Mồng Sáu Tết, cũng là ngày cuối cùng gã được ở nhà. Ngày mai gã phải có mặt ở Quân khu 1.
Ngày mai là mồng bảy. Vợ gã bảo:
- Các cụ dặn: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”. Anh đi, em lo lắm.
Gã đùa:
- Hay là anh đi ngay đêm nay cho được ngày tốt.
Lê vùi mặt vào ngực gã, ấm ức khóc. Gã lại phải dỗ dành:
- Nín đi. Ai lại đã làm mẹ của bốn đứa con rồi mà lúc nào cũng khóc nhè. Vả lại, ngày mai là tết Khai hạ sao có thể là ngày xấu? Em yên tâm đi.
Cũng phải nói luôn, vợ gã có thai lần đầu sinh đôi, cái thai to quá, đẻ sớm cả tháng trời, nên cả hai bé chê vợ chồng gã nghèo, bỏ đi cả. Cuối năm 1975, bé Thùy chào đời, giống bố, da trắng, tóc quăn, xinh xắn lắm chỉ tội quanh năm ốm yếu, tháng nào cũng phải hỏi thăm bệnh viện. Lên ba tuổi, bé Thùy mới khá dần, ngoan và thông minh, biết tỷ tê chuyện trò với mẹ, để mẹ khỏi nhớ bố thì Lê lại sinh bé Hương đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công. Bên nội neo người, gã đi biền biệt, mọi việc đều nhờ bên ngoại. Cũng may, ông bà ngoại mới ngoài năm mươi, còn khỏe, các cậu lại đông, thương chị, quý cháu lắm. Gã thường cám ơn ông trời dun dủi cho gã gặp Lê, cám ơn anh cả đã nghĩ suy thấu đáo. Nếu Lê là Hiền, ở tít tắp mãi Nam Sách thì bây giờ gã biết xoay xở thế nào?
Lên tới quân khu, gã được bổ sung ngay vào đoàn cán bộ đi thị sát biên giới. Những ngày này khắp dải biên cương phía Bắc của Tổ quốc người dân nhốn nháo, không khí chuẩn bị cho một cuộc chiến bất đắc dĩ nóng như lò lửa. Những đơn vị quân đội từ phía dưới kéo lên, những đơn vị tại chỗ tập trung củng cố tuyến phòng ngự. Đài phát thanh cập nhật từng ngày diễn biến của chiến trường Tây Nam. Bên kia biên giới cái không khí ấy còn hừng hực hơn gấp nhiều lần. Từng quân đoàn chính quy, tinh nhuệ rầm rập kéo về phương Nam, các sân bay chật ních, máy bay xuống lên như mắc cửi. Dân nước bạn thì ngơ ngác không biết điều gì sẽ xảy ra. Họ sợ hãi đìu ríu vợ con chạy về phía sau, trong cảnh màn trời chiếu đất, sương sa tuyết phủ, rét như cắt da cắt thịt. Giữa tháng hai, không khí sặc mùi thuốc súng có vẻ giảm dần. Kẻ săn mồi đang thu mình lại, chuẩn bị một cú nhảy bất ngờ…
Sáng Mười Lăm tháng Hai, gã được gọi về quân khu, nhận quyết định làm trưởng tiểu ban cán bộ của Trung đoàn cao xạ 272 đóng quân ở tỉnh giáp biên.
Mờ sáng ngày Mười Sáu, gã và một số sĩ quan được xe đưa về đơn vị mới. Chiều hôm ấy gã về tới Trung đoàn 272 ở bên Kỳ Lừa. Đại úy Phước, nguyên Trưởng tiểu Ban Cán bộ được điều lên Ban Chính trị làm phó. Anh vui tính, nhanh nhẹn, tóm tắt những vấn đề cơ bản của đơn vị và bàn giao chức danh, còn những vấn đề cụ thể đã có đồng chí Lê Kham trợ lý từ từ giúp gã. Gã tắm rửa, rồi tới hội trường chơi vài séc bóng bàn, tiện thể gặp gỡ anh em trong ban chính trị. Tình hình ở đây có vẻ rất yên ổn, khác hẳn với không khí hừng hực trên biên.
Đêm ấy, gã ngủ một giấc thật ngon lành, mơ không thấy Lê mà chỉ thấy bé Thùy, bé Hương cười đùa, chơi trò trốn tìm. Rồi gã ra đi, hai đứa nhỏ túm chặt vạt áo bố khóc thét lên. Đúng lúc đó, gã giật mình tỉnh dậy. Những ánh chớp loằng ngoằng sáng rực lọt vào tận trong phòng ngủ. Sấm sét vang rền. Gã nghi nghi hoặc hoặc. Hôm nay mới là Hai Mốt tháng Giêng. Sở dĩ gã nhớ rõ vì mới tối hôm qua gã còn ghi vào nhật ký của mình “Hôm nay về e272 Phòng không nhận nhiệm vụ, đúng vào ngày kỷ niệm một phần tư thế kỷ làng mình lập nên chiến công hiển hách: Tiêu diệt 240 tên lính Âu Phi trong trận chống càn lừng danh ngày 22 tháng 2 năm 1954, tức là ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Ngọ…”. Mà tháng Giêng thì đã làm gì có mưa rào, sấm chớp vang trời như thế này? Thôi chết! Có lẽ đối phương tấn công. Đúng rồi. Tiếng pháo. Y như ở Đồng Bò những ngày tháng Mười năm 1968. Gã vội bật dậy, một tay vớ cặp tài liệu, một tay vơ dây lưng, toòng teng khẩu K54 mới khựng vừa đổi ở quân khu, miệng gọi:
- Kham! Kham! Dậy đi! Đối phương tấn công. Ra công sự mau!
Kham vẫn chưa tỉnh hẳn, ú ớ bảo:
- Bọn chúng dọa thế thôi, chứ bố bảo…
Kham chưa dứt lời thì một loạt 130 ly nổ cách ngôi nhà chừng vài chục mét, mảnh bay rào rào. Lúc đó cu cậu mới bật dậy, vơ vội súng, bảo:
- Làm gì có công sự. Anh theo em, sang nhà Tây ngay.
Gã chạy theo Kham. Vừa nhảy vào hành lang nhà Tây thì một loạt đạn bắn trúng ngôi nhà ngủ. Thật hú vía.
Lúc đó nhà Tây đã khá đông người, đang rút xuống tầng trệt, chia nhau vào các phòng.
Nhà Tây là tòa nhà năm tầng nổi, một tầng chìm gọi là tầng trệt, dài cả trăm mét, hình chữ công. Theo hàng chữ Pháp để lại thì tòa nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ hai mươi. Tòa nhà kiên cố, có thể coi là một chiếc tăng-xê tin cậy. Cả ngày hôm ấy, toàn bộ trung đoàn bộ làm việc ở đây, chờ lệnh mới. Gã xin phép Trung đoàn trưởng Trần Giảng cho xuống các tiểu đoàn để nắm tình hình. Trần Giảng cười, bảo:
- Anh mới về, cứ tập trung nghiên cứu trên sổ sách đã. Vài hôm nữa hãy đi. Vội gì.
Trung tá Trần Giảng hơn gã hai tuổi, quê ở thị xã Hưng Yên, vui tính, mê bóng đá và rất thông minh. Trung đoàn tới đâu thì việc đầu tiên là tìm chỗ đặt đài quan sát, việc thứ hai là tìm nơi làm sân bóng đá. Bóng đá gắn với anh từ tuổi thơ bên cánh bãi sông Hồng và vỉa hè thị xã. Đi bộ đội sớm, vào chiến trường sớm, đánh nhau gan lỳ, mưu trí, lập nhiều chiến công và đương nhiên thăng tiến vùn vụt. Ba mươi hai tuổi đã là Trung đoàn trưởng, ba nhăm tuổi được phong quân hàm trung tá, coi cấp dưới, chiến sĩ như bạn bè, đá bóng thì máu lửa và cũng hơi… ăn thua. Anh gọi đùa gã là “Ông túm tóc”, quý gã vì chả biết thông tin từ đâu mà anh biết gã khá rõ, kể cả ba lần bị quản thúc, rồi cô nảo cô nào theo đuổi gã. Có lần anh đùa:
- Đẹp giai, tài hoa như anh, đến tôi còn mê huống hồ bọn con gái.
Hôm sau, Trung đoàn trưởng quyết định chuyển sở chỉ huy về động Tam Thanh, để lại sở chỉ huy tiền phương ở nhà Tây. Gã xin ở lại, nhưng trung đoàn trưởng quyết gã phải lui về tuyến sau.
Lại nói thêm về Trung đoàn 272. Đây là trung đoàn pháo phòng không, gồm bốn tiểu đoàn: Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 237 và Tiểu đoàn 9 mới được tăng cường, có nhiệm vụ cùng với các đơn vị phòng không khác bảo vệ vùng trời tỉnh. Trung đoàn được trang bị ba tiểu đoàn pháo 37 ly hai nòng, một tiểu đoàn pháo 57 ly, bố trí quanh thị xã tỉnh lỵ.
Ngay sau khi về Tam Thanh, gã xin trung đoàn cho một chiếc Sđờ-ca và một chiến sĩ cận vệ đi xuống các tiểu đoàn.
Mười phút sau Sđờ-ca tới. Suốt bốn ngày, gã đi từng đại đội, thấy các chiến sĩ rất sẵn sàng, không để bị bất ngờ, quyết tiêu diệt máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu. Gã rất phấn khởi, động viên anh em và dặn thêm:
- Tới hôm nay mà đối phương chưa dùng đến không quân là vì chúng e ngại lực lượng phòng không, không quân của chúng ta từ thời đánh Mỹ, cũng còn bởi chúng không nắm được lực lượng phòng không của ta. Vì thế chúng sẽ tung lực lượng thám báo, biệt kích đi thăm dò. Kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường miền Nam là phải tuyệt đối đề phòng bọn mặt đất, bọn sơn cước…
Sau mấy ngày thị sát, gã trình lên Ban chỉ huy ba phương án về công tác cán bộ, có tới bốn phương án thay thế. Trung đoàn trưởng Trần Giảng và Chính ủy Nguyễn Tiến Sang hết lời khen ngợi.
Ngày 24 tháng 2, quân khu yêu cầu các Trưởng tiểu ban Cán bộ của các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên phải đem tất cả hồ sơ cán bộ và phương án thay thế về quân khu.
Trước khi đi, Trung đoàn trưởng bảo:
- Nộp xong hồ sơ, anh có thể tạt về nhà ba ngày thăm chị và các cháu. Ở đây đã có đồng chí Kham.
Gã cảm động lắm.
Gã tranh thủ tạt về nhà vì khi đi anh em gom góp được hơn tạ gạo, mấy thùng lương khô, ít đường sữa, lại nhân tiện có xe gã nhờ anh em mua cho vài tạ sắn khô đem về cứu đói cho dân làng. Nhưng gã chỉ dám ở nhà một đêm.
Trưa 26 tháng 2 gã về tới đơn vị. Lúc này sở chỉ huy đã lui về ki-lô-mét số năm phía nam thị xã, gã phải tạt vào Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 237 đang chốt ở đầu cầu phía nam Kỳ Lừa, nhờ điện báo về trung đoàn. Trung đoàn trưởng Trần Giảng bảo:
- Từ bây giờ tới ngày mai, anh cứ ở lại “xê” 2 vì tất cả cấp trưởng tiểu đoàn, đại đội đang dự hội nghị trên này. Có gì bất thường, anh cứ thay mặt chỉ huy giải quyết. Chiều mai sẽ có xe đón.
- Rõ!
Hôm sau, gã dậy sớm, chạy một mạch qua cầu. Sông Kỳ Cùng mùa này nước cạn, trong vắt, đủng đỉnh trôi về phía tây, chảy sang bên kia biên giới. Kỳ Cùng cùng với Sê San và Sêrêpôk ở Tây Nguyên chảy ngược từ đông sang tây, từ nam lên bắc tạo nên sự đa dạng của hệ thống sông ngòi Việt Nam. Sông Kỳ Cùng không rộng, đoạn có cầu bắc qua ở trung tâm thị xã chỉ khoảng một trăm mét vì thế cầu Kỳ Cùng không dài nhưng chắc chắn và rất đẹp. Đứng trên cầu nhìn xuôi theo dòng nước, gã cứ vẩn vơ suy nghĩ về cuộc chiến cực kỳ phi lý này. Gã không hiểu phía bên kia họ đang nghĩ gì? Nhưng đòi đánh bại một dân tộc có cả ngàn năm chiến thắng thì rõ ràng là điên rồ, là không tưởng. Còn hiện tại thì cuộc chiến đã hơn cả chục ngày mà mấy chục vạn quân phía họ vẫn chỉ loanh quanh nơi biên giới, áp sát bìa ngoài thị xã Lạng Sơn… thì đâu phải đội quân hùng mạnh. Đấy là chúng chưa phải đối đầu với những quân đoàn chủ lực thiện chiến, bởi những quân đoàn ấy còn đang phải quét nốt những hang ổ cuối cùng của bọn diệt chủng Pôn Pốt…
Tiếng súng rất gần từ phía Kỳ Lừa dội tới, cắt ngang những dòng suy nghĩ của gã. Gã vội chạy về đơn vị. Các chiến sĩ đã ngồi nghiêm chỉnh trên mâm pháo. Những khẩu 37 ly hai nòng đen ánh vươn cao, hướng về phương Bắc, các chiến sĩ tiêu đồ vẫn dán mắt vào những đường bay chằng chịt của không quân đối phương, nhưng chưa có đường bay nào hướng về phía chúng ta. Có lẽ chúng sợ những chiếc MiG vừa hiện đại, vừa giàu kinh nghiệm, chúng sợ những dàn tên lửa SAM, sợ những khẩu súng gan lỳ, có mắt và sợ nhất lưới lửa phòng không nhân dân đan dày khắp nẻo Tổ quốc thân yêu… Dẫu sao thì mặt trận trên không vẫn chưa phải mở, bầu trời Tổ quốc chưa bị vấy bẩn bởi bọn giặc trời…
Khoảng chín giờ, nghe tiếng động cơ xe tăng gầm rú. Lúc sau một chiếc T-54 xuất hiện, tiến lên cầu. Các chiến sĩ nhìn rõ chiếc xe sơn cờ đỏ sao vàng, nhưng tháp pháo lại chĩa thẳng về phía thị xã. Đại đội phó quay lại hỏi ý kiến gã. Gã vô cùng lúng túng, không hiểu xe ta hay xe đối phương. Nếu xe ta thì theo quy định khi hành tiến tháp pháo phải quay về phương Bắc, đằng này rõ ràng nòng pháo, họng súng 1,7 ly phòng không đều chĩa về quân ta. Còn nếu quân đối phương, tại sao lại mang cờ đỏ sao vàng? Vả lại họ luôn tôn thờ chiến thuật biển người, tại sao lại chỉ có một chiếc xe này? Nhưng… nếu là xe phía đối phương thì thị xã sẽ vô cùng nguy cấp, mà trận địa của Đại đội 2 cũng sẽ nát nhừ dưới vành xích sắt, bởi lúc đó đại đội chỉ có súng AK, không cách gì diệt nổi xe tăng… Phải quyết định gấp. Chậm một giây là thất bại. Gã hét lên:
- Hãy bắn cảnh cáo!
Lúc này chiếc xe tăng đã tiến tới giữa cầu. Một khẩu 37 ly gần mép sông đã hạ thấp nòng. Tiếng đại đội phó lanh lảnh ra lệnh:
- Hãy bắn cảnh cáo! Mục tiêu là khẩu 12,7 ly phòng không. Bắn!
Một loạt đạn rít lên. Khẩu 12,7 ly trên xe bị bóc khỏi nóc. Xe khựng lại. Nắp xe bật tung. Năm người lần lượt chui ra. Nhưng một khẩu khác không biết do ai ra lệnh lại xả thêm một loạt. Chiếc xe bốc cháy ngùn ngụt. Trên đài quan sát, gã nhìn rõ những chiến sĩ xe tăng lao xuống sông, đang hối hả bơi về phía mình, liền hét to:
- Không được bắn! Quân mình đấy! Không được bắn!
Rồi cử mấy đồng chí cắp AK chạy vội ra, kéo đồng đội lên. Thì ra, sau những trận đánh ác liệt bên kia Kỳ Lừa, chiếc tăng này đã hết đạn, được lệnh chạy về hậu cứ tái trang bị, nhưng lại quên quy định, dẫn đến hiểu lầm.
Nhưng… trong cái rủi lại có cái may. Các chiến sĩ xe tăng của ta chưa kịp thay quần áo thì từng đoàn xe tăng của quân đối phương ầm ầm kéo đến, định vượt qua cầu. Chiếc tăng của ta bốc cháy như một chướng ngại vật bất khả vượt qua để ngăn chặn quân thù.
Không chần chừ gì nữa, tất cả bốn bệ pháo đều được hạ nòng và những viên 37 ly đỏ lừ dũng mãnh lao vào đội hình xe tăng. Nhiều chiếc bốc cháy, số còn lại cuống quýt chạy dọc bờ sông, có chiếc đâm sầm xuống nước, bọt ngầu lên ùng ục. Bộ đội ta càng đánh càng hay, những luồng đạn bắn gần vô cùng chính xác, có sức xuyên khủng khiếp. Đội hình xe tăng đối phương rối loạn, phải quay đầu chạy về phía sau. Các chiến sĩ hả hê reo hò thắng trận, bảo phen này bọn lính tăng đối phương thấy pháo phòng không Việt Nam khác nào rắn độc gặp chim bìm bịp, đứng im mà chịu chết. Thấy vậy, gã hét to:
- Các đồng chí cảnh giác. Có thể phía đối phương sẽ nã pháo trả thù.
Gã chưa dứt lời thì từng cột nước đã tung lên, quân đối phương tập trung bắn xối xả vào trận địa ta. Người ta nói pháo binh của họ thiện nghệ, bắn đâu trúng đó, chỉ là những lời đồn thổi hoặc là những mục tiêu bọn chúng đã căn đi chỉnh lại, chứ hàng trăm quả pháo hôm nay thì thật sự là nỗi nhục cho pháo binh của họ, quả thì rớt xuống sông, quả thì bay cách xa cả vài chục mét. Khi từng bầy ngựa chiến xuất hiện bên bờ Bắc định lao qua sông Kỳ Cùng thì lực lượng Đại đội 2 vẫn còn nguyên vẹn. Bốn khẩu pháo lại dội bão lửa vào đội hình lũ chiến mã Nội Mông to lớn, hung hăng như Xích Thố của Quan Vân Trường. Lũ chiến mã lồng lên rồi lao xuống nước. Gã cùng anh em, có cả những chiến sĩ xe tăng xách AK ra sát bờ sông, điểm xạ những con ngựa hung hăng vượt qua dòng nước. Xác người, xác ngựa cơi cho bờ Bắc rộng ra, thu hẹp dòng Kỳ Cùng lại. Xác đè lên xác, tiếng kêu âm âm như từ cõi tu la vọng về thê thảm, rùng rợn. Thế nhưng bọn chỉ huy vẫn hò hét xông lên, vượt sang bờ Bắc. Chả lẽ chúng định lấy sinh mạng con người làm những viên đá lấp sông? Chả lẽ chúng hy vọng chiến thuật biển người có thể tạo thành cây cầu xương thịt tấn công sang thị xã?
Nhưng rồi ý định điên rồ của bọn chỉ huy đã bị dòng nước sông Kỳ Cùng kéo đi, trả lại cho chúng những xác người, xác ngựa ở phía hạ nguồn, nơi sông Tây Giang đang lạnh lùng đón đợi. Ý đồ vượt Kỳ Cùng đánh chiếm thị xã đã bị những người lính quả cảm, mưu trí của Đại đội 2, Tiểu đoàn cao xạ 237 đánh cho tan thành mây khói…
***
Sáu ngày sau, hai dàn BM-21 của ta khai hỏa, nhất là khi lệnh tổng động viên toàn quốc được ban hành thì trưa ngày mồng 5 tháng 3 năm 1979, phía đối phương tuyên bố rút quân. Kế thừa truyền thống “Lấy chí nhân thay cường bạo”, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, chúng ta đã cho phép chúng rút quân. Thế mà dải biên cương này phải mười năm sau mới tạm thời yên tiếng súng. Đất nước tươi đẹp của chúng ta vẫn là miếng mồi ngon đặt trước mũi bè lũ tham lam, cuồng vọng.
Sau trận ấy, gã được thăng quân hàm thượng úy, rồi điều xuống Tiểu đoàn 9 làm Chính trị viên tiểu đoàn. Chả là trước đó một tuần, một nữ điệp viên của cục tình báo nước ngoài, giả làm gái buôn hoa hồi gạ tình Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9. Tiểu đoàn trưởng mê mẩn vì sắc đẹp, để nữ điệp viên ấy chụp ảnh toàn bộ phương án tác chiến của tiểu đoàn. Rất may, cơ quan phản gián của chúng ta đã kịp thời ngăn chặn, tóm gọn tên điệp viên, thu lại toàn bộ những gì đã mất. Ấy là nói số tài liệu mật, nhất là phương án tác chiến, chứ sự tha hóa, mất cảnh giác của một số cán bộ thì không cách gì lấy lại. Dẫu vậy, sự việc ở Tiểu đoàn 9 là nỗi đau, là vết nhơ nhưng cũng là bài học sâu sắc, thiết thực hơn bất cứ một bài học sách vở nào. Cả Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên, trợ lý tác chiến… đều chịu kỷ luật, rút về quân đoàn. Gã và Đại úy Thân phải về thay thế.
Đêm đầu tiên ở đất Lộc Bình, gã và Đại úy Thân đều thao thức. Sắp nửa đêm mà xa xa vẫn vọng lại tiếng đàn hát, nhảy nhót, có cả âm thanh của sự đập phá, cuồng loạn. Tiểu đoàn trưởng định rủ gã đi về phía ấy thì Chính trị viên phó tiểu đoàn ở phòng bên tỉnh dậy, bảo:
- Đấy là trung đội lái xe bất mãn, đòi được phục viên. Tiểu đoàn, rồi cả Chủ nhiệm Chính trị xuống giải thích, hứa hẹn họ vẫn không nghe. Đêm đêm họ lấy xoong nồi làm nhạc cụ, khi thì nhảy nhót, khi thì hát nhạc vàng tới sáng. Ban ngày, ăn xong lại ngủ, không chịu bảo dưỡng xe, chống đối ra mặt. Theo tôi, ngày mai các anh hãy xuống.
Gã cũng thấy nên như thế.
Sáng hôm sau, gã xuống sớm. Cả trung đội vẫn đang say sưa ngủ. Thấy ở đầu giường một đồng chí đã lớn tuổi có cây ghi-ta, gã cầm lấy, ra bàn uống nước, bập bùng tỉa một bài tiền chiến. Có tiếng ngáp dài. Một vài người ngồi dậy, rồi cả tiểu đội ngồi dậy. Hai lán bên cũng có vài người chạy sang. Người có cây đàn ghi-ta kêu to:
- Cậu lấy đàn của tôi à?
Gã ngẩng lên:
- Xin lỗi anh. Thấy các anh ngủ ngon quá, không nỡ đánh thức. Ngồi buồn, mượn anh cây đàn gẩy thử. Hơn chục năm rồi, chả sờ tới đàn, chắc các anh nghe chối tai quá mới thức dậy chứ gì?
- Không. Làm gì đến nỗi. Có biết chơi nhạc vàng không?
- Trước có chơi, giờ chắc là quên hết. Anh thích bài nào?
- Màu tím hoa sim.
- Tôi lại thích “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh.
- Cũng được. Chơi thử xem nào.
Gã so dây lại, rồi bật lên “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt…”. Tay gã lẩy những âm thanh kỳ diệu và mắt gã có màn sương phủ. Cả tiểu đội, rồi cả trung đội lặng lẽ tiến vào, mỗi người chọn cho mình một chỗ, nhẹ nhàng như sợ động mạnh thì những nốt nhạc kia, những âm thanh kia sẽ bay đi không bao giờ trở lại. “Những chiều hành quân, ôi những chiều hành quân, tím chiều hoang biền biệt...” và câu kết “Đồi sim vẫn còn trong lối cũ, gió theo người xưa ấy, đồi hoang mới tiễn biệt…”. Gã lặng đi, hát không hết câu, hạ đàn xuống, buông một tiếng thở dài. Nỗi buồn lan khắp lán.
Chủ nhân của cây đàn là chuẩn úy chuyên nghiệp Vũ Bi. Năm ấy anh đã bốn hai tuổi, vẫn sống độc thân. Quê anh ở Hà Nội, có chuyện tình tan vỡ với cô gái Nhật Tân. Anh còn ông bố ngoài tám mươi, chỉ mong con về cưới vợ. Đời anh nhiều uẩn khúc. Thương bố, nhưng không vượt qua được mặc cảm, trở thành đứa con bất hiếu. Sau gần hai mươi năm trong quân ngũ, giờ đây anh chỉ có một nguyện vọng là được phục viên về cơ quan cũ, nơi ấy có người anh yêu với lời ước hẹn bao giờ anh thôi mang áo lính thì em sẽ làm vợ của anh… Vũ Bi hỏi gã:
- Chú mày là ai? Sao giọng ca buồn thăm thẳm?
- Tôi mới được cấp trên điều về đây thay anh Triệu.
- Thế… thế… Chú mày… À không, thủ trưởng là Chính trị viên Tiểu đoàn à?
Gã gật đầu, bảo:
- Hôm qua, tôi với anh Thân mới về, nghe nói các anh có nhiều tâm sự. Sáng nay tiện đi thể dục xuống thăm các anh, có hơi đường đột, mong các anh thông cảm.
Một vài người bỏ ra ngoài. Đa số ngồi xúm lại quanh gã. Gã hỏi chuyện từng người, rồi bộc bạch kể về mình. Gã bảo:
- Tôi mê ca nhạc từ nhỏ. Khi xuống hoạt động bí mật ở Nha Trang, Màu tím hoa sim đã giúp tôi đánh lừa những tên mật thám. Bọn chúng bảo: “Bọn cộng sản ghét cay ghét đắng nhạc vàng. Chắc thằng này cũng chỉ là một thằng nhóc thất tình”. Thế đấy, nhạc vàng, nhất là những ca khúc phổ bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan là những tác phẩm âm nhạc rất hay, nhưng không phù hợp trong thời chiến - thời mà chúng ta phải quên đi tất cả, phải hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do. Nhưng tôi tin là về sau, dòng nhạc này sẽ được tôn vinh, bởi nét đẹp nhân văn tuyệt vời của nó…
Rồi gã kể về thi sĩ Hữu Loan, về mối tình của ông với cô Lê Đỗ Thị Ninh xinh đẹp, con gái ông kỹ sư canh nông Lê Đỗ Kỳ, em gái Trung tướng Phạm Hồng Cư (tức ông Lê Đỗ Nguyên), Nguyễn Tiên Phong - Bí thư Trung ương Đoàn… Màu tím hoa sim là một thi phẩm hay kể về một chuyện tình có thật. Bài thơ không có tội, tội là người đời cứ vận cái rủi ro, cái tiêu cực vào mình, âm thầm buồn, âm thầm đi lạc hướng… Cũng như các anh. Các anh có vướng mắc nhưng không chịu thổ lộ, không kiên quyết đề đạt nguyện vọng với cấp trên, sinh ra chán nản, bỏ bê công việc và lấy những đêm nhảy nhót, hát ca làm phương tiện phản kháng, vừa vô bổ, vừa khiến nhân dân quanh đây nhìn chúng ta bằng con mắt khác…
Tối khuya hôm ấy, một đoàn toàn anh em lái xe do Chuẩn úy, Trung đội phó Vũ Bi dẫn đầu lên gặp Ban chỉ huy tiểu đoàn. Họ đưa cho gã những lá đơn và hứa là khi chưa được giải quyết thì sẽ vẫn chấp hành nghiêm kỷ luật, công tác tốt, vận hành xe máy sẵn sàng. Khi họ trở về lán trại, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thân nói đùa:
- Tớ sợ mấy ông chính trị quá. Chỉ một buổi sáng thể dục, ông làm thế nào mà họ thay đổi thế?
Gã tủm tỉm cười, bảo:
- Có gì đâu. Chỉ là con người hiểu và tôn trọng con người.
Rằm tháng bảy năm ấy là một ngày khó quên, một kỷ niệm vui. Dân quanh vùng đem đến cho bộ đội cơ man nào là bánh vắt vai, có bản còn khiêng tới những chú lợn nặng cả tạ, những lồng gà sống thiến nung núc thịt.
Buổi liên hoan quân dân đang vào cao trào thì một chiếc xe tải chạy thẳng vào sân tiểu đoàn. Từ trên ca-bin, ba người đàn ông và một người đàn bà bước xuống, tiến về phía hội trường. Gã lập tức nhận ra đó là mấy đồng chí ở trung đội lái xe đã được đơn vị giải quyết cho về phục viên ngay sau khi có đơn đề nghị của Ban chỉ huy tiểu đoàn. Đi đầu chẳng phải ai xa lạ mà chính là chuẩn úy chuyên nghiệp Vũ Bi, rồi đến thượng sĩ Hòa, thượng sĩ Xuyền đều là người Hà Nội. Còn người đàn bà dáng đi nặng nhọc như đang mang bầu thì gã chịu.
Sau cái bắt tay thắm thiết, Vũ Bi ôm chầm lấy gã, nói rất cảm động:
- Hôm nay anh em chúng tôi lên đây là để cám ơn các thủ trưởng đã quan tâm. Xin giới thiệu với các thủ trưởng: Hai ông này thì các thủ trưởng nhớ rồi, còn người đàn bà này chính là cô gái cùng cơ quan có lời thề bao giờ tôi thôi mặc áo lính thì sẽ cho cưới làm chồng. Anh em tôi rủ nhau lên đây, cô ấy cứ nằng nặc đòi đi theo, bảo lên xem cái ông Chính trị viên Tiểu đoàn của anh thế nào mà tài hoa và tâm lý đến vậy.
Nghe chồng giới thiệu, cô gái thẹn thùng nép sau anh, rồi nói:
- Thưa các anh! Em có lỗi với anh Bi, với các anh. Giá không có điều kiện oái oăm của em thì anh Bi em vẫn là đồng đội của các anh. Em xin chuộc lỗi bằng cách phải tự thân lên đây và có chút quà biếu các anh, mong các anh nhận cho.
Gã phấn chấn nói:
- Thay mặt đơn vị xin cám ơn chị và ba anh. Chưa biết các anh các chị cho quà gì, nhưng tôi xin nhận hết. Bây giờ mời các anh, mời chị vào dự buổi liên hoan quân dân đoàn kết nhân ngày xá tội vong nhân. Anh Bi lớn tuổi hơn tôi, lại không còn là quân của tiểu đoàn nên cứ xưng anh em cho tình cảm. Có được không bà chị?
Mọi người vỗ tay hoan hỷ. Cuộc liên hoan kéo dài mấy tiếng đồng hồ, không còn chuyện gì là không được giãi bày, không còn điều gì giấu nhau, giống như người trong một gia đình.
Rượu vào, tâm hồn thăng hoa bay bổng, gã bảo đồng chí liên lạc chạy về tiểu đoàn bộ lấy cây đàn ghi-ta Vũ Bi kỷ niệm, đề nghị Vũ Bi song ca ca khúc “Những đồi hoa sim” với gã. Vũ Bi giãy nảy:
- Ai lại thế? Tôi đã nhận thức được rồi. Lúc này mà hát những ca khúc ấy là không nên.
Gã bảo:
- Quan niệm thế nào là do con người. Năm 1946 khi phải sang Pháp, Bác Hồ giao trọng trách cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh lo lắm, hỏi nhiều về kế sách giữ nước. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta chỉ nói vẻn vẹn có sáu từ chữ Hán “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nghĩa là lấy cái không thay đổi - chính là quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc để ứng phó với mọi thay đổi, mọi biến động của thời cuộc. Với chúng ta, nếu chúng ta một lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược thì một bài nhạc vàng chứ cả ngàn bài cũng không thể làm chúng ta giảm sút ý chí chiến đấu, quyết tâm giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu. Nào, ta bắt đầu.
Gã bật ghi-ta và cất câu hát “Những chiều hành quân, ôi những chiều hành quân, tím chiều hoang biền biệt…”. Vũ Bi vội bắt theo. Và hai người hòa chung giọng hát. Vợ Bi ngây ra, rồi nước mắt chảy tràn. Hát xong, gã hô to:
- Để không phải có những chiều hoang biền biệt, không phải lặp lại bi kịch “Màu tím hoa sim”, chúng ta nhất định chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Cả hội trường hô vang hai từ “Chiến thắng!”. Từ liên hoan mặn thành liên hoan văn nghệ. Ba đồng chí đã phục viên và cả vợ Bi, cả Tiểu đoàn trưởng Thân, cả ông Chủ tịch xã và cán bộ, chiến sĩ… người hát, người đọc thơ, lại có người xin độc tấu… Cuộc liên hoan tưởng không có hồi kết thúc.
Dẫu vậy, tới điểm dừng thì vẫn phải dừng. Liên hoan xong, gã cho quản lý ra nhận quà. Ôi trời, toàn những đồ quý hiếm. Quý nhất là mấy thùng mắm tôm, hơn tấn cá khô, một tấn muối trắng, mấy tạ gạo nếp, lại còn mắm ruốc, xà phòng, khăn mặt… toàn hàng nhu yếu phục vụ bữa ăn cán bộ, chiến sĩ. Thấy số lượng quá lớn, gã ngạc nhiên hỏi vợ chồng Bi lấy đâu ra mà nhiều thứ thế. Vợ Bi bảo chúng em chỉ có một xe tải, chứ ba bốn xe tải cũng vẫn thừa hàng để chở, bởi khi nghe chúng em lên chốt biên giới, chẳng ai bảo ai, các cơ quan, các gia đình, các cá nhân cứ ùn ùn mang tới. Kho cơ quan em hiện còn hai gian đựng toàn hàng ủng hộ để chuyển lên tuyến đầu đánh quân xâm lược.
Mọi người nghe chuyện đều vô cùng cảm động. Gã hội ý với Tiểu đoàn trưởng, rồi kéo ông Chủ tịch xã, bảo:
- Nhân dịp này, đồng chí cho chúng tôi gửi lời cám ơn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Nhân các anh chị ở Hà Nội đem cho nhiều quà, chúng tôi xin được gửi tặng Đảng bộ và nhân dân trong xã một ít muối, một ít cá khô… gọi là của ít lòng nhiều, mong đồng chí nhận cho.
Ông Chủ tịch giãy nảy, gã và cả những vị khách Hà Nội phải thuyết phục mãi ông mới chịu nhận. Lập tức đơn vị cho xe chở hàng đi theo ông Chủ tịch về bản.
***
Đầu năm 1981, đơn vị đang phát triển tốt thì gã được điều về quân đoàn làm trợ lý cán bộ.
Một buổi tối, Thượng tá Trưởng phòng Cán bộ dân xứ Nghệ, gọi gã lên:
- Đồng chí được điều về quân đoàn là để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt. Nhưng cấp trên chưa quyết định thời điểm hoạt động, nên ngày mai đồng chí đi với Tư lệnh xuống Sư đoàn 337 đang đứng chân ở Cao Lộc. Đồng chí có ý kiến gì không?
- Không ạ. Em mong sớm được nhận nhiệm vụ mà.
- Tốt.
Đoàn có mười hai người đi hai xe. Tư lệnh Hoàng Đan vẫn đi chiếc com-măng-ca kéo theo rơ-moóc để thu lượm thức ăn nuôi mười sáu con lợn (Chả là cơ quan giúp việc cho Tư lệnh có tất cả mười lăm người, Tư lệnh là mười sáu. Tiêu chuẩn mỗi người phải có một đầu lợn và ba thước rau xanh để cải thiện bữa ăn và nâng cao mức sống). Số còn lại đi chung một chiếc xe tải cải tiến, trong đó có bốn đại tá, hai trung tá, gã và hai đồng chí cảnh vệ.
Từ Đồng Mỏ xe qua thị xã Lạng Sơn, vượt cầu phao qua bên Kỳ Lừa rồi tiến thẳng về sở chỉ huy Sư đoàn 337. Tư lệnh dừng lại khoảng ba mươi phút làm việc với sư đoàn, rồi tiếp tục tiến về xã Thanh Hòa - nơi có bình độ 400 đang bị quân đối phương chiếm đóng. Cách bình độ khoảng hai ki-lô-mét, Tư lệnh bảo mọi người xuống xe, đi bộ. Lúc này đoàn đã có thêm ba cán bộ tác chiến và hai chiến sĩ trinh sát dẫn đường. Các chiến sĩ trinh sát cắt góc phương vị tiến thẳng về bình độ. Còn cách bình độ chừng năm trăm mét thì xảy ra sự cố. Chiến sĩ trinh sát đi đầu thụt xuống một hố sâu. Từ hố sâu ấy, một đàn ong đất vù vù bay lên, che kín một khoảng rừng. Mọi người hoảng loạn quay đầu chạy ngược lại. Nhưng đàn ong như những chiếc trực thăng tý xíu nhanh hơn nhiều. Chúng đuổi theo, bu kín từng người mà đốt. Gã đi ngay sau Tư lệnh, thấy ông quay lại, giơ hai tay đè ập xuống, rồi ông bình tĩnh nằm ép người xuống đất. Lũ ong bu tới đậu kín lưng ông, nhưng rồi lại bay vù lên, đuổi theo những người khác. Gã lập tức làm theo, nên chỉ bị ba vết đốt vào tay và gáy. Còn Tư lệnh hoàn toàn vô sự. Trận oanh kích của đàn ong đất khiến mọi người mặt mũi sưng vù. Cũng may là trời còn rét nên ai cũng mặc áo dày, đỡ được phần thân. Tuy vậy cũng có tới bốn đồng chí ngất xỉu, mấy người khác lên cơn sốt, nóng hầm hập. Rất may đồng chí trinh sát người dân tộc Nùng có nhiều kinh nghiệm chống độc, lại đem theo bộ đàm liên lạc ngay về Sư đoàn 337. Sư đoàn lập tức điều bác sĩ đem thuốc cấp cứu và xe tới đón. Trưa hôm ấy gần chục đồng chí phải lên trực thăng về 108 chữa trị. Thật là một sự cố hết hồn, hoàn toàn ngoài ý muốn. Riêng gã chỉ bị ba vết đốt, nhưng trên đường quay về lại sa xuống hố, đập đầu vào đá choáng váng, hôm sau cũng phải về Quân y viện 110 điều trị.
Ở quân y viện, gã lại bị tái phát sốt rét, hai đầu gối sưng tấy, tim đập thình thình như trống trận, lại phát sinh thêm chứng rối loạn tiền đình, khiến gã mất ngủ, gầy rộc đi. Lãnh đạo viện phải tổ chức hội chẩn và kết luận: Bệnh cũ tái phát do va đập mạnh ảnh hưởng não bộ và suy nhược cơ thể. Yêu cầu: Lao động và làm việc nhẹ, tránh bị kích động.
Hết hai mươi mốt ngày theo quy định, gã được ra viện, kèm theo một giấy hẹn.
Nghỉ ngơi được ba ngày thì Thượng tá Trưởng phòng Cán bộ gọi lên:
- Đồng chí thấy người thế nào?
- Em cũng đơ đỡ.
- Cụ thể?
- Sốt rét đã cắt nhưng đầu gối vẫn đau, tim vẫn đập nhanh và nhất là bị chóng mặt vì rối loạn tiền đình.
- Hết sốt rét là tốt rồi. Còn đau đầu gối thì ở tuổi cậu ai cũng vậy thôi. Đau đầu, chóng mặt là do máu lên não ít, cậu phải chịu khó uống thuốc dưỡng não kết hợp gãi đầu, giựt tóc là sẽ khỏi… Bây giờ cấp trên đang có nhiệm vụ quan trọng giao cho đồng chí, đồng chí có sẵn sàng nhận không?
- Em sẽ cố gắng. Chỉ sợ…
- Tốt! Thôi đồng chí về tĩnh dưỡng, bao giờ có lệnh thì nghiêm chỉnh chấp hành.
Gã về, buồn và lo. Buồn vì cấp trên có vẻ nghi ngờ, còn lo không đủ sức khỏe để thi hành nhiệm vụ.
Một tuần sau, gã lại thấy người ngây ngấy sốt. Gã lên đề nghị với trưởng phòng cho về Quân y viện 110 theo giấy hẹn. Trưởng phòng trân trân nhìn gã, rồi hỏi:
- Khi vào Đảng đồng chí thề những gì?
Gã choáng váng. Thế là rõ. Trưởng phòng đang nghi ngờ. Và đó là sự xúc phạm lớn đối với gã. Máu trong người gã bắt đầu sôi lên, tim đập thình thịch. Gã không thể bình tĩnh được nữa, bèn hỏi lại:
- Đồng chí hỏi thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là thế nào ư? Tôi đã về tận Quân y viện 110, người ta xác nhận là đồng chí chỉ hơi bị suy nhược cơ thể, nghỉ ngơi bồi dưỡng một tuần là sẽ hồi phục. Ngày mai đồng chí nhận nhiệm vụ mới, thì hôm nay đồng chí xin đi viện. Đồng chí giải thích xem, thế là thế nào?
- Có nghĩa là đồng chí nghi tôi giả vờ, cáo ốm để thoái thác nhiệm vụ?
- Đúng vậy. Đồng chí thông minh lắm.
- Tôi nói cho đồng chí biết, ốm tha già thải. Bây giờ y học phát triển, không ai có thể giả vờ, vì vậy không ai có quyền bắt một người đang ốm phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Tôi sẽ về Quân y viện 110 ngay hôm nay, không cần sự đồng ý của đồng chí.
- Vô kỷ luật! Đây. Quyết định thăng quân hàm đại úy của đồng chí đây. Nhưng trao hay không lại do đồng chí. Đương nhiên không ai trao quân hàm cho một kẻ đã mất hết ý chí chiến đấu…
- Câm mồm! - Gã tiến lại bàn làm việc của thượng tá. Mắt gã long lên, năm ngón tay đã quắp lại. - Kẻ nào xúc phạm tới danh dự người lính, nhất là người lính ấy là một sĩ quan hết mực trung thành, kẻ đó sẽ phải trả giá, dù đã là…
- Ớ ớ… cậu dám!
Lúc ấy, các phòng khác cánh cửa đã bật mở. Mọi người ùa ra, can ngăn. Đại tá - Chủ nhiệm Chính trị đi từ dốc xuống, khẽ khàng bảo:
- Các đồng chí về phòng làm việc đi. Còn hai đồng chí có chuyện gì?
Thượng tá trình bày với Chủ nhiệm Chính trị rằng gã giả vờ ốm, đòi đi viện, không chịu nhận nhiệm vụ. Gã thì uất ức không nói thành lời, cơn rối loạn tiền đình lại ập đến, gã vội vịn vào cánh cửa, rồi ngã lăn ra đất. Bác sĩ đến, đo nhiệt độ, hốt hoảng kêu lên:
- Cấp cứu! Đưa ngay về phòng cấp cứu!
Lần đầu tiên gã sốt tới 42 độ. Trạm xá quân đoàn phải đưa xe cấp cứu về ngay Quân y viện 110. Một tuần sau gã mới tỉnh. Nằm ở Quân y viện 110 gã vô cùng buồn bực. Cấp trên không hiểu gã. Những năm tháng ở chiến trường miền Nam, những tháng ngày ở Trung đoàn 272 chả lẽ không đủ để chứng minh con người của gã? Tại sao gã với mấy ông cấp trên lại hay xảy ra xung đột? Ở Đoàn 253 nếu không phải ông Nguyên là Trưởng ban Cán bộ thì gã đã được chuyển ngành về huyện. Còn ở đây không phải ông thượng tá này làm Trưởng phòng Cán bộ thì gã đâu bị kích động đến nỗi suýt nữa mất mạng, đâu phải nằm viện ly bì. Gã chẳng muốn báo tin này cho Lê và gia đình. Gã không muốn người khác phải lo cho gã. Có hai điều gã thật sự băn khoăn: Không biết nhiệm vụ mà gã được giao là nhiệm vụ gì và có đúng là Quân y viện 110 đã nói với Trưởng phòng Cán bộ của gã như thế không? Gã muốn biết rõ sự thật.
Một hôm một nữ bác sĩ đến khám cho gã. Vừa bước vào, nữ bác sĩ đã kêu lên:
- Ô anh. Có phải anh không? Anh không nhận ra em à? Em là vợ anh Hựu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 đây. Nhà em ở Đại Tân, Quế Võ, đã có lần anh về chơi nhà em rồi mà.
- Vâng. Tôi nhận ra rồi. Thế các cụ và các cháu có khỏe không?
- Cám ơn anh. Các cụ nhà em vẫn khỏe. Các cháu ngoan. Em chỉ buồn cho anh Hựu nhà em…
- Thế cô cũng biết chuyện anh Hựu à?
- Một cậu làm khẩu đội trưởng ở “xê” 1, “dê” 9 là người làng bên, đã sang kể hết cho em. Em không ghen đâu, chỉ lo cho anh ấy. Người đâu mà cả tin. Gái đẹp thì đàn ông nào mà chả thích, nhưng phải cảnh giác chứ. May mà công an người ta bắt được, không thì anh Hựu nhà em làm sao gánh nổi tội này.
- Không sao đâu. Mọi việc đã yên ổn. Tôi vẫn gặp anh ấy luôn vì tôi cũng được điều về quân đoàn. Bên cán bộ với bên tác chiến, tuy cách nhau mấy quả đồi, nhưng đồng hương vẫn gặp nhau, thi thoảng còn rủ nhau ra Đồng Mỏ làm mấy vại bia cơ đấy.
- Vâng. Em cũng vẫn yên tâm. Nhưng ông nhà em uất lắm. Anh Hựu lâu nay không dám về vì sợ ông em. Em đã cố giấu cụ mà không hiểu tại sao cụ lại biết. Cụ dọa thằng Hựu mà vác mặt về đây là tao chém. Em phải van xin mãi cụ mới nguôi nguôi đấy… Thôi, em khám bệnh cho anh đã. Lúc nào anh em lại nói chuyện.
Gã tỷ tê hỏi cô bác sĩ vợ Hựu xem có phải ông thượng tá xứ Nghệ đã về đây, bệnh viện đã nhận xét là gã đủ sức khỏe để nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Cô bác sĩ bảo để em về hỏi anh viện phó. Tối hôm ấy cô tới bảo chẳng có ông thượng tá nào hỏi về anh, mà bệnh viện viết trong giấy ra viện thế nào là đúng như thế, không ai được phép nói khác. Nhưng cô thắc mắc vì sao gã lại hỏi điều đó. Cô còn bảo sức khỏe của anh không trụ được trong quân đội. Tốt nhất là anh xin chuyển ngành hoặc về nhà giúp chị. Gã cảm ơn. Từ hôm ấy gã manh nha chuyện phục viên. Từ manh nha tới quyết tâm. Và rồi gã quyết định về với Lê, rau cháo nuôi nhau.
***
Ra viện, mặc dù bệnh viện chỉ cách nhà khoảng hai chục ki-lô-mét, nhưng gã không tranh thủ về nhà mà lên thẳng đơn vị, lo chuyện xin phục viên. Rất may, cái ông thượng tá kia đã được chuyển đơn vị, thay ông là ông thượng tá quê Lục Nam, nhà ở ngay Đồi Ngô mà có lần đưa cán bộ lên Trường Văn hóa quân khu ở Chũ, gã đã ghé vào chơi. Ông thượng tá mới mời gã lên, bảo:
- Nhiệm vụ mà cấp trên định giao cho cậu đã có người khác đi thay rồi. Người ta mê cậu vì cậu có ba điểm hơn các cán bộ khác: Một là cậu đã từng là lính đặc công, lại có thời gian hoạt động hợp pháp ở Nha Trang; Hai là cậu biết tiếng nước ngoài; Ba là cậu võ giỏi. Nhưng sức khỏe cậu kém quá. Đấy là sự thật chứ không phải cậu sợ hy sinh, gian khổ, giảm sút ý chí chiến đấu như ý kiến của anh Á. Tư lệnh Hoàng Đan bảo chỉ với một chuyến đi thực địa lên Cao Lộc cũng đủ chứng minh điều đó. Bây giờ cậu đã ra viện, cậu có thể ở đây làm trợ lý cho tôi, có thể về lại Trung đoàn 272, anh em dưới ấy quý cậu lắm. Cho cậu lựa chọn.
Không cần suy nghĩ, gã nói luôn:
- Em cám ơn sự ưu ái của thủ trưởng. Nhưng em xin các thủ trưởng cho em ra quân.
- Ra quân? Sao lại thế? Năm nay cậu mới ba bảy tuổi, sức khỏe rồi sẽ hồi phục. Tôi đưa cậu về Trung đoàn 272 là về làm Phó Chủ nhiệm Chính trị. Còn nếu ở trên này thì tháng sau quân khu thành lập trung đoàn cao xạ mới cũng sẽ đưa cậu về làm Chủ nhiệm Chính trị. Bây giờ cậu lại xin ra quân. Mà cậu ra quân bằng hình thức nào? Hưu thì chưa đủ thời gian. Mất sức cũng chưa đủ phần trăm. Chả nhẽ lại về phục viên. Mười tám năm tại ngũ, cả chục năm lăn lộn ở chiến trường, bao nhiêu gian lao, vất vả. Chả nhẽ chỉ vì tự ái cá nhân mà cậu nỡ sổ toẹt tất cả? Vả lại quyết định thăng quân hàm đại úy của cậu đây. Đã ra quân thì ai dám trao quân hàm cho cậu?...
Thượng tá nói một lèo, vẻ bất bình lộ trên khuôn mặt đôn hậu của người cán bộ từng trải. Gã cảm động lắm, nhưng lại bình tĩnh giảng giải:
- Chỗ đồng hương, lại có chút quen biết, em nói thật. Sau những gì ông Á đối xử với em, em đã ngán lắm rồi. Hơn mười tám năm trong quân ngũ, ba lần bị quản thúc, một lần nguyện vọng chính đáng bị từ chối, một lần nhầm thành phần, một lần bị cấp trên quy chụp, hai lần bị giữ lại quân hàm… Anh bảo em còn sức đâu mà phục vụ Quân đội. Vả lại, vợ em một nách ba đứa con gái, nông thôn lại đang khoán một trăm, cơ hội cho nông dân đổi đời nhưng cũng là nguy cơ cho những gia đình thiếu lao động. Đã đến lúc em phải sống cho mình, cho vợ con. Mong thủ trưởng chiếu cố.
Trưởng phòng Cán bộ buồn lắm. Ông bảo gã hãy về, để ông tính.
Vì nguyện vọng của gã như vậy, nên tạm thời gã không được phân công công tác. Chủ nhật sau, gã bắt xe lên Trung đoàn 272 chơi, tình cờ gặp thằng bạn đang làm Phó Chủ tịch phụ trách chính trị Hội đồng giám định y khoa khu vực Lạng Sơn. Gã thành thực tâm sự với bạn. Bạn gã bảo:
- Tôi không ngờ ông lại khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi đến thế. Với mười tám năm trong quân ngũ dù có quy đổi ông cũng không đủ ba mươi năm để về hưu. Nhưng về mất sức thì có thể. Thực ra về mất sức thì chỉ kém về hưu có mười phần trăm lương, còn mọi chế độ tem phiếu thì vẫn thế. Có điều nếu được về hưu bắt buộc họ phải trao quân hàm đại úy cho ông, còn nếu về mất sức thì không bao giờ. Cái thiệt lớn nhất là ở chỗ đó. Ông thử tính kỹ xem.
- Nói thật với ông, đã quyết tâm về thì kể gì đại hay thượng. Nếu chỉ vì mục tiêu lên cấp, lên chức thì tôi đã chẳng thế này. Ông biết tính tôi rồi đấy. Đói rét, đau đớn có thể chịu được, nhưng bị xúc phạm thì không.
- Nếu vậy thì thứ năm tuần sau, ông xin giấy giới thiệu của quân y quân đoàn lên đây. Nhiều thì không dám nói, chứ 61 phần trăm để ông về mất sức thì thoải mái.
Thứ năm tuần sau, gã có mặt rất sớm ở trụ sở Hội đồng giám định. Bạn của gã phải đi công tác không có mặt, nhưng chỉ sau vài vòng khám, gã được hội đồng kết luận: Mất sức lao động 61 phần trăm. Về đơn vị giải quyết chính sách.
Cầm tờ kết luận giám định y khoa, chuẩn bị về với vợ, với con, thỏa mãn nguyện vọng bấy lâu nay mong đợi, tưởng gã sẽ vô cùng phấn khởi. Nhưng ngược lại, gã thấy có cái gì đó rấm rứt trong từng tế bào, từng vi ti huyết quản. Nỗi buồn về một sự kết thúc không hoàn hảo, về sự chia xa với những người đồng đội thân yêu, khiến gã như người lẩn thẩn. Mười tám năm là cả một quãng đường dài, là thời gian đủ để đứa trẻ lọt lòng trở thành một chàng trai tráng kiện, một cô gái mơn mởn xinh tươi thập thò trước căn buồng hạnh phúc. Chàng trai ấy, cô gái ấy như chú đại bàng đủ lông, đủ cánh, nhún chân, vỗ cánh bay lên khoảng trời xanh tít tắp, đi tìm vinh quang, đi tìm chân lý. Đó chính là thời điểm thiêng liêng nhất quyết định số phận quang vinh, anh hùng hay tiểu nhân, hèn đớn của một kiếp người… Còn gã, sau mười tám năm, gã như con chim không vượt nổi phong ba, bão táp, gãy cánh tìm về tổ cũ, quanh quẩn kiếm ăn, thơ thẩn ngắm bầu trời trong lũy tre làng.
Đêm ấy, gã không ngủ được. Quãng đời mười tám năm như cuộn phim tự quay, tự mở. Trừ ba ba là chín tháng bị quản thúc, gã tự thấy mình đã phấn đấu hết mình, đã cháy hết mình cho sự nghiệp mà gã tôn thờ, đã chững chạc đi trên con đường đầy chông gai thử thách, đã qua bao nhiêu trải nghiệm cay đắng, ngọt bùi như lời tổ phụ dặn dò… dù rằng con đường ấy không phải là lựa chọn ban đầu, không phải lựa chọn của tương lai. Nhưng cái mà gã không tránh được, không cưỡng được, đó là định mệnh. Định mệnh bắt gã phải gặp những hoàn cảnh trớ trêu. Định mệnh bắt gã phải sống, làm việc với những con người không bao giờ hiểu cho người khác. Định mệnh phú cho gã sự cố chấp nghiệt ngã. Gã không chịu cúi đầu, không chịu hàng phục. Điều đó tốt thôi. Nhưng trong gã không tồn tại chữ Nhẫn. Đó chính là gót chân A-sin để gã không tồn tại, để gã không đạt được mục tiêu chính đáng của mình…
Gần sáng, gã thiếp đi. Giấc mơ lại đến. Gã biết là gã sẽ mơ. Những giấc mơ đã gắn vào đời gã. Nhiều cái cuộc sống không dạy, nhưng giấc mơ lại dạy. Giấc mơ vạch cho gã những giải pháp, những cách ứng xử, cho gã niềm tin, báo cho gã những điều sắp đến… Gã phải cảm ơn những giấc mơ ấy, bởi những giấc mơ là sự tồn tại khách quan. Các nhà khoa học có đủ chứng lý để con người phải tin, phải tôn trọng và nghiêm chỉnh suy ngẫm.
Lạ nhất là lần này gã gặp một giấc mơ không lời, giống như một vở kịch câm, đầy thách đố. Những người con gái thân thiết với gã đã mất, đều xuất hiện. Nào là Ành, là Mến, là Hà, là Mơ… và cả cái cô biệt động xinh đẹp làm kế toán công ty Nha Nghĩa… Rồi những người đàn ông, gã biết và không biết. Họ sắp thành những hàng dài, tít tắp, vô tận rùng rùng tiến về phía trước. Trên bầu trời xám xịt mây đen, gã chợt thấy một vầng hào quang, nhác thấy tổ phụ, tổ mẫu và những đội quân trùng điệp. Tất cả đang đội ngũ chỉnh tề, trên trời, dưới đất tiến về phía trước. Gã cuống quýt chạy theo, níu lấy tay Ành. Ành giằng tay gã. Tổ phụ, tổ mẫu nhìn gã buồn buồn, đầy thất vọng. Gã chới với gọi Ành, gọi những người bạn và van nài tổ phụ. Nhưng họ cứ mải miết hành quân, hướng về phương Bắc, về phía chân trời. Toàn thân gã toát mồ hôi…Và gã bừng tỉnh dậy.
***
Thượng tá Trưởng phòng Cán bộ lại gọi gã lên:
- Tôi biết cậu giám định mất 61 phần trăm sức khỏe rồi. Cậu đủ tiêu chuẩn về mất sức. Nhưng thật tình là tôi tiếc. Anh Á cũng đã điện cho tôi, gửi lời xin lỗi cậu. Cậu không đáng bị đối xử như thế. Tư lệnh Hoàng Đan hôm nọ cũng hỏi cậu. Hôm nay mời cậu lên đây để thương lượng. Tôi và anh em muốn đề nghị cậu ở lại. Chỉ chưa đầy hai năm nữa, cậu sẽ đủ thời gian nghỉ hưu. Tôi sẽ bố trí một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của cậu. Cậu thấy thế nào?
Gã cảm động lắm. Đến giờ phút này, trong thâm tâm gã không còn oán trách ai nữa, gã coi số phận đã an bài. Và gã cám ơn tất cả mọi người. Nhưng gã đã nói, gã đã nằng nặc xin về, chả lẽ chỉ vì cái quân hàm đại úy, chỉ vì mười phần trăm lương tháng mà phản bội chính mình, phản bội nguyên tắc sống bất di bất dịch của cha ông, cụ kỵ, của dòng họ vốn quen “Nhất ngôn cửu đỉnh”. Gã buồn buồn thưa với thượng tá:
- Anh ạ. Em cám ơn anh nhiều lắm. Em coi anh cũng như anh cả, anh hai em ở nhà. Nhưng chính em là người xin về chứ có ai bắt em phải về đâu. Em không thể phản bội lời nói của mình…
Thượng tá chỉ còn biết lắc đầu.
Dùng dằng mãi đến khi kết thúc những trận đánh ác liệt trên bình độ 400, gã mới chính thức có quyết định nghỉ mất sức, tháng Tư năm sau lên nhận sổ.
Chính ủy Trung đoàn pháo cao xạ 272 - Thượng tá Nguyễn Tiến Sang điện cho gã:
- Ngày mai, Ban chỉ huy trung đoàn tổ chức buổi liên hoan chia tay cậu. Cậu cố gắng sắp xếp đừng phụ tấm lòng của chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trung đoàn.
Đầu dây bên này giọng gã nghẹn lại. Người ta chỉ nghe thoang thoảng, ngắt quãng hai chữ cám ơn mọng đầy nước mắt. Dẫu sao, gã với trung đoàn cũng có nhiều kỷ niệm, gắn bó từ những ngày đầu và gã vẫn được nhận xét là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, có trách nhiện, dày kinh nghiệm, được cán bộ, chiến sĩ vô cùng yêu quý. Thượng tá trưởng phòng cùng đi với gã. Cuộc chia tay chân tình và cảm động, nhất là khi gã đọc bài thơ “Lời chào tiễn biệt”.
Chào đồng chí tôi về chốn cũ
Nơi tiễn tôi đi là nơi đón tôi về
Mười tám năm dù chưa trọn lời thề
Đâu phải tại tôi, tại thời gian cả đó
Tại cánh cửa cuộc đời khi kín bưng, khi ngỏ
Người duy tâm bảo số phận tôi “đen”
Cũng có người chê, cũng có kẻ khen
Tôi bình thản như cuộc đời phải thế!
Mười tám năm lên rừng xuống bể
Dấu chân trần có Bắc, có Nam
Có vị đắng măng rừng, vị ngọt chuối cam
Có Trường Sơn mưa tràn, nắng lửa
Đảng bảo tiến lên, tôi bước lên tiếp nữa
Phía trước có quân thù, tôi nổ súng xông lên
Dám hy sinh đâu phải muốn nêu tên
Nhưng biết tự hào khi huân chương trên ngực
Tôi chậm trễ phải đâu vô ý thức
Sự nghiệp giữa dòng đâu phải tại tôi.
Buổi liên hoan tiễn biệt đã đến rồi
Như ánh dương tàn ắt sẽ là đêm tối
Tôi và bạn rẽ theo hai lối
Bạn chúc mừng tôi, tôi nén khóc nhận mừng.
Buổi chia tay nhộn nhịp tưng bừng
Mọi ngả đường đều đổ về số phận
Chào bạn nhé!... Chúc “cam lai khổ tận”
Cho tôi chào. Chào sự nghiệp của chúng ta!
Đó là buổi tối thứ ba ngày mồng Tám tháng Chín năm 1981, âm lịch là ngày Mười Một tháng Tám năm Tân Dậu. Chính ủy Nguyễn Tiến Sang chúc gã một cốc rượu đầy. Ông buồn buồn nói:
- Tôi không ngờ phải chia tay cậu. Ngoài kia trăng tháng Tám đang lên. Tôi không dám ví cậu như ánh trăng, nhưng tôi có thể ví cậu như một ngôi sao, bởi mỗi người đều có ngôi sao của riêng mình. Mong rằng trở lại đời thường, cậu đừng đánh mất phẩm chất của một ngôi sao.
Rồi ông ngửa cổ uống cạn. Gã cũng uống cạn. Rồi từng người, từng người chúc gã. Gã đón nhận mọi mối ân tình. Người ta phải dìu gã lên xe.
Sáng hôm sau, gã thấy trên bàn làm việc chất đầy một đống quà. Gã dậy, đánh răng, rửa mặt, không đi ăn sáng mà đi chào tất cả mọi người, định nhờ một đồng chí công vụ lai xe ra ga Đồng Mỏ, thì một đồng chí lái xe tới:
- Báo cáo anh, tôi được lệnh mời anh ra xe, để tôi đưa anh về quê.
Gã ngượng nghịu từ chối, nhưng lái xe bảo:
- Các thủ trưởng có ít quà phải chở bằng xe tải. Thôi, mời anh.
Miệng nói, tay xách ba lô, thêm một đồng chí cảnh vệ bê hết số quà ra xe. Gã luống cuống cảm ơn, bắt tay những người ra tiễn, rồi lên xe. Gã thấy trên xe có rất nhiều gỗ. Hỏi. Lái xe bảo đấy là quà của các thủ trưởng để gã thêm thắt dựng lấy ngôi nhà. Có an cư mới lạc nghiệp. Các thủ trưởng bảo thế. Gã ngồi im như tượng, buồn vui chộn rộn, xen lẫn niềm tiếc thương và nỗi đau mất mát.