Không biết từ bao giờ giới mỹ thuật đã nảy sinh cái quan niệm cho rằng, phàm đã mở Gallery là phải mở tại Tràng Tiền, căn phố đẹp nhất, trung tâm nhất, căn phố chạy thẳng ra Nhà Hát lớn nguy nga cổ kính thì nó mới sang, mới đẳng cấp. Và như vậy tất nhiên tiền thuê cũng đắt đỏ hơn.
Toà nhà đã trở thành rất đỗi quen thuộc trên căn phố đó sáng nay chất đầy hoa tươi ở trước cửa. Hoa lan lên cả tấm pano in đậm hàng chữ màu đỏ chắn ngang cửa ra vào: KÝ ỨC LỬA. Thế thôi chứ không cầu kỳ những tên tuổi họa sĩ, nhà tổ chức này nọ như mọi cuộc triển lãm thông thường khác.
Đứng trước cửa ra vào là giám đốc Hoàng Vinh, com lê, cà vạt, giày da đen chỉnh tề, nụ cười rất tươi, tay bắt rất chặt… đúng là mẫu hình của một doanh nhân thành đạt thời mở cửa. Đêm qua ông đã định mặc bộ quân phục được cắt rất khéo tại cửa hàng chuyên quân trang 61 Cửa Đông nhưng chính Thu lại bảo: “Đừng chú, chú cứ phải mặc thế này để cho mọi người thấy người lính không chỉ khư khư ôm mãi bộ đồ trận mạc với một tư duy trận mạc chỉ biết ngủ quên trên dĩ vãng mà chả biết làm gì”. Ông nghe.
Khách đã đến khá đủ và vẫn đang tiếp tục đến. Hầu hết là những người lính cả nam lẫn nữ một thời Trường Sơn khói lửa giờ đã già, tóc bạc, da mồi, mắt nhăn nheo, trong đó có cả những người bị thương tật đeo kính râm, tay chống nạng, có cả một vài vị đeo quân hàm tướng, vốn là những người cán bộ chỉ huy năm xưa. Và tất nhiên có mặt cả những họa sĩ gạo cội, những họa sĩ chủ chốt đang lãnh đạo ngành mỹ thuật quốc gia.
Nhưng có hai vị khách đặc biệt đã gây ấn tượng mạnh với ông. Người thứ nhất là sư thầy Đàm Lan, đêm qua ông đã cho người đánh xe về tận Thanh Hoá đón lên. Đến đây, bà vẫn vận bộ quần áo nhà sư nâu sồng, có đeo thêm một chuỗi tràng hạt ở cổ. Và người thứ hai là bà chủ nhà của họa sĩ. Bà tự đi xe máy đến, quần áo màu xanh công nhân, mũ sắt, giày vải… đúng kiểu cô tự vệ thành Hà Nội đứng bắn máy bay Mỹ trên nóc cầu Long Biên năm nào.
Xuống xe một cái là bà ôm bó hoa to tướng nhào vào ngay, miệng la bai bải:
- Đâu, ông ấy đâu? Ông họa sĩ của tôi đâu? Cho tôi ngó mặt con người khốn khổ nhưng lại là nhân vật chính hôm nay cái nào!
Đến khi Hoàng Vinh phải ghé tai nói nhỏ: “Ông ấy chưa đến nhưng nhất định sẽ đến!” bà mới thôi và đi thẳng vào trong phòng rồi giật thót mình dừng lại trước tấm chân dung treo chính giữa của người phụ nữ đã làm cho ông ấy khổ sở, vật vã cả tháng trời, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ cho đến lúc Thu, áo dài trắng đi ra mời vào phòng trong uống nước. Tại đây cũng đã có trên chục các nữ thanh niên xung phong đang trò chuyện tíu tít như lâu lắm mới gặp nhau.
Ngoài cửa khách đã có vẻ thưa thớt hơn. Hoàng Vinh nhìn đồng hồ: 8 giờ 45 phút! Chỉ còn mười lăm phút nữa!
Thu đi ra, nét mặt tỏ ra hết sức bồn chồn, đưa mắt dõi nhìn về hai đầu đường dây lâu rồi quay lại ông, giọng thảng thốt:
- Chú ơi… Liệu bố cháu có đến kịp không?
- Sẽ kịp! Chú đã sắp xếp tỉ mỉ đâu vào đấy cả rồi.
Rõ ràng nói cứng vậy nhưng trong mắt ông không giấu được vẻ phân vân. Thu thoáng nhận ra điều đó, cô lo lắng đan những ngón tay vào nhau:
- Không hiểu sao cháu vẫn thấy lo lo thế nào! Hôm nay không có mặt bố cháu thì mọi sự chả còn có nghĩa gì nữa! Hay là mình xin lỗi quan khách hoãn lại buổi khai trương này vài ngày đi chú?
- Không hoãn được. Mọi người đang hào hứng. Đã lâu lắm mới có sự hào hứng trước một giá trị thẩm mỹ mang tính truyền thống thế này, hoãn là hỏng. Vả lại hôm nay là ngày giỗ của mẹ cháu, bố cháu sẽ đến, đến không vì phòng tranh này mà đến vì cháu.
- Cháu cũng cháy lòng cháy dạ mong điều đó.
- Chú tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bằng sự tiếp sức và tình yêu của mẹ cháu với bố con cháu, nhất định bố cháu sẽ trở về. Cháu cứ yên tâm!
Nói yên tâm nhưng cô thấy nét mặt ông chú vẫn không có vẻ yên tâm chút nào. Chợt có tiếng điện thoại reo trong túi, ông vội móc ra đưa lên miệng, nét mặt rạng lên:
- A lô! Quý đấy phải không? Hả? Chưa thấy tới, đang nóng ruột chờ đây, sắp đến giờ rồi... Hả, cái gì? Mất hút à? Nói kỹ lại xem nào, cái cậu này thật, sao bây giờ mới nói?
Một lát sau, ông hạ điện thoại xuống, vẻ bần thần.
Thu vội hỏi:
- Sao chú? Anh ấy nói sao?
- Cậu ấy nói sáng qua chính mắt cậu ấy nhìn thấy bố cháu lên chuyến xe về Hà Nội nên yên tâm bám theo sau. Nhưng đến chiều, qua một đoạn đường bị ngập nước, các xe dồn ứ, có xe quay lại, có xe lách lên thì cậu ấy không nhìn thấy chiếc xe bố cháu đâu nữa. Giờ này cậu ấy vẫn đang tìm.
Cô gái bỗng thấy nghẹt thở, chân tay oải ra:
- Chú ơi!... Có khi nào xe bị làm sao không chú? Cháu sợ quá!
- Chắc không sao đâu? Có gì thì tivi sáng nay đã thông báo rồi. Có lẽ xe bị dính nước nằm lại đâu đó thôi - Nhìn đồng hồ - Tới giờ rồi, ta cứ làm thôi. Bố cháu về kịp thì tốt, không kịp cũng không sao, triển lãm còn kéo dài cả tuần kia mà. Mình vào!
- Dạ…
Thu gật nhẹ đầu nhưng vẫn nấn ná dừng lại, mắt dõi nhìn về hai phía đầu đường lần cuối rồi mới bước vào.
***
Trong sảnh chính lúc đó đã có khoảng gần trăm người đang qua lại, đứng lên ngồi xuống chăm chú xem từng bức tranh treo trên tường, ngó nghiêng từng bức tượng kê dưới đất. Nằm kín mặt tường vẫn là những bức ký họa về Trường Sơn mà ngày đó đã có lần ông Phó Chính ủy binh trạm lia xuống trước mặt người họa sĩ trẻ với những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng nhưng lanh canh buốt nhói như dao cạo nhưng tại đây, thật kỳ lạ, tất cả bỗng sáng bừng lên, sắc nét như chứa đựng cả hồn vía cuộc chiến tranh, hồn vía Trường Sơn, hồn vía những người lính, những cô thanh niên xung phong một thời bom đạn ấp ủ bên trong.
Và khi ánh sáng đèn được tắt bớt cho dịu đi thì lại như có cả những cánh rừng đại ngàn hiện về ngự trị trong tiếng vượn hót, chim kêu, gió hú, tiếng bom rơi rung giật. Một chiếc xe lao qua biển lửa như thần thoại… một ánh trăng rừng thơ mộng rọi vào trong lán làm tôn rõ hình hài những dáng nằm tội tình con gái… Một bờ vai thiếu nữ mảnh mai, xanh xao trong lòng suối… Một ánh nhìn xa xăm, tư lự lên trời chiều… Một cửa rừng lác đác những khóm hoa dại đang nhú mầm bên dãy mồ đất còn tươi vừa mới đắp… Một cảnh chải đầu âm thầm cho nhau mà trên răng lược sao giắt quá nhiều những sợi tóc còn xanh… Một chiếc hăng gô treo cô đơn trên lửa… và một điệu múa trong hang sâu mà làn điệu ca trù như lan toả khắp phòng. Cô đôi thượng ngàn…
Không biết lúc ấy có bàn tay ý nhị nào đã chuyển nhẹ núm Catssete cho làn điệu phiêu linh này nhè nhẹ vang lên thay cho khúc quân hành thâm trầm bất diệt đã vang lên từ đầu khiến sự cộng hưởng giữa nhạc và tranh, giữa hiện tại và quá khứ, giữa Hà Nội và Trường Sơn cứ quấn quyện vào nhau đến ngẩn ngơ, đến thảng thốt trong mắt người xem.
Ngọc điện Kim Môn… Bầu trời cảnh Phật… Trên bát ngát trăm hoa đua nở… Dưới cành cây bầy thú vui chơi…
Không khí sâu lắng, bảng lảng này không hiểu sẽ đưa tâm hồn các vị quan khách trôi đến đâu nếu như bà chủ nhà đội mũ sắt không xuất hiện với một khay đầy những ly rượu vang trên tay. “Xin mời! Xin mời!” - Tiếng bà mềm mỏng, mắt bà tươi rói, hết khay này bà lại vào bưng ra khay khác, dáng đi tự nhiên thành uyển chuyển như một chuyên viên đối ngoại chuyên nghiệp.
Một người đàn ông vận sơ mi trắng, tóc bồng bềnh, ria mép tỉa gọn, dáng nghệ sĩ cầm ly rượu lên, cất tiếng hỏi:
- Thưa bà! Chủ nhân của những bức tranh này đâu ấy nhỉ? Tìm mãi không thấy. Xin đứng ra cho mọi người được bày tỏ sự chiêm ngưỡng, thán phục bởi những bức tranh có sức gợi mãnh liệt này?
Bà chủ nhà dẩu môi lên nhưng ánh mắt lại lấp loé nét tự hào:
- Từ từ, cứ từ từ! Nghệ thuật phải nhâm nhi nó mới thấy hết cái ngon của nó các vị ạ!
Một vị khách nam giới khác vận quân phục không quân hàm đột nhiên vỗ nhẹ hai tay vào nhau:
- Hay! Bà nói hay quá! Như một nhà phê bình nghệ thuật chính thống.
Lại thêm một cái dẩu môi nữa:
- Sao lại không chính thống? Không chính thống mà ông ấy lại có thể làm các vị trầm trồ mắt tròn mắt dẹt được lên như vậy à?
Vị khách thứ ba là một cô gái còn trẻ, vẻ như nhà báo đến gần, hạ giọng:
- Xin lỗi, bà là thế nào với họa sĩ ạ?
Lần này thì đôi môi hạ xuống;
- Tôi hả? Chả thế nào cả. Tôi chỉ là người chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho ông ấy thôi. Nói thật không có tôi ấy à, đến cái xác ông ấy cũng chả còn huống nữa là tranh.
Một thanh niên cầm chiếc máy ảnh đi đến, giơ lên, chĩa về phía bà:
- Tuyệt vời! Một câu nói chân thật đến bất ngờ. Cám ơn bà!
Bà chủ nhà hơi vênh mặt lên, nói vanh vách như học thuộc lòng:
- Khỏi cám ơn! Đứng phía sau sự thành đạt của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người đàn bà.
Câu nói ngồ ngộ ấy khiến cả khán phòng bật lên những tràng pháo tay rầm rộ.
Chàng phó nháy giơ ống kính lên:
- Xin bà một tấm hình đăng báo!
Bà chủ nhà quay ngoắt lại, giọng đành hanh ra mặt:
- Một tấm hình thì được, ô-kê, nhưng đăng báo thì không nhé! Báo chí các người dạo này hay đăng bậy bạ để câu… câu gì nhỉ, à, câu view lắm, tôi là tôi không có dính! Nào, nháy đi!
Với tấm thân đẫy đà, vuông chằn chặn, bà chủ nhà nghiêng người, vẹo lưng, duỗi chân tạo dáng trước ống kính, trước những tiếng cười vui, tiếng vỗ tay thích thú của mọi người. Không khí trong khán phòng bỗng chốc thay đổi, náo hoạt hẳn lên.
Cùng lúc, ông Vinh đi vào giữa sảnh, lặng lẽ bước lên một chiếc bục nhỏ, nét mặt trang nghiêm khiến cho đám đông bất giác hướng cả về phía ông, chờ đợi.
Tiếng ông trầm trầm vừa đủ nghe:
- Thưa các vị khách quý và thưa các đồng đội! Xin cám ơn tất cả về sự có mặt đông đủ hôm nay! Để cùng nhau hướng về, sống lại một thời Trường Sơn hào hùng, một Trường Sơn huyền thoại mà ở đó có thể ta không tìm thấy một Trường Sơn máu lửa, một Trường Sơn khốc liệt, một Trường Sơn kinh hoàng, một Trường Sơn chỉ có đau thương và mất mát mà qua bút pháp tinh tế, thấm đẫm nhân tình của một họa sĩ tài hoa gắn cả cuộc đời mình với Trường Sơn đã tạo nên một màu sắc lãng mạn, thì thầm, khe khẽ trong một thế giới tâm hồn thẳm sâu có lúc yếu mềm của những con người đã làm nên huyền thoại đó.
Ông chuyển mắt vào những bức tượng:
- Và những bức tượng khiếm khuyết này các đồng chí và các bạn đừng cho là dở dang, là chưa tới mà đó là ý đồ của họa sĩ, một ý đồ mang khát vọng về một cái gì đòi hỏi sự hoàn chỉnh, đòi hỏi sự công bằng ở phía trước.
Ông ngừng lại một lát, thoáng nhìn ra cửa. Khuôn cửa vẫn trống vắng không còn ai ra vào. Giọng ông càng trầm lắng hơn:
- Vâng, thưa các vị khách quý, các đồng chí, đồng đội thân yêu! Rất tiếc hôm nay vì một lý do gì đó, Trần Hoài Linh, người họa sĩ tài hoa của chúng ta đã vẽ bằng cả tâm hồn và máu huyết này có thể không về kịp. Cuộc sống nhọc nhằn và những góc khuất cuộc đời đã khiến ông chìm vào sự cô đơn, ốm đau, vật vã và im lặng một thời gian khá dài. Nhưng không sao, tại đây đã có đông đảo các đồng đội, chiến hữu thân thiết một thời của ông có mặt chứng kiến.
Nói đến đây ông quay nhìn về bức chân dung của Thủy, tiếng nói trở nên đầy xúc động:
- Đây là tác phẩm sơn dầu cuối cùng của ông mang một cái tên rất mềm tưởng như không dính gì đến bom đạn cả: Cô đôi thượng ngàn! Đó là chân dung một người đàn bà mà thời gian nghiệt ngã đã làm cho nó tưởng chừng xa lạ nhưng lại vô vàn thân thiết, chân dung một nữ anh hùng phá bom trên một trong những trọng điểm ác liệt nhất của Trường Sơn. Hơn thế, đây là người phụ nữ đã trở thành cảm hứng chủ đạo và mãnh liệt của ông trong toàn bộ sáng tạo. Cảm hứng tình yêu. Biểu tượng tình yêu. Thiết nghĩ không có đôi cánh tình yêu và sự lãng mạn đến không cùng nâng ý chí, nghị lực con người lên thì Trường Sơn chưa chắc đã tồn tại và con người Trường Sơn rất có thể đã gục ngã.
Một họa sĩ danh tiếng từ nãy vẫn đứng im, lúc này dường như bị xúc động mạnh bởi câu nói khá mới mẻ, mạnh bạo đó đã đột ngột vỗ tay. Tiếng vỗ tay của một vị lãnh đạo ngành có uy tín đã kéo theo những tràng vỗ tay khác, trong đó có cả tiếng vỗ tay các vị tướng, dù không mạnh lắm, dù thoạt đầu còn ngần ngừ. Cũng phải thôi. Khái niệm về Trường Sơn lâu nay đã gắn liền với các cụm từ kêu vang nghe lảnh lói như tiếng kèn xung trận: Bản hùng ca bất tử, Niềm tự hào của dân tộc, Con đường huyền thoại, Dấu son sáng rỡ trong lịch sử, Nơi hội tụ ý chí và lương tri đỉnh cao của loài người… Mà bây giờ lại có ai đó dám khẳng định chính tình yêu và sự lãng mạn trong tâm hồn con người làm nên huyền tích Trường Sơn thì vỗ tay ngay sao được, phải lọc tý đã.
Chờ tiếng vỗ tay ngớt, Hoàng Vinh hướng về chỗ Thu và bà Lan đang đứng, giọng vui hơn:
- Rất may cái cảm hứng tình yêu đó đã kịp kết trái trong một đêm mưa gió để bây giờ cái giọt máu đã được hoài thai trong chiến tranh ấy đã trở thành một cô sinh viên vừa ra trường đúng theo nghề của bố. Và hôm nay - Giọng ông thoảng đi - cũng là ngày giỗ đầu của mẹ cháu, xin phép mọi người cho cháu được lên thắp cho mẹ một nén nhang và tâm sự đôi điều.
Với tà áo dài trắng tinh khôi, trước khi bước lên, cô còn thoáng nhìn ra cửa rồi mới tiến về chỗ bát hương. Ba nén hương châm sẵn được chuyển vào tay cô. Mùi nhang khói bảng lảng toả khắp khán phòng, tụ thành áng mây mỏng bay qua bức chân dung người mẹ. Im lặng… Chỉ nghe sư Đàm Lan một tay lần tràng hạt, một tay đưa lên ngực lầm rầm khấn vái điều gì khe khẽ.
Thu quay lại, khuôn mặt phảng phất một nét buồn xa vắng, mắt ngân ngấn nước, sự ăn nhập giữa hai khuôn mặt mẹ và con khiến cho ở dưới không thể không bật lên những tiếng xuýt xoa xúc động.
- Thưa các chú, các bác, các anh các chị - Tiếng nói của Thu cất lên thanh thoát - Để có phòng tranh muộn màng, vâng rất muộn màng này, người họa sĩ đã bỏ cả một thời tuổi trẻ có cả niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và tuyệt vọng, có cả sự đúng đắn và sự sai lầm trong các cánh rừng chiến tranh mới tạo ra nó.
Cô ngừng lại một chút, hướng mắt về phía Hoàng Vinh:
- Nhưng như vậy vẫn chưa đủ nếu như không có sự hảo tâm của chú Hoàng Vinh, người cựu chiến binh doanh nhân, đồng đội một thời của họa sĩ, của mẹ tôi đang đứng dưới kia đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc, sưu tập, bảo quản, giữ gìn để có thể đưa được những bức tranh theo thời gian đã sờn rách, ố vàng này ra trước tất cả các quý vị sáng nay. Vâng, con người có thể ra đi nhưng những giá trị thiêng liêng sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đại diện gia đình và những đồng đội của mẹ, cháu xin được chân thành cám ơn chú!
Nhiều tiếng vỗ tay hướng về phía người cựu chiến binh doanh nhân lúc đó đang bối rối, ngượng ngập muốn đứng lùi lại sau đám đông.
***
Chiếc xe con năm chỗ do người thanh niên cao lớn tên Quý đang phóng vùn vụt trên đường số một, bỏ qua rất nhiều xe tải, xe khách và cả những chiếc xe con khác.
Nhưng đến ngã tư Đại Cồ Việt thì anh bị một đại úy cảnh sát giao thông tuýt còi bắt dừng lại.
Người đại úy da cháy nắng, mặt lầm lầm, đưa tay lên vành mũ chào và nói cho xem giấy tờ, bằng lái. Xem xong, vẫn lầm lầm:
- Cùng một lúc anh phạm hai lỗi lớn là đi quá tốc độ và sai làn đường. Mời anh xuống lập biên bản và nộp phạt!
Quý nhăn nhó:
- Tôi biết… Tôi hiểu nhưng vì đây là trường hợp quá khẩn cấp nên…
- Không có gì khẩn cấp bằng tính mạng con người. Trường hợp này chúng tôi sẽ quyết định thu bằng lái và giữ xe.
Quý nhìn đồng hồ tay, nét mặt bỗng lạnh lại:
- Tôi xin chấp hành nhưng xin đồng chí khoan cho nửa tiếng nữa. Chỉ nửa tiếng thôi. Tôi cần đưa gấp người này - Anh chỉ vào người họa sĩ già vẻ ốm yếu, mệt mỏi, râu tóc bạc lam nham đang ngồi ở ghế sau mắt lim dim như đang ngủ và bên cạnh là cô cháu lại mở to đôi mắt lo lắng và sợ hãi nhìn lên - đến một buổi khai trương quan trọng có liên quan đến sự nghiệp cả đời của ông ấy. Xong, tôi sẽ quay lại xin chấp hành mọi thủ tục phạt.
- Khai trương gì? - Người đại úy bất giác hỏi.
- Dạ, một phòng tranh về đề tài chiến tranh Trường Sơn ạ!
- Chiến tranh Trường Sơn à? - Người cảnh sát lầm bầm nhắc lại.
- Vâng, ông ấy là một họa sĩ tài năng chuyên vẽ về Trường Sơn, phải mất một thời gian khá lâu chúng tôi mới tìm lại được. Tôi sẽ để lại chứng minh thư và số điện thoại, địa chỉ cơ quan. Bây giờ đồng chí cho chúng tôi đi cho kịp giờ. Tất cả đồng đội, trong đó có cả các vị tướng lĩnh đang chờ ạ!
Anh cảnh sát ngoái lại nhìn vào người họa sĩ già một lần nữa rồi trả lại giấy tờ:
- Giờ anh đi đi, lần này tôi tạm tha, lần sau phải cẩn thận.
Vẫn với khuôn mặt cháy nắng chắc do dãi dầu quá nhiều mưa nắng, người đại úy lại lầm lầm đi sang bên kia đường.
Một thiếu úy cảnh sát còn trẻ từ nãy đứng gần đó, lúc này đi đến nói nhỏ vào tai Quý:
- May cho anh đó. Anh ấy có người anh cả hy sinh ở Đường 559, giờ vẫn chưa lấy được hài cốt.
Quý nhìn theo người đại úy lúc này lại đang giơ gậy tuýt còi chặn một chiếc xe khác một giây, rối rít cám ơn rồi lên xe nổ máy phóng vù đi. May quá! Đêm qua nếu không tìm được bác ấy đang co ro nằm ngủ ở chân đê khi chiếc xe khách cố tìm đường tắt để thoát dòng xe kẹt cứng thì lại bị sa lầy, chết máy thì bây giờ chưa biết thế nào. Lại càng may khi gặp được một người công an nhân tình tử tế đến thế, hai cái may gộp lại, nhất định sẽ về kịp.
Anh quay lại, mặt tươi rói:
- Bác ơi! Dậy đi! Sắp đến rồi.
- Sắp đến rồi à?… Liệu con bé có ở đó không?
Câu hỏi của ông rõ ràng là không dính dáng gì đến tầm quan trọng của phòng tranh với ý nghĩa khai trương, khai mạc gì hết. Trong đầu ông đêm qua, bây giờ chỉ chứa nhưng nhức một hình ảnh là đứa con gái.
***
Trong khán phòng, Thu hướng về bức chân dung của mẹ, nói như nói với riêng mình:
- Mẹ ơi… Đêm nay con đã thực hiện xong lời hứa với mẹ trước lúc mẹ đi xa… Xin tạ lỗi trước vong linh mẹ nếu như giờ phút này con đã không có cách nào để ba, người họa sĩ tạo nên phòng tranh này sẽ có mặt cùng mẹ, cùng các cô các chú đồng đội sáng nay. Mẹ…
Giây phút trang nghiêm và xúc động khiến ai cũng không kìm được lòng ấy, cô không hay biết rằng, từ ngoài cửa, người họa sĩ đã được cô cháu gái dìu vào.
Có lẽ người cha đã kịp nghe trọn được câu nói của con. Toàn thân ông run lên bần bật như vừa bập vào cơn sốt rét ác tính, cơ mặt mặt méo xếch, đôi môi khô xác mấp máy, nước mắt chảy nhoà xuống hai gò má bợt bạt rồi dường như cái cơ thể ốm yếu ấy ông không thể chịu đựng thêm được nữa, ông bật lên một tiếng ứ nghẹn từ lồng ngực ọp ẹp:
“Con ơi!...”.
Rồi gục xuống.
Cô con gái, sau phút sững sờ không tin được, khi nhận ra ông, cô thoắt rùng mình và vội rẽ đám đông ào đến, chỉ kịp thốt lên một tiếng xé ruột:
- Ba…
Rồi cũng quỳ sụp xuống, ôm chầm lấy ông.
Khoảnh khắc ấy không còn phòng tranh, không còn vòng người mà chỉ còn gió đại ngàn xào xạc, chỉ có sấm rung chớp giật ở trên cao và ở dưới, hình ảnh hai cha con ôm chặt lấy nhau như sự gặp gỡ của quá khứ và hiện tại, của chiến tranh và hòa bình, của tình yêu và xa cách, của lỗi lầm và tha thứ, của cuộc đời và nghệ thuật…
Lúc đó, nếu có một ai đó ngước nhìn lên bức chân dung Cô đôi thượng ngàn thì sẽ thấy đôi mắt của người đàn bà trong ảnh hơi sáng lên như có ánh trăng rừng phả vào và cái miệng rất đẹp khẽ mỉm cười.
Hết
Tam Đảo - Đại Lải, hè 2019