Không ai biết 776 là đoàn gì, ở đâu. Chỉ biết những người được tuyển đều là các sĩ quan có cấp bậc từ thiếu úy trở lên, đã từng công tác và chiến đấu trong binh chủng đặc công, trinh sát hoặc đã là những sĩ quan có thời gian ở ngành quân pháp, ngành bảo vệ. Mỗi người đều đem hồ sơ, lý lịch được đóng dấu bảo mật kín mít xung quanh, tự tìm về Đoàn 871 ở Gia Lâm.
Gã chia tay Đoàn 253 trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Buồn bởi đã ba năm gắn bó, nhiều kỷ niệm khó quên. Vui bởi sự thay đổi, bởi không phải sống, làm việc với một vài cá nhân định kiến lẫn nhau, nhất là với ông Đại úy, Trưởng ban Cán bộ xứ Nghệ.
Gã lại đạp xe. Một ba lô căng phồng, một bao tải cồng kềnh. Đây là những gì gã được hưởng, được đơn vị, bạn bè ưu ái. Cảm động nhất là tổ làm bánh nướng. Các em chạy theo, em nào cũng dúi vào tay gã một túi… bánh nướng, có cả những bánh xà phòng thơm, những lọ nước hoa và khăn mặt. Đoàn trưởng Phan Trọng Quang và Chính ủy Phạm Chí Dũng cũng ra tận cổng tiễn đưa. Chính ủy bảo:
- Cậu thông cảm với bọn mình. Việc cậu đi 776 là do Phòng Cán bộ Quân khu quyết định chứ không phải do đoàn. Rất tiếc là việc điều động này lại trùng hợp với thời điểm cậu xin chuyển ngành, thành ra có thể có sự hiểu lầm.
Gã cười cười bảo:
- Không có sự hiểu lầm nào đâu thủ trưởng ạ. Cái gì đã qua thì cho nó qua, bởi quả đất tròn, biết đâu lại chả có ngày gặp lại.
Gã lên xe, ngược dòng Lai Hạ mà tưởng ngược lại cuộc chiến tranh đẫm máu gần chục năm trời. Ba lần bị quản thúc cũng do sự hiểu lầm, lần này đột ngột bị điều động đi đâu không biết cũng do sự hiểu lầm. Không biết đời gã sẽ còn bao nhiêu lần bị hiểu lầm nữa. Giá đời người chỉ như dòng nước, một đi không trở lại, chỉ chảy xuôi dòng, chả bao giờ phải gắng gượng vượt những đoạn đường dài thì yên bình biết mấy.
Về đến nhà, vợ vẫn chưa đi làm về. Gã ra nhà trẻ đón con. Bé Thùy mới sáu tháng mà đã nhận ra bố. Con bé nép sát vào ngực gã, đưa bàn tay nhỏ xíu xoa xoa lên mặt bố, rồi cười như nắc nẻ. Gã quên hết mọi buồn phiền. Ước gì gã không phải đi đâu, được hà hơi ấm cho con mau lớn, cho cái gia đình này trọn vẹn là một gia đình.
Chiều ấy, vợ gã không đi làm. Ba người như ba ông bồ rau quấn quýt bên nhau. Gái một con, Lê đã đẹp lại càng thêm đẹp. Đêm ấy, em vùi khuôn mặt tròn trĩnh vào ngực gã, mếu máo bảo:
- Chắc là anh đắc tội với người ta. Biết thế này thì thà yên phận. Dẫu sao thì đây với Nam Sách đi xe đạp là tới, tiện lợi biết bao. Bây giờ thì biết đi đâu, ở đâu?
- Đời lính mà em! - Gã nói như lời một ca khúc nhạc vàng. - Biết đâu hơn đâu mà định liệu. Anh đi xa, gửi tất cả niềm tin cho em. Sẽ có ngày chúng mình bù đắp lại.
Sáng hôm sau, gã đi. Ba lô nhẹ tênh. Hai vợ chồng đưa nhau qua đoạn đường Năm, rẽ vào Gia Lâm. Đoàn 871 đây rồi. Thôi, em về với con. Tới đơn vị anh sẽ viết thư. Ngoan nào! Đừng khóc!
Lê cố nán lại. Từng đôi, từng đôi đưa nhau ùn ùn kéo tới. Người vợ nào cũng bần thần, nụ cười gượng gạo. Người đàn bà nào cũng đòi nán lại, cho tới lúc các anh lên xe. Giá như là ban đêm, thì đã có thể ngậm ngùi ngâm nga câu Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Đoàn xe ngược lên miền Tây, qua Việt Trì, tới thị xã Yên Bái, rẽ tay phải về khu thủy điện Thác Bà thì trời tối. Hôm sau cả đoàn xuống ca-nô, đi dọc hồ thủy điện, đến trưa cập bến Cảm Nhân. Đã có ô tô chờ sẵn. Qua một khu phố lèo tèo, vào một doanh trại quân đội. Một đại úy ra đón, đưa họ vào hội trường làm tạm bằng tre nứa nhưng rất rộng. Cũng vẫn viên đại úy ấy, sau khi xếp sắp chỗ ngồi ổn định thì lên bục phát biểu:
- Thưa các đồng chí! Có lẽ đến giờ phút này nhiều đồng chí vẫn chưa biết đây là đâu, đơn vị nào. Tôi xin được nói ngay để các đồng chí khỏi sốt ruột. Đây là Liên trại 4, Đoàn 776 trực thuộc Bộ Quốc phòng mà trong quyết định điều động đã ghi rõ. Đoàn 776 tương đương cấp sư đoàn, có chín liên trại, mỗi liên trại tương đương cấp trung đoàn, có nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo những sĩ quan từ cấp đại úy trở lên của quân đội Sài Gòn. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, vất vả và nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, phương pháp đúng, đủ lý, đủ tình và phải vô cùng cảnh giác, nhất là các đồng chí được phân công làm quản giáo…
Đại úy còn nói nhiều, tựu trung là từ nay gã và những người này sẽ trở thành những cai tù bất đắc dĩ. Đã là cai tù thì chỉ có thể bám lấy nhà tù. Những thứ bảy, chủ nhật tranh thủ về nhà đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng.
Hôm sau, hơn năm mươi cán bộ được phân công về các trại. Gã được đưa về làm quản giáo ở trại số 8. Gã và chín đồng chí khác được mời ra một chiếc xe tải. Con đường đất đỏ hình như mới làm chỉ đủ một chiếc xe, nếu gặp xe ngược chiều thì đành lui lui tiến tiến cả tiếng đồng hồ, may ra mới có thể qua được. Đúng ra thì không thể gọi đây là đường, bởi thấy có chỗ đặt chân, vừa bánh xe thì đi, thì ủi xe vào, chứ thực sự làm gì đã có đường. Người ta lợi dụng những vệt mòn ngoằn ngoèo theo mép hồ rồi chỗ thì cuốc thêm tà luy, chỗ thì lót thêm ít đá. Thế là đi. Đi mãi thì thành đường. Cái hồi gã từ Gốt về Kinh Môn, đoạn từ phà Mây tới Thất Hùng tưởng đã là con đường khủng khiếp, hóa ra so với con đường này thì nó lại là đại lộ giữa quảng trường.
Thế rồi ì ạch gần ba tiếng đồng hồ, bọn gã cũng đến nơi cần đến. Sau này đi quen mới biết biết đoạn đường ô tô đi ba tiếng đồng hồ ấy chỉ dài chưa đầy chín ki-lô-mét. Thế là còn may. Dân bản bảo cái anh bẻ lái ô tô cho chúng mày giỏi đấy, đã có mấy cái lăn ình xuống lòng hồ làm nơi trú ẩn cho bọn lươn, cua, trê, chuối…
Ra tiếp bọn gã chẳng ai xa lạ mà chính là Trưởng ban Bảo vệ cũ của Đoàn 253: Đại úy Nguyễn Văn Nghiễn. Nhìn thấy Nghiễn là đã muốn phì cười. Tuổi thì cũng kha khá, ở quê không biết đã lên chức ông nội, ông ngoại chưa mà thấy đại úy hay tự xưng là lão. Xưng lão nhưng lại nghịch ngợm hơn cả trẻ con, hơn cả quỷ sứ, vang tiếng cả quân khu.
Một lần đi đường, có một em xinh xinh xin đi nhờ, lão liền nhảy xuống vui vẻ bảo: “Em lên xe đi”, “Ứ. Anh ngồi lên yên đã chứ”, “Không. Em ngồi trước. Anh quen nhảy bi-đan mà”. Cô gái thật thà ngồi lên. Lão, một tay cầm ghi-đông, một tay đặt sau pooc-pa-ga, miệng hô: “Vì nhân dân phục vụ” rồi giạng chân đẩy xe đi. Cô gái đỏ văng mặt, van nài lão cho xuống, lão vẫn tỉnh bơ, vừa thở vừa hát. Dân đi đường xô lại, cười vãi cả… linh hồn. Cô gái vừa ngượng, vừa sợ, suýt phát khóc, lão mới tha.
Lại một lần, lão đi dự một hội nghị có rất nhiều phụ nữ. Lão thấy mấy nàng ưỡn ẹo, nước hoa sực nức, nói cười như chỗ không người. Lão bảo “để tao dạy bọn này bài học”, rồi đi tới, sát sàn sạt các nàng đánh một phát rắm thật to, cau mặt lại mắng: “Mấy cái cô này, vô ý vô tứ, giữa chỗ đông người mà rắm rít ầm ĩ”. Mấy nàng đỏ mặt, cãi: “Ai chứ, có phải chúng em đâu”. Lão được thể, giơ tay về phía mọi người: “Đấy. Đã vô ý thức lại còn hay cãi. Chả nhẽ phải bắt chó ra ngửi, xem đít ai thối mới nhận à?”. Các cô không biết nói thế nào, xấu hổ quá kéo nhau chạy thục vào hội trường, ngồi im thin thít. Mọi người bán tín bán nghi, đến khi biết chuyện thì lăn ra cười sặc sụa.
Tếu táo và mưu mẹo là đặc điểm của lão. Một lần gã đi công tác cùng lão, trên đường bắt gặp một thiếu tá với một đại úy, chả biết đi đứng thế nào mà xe đạp đâm nhau, cái thì vành cong số tám, cái thì ghi-đông gãy đôi, may mà người chỉ sứt sẹo chút ít. Ai cũng cho mình là phải, yêu cầu bên kia phải xin lỗi, không thì gọi công an. Thấy vậy, lão vội vàng tháo đôi quân hàm đại úy, đi tới, hỏi:
- Có chuyện gì đấy các đồng chí?
- Báo cáo anh. - Cả hai tranh nhau trình bày.
Lão cười bảo:
- Không ai việc gì là may rồi. Thôi, đều là lính, chín bỏ làm mười. Đi thôi, các đồng chí.
- Thôi sao được. Đồng chí này…
Cả hai lại phân bua với mọi người, càng lúc càng găng. Thấy thế, lão nghiêm mặt hỏi:
- Tôi hỏi các đồng chí: Trong quân đội, cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Đúng không?
Cả thiếu tá và đại úy đều gật đầu.
- Vậy thì, tôi ra lệnh các đồng chí giải tán. Thôi, bắt tay nhau đi.
Thiếu tá, đại úy chẳng biết nói thế nào đành bắt tay nhau, rồi mỗi người mỗi ngả. Gã được một phen cười vỗ bụng.
Lại kể thêm một chuyện tếu táo nữa. Một hôm chủ nhật, lão sang Ban cán bộ bảo gã:
- Tao với mày đi chơi đi.
- Chơi đâu?
- Cứ đi khắc biết.
Lão dẫn gã tới làng Sọi. Làng Sọi có một ông nổi tiếng cao cờ, có tính ngạo mạn, coi mọi người đều dưới tầm con mắt, nhưng lại có cô cháu gái xinh ơi là xinh. Theo lão thì con bé này còn xinh hơn cả “con bé lớn” nhà lão. Mà nào ai đã gặp “con bé lớn” nhà lão bao giờ. Chuyện trò xởi lởi một lúc, lão bảo:
- Nghe tin ông cao cờ. Em xuống xin hầu ông vài ván.
Ô. Cờ lão là cờ vồ, mới chỉ sạch nước cản, sao lão dám thách đấu với bậc kỳ vương mà lại chẳng bàn bạc gì với gã. Ông vuốt râu, bảo:
- Tôi chơi phải có sản phẩm. Chú thấy thế nào?
- Ý em cũng vậy, có điều không dám nói trước. Tiện ông anh nói, em mới dám thưa. Em xin hầu ông anh ba ván. Nếu ông anh thua… Đấy là em cứ nói vậy, chứ cờ ông anh nổi tiếng cả đất Hải Phòng, cả cái Quân khu Tả Ngạn này ai mà chả biết thì thua làm sao được. Nhưng lỡ, nếu… thì em chỉ xin phép cho thằng em này (lão chỉ vào gã) được thường xuyên đến chơi thăm ông anh. Còn em thua, xin biếu không ông anh cái Pô-giô chú em mới gửi từ Pháp về, em đang đi đây.
Ông ngớ ra. Trời đất! Chiếc xe Pô-giô Pháp trị giá cả ngàn đồng mà nó dám đem ra cược thì cờ nó phải cao lắm, nó phải tin chắc mười phần thắng cả mười rồi. Nhìn nó, ta biết. Dạng này không phải dạng vừa. May mắn mà thắng thì chả thấy đâu, lỡ thua thì tiếng tăm mấy chục năm đổ sông đổ biển. Vả lại, cái thằng đi cùng nó, chắc là muốn cưa kéo con cái Hải nhà mình. Trông nó đẹp trai, phong độ thế kia, con cái Hải nhà mình chết là cái chắc. Thôi, chả dại. Không khéo vừa mất tiếng, lại vừa mất cháu. Ông nghĩ thế, rồi tìm kế hoãn binh, gọi:
- Cháu Hải đâu nhỉ? Cháu xem cho ông bây giờ là mấy giờ rồi?
Từ trong nhà một cô gái chạy ra. Thấy hai anh bộ đội, cô e thẹn cúi chào, rồi trả lời ông:
- Ông ơi, bây giờ là mười giờ rồi ạ.
- Thôi chết. Ông phải sang bên bác cả Duẩn ăn cỗ. Thôi. Các anh thông cảm. Cờ quạt để lúc khác.
- Ông ơi, nhà bác cả Duẩn ngày kia mới có giỗ cơ mà.
Ông lườm cô cháu gái, gắt:
- Cháu thì biết cái gì. Hôm nay chứ ai bảo ngày kia. Cầm cho ông bao hương ra đây.
Lão nằn nì vài lần nữa đều bị ông từ chối, đành phải ra về.
Ra đường, lão cười phát ho, phát hen, bảo:
- Từ nay chú mày phải gọi anh là Kỳ vương sư phụ. Chú thấy con bé Hải xinh không?
-Vâng. Xinh hơn cả “con bé lớn” nhà anh.
Lão trợn mắt:
- Con bé lớn nào? Tao toàn con trai, làm gì có con bé lớn nào?...
***
Đại úy Nghiễn xởi lởi bắt tay từng người, rồi mời cả vào hội trường. Thấy gã, đại úy cau mày hỏi:
- Ô. Chú được thăng trung úy từ tháng hai, sao bây giờ vẫn đeo thiếu úy?
- Các anh ở 253 giữ lại, không trao.
- Vì sao? Hay là chuyện gái gú?
- Không. Vì em lập trường tư tưởng bấp bênh, chân ngoài dài hơn chân trong và nhất là bướng. Chắc hồ sơ của em các anh ấy đã ghi thế.
- Thôi được. Chưa phong thì rồi sẽ phong. Bây giờ thì công tác cho tốt.
Trại 8 có hai trăm tù binh, đều cấp đại úy, được chia làm bốn lán, mỗi lán năm mươi tên, ở dưới một thung lũng bằng phẳng. Xung quanh các lán là một hàng rào bằng những sợi dây rừng nối các cọc cao chừng hai mét, cọc nọ cách cọc kia cũng chừng hai mét. Tất cả đều ngỡ ngàng. Có người hỏi:
- Thủ trưởng ơi. Trại giam mà không có hàng rào thì để bọn chúng trốn hết à?
- Rồi dần dần bắt bọn chúng phải tự làm hàng rào để nhốt mình. Còn trước mắt hàng rào của chúng ta chỉ là hàng rào pháp lý, dựa trên tâm thế của người chiến thắng, của sức mạnh đất nước đã quy về một mối, thống nhất, hòa bình, có lòng người bủa vây khắp các ngả đường. Trốn đi đâu? Mà mình có coi họ là tù binh đâu mà họ phải trốn. Mình chỉ muốn cải tạo họ, chỉ cho họ con đường sáng… Các đồng chí yên tâm đi.
Đúng như anh Nghiễn nói, bọn họ - những sĩ quan của quân đội Sài Gòn đa phần chăm chỉ cải tạo, chăm chỉ lao động, mong một ngày được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho về sống yên ấm với vợ, với con. Cái tết Đinh Tỵ tuy xa nhà, nhưng thật là vui. Kế hoạch năm 1976 đơn vị hoàn thành xuất sắc: Doanh trại khang trang, hàng rào tự họ dựng lên bằng những cây tre đan xít vào nhau đến con chuột cũng khó lọt qua, bọn họ trăm phần trăm đạt tiêu chuẩn cải tạo tốt, đã có chín anh em được ra trại trước thời hạn, cả trại không xảy ra điều gì đáng tiếc. Chiều chiều những sân thể thao cực kỳ sôi động. Nơi thì thi đấu bóng chuyền, nơi thì thi đấu bóng bàn, cờ tướng. Chỗ thì xà kép, xà đơn, chỗ thì chạm khắc, đan lưới, đan mành. Gã được bọn họ rất quý - chí ít là ở thái độ bề ngoài, vì bọn họ không ai là đối thủ cờ tướng, bóng bàn của gã.
Nhưng… Mùa xuân tới, nhất là sau khi hệ thống lán trại được xây dựng kiên cố, đời sống mọi mặt được nâng lên… thì những hành vi chống đối bắt đầu nhen nhóm. Hiện tượng giả ốm, không nghe lời vệ binh, cãi cọ, đánh nhau trong lán bắt đầu xuất hiện. Đâu đó lan truyền nguồn tin cho rằng họ sẽ phải mãi mãi ở nơi giam giữ này, sẽ phải nai lưng ra làm nô lệ. Một số vụ trốn trại, cướp trại đã bị phát giác.
Một buổi tối, như tất cả những buổi tối khác, các cán bộ quản giáo đúng chín giờ bắt đầu đi kiểm tra lán trại. Quy định là phải đếm đủ một trăm cái chân để tương ứng với năm mươi người, bởi đã có trường hợp vì nằm sạp sát nhau nên một người thò hai chân sang hai vị trí, quản giáo đếm đủ năm mươi, sáng hôm sau lại chỉ còn bốn tám, hai tên đã bỏ trốn từ ngày hôm trước.
Khi gã soi đèn tới giữa lán số hai thì một chiếc chăn chiên dày cộp đã tung lên trùm kín gã, ba bốn tên đè lên, ra sức đấm đá. Nhưng, gã là một con người dày dạn kinh nghiệm, chiến đấu trong binh chủng đặc công có, hoạt động công khai trong lòng địch có, nên những biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất cũng khó qua được mắt gã. Gã đã có phòng bị. Ít khi đem súng trong những buổi kiểm tra đêm, nhưng một con dao găm sắc lẹm đã được gã gài vào bên trong đôi giày cao cổ. Khi bị chăn trùm lên, gã đã chủ động ngã xuống, co cái chân phải lên. Và con dao sắc lẹm được rút ra. Gã lách mũi dao vào đúng chỗ một thân hình đè xuống. Một tiếng kêu thét lên. Hai đồng chí vệ binh hai đầu lán thấy động liền quét đèn pin, lao vào. Bọn chúng vội vàng bỏ gã, nhảy lên giường, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Gã cùng hai đồng chí vệ binh trở về phòng thông báo tình hình. Đêm ấy là một đêm yên tĩnh nhưng căng hơn cả dây đàn.
Sáng hôm sau, gã tập hợp toàn bộ lán số hai, yêu cầu cởi bỏ quần áo dài. Tên cựu đại úy biệt động sợ hãi quay lưng lại phía gã. Gã tiến lại, bằng một động tác bất ngờ thành thục, xoay người tên đại úy lại. Mũi dao thiếu lực, lại phải xuyên qua lớp chăn dày, chỉ khoét vào ngực tên đại úy một lỗ nhỏ, đỏ lòm, chứ chưa chạm vào tim phổi. Tên đại úy quỳ xuống, vừa khóc, vừa van:
- Cán bộ! Xin cán bộ tha thứ. Em sai rồi. Em xin chịu phạt!
- Với anh thì tất nhiên rồi. Nhưng tôi muốn ít nhất là ba người nữa.
- Vâng!
Thế là tên đại úy không những chỉ ra ba tên đồng phạm mà còn chỉ ra những sáu tên, với nó là bảy trong nhóm “Tìm lại tự do”.
Vụ án nhanh chóng được phá nhờ kinh nghiệm và tinh thần cảnh giác của gã.
Mấy hôm sau, anh Nghiễn lên phép. Vừa hạ ba-lô anh đã gọi gã toáng lên:
- Tớ mang cho cậu một tin vui. Nhưng phải khao đấy nhé.
- Nhưng em đã biết tin gì đâu.
- Nào! Nhắm mắt lại. Được rồi. Mở ra.
Gã hồi hộp mở mắt. Trước mắt gã là đôi quân hàm trung úy đỏ chót và tờ quyết định của Bộ Chỉ huy Quân khu Tả Ngạn. Thì ra anh đã bỏ nửa thời gian nghỉ phép trở lại Đoàn 253, về Quân khu Tả Ngạn điều tra vụ Đoàn 253 quyết định không trao quân hàm cho gã. Đoàn 253 đã không đủ chứng lý để kết luận gã lập trường tư tưởng không kiên định, “chân ngoài dài hơn chân trong”. “Còn bướng” là một định nghĩa mơ hồ, nhất là khi gã vẫn luôn hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao và vẫn đạt tư cách đảng viên loại một thì lại càng vô lý, đầy tính áp đặt và không thể chấp nhận. Quân khu đã kịch liệt phê bình Đoàn 253 và quyết định trao trả quân hàm cho gã, tính từ tháng 2 năm 1976.
Gã cám ơn anh. Nhưng anh xua tay bảo:
- Đấy là một tin vui. Bây giờ là một tin buồn - Đại úy rút từ trong ngực áo ra một tờ quyết định nữa. Đó là tờ quyết định điều động gã lên Ban Chính trị đoàn làm trợ lý tổ chức. - Thế là anh em mình phải xa nhau. Thôi, tao buồn một chút nhưng mừng cho mày thoát khỏi nơi khỉ ho cò gáy này.
Gã đứng như trời trồng, vui buồn lẫn lộn, chả biết nói gì. Anh Nghiễn phải giục gã mới đưa tay nhận quyết định, rồi tâm sự:
- Quả là em rất ngán chỗ này. Nhưng em lại muốn được ở bên anh. Nhiều đêm buồn buồn, nhớ nhà, lại nhớ chuyện của anh, em bật cười một mình, quên hết buồn phiền, ngủ một giấc tới sáng. Anh tốt với em quá. Em cám ơn anh!
Nghiễn quàng tay qua vai gã, khe khẽ vỗ, quay đi nghèn nghẹn nói một câu tếu táo…
***
Gã đi chào hết lượt mọi người, kể cả bọn họ. Viên cựu đại úy ngụy trùm chăn đánh gã ánh mắt gườm gườm nhìn gã, nhưng cũng phải cúi đầu thừa nhận:
- Em cám ơn cán bộ. Chúng em biết là chúng em sai. Nếu việc này mà rơi về phía chúng em thì ít nhất cả chục mạng đi đời. Nhưng cách mạng và cán bộ đã tha thứ, không phân biệt đối xử. Em xin cám ơn nhiều lắm!
Gã ra đi, về nơi an nhàn hơn, an toàn hơn, nhưng lòng nặng trĩu. Gã đi, sẽ phải có người thay thế. Chả nhẽ người thay thế gã lại sung sướng hơn sao? Đổ cái khó cho người khác, gã thấy có cái gì bất nhân lắm. Nhưng đây là mệnh lệnh. Gã không thể không chấp hành.
Đoàn bộ Đoàn 776 đặt trong một thung lũng sâu hun hút ở thị xã Yên Bái. Đấy là cơ ngơi của một đoàn địa chất đã giải thể. Từ đường tỉnh lộ Yên Bình - Yên Bái, rẽ tay phải, gã phải đi khoảng ba, bốn ki-lô-mét qua bệnh viện đa khoa tỉnh mới tới đoàn bộ. Một cậu vệ binh đã kể cho gã câu chuyện về ông trung tá trưởng phòng quản giáo. Chuyện rằng: Khi Đoàn 776 chuyển về vị trí này, có một ông trung tá ở Cục Bảo vệ được điều về làm trưởng phòng quản giáo, ngẫu hứng đọc một câu lục bát “Ai đưa ta đến chốn này/ Bên kia nhà xác, bên này hố tiêu”. Đúng là ở sau bệnh viện đa khoa có một cái nhà xác quét vôi trắng toát, còn phía đối diện là dãy nhà vệ sinh của đoàn địa chất, mốc meo, xám xịt. Ông trung tá chưa dứt câu thì bất ngờ Thượng tá Chính ủy đi tới, quạt cho trung tá một trận ra trò. Trung tá chỉ cười, bảo: “Nghề của tôi là phanh phui sự thật mà”.
Gã tìm vào Ban Tổ chức. Một người ngồi quay lưng ra ngoài. Gã nhìn đôi vai rộng, cảm thấy quen quen. Gã cất tiếng chào. Người ấy quay ra. Gã ngỡ ngàng:
- Có phải thủ trưởng là, là Đại úy Lê Lộc không ạ?
- Không. Mình là Thượng tá Lê Lộc chứ không phải Đại úy Lê Lộc đâu chàng trung úy đa tình ạ.
Hai anh em vồ lấy nhau. Thượng tá bắt gã kể những diễn biến chính từ hồi xa nhau, rồi ông bảo:
- Mình cũng đi chiến trường, nhưng là lính cơm Bắc, giặc Nam. Bây giờ được điều về đây làm Chủ nhiệm Chính trị. Xưa cậu là lính dưới quyền, nay đã là cán bộ dưới quyền. Mừng cho cậu.
Gã buồn buồn hỏi:
- Thủ trưởng có còn nhớ cô Vi Thị Mến không ạ?
- Mến nào? Có phải Mến văn công chuyên hát Then không?
- Vâng ạ. Cô ấy là văn công, cô ấy cũng là người mà nếu không được thủ trưởng Bựng giải cứu thì khéo đã là vợ em.
- À. Nhớ rồi. Thế cô ấy bây giờ thế nào?
- Cô ấy mất rồi!
Gã xịu xuống. Thượng tá Lộc đưa tay bỏ mũ xuống bàn, người ông cứng đơ như tượng. Có lẽ ông đang dành một phút mặc niệm cho người quá cố. Gã kể tỉ mỉ cuộc gặp gỡ và trận B-52 bên bờ sông Sê-pôn. Gã lại đánh rơi những giọt nước mắt. Người ta bảo nam tử hán, đại trượng phu mà khóc là hèn. Chả biết gã có hèn không, nhưng trong cuộc đời, gã đã từng đánh rơi bao nhiêu giọt nước mắt. Không biết đoạn đường còn lại, gã có phải rơi giọt nước mắt nào nữa không!
Một chủ nhật, hai anh em đi chơi, gã thành thật tâm sự với thượng tá điều đó. Thượng tá bảo:
- Nước mắt rơi thì đã sao? Nước mắt là biểu hiện của tình cảm, là sự rung động của tiềm thức. Vui, buồn đều rơi nước mắt. Mà đất nước mình thiếu gì những nỗi vui, buồn. Đặc biệt là chiến tranh. Mình nghĩ chúng ta đã lạc quan hơi quá khi tuyên bố “đất nước từ nay sạch bóng quân xâm lược”. Phía Nam còn bọn Pôn Pốt. Phía Bắc ông bạn “vàng” vẫn khư khư ôm mộng xâm lăng, thời buổi ngày nay giống như một cái chợ Trời, thật giả, vàng thau lẫn lộn, ai biết đâu mà lường…
Ông nói một mạch. Nói với tư cách một người anh nói với đứa em chứ không phải một ông chủ nhiệm chính trị cấp sư đoàn với một cán bộ dưới quyền. Gã ghi sâu và có lẽ mãi mãi nhớ về những lời anh nói như một kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời chinh chiến.
Gã là một trong những trợ lý cần mẫn, năng lực và đầy trách nhiệm. Do vậy mà gã được phân công phụ trách theo dõi kỷ luật đảng viên. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải thường xuyên bám sát cơ sở.
Một hôm gã phải xuống liên trại ba, bên kia phà Âu Lâu. Đang lo mượn xe đạp thì ông trung tá, trưởng phòng quản giáo gọi:
- Này. Cậu gì. Nghe nói cũng xuống liên trại ba phải không?
- Vâng ạ. Nhưng em chưa mượn được xe.
- Hầy. Tớ cũng đi liên trại ấy đây. Lên đây. Cho quá giang. Được chưa?
Thế là gã nhảy lên xe. Đường đi liên trại ba nhất thiết phải qua phà Âu Lâu. Phà Âu Lâu qua sông Hồng, nối thị xã Yên Bái với huyện Trấn Yên, nối Việt Bắc với vùng Tây Bắc, là bến phà đã lập nên bao kỳ tích đi vào huyền thoại, nhưng cũng là bến phà đi lại hết sức khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Chả thế mà có người đã viết ca dao “Mỗi lần qua bến Âu Lâu/ Mắt thì díp lại, còn râu mọc dài”. Khi xe tới bến thì phà vừa ra được một con sào. Ông bảo mình vào tạm quán này uống chén nước chè. Đợi còn ốm.
Chủ quán là một người đàn bà xinh xắn, tuổi khoảng tứ tuần, có cái tên rất duyên là Hồng Thắm. Uống hết tuần trà, nhìn ra sông con phà vẫn nằm im bên kia, ông trung tá bèn giở ra viết lách. Lúc sau ông đưa cho gã tờ giấy, bảo:
- Nghe nói cậu cũng là dân nghiện văn chương. Đọc đi.
Gã giở ra, thấy bài thơ lục bát không có tiêu đề. Bài thơ như sau:
Sáng nay qua bến Âu Lâu
Dừng chân ghé quán gợi câu tâm tình
Bà T… mỉm miệng cười xinh
Hai tay nâng chén, nghiêng mình chào thưa.
Xuân xanh bốn chục có thừa
Mà sao du khách vẫn ưa mắt nhìn
Lập lờ dưới áo cánh phin
Lửng lơ xê nổi, xê chìm như ai…
Chiến tranh mấy đoạn đường dài
Vợ xa, nào biết mượn ai tự tình.
Cũng vì cái xỉnh xình xinh
Sao rơi, gạch rụng... tại mình? Tại ta?
Âu Lâu! Thôi tránh cho xa
Lạy bà, em trở về nhà em đây…
Tác giả: Kẻ qua phà.
Gã hứng chí, vỗ tay đôm đốp, rồi giở bút viết: “Em xin bái phục thủ trưởng. Nếu ông Xuân Diệu đọc được thơ này thì Đoàn 776 mất một trưởng phòng điều tra xét hỏi cực kỳ thông minh, cực kỳ dí dỏm, nhưng Hội Nhà văn lại được thêm một nhà thơ trữ tình có hạng”. Gã đưa lại mảnh giấy cho ông. Ông đọc, bảo: “Cái thằng…” rồi quay mặt ra sông ngóng phà. Bất ngờ, bà Hồng Thắm giựt lấy tờ giấy, bảo: “Xem thầy trò các anh nói xấu gì em đây”. Ông cuống quýt giằng lại nhưng không được đành ậm ờ chờ đối tác nổi tam bành. Rất may, đối tác lại hớn hở bảo: “Em ghê thế cơ à? Thế thì sẽ có lúc em cho các anh chết”.
Nửa tháng sau, gã lại có chuyến công tác cùng trung tá xuống điều tra vụ bảy tên cựu sĩ quan ngụy nửa đêm bò lên định cướp súng của đồng chí vệ binh, bị đồng chí này bắn chết tại chỗ một tên, bị thương hai tên. Sáng hôm sau, bọn chúng vắt áo tên bị chết, lấy nửa bát máu đen sì, thay nhau uống, thề trả thù cho đồng bọn. Trung tá bảo:
- Thế mới biết, hận thù giai cấp không thể chỉ giải quyết bằng lòng nhân đạo. Bạo lực vẫn là vũ khí hữu hiệu, cần thiết nhất để bảo vệ thành quả cách mạng. Ai quên điều đó sẽ phải trả giá đắt. Rất đắt.
- Nhưng… Thưa thủ trưởng. Người ta nói bạo lực sinh ra bạo lực và đều lấy bạo lực cách mạng để chứng minh. Nhưng, thủ trưởng lý giải thế nào khi mà các trại giam giữ tù binh chỉ là những hàng rào pháp lý thì hầu như không có vụ nào tù binh trốn trại, tù binh phản kháng tiêu cực. Chỉ khi các trại giam của chúng ta được củng cố vững chắc, lực lượng quản giáo, vệ binh đông đúc, mạnh mẽ hơn thì các vụ trốn trại lại gia tăng, các phản ứng cực đoan xảy ra liên tiếp. Như vậy, có phải nhân đạo cũng là một loại vũ khí, có phải lý thuyết về bạo lực đúng với cả hai phía cách mạng và phản cách mạng?
- Hay. Cậu đặt vấn đề rất hay và thành thực. Nhưng cậu chỉ nhìn sự vật bằng những hành xử của cả đôi bên mà quên mất hy vọng là bản năng của mỗi con người. Sở dĩ ban đầu bọn chúng không trốn trại vì chúng thấy mình giam giữ mà không như giam giữ, chúng hy vọng một ngày rất gần sẽ được trả tự do. Đã vậy bọn chúng lại thiếu sự kiên trì nên mới qua một hai năm ta chỉ trả tự do nhỏ giọt thì mọi hy vọng vụt tắt, cho rằng đã tới bước đường cùng. Và do đó phản kháng là công cụ duy nhất để hy vọng, để tìm ra lối thoát.
- Em hỏi khí không phải. Bạo lực có phải là “oan oan tương báo” không?
- “Oan oan tương báo” mà người Trung Hoa hay dùng thường là áp dụng cho những mối quan hệ cá nhân. Đó chỉ là một phần rất nhỏ của bạo lực đẻ ra bạo lực, nó thiên về sự trả thù hơn là đứng lên đấu tranh đòi một cái gì rất chính đáng đã bị tước đoạt mất. Ví dụ như vấn đề độc lập, tự do thì không thể gọi là “oan oan tương báo”…
Gã vô cùng khâm phục những kiến giải của trung tá. Lần này cũng lại phải chờ phà, trung tá với bà Hồng Thắm thân mật với nhau lắm, còn rủ nhau ra vườn hái những bông hoa thật đẹp. Gã lo cho ông. Anh hùng không qua ải mỹ nhân. Người xưa nói thế và người bây giờ cũng chứng minh là như thế. Sau này nghe nói trung tá có lìu tìu với bà ấy thật, nên mới sớm phải vác ba-lô về nghỉ hưu ở một vùng quê heo hút. Thật tiếc cho một người có tài!
***
Khoảng cuối năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc vô cùng căng thẳng, vấn đề “nạn kiều” cũng rộ lên như một nguy cơ. Biên giới Tây Nam thì bọn Pôn Pốt đã bước những bước cuối cùng của hận thù dân tộc, của sự bạo tàn. Đất nước lâm vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch” bắt buộc Đảng, Nhà nước, Quân đội phải có những quyết sách thông minh, đúng đắn nhất nhằm bảo vệ trọn vẹn nền độc lập vừa được lập lại. Những binh đoàn dũng mãnh lên đường với sức mạnh của ngàn năm cộng lại. Cuộc hành quân thần tốc như cơn lốc định mệnh ào vào Cam-pu-chia, trùm lên Phnôm Pênh, khóa chặt biên giới Thái… đã lật đổ một chế độ bạo tàn, cứu Cam-pu-chia thoát nạn diệt chủng.
Không thể để hàng ngàn sĩ quan ngụy - những kẻ chưa quên hận thù giai cấp, sát ngay biên giới nên Đoàn 776 có quyết định giải thể. Số sĩ quan ngụy được chuyển về Bộ Nội vụ, cán bộ, chiến sĩ của 776 được bổ sung cho những ngành kinh tế mũi nhọn và các đơn vị tuyến đầu. Cơ sở vật chất ít ỏi được bàn giao cho địa phương.
***
Bàn giao xong cũng đã qua tết Ông Công, Ông Táo, gã được Đại tá Đoàn trưởng Nguyễn Đức Giá cho về phép mười ngày (không tính vào tiêu chuẩn phép năm) trước khi nhận nhiệm vụ mới. Thế là hiếm hoi lắm, năm nay gã lại được ăn Tết ở quê, vui cùng vợ con, làng xóm.
Gã quyết định đi chuyến tàu đêm từ ga Yên Bái. Mải chia tay, lại nghĩ ga Yên Bái là ga gốc nên chỉ cần đến sớm mươi, mười lăm phút là được. Nào ngờ khi gã và anh bạn quê ở thị xã ra tiễn đến nơi thì tất cả các toa đều chật ních, tất cả các bậc lên xuống sắn khô, sắn tươi, ngô, đỗ, gỗ tấm, gỗ vụn… ngổn ngang, chất cao cả mét, các cửa sổ đều đóng im ỉm. Gã chạy từ đầu tàu xuống toa cuối cùng, đều không thể tìm được chỗ lên. Từng đợt gió bấc thì cứ tràn về, lại thêm mưa phùn lất phất, rét như những mũi dao sắc lẹm, chích vào da thịt con người. Dưới sân ga hàng trăm người cũng đang co ro, nhớn nhác như gã. Gã và anh bạn nhảy lên gõ vào các cửa sổ. Không cửa nào nhúc nhích. Hai người vẫn kiên trì, vừa gõ, vừa gọi. May sao một cái cửa he hé mở. Gã bám ngay lấy, hét to: “Cho tôi vào. Tôi là bộ đội đi công tác, hãy mở cửa, cho tôi vào!”. Có ai đó bảo: “Tiếng ai mà tao nghe quen quen. Mở ra nhé?”. Cửa sổ được mở rộng hơn. Gã bám vào thành tàu, rồi liều lĩnh lao hai chân vào trước. Có tiếng kêu ôi ối. Gã đã lọt toàn thân vào trong tàu. Anh bạn lao tiếp chiếc ba lô và cái bao tải đựng đủ thứ bà rằn toàn là quà của những người thân thiết vào trong, chưa kịp nói lời chia tay thì tàu xình xịch chạy, cửa sổ ngay lập tức được sập lại. Tiếng một người đàn bà the thé:
- Cái đồ mất dạy, đạp trúng vào ngực người ta, đau muốn chết đây này.
Gã giơ tay đỡ ba lô, đỡ cái bao tải, vừa xin lỗi vừa cám ơn. Lại vẫn cái giọng the thé:
- Cám với bã, ơn với huệ. Làm nát hàng của bà thì phải đền gấp ba, gấp bốn.
Lúc ấy gã mới quen với ánh sáng của ngọn đèn bão đang đung đưa ở giữa toa. Cái bà có tiếng nói the thé kia có lẽ chỉ hơn gã vài ba tuổi, đang ngồi giạng háng trên bốn, năm cái bao tải căng phồng, rắn chắc. Ở hai bên ghế là ba cô gái trẻ bị ép sát vào thành tàu bởi hai người đàn ông đứng tuổi một to béo, một ốm yếu. Người đàn ông to béo lớn tiếng chửi ba cô gái:
- Con mẹ chúng mày! Đã bảo tàu chật ních thế này, không được mở cửa, lại cứ cố tình đón giai vào. Ông lị quăng cổ cả ba đứa xuống bây giờ.
Bấy giờ gã mới quan sát kỹ. Thực ra thì toa vẫn rất thưa người, chỉ có hàng hóa chất đống, không có chỗ mà len chân, chủ hàng lại không cho ai đè lên hàng của mình, tạo nên cái cảm giác vô cùng chật chội. Gã biết toa này là toa khách, đâu phải toa hàng mà họ toàn mang hàng lên chiếm chỗ.
Người đàn bà the thé lại lên tiếng, chửi rủa:
- Đồ con đĩ! Đúng là đồ con đĩ! Hễ thấy giai là híp mắt vào. Ông ơi, ông mở cửa quăng con mẹ chúng nó xuống. Tôi không chịu được nữa rồi.
Ba cô gái sợ sệt nép sát vào nhau, van vỉ:
- Chúng cháu xin lỗi. Chúng cháu sẽ ngồi sát vào, để các bác thoải mái hơn.
- Thoải mái cái con mẹ chúng mày. - Người đàn ông ban nãy đứng dậy.
Lúc ấy gã đã xếp xong ba lô và bao tải lên giá hàng. Nghe mấy người dọa nạt mấy cô gái, gã bảo:
- Ô. Sao các bác quá đáng thế? Tàu là tàu của nhà nước, ai cũng có quyền đi. Sao các bác lại đuổi mấy cô này?
- Này. Ngậm ngay cái mồm thối của mày vào, không chúng tao lại quăng nốt xuống đường cho mà hú hí với nhau.
Gã nóng tai lắm, nhưng cố kìm nén, bảo:
- Đây. Các bác xem. - Gã rút đèn pin lia khắp toa. - Có mấy người đâu, toàn là hàng hóa. Mà toa này là toa khách, chở người chứ có phải chở hàng đâu. Cái đáng quăng xuống đường là số hàng hóa này, chứ không phải tôi hay mấy cô gái.
Người đàn ông to béo dẫm một chân lên ghế, hai tay túm lấy một cô gái. Cô gái sợ quá thét lên, hai cô kia vội túm lấy bạn. Người đàn ông ốm yếu ngồi bên cạnh cũng sợ hãi co rúm người lại. Thuyết phục không được, gã đành đưa tay tóm lấy bả vai người đàn ông to béo. Người này thét lên ôi ối, buông cô gái ra, xoay người lại, đấm thẳng vào mặt gã. Gã lắc đầu tránh đòn, bàn tay trên vai người to béo quắp lại. Người đàn ông to béo ngồi phịch xuống, kêu thất thanh:
- Ối giời ơi, kẻ cướp nó giết chết tôi rồi. Ối giời ơi!
Người đàn bà the thé cũng tru tréo:
- Cứu, cứu. Kẻ cướp hiếp tôi. Cứu tôi với…
Cả toa nhốn nháo. Gã buông vai người đàn ông, nói lớn:
- Bà con bình tĩnh. Không có chuyện gì đâu. Hai ông bà này đòi đuổi mấy cô gái xuống đường, tôi là bộ đội, tôi phải can thiệp.
Mọi người ồn ào bảo thật là quá đáng. Ban nãy cũng hai người đó đòi đuổi cả họ xuống đấy.
Vài phút sau từ hai đầu toa, bốn, năm tên đàn ông xuất hiện, xông đến chỗ gã. Gã không muốn quá phiền phức, vì bắt đắc dĩ mà bèn rút súng khỏi bao, chiếu xéo đèn pin để mọi người nhìn thấy, rồi cảnh cáo:
- Tôi nói rồi. Tôi là bộ đội. Kẻ nào ăn hiếp người lương thiện tôi nhất định phải can ngăn, nếu cần tôi có thể bắn cảnh cáo. Còn mấy anh này, đến đây làm gì?
Mấy tên nhìn thấy súng thì chững lại, rối rít:
- Không. Chúng em có làm gì đâu. Chỉ là… chỉ là…
Vừa lúc đó thì đội quản lý thị trường tới. Họ hỏi gã, gã bấm đèn soi khắp toa rồi nói lại ý kiến của mình. Đội quản lý thị trường yêu cầu tất cả đứng dậy để kiểm tra hàng hóa. Người đàn bà the thé lại tru tréo:
- Khéo. Khéo hỏng hết hàng của tôi bây giờ. Tôi sẽ bắt đền các người.
Khi những bao tải mà người đàn bà giạng háng ngồi lên được mở ra, người ta vô cùng ngạc nhiên vì chỉ thấy toàn một thứ dăm gỗ lát hoa. Đấy là thứ gỗ quý hiếm, cấm khai thác tự do. Sau này người ta mới biết cách chẻ gỗ thành dăm chính là thủ đoạn hết sức tinh vi của bọn lâm tặc. Những dăm gỗ ấy sẽ được những người thợ tài hoa ghép lại tạo thành tấm gỗ lát cực đẹp, giá cao ngất ngưởng. Thế mà ban nãy bà ta bảo làm nát hàng phải đền gấp ba, gấp bốn. Kiểm tra cả toa, còn rất nhiều những bao tải như thế, thêm vài bì ngô, mấy bì măng khô, măng tươi, còn lại toàn là sắn. Ba cô gái, mỗi cô cũng có bốn, năm bì sắn, bảo là mua cho cả xóm chống đói. Một cô bảo:
- Nghe tiếng anh quen quen, hình như chúng em đã gặp anh ở đâu rồi.
Gã hỏi quê. Họ đồng thanh bảo ở Tiên Sơn, Hà Bắc. Nhưng chưa bao giờ gã tới Tiên Sơn. Chắc là các cô nghe nhầm.
Tàu qua Việt Trì, một cô bỗng hỏi:
- Anh bộ đội ơi, anh có đóng quân ở Lỗ Đông, Hiệp Hòa bao giờ không?
- Có. Tôi ở đấy hồi cuối năm sáu tư đầu sáu lăm.
- Có phải anh với chị Hà vẫn song ca bài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” và bài “Trước ngày hội bắn” không ạ?
- Sao cô biết? - Đến lượt anh ngạc nhiên hỏi lại.
Cô gái bỗng nấc lên, nước mắt giàn giụa, mếu máo nói:
- Anh ơi! Em là em gái con ông chú ruột chị Hà đây. Cả hai bạn này đều là con gái Lỗ Đông, chúng em rủ nhau lấy chồng cùng một làng ở Tiên Sơn.
- Hẳn nào, tôi cứ thấy như đã quen thân các cô. Tôi có lỗi với Hà, có lỗi với mọi người. Thế bây giờ mọi người thế nào?
- Sau cái chết của chị Hà, bác em đau buồn ốm nặng qua đời ngay năm sau. Anh cả chị Hà thì sau giải phóng miền Nam đã có giấy báo tử, may sao năm bảy sáu anh lại về, an dưỡng ở bên Thuận Thành. Anh chị may mắn đã có một thằng con trai. Thằng Thái mà trong thư tuyệt mệnh chị Hà viết là Th. thì bị chồng của con bồ dưới thị xã Bắc Ninh đâm chết. Đúng là quả báo. Còn dân làng thì vẫn như xưa…
Gã im lặng ngồi nghe, đâu đây như bóng Hà đang cùng gã song ca bài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”. Gã khe khẽ gọi thầm:
- Hà ơi! Đất nước mình đã ba năm thống nhất, Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã về một mối. Em ở đâu? Ở đâu? Em ơi!
Ngoài trời, trăng cuối tháng cong cong, nhợt nhạt ẩn vào những hạt mưa lất phất, lui dần về phía tây. Những vì sao hiếm hoi cũng tắt dần, tắt dần hé lộ một ngày u ám, chưa biết điều gì rồi sẽ xảy ra.