Trời chiều.
Hai bác cháu để lại đằng sau cả một vùng đồng bãi rộng dài tít tắp lúa đang vào thì con gái đi xuống một bến sông hoang vắng nhuộm vàng hoàng hôn. Xa xa dưới kia thấp thoáng mấy chiếc thuyền câu lập lờ trên sóng nước. Trên bờ, một tốp ngư dân ở trần, quần đùi đang gồng sức kéo một chiếc xà lan chở nặng cát chạy dọc sông. Mồ hôi, cơ bắp và tiếng dô huầy trong lồng ngực họ vang lên nhọc nhằn như tiếng thở của đất.
Hai bác cháu kiếm một gốc cây râm mát ngồi xuống, dõi mắt nhìn ra sông. Cả hai đều tỏ ra mệt mỏi, phờ phạc. Riêng người họa sĩ râu ria đã ra đầy mặt, mái tóc dài phủ gáy nhưng ánh mắt lại dường như có điều gì thần sắc hơn.
Hoà rót từ bi đông dã chiến ra một cốc nước vối ân cần đưa cho ông. Ông cầm lấy, uống cạn, cười heo héo:
- Bác cháu mình đi đến hôm nay đã là bao nhiêu ngày rồi, cháu nhớ không?
- Kể cả thời gian nằm viện thì là ba tháng mười ngày ạ! Khi đi là đầu mùa hạ, giờ trời đã sang thu.
- Ừ nhỉ? Mới đó với đó mà trời đã chuyển mùa rồi. Mùa thu ở đây đẹp quá! Sóng lúa, gió heo may, triền đê, bến nước, con người… Bác muốn vẽ.
Nói rồi, ông giở đồ nghề ra. Vẫn chỉ là cây bút chì, tệp giấy kê trên đùi mà ông thường giở khi gặp bất cứ một cảnh sắc lạ nào gặp trên đường.
Hoà ái ngại nhìn khuôn mặt võ vàng, gầy rộc đi của ông, khẽ thở dài:
- Cháu thương bác quá! Tuổi này đáng lẽ bác phải được nghỉ ngơi giữa con cháu rồi mà giờ đây vẫn phải lặn lội đường xa. Hay là ta không đi nữa, trở về nhờ đăng báo hả bác? Đăng thật nhiều báo vào!
- Không! Vô ích, bác cũng đã nghĩ đến chuyện này rồi. Bác không muốn nó bị tổn thương. Vả lại, nhân đây bác cũng muốn làm một cuộc hành xác để chuộc lại mọi lỗi lầm mà người ta thường hay đổ tại chia ly, tại hoàn cảnh. Và có lẽ con bé hay linh hồn mẹ nó cũng muốn như vậy.
Đột nhiên ông bỏ cây bút xuống, đăm chiêu nhìn lên khuôn mặt đã xuất hiện vài nếp nhăn trên đuôi mắt của cô:
- Này, bác thấy cuộc đi tìm này còn nhiều vất vả, lại rất có thể là vô vọng, rất có thể là không bao giờ đến đích, hay là cháu mặc kệ bác trở về đi. Thằng bé chắc là đang mong mẹ.
- Hôm qua cháu ra bưu điện huyện điện về rồi, mẹ cháu bảo cứ yên tâm, thằng bé ở nhà đã có bà lo. Mẹ chỉ lo cho sức khoẻ của bác…
- Tính mẹ cháu vẫn như ngày xưa, chỉ lo cho người khác.
- Cháu thấy thế hệ các bác các cô, thế hệ của mẹ cháu nặng tình nặng nghĩa với nhau quá nên cháu rất cảm phục, chả lẽ không cho thế hệ cháu đóng góp một chút gì ư?
Ông day mặt nhìn ra sông, bất giác ánh mắt hơi nhoà đi:
- Cảm ơn… con gái!
Hai tiếng con gái được ông lần đầu bật lên ấy đã khiến nước mắt cô trào ra:
- Bố… Con đợi câu này từ lâu lắm rồi, từ cái đêm mưa con lọt vào phòng bố. Nếu con có thể đi tìm em thay được cho bố… Con thương bố lắm!
Đôi môi khô xác của ông khẽ chuyển động:
- Cám ơn con… Chỉ nội câu nói này đã đủ cho bố có thể đi cùng trời cuối đất để làm nốt cuộc hành trình của mình.
- Chỉ giận em đi mà không để lại cho bố một chút địa chỉ nào. Hay em vẫn còn giận bố?
Ông lắc đầu:
- Không! Đã có lúc bố cũng nghĩ thế nhưng bằng linh cảm bố biết một đứa sống nặng về tình như mẹ nó thì nó sẽ không làm thế. Trừng phạt ư? Có thể, bố chấp nhận mọi sự trừng phạt, bố đáng bị trừng phạt nhưng đọc kỹ lại lá thư của mẹ nó gửi cho bố, bố biết có một cái gì còn cao hơn thế nó đang trông chờ ở bố. Tức là ở một nơi nào đó nó vẫn đang đợi bố.
Cô gái ngồi xuống bên ông:
- Con cũng cầu mong như thế. Nếu gặp được em, bố biết không, con sẽ là người hạnh phúc nhất vì lúc đó con có mẹ có cha, có cả em gái nữa.
- Ừ, có lẽ suy đến cùng niềm vui của đời người cũng chỉ gói gọn trong những điều bình dị như vậy thôi mà con người không biết cứ ngu ngơ khổ sở đi tìm tận đâu đâu.
- Bố!
- Sao con?
Cô nhìn săm soi vào mắt ông:
- Con thấy gần đây mắt bố có cái gì lạ lắm! Vất vả, ăn uống bất thường, bệnh tật hành hạ, tin tức về em vẫn mù tịt vậy mà mắt bố cứ ánh lên như có cái gì giống đống rấm cháy ở bên trong ý. Nhất là lúc bố ngồi trước bản vẽ như lúc này.
- Con gái tinh lắm! Có đi vào các góc khuất cuộc đời, đi vào những mảnh đời cần lao với những con người còn nhiều lam lũ bố mới chợt vỡ ra, tại sao bao năm nay mình lại có thể để cho nỗi chán chường, bực bội, cả sinh nhai nó tàn phá tâm hồn mình đi như thế. Bố lại háo hức muốn vẽ, muốn sống lại những cái gì ngày xưa bố đã từng háo hức.
- Nữa, cho con nói câu nữa nhưng bố không được cười cơ.
- Nói đi!
- Là nét vẽ của bố tươi lắm, vui lắm, kể cả khi bố vẽ những cảnh làm ăn vất vả hay những cảnh trời sắp có giông bão?
- Cám ơn cái nhận xét đáo để ấy. Biết nói thế nào nhỉ?... Có lẽ thế này chăng, ngày xưa trong chiến tranh toàn chết chóc bố lại chỉ chuyên vẽ về những điều lãng mạn, thơ mộng khiến cho bố gặp phải không ít những phiền hà thì bây giờ, trong cuộc sống bươn chải mồ hôi mồ kê này, bố lại chỉ thích vẽ về những điều trong sáng, nhẹ nhàng, nhân hậu ẩn bên trong. Thành cái tật rồi, chả bỏ được mà bố cũng không muốn bỏ.
- Con cũng không muốn bố bỏ. Con thích bố vẽ như thế này.
Một lần nữa ông lại quay nhìn vào mắt cô gái. Kỳ lạ chưa! Chả lẽ cách cảm nhận cuộc sống, cách cảm nhận nghệ thuật của một cô gái quê tần tảo, văn hoá chưa hết cấp hai lại sâu hơn, xác đáng hơn những vị đang cầm cân nảy mực trong nghề ư?
Bên kia sông, ánh mặt trời như những nan quạt thần đủ màu đang hắt chói chang lên bầu trời lần cuối cùng để chuẩn bị lịm tắt.
Giọng cô gái vui hẳn:
- Bố, con xuống sông ngâm mình một cái cho mát, bố cứ vẽ đi, xong, mình vào thị trấn.
Người họa sĩ gật đầu. Con mắt hấp háy của ông lại tiếp tục bám dính vào những thân hình thuyền chài đang vặn mình tung lưới ở giữa sông. Xa xa, tiếng hò lấy đà của những người thợ lái xà lan đẩy dọc theo bờ thỉnh thoảng lại vẳng đến như một âm hưởng sâu thẳm, bền bỉ của cuộc đời.
***
Thị trấn miền biển mới sáng ra cuộc sống đã ồn ào, sôi động những bán mua, đi lại, cãi vã và đó đây cứ nồng nặc mùi tôm cá. Ngồi trong một quán cà phê nghèo, ông đang chăm chú nhìn ra, điếu thuốc lá trên tay vẫn còn ngún thuốc. Thuốc lào sau cơn tai biến ông đành phải vất điếu đi nhưng cà phê là một thứ ông không bỏ được. Ăn qua quýt thế nào cũng xong, không ăn cũng được nhưng sáng ra phải có một ly cà phê đặc quẹo nếu không, cả ngày đầu óc ông cứ dơ dão như đi mượn.
Lúc ấy ông không biết rằng, tại quán cà phê bên kia đường cũng có một người đang chăm chú nhìn sang ông. Đó là người thanh niên đã cùng cô cháu đưa ông vào viện và cũng là người đã dằn mặt kẻ giang hồ định vu vạ moi tiền ông tại công viên đêm ấy.
Một chú bé bán báo đi qua, tiếng rao lảnh lót như tiếng chim báo sáng trong rừng: “Báo đơi… Báo Thanh niên, báo Tiền phong, báo Tuổi trẻ đơi… Có nhiều tin tức nóng sốt đơi…”. Người thanh niên vẫy cậu bé lại, mua hẳn năm tờ rồi nói cậu cầm một tờ đưa đến chỗ ông già đang ngồi một mình ở quán giải khát bên kia, dặn cứ đưa thôi, không cần nói thêm gì cả.
Ô-kê, bắn một câu tiếng Anh hệt như thiên hạ bây giờ thường bắn, cậu bé gật đầu rồi dé chân chèo chạy nhanh sang đường.
- Ông ơi! - Cậu dừng trước mặt người họa sĩ - Báo mới đơi ông ơi!
- Bao nhiêu một tờ? - Người họa sĩ hạ mục kỉnh xuống.
- Năm tờ, có người trả tiền rồi, ông cứ cầm đọc thôi ạ!
- Ai?
Cậu bé chỉ sang cái quán bên kia đường nhưng khi nhìn sang, ông không thấy một ai cả, vắng hoe. Dúi mấy tờ Thanh niên còn thơm mùi mực in vào tay ông, cậu bé lại chạy vút đi, tiếng rao: “Báo, báo mới đơi”… lại tiếp tục vang lảnh lói khắp thị trấn.
Cậu bé đi rồi, một suy nghĩ cộn lên trong ông: “Ai thế nhỉ, ai lại tốt bụng mua báo biếu mình thế nhỉ, ở cái thị trấn xa xôi hẻo lánh này nào mình có quen biết ai đâu? Hay lại là cái người trợ giúp mình suốt dọc đường mà không ra mặt ấy? Lạ quá… Mà sao lại là báo chứ không phải thứ khác? Hay trong này có viết cái gì chăng, tin tức về con bé chẳng hạn, biết đâu được, cuộc đời luôn có những bất ngờ bí hiểm không ai có thể lường trước”.
Hồi hộp ông giở trang báo ra. Trang một… trang hai… trang ba… rồi trang bốn… Chả có gì ngoài những tin tức thông thường đã thành nhàm chán về giá dầu hoả Trung Đông lại xuống thấp kỷ lục, về Mỹ sắp trừng phạt I-rắc, về viên tổng giám đốc này đi tù, vị quan chức kia bị lôi ra trước vành móng ngựa vì tham ô, tham nhũng, để thất thoát tài sản và vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa, rồi lại rùm beng cái tin nơi này khai trương, nơi kia động thổ…
Ngao ngán, ông định buông tờ báo xuống thì một dòng chữ lít nhít kiểu như rao vặt hiện lên ở chân trang cuối cùng đập nhẹ vào mắt ông rồi đập mạnh, chói gắt, khiến con mắt lèm nhèm vì chảy nước của ông cứ bám dính vào đó. “Mẹ! Cái gì thế này? Triển lãm à? Gallery à?... Thì kệ mẹ nó, ngày nào chả có triển lãm, chỗ nào chả có Gallery, động rồ, động cỡn nhưng… sao lại có cái tên mình ở đây? Trời! Hay là nó, chính nó, chính con bé đăng báo tìm cha?” - Bộ ngực lép kẹp của ông bỗng thắt lại - “Nếu đúng thế thì, trời ơi…”.
Run run, ông vội ngoàm cái gọng kính vào sống mũi. Những dòng chữ nổi lên đen kịt…
“Vào hồi 9 giờ 00 ngày 12 tháng 9 tại trung tâm Gallery Tràng Tiền sẽ khai mạc phòng tranh trên hai thể loại ký họa và bột màu của một họa sĩ bậc thầy về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng - Hoạ sĩ Hoài Linh.
Hy vọng rằng, với khối lượng không nhiều nhưng tinh tế, chắt lọc, các bạn yêu hội họa sẽ tìm thấy ở đó một cảm hứng khác lạ, độc đáo, bứt phá đến kinh ngạc về năng lực tái hiện mảng đề tài truyền thống lâu nay đã bị quên lãng này. Xin trân trọng kính mời và cám ơn!…”.
Ông sững sờ thả rơi tờ báo xuống mặt bàn, gò má giật giật. Một giọt nham thạch cháy phực lên giữa xương sống. “Mẹ! Cái gì mà bậc thầy với bậc thợ? Cái gì mà đề tài chiến tranh với người lính?... Ai cho phép? Bố láo!”.
Chưa hoàn toàn tin, ông giương mục kỉnh lên đọc lại một lần nữa… Những con chữ vẫn không thay đổi, thậm chí nó còn bay lên, nhảy nhót, uốn lượn như đang thực hiện một điệu luân vũ chớt nhả xuyên vào đầu ông. Mẹ! Mắt như muốn lồi ra, thở phì một tiếng, ông tức giận vo viên cả tờ báo ném xuống gậm bàn, ngồi thở dốc, mồ hôi toát ra.
Vừa lúc Hòa từ ngoài đi vào, trên tay xách một nải chuối to, nhìn thấy ông như vậy, cô buông rơi nải chuối chạy ào vào, hớt hải:
- Bố… bố làm sao thế này?
Ông lặng chỉ xuống tờ báo nằm nát nhàu dưới đất:
- Đọc đi! Trang cuối ấy.
Cô gái vội cúi xuống nhặt lấy tờ báo, nhìn vào trang cuối… Đọc xong, cô nhìn lên, nét mặt sáng bừng, cười rất tươi:
- Xong rồi, mừng, con mừng quá bố ơi!
- Mừng cái con khỉ! Tôi không phải là thứ cặn bã để họ muốn lôi ra bêu riếu thế nào thì lôi. Càng không phải phương tiện để khi cần một mảng đề tài truyền thống nào đó theo chỉ thị ở trên là họ sờ đến. Không, không nhé, không được phép!
Cô cầm lấy tay ông:
- Bố ơi, bố bình tĩnh lại đi! Có thể con chả hiểu gì về đề tài với hội họa cả nhưng bằng linh cảm đàn bà, con cảm thấy đây không chỉ là một thông báo bình thường mà nó ẩn chứa cái gì đó như một lời nhắn gửi riêng tư ấy.
Ông Linh thoáng giật mình, chau mày nhìn sâu vào mắt cô gái:
- Hả?... Một lời nhắn gửi riêng tư à? Con nghĩ thế à?
- Không phải chỉ nghĩ, là phụ nữ, con biết chắc là như thế. Đi đi bố! Mình ra bến xe đi! Bố ơi! Ông trời phù hộ mình rồi!
Như ngộ ra được một điều gì dù còn mập mờ nhưng đang rõ dần, ông lập cập đứng dậy rồi loạng choạng bước ra khỏi quán, chút nữa quên cả trả tiền ly cà phê nếu như ông chủ không chạy theo nhắc.