Đã có quyết định của Ban Chỉ huy Tỉnh đội cho gã ra Bắc, thế mà chờ đợi mãi đến khi những cơn mưa đầu mùa sầm sập đổ xuống thủ tục mới được hoàn tất. Cũng may, nhờ thời gian chờ đợi nên anh em dưới Nha Trang biết tin mới sắm sửa cho gã đầy đủ các thứ, nhất là thuốc bổ để gã đủ sức lên đường.
Cuối tháng 5 năm 1972, đoàn gã bắt đầu xuất phát. Đoàn gồm bảy người, chỉ có gã là sĩ quan, còn đều là những chiến sĩ rất trẻ. Đúng ra đoàn chỉ có sáu. Nhưng vì gã yếu quá nên Ban chỉ huy đồng ý chọn một chiến sĩ gần đủ tiêu chuẩn, còn khỏe mạnh đi kèm. Đó là một tiểu đội trưởng người bên Yên Dũng, bị thương vào mắt trái, có cái tên rất ngỗ: Nguyễn Hoàng Thượng. Nguyễn Hoàng Thượng gom tất cả đồ đạc của cả hai người cho vào một gùi, kiếm cho gã cái gậy bằng gỗ trắc rồi bảo:
- Anh cứ đi. Nếu không đi được em sẽ cõng. Anh cân tất tật may ra thì được ba chục ký chứ mấy.
Cả tỉnh đội ra tiễn gã. Có người còn dúi vào tay Thượng một bi-đông mật ong, bảo: “Chú chịu khó, đi đường bồi dưỡng cho anh ấy”. Tiếng cười, tiếng chúc râm ran, thoảng đâu đây có cả tiếng nức nở. Những dòng nước mắt chia ly đã chảy. Mừng đấy mà cũng lo đấy. Chiến tranh biết thế nào. Đây ra đó cả ngàn cây số chứ ít ỏi gì. Dẫu sao thì cũng mừng cho gã và cho tất cả mọi người.
Con đường qua Phú Yên gần hơn rất nhiều, nhưng lại không an toàn, nên theo chỉ đạo của bên tác chiến đoàn đi ngược lên Đắk Lắk, nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh, vừa dễ đi, vừa an toàn.
Lên tới Đắk Lắk, đoàn được nghỉ một ngày, rồi tiếp tục lên đường. Lúc đầu gã đi rất khó khăn, tim đập thình thịch, thở rất gấp. Thượng vừa khỏe, vừa nhiệt tình, coi gã vừa là thủ trưởng, vừa là người anh, chăm gã như chăm người ruột thịt, mang vác toàn bộ ba lô, gã chỉ chống gậy đi không, đến tối lại bắt gã uống mật ong, thuốc bổ. Dần dần gã khá hơn. Có lẽ tuổi trẻ và quê hương là hai yếu tố giúp gã đẩy lùi bệnh tật. Khi tới bờ sông Sê-pôn thì gã đã khá lắm rồi. Người ta có thể nhận ra gã của những ngày ở chiến khu Đồng Bò.
Sông Sê-pôn mùa nước cạn trong xanh hiền hòa là thế mà giờ đây như chú ngựa hoang lồng phách, bất kham. Những cây cầu, những dây song to như bắp tay nối đôi bờ, dùng để kéo thuyền, kéo mảng bị giựt đứt tung, dật dờ trôi theo dòng nước. Bãi khách, nương ngô, nương sắn, cả những vạt rừng xanh mướt nay bị nước trùm lên, cuồn cuộn chảy. Mấy ngàn khách ở hai trạm bờ sông chết lặng nhìn dòng sông ngầu bọt, thất vọng thở dài.
Ban chỉ huy trạm sáng nay thông báo: Địch đang càn quét khu vực phía Nam, chuẩn bị sẵn sàng đi sơ tán về địa điểm dự phòng. Gã và sáu anh em ruột nóng như cào. Gã nhớ lại cái đêm vượt bến đò Hồ, liền nảy ra một ý định táo bạo. Gã gọi sáu anh em lại, hỏi:
- Tình hình này ta nên giải quyết thế nào?
- Đành chờ chứ biết làm sao. Thôi thì phó thác cho trời.
Gã thở dài:
- Chỉ hơn trăm cây số nữa là đã ra miền Bắc. Chả nhẽ chịu chết tại đây sao?
- Chết là chết thế nào? Anh. Ý em thế này: Ta bơi. Bọn Mỹ càn tới đây, đằng nào chả chết. Sợ quái gì.
Thượng hăng hái nói. Mọi người im lặng.
- Cũng là một ý kiến. Trước khi vào đây mình đã bơi qua sông Đuống giữa mùa nước lũ. Sông Đuống quê mình rộng hơn Sê-pôn nhiều, nước cũng mạnh hơn. Có điều sông Đuống ít cây cối trôi dạt.
- Thế thì bơi được.
- Bơi được!
Bảy anh em tụm lại bàn bạc. Theo kinh nghiệm của gã, họ sẽ ngược lên khoảng năm, sáu cây số, tìm chỗ thoáng làm bến. Sợ nhất là những khúc sông hẹp, chứ càng rộng nước càng đỡ xiết. Gã quan sát bên kia sông có rất nhiều các lùm tre. “Chúng ta sẽ túm lấy những ngọn tre để vào bờ”. Gã nói thế. “Vấn đề là phải tránh bằng được những cành cây, nhất là những cây bật gốc. Sống chết là ở điều này. Các cậu cần quan sát thật kỹ”. Sau cùng gã chỉ sang bờ bên kia: “Đấy chính là nơi chúng ta cập bến”.
Ban chỉ huy trạm phản đối quyết liệt, dọa sẽ không cấp giấy giới thiệu, sẽ cắt hết mọi tiêu chuẩn. Nhưng gã còn quyết liệt hơn:
- Các anh không cấp giấy giới thiệu chúng tôi cũng đi. Chúng tôi tin là không ai bỏ tù, bỏ đói những con người như chúng tôi. Vấn đề là trước những khó khăn có dám tiến lên hay chỉ ngồi chờ người hoặc trời ban lộc.
Mềm nắn rắn buông. Ban chỉ huy trạm bắt bọn gã viết cam đoan. Xong ngay. Bảy tờ cam đoan được đặt nghiêm chỉnh trên bàn trạm trưởng.
Trưa hôm ấy, bảy anh em được một giao liên dẫn đường len lỏi lên phía thượng nguồn. Gã thoáng thấy một doi đá. Gã phấn chấn hỏi giao liên:
- Có lẽ ta đi cũng phải sáu, bảy cây số rồi đấy nhỉ. Chúng tôi sẽ lên doi đá kia để thả.
Đồng chí giao liên gật đầu, đưa cho gã một lọ Nhị thiên đường, bảo:
- Tui sợ các anh luôn. Các anh hãy thoa dầu này rồi khởi động thật kỹ, đề phòng chuột rút. Thôi. Chúc các anh may mắn.
Gã cám ơn rồi cùng anh em chuẩn bị. Nửa tiếng sau, mọi thứ đã sẵn sàng. Gã đứng trên mỏm đá hô:
- Xuất phát!
Bảy người như bảy mũi tên lao ra dòng nước. Nước réo ào ào, phăng phăng kéo họ ra giữa dòng rồi hả hê quăng quật, xoay họ như xoay trái bóng. Họ cố giữ thăng bằng, tránh những cành cây hung hãn, những xoáy nước hiểm độc. Nhích dần một chút, họ sắp sang tới bờ bắc. Một ngọn nước ngược chiều lại kéo họ ra, quăng trả lại bờ nam. Lại phải làm lại từ đầu. Khi họ nghe rõ những tiếng reo hò hai bên bờ, cũng là lúc những lùm tre xõa cành, ngả ngọn đón họ. Họ nhanh nhẹn túm lấy, lần được vào bờ. Bao nhiêu cánh tay giơ ra, có cả những chiếc sào dài. Họ được kéo lên, rũ rượi, nhợt nhạt nhưng trên môi lại nở những nụ cười. Nụ cười chiến thắng.
Những bát cháo nóng, không biết chuẩn bị từ bao giờ được bưng ra. Bảy anh em sì sụp húp, khóe mắt cay cay, ươn ướt. Trong gian lao mới biết thế nào là tình đồng đội. Đêm ấy, họ chìm vào giấc ngủ vừa kinh hoàng, vừa mãn nguyện.
Hôm sau, gã dậy sớm đi thăm khu trạm. Ra tới bờ suối, gã thấy một cô gái quen quen. Nhất định đã gặp cô ấy ở đâu rồi. Gã vắt óc nhớ lại, nhưng không thể nhớ ra. Vừa lúc ấy, ai đó cất tiếng gọi:
- Mến ơi! Mến đâu rồi?
À. Nhớ rồi. Cô ta chính là Vi Thị Mến, người mà suýt nữa gã phải cưới làm vợ nếu tiểu đoàn trưởng Bựng không về kịp. Gã lẩm bẩm: “Đúng là quả đất tròn”, rồi tiến về phía cô gái, mạnh dạn hỏi:
- Cô có phải là cô Mến - Vi Thị Mến, quê ở Sơn La không?
Cô gái ngạc nhiên:
- Sao anh lại biết em? Mà em trông anh cũng quen lắm. Hình như em đã gặp anh ở đâu…
- Gặp ở nhà em chứ gặp ở đâu. Em còn nhớ cái anh bộ đội sợ bẩn quần, lấy ghế của em ngồi không?
- Á. Nhớ rồi! Thì ra là anh. Mới mấy năm mà trông anh già dặn quá, em chẳng nhận ra. Thế bây giờ anh đi đâu?
- Tôi yếu quá phải ra Bắc điều trị. Còn em?
- Em đi với đoàn văn công vào phục vụ chiến trường.
- Đoàn nào?
- Đoàn văn công của Quân khu Tây Bắc. Sau cái ngày anh chê em, không thèm lấy, em bị thanh niên bản chê cười, chế giễu, sống chẳng yên thân nên xin đi văn công, hò hát nhảy múa cho đỡ buồn, đỡ khổ.
- Tôi xin lỗi. Thế cả đoàn Tây Bắc đi à? Có chị Cao Ánh Tuyết, chị Thanh Mai, chị Hoàng Ngân múa ba-lê không?
Mến lắc đầu:
- Sau vụ lùm xùm giữa chị Tuyết với anh phó đoàn, chị đã xin phục viên, về quê. Chị Thanh Mai chuyển về Hà Nội. Chị Hoàng Ngân đi với chồng sang Liên Xô. Bây giờ toàn người mới, anh chả quen ai đâu.
- Quen em đấy thôi. Không những quen mà suýt nữa còn gắn bó cả đời. À. Bây giờ em đã chồng con gì chưa?
- Chả lẽ em cứ chịu chết đứng vậy đợi anh thương hại quay lại hay sao. Nói thế chứ, em cũng làm gì đến nỗi. Năm sau em được một anh nhạc công thương yêu. Chúng em đã xây dựng, đã có hai cháu.
- Có hai cháu, sao em đi được chiến trường?
- Ông bà nội cháu ở ngay thị xã Sơn La. Chúng em gửi cháu cho các cụ. Mấy lại, cháu gái lớn đã tám tuổi, thằng em cũng sáu tuổi, đi học cả rồi. Thế còn anh?
- Anh vẫn là lính phòng không. Em còn chả lấy thì ai người ta lấy.
Mến ngẩng lên, nguýt gã một cái. Ôi trời, hai con mà Mến vẫn trẻ, xinh đẹp như gái tân thế kia thì đố ai lại đoán là gái đã có chồng.
Một người từ trong lán chạy ra. Thấy Mến đang nói chuyện với gã, anh hỏi:
- Em gặp đồng hương à?
- Không. Em gặp chồng cũ của em. Cái anh chàng vớ ghế của em ngồi cho khỏi bẩn quần ý mà.
Anh ta chạy lại bắt tay gã, tếu táo nói:
- Cũng may là anh chê Mến nên tôi mới vớ được. Chứ xấu trai như tôi có mà cô ấy chả thèm.
Cả ba cùng cười. Buổi sáng ở binh trạm bên bờ sông Sê-pôn hung dữ thật êm đềm. Họ mời nhau vào lán, uống chè rừng, nhấm nháp lương khô 702 và kể những câu chuyện về miền Tây Bắc. Lúc sau cả đoàn văn công kéo sang, chuyện trò rôm rả. Gã đề nghị các anh chị văn công hát vài bài cho cả trạm giao liên thưởng thức. Rồi gã cũng cao hứng hát một bài quan họ. Tiếng vỗ tay không ngớt. Gã đang định ca một bài vọng cổ thì tiếng kẻng báo động vang lên. Từ phía tây, ba dải khói trắng đang lừ lừ lao về phía trạm. Gã nhảy ra khỏi lán, ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh trong thăm thẳm, hét to: “Bê năm hai!”, vừa kịp nhảy vào trong hầm thì mặt đất rung lên, căn hầm như con thuyền trồi lên ngụp xuống, đất đá rào rào. Gã ngồi thụp xuống. Vợ chồng Mến chạy về căn hầm dành riêng cho đoàn. Căn hầm gã nhảy xuống là căn hầm được thiết kế theo kinh nghiệm của Triều Tiên còn gọi là hầm chữ A. Hầm chữ A chắc chắn là thế mà vẫn rung lắc như đưa võng. Đã có vài chiếc kèo tụt xuống, một khoảng trời he hé lộ ra. Nhưng hầm vẫn đứng vững. Mong sao mọi căn hầm đều đứng vững như căn hầm này.
Khi tiếng nổ dứt, gã nhảy ra. Cánh rừng sát bờ sông tan hoang, ngổn ngang cây đổ. Gã vội vàng nhảy về phía lán của đoàn. May quá. Tất cả đã kịp xuống hầm. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chỗ là lán ngủ của đoàn chỉ còn là một hố sâu, khét lẹt. Tất cả những gì mà đoàn gã đem ra đều thành cát bụi, kể cả hồ sơ, giấy tờ. Nhưng lúc đó chẳng ai quan tâm. Niềm vui sống sót sau trận B-52 đã át đi mọi nỗi lo toan. Gã lại vội nhảy sang bên văn công. Trời ơi! Căn hầm kiên cố, bề thế dành cho họ nay đã bay đi, để lại ngổn ngang que gậy. Tiếng gọi nhau, tiếng kêu cứu, tiếng cây gẫy và cả tiếng khóc vang động cả khu rừng. Gã cùng mọi người ra sức đào bới để cứu những người bị vùi lấp. Không thấy Mến, người nhạc công như phát điên, mười ngón tay tài hoa tứa máu, miệng khản đặc gọi: “Mến ơi! Mến ơi!...”. Lúc sau thì có thêm các đồng chí bộ đội công binh tới. Những người lính dày dạn kinh nghiệm đã nhanh chóng cứu được nhiều người, đưa được nhiều người về trạm xá binh trạm kịp thời cấp cứu. Nhưng, mười mấy người đã vĩnh viễn ra đi, ba nữ văn công trong đó có Mến người ta không tìm thấy. Thôi, binh trạm này, bờ bắc con sông Sê-pôn lúc hiền hòa, khi hung dữ này là nơi các em nằm lại vì nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Tổ quốc không quên các em, nhân dân Quảng Trị không quên các em, người đôi bờ Sê-pôn hai dân tộc Việt - Lào sẽ mãi mãi ghi nhớ hình hài và tiếng hát của các em.
Gã bùi ngùi, nắm chặt bàn tay người nhạc công tài hoa. “Nỗi đau của bạn cũng là nỗi đau của tôi. Nhưng tôi còn được chôn cất nàng, còn được ôm tấm bia mộ mà thì thầm những điều sâu nặng. Suy cho cùng tôi vẫn còn hạnh phúc hơn bạn. Nhưng dẫu sao thì chúng ta vẫn phải sống, phải chiến đấu để trả mối huyết hận này”. Gã thì thầm như thế. Chắc người nhạc công cảm nhận được những điều gã nói. Họ gục vào nhau. Và họ khóc.
Đêm ấy, trời Sê-pôn trắng đục, những dải mây vắt ngang những dải rừng như những tấm khăn trắng quấn quanh những mái đầu xanh.
Đoàn của gã ra sức lục tìm, hộ may tìm thấy chút giấy tờ. Không hồ sơ, không một lời giới thiệu người ta biết bọn gã là ai? Bao nhiêu năm, nay trở về như một tên đào ngũ thì làm sao mà cam tâm cho được?
Gã động viên anh em cứ ngủ đi, nếu cần xin ở lại đây làm người chiến sĩ giao liên của binh trạm cũng được chứ sao?
Khi anh em lên võng, gã mới rón rén đi tìm trưởng trạm. Gã trình bày về hoàn cảnh của đoàn mình, trình bày nỗi lo của mọi người. Nghe xong, trạm trưởng bảo:
- Ở đây chúng tôi gặp không ít trường hợp như của các đồng chí. May mà đoàn đồng chí đã nộp giấy giới thiệu, có danh sách ghi rõ cấp bậc từng đồng chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu để các đồng chí ra Bắc, nhưng cũng chỉ dám chứng nhận những điều ghi trong danh sách, còn những cái khác như đảng, đoàn, khen thưởng, kỷ luật, thương tật… thì chịu.
- Vâng. Nhưng xin các đồng chí tờ giấy xác nhận là chúng tôi bị bom B-52 mất hết giấy tờ.
- Không cần đâu. Vì có hay không có tờ giấy ấy, cũng chẳng ai để các đồng chí sinh hoạt Đảng.
- Nhưng có vẫn hơn không.
- Ôi dào. Ra được miền Bắc, mang được cái gáo về là tốt rồi. Cần gì phải đòi hỏi lắm chuyện.
Nói xong, trạm trưởng xin phép đi làm việc khác.
Sáng hôm sau gã nói lại những điều trạm trưởng nói tối qua. Nguyễn Hoàng Thượng bảo:
- Em thấy trạm trưởng nói đúng lắm. Chúng em chỉ lo cho anh, chứ như em làm cái thằng hạ sĩ, tiểu đội trưởng, thương tật ít nhất cũng phải loại một - hai mốt phần trăm, về làng là vinh dự lắm rồi. Cốt sao mình sống cho tử tế là được.
Có lẽ tất cả anh em đều chung ý nghĩ như Thượng nên họ vui vẻ lắm.
Đoạn đường từ Sê-pôn ra hết vĩ tuyến 17 cũng hơi trầy trật, nhưng từ vĩ tuyến 17 trở ra thì hoàn toàn thuận buồm, xuôi gió.
Đến CT14 là phải chia tay. Gã về Đoàn 253, nghe nói ở dưới Hải Dương, còn sáu anh em mỗi người về một tỉnh, chia tay sáu, bảy ngả đường.
Gã xin phép trạm cho tổ chức buổi liên hoan nho nhỏ. Về tới CT14 thì mức ăn đã khá lắm rồi, gã lại bỏ tiền “Cửa rừng” mua chục chai bia Trúc Bạch, nhờ chị em nhà bếp làm giúp mấy món tươi tươi, nên bữa liên hoan khá thịnh soạn. Nhưng nào mấy ai đụng đũa. Vài hớp bia khiến thần kinh bị kích thích mạnh, mấy anh em ai cũng bùi ngùi không nỡ xa nhau. Bao nhiêu kỷ niệm tràn về. Buồn vui lẫn lộn. Thượng nêu ý kiến: “Bảy anh em làm cuộc kết nghĩa, tôn gã làm anh cả, mỗi năm gặp nhau ít nhất một lần”. Gã xúc động nói:
- Cám ơn các em. Nhưng năm, sáu tháng trời đủ để anh em mình hiểu nhau. Sau này mỗi người mỗi ngả, khó có điều kiện gặp nhau lắm. Hãy lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về nhau, mỗi năm viết cho nhau một vài lá thư, sau này thống nhất, đất nước giàu có, mỗi nhà một cái điện thoại thì thường xuyên phôn cho nhau. Thế là quá đủ.
Gần tối, từng đoàn xe chuyển bánh. Còn duyên thì tụ, hết duyên thì tán, âu cũng là lẽ thường tình.
Xe đưa gã chạy ra Đường 5. Bên tay trái đã là quê gã. Quê ơi, sao nhớ quá chừng! Khoảng nửa đêm thì xe dừng lại. Đèn pin lấp loáng. Gã được một cô gái dẫn vào một gia đình. Cô bảo:
- Anh nghỉ ở đây. Sáng mai ra chỗ xe đỗ ăn sáng rồi làm việc. Chào anh! Chúc anh ngủ ngon!
***
Nhưng làm sao ngủ ngon cho được. Có lẽ đây là đêm đầu tiên từ ngày rời ga Thường Tín đi B, gã không phải lo sợ điều gì. Tuy đất nước vẫn chưa một ngày im tiếng súng, nhưng với gã có thể gọi đêm nay là một đêm hòa bình. Vì là đêm hòa bình nên gã lại phải nghĩ tới những điều của hòa bình. Gã nóng lòng muốn viết thư về báo cho chú thím, cho các anh, các chị rằng gã đã sống sót trở về. Gã sẽ kể hết những chuyện về Ành, về Mơ và những người đồng chí. Gã cũng sẽ không quên kể về tổ phụ, tổ mẫu luôn theo sát gã, phù hộ và cứu giúp, giải cho gã những nguy nan, tiếp cho gã niềm tin và sức mạnh.
Gã vùng dậy, soi đèn để viết. Viết xong gã mới sực nhớ là chưa biết đây là đâu, cũng chưa biết hòm thư đơn vị. Gã soi đèn quanh quẩn, chợt nhìn thấy tấm bằng khen. Gã nhỏm dậy, ra sát tường nhìn cho rõ. Người được tặng bằng khen là đồng chí Lê Thị Hiền - Bí thư chi đoàn thôn Ngò, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng. A. Gã nhớ ra rồi. Năm ngoái có một cậu báo vụ được bổ sung tên là Nguyễn Kim Thố, quê bên Chí Linh. Thố đã kể cho gã nghe câu chuyện về thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa, quê ở xã này. Gã tự nhủ thầm: Ngày mai phải tới xem cậu bé ấy thế nào mà tài năng lại kỳ diệu đến thế.
Đang loanh quanh định vào giường chợp mắt một chút thì tiếng gà đã vang lên. Ôi, tiếng gà sao mà thân quen đến thế. Mấy năm rồi không được nghe tiếng gà gáy sáng, tưởng đã quên mà chẳng thể nào quên.
Cao hứng, gã mở tung cánh cửa. Đêm cuối tháng vẫn mờ mịt tối. Gã thấy dưới bếp có ánh lửa le lói. Gã bèn bấm đèn pin đi xuống. Một người đàn bà quay mặt vào bếp lửa, đun một lúc ba bếp. Thấy ánh đèn, người ấy quay lại, hỏi:
- Anh lạ nhà không ngủ được à?
- Không. Không phải lạ nhà mà là nhớ nhà không ngủ được. Cô là cô Hiền có phải không?
- Ô. Sao anh biết?
- Thế mới lạ. Sao cô dậy sớm thế?
- Sáng nào giấc này em cũng dậy. Vả lại hôm nay là ngày mồng Hai tháng Chín, chúng em còn phải lên huyện dự mít tinh.
- Hôm nay là mồng Hai tháng Chín à? Chết chửa, thế mà tôi quên.
Câu chuyện giữa gã và Hiền kéo dài cho tới sáng. Nghe tiếng kẻng, gã vội ra sân kho. Cơm sáng xong, tất cả thương, bệnh binh về trạm tối qua được mời lên hội trường dự họp. Mở đầu, trạm trưởng báo cáo tình hình. 253 là đoàn an dưỡng dành cho cán bộ sơ cấp của Quân khu Tả Ngạn, gồm bốn tiểu đoàn: Tiểu đoàn 1 đóng ở Chí Linh là tiểu đoàn tập trung các đồng chí chuẩn bị về hưu, mất sức. Tiểu đoàn 2 là tiểu đoàn gồm các đồng chí trước khi nhập ngũ đã là cán bộ, công nhân viên Nhà nước, nay có nguyện vọng trở lại cơ quan cũ. Tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn tập hợp các đồng chí còn trẻ, khỏe, sẵn sàng trở lại đơn vị chiến đấu, công tác. Tiểu đoàn 4 là tiểu đoàn tiếp tục an dưỡng, chờ phân loại đưa về các đơn vị. Đoàn còn có một trạm xá, một trường Đảng bồi dưỡng những kiến thức cơ bản cho các đảng viên sau thời gian dài ở chiến trường và một trạm đón tiếp, chính là chỗ này.
Sau trạm trưởng đến các đồng chí bên cán bộ, tổ chức, chính sách, bảo vệ đưa mỗi người một mẫu khai báo, sáng mai đem nộp.
Bữa trưa, trạm tổ chức liên hoan mừng Quốc khánh. Khi tất cả đã ngồi xuống mâm thì đoàn cán bộ địa phương tới. Gã trông thấy trong đoàn có cả Hiền. Tất cả đứng dậy vỗ tay. Đoàn cán bộ địa phương chia nhau tới từng mâm chúc sức khỏe anh em thương, bệnh binh. Có lẽ thấy gã lành lặn, môi vẫn đỏ, nước da hơi tái nhưng trắng trẻo nên chị bí thư cùng Hiền dừng lại hỏi:
- Đồng chí là thương binh hay bệnh binh?
- Em cũng bị thương nhưng nhẹ. Em ra Bắc chủ yếu là do sốt rét ảnh hưởng các bộ phận trong cơ thể.
- Nhưng kéo lại được nước da. Thôi. Cố gắng chữa bệnh và bồi dưỡng. Chiến trường đang rất cần các đồng chí.
- Vâng ạ!
Hiền chỉ im lặng, lắng nghe. Thấy thế chị bí thư vui vẻ bảo:
- Đồng chí Hiền thay mặt chi đoàn chúc các đồng chí thương, bệnh binh hoặc hứa hẹn cái gì đi chứ?
Hiền nhanh trí, đáp lại:
- Lời hay ý đẹp cô nói hết rồi, chúng cháu còn gì nữa đâu mà nói.
Một cô đi sau Hiền nhanh nhảu đỡ lời:
- Chị Hiền - Bí thư của chúng cháu bảo để dành tối nay liên hoan sẽ chúc nhân thể đấy ạ.
Cả hội trường vỗ tay, cười nói vui vẻ.
Tối ấy, cũng tại hội trường liên hoan buổi trưa, chi đoàn địa phương tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Quốc khánh lần thứ 27 của đất nước. Hầu như toàn bộ anh em thương, bệnh binh đang có mặt tại trạm đều đến dự. Hiền thay mặt chi đoàn có lời chúc tốt đẹp nhất đến các anh thương, bệnh binh, rồi tự nguyện hát một bài. Hiền hát rất hay có vẻ như dân chuyên nghiệp. Giọng cô khá cao, ấm và tình cảm. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay.
Tiếng vỗ tay chưa dứt thì một đồng chí bộ đội đứng lên. Ô, sao trông anh ấy quen thế. Gã vò đầu nhớ lại. Nhất định là gã đã gặp anh. Anh thong thả bước ra, giới thiệu:
- Tôi là Vũ Ngàn Chi, là thương binh từ chiến trường ra, được các đồng chí ở trạm đón tiếp rất ân tình. Để tỏ tấm lòng biết ơn các đồng chí ấy, tối qua tôi mới viết bài thơ có tựa đề “Trạm của chúng tôi”. Nhân ngày vui này, tôi xin đọc để các đồng chí cùng nghe.
Thơ anh rất hay, giọng Khu Tư ấm áp, tình cảm chả thua kém gì các anh các chị trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ khá dài, đầy ân nghĩa. Anh đọc thuộc lòng, không vấp váp. Đọc xong, anh cúi chào rất điệu nghệ. À. Gã nhớ ra rồi. Anh chính là người đóng vai trung úy Phương trong vở “Nổi gió” của Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Nếu gã nhớ không nhầm thì người đóng trung úy Phương được giới thiệu là Phạm Ngọc Cảnh. Có lẽ Vũ Ngàn Chi là bút danh của anh. Gã len đến chỗ anh ngồi, gãi đầu hỏi:
- Anh. Em hỏi khí không phải. Anh có phải là anh Phạm Ngọc Cảnh đóng trung úy Phương trong vở “Nổi gió” không ạ?
- Sao cậu biết mình. Chắc là xem “Nổi gió” rồi hả?
- Vâng ạ!
Hai anh em đang mải chuyện trò thì chị bí thư tới. Nhìn thấy gã, chị bảo:
- Đồng chí bộ đội đẹp trai. Song ca với bí thư chi đoàn một bài chứ?
Gã gãi đầu, từ chối khéo:
- Cô ấy hát hay thế, em làm sao mà dám song ca.
Vũ Ngàn Chi khuyến khích:
- Chú mày cứ ra đi. Hát hay không bằng hay hát. Đã có anh ủng hộ.
Bấy giờ gã mới mạnh dạn bước ra, hỏi Hiền:
- Bí thư định hát bài gì?
- “Bài ca hy vọng”. Được không anh?
- Xong. Xin mời bí thư.
Hiền đằng hắng lấy giọng, rồi êm ái cất lên “Từng đôi chim bay đi…”, gã tiếp luôn “Tiếng ca rộn ràng…”. Giọng Hiền ấm áp, ngân vang, còn giọng gã mượt mà, luyến láy đầy chất dân ca quan họ. Khi lời những câu hát cuối ngắt nhịp hai tiếng một tha thiết, yêu thương, tràn đầy hy vọng “Bóng đêm, gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ… tan” vừa dứt thì tất cả đứng dậy, xô vào, đặt lên tay hai người những bông hoa, những phong bánh kẹo và cả sự ngập ngừng. Họ không ngờ giọng hai người lại hợp nhau, hòa quện với nhau đến thế, nhất là không thể ngờ người lính trận mạc lại có giọng ca vàng lay động lòng người. Vũ Ngàn Chi dõng dạc tuyên bố:
- Chuyến này nhất định mình phải giới thiệu với Tổng cục Chính trị. Cậu đứng dưới ánh đèn sân khấu hợp hơn đứng dưới chiến hào…
Liên hoan kết thúc. Hiền ý tứ ở lại rút kinh nghiệm, về sau gã. Thế mà phòng gã vẫn sáng đèn.
Hôm sau, gã đem nộp các bản khai. Nguyễn Hữu Khâm - Trợ lý cán bộ ngó qua, kêu lên:
- Trời đất. Chữ anh đẹp quá ta! Chắc chắn ông Nguyên sẽ kéo anh về Ban Cán bộ. Ông ấy không bỏ nổi một người như anh đâu.
Nhưng gã đang rắc rối với bên tổ chức. Theo tự khai thì gã đã là đảng viên mấy năm rồi. Vả lại giấy giới thiệu luân chuyển qua các trạm đều ghi gã cấp bậc 3/5, chức vụ chính trị viên đại đội. Mà đã là chính trị viên thì nhất định phải là đảng viên. Từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam chưa có ai làm chính trị viên một đơn vị mà là người ngoài Đảng. Nhưng không có giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng thì về nguyên tắc không ai dám coi gã là đảng viên. Bây giờ chỉ có giải pháp duy nhất là gã phải quay lại chiến trường hoặc ít nhất có sếp lớn cam đoan xác nhận. Đêm ấy gã suy nghĩ mãi. Gã không thể bỏ Đảng. Gã đã thề đi theo Đảng đến hơi thở cuối cùng. Gã cũng không thể quay lại chiến trường bởi bệnh tật của gã thế này người ta cũng chẳng cho đi.
Gần sáng, gã chợt nghĩ ra: Tại sao gã không ra Cục Tổ chức mà trình bày. Đấy là cơ quan chuyên môn cao nhất giúp Đảng tham mưu những vấn đề về công tác Đảng. Gã tin là ngoài ấy người ta có đủ danh sách đảng viên, chí ít cũng có cách để xác minh. Đề xuất của gã được ủng hộ. Hiền bảo gã lấy xe đạp của cô mà đi. Nhưng gã ngại. Nào đã thân thiết gì cho cam. Vả lại chiếc xe đạp là cả một gia tài, chẳng may hỏng hóc, mất mát thì lấy gì mà đền. Nhưng Hiền tha thiết và thành thật quá, nên gã cũng liều. Hôm sau gã dậy từ bốn giờ sáng, đã thấy dưới bếp đỏ lửa, mùi xôi nếp bốc thơm ngào ngạt. Đang định đi xuống thì Hiền đi lên, bảo:
- Biết anh đi sớm, bố mẹ bảo em thổi một ít xôi để anh mang đi ăn đường. Thời buổi chiến tranh, dọc đường chẳng có quán xá gì đâu. Đây, anh cầm lấy.
Gã cảm động quá, nói chẳng nên lời, lý nhí đưa tay:
- Tôi xin. Bố mẹ và Hiền tốt với tôi quá!
Hiền quay vào nhà dắt xe đạp ra. Mọi thứ đâu vào đó. Gã chợt nghĩ tới Ành. Nếu Hiền là Ành, chắc là hai đứa sẽ đèo nhau ra Hà Nội, rồi sẽ về thăm chú thím, anh chị, dân làng… Ành ơi, ai sẽ thay em đi cùng anh hết đoạn đường còn lại?
Thấy gã bần thần, Hiền hỏi:
- Anh nhớ chị em à?
Gã khẽ gật đầu.
- Nhưng cô ấy không còn. Cô ấy hy sinh đã bốn năm rồi!
Gã nghẹn lại. Từ trong khóe mắt hai giọt nước lại trào ra. Hiền rón rén lại gần, nói rất nhỏ:
- Em xin lỗi. Chị ấy sẽ phù hộ anh. Em tin là anh đi chuyến này sẽ thuận buồm xuôi gió.
Đúng là chuyến đi của gã vô cùng may mắn. Gã tìm được tới nơi đón tiếp của Cục Tổ chức thì đã sắp hết giờ. Đồng chí đại úy nghe gã trình bày, liền hỏi:
- Đồng chí ở Khánh Hòa à? Có biết Thủ trưởng Nguyễn Ngật - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội không?
Gã cuống quýt:
- Dạ. Có ạ. Thủ trưởng là người ký quyết định kết nạp em đấy ạ.
- Thế thì số cậu may rồi. Ông ấy đang họp ở đây. Cậu cứ đứng đợi ở cổng này thì nhất định sẽ gặp được. Trường hợp của cậu, ông ấy chứng nhận là được. Mà kìa. Các cụ đã họp xong rồi đấy.
Gã vội vàng chạy ra cổng. Đang ngơ ngác thì có người gọi:
- Này. Có phải cậu mới ở Khánh Hòa ra không?
Gã quay lại:
- Ôi! Thủ trưởng!
- Vào đây. Chắc là có chuyện gì cần đến mình. Mà sao cậu biết mình ra đây họp?
- Em vừa mách cậu ta đấy. - Đại úy đỡ lời. - Cậu ta bị B-52 đánh bay hết giấy tờ.
Thủ trưởng Ngật nghe gã trình bày rồi nói với đại úy:
- Trường hợp của cậu này là mình rất nhớ, vì hồi đó cậu ta bị bên an ninh quản thúc ba tháng. Mình ký quyết định kết nạp cậu ta trước Tết Mậu Thân khoảng hai chục ngày. Nào, cho mình tờ giấy để mình viết xác nhận.
Ông viết xong, đại úy xin đem đi đóng dấu. Trong lúc chờ, ông hỏi gã:
- Có vướng mắc gì nữa không? Chẳng hạn như cấp, chức, thương tật, chế độ…
Gã bảo em chỉ thiếu giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, còn mọi thứ đều đầy đủ. Em cám ơn Thủ trưởng.
Ông vỗ vỗ vai gã bảo phải thật cố gắng, phải xứng đáng với danh hiệu người đảng viên. Vừa lúc đó thì đại úy lấy dấu về. Ông vui vẻ hỏi:
- Trường hợp này Cục có thể giới thiệu thẳng về Đoàn an dưỡng được không?
- Báo cáo thủ trưởng, được ạ. Em sẽ viết ngay cho cậu ta bây giờ.
- Thế là ổn rồi. Thôi, mình đi nhé!
Ông nhanh nhẹn bước lên xe, để lại cho gã nỗi bâng khuâng, lòng biết ơn vô hạn.
- Bây giờ trưa rồi. Mình giới thiệu cho cậu vào nhà nghỉ của Tổng cục nghỉ ngơi, chiều đi thăm thú Thủ đô. Chả gì cũng sáu, bảy năm xa cách. Mai về.
Ngày mai, gã quyết định về thăm nhà. Trạm cho đi năm này. Mới hết một ngày. Thoải mái chán.
Làng quê vẫn như xưa. Sông Đuống đang vào mùa con nước chở mã, cuồn cuộn, mênh mông, có chỗ mấp mé bờ đê con chạch. Đây đó từng tốp dân công đang phải cơi nới để nước sông khỏi tràn qua mặt đê vào ruộng. Cánh đồng xanh bát ngát, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, đủ lương gửi ra mặt trận.
Càng gần tới nhà, gã càng thấy bâng khuâng, không biết giờ này mọi người đang làm gì. Tháng ba ngày tám chơi dài, đói dài. Cảnh làng quê biết bao giờ thay đổi.
Sắp tới chùa làng Bút, những đỉnh tháp lô nhô, nhọn hoắt giữa lũy tre làng tạo vẻ trầm mặc, uy nghiêm của ngôi cổ tự mấy trăm năm tuổi, gợi gã nhớ tới tuổi thơ đói rét, cô đơn. Gã nhớ những buổi ra sông vớt củi, những buổi chiều bơi ra bãi giữa hái trộm rau lang. Liệu lũ trẻ bây giờ có phải lặp lại những việc làm của gã?
Phía đông, một đám mây đen kéo tới. Gió bắt đầu lành lạnh. Gã cố rướn người, đạp xe nhanh hơn, may ra thoát được cơn mưa. Khi xe lao vào cổng làng thì cổng làng đã chật ních. Toàn là phụ nữ. Mưa bắt đầu xối xả. Một cô gái trẻ măng nép sát vào tường nhường chỗ cho gã. Mọi người nhìn gã xì xào. Một chị, vẻ đứng tuổi, hỏi:
- Anh bộ đội người làng này hay đi qua gặp mưa vào đây trú mưa đấy ạ?
- Vâng. Tôi người làng này, được đơn vị cho về tranh thủ ít ngày.
- Về tranh thủ cưới vợ hay tranh thủ thăm u cháu ạ?
- Tôi mới ở chiến trường ra. Về thăm chú thím, anh chị, dân làng…
- Mới ở chiến trường ra à? Thế sao môi anh vẫn đỏ. Em thấy ở làng em anh nào ở chiến trường ra môi cũng thâm xì, da đều xám xịt. Hay anh ở chiến trường Thủ đô Hà Nội à?
Cả đám con gái cười ầm lên. Gã chẳng biết giải thích cho đám con gái tinh nghịch này thế nào. May sao mưa ngừng hẳn. Gã vội vàng dắt xe ra, nói to:
- Thôi, xin chào các cô. Có điều kiện mời các cô vào nhà tôi chơi.
Gã vù xe đi. Phía sau các cô lại phá lên cười.
Chú thím già đi nhiều quá. Anh Hai cũng vào chiến trường mấy năm rồi. Các em, các cháu đều lớn, chẳng nhận ra đứa nào. Chú bảo, cũng nghe tin gã ra, nhưng chẳng biết ở đâu. Mấy ngày nay ruột nóng như cào. Thằng em - con lớn của chú chạy vào nhìn gã rồi tất tả quay ra. Xoét một cái nó bắt được con gà đem ra vại nước cắt tiết, bảo liên hoan mừng gã thoát chết trở về.
Dân làng bắt đầu lục tục kéo đến. Người hỏi, người sờ tay, sờ chân. Mừng thì thật mừng. Buồn cũng thật buồn. Có người khóc rống lên: “Con ơi, anh Ngọng nhà cụ Đình cùng đi với con, nay đã về rồi. Còn con ở đâu, con ơi!”.
Lúc sau thì mấy cô gái gặp ngoài cổng làng ngấp nghé ngoài ngõ. Cô nọ đẩy cô kia. Hóa ra các cô ở xã bên đi ấp trúc đê, buổi trưa về đây nghỉ chân cơm nước, chiều lại đi làm.
Chiều, gã đi thăm các ông già bà cả, rồi đạp xe lên đê. Loắng ngoắng thế nào lại rơi đúng vào tổ ong vò vẽ. Nhác thấy bóng gã, một cô gọi toáng lên:
- Lê ơi. Cái anh mà mày nhường chỗ trưa nay lại đến tìm mày đây này. Ra đây để chúng tao xem có đẹp đôi không nào.
Một cô gái bị đẩy ra. Ai đó lại còn tinh nghịch lột tấm khăn che nắng để lộ khuôn mặt tròn trĩnh, trắng hồng của cô gái. Nhưng cô ấy còn trẻ quá. Có lẽ đang là học sinh cấp hai. Gã thấy cô ta cố giấu mặt đi, bèn đạp xe thật nhanh, rồi quay cổ lại bảo:
- Cám ơn các cô đã cho xem mặt người đẹp. Nhưng mà người đẹp còn bé quá. Sao không cắp sách đến trường mà lại đi ấp trúc đê?
Các cô nhao nhao trả lời, nhưng gã đã cao chạy xa bay.
Đêm ấy chú gọi gã vào buồng, bảo:
- Chú nói chuyện này cháu không được buồn. Cũng ngày này năm ngoái, con cái Yến nó về đây chơi… - Chú dừng lại xem phản ứng của gã thế nào. Thấy gã ngồi im, nét mặt chẳng thể hiện vui buồn, ông nói tiếp: - Nó mang theo một đứa con trai lai. Nó bảo nó về tạ lỗi với chú thím, tạ lỗi với cháu. Đây, nó gửi cho cháu bức thư này đây.
Gã uể oải bóc thư. Ôi, những dòng chữ thân quen. Nỗi lo của gã ngày ấy chưa đầy năm đã thành sự thật. Yến không thể vượt qua những cám dỗ, không thể nén nổi lòng mình. Yến đành phụ gã - dù rằng không tình yêu nào lớn bằng tình yêu Yến dành cho gã. Yến không mong gã tha thứ, Yến chỉ muốn gã căm thù, lên án hoặc chửi mắng, bởi Yến cho rằng mình đáng bị trừng phạt… Gã thấy trong lòng trống vắng. Bởi gã cũng là kẻ phản bội. Hai kẻ phản bội lẫn nhau thì làm gì còn tư cách nào để mà lên án, để mà trừng phạt. Đêm ấy, gã như đang sống với Ành. Gã thấy mình là người có tội. Tội với Yến, tội với cả Ành.
Ở nhà thêm một ngày nữa. Sáng hôm sau (mặc dù còn một ngày nữa) gã xin phép chú thím, anh chị cho về đơn vị. Gã muốn trả ngay xe đạp cho Hiền. Thật ra gã cảm thấy nhớ Hiền. Có phải vì Hiền mà gã thờ ơ với lá thư của Yến? Vì Hiền mà gã chẳng thấy buồn khi mất người bạn tri kỷ thuở học trò?
Gã vừa thong thả đạp, vừa thả tâm hồn theo những câu chuyện chợt đến, chợt đi. Gã rướn người đạp nhanh vượt qua một đám học trò, hình như toàn con em những cán bộ miền Nam tập kết. Bỗng gã nghe thấy tiếng gọi:
- Anh bộ đội ơi, đợi em với…
Gã quay lại thì thấy một thiếu nữ mặc sơ mi trắng, đang cố sức đạp xe đuổi theo, gần chục cô cậu bao quanh cô ta. Gã đạp chậm lại, hỏi:
- Có việc gì mà cô bảo tôi đợi?
- Ơ kìa, anh. Có phải anh bộ đội ở làng Bến không?
Gã cũng kịp nhận ra cô:
- Đúng. Tôi đây. Thế cô không đi ấp trúc đê nữa à?
- Hôm nay em phải đến trường. Nhưng mấy anh đây không cho em đi nhanh.
Gã dừng hẳn xe, hỏi mấy cô cậu tại sao lại cản đường cô gái này.
- Có gì mà phải hỏi. Tụi tui thích cô này. Thế thôi.
- Nói thế sao được. Các cậu còn đang là học sinh, sao đã dám giở trò trêu ghẹo?
- Này. Tụi tui nói cho ổng biết. Việc của ổng, ổng làm. Việc của tui, tui làm. Đừng có xía vào. Không hay đâu.
- Không phải là tôi xía vào mà là tôi nói cho các cậu biết. Nếu không nghe, tôi sẽ đưa các cậu về nhà trường.
Bọn choai cười ré lên:
- Ngon nhỉ. Ổng thử đưa tụi tui xem nào.
Gã nóng gáy, dựng xe. Một cậu choai nhảy tới, hạ thấp trọng tâm, đưa tay sàng xê thủ thế. Một cậu từ phía sau lao tới, tung chân đá. Gã phì cười, né người tóm lấy cả hai cậu choai, bóp cho mỗi cậu một cái, khiến cả hai kêu thét lên. Cả bọn sợ hãi đứng im không nhúc nhích.
- Các cậu còn nhỏ mà không chịu học hành, lại còn đua đòi. Lần này tôi tha, lần sau tôi dẫn về cho nhà trường kỷ luật.
Rồi gã vẫy tay bảo cô gái đi đi.
Chả mấy chốc mà gã đuổi kịp cô, hỏi:
- Cô học ở trường nào?
- Em thi vào trường thương nghiệp ở tận Thanh Hà dưới Hải Dương. Hôm nay em xuống xem kết quả. Còn đơn vị anh ở đâu?
- Tôi cũng gần Thanh Hà, ở bên Nam Sách. Cô định đi đường nào?
- Em đi qua Cẩm Giàng về thị xã Hải Dương, rồi đi Thanh Hà.
- Tôi thì lại đi thẳng vào Gia Lương, qua bến đò Lai Hạ sang bên Nam Sách. Gần lắm. Nhưng nếu cô thấy đi một mình bất tiện, tôi sẽ đi cùng cô. Tôi cũng muốn tham quan thị xã Hải Dương, xem nhà máy sứ…
- Vâng. Thế thì tốt quá. Lần trước đi thi, bố em cũng phải đưa đi. Lần này bố em mệt, em đi một mình. Sợ lắm.
Thế là gã đưa cô gái đi. Cô gái ấy chính là Lê bị mấy chị đẩy ra cho gã xem mặt. Có lẽ nhớ về buổi chiều ấy, Lê tủm tỉm hỏi:
- Anh thấy em còn bé lắm à? Năm nay, tính cả tuổi mụ, em cũng mười tám rồi đấy.
- Tôi đâu dám chê cô bé. Chỉ là so với tôi thì cô còn trẻ quá. Tôi hơn cô những mười một tuổi. Theo các cụ ngày xưa thì cô phải gọi tôi bằng chú…
Lê nguýt gã một cái, bảo:
- Anh nói thế nào, chứ em thấy anh chỉ hơn em ba, bốn tuổi là cùng.
- Cô thấy tôi trẻ thật à?
- Thật. Tất cả các chị ở Đội 202 đều đoán anh chỉ khoảng hai hai, hai ba.
- Thế thì tối nay tôi phải ăn mừng. May ra thì không bị ế vợ.
Cứ thế, họ nói chuyện suốt dọc đường. Chả biết thế nào mà gã đem cả chuyện Ành, chuyện Yến tông tốc kể. Lê nghe, lúc thì cười, lúc thì lau nước mắt. Đến trưa, họ chia tay, hẹn gặp nhau ở quê.
Gã đi thăm thú thị xã Hải Dương, thăm nhà máy sứ, xuống cả cầu Lai Vu nổi tiếng trong câu thơ “Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù” của nhà thơ Tố Hữu. Buổi chiều gặp bạn đang an dưỡng ở Tiểu đoàn 4, kéo nhau qua bến đò Hàn chén chú chén anh, rồi ngủ lại với bạn.
Hôm sau, gã về trạm đón tiếp. Mọi việc xong xuôi. Đồng chí Quân y sĩ ở trạm viết giấy giới thiệu yêu cầu gã sang bên đội điều trị dưỡng bệnh. Tới đội điều trị, người ta lại đưa gã lên Quân y viện 7 đóng mãi trong Trại Sanh thuộc vùng Nhị Chiểu, Kinh Môn. Ở đây gã phải hai lần tiếp máu, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn sĩ quan. Thế mà phải gần hai tháng gã mới được xuất viện. Giờ thì gã đúng là gã tiểu đội trưởng những ngày ở Gốt: trắng trẻo, đẹp trai và mạnh mẽ như một chiến sĩ chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Gã định bụng lần này lại xin về Đoàn 1760. Gã sẽ gặp lại bao nhiêu đồng đội, gặp lại Nhã, gặp lại ông già phố Gốt, cùng ông đánh những ván cờ và… biết đâu ông chả là bố vợ.
Nhưng, một tuần sau gã có quyết định lên đoàn làm trợ lý cán bộ. Đại úy trưởng ban Cán bộ người miền tây Nghệ An nói trọ trẹ rất khó nghe, nhưng lại rất vui tính, đưa cho gã đôi quân hàm thiếu úy đỏ chót, bảo:
- Bét nhất thì mi cũng được phong thiếu úy. Cứ đeo vào còn đi “bát” phố. Mi đeo quân hàm này thì ối cô chết mệt.
Thế là gã bỏ qua thời kỳ an dưỡng kéo dài ba tháng, cũng chẳng cần qua tiểu đoàn nào mà lên thẳng đoàn làm trợ lý cán bộ.
Hôm chia tay, Hiền buồn buồn bảo:
- Liệu anh em mình có còn gặp lại nhau? Liệu có ngày chúng mình lại cùng song ca “Bài ca hy vọng”?
- Sao không? Phật dạy: Còn duyên thì tụ. Tôi nghĩ, chúng mình vẫn còn duyên mà.
Gần tết, Hiền lên đoàn xin gặp gã. Hai người dắt nhau ra bờ mương nổi. Hiền thở dài, bảo:
- Em có việc khó xử quá, muốn anh góp ý.
- Việc gì em cứ nói. Giúp được thì tôi giúp, không giúp được tôi cũng sẽ ủng hộ em.
Mắt Hiền đỏ lên. Cô nghẹn ngào kể. Có một anh bên An Bình cùng ở mỏ than Hà Lầm với bố em. Anh ấy thật thà, khỏe mạnh, bố em quý lắm. Tuần trước anh ấy đã sang đặt vấn đề với em. Em bảo em đã có người yêu. Anh ấy không tin, bảo em nói dối để lừa anh ấy. Em đành hẹn anh ấy mươi, mười lăm ngày. Em lo lắm. Mẹ em thì thế nào cũng được, nhưng bố em thì kiên quyết bắt em phải lấy. Từ nhỏ, em chưa bao giờ làm trái ý bố. Bây giờ biết tính sao?
- Thì em chỉ việc đồng ý, tết xong thì cưới, chứ làm gì phải tính toán gì?
- Nhưng em không yêu anh ta. Không phải vì em chê anh ta xấu, mà là vì…
- Vì gì?
- Vì em đã có người yêu.
- Em yêu ai mà sao tôi không biết?
- Anh thừa biết. Thôi. Em về đây!
Hiền tức tưởi đứng dậy, chạy ra dắt xe. Gã vội vàng chạy theo, hai tay nắm chặt ghi-đông xe Hiền. Bất ngờ, cô buông xe, gục đầu vào ngực gã, thút thít khóc. Gã bị bất ngờ, đứng như trời trồng. Mãi mới dám nâng đầu Hiền, bảo:
- Thôi, nín đi. Anh biết rõ tình cảm của em dành cho anh. Anh cũng yêu em, yêu ngay từ buổi sáng đầu tiên em dậy sớm nấu cơm. Nhưng anh cũng đang gặp khó bởi gia đình…
Hai người quay lại chỗ cũ, ngồi xuống. Gã kể:
- Lần đi Hà Nội, tranh thủ về nhà, ai cũng giục anh lấy vợ. Chú thím thì thế nào cũng được. Chỉ có ông anh cả là ra điều kiện: Nhất định anh phải lấy vợ ở quê. Thứ nhất: Cùng làng. Thứ nhì: Cùng xã. Vạn bất đắc dĩ mới phải sang mấy xã bên cạnh. Ông ấy ra điều kiện như vậy không phải vì ông ấy mà là vì anh. Bố mẹ anh mất sớm. Chú thím con đông. Nếu anh ở nhà còn đỡ, chứ vẫn ở bộ đội thì vợ con nương tựa vào ai. Lấy vợ gần là để còn nương nhờ bên nhà vợ…
- Nhưng… Bố mẹ bảo, nếu anh đồng ý lấy em thì bố mẹ sẽ cắt đất cho hai vợ chồng. Nhà em mấy sào đất ở cơ mà.
- Anh thì ở đâu chả được. Nhưng quê anh, nhất là gia đình Nho giáo như gia đình nhà anh, người ta coi việc đi ở rể là “Chó chui gầm chạn”, không bằng cả người làm mõ xưa kia. Em lên đây là anh đã đoán được dăm bảy phần câu chuyện. Ruột gan anh cũng đang rối như tơ vò. Thôi. Hãy để tuần này anh về xem binh tình nhà anh ra sao cái đã.
- Hay là… Hay là anh cho em về thăm chú thím, anh chị.
- Anh sợ em về, tình hình đã rối lại càng thêm rối. Thôi. Hãy kiên trì em ạ.
***
Chủ nhật này là chủ nhật cuối cùng của năm Nhâm Tý. Một số đồng chí được nghỉ phép cũng đã lên đường. Gã không được nghỉ phép nhưng sẽ được về tranh thủ hai ngày mồng Ba, mồng Bốn Tết. Đây là cái tết hòa bình đầu tiên sau hơn tám năm giặc Mỹ ngông cuồng đe dọa “đưa Việt Nam về thời đồ đá”.
Đường từ Nam Sách về quê, gã đã đi nhiều lần, nhưng chưa bao giờ để ý đến những gì ở dọc đường. Hôm nay, dù tâm trạng còn ngổn ngang lo nghĩ nhưng gã vẫn thấy con đường mình đi thật đẹp. Qua đò, gã bước lên vùng quê Lai Hạ, vùng quê sinh ra danh nhân Hàn Thuyên - người đã dùng văn chương đuổi được cá sấu, người đầu tiên viết thơ Nôm theo luật thơ Đường, người yêu quý chữ Nôm như yêu quý non sông, đất nước. Lai Hạ còn nổi tiếng với dòng sông mang cả chục cái tên. Nó đi qua vùng đất nào, người dân nơi ấy cũng muốn níu kéo, cũng muốn nó mang tên vùng đất của mình. Xung quanh nó có biết bao truyền thuyết, biết bao anh hùng, biết bao mỹ nữ. Đây là bến Quan Hát thôn Cầu Đào tưởng nhớ bà Đặng Thị Loan - bà phi thứ năm của vua Trần Nhân Tông. Bờ bên kia là thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, có Am Trinh Nữ thờ Hoàng phi Nguyễn Thị Kim, tuẫn tiết theo chồng, theo con…
Gã cứ đạp xe theo dòng Lai Hạ, nghe văng vẳng câu quan họ làng nghề. Đây đã là Bái Giang thuộc đất nghề đồng Đại Bái. Ngược dòng Bái Giang sang đất Thuận Thành, bắt vào sông Dâu, vào vùng Tứ Pháp của Phật Tổ Man Nương. Mùa này nước sông cạn, trong văn vắt. Những chú cá quả đen trùi trũi nhơ nhác rúc xuống bùn, còn mấy cô rô diếc lại lượn lờ như muốn khoe bộ vẩy óng ánh dưới nắng mùa đông hiếm hoi mà rát bỏng. Trời mùa đông năm nay cũng khác. Đã là những ngày giáp tết cuối đông mà bầu trời lại xanh cao lồng lộng, ấm áp như mùa xuân. Đúng như ai đó đã viết: “Người vui cảnh cũng đẹp thêm/ Líu lo chim hót, êm đềm gió đưa…”.
Chợ Dâu họp trước cửa chùa Dâu. Nơi đây đã từng lưu truyền câu chuyện chợ Âm - Dương. Truyện kể rằng: Ngày xưa nơi đây vào tối ngày mồng một và sáng sớm hôm rằm hàng tháng người chết, người sống có thể gặp nhau trong phiên chợ, gọi là chợ Âm - Dương. Chợ Âm - Dương bán buôn đủ thứ, nhưng người đi chợ mục đích chính không phải bán mua mà là tìm nhau, hỏi thăm những người ruột thịt, báo cho nhau những rủi ro, hoạn nạn để mà phòng tránh. Gã cho rằng truyền thuyết chợ Âm - Dương chỉ để thỏa nguyện tình cảm và ước vọng của những người ruột thịt, những kẻ yêu nhau mà phải chia lìa… Ước gì chợ Âm - Dương có thật. Giá như gã và Ành có thể gặp nhau, một năm một lần thôi chứ cần gì một tháng đôi lần thì gã chẳng cần có ai bên cạnh. Con cái là tương lai, là sự nối dài sự sống, nối mãi cuộc đời… Không thể không cần, nhưng cái cần hơn vẫn là hạnh phúc.
Mải suy tư những điều không tưởng, gã quên cả hôm nay chợ Dâu có phiên. Còn hai phiên nữa là Tết. Chen giữa dòng người tấp nập, gã thong thả đạp xe qua cầu Dâu - cây cầu bằng bê-tông thôi chứ không phải cây cầu chín nhịp của thời “tháp chín tầng, chùa trăm gian” trong huyền thoại. Gã thoáng nghe ai đó gọi tên. Gã dừng xe quay lại, bắt gặp đôi mắt của Lê. Lê cũng đi xe đạp, nhưng hình như phải lai cái gì rất nặng.
- Anh về nghỉ Tết à? - Lê nặng nhọc, vừa cố ghìm xe, vừa hỏi.
- Không. Năm nay tôi chưa được nghỉ phép. Nhưng các thủ trưởng chiếu cố trai chưa vợ cho về tranh thủ hai ngày mồng Ba, mồng Bốn Tết, ăn nốt ít mỡ nước. À. Em lai cái gì mà nặng thế. Để tôi lai bớt cho.
- Em lai thóc. Thóc phát xay của cửa hàng lương thực. Lần này em xin được hai tạ. Em xay để kiếm ít cám cho lợn, ít trấu để đun bếp lò.
- Bỏ tôi lai giúp cho một ít.
- Không được đâu. Em lai quen, chứ không quen là xe chổng ngược bánh trước lên trời. Đi anh. Ra chỗ kia ngồi nghỉ một chút.
Nghỉ xong, gã hăng hái đòi đổi xe. Gã không tin, sức dài vai rộng như gã lại lai không bằng cô gái mấy ngày nữa mới đủ mười tám tuổi. Lê gàn mãi không được, đành để gã đi. Gã hăng hái ngồi lên xe, ghìm chặt ghi-đông. Nhưng chiếc ghi-đông bướng bỉnh cứ trồi lên. Gã cúi xuống, đè chặt ghi-đông rồi lấy hết sức đạp mạnh. Chiếc xe loằng ngoằng lao đi, nhưng bánh trước bềnh bồng rồi chổng ngược lên trời, ngã lăn ra đường. Người đi chợ xúm lại vừa nâng, vừa cười ầm ĩ:
- Gớm, tưởng đánh giặc khó, hóa ra lai thồ còn khó hơn. Anh bộ đội ơi, đã chịu thua vợ chưa nào?
Cả gã và Lê cùng xấu hổ, nhưng cả hai chả ai dám thanh minh.
Gã đành trả lại xe cho Lê. Cô rắn rỏi cầm ghi-đông đẩy mạnh một cái, nhảy tót lên yên, đạp băng băng. Gã lóp ngóp đạp theo. Đến trước cửa hàng mua bán xã Trí Đức, cô đỗ lại, bảo:
- Mời anh vào đây uống chén nước. Bố em đang ở trong này.
Đang định từ chối thì một người đàn ông đứng tuổi, da dẻ hồng hào, quắc thước từ cửa hàng bước ra, bảo:
- Anh bộ đội vào chơi xơi nước. Mới chưa đến mười giờ, còn sớm chán.
Lê nói nhỏ:
- Bố em đấy. Bố em quý các anh bộ đội lắm.
Gã thấy ngại quá. Nhưng không tiện từ chối, nên mạnh dạn bước vào.
Cửa hàng là ngôi nhà bốn gian lợp ngói móc, ba gian chứa hàng, gian còn lại kê bộ tràng kỷ tre đã lên nước bóng nhoáng. Ngồi trong tràng kỷ còn một người đàn bà cũng đã đứng tuổi, có vẻ là người lãnh đạo. Hai người vồn vã hỏi chuyện gã. Gã thành thực kể hết những điều về gia đình. Người đàn bà đứng tuổi bảo:
- Tưởng ai, hóa ra là cháu ruột cụ Đình. Hồi kháng chiến chống Pháp, cụ làm bí thư Đình Tân, vẫn thường lên đây. Tôi được nghe cụ nói chuyện mấy lần. Còn bác Tiên Sắc thì hoạt động trực tiếp ở trên này, ai mà chẳng biết. Cậu với bác Tiên Sắc giống nhau thật đấy.
Gã ngượng nghịu, vâng dạ cho qua chuyện rồi xin phép về. Lê ra đường tiễn gã:
- Thôi. Tôi về nhé. Tết tôi được nghỉ hai ngày, đúng ngày hội chùa làng Bút. Hôm ấy mời em xuống chùa rồi về tôi chơi.
- Em chả dám đâu. Một điều tôi, hai điều tôi. Bạn chả ra bạn, anh em chả ra anh em. Em ngượng lắm, chả dám xuống chơi đâu.
- Tôi… À quên, anh xin lỗi. Được chưa?
Lê nhoẻn miệng cười. Ôi, cái miệng ươn ướt sao giống Ành đến thế. Hay Ành khôn thiêng đưa Lê đến cho mình?
Đêm ấy, anh cả khẳng định điều mình đã nói. Lần này được cả chú thím đồng tình. Gã ngồi phực ra, buông một tiếng thở dài. Anh cả phá tan bầu không khí trang nghiêm:
- Chả biết ông bà có để ý cái con bé đi ấp trúc đê không? Nó là con gái ông Tùy - chủ nhiệm mua bán Trí Đức. Con bé vừa đẹp, vừa ngoan, nhanh nhẹn lắm, hình như chú cũng biết nó. Tết này được nghỉ hai ngày, chú lên mà tìm hiểu. Được. Ra Giêng cưới phắt.
- À. Con bé ấy tên là Lê. Gớm, lấy được con bé ấy đã phúc tổ. Chưa đầy mười tám tuổi mà bao nhiêu người đã xí chỗ. Bên làng Trà cũng có mấy anh đang ngấp ngó. Chỉ sợ nó chê anh cò nhiều tuổi. - Bà thím chen vào.
- Con trai hơn chục tuổi thì đã là gì. Tiếng ông, tiếng chú Tiên Sắc trên đấy ai mà chẳng biết. Ông cụ lại cùng làm mua bán với cháu. Vả lại em mình… vơ đâu chả được vợ. Cháu bảo đảm đám này xong ngay.
Gã bỏ đi ra mãi cổng làng. Đêm cuối tháng tối như bưng. Gã thấy chú thím, anh chị đều có lý. Và tự lúc nào gã cảm thấy không thể thiếu Lê. Nhưng còn Hiền. Gã sẽ ăn nói với cô ấy thế nào?
***
Trên đường về đơn vị, gã tạt vào Quốc Tuấn gặp Hiền. Gã muốn trả lời dứt điểm. Thôi thì đau buồn một lúc còn hơn lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Đêm qua, gã lại mơ thấy tổ mẫu. Tổ mẫu bảo “thật thà là cha quỷ quái”, bảo dối trá không phải là hành vi của người quân tử. Rồi gã lại mơ thấy Ành. Em vẫn xinh đẹp như xưa, cái miệng vẫn ươn ướt tươi như bông hoa đọng nước. Em bảo Lê chính là hình mẫu mà em chọn cho gã. Em bảo gã hãy nghị lực lên và đừng bao giờ che giấu sự thật.
Gã bước vào sân nhà Hiền. Tiếng ồn ào từ trong nhà ùa ra. Không hiểu có chuyện gì.
Gã mạnh dạn bước chân vào trong nhà. Bố mẹ Hiền mời gã ngồi, rồi hỏi:
- Hôm trước, em nó lên Nam Sách gặp anh. Nó có nói cho anh biết chuyện nó đi Hải Phòng làm ăn không?
- Không ạ. Cô ấy chỉ nói chuyện sắp đi lấy chồng. Cô ấy khen anh ấy thật thà, khỏe mạnh.
- Thế mà nó bỏ đi, còn viết thư xin lỗi bố mẹ, xin lỗi người ta. À. Đây. Nó còn viết cả thư cho anh đây.
Gã cầm phong thư mà lòng buồn rười rượi. Gã biết đây là kế hoãn binh để cô có thể đến được với gã. Gã vừa vui, vừa buồn, băn khoăn và ân hận. Bố Hiền giục:
- Anh cứ đọc đi, xem nó có tiết lộ bí mật gì với anh không?
- Vâng. Cháu xin phép.
Càng đọc, gã càng bất ngờ. Không biết từ nguồn nào mà Hiền biết rất rõ về gã, về Lê. Cô nói rằng Lê hợp với gã hơn. Nhưng dù gã cưới Lê, cô đi lấy chồng thì tình yêu của cô với gã cũng không hề thay đổi. Cô còn nói đùa rằng có điều kiện sẽ xin gã một đứa con để làm kỷ niệm. Gã cảm động lắm. Và gã biết rằng Hiền phải nghị lực thế nào mới viết nổi lá thư này. Gã hiểu được nỗi lòng cô. Và do đó gã càng yêu cô…
Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Cái mà gã lo nhất, băn khoăn nhất lại trở nên quá giản đơn nhờ tấm lòng và sự am hiểu của một người con gái.
Tết ấy, gã rất vui.
Mùa xuân ấy, chú thím có cơi trầu lên nhà bố mẹ Lê. Hai nhà cùng vui, cùng đợi chờ ngày hạnh phúc của cặp trai tài, gái sắc. Mùa xuân rồi cũng qua đi. Mùa hè lửa đốt ập đến. Rồi bầu trời xanh ngắt thay cho không gian rừng rực… mà vẫn chưa có đám cưới nào. Hình như cái giá rét bên ngoài càng khiến bầu máu nóng trong tim rạo rực hơn. Một ngày thứ năm, gã xin về tranh thủ. Hai đứa đưa nhau lên Ủy ban tìm rõ nguyên do.
- Xin cho hỏi: Tại sao Ủy ban không cho chúng tôi đăng ký kết hôn?
Ông phó chủ tịch kéo ghế mời họ, rồi cười cười bảo:
- Vội gì chứ? Thế nếu cô không thi trượt thương nghiệp thì vẫn cưới à? Tôi đùa thế thôi, chứ có vội mấy cũng vẫn phải tuân theo pháp luật. Đây, cô cậu xem. - Ông chỉ vào ngày sinh của Lê. - Hôm nay mới là mồng Tám tháng Mười. Ít nhất phải một tháng hai ngày nữa, tức là ngày mồng Mười tháng Mười một cô mới đủ mười tám tuổi. Lúc đó cô cậu chả phải hỏi chúng tôi cũng sẵn sàng đăng ký. Tôi nói thế, cô cậu hiểu chứ?
Đến nước này thì đành chấp nhận ra về. Nhà bên có ông chuyên xem tử vi, bói toán, nghe gã thuật lại chuyện ngoài Ủy ban thì hồ hởi bảo:
- Tốt quá rồi! Cháu gái sinh ngày mồng Mười tháng Mười một tức là ngày Mười Sáu tháng Mười âm, là ngày Kim quỹ - ngày Hoàng đạo, làm gì cũng hanh thông, tốt đẹp. Ngày Mười Sáu năm nay cũng là ngày lập đông. Thế gọi là Tam quy tích hợp. Quá tuyệt vời! Hôm ấy, khoảng chín, mười giờ lên đón dâu thì đôi này ăn hết cả lộc thiên hạ, con cháu đầy nhà. Hôm ấy lại là thứ bảy, tha hồ mà nhàn nhã. Đẹp cả mọi bề.
Nghe ông hàng xóm nói vậy, cả nhà đều phấn khởi. Hôm lên đăng ký trên Ủy ban, ông phó chủ tịch lại bảo:
- Thế là chúng tôi nể ông cụ nhà cậu lắm đấy. Đúng ra còn những hai ngày nữa mới đủ ngày để đăng ký. Nhưng thôi, nguyên tắc quá hay mất việc, cô cậu ghét lại không mời đến dự lễ cưới thì bẽ mặt lắm. Chúc cô cậu sống với nhau đến răng long, đầu bạc.
Gã vâng vâng dạ dạ, quên hết mọi rắc rối không đáng có.
Lê ngồi sau xe thỉ thỏ:
- Hôm nay em mới tin anh nói thật. Không ngờ anh hơn em những mười một tuổi. Bọn bạn em đoán anh chỉ hơn em khoảng bốn, năm tuổi mà đã chê là lấy chồng già. Nếu biết anh hơn em nhiều thế này thì bọn chúng trêu phải biết.
- Hối hận rồi à? Hay mình thôi nhau nhé, bé con?
Lê đấm gã đùm đụp rồi ngân nga đọc: “Có phúc lấy được chồng già/ Vừa được lên bà, vừa được ăn ngon/ Vô phúc lấy phải trẻ con/ Vừa bị ăn đòn, vừa bị rẻ khinh”. Gã khoái quá, buông cả ghi-đông vỗ tay đôm đốp. Chiếc xe mất lái, leo lên hòn gạch, chồm lên, lao xuống góc tàu tát đầy nước. Vợ chồng gã ngã đè lên xe, ướt như chuột lội. Rất may lúc đó đường vắng, vợ chồng gã lôi nhau lên, cười muốn đứt hơi. Bánh xe đằng trước cong vành số tám, gã đành vác lên vai, ỳ ạch về nhà.
***
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một số sĩ quan có nguyện vọng chuyển ngành được quan tâm giải quyết.
Một hôm gã về tranh thủ, gặp bạn của anh Hai, đang là phó ban tổ chức huyện ủy. Anh hỏi:
- Chú định phục vụ lâu dài trong quân đội hay có ý định chuyển ngành ra ngoài?
- Em rất muốn xin ra ngoài. Nhưng từ bé em có biết làm gì đâu, lại chưa công tác ở cơ quan nào, nên rất khó.
Anh lại hỏi:
- Thế trong quân đội chú công tác gì?
- Em làm công tác cán bộ.
- Cụ thể của công tác cán bộ là làm gì?
- Là tham mưu cho cấp ủy và chỉ huy theo dõi, đề bạt, sắp xếp cán bộ sao cho hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra còn theo dõi tình hình sức khỏe, diễn biến tư tưởng, tình hình hậu phương, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ yên tâm phục vụ quân đội.
Anh chăm chú lắng nghe, rồi bảo:
- Thế thì tương tự như tổ chức chính quyền. À. Nghe nói chú hát hay lắm phải không?
Gã gật đầu, bảo cũng tàm tạm.
- Sở dĩ anh hỏi thế là vì huyện nhà bây giờ đang thiếu cán bộ tổ chức, khuyết chân Bí thư huyện đoàn. Theo anh chú có thể xin về hai vị trí ấy.
- Em biết xin xỏ thế nào đâu.
- À không. Ý anh nói là nếu chú có nguyện vọng. Chú cứ coi anh như bác Tiên Sắc. Anh sẽ lo cho chú.
- Em cám ơn anh. Được thế thì còn gì bằng.
- À. Anh hỏi thêm: Lương chú bây giờ bao nhiêu?
- Dạ. Em vẫn thiếu úy, lương chính có sáu nhăm đồng. Còn các khoản như phụ cấp khu vực, thâm niên, trách nhiệm… Mỗi tháng em được lĩnh khoảng bảy nhăm đến tám mươi đồng.
- Cao quá. Ngang với phó bí thư, phó chủ tịch còn gì. Nếu về chú phải chấp nhận tụt xuống mức bốn chín, năm mươi đồng. Có được không?
Lúc đó Lê - vợ gã từ bếp lên, tham gia:
- Bác giúp nhà em về được gần nhà thì dù lương có còn dăm ba chục cũng vẫn tốt. Mẹ con em mong như mong mẹ về chợ.
- Thế là cô chú đều đồng ý cả rồi đấy nhé.
Mười ngày sau, gã nhận được giấy tiếp nhận của Huyện ủy. Gã vừa mừng, vừa buồn, cứ như phải vứt bỏ cái gì quý giá, sâu nặng nhất trong đời.
Nhưng. Giấy tiếp nhận của Huyện ủy không được Ban chỉ huy Đoàn 253 chấp nhận với lý do gã còn đủ sức khỏe, năng lực phục vụ trong quân đội. Gã lên tận Ban chỉ huy đoàn gặp Chính ủy Phạm Chí Dũng. Chính ủy bảo:
- Năm nay cậu mới ba mốt tuổi, đeo quân hàm trung úy. Anh Nguyên bảo cậu rất có năng lực, đề nghị giữ lại. Thôi, để mình trao đổi lại với anh Nguyên.
Nhưng dù có ý kiến của chính ủy, cái ông đại úy cũng quyết không thay đổi. Gã điên tiết gọi ông là “dân cá gỗ” sống không tình, không cảm. Từ đó gã với ông như hai thái cực. Gã càng cay khi quyết định phong quân hàm trung úy của gã bị giữ lại với lý do lập trường tư tưởng không kiên định, chân ngoài dài hơn chân trong và bướng bỉnh. Chính ủy gọi gã lên hỏi có đúng thế không. Thay vì trình bày tâm tư nguyện vọng, thanh minh những điều bị hiểu lầm, thì gã do bất mãn, cay cú lại tỉnh bơ trả lời đúng, rất đúng. Bây giờ gã chỉ muốn một điều đơn giản là trở về gần vợ, gần con. Gã bướng bỉnh là vì thế. Chính ủy hỏi:
- Thế khi vào Đảng, đồng chí thề thế nào?
- Tôi thề là sẽ theo Đảng đến hơi thở cuối cùng. Thế việc tôi về làm cán bộ tổ chức của một huyện không gọi là theo Đảng thì gọi là cái gì?
Chính ủy im lặng, lắc đầu.
Vài tháng sau, gã có quyết định thuyên chuyển về Đoàn 776 nhận công tác mới.