Đêm đầu tiên trên mắc áo giường ngủ không treo chiếc áo quân phục gắn quân hàm, vợ chồng gã không sao ngủ được. Kể cũng lạ, bao tháng ngày ao ước có được ngày này, đến khi nó đến thì lại bâng khuâng như vừa đánh mất cái gì đó vô cùng thiêng liêng, quý giá.
Đêm ấy, vợ chồng gã bàn với nhau bao nhiêu chuyện hệ trọng, hướng về tương lai, về những đứa con còn thơ bé. Gã bảo mình quyết kiếm được nhiều tiền, để sau này con khỏi khổ. Lê bảo: “Việc đó chưa đáng lo bằng lo cho sức khỏe của anh. Em xem rồi, trong đống quà bao nhiêu thứ mà bạn bè tặng, em thích nhất là mấy lít mật ong rừng. Người ta bảo trứng gà con so ngâm với mật ong mà bồi bổ là mau lại sức nhất. Anh đã xem đàn gà đẻ nhà mình chưa? Mười hai con, tha hồ mà bồi dưỡng”.
Không biết lời Lê nói có cơ sở khoa học nào không mà sau một năm, uống hết ba lít mật ong, vài chục lít rượu nếp ngâm với mấy trăm quả trứng, da dẻ gã hồng hào hẳn lên, sốt rét không thấy tái phát, đầu gối cũng đỡ đau, tim không còn đập thình thình. Trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, gã kiên trì bỏ ra mấy chục phút gãi đầu, xoa bóp, căn bệnh đau đầu, rối loạn tiền đình thuyên giảm trông thấy. Chiều chiều, gã xuống chùa Bút tập thái cực quyền, đánh bóng bàn, thi thoảng gặp họa sĩ Phan Cẩm Thượng lại rủ nhau vào Hồ chơi mấy ván cờ, cảm thấy tỉnh táo, đầu óc sáng láng hẳn ra.
Một buổi sáng, gã dậy sớm, luyện lại mấy thế võ, cơ bắp lại nổi lên cuồn cuộn. Gã vào bếp ôm lấy vợ, bảo:
- Cả năm nay, anh tuân lệnh em ở nhà bồi dưỡng, giờ thì… Em xem đây. - Gã xuống tấn, khoe bắp cơ, rồi nói tiếp: - Bây giờ đến việc của anh. Người ta nói “phi thương bất phú”, anh đã hẹn thằng Phi, hôm nay hai cậu cháu lên Thái Nguyên, đi thử một chuyến chè.
Lê buông đôi đũa đang xào rau, rơm rớm nước mắt:
- Em bảo rồi. Anh chỉ việc ở nhà trông con cho em. Em sẽ chợ búa, làm mấy sào ruộng nuôi con, nuôi anh. Không chết đói được đâu. Anh đã bao năm vất vả, đi khắp mọi miền đất nước. Giờ là lúc phải ở nhà với vợ, với con. Em không cho anh đi đâu cả.
Gã nói thế nào Lê cũng không nghe. Cuối cùng khi các con dậy, gã bày trò biểu quyết, ai đa số sẽ thắng. Lê tủm tỉm cười, bảo:
- Anh nhớ đấy nhé. Ai thua sẽ phải chấp hành nghiêm túc, cấm xử bừa.
- Nhất trí thôi. Thử xem mèo nào thắng mỉu nào.
Lê bế bé Mai, kéo bé Thùy, bé Hương vào lòng bảo: “Các con ngoan. Mẹ phân công bố ở nhà chơi với các con. Các con phải nghe lời bố, nghe chưa?”. Thùy, Hương chắp tay “Vâng ạ!”. Lúc đó gã mới bảo:
- Bây giờ, bố sẽ đi chợ, kiếm thật nhiều tiền, mua kẹo, mua quần áo đẹp, mua cả búp bê cho các con. Nếu đứa nào đồng ý cho bố đi thì giơ tay.
Bé Thùy, bé Hương cuống quýt giơ cả hai tay. Thấy vậy, bé Mai ngồi trong lòng mẹ cũng bậm bẹ: “Coong, coong cũng nhơ tai”. Lê bị mắc hợm, đòi biểu quyết lại. Gã láu cá đai: “Này. Thua thì phải chấp hành nghiêm túc. Cấm xử bửa” rồi đeo ba lô, không quên đút túi đôi quân hàm thượng úy mông mốc. Gã đi.
Nửa tháng sau, gã về, người gầy rộc. Đêm ấy, Lê lại úp mặt vào tường, tức tưởi khóc.
Gã với thằng cháu con bà chị ruột, là trinh sát của Sư đoàn 337 mới xuất ngũ, thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền, đang nóng đít. Nghe dân Đại Trạch bảo buôn chè một lãi ba, bèn rủ ông cậu, chớp cơ hội đổi đời.
Chuyến đầu, mỗi cậu cháu mang tạm năm cân, giá mỗi cân tại chợ chè Đại Từ là ba đồng. Về Hà Nội đổ được mười đồng, hai cậu cháu đút túi ngon ơ bảy mươi đồng. Thừa thắng xông lên, hai cậu cháu không về nhà mà ngược lên tận Quán Triều. Thằng cháu trẻ tuổi máu lửa, dốc túi lấy cả bì hai mươi cân. Gã thì đắn đo, sợ hết vốn, nên chỉ dám lấy mười cân. Về tới Quán Triều, thằng cháu láu cá bàn với cậu:
- Cậu ạ. Độ này, “bọn” quản lý thị trường hoạt động ráo riết lắm. Làng cháu vừa rồi mấy tay sành sỏi đều sa lưới. Nó mà tóm được thì có mà nhẵn túi. Chi bằng mình lánh xuống thung lũng, gần tới giờ tàu chạy, tìm toa nào có nhiều thương binh thì vào. “Bọn” quản lý thị trường ngán mấy ông thương binh lắm.
Thế là hai cậu cháu mò xuống thung lũng. Đã bước sang tháng Mười ta, đêm trăng suông se se lạnh, hai cậu cháu trải ni-lông nằm úp thìa lấy hơi ấm của nhau. Bỗng gã nghe từ hai phía, có tiếng sột soạt. Gã bấm Phi. Phi choàng tỉnh, cũng là lúc hai cậu cháu phát hiện có khá nhiều những bóng người, đang dò dẫm tiến về phía hai cậu cháu. Chắc chắn là bọn “ăn đêm”. Nghe dân Đại Trạch đi buôn chè kể thì ở Quán Triều có một bọn đầu trọc khá đông gồm những tay anh chị chuyên đi trấn lột những người miền xuôi lên đây buôn bán, lấy tiền, đoạt tình, có trường hợp còn giết người phi tang. Phi hơi hoảng. Phen này thì mất hết, không khéo còn nhừ đòn. Nhưng gã, với bản lĩnh một sĩ quan đặc công gã vẫn bình tĩnh, ghé tai Phi, bảo:
- Lúc này mà hoảng là chết. Cháu cứ để cậu xử lý.
Rồi gã xoay người, nói thật to:
- Mày hỏi về trận đánh cậu bị cả trung đội quân chư hầu bao vây ý à? Cũng may là nó muốn bắt sống nên không nổ súng, chứ nó mà bắn thì tèo chứ chả còn đến bây giờ. Bọn chúng bu lại. Cậu hạ người quét một đòn quét chợ. Mấy tên ngã gục. Rồi cậu bật lên. Hồi ấy cậu đang sung sức, lại luyện thành thạo thuật Nhất dương chỉ. Cậu tả xung, hữu đột, bóp vỡ yết hầu mấy tên, rồi thoát vây, phóng đại vào rừng. Lúc ấy bọn chúng mới nổ súng. Đạn bay cheo chéo. Nhưng các cụ khôn thiêng phù hộ, cậu chỉ bị hai viên sướt da…
Ở cả hai phía, bọn người đang dò dẫm tiến đến bỗng khựng lại. Gã kể tiếp:
- Cái thuật Nhất dương chỉ mà trong các tiểu thuyết võ hiệp của Tàu hay kể, mọi người không tin là có thật. Nhưng chính các cụ nhà ta đã truyền lại thuật này. Cái khó là phải kiên trì luyện tập, phải biến mười đầu ngón tay cứng và sắc như mười mũi kiếm. Chuyến này về, mày phải cố mà luyện tập…
Không còn nhìn thấy bóng người, cũng không còn nghe thấy tiếng động. Bọn người “ăn đêm” đã bị câu chuyện của gã đánh lừa.
Khi lên ga, hai cậu cháu tìm tới một toa toàn thương binh. Cả hai vừa bước lên thì một người chống nạng, túm ngực áo gã, gay gắt:
- Mày là thằng nào mà dám lên đây?
- Tao là thằng nào à? Rồi mày sẽ biết. Bây giờ thì bỏ tay ra. Tao không muốn mày đã mất chân, lại mất cả tay.
Đúng lúc ấy, có ánh đèn soi thẳng vào mặt gã, rồi một giọng hớn hở cất lên:
- Ô. Thủ trưởng. Thủ trưởng đi đâu mà cũng lên tàu này?
- Ai đấy?
- Em đây mà. Em là Thưởng, trinh sát của Sư đoàn 337 đi chuyến cùng với anh, đưa Thiếu tướng Hoàng Đan lên bình độ bốn trăm hồi tám mốt ý mà.
- Thế mày có biết thằng Phi không?
- Phi liều, dân Hà Bắc chứ gì? Em với nó cùng tiểu đội đấy.
- Đúng. Nó đây này.
Ánh đèn chiếu vào Phi. Hai đứa ôm nhau, cười nói oang oang. Cái người chống nạng đã buông áo gã ra từ lâu, gắt toáng lên:
- Các ông be bé cái mồm cho tôi nhờ. Bọn quân cảnh nó đến thì ăn cháo hết bây giờ. Còn em xin lỗi thủ trưởng.
- Hầy. Lỗi cái quái gì. Các tướng đi lậu, tớ cũng đi lậu. Úm ba la hai ta là một.
Mọi người phá lên cười. Thế là không mất vé tàu, lại ung dung đổ bộ xuống ga Hàng Cỏ, được đám thương binh thết một chầu phở căng rốn. Người chống nạng lại hỏi:
- Thế thủ trưởng có chỗ tuồn chưa? Nếu không, để chúng em tuồn giúp, nhưng chỉ gấp đôi thôi. Nhẹ khau mau tát mà thủ trưởng.
Phi chắc là tính toán, muốn chỗ cũ một gấp hơn ba nên từ chối khéo:
- Cậu cháu tôi cám ơn các anh. Nhưng chúng tôi có chỗ hẹn rồi. Lần sau nhé.
Ở đời ai học được chữ ngờ. Đợi mấy ông thương binh đi hết, cậu cháu gã mới quân phục chỉnh tề, khoác ba lô ra khỏi ga. Vừa ra khỏi cổng thì một trung úy đến trước mặt gã, đứng nghiêm, giơ tay chào, rồi lễ phép nói:
- Chúng tôi là đội quân cảnh số bốn. Xin phép thượng úy cho chúng tôi được kiểm tra hành lý.
Gã sững người. Chả còn cách nào là phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thế là cả hai cậu cháu bị gọi vào phòng. Kiểm tra hành lý xong, đại úy (chắc là phụ trách trạm) hỏi:
- Đồng chí giải thích thế nào về số hàng này?
- Báo cáo anh. Tôi về phép. Bà chị ruột tôi tổ chức cho thằng cháu này, nó cũng là lính trinh sát của Sư đoàn 337. Cậu cháu tôi bảo nhau lên Đại Từ mua ít chè về làm đám cưới…
Lời qua, tiếng lại, hết ngọt đến sẵng, cuối cùng đại úy phán:
- Đáng lẽ chúng tôi tịch thu toàn bộ số chè buôn lậu này và thông báo về đơn vị. Nhưng thôi, tôi nể anh, cho anh đem về năm mươi phần trăm, tức là năm cân, còn năm cân của anh và hai mươi cân của đồng chí này chúng tôi phải thu lại. Nếu không đồng ý, đồng chí có thể làm đơn khiếu nại lên cấp trên. Đây, tôi cho địa chỉ…
Gã xua tay, cay đắng nhận một nửa số chè, đem vào ngõ hẻm. Đứa con gái lấy hàng hôm nọ đi ra, giơ tay ra hiệu giao hàng, mắt lấm la lấm lét. Gã cảm thấy bất an, bèn bảo:
- Đây có năm cân. Đưa tiền đây rồi giao hàng.
Gã chưa dứt lời thì bốn thằng choai xông ra, lạnh lùng bảo:
- Không tiền nong gì hết. Có giao hàng không thì bảo?
Đang uất ức vì mất trắng hai mươi nhăm cân chè, lại gặp bọn trấn lột này, gã điên tiết bóp cổ đứa con gái, gầm lên:
- Chúng mày muốn chết hả? Tao sẽ giết từng đứa, rồi tao ra công an tự thú!
Đứa con gái bị gã nhấc bổng lên, đang sằng sặc. Bốn thằng choai sợ quá quỳ xuống.
- Chúng em có mắt như mù. Anh tha cho chị em. Chúng em xin trả đủ tiền.
Gã đặt đứa con gái xuống. Đứa con gái mặt xanh như lá, rút vội năm mươi đồng đưa cho gã. Gã đút tiền vào túi quần, rồi vung tay đấm một quả vào cánh cửa. Cánh cửa bằng sắt bung ra. Năm đứa co rúm lại. Gã ngộ ra rằng không có gì dễ dàng dành cho gã. Cái gì cũng có giá của nó. Chỉ là kiếm miếng cơm thôi, nhưng không đơn thuần như thế. Nhiều khi nó là cả một cuộc chiến, có thắng, có thua, không chỉ đổ mồ hôi mà có khi đổ cả máu, mất hết những gì mình có, kể cả danh dự…
Gã ôm lấy vợ, tìm lời an ủi Lê và hứa từ nay an phận thủ thường.
Nhưng hứa là hứa vậy, gã còn hai lần mạo hiểm nữa. Một lần đi Lạng Sơn buôn thuốc lá, chạm trán lũ ma-cô gái, suýt bị chúng làm nộm. Một lần buôn bìa sách ở Hải Dương, gặp phải đối thủ lạnh lùng, lãi thì cao mà đi đi lại lại ba lần bảy lượt cũng không thu hết vốn, đành cay đắng từ giã xứ Đông, từ giã luôn tham vọng.
Gã rút ra kết luận: Không phải ai muốn giàu là được giàu. Các cụ nói “giàu tại số, khó tại duyên”. Gã không có số làm giàu, chỉ có cái duyên gặp toàn những chuyện tai ương. Gã buồn bã bảo Lê:
- Anh thương em vì em lấy phải người chồng bất tài.
Nghe chồng nói, Lê rơm rớm nước mắt nhưng lại tỏ ra cứng rắn, bảo:
- Anh nói thế là anh coi thường em rồi đấy. Chồng em không bao giờ là kẻ bất tài mà quá tài là đằng khác. Nhưng cụ Nguyễn Du bảo “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Vả lại người ta có số. Số anh nó thế. Nhưng trời không cấm cửa ai. Em tin là có lúc chúng mình sẽ đổi đời.
Đổi đời. Đó là mơ ước của bao gia đình, trong đó có vợ chồng gã. Nhưng cái quan niệm “Thập nữ viết vô, nhất nam viết hữu” đã đẩy vợ chồng gã vào con đường cùng cực nhất. Gã về cuối năm 1981 thì cuối năm 1982 sinh bé Thu và giữa năm 1984 thì may mắn sinh được thằng Quốc. Bảy miệng ăn với ba sào ruộng, mùa màng luôn luôn thất bát, bảo sao chả cùng cực?
Tuy vậy, con người ta vẫn có hai đời sống: Đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Đời sống vật chất có thể thiếu thốn, người ta có thể chịu được. Nhưng không có đời sống tinh thần thì sẽ héo hon, tàn úa. Từ khi bé Quốc chào đời, gã sống thanh thản hơn, có niềm tin hơn và hạnh phúc hơn. Đôi khi hứng thú gã còn làm thơ. Trong buổi mít tinh kỷ niệm mười năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gã xung phong đăng đàn nói chuyện, rồi lại hát và đọc một bài thơ đêm qua vừa sáng tác. Gã nói hay, hát lại càng hay và thơ thì tràn đầy nhiệt huyết. Hôm ấy có Phó Bí thư Huyện ủy xuống dự. Mít tinh xong, Phó Bí thư Huyện ủy gặp gã, khen:
- Anh nói hay quá. Khả năng văn nghệ lại quá dồi dào. Sao anh không tham gia công tác?
- Tôi cũng muốn lắm chứ. Nhưng tổ chức không sắp xếp thì tham gia thế nào?
Phó Bí thư quay sang hỏi Bí thư Đảng ủy:
- Sao các anh lại bỏ phí một tài năng?
- Anh ấy về mất sức. Đã mất sức, chúng tôi đâu dám sắp xếp.
- Không. Làm gì có quan niệm đó. Nếu anh ấy có nhiệt tình, có năng lực, lại được sắp xếp những công việc phù hợp thì có sao đâu.
Mấy ngày sau, gã được mời lên làm tuyên huấn, cũng giống cái chân chạy loong toong, chả việc gì ra việc gì. Được cái hội nghị nào cũng được dự, cũng được giới thiệu oai oách như cán bộ tuyên huấn thật.
Một hôm, gã thấy quyển “Lịch sử Đảng bộ huyện…”, gã mượn về đọc. Gã ngạc nhiên vì làng gã trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những làng địch không lập được tề, không xây được lô cốt, lại có thành tích bảo vệ bến đò Rền - bến đò duy nhất nối Nam phần với Bắc phần, nối Liên khu Ba với Chiến khu Việt Bắc. Đặc biệt, đầu năm 1954 làng gã có trận đánh càn nổi tiếng, tiêu diệt 240 tên lính Âu - Phi, phá tan âm mưu giải tỏa Đường số Năm và sân bay Gia Lâm, được tỉnh đội cấp bằng khen… Thế mà không hề được nhắc đến trong cuốn lịch sử này. Gã hỏi mọi người, mọi người đều bảo là không biết. Gã về hỏi chú, chú bảo làm sao ta biết được. Ta chịu. Gã suy nghĩ mấy đêm. Đến hôm họp chi bộ, chuẩn bị cho đại hội, gã phát biểu:
- Tôi ở quân đội về đã khá lâu, nhưng có hai điều tôi không hiểu. Một là: Tại sao lịch sử Đảng bộ huyện lại không ghi nhận công lao, thành tích của quân và dân làng Bút? Hai là: Tại sao đồng chí Vũ Tử Luận - ngôi sao sáng của Hà Bắc năm xưa đến nay vẫn chưa được tuyên dương anh hùng? Tôi muốn làm rõ hai vấn đề này, nên đại hội chi bộ sắp tới tôi xin ứng cử vào chức danh bí thư. Nếu được các đồng chí tín nhiệm, tôi sẽ sưu tầm lại công lao, thành tích của làng Bút nói riêng, của Đình Tân nói chung, đề nghị trên tuyên dương Anh hùng hoặc thưởng Huân chương Kháng chiến và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Vũ Tử Luận. Đồng chí ấy xứng đáng được như thế. Làm xong hai việc này tôi sẽ xin nghỉ, trả lại bí thư cho chi bộ.
Hội nghị vỗ tay rào rào. Có người đặt tay lên trán gã, có người nói thẳng: “Ông viển vông quá, làm nhà văn thì được chứ làm bí thư thì…” rồi chép miệng “Ăn còn chả xong, lo gì những chuyện tầm phào”. Vợ gã biết chuyện, bảo mấy đứa con: “Bố chúng mày sắp thành anh hùng rồi đấy. Cả làng người ta đồn ầm lên là bố chúng mày hâm hâm, xin được làm “Người vác tù và hàng tổng”.
Đến đại hội, gã trúng với số phiếu cao ngất ngưởng. Khi nhận nhiệm vụ, gã nói lại những điều đã nói ở chi bộ, rồi tha thiết:
- Rất mong các đồng chí ủng hộ!
Suốt ngày gã đi, gã viết. Hồi ấy xe máy đâu có nhiều, gã phải vận dụng các mối quan hệ, mượn xe cả xã. Chỉ riêng việc làm hồ sơ ghi nhận thành tích cho làng Bút, gã phải triệu tập mười hội nghị, hai mươi tám chuyến đi, vừa xác minh, vừa hoàn tất hồ sơ. Chỉ vì không có kinh phí mà có những chuyện cười ra nước mắt. Rất may cho gã, người ta làm việc vì trách nhiệm, vì lương tâm, vì con người… Vì thế sau hai khóa (mỗi khóa một năm) gã coi như đã hoàn thành hai mục tiêu. Viện Huân chương khen thưởng trả lời như đinh đóng cột:
- Thành tích của làng Bút thế này thì Huân chương Kháng chiến hạng Nhất không dám nói, chứ Huân chương Kháng chiến hạng Nhì thì ăn chắc.
Và:
- Đúng ra đồng chí Vũ Tử Luận được Nhà nước tuyên dương từ lâu rồi, nhưng nhận xét của Đảng ủy địa phương khiến ngoài này băn khoăn. Bây giờ thì ổn rồi.
Khóa thứ ba, gã kiên quyết nghỉ. Gã bảo lời hứa là danh dự, vả lại gã đang theo đuổi một mong ước đổi đời.
***
Làng Bến nằm phía trong đê Đại Hà nam sông Đuống. Ngày xưa con sông Dâu bắt nguồn từ dãy núi Mả Mang (có thuyết cho là một nhánh của sông Hồng), chảy theo hướng Bắc - Nam, qua Đình Bảng, Phật Tích về Dâu, rồi chảy mãi xuống Cẩm Giàng, Gia Bình, Lương Tài, đổ ra sông Thái Bình.
Phía tả ngạn có một khu đất cao vồng lên, um tùm cây cổ thụ, chim muông ríu rít, đứng trên đó nhìn xuống dòng sông thăm thẳm. Dân thuyền dọc thấy vậy bèn nghỉ lại những buổi trưa hè, rồi tiện thể chặt cây dựng lên lều tạm, nghỉ cả qua đêm. Đất lành chim đậu, một số đại gia thuê người dựng hẳn nhà to, làm chốn đi về. Lời đồn có cánh, người nọ bảo người kia, chả mấy chốc hàng chục ngôi nhà mọc theo triền sông, lâu dần thành một phố nhỏ, người đến sau hết đất mặt tiền phải lùi sâu vào trong doi đất, hình thành cả một cái làng.
Đối diện với làng Bến, bên bờ tây sông Dâu là làng Bút, còn gọi là làng Thấp vì bên đó đất trũng, lụt lội quanh năm, bù lại đồng ruộng màu mỡ nên dân đông, giàu có. Sau này sông Dâu bị bồi lấp, quãng sông chia cắt hai làng, phù sa ứ lại, tạo thành cánh đồng bằng phẳng, nhưng không làng nào dám chiếm làm của riêng, chỉ dành làm nơi yên nghỉ cho người quá cố, nhất là những sinh linh bất hạnh số không được làm người. Những nấm mồ, những bãi chôn cất hài nhi, nghiễm nhiên trở thành bức tường ngăn cách hai làng. Mãi đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chú gã làm bí thư chi bộ xã, ghép làng Bến vào làng Bút để tiện chỉ đạo kháng chiến. Sau này con cháu làng Bến định tách ra, nhưng do quy định mỗi thôn phải có từ ba trăm nhân khẩu trở lên mà làng Bến bao đời cũng chỉ dưới hai trăm nên không được tách riêng.
Thực ra dân làng Bến dân cư không cố định, kẻ đến người đi nên lúc đông, lúc thưa. Là dân tứ xứ, đò dọc đò ngang, rồi cả kẻ trốn lính, trốn tù, trốn nợ, trốn chồng… ngụ cư, ruộng nương thì không có, muốn tồn tại phải tự bảo vệ mình bằng sức mạnh tự thân nên dân làng Bến gái trai đều là dân võ biền, ngày xưa chính quyền cũng phải vài phân e nể.
Khi dòng sông Dâu bị bồi lấp, dòng Thiên Đức phình ra, cả khu bãi mênh mông thuộc về làng Bến. Nhưng người làng Bến đâu có màng tới ruộng đồng, có chăng chỉ chăm chăm vài ba cây ổi, dăm ba cây mít dai, cây bưởi chua, bưởi ngọt… trong vườn, nên cánh bãi um tùm, đầy rắn rết. Dân hai làng Thấp và Á thấy vậy bèn kéo tới vỡ hoang, gieo ngô, trồng khoai. Ngô khoai bén rễ thì dân làng Bến xuống đòi lại, nhà nào tiếc công sức chây ỳ không chịu trả thì ra tòa hoặc ăn đòn. Ra tòa thì đương nhiên người làng Bến thắng kiện. Thế nên làng Bến người ít mà bãi rộng mênh mông, nhưng vẫn nghèo kiết xác.
Sau hai khóa bí thư, gã về nghĩ tới chuyện chuyển đổi khu bãi cao. Gã có anh bạn cùng ở Đoàn 4 xưa kia, sau vào chiến trường lại gặp nhau ở Tỉnh đội Khánh Hòa, coi nhau như anh em ruột. Một lần gã xuống nhà bạn chơi, thấy bạn tự đóng gạch xây nhà, gã dò hỏi tỉ mỉ, biết Hưng Yên có nghề đóng gạch gia truyền. Gã nhờ bạn đưa tới gặp mấy người đóng gạch chuyên nghiệp.
Sau khi miêu tả và vẽ sơ đồ khu bãi, gã bảo:
- Đấy. Khu bãi làng tôi như thế đó. Hôm nào các bác lên mục sở thị. Làm được thì làm, không làm được chúng tôi lại tính cách.
Họ thì thụp bàn nhau, rồi một anh hỏi gã:
- Bác còn ở chơi đây hay về ngay hôm nay?
- Tôi về ngay. Bận lắm.
- Thế thì bác cho chúng em đi theo. Bác nóng mà chúng em cũng nóng.
- Được.
Họ đi hai xe máy, bốn người. Gã đưa họ xuống khu bãi cao. Họ rút ngay chiếc thuổng nhỏ, đào thử đất. Một anh reo lên:
- Đẹp. Đất đẹp lắm. Gạch này thì cứ phải là một trăm phần trăm loại một.
Chuyên - cái anh đặt vấn đề đi xem đất ấy, đưa mắt lườm người vừa nói:
- Cũng gọi là được thôi, chứ chưa đun đã biết thế nào mà nói - Rồi anh ta hỏi gã: - Bác tính khu này khoảng bao nhiêu mẫu?
- Không dưới mười lăm mẫu ta.
- Các bác định cho đào sâu bao nhiêu?
- Hai mét.
- Phí quá. Đất này càng sâu càng đẹp. Các bác cho năm mét đi.
- Các anh làm xong. Dân tôi còn phải trồng trọt, chứ thành ao thì để nuôi ba ba à?
- Thôi thì ba mét.
- Một mình tôi đâu có thể quyết định. Chúng tôi còn bàn cái đã…
Gã về gặp Hợi - Tổ trưởng tổ Đảng, kiêm trưởng xóm. Hợi giãy nảy:
- Ông đi chẳng bàn với ai đã dẫn người ta về. Đất chó ỉa đấy, thế nhưng đụng vào là rách việc lắm.
- Thế anh sợ cái gì? Dân thì nghèo đói, đất thì không sinh lời. Mình tính cách làm ăn, chứ có làm gì hại dân, hại nước mà sợ?
- Nói như ông thì ai mà chả nói được. Nhưng ông nghỉ rồi, người phải chịu trách nhiệm là cháu đây này.
Gã nghĩ Hợi nói cũng phải. Thôi đành thuyết phục dần dần.
Hôm sau, gã tung chuyện chuyển đổi khu bãi cao ra. Gã phân tích: Bổ rẻ khu bãi ấy cũng phải mười lăm, mười sáu mẫu. Khoán ba năm, ít nhất phải được ba mươi triệu một mẫu, vị chi là bốn trăm năm mươi triệu. Ta bớt khoảng ba mươi triệu, cho vay lãi, hàng năm đóng thuế cho dân, còn bốn trăm hai mươi triệu chia theo đầu suất ruộng, mỗi suất ít nhất cũng được khoảng một triệu rưỡi. Như thế nhà ít cũng có bốn triệu rưỡi, nhà nhiều cả chục triệu tha hồ mà kinh doanh, mua xe, ti-vi, đồ đạc… vèo một cái hết ba năm, phù sa đổ vào ta lại bán… Mọi người nghe gã nói thì mê tít. Nhà gã lúc nào cũng chật ních người, như đang có cỗ.
Nhưng Hợi nhất định không đồng ý. Lựa lúc anh ta vắng nhà, gã vào nói cho bố mẹ và nhất là cô vợ của Hợi. Cả nhà hứa sẽ cố gắng thuyết phục. Để chắc ăn, gã tính sẵn một kế. Gã gọi Hợi vào nhà, bảo:
- Anh là chỗ con cháu, tôi nói thật. Việc này mà anh không làm thì cả làng người ta oán anh đến lúc chết. Tuy vậy tôi cũng thông cảm với anh. Vậy tôi xin đứng ra chịu trách nhiệm. Mọi việc hay dở anh cứ đổ vào tôi.
- Nhưng đổ bằng cách nào?
Chỉ cần có thế, gã bèn thỉ thỏ:
- Thiếu gì cách. Độ này anh lại ho do viêm họng nặng phải không?
Hợi gật đầu.
- Thế thì anh xuống bệnh viện huyện mà nằm một thời gian. Tôi hứa là trong thời gian ấy, mọi việc sẽ đâu vào đấy. Anh về thì sự đã rồi. Tội đâu tôi chịu.
Lưỡng lự một lúc, Hợi bảo:
- Thôi, cũng đành nghe ông. Nhưng khổ lắm, chả biết ông nói thế nào với bố mẹ và vợ cháu mà cháu về, cả nhà xúm vào nói, vợ cháu còn rấm rứt khóc, cứ như cháu là người ham chức, ham quyền, quên gia đình, quên làng xóm.
- Chuyện nhỏ. Dân giàu mới là chuyện lớn. Anh tưởng tôi không lo à? Sắp ba mươi năm tuổi Đảng, lăn lộn khắp các chiến trường, không khéo phen này lại thành phó thường dân. Nhưng tôi nghĩ rồi. Dù có thiệt thòi, thậm chí có phải hy sinh mà dân mình đổi đời, ngày ba tháng tám không lo chết đói, rét có chăn mà đắp, có áo mà mặc, trẻ con đến tuổi được cắp sách tới trường… là mình vui. Mấy chuyện lặt vặt, sá gì…
Hôm sau, Hợi đi viện, thôn ủy quyền cho gã tạm thời phụ trách xóm. Gã cho họp xóm. Trước đó gã lên danh sách, ghi tên chủ hộ, diện tích khu bãi cao của từng nhà và một khoảng rộng để ký, ghi rõ họ tên. Gã còn chọn thêm sáu người nữa, đại diện cho năm dòng họ và ông Ngũ - cán bộ lão thành cách mạng vào Ban chỉ đạo chuyển đổi mục đích khu bãi cao xóm Bến. Những điều gã dự kiến đều được Ban chỉ đạo và toàn dân nhất trí. Đến khi đi lấy chữ ký thì có hai người nhất định không chịu ký. Đó là hai anh em nhà Bưởi, Ổi đều là cháu họ xa của gã. Bưởi sừng sộ:
- Các ông bán hết đất thì mai sau con cháu lấy gì mà sống?
Gã xua tay, hỏi lại:
- Ai bảo anh là chúng tôi bán đất? Bán nghĩa là mình mất khu đất ấy vĩnh viễn, đằng này chúng tôi chỉ chuyển đất trồng trọt không hiệu quả, không có thu hoạch sang cho họ làm gạch, vừa được tiền, vừa hạ thấp độ cao của khu bãi cao. Mà cũng chỉ ba năm thôi. Nước sông Đuống, phù sa đặc ngẩn, chỉ một hai năm là lại bình địa, ngô khoai lại tốt bời bời.
- Các ông nói nghe thì hay lắm. Nhưng tôi biết, họ làm gạch xong thì nào là xỉ lò, nào là gạch vỡ. Có mà trồng vào mắt…
- Thế mới đòi hỏi phải làm hợp đồng cẩn thận. Tôi sẽ chịu trách nhiệm việc này.
Bưởi, Ổi không còn gì để nói, nhưng vẫn không ký. Gã cười khẩy, bảo:
- Được. Hai hộ này không đồng ý chuyển đổi thì chúng tôi sẽ dồn trả đất. Còn những hộ đã ký thì sẽ lấy tiền.
Hôm sau, Bưởi và Ổi rụt rè tới nhà gã:
- Hôm qua, chúng cháu nghĩ không ra, lo mất đất. Về nghĩ lại mới thấy sai. Thôi, ông bỏ qua cho con cháu. Chúng cháu xin ký.
Gã mắng:
- Chúng tôi lo là lo cho dân. Các anh là dân, xong thì được tiền, không xong thì đất vẫn đấy. Còn chúng tôi, xong có khi còn bị kỷ luật, mà không xong thì bị dân chửi. Các anh bảo chúng tôi ăn bổng, ăn cảnh gì? Từ nay bỏ cái kiểu ngang ngang, làm khó người khác đi.
Bưởi và Ổi vâng dạ rối rít. Thế là khâu khó nhất là đạt được đồng thuận toàn dân đã xong.
Tiếp theo là chuẩn bị hợp đồng. Gã họp Ban chỉ đạo, yêu cầu mỗi người thảo một bản, gã tổng hợp lại, triệu tập họp, thảo luận, thống nhất thành một bản, đem đến đọc cho cụ thượng của xóm nghe. Cụ thượng đã suýt chín mươi, bảo:
- Các bác cho nghe là quý. Nhưng tôi nghe khác nào vịt nghe sấm. Thôi, các bác làm sao cho dân khỏi đói thì làm.
Họp đội xong, gã mời đối tác tới. Anh Chuyên trưởng nhóm lắc đầu:
- Em đã làm hợp đồng đấu thầu đất nhiều nơi, nhưng không đâu lại chặt chẽ như ở đây. Hợp đồng thì không có gì để tham gia, nhưng giá cả mà các bác cứ khăng khăng ba nhăm triệu thì chúng em xin chịu.
- Nhưng đây là nghị quyết của hội nghị xã viên. Có người bảo ở bên Quế Võ, đất không bằng đất này mà bốn mươi triệu cũng ba năm đấy.
- Ở đâu chúng em không biết, chứ đất này chúng em xin rút xuống ba mươi. Được thì ký, không được chúng em đi nơi khác.
Gã khăng khăng là nghị quyết tập thể, Ban chỉ đạo không dám thay đổi, đành để mai, ngày kia họp xã viên lại. Chuyên tỏ ra nóng nảy bảo:
- Chúng em đang có chỗ bên Văn Giang, ngày mai phải đến ký hợp đồng. Thôi, thế này, các bác lùi một ít, chúng em tiến một ít. Ba mươi hai triệu là giá cuối cùng.
- Phương án của chú là hợp tình, hợp lý. Nhưng phải cưa đôi. Ai lại nhất bên trọng, nhất bên khinh, chúng tôi khó ăn nói với xã viên lắm.
Giằng đi, co lại. Cuối cùng Chuyên phải đồng ý cưa đôi: Ba mươi hai triệu năm trăm ngàn một mẫu. Thời gian ba năm kể từ ngày ký, cấm đem đất đi, cấm chôn gạch vỡ, xỉ than. Độ sâu không quá ba mét, lấy đất cuốn gói, đâu hết đó. Bên A bảo đảm con đường vận chuyển, an ninh và nhất là thủ tục pháp lý. Ngày mai, hai bên đi đo, một tuần sau nộp đủ bảy mươi phần trăm tiền mặt, một tháng sau nộp nốt ba mươi phần trăm còn lại…
Từ bãi cao lên đê Đại Hà phải qua khu úng thủy. Tuy đã có con đường rộng ba mét, nhưng nền đất yếu, phải gia cố thêm nhiều. Nhưng đó không phải là điều mà gã lo nhất. Lo nhất vẫn là tạo con dốc vượt đê Đại Hà. Lúc đó trong Ban chỉ đạo có ông Ngũ là đảng viên lão thành. Ông xung phong đảm nhiệm huy động người làm dốc đê.
Hôm ấy, gã đi đánh cờ hội ở làng Mão Điền, ẵm được cái giải Nhất, vừa chân ướt, chân ráo về tới nhà thì ông Ngũ mặt tái mét, thở hổn hển chạy vào:
- May quá! Cậu lên ngay. Huyện nó đang lùng bắt máy ủi ủi đê.
Gã chẳng hiểu ông nói gì, nhưng cũng vơ vội cái áo chạy theo. Lên tới mặt đê, nhìn dốc phía ngoài đang làm dở, vết xích xe ủi còn rõ rành rành. Gã hỏi ông Ngũ tại sao? Ông ấp úng bảo:
- Nào tôi có biết đâu. Thấy anh em làm vất vả, vừa lúc có chiếc máy ủi chạy qua, tôi bèn vẫy lại, bảo cậu đi hộ tớ vài đường, tớ sẽ bồi dưỡng cho. Tay máy ủi hăng hái làm ngay. Ai ngờ mấy bố thủy lợi huyện ở đâu lù lù kéo đến, đòi lập biên bản, giữ máy ủi. Cũng may, tay máy ủi là cháu gọi Bí thư Huyện ủy bằng cậu ruột, khôn khéo lừa mấy tay thủy lợi, chạy thoát vào làng, vô tang chứng. Nhưng còn cái dốc, cậu bảo nên làm thế nào?
Gã tái mặt, vội cho gọi cả Ban chỉ đạo bàn bạc. Thành viên trẻ tuổi nhất trong ban, vừa rít thuốc lào, vừa lẩm bẩm:
- Các ông làm gì mà cứ cuống cả lên thế? Việc không đáng xảy ra thì đã xảy ra rồi. Bây giờ phải tìm cách mà tháo dỡ. Theo cháu, ông - Anh ta chỉ vào gã - phải xuống gặp bí thư, trưởng thôn trình bày cụ thể, rồi xin họ điều cho khoảng một trăm thanh niên đắp lại dốc đê, xuống bãi đánh những bừng cỏ thật dày đặt lên, tưới đẫm nước, đầm cho chặt. Ngày mai, tỉnh, huyện có về cũng vô tang chứng…
Gã vỗ tay đôm đốp, khen ý kiến hay. Rất hay. Lúc đầu bí thư, trưởng thôn còn chần chừ, lưỡng lự. Gã bảo:
- Việc này đâu chỉ tội có chúng tôi. Chính quyền mà để người ta dùng máy ủi ủi đê thì đi tù cả lũ, tiếng xấu để đến muôn đời. Thôi tùy các anh.
Thế là đêm ấy không phải một trăm mà là suýt hai trăm thanh niên cường tráng làm việc vá “tiếng xấu muôn đời”. Sáng hôm sau đứng trên đê, không ai có thể phát hiện ra con dốc. Khoảng chín, mười giờ thì đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện về thật. Họ đi quanh quẩn, không xác định được vị trí máy ủi ngày hôm qua. Ông trưởng đoàn gọi mấy vị thủy lợi của huyện, hỏi:
- Các đồng chí báo cáo là ở khu vực Đình Tân, người ta dùng máy ủi ủi đê Đại Hà. Thế máy ủi đâu? Chỗ đê bị ủi đâu?
Mấy vị thủy lợi ấp úng, lí nhí:
- Chả lẽ… Chả lẽ… Hay… Hay là chúng em nhầm!
Ông trưởng đoàn bực tức ra lệnh rút quân. Một ông trong đoàn, ngày xưa cùng lớp 7C với gã, ghé tai gã bảo: “Phù thủy phải gọi các ông bằng cụ. Các ông tài thật đấy. Cánh mình xin bái phục”. Gã thở phào. Còng số tám đã tra vào tay, cánh cửa trại Kế đã mở. Thế mà thoát. Thật là hú vía!
Đoàn đi rồi, gã cho khơi lại dốc, rồi thành lập đoàn đo đạc. Theo thống kê từng hộ thì tổng diện tích bãi cao ngót nghét mười lăm mẫu ta, đến khi đo lại vừa bằng máy, vừa bằng thước dây thì diện tích vọt lên mười tám mẫu sáu sào. Cũng phải thôi, khi chia cho xã viên còn phải chừa bờ, chừa gò đống. Đến khi đo cuốn thì cuốn tất tần tật. Chênh nhau hơn ba mẫu là còn ít.
Bên B là những người lao động chân chính, thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng. Gã cho họp Ban chỉ đạo bàn chuyện chia tiền. Rất nhiều ý kiến. Người bảo đợi họ nộp đủ rồi hãy chia nhân thể. Người bảo được đồng nào xào đồng ấy. Người tỉnh táo hơn bảo thôi cứ bớt ba mươi triệu, cho vay lãi bốn phần trăm một tháng, lấy tiền đóng thuế cho dân, còn chia tất… Tranh cãi chưa ngã ngũ. Mọi người chờ ý kiến của gã. Gã bảo:
- Đến hôm nay, tiền đã nằm trong túi chúng ta, nghĩa là hợp đồng chuyển đổi khu bãi cao đã thành công. Chúng ta hãy nổ một tràng pháo tay ăn mừng.
Tiếng vỗ tay đôm đốp. Đằng sau nhà gã cũng rộ lên những tràng pháo tay, lại cả tiếng hoan hô ầm ĩ. Thì ra khá nhiều người hiếu kỳ, cả những người nóng lòng muốn được cầm số tiền mong ước đã rủ nhau bí mật nấp ở sau nhà gã, nghe xem Ban chỉ đạo bàn bạc thế nào. Để không khí yên ắng trở lại, gã nói tiếp:
- Dân thì đang khát tiền, khát làm giàu. Tôi ủng hộ ý kiến được đồng nào xào đồng ấy. Theo tính toán sơ bộ của tôi, nếu chia hết đợt một mỗi định suất sẽ được 1.555.555 đồng, thôi thì lấy số chẵn ta chia mỗi định suất 1.550.000 đồng, còn dư một triệu rưỡi để quỹ. Còn phần thù lao của Ban chỉ đạo thì tùy ý kiến xã viên, cho bao nhiêu chúng ta nhận bấy nhiêu, còn không cho thì coi như chúng ta làm việc đức. Các ông thấy thế nào?
- Nhất trí thôi. Nhưng tôi thấy ông trưởng ban vất vả quá, nên tôi đề nghị số dư một triệu rưỡi xin biếu ông trưởng ban, gọi là có chút lộc.
Gã nghiêm mặt, xua tay bảo:
- Các ông coi tôi là hạng người nào mà lại nói như thế? Việc tôi làm là xuất phát từ tấm lòng, muốn dân xóm mình được đổi đời, chứ không phải vì quyền lợi cá nhân. Mong các ông thông cảm.
Bắt đầu từ hôm sau, làng Bến (mà bây giờ là đội tám hay xóm Bến) ngày nào cũng như ngày hội. Người ta đi sắm ti-vi, xe máy. Có người vay mượn thêm xây nhà hai tầng, mua xe công nông, máy làm đất… Các cụ già sáng sáng ra đình, xúng xính trong những bộ quần áo lụa. Các cháu chiều chiều tung tăng, chạy khắp đường làng khoe những bộ quần áo mới đủ màu. Da mặt mọi người căng hơn, mịn hơn, hồng hào hơn và tiếng chim hót nghe gần gũi, êm đềm như lời ru sau lũy tre làng…
***
Mồng Ba tháng áp chót năm 1994, cuộc họp chi bộ sắp kết thúc thì có người đứng lên gay gắt:
- Tôi xin hỏi đồng chí bí thư. Xóm Bến bán đất chia tiền cho dân, đồng chí có biết không? Việc làm đó là đúng hay sai? Xin đồng chí trả lời trước chi bộ.
Im lặng. Rồi một cánh tay giơ lên. Bí thư chưa kịp chỉ định đã nghe oang oang:
- Tự tiện bán đất là phạm pháp. Tự ý tư túi chia tiền là vô kỷ luật, không coi ai ra gì. Tôi đề nghị xác minh ai là thủ phạm phải kỷ luật thật nghiêm, phải loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Đảng không thể có những đảng viên sâu mọt như thế.
Dăm ba ý kiến nữa. Người thì thanh minh cho xóm Bến, người thì “lạt mềm buộc chặt”… Không khí hội nghị u uất như buổi mặc niệm.
- Có ai có ý kiến khác không? Nếu không xin mời đồng chí tổ trưởng tổ đảng tám.
Bí thư yêu cầu. Hợi đứng dậy:
- Vâng. Tôi xin xác nhận ý kiến của các đồng chí là hoàn toàn đúng. Thời gian đó tôi bị bệnh, phải nằm điều trị ở bệnh viện huyện. Khi về thì dân đã nhận tiền. Cuộc đời xoay như chong chóng…
Hội nghị cười ồ lên. Gã từ từ đứng dậy:
- Tôi là một đảng viên sinh hoạt ở tổ đảng tám, tôi xác nhận ý kiến của các đồng chí. Mọi việc chúng tôi làm đều công khai minh bạch, đầy đủ pháp lý. Còn ai là người đề xướng việc này thì xin được trả lời ngay là tôi, đồng chí Ngũ và năm người nữa không phải là đảng viên, đại diện cho năm dòng họ của xóm Bến. Hết.
Hội trường chùng xuống. Bí thư hỏi lại:
- Có ai có ý kiến gì khác không? Nếu không, tôi xin được kết luận: Trước hết phải nói xóm Bến không bán đất. Nếu bán đất là sai, là phạm pháp. Xóm Bến chỉ chuyển mục đích từ trồng màu không hiệu quả sang làm gạch tức là sản xuất vật liệu xây dựng. Việc này trong các nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ đều có. Do đó việc làm này là đúng. Còn việc chia tiền là công khai, là hoàn toàn đúng đắn, bởi đất đã giao cho xã viên, xã viên chuyển đổi mục đích, lợi nhuận đương nhiên là xã viên được hưởng. Vấn đề ở chỗ: Ban chỉ đạo có minh bạch, có tư túi trong khâu phân phối (cụ thể trong việc chia tiền) hay không. Nếu có thì là sai, phải chịu trách nhiệm trước xã viên, trước pháp luật. Nếu không, thì chẳng có gì phải bàn…
Bí thư để năm phút nữa xem có ý kiến gì không, rồi tuyên bố giải tán.
Một tuần sau, vì có đơn kiện của một số người trong thôn, một tổ công tác của công an huyện gồm một đại úy, một thượng úy, một trung úy về thôn. Bảy người trong Ban chỉ đạo chuyển đổi khu đất bãi cao được mời tới làm việc, yêu cầu mang theo toàn bộ sổ sách. Gã đem tới hai bộ, một bộ chính và một bộ phô-tô. Đại úy đội trưởng quăng trả bộ phô-tô. Gã không đồng ý, đòi lại bằng được bộ chính (Mặc dù ở nhà gã còn một bộ chính nữa). Hai người giằng co, đấu lý. Gã xuống thang, bảo:
- Được thôi. Nếu đồng chí giữ bộ hồ sơ chính, đồng chí phải viết giấy xác nhận bộ hồ sơ phô-tô cũng có giá trị như bộ hồ sơ chính. Nếu không, dù có đi đến đâu, tôi cũng nhất định không nộp.
Đại úy phải viết tờ xác nhận.
Ba đồng chí công an thay nhau đọc những tài liệu, gồm: Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng màu không hiệu quả thành đất sản xuất vật liệu xây dựng, kèm theo phương án tái sản xuất, chữ ký của 78 hộ xã viên làng Bến. Sổ nhận tiền có chữ ký của chủ hộ và số tiền họ được nhận. Giấy cho Nguyễn Ngọc Doanh vay ba mươi triệu, lãi suất thỏa thuận bốn phần trăm một tháng, ba tháng trả một lần. Ngoài ra còn hóa đơn thu tiền của bên B, hóa đơn chi phí một số việc và đặc biệt là biên bản họp xã viên nhất trí trả thù lao cho Ban chỉ đạo mỗi người năm trăm ngàn một tháng, sau này thành Ban giám sát thì rút xuống còn một trăm ngàn. Riêng gã không nhận thù lao với lý do đã có lương mất sức và trợ cấp quyền trưởng xóm.
Tới trưa, trưởng thôn gọi gã ra bảo:
- Trưa nay bác mời các đồng chí công an ra quán chiêu đãi họ, khéo léo đưa mỗi người một phong bì, gọi là… Dẫu sao họ cũng về giúp mình.
Gã gạt phắt:
- Không. Đây là nhiệm vụ họ phải làm. Chúng tôi có yêu cầu họ đâu mà bảo là họ giúp?
Ông Ngũ đi qua, thấy gã găng thì bảo:
- Thôi. Cậu ạ. Qua sông thì phải lụy đò. Chi ra một ít tiền, chắc dân cũng sẽ đồng tình.
- Không đời nào. Tiền là tiền của dân, mình làm gì có quyền lấy của dân để tiếp khách theo kiểu “của người phúc ta”. Trưa rồi, tôi về nhà ăn cơm đây.
Gã bỏ về.
Hôm sau, đội công tác tiếp tục làm việc. Đại úy hỏi gã:
- Ông đã đọc Luật đất đai chưa?
- Chưa.
- Ông nói lạ. Dù là một công dân bình thường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng phải biết các luật, trong đó có Luật đất đai. Huống hồ, ông là một đảng viên, một cán bộ Quân đội, tại sao lại không biết?
Gã ớ ra, rồi ôm đầu kêu đau, xin giải lao ít phút. Nâng chén nước chè, gã thân mật hỏi đại úy:
- Quê chú ở Hai Liễu nhỉ?
- Sao anh biết?
- Ờ. Ngày xưa, khi cụ sinh ra chú còn làm Tỉnh đội phó, rất thân với ông cụ chú ruột mình. Hồi cụ mất, mình cũng tới viếng. Còn cụ bà có khỏe không?
- Mẹ em khỏe. Cụ vẫn minh mẫn lắm.
- Hay là hết giờ làm việc, mình và chú về thăm cụ.
Đại úy nghĩ ngay tới việc gã bày trò đưa hối lộ, tủm tỉm cười, vạch sẵn một kế hoạch, nhưng lại vờ vĩnh hỏi:
- Sao bỗng dưng anh lại đòi về thăm cụ em?
- À… À… Để mình hỏi xem cụ có nhớ Luật đất đai quy định thế nào về quyền của người sử dụng đất?
Đại úy bật cáu:
- Ông buồn cười thật. Cụ tôi năm nay đã gần chín mươi, làm sao mà biết Luật đất đai?
- Ô hay. Ban nãy chú chả bảo “Dù là một công dân bình thường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng phải biết các luật, trong đó có Luật đất đai” cơ mà. Thế cụ không phải là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam à?
Đại úy cú lắm, bảo:
- Ông đừng giở trò cãi lý ra với tôi. Rồi hối không kịp.
- Anh đe dọa tôi đấy à? Tôi nói cho anh biết, nếu chúng tôi có tội thì có cắn rơm, cắn rạ các anh cũng không tha. Còn nếu chúng tôi vô tội thì hãy dẹp đi những thủ đoạn nhà nghề. Đồng chí với nhau chơi những trò bẩn đó không hay đâu.
Hôm sau, đội công tác không về, nhưng gã nhận được giấy triệu tập vào công an huyện làm việc. Tối ấy, dân xóm Bến kéo đến đầy nhà. Cụ thượng thay mặt dân, nói:
- Chúng tôi biết các bác gặp rắc rối với công an. Nhưng chúng tôi cám ơn các bác. Nếu các bác có bề gì dân làng Bến nguyện thay nhau đem cơm lên nuôi các bác. Các bác vì dân, dân sẽ có trách nhiệm. Cây ngay không sợ chết đứng đâu các bác ạ.
Gã cảm động, ngân ngấn nước mắt. Quá nửa đời rồi vẫn được dân làng đùm bọc như mẹ đùm bọc những đứa con thơ dại, thử hỏi còn hạnh phúc nào lớn lao hơn? Gã lấy lại bình tĩnh:
- Thưa cụ thượng. Làng Bến mình xưa là dân tứ chiếng. Vật đổi sao dời trở thành một làng, lại được Đảng, Bác Hồ dạy câu đoàn kết, thương người như thể thương thân. Chúng cháu hậu sinh, cũng là nhờ các bậc tiền bối chỉ giáo, suốt đời phải sống vì mọi người, nên xin cụ và dân làng yên tâm, chúng cháu không sao đâu mà sợ.
Trời chưa sáng rõ, anh Chuyên - chủ lò đấu thầu đất đã đem chiếc Sim Sơn đỏ chót vào cho gã mượn. Gã đến huyện từ sớm, chuyện trò xởi lởi. Trung tá Trưởng công an huyện hỏi gã đôi điều, rồi trả gã cho đại úy đội trưởng. Vẫn loanh quanh vài câu hỏi như mọi hôm, rồi về.
Rồi hôm sau, hôm sau nữa, sau nữa…
Chiều tối hôm vào huyện lần thứ tư, gã rẽ vào nhà ông Hài ở thôn Đại Trạch - bạn với chú gã từ thời kháng chiến chống Pháp, có anh Hòa cùng tuổi với gã. Ông Hài có thời gian dài làm thư ký cho Bộ trưởng Xuân Thủy. Thấy gã, ông như trẻ lại, bảo vào nhà, rồi hỏi dồn;
- Này! Ta hỏi thật. Trong vụ bán bãi, à không, trong vụ chuyển đổi mục đích khu bãi cao, các anh có tư túi, có để quỹ đen, quỹ đỏ đồng nào không?
- Không đâu ạ. Ông cũng như chú con, con đâu dám nói dối. Nếu chúng con tư túi thì còng số tám đã bập vào tay lâu rồi, còn đâu mà ở đây nói chuyện với ông.
- Là thế này. Hôm nọ ta ra Hà Nội thăm cụ Xuân Thủy, có gặp ông Hồng Hà đang là Ủy viên Trung ương Đảng. Ta đem chuyện của anh ra kể, ông Hồng Hà hỏi: “Thế cái tay bộ đội ấy liệu có tham ô, tư túi đồng nào không?”. Ta khẳng định “Không đâu. Nó là bộ đội, liêm khiết lắm”. Ông nói luôn: “Thế thì về đề nghị thưởng cho nó cái huân chương. Trong lúc bao nhiêu nơi, bao nhiêu tổ chức bán đất tư túi, chia chác nhau mà lại có người tự nguyện đứng ra bán đất chia hết tiền cho dân, không lấy xu nào làm của riêng thì đáng khen, đáng tặng huân chương lắm chứ”. Ta kể câu chuyện này là để anh giữ vững lòng tin.
- Vâng. Con cám ơn ông!
Vài ngày sau, gã lại bị gọi vào huyện. Gã đi thẳng lên phòng trưởng công an huyện, bảo:
- Đã bốn lần tôi bị gọi vào đây, cộng với bao nhiêu lần đội công tác về địa phương điều tra. Vẫn chỉ có những điều như thế. Tôi đề nghị: Nếu có phát hiện gì mới thì các đồng chí hãy gọi tôi vào. Còn không thì thôi. Tôi còn phải lao động nuôi vợ và năm đứa con nhỏ. Hay là các đồng chí bắt ngay tôi hôm nay đi. Tôi không có thời gian, cũng không đủ kiên nhẫn làm việc với các đồng chí nữa đâu.
- Thôi. Chúng tôi xin lỗi. Mong anh bỏ qua. Cũng phải nói rằng việc xóm Bến chuyển đổi một lúc gần hai chục mẫu đất là việc làm quá, bởi theo quy định, chủ tịch tỉnh mới có quyền cho chuyển đổi mười mẫu. Nhưng, các anh được dân ủng hộ, động cơ trong sáng và nhất là không tư túi một hào, một cắc. Thời này mà được như thế là quý lắm. Thôi, từ nay chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm.
- Vâng. Cám ơn anh!
Gã định đứng dậy ra về thì trung tá bảo hãy khoan. Hai cô công vụ bưng lên mấy chai bia Tàu, một ít lạc rang, một ít bánh kẹo. Lúc sau cả tổ công tác có mặt. Trung tá vui vẻ bảo:
- Xin mời nâng cốc. Kết thúc chuyên án LVD (tức là Liều vì dân), trả lại danh dự cho Ban chỉ đạo chuyển đổi mục đích sử dụng khu bãi cao, nhất là cho đồng chí trưởng ban. Nào! Trăm phần trăm.
Đêm ấy, gã ngủ một giấc ngon lành. Gần sáng trời lại đổ mưa rào. Là hôm sau vợ gã bảo thế, chứ lúc đó gã đang chìm vào giấc mơ tuyệt diệu. Đã lâu lắm, gã mới lại được gặp tất cả những người đã khuất. Tổ phụ, tổ mẫu không bỏ gã mà đi như lần trước, còn dịu dàng bảo:
- Con được lắm. Ta biết con là đứa mà dòng máu của ta còn lưu lại nhiều nhất. Nhưng, đời lắm chuyện đa đoan, với tính cách của con, ta sợ một ngày nào đó, con sẽ bị chết chìm trong cái bể đa đoan ấy. Đã đến lúc con nên tĩnh tâm nhìn lại mình, nhìn lại đời…
Gã cúi đầu vâng dạ. Ành âu yếm vuốt mái tóc đã bắt đầu điểm dăm ba sợi bạc. Em nũng nịu đòi gã yêu, rồi nhẹ nhàng bảo:
- Em muốn mãi mãi được ở bên anh. Nhưng âm dương cách biệt, em buồn lắm.
Gã vuốt má Ành. Em vẫn đẹp mê hồn. Gã bảo:
- Không sao. Anh sẽ viết lại mối tình đẹp như huyền thoại của chúng mình. Con cháu chúng mình sẽ biết đến chúng mình, người đời sẽ biết chúng mình. Chúng mình sẽ sống mãi với thời gian.
Chưa bao giờ gã gặp được giấc mơ đầy thỏa nguyện như giấc mơ hôm nay. Gã kể tỉ mỉ lại cho Lê nghe. Lê chớp chớp đôi mắt đen láy, bảo:
- Cám ơn tổ phụ, tổ mẫu. Cám ơn chị Ành. Mọi người đã mở cho anh một con đường mới, con đường của trí tuệ và danh dự. Dẫu còn vất vả, nhưng từ nay em có thể yên tâm rồi…