Thì ra hơn ba mươi năm hòa bình chỉ như những cơn gió mát lành lướt trên đất nước, còn ở góc phố - nơi ở của người phụ nữ một thời nổi tiếng hoa khôi này cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Chúng ta thắng giặc Mỹ, nhưng chúng lại thắng chúng ta vì một phần kế hoạch hậu chiến của chúng đã thành công, đẩy không biết bao người như Lê Thanh từ một anh hùng thành tên bội phản, mất Đảng, mất người mình yêu và mất hết niềm tin. Cô gái xinh đẹp năm xưa đã làm trái tim gã bao lần thảng thốt thì hôm nay lại khiến gã phải thảng thốt bởi những nỗi đau, những điều bất hạnh. Hai người ngồi sát bên nhau - nét xưa trong em như đang trở lại. Gã muốn ôm lấy em, bù đắp và trả những ân tình. Nhưng gã sợ. Gã sợ em sẽ nói lại câu mà nàng Kiều nói với chàng Kim “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Yêu nhau mà đau đớn hơn phụ nhau thì còn nỗi bất hạnh nào lớn hơn, còn nỗi đau nào sánh kịp. Gã run run cầm bàn tay bé nhỏ, bợt bạt của Thanh, đặt vội lên môi mình, khe khẽ bảo:
- Nếu em cho phép, anh sẽ tái hiện cuộc đời em lên từng trang sách.
Thanh bảo:
- Viết là quyền của anh. Dù là em hay là ai đi nữa thì nhân vật của anh vẫn là của anh. Em đâu dám can ngăn.
Thế là thời gian mười lăm ngày ở trại sáng tác gã lao vào viết. Hôm bế mạc, chín trong số mười hai chương dự định của cuốn tiểu thuyết “Khoảng trời vuông” - khoảng trời trong chuồng cọp, trong sự giam cầm, trong nỗi buồn niềm tin rơi rụng… đã hoàn thành. Cuộc đời của một nữ biệt động yêu hết mình, chiến đấu hết mình, tù tội, trái ngang chất cao như núi… đã hiện ra từng câu, từng chữ như thịt da, như hồn phách của bao người cùng chung số phận.
Thanh bảo:
- Em chỉ xin anh những trang bản thảo này. Em không cần cái kết, bởi cái kết bây giờ còn nghĩa lý gì đâu…
“Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Thanh đọc một câu trong “Cung oán”. Một giọt nước mắt rơi ra. Gã vội quay đi. Gã sợ những giọt nước mắt. Vì thế gã không dám cho nhân vật của mình chết. Mỗi lần cái chết đến, gã đều khóc dù đó là những nhân vật đáng phải chết, đáng phải nguyền rủa muôn đời…
Thanh cầm bản thảo ra tận sân ga tiễn đoàn. Nhiều năm sau, các văn nghệ sĩ Bắc Ninh còn nhớ người con gái giống như nhớ về nhân vật khổ đau trong “Khoảng trời vuông” của gã.
***
Sau “Khoảng trời vuông” gã còn viết thêm mấy chục truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết nữa. Hai cuốn đều viết về cái làng Bến nhỏ bé, nghèo đói, thượng võ và thân yêu của gã. Cả hai cuốn đều đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) giải thưởng văn học năm năm của tỉnh. Và bây giờ gã đang viết một cuốn mới kể về đời gã, về dòng họ Hoàng mà người Tàu định danh bằng bộ thảo đầu, chữ Nhất, chữ Điền và chữ Bát…
Nhưng rồi, tay gã bắt đầu run, nhiều lúc nhớ nhớ quên quên. Người ta gọi gã bằng cụ. Ở xóm Bến, gã là cụ Ngũ, chỉ sau hai ông anh ruột, một ông em và một ông cháu! Nhưng gã vẫn còn hăng, vẫn đi xe phân khối lớn và vẫn mơ về một tác phẩm để đời…
Một đêm trăng - như đêm trăng huyền thoại, gã lại gặp một giấc mơ. Một người trung niên, cao, gầy, có đôi mắt sáng, tinh nghịch, nâng đầu gã, hỏi:
- Này. Chú dựng anh lên, rồi chú để người ta quên à? Ngay cả chú nữa. Chú còn nhớ anh không?
Gã dụi mắt, nhìn mãi cũng không nhận ra ai. Lúc ấy có ngôi sao băng lóe qua cửa sổ. Gã chợt nhớ.
- Anh là… Có phải anh là… là Anh hùng Vũ Tử Luận?
- Luận đây… Khá lắm! Đã bao năm rồi mà chú vẫn nhận ra anh. Thế là khá lắm. Nhưng dân làng Bút và cả những người mặt lớn tai to, họ đã quên mất anh rồi.
Gã an ủi:
- Không đâu. Người ta vẫn nhớ. Có điều áp lực làm giàu không những đè nặng lên cơ bắp mỗi người mà trí tuệ của họ cũng đang bị đồng tiền chi phối. Họ nhớ anh, yêu anh nên họ tìm cách kiếm nhiều tiền, thật nhiều tiền để lúc nào đó dựng cho anh một cái tượng đài…
Vũ Tử Luận quắc mắt:
- Tôi cần tượng đài để làm gì? Tôi cần người ta, nhất là thế hệ cháu con nhớ tới những người đã không quản hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tôi cần người ta nhớ vì sao lại có ngày hôm nay, nhớ những ngày xưa đói nghèo, lạc hậu mà thủy chung, chân chất, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Còn chú bảo kiếm nhiều tiền ư? Thế thì bọn ăn cắp chính danh nằm trong tiêu chí của chú còn gì? Tôi thật không ngờ…
Gã xin lỗi và hứa sẽ khơi lại một thời hoa lửa.
Nhoàng một cái, người anh hùng biến mất. Những tia nắng sớm mai dọi vào mắt gã. Và thật lạ, khổ thơ đầu tiên của một bản anh hùng ca cũng vụt lóe lên:
Quê hương là nơi mẹ sinh anh
Nhúm nhau thai, đặt nồi hông, chôn giữa cổng
Là nơi anh hấp háy nhìn bầu trời cao rộng
Khi mẹ bồng anh ra khỏi cửa nhà…
Và trong chín ngày, 564 câu thơ được chia làm sáu chương và một đoạn vĩ thanh trong trường ca “Ngôi sao không tắt” ra đời.
Một hôm, gần trưa có chiếc xe con sang trọng đỗ trước cổng nhà gã. Tài xế là một người trẻ tuổi, thò đầu ra hỏi:
- Ông ơi! Ông cho cháu hỏi: Đây có phải là nhà của nhà văn Phạm Hoàng không ạ?
- Tôi đây. Mời anh vào nhà.
Cửa bên kia, một người to béo, bệ vệ bước ra. Đôi mắt ông ta hấp háy, già rồi mà có vẻ còn rất đa tình. Gã hơi sững lại, khe khẽ hỏi:
- Có phải. Có phải thủ trưởng là Chính ủy Nguyễn Tiến Sang?
- Sang đây. Làm gì mà nhà văn lại ấp úng thế? Không mời nhau vào nhà à?
- Vâng. Xin mời thủ trưởng. Mời anh.
- Nó là con cả của mình đấy. Cũng trung tá rồi. Mẹ con đâu?
Chàng trai quay ra, gọi:
- Mẹ ơi! Mẹ làm gì ngoài đấy?
- Mẹ vào ngay đây. Hay là con ra cầm bớt hộ mẹ mấy thứ.
Chàng trai đi ra. Lúc sau hai mẹ con lỉnh kỉnh túi nọ, túi kia bước vào. Gã trân trân nhìn người thiếu phụ, người thiếu phụ trân trân nhìn gã.
Gã bước ra, tiến lại gần hơn, rụt rè hỏi:
- Tôi hỏi khí không phải. Chị có phải là cô Nhã phố Gốt?
Bà già sững sờ, để tuột mấy gói quà, run rẩy lao vào ôm lấy gã, tức tưởi:
- Anh Hoàng! Bao nhiêu năm em tìm anh. Hóa ra…
Chàng trai chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, đứng ngây như khúc gỗ. Chính ủy Nguyễn Tiến Sang nay đã là Thiếu tướng, từ trong nhà bước ra. Ông rút vội điện thoại chụp lia lịa cảnh hai người ôm nhau, đúng hơn là cảnh thiếu phụ ôm gã. Gã ngượng ngập, luống cuống bảo:
- Mời chị vào nhà.
Bấy giờ, Nhã mới buông gã ra. Ông Thiếu tướng quay máy, chụp ngôi nhà ba tầng, vườn rau và giàn mướp sai lúc lỉu, ôn tồn hỏi:
- Người mà em vẫn kể với anh là chú này à?
- Vâng. Anh đây chính là người mà em yêu vụng, nhớ thầm, mặc dù em biết anh ấy còn chị Yến. Nhưng em không kìm nén được lòng mình. Em đã tìm anh ấy trong vô vọng. Cho đến khi gặp anh…
- Gặp anh rồi, em vẫn để tâm đi tìm cậu ấy. Cũng có lúc anh nghi chú này chính là cậu ấy, nhưng rồi lại lãng đi. Anh thành thực xin lỗi hai người.
- Ấy chết! - Gã đón lên. - Thủ trưởng có lỗi gì đâu. Lỗi là ở em. Em không dứt khoát, để Nhã còn hy vọng…
- Không. Lỗi là tại em. Biết anh đã có người yêu mà vẫn yêu, yêu đến mụ mị cả người.
- Thôi! Đừng nói chuyện ấy nữa. Ông thế nào? Ông còn đánh được cờ không?
- Ông em mất đã được vài năm rồi. Lúc còn sống, cụ vẫn nhắc tới anh luôn. Thế chị đâu? Chị Yến ý mà.
- Nhà tôi đau khớp nằm trong buồng. Cô ấy là Lê chứ không phải Yến. Yến đã lấy chồng bên Đức.
- Em tưởng anh chị yêu nhau lắm cơ mà?
- Có thể là thế. Nhưng em nên nhớ rằng, có những việc nằm ngoài lý trí của con người, nhất là tình yêu. Tình yêu có con đường đi riêng của nó. Con đường ấy bất ngờ và thú vị lắm cô bác sĩ tuyệt vời của anh ạ. - Thiếu tướng xen vào. Giọng ông vừa hài hước vừa sâu sắc.
Gã mừng cho Nhã.
Nhã kể:
- Tốt nghiệp lớp mười, bố bắt em thi vào Đại học Y khoa, em nhất định đòi đi bộ đội. Bố không vui, nhưng chiều con gái. May sao, em được đơn vị cho đi học y sĩ rồi liên thông lên bác sĩ. Năm 1970 ra trường, em được điều về Sư đoàn 361, gặp anh Sang ở đó. Chúng em tìm hiểu nhau, cưới nhau năm 1973. Cuối năm 1975 thì có bạn này. - Nhã đưa tay chỉ vào chàng lái xe.
- Ồ. Trùng hợp thế nhỉ. Năm 1972 tôi ra Bắc. Năm 1973 cưới Lê. Và cũng cuối năm 1975 mới sinh cô gái đầu lòng. Giá gặp nhau sớm hơn mà kết thông gia thì hay biết mấy…
Từ đó, chuyện đè lên chuyện. Ai cũng muốn quá khứ của mình được bên kia tường tận.
Chùng chình mãi, gần năm giờ chiều, anh con trai chắc là đang rất bận, cứ đứng lên, ngồi xuống, vợ chồng Thiếu tướng đành đứng dậy, hẹn khi khác gặp nhau dài dài. Gã tặng hai ông bà và cháu mỗi người một tập thơ mang tên “Bóng thời gian”, tặng riêng Thiếu tướng tập trường ca “Ngôi sao không tắt” vừa được giải Nhì (không có giải Nhất) của tỉnh, vì gã chỉ còn duy nhất một cuốn. Thiếu tướng lật đi lật lại, chăm chú ngắm nhìn tên sách, rồi hỏi:
- Hôm Trung đoàn 272 chia tay, chú còn nhớ anh nói gì với chú không? - Gã chưa kịp nhớ lại, Thiếu tướng đã nói luôn: - Hôm ấy mình bảo: “Tôi không muốn ví cậu như ánh trăng. Nhưng tôi có thể ví cậu như một ngôi sao… Mong rằng trở lại đời thường, cậu đừng đánh mất phẩm chất của một ngôi sao…”. Anh mừng vì chú làm đúng như lời anh nói. Và bây giờ anh có thể tự hào mà khẳng định: Chú vẫn là một ngôi sao.
Gã cảm ơn, rồi cùng nhau chụp mấy kiểu ảnh.
Đêm ấy, gã ngước mắt lên bầu trời, tìm lại ngôi sao của mình, của vợ chồng Nhã và những người bạn.
Đêm ấy, gã lại chìm vào những giấc mơ. Giấc mơ nào cũng có những người đã khuất. Bóng xưa vẫn bảng lảng đâu đây như bóng thời gian vẫn trùm lên cuộc đời của những kiếp người…