Tuần sau thì họ lên đường. Hai bác cháu chọn phương tiện đi bộ là chính, thỉnh thoảng nhảy xe khách, đi xe ôm hoặc xin đi nhờ xe tải. Ngày rộng tháng dài, đường xa vô định, thì đã biết địa chỉ cụ thể thế nào đâu mà bắt xe đi một mạch.
Đến tuần thứ ba, bệnh tật, lo âu, căng thẳng và bao năm lao lực đã cùng một lúc dồn về đánh gục ông ở ngang đường trong cái tên gọi rất thông thường nhưng lại vô cùng đáng sợ, đó là đột quỵ.
Cô cháu thôn dân thực sự sẽ không biết xoay xở ra sao trong trường hợp này nếu như không có một người thanh niên cao lớn, tốt bụng, đầu húi cua không biết từ đâu xuất hiện đã xăm xắn đỡ đần cô một tay, nói đúng hơn sau đó, anh đã thay cô quyết định tất cả.
Ông được cẩn trọng chuyển đến một bệnh viện của tỉnh. Tại đây họ làm đủ các thủ tục y học như chụp CT, cắt lớp..., điện não đồ, tuỷ sống, lục phủ ngũ tạng, tim gan phổi phèo… Cuối cùng họ kết luận bệnh nhân này đang chứa trong người khoảng 15 thứ bệnh, bệnh nào cũng nan y cả mà vẫn sống được đến bây giờ thì quả là một điều kỳ diệu và quyết định bắt ông nằm lại. Suốt trong khoảng thời gian đó, ngoài người thanh niên cao lớn đã giúp cô đưa ông tới đây thỉnh thoảng có đến thăm thường là vào lúc ông thiêm thiếp hôn mê không biết gì, chỉ có cô là quanh quẩn bên ông, chăm sóc ông từng miếng ăn giấc ngủ. Sang tuần thứ hai là cô đã gầy xọp đi và đến tuần thứ ba thì có cảm giác cô sẽ đổ gục theo ông nếu như bệnh tình ông không tiến triển tốt hơn.
Vừa đi lại được, ông đã nghĩ ngay đến chuyện xin ra viện để tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng các bác sĩ kiên quyết không cho với lý do nếu để ông ra rồi, khi trở lại sẽ là lần trở lại cuối cùng của cuộc đời ông. Họ còn nói, khả năng hồi phục của ông là phi thường, là ở đây chưa có tiền lệ, nếu là người khác thì xong rồi hoặc phải chuyển lên tuyến trên rồi nhưng không phải vì thế mà có thể chủ quan được.
Ông nghe chỉ lặng cười, các vị đâu có hay rằng, một khi con người còn đang có những công việc dở dang to lớn thì họ không thể đi dễ dàng được, huống hồ đó là công việc còn ngàn lần quan trọng hơn sự sống và cái chết… “Con ơi - không biết đã bao nhiêu lần ông thì thầm trong đêm như thế - chưa tìm được con thì bố không thể xuôi tay cho số phận định đoạt được. Giọt máu trong chiến tranh, giọt máu của tình yêu khổ đau và ngọt ngào nhất, giọt máu kỷ vật thiêng liêng nằm giữa lằn ranh sống chết, giọt máu của em, Thủy ơi…”.
Cứ thế, trong những khoảnh khắc hiểm nghèo ông muốn buông tay thở hắt ra nhất, đôi mắt của con gái lại hiện về, cả đôi mắt của mẹ nó nữa, buồn thương, xót xa, giận hờn, cả oán trách và tha thứ. Cô đôi thượng ngàn… Hai đôi mắt, hai khuôn mặt, hai dáng hình nhập nhoà với làn điệu ca trù vời vợi lúc tách ra lúc nhập vào, lúc vút lên lúc hạ xuống như đỡ nâng, như níu giữ linh hồn ông, không cho cái linh hồn đã rách rưới và phồng rộp ấy biến tan đi đâu hết.
Ông phải trụ lại, như có thể trụ lại trên trọng điểm toang hoác những hố bom B-52 để không làm một thằng đào ngũ hèn hạ. “Ừ nhỉ? Bom Mỹ, chất độc Mỹ, biệt kích Mỹ đã không giết nổi mình thì ba cái bệnh tật này đã là cái đinh gì để mình có thể cúi đầu chịu thua?”. Thế là ông gượng lại được. Như có một vầng sáng, một điểm tựa tâm linh giúp cho ông gượng lại. Gượng lại trong tiếng khóc vỡ oà vì sung sướng của cô cháu.
***
Mọi công việc chuẩn bị cho cái Gallery mang tên KÝ ỨC LỬA ngự trên một con phố đẹp nhất Hà Nội đã được ông Vinh sắp xếp hoàn tất. Tất cả những bức tranh đã được vào khung, tất cả những bức tượng đã được chuyển đến đặt tự nhiên trên bệ, chỉ có giấy mời là chưa được phát.
Vào một ngày đang rốt ráo những bày biện còn rối rắm cuối cùng như thế thì Thu ào đến trên một chiếc xe ôm. Vừa nhảy xuống cô đã chạy nhanh vào phòng, đến trước mặt ông, mếu máo:
- Chú ơi…
Hoàng Vinh giật mình:
- Cái gì đấy cháu? Làm sao mà nước mắt nước mũi ròng ròng thế kia?
- Đêm qua cháu mơ thấy ba cháu bị tai nạn nặng lắm… Đôi mắt ba cứ nhìn cháu như oán trách điều gì đó. Lại có máu từ đó chảy ra nữa.
Hoàng Vinh dìu cô ngồi xuống ghế, rót cho cô một ly nước trắng, trấn an:
- Thì cứ uống nước đi đã rồi từ từ nói.
- Cháu sợ quá! Cháu sợ có điều gì không may xảy đến với ba. Sáng ra là cháu bắt xe lên ngay đây. Chú ơi, có tin tức gì của ba cháu không?
- Có - Ông điềm tĩnh trả lời - Ba cháu bị đột quỵ, nhẹ thôi. Tuổi già ấy mà.
Cô gái khóc òa:
- Sao chú không nói với cháu một tiếng, nhỡ có chuyện gì thì sao?
- Chú cũng định nói nhưng thấy không cần vì giờ ba cháu đã qua khỏi. Nói, cháu chỉ thêm lo.
- Thế ba cháu đang nằm ở đâu ạ? Cháu không muốn ba cháu phải khốn khổ đi tìm cháu thêm một giờ nào nữa, thế là đã quá đủ rồi!
- Cứ bình tĩnh, không có gì đâu, chú đã cho người làm việc kỹ với bệnh viện và bố trí người kín đáo chăm sóc ba cẩn thận rồi. Cháu mà nôn nóng là làm trái với lời trăng trối của mẹ đấy. Cũng sắp đến đích rồi. Cháu cứ yên tâm trở về lo cho xong cái luận án tốt nghiệp đi! Đúng ngày này tháng sau chú sẽ cho xe đón cháu lên đây dự khai mạc cái Gallery này.
- Ngày đó cháu sẽ được gặp ba chứ hả chú?
- Chú hy vọng như vậy. À, cũng báo thêm cho cháu một tin mừng, bố cháu bắt đầu vẽ lại rồi. Nét vẽ còn vụng về, ngơ ngác nhưng thần thái và sự tài hoa thì đã gần lấy lại được như ngày xưa.
Mắt cô gái sáng lên:
- Thật hả chú?... Trời ơi, thế thì cháu mừng quá!
- Chú hy vọng rằng, sau cái Gallery về đề tài chiến tranh này, ba cháu sẽ có một cái Gallery khác nữa về đề tài hôm nay.
- Cháu cám ơn chú…
- Giờ cháu thử dùng con mắt của một nhà mỹ thuật tương lai xem cách bài trí này có ổn không, không, chú sẽ cho người chỉnh lại. Cháu nhớ đây là chủ đề về chiến tranh nên nó không cần rềnh rang, cầu kỳ làm gì, bản thân sự khiêm nhường, lặng lẽ, chỉ hai màu đen trắng của nó đã nói lên tất cả, trong đó chú muốn bức chân dung của mẹ cháu là một điểm nhấn trung tâm.
Nghe lời, cô gái đi quanh các phòng trưng bày tranh, tượng một lượt và dừng lại trước bức ảnh của mẹ, nghẹn ngào.
- Mẹ ơi! Ba đã vẽ lại rồi, nhưng bây giờ ba đang nằm viện, ba yếu lắm rồi, ba đã khổ đau nhiều lắm, mẹ hãy tha thứ cho ba nhé!
Và giây phút ấy dường như cô nghe được cả tiếng rì rầm của mẹ từ trên cao nhả xuống:
“Mẹ có giận ba đâu? Mẹ đã tha thứ cho ba ngay từ khi biết tin ba còn sống rồi. Chiến tranh, cái gì cũng có thể xảy ra, con có hiểu không? Mẹ chỉ muốn khi cha con gặp được nhau thì ba con sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác, một con người tài hoa, giàu nhiệt huyết, yêu thương và đầy kiêu hãnh như ngày xưa. Con giúp mẹ làm việc này nhé…”.
***
Ngày thứ hai tám, mặc dù đầu óc vẫn chưa hoàn toàn thông thoáng nhưng ông lại một lần nữa nằn nì xin ra viện với lý do có một việc hệ trọng lắm, hệ trọng hơn cả cuộc đời ông đang đợi ông ở ngoài kia mà nếu ông cứ còn nằm ở trong này là mọi sự sẽ đổ bể hết.
Biết là không thể ngăn cản được, họ bắt ông ký vào một bản cam kết chắc nịch rằng nếu có điều gì xảy ra ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm rồi mới cho ông ra.
Đến khi cô cháu thay ông xuống thanh toán viện phí với một khoản chắc chắn là rất lớn, có khi phải ký nợ thì bà y vụ nói đã có người thanh toán xong hết rồi. Hỏi ai ạ? Bà nói: “Thì chính cái cậu thanh niên cao lớn đã cùng cô đưa ông ấy vào đây đó, cậu ấy bảo là người nhà. Nói thật nhé, nếu không có các loại thuốc rất hiếm chỉ ở nước ngoài hay trên Trung ương mới có mà cậu ấy cất công lùng kiếm được mua về thì chưa biết bệnh tình của ông ấy sẽ ra sao”.