Hình như đã lâu lắm rồi ông mới có dịp bước chân vào một mái chùa yên bình, tĩnh lặng như thế này. Đâu đâu cũng thấy sự yên bình, chay tịnh bao trùm lên tất cả, tịnh không có một âm thanh, màu sắc, bóng dáng ồn ã, phàm tục mang tính dịch vụ thị trường nào. Không bán mua, không chèo kéo, không săn đón mời chào, không la liệt những hòm công đức nhức nhối đập vào mắt khách vãng lai. Ngay cả bước đi của những ni cô, sư sãi trong chùa cũng vô cùng khẽ khàng, êm nhẹ đến nỗi một chiếc lá rơi xào xạc xuống sân gạch cũng nghe thấy. Ông bỗng thấy đầu óc mình đang tan loãng ra trong sự phiêu lãng châng lâng kỳ lạ mà cuộc đời ở ngoài kia không sao có được.
Đến một gốc cây si râm mát, Hòa dừng lại:
- Bác ơi, bác ngồi chờ đây để cháu vào mời mẹ cháu ra.
Ông ngần ngừ ngăn lại:
- Hay là… thôi cháu, chốn cửa Phật từ bi chẳng nên kinh động.
- Ơ, có kinh động gì đâu bác, sư ở đây bình dân, xởi lởi lắm, nhất là mẹ cháu, cứ hễ có ai cùng ở Trường Sơn đến vãn cảnh là mẹ cháu lại như trẻ ra, vui vẻ hẳn lên. Cháu vào nhé!
Ông lặng lẽ ngồi xuống và giây phút siêu tịnh ấy, ông cảm thấy như mình đang lạc vào một miền Tây Tạng xa xăm nào đó với gốc cây bồ đề đang toả một làn ánh sáng thần linh tưới tắm lên khắp cảnh vật.
Ông sẽ còn để đầu óc mình chìm sâu vào cõi vô tịch vô cùng lâu lắm mới có lại nếu như từ ngoài cổng chùa không có chiếc xe lăn do một người phụ nữ trung tuổi đẩy vào. Ông bất giác nhìn lên. Trên xe là một ông già hom hem, hiện rõ vẻ ốm yếu, bệnh tật ẩn sau nước da vàng bủng, đeo kính trắng, râu bạc tóc bạc, hai gò vai nhô lên nhọn hoắt, hai bàn tay gầy guộc, nổi sần bám cứng vào hai bên thành xe, riêng vầng trán rộng và cái miệng nhỏ, môi trên hơi mỏng và cong là có cái gì đó quen quen nhưng chịu, không nhớ ra nổi. Người ngồi trên xe cũng quay lại nhìn ông chăm chú… đôi mắt đơ đơ nhấp nháy một lúc rồi lại nhìn đi, vô cảm.
Lát sau, Hòa từ gian trong đi ra, đằng sau là một sư nữ đứng tuổi, vận áo nâu sồng, nét mặt nghiêm trang, vừa đi vừa lần tràng hạt. Thoáng nhìn thấy ông, bước chân vị sư như bị vấp một cái, hơi sựng lại, mắt mở to ngỡ ngàng rồi sau đó là một nụ cười héo hắt trùm lên:
Tiếng sư nữ khẽ rung khi đã đến trước ông:
- Trời… ông Linh… Hoạ sĩ Linh phải không?
Ông cũng rùng mình khi nhận ra vị sư nữ đó không phải ai khác mà chính là đội phó Lan, bạn thân của Thủy trong cung đoạn Trường Sơn năm nào. Tuy thời gian trôi qua đã lâu, sóng gió cuộc đời dồn dập làm cho con người biến đổi thật nhiều nhưng giọng nói, cái nhìn, đôi mắt, gò má vẫn là của cô Lan nóng nảy, trực tính và gan góc năm xưa.
Phải chăng tự thấy mình đã để tình cảm lấn át cửa chùa, sư nữ chắp hai tay lên ngực, vẻ nghiêm trang, thành kính trở lại trên nét mặt, giọng nói:
- Nam mô A di đà Phật…
Ông cũng líu ríu đặt hai tay trước ngực:
- Nam mô A di đà… Bà Lan, Lan “xê bốn” phải không?
Sư nữ không nói gì, khẽ quay lưng đi vào trong sảnh. Ông lặng lẽ đi theo. Khi yên vị rồi, họ trở lại cung cách chuyện trò đời thường.
Giọng bà vẫn còn nghèn nghẹn:
- Ông Linh… Nghe cháu nó nói có người tốt bụng đã cứu giúp mẹ con nhà nó, tôi đâu có ngờ lại là ông! Cám ơn ông nhiều lắm!
- Tôi cũng đâu có ngờ lại là bà. Nếu biết, tôi đã tìm đến bà từ sớm, rất sớm rồi.
Bà Lan nhìn sâu vào mắt ông:
- Ông khác đi nhiều quá! Nếu gặp ngoài đường chắc tôi sẽ không nhận ra. Thế sau lần ấy ông đi đâu mà mất tăm mất tích đến tận bây giờ?
- Chuyện dài lắm bà ạ! Chỉ biết gặp được bà lúc này là tôi mừng lắm, là có cơ duyên lắm rồi!
Bà thả ra một câu bất ngờ:
- Thủy nó… mất rồi ông biết chưa?
Ông im lặng, cảm thấy khó thở như vừa leo qua một ngọn dốc. Giây lâu ông mới lấy lại được hơi thở bình thường:
- Cũng mới biết cách đây gần năm, biết trong một hoàn cảnh éo le không thể nào tin nổi.
Sư nữ đưa vạt áo lên mắt chấm chấm:
- Trước lúc mất nó chỉ nhắc đến ông. Đời nó đa truân lắm!
Nét mặt ông lộ rõ vẻ đau đớn không dằn được:
- Tôi hiểu… Tôi có lỗi… Tôi là loại không ra gì. Trên đường vào giải phóng Sài Gòn tôi chẳng may bị thương phải nằm viện cả năm trời, đến khi ra viện, trở lại chiến trường cũ, hỏi, người ta nói Thủy đã về làm vợ ông Lâm - Phó Chính ủy rồi.
- Ôi chao! Bể đời đa luỵ trong khi người ấy lại nghe ông hy sinh mất xác nên năm nào cũng làm đám giỗ, giỗ đến năm thứ mười mới đi lấy chồng.
Ông tròn mắt:
- Chứ không phải ông Lâm?
Lan lắc đầu buồn bã:
- Không! Ngược lại. Ông đi rồi, ông Lâm đã chính thức đặt vấn đề với nó nhưng bị nó từ chối thẳng thừng thế là… Ôi, Nam mô A di đà, cửa Phật có nên nói ra hết những điều trần tục không?
- Tôi xin bà! Chỉ xin bà nói một lần này thôi rồi tôi sẽ không bao giờ hỏi nữa.
Vị sư nữ quay nhìn ra vạt nắng giữa sân, đôi mắt như có bóng râm đổ vào…
Thì ra cuộc đời này muốn yên tịnh mà cũng không yên tịnh nổi, muốn thoát phàm mà vẫn bị cái âm thanh phàm tục ở ngoài kia xé nát. Qua giọng kể của người sư nữ, cả một đoạn đời của Thủy hiện lên nhức nhối trong tâm trí ông, cái đoạn đời mà đội phó Lan gần như được chứng kiến và sau đó được chính Thủy tâm sự lại...
Ngày ấy ông đi rồi, một buổi tối Thủy được ông Phó Chính ủy Trần Lâm gọi lên lán chỉ huy. Lòng dạ có một chút phân vân, tại sao không gọi ban ngày mà lại gọi ban đêm? Cô đem nói lại với bạn. Lan bảo: “Lãnh đạo gọi thì cứ lên, biết đâu chỉ là công việc, mà nếu không phải công việc, là một cái gì khác, tao sẽ đi với mày, sẽ đứng ngoài, cứ yên tâm”. Cô gật đầu và mạnh dạn đi qua cái trảng nhỏ dẫn vào căn lán của ông, một căn lán lợp lá trung quân như mọi căn lá khác nhưng nằm hơi tách ra một chút. Một bát cháo gà rừng nóng hổi, thơm phức được cậu công vụ dọn lên. Cạnh đó là một nhánh lan rừng khá đẹp được cắm trong vỏ pháo 105 hình như mới được hái về.
Ông ân cần nói: “Cô ăn đi, dạo này nhìn cô gầy quá, xanh quá, trong người có bệnh gì không?”. Cô lắc đầu và hỏi: “Thủ trưởng gọi em lên có việc gì không ạ?”. Ông cười buồn: “Chả lẽ cứ phải có việc mới gọi, chả lẽ người lính chỉ có công việc và công việc mà không còn có cái gì khác sao?”. Cô bất giác nhìn xuống, không hẳn đã vì câu nói ấy mà còn vì cái nhìn khác lạ từ đôi mắt của ông. Hồi lâu ông mới hỏi: “Lâu nay có nhận được tin gì của cậu ấy không?”. Cô lắc đầu. “Cũng tội” - Ông nói thêm - “Dưới đó là vùng điểm, không hiểu sống chết thế nào”. Rồi ông rút từ trong xà cột ra một tờ giấy đặt trước mặt cô, nói khẽ: “Giấy quyết định cho em đi dự hội nghị thi đua toàn binh trạm vào đầu tháng đấy, tại đó, nếu thuận lợi người ta sẽ chọn em đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Hà Nội luôn. Và từ đại hội này, em sẽ trở thành một nữ anh hùng đường dây. Rồi có thể em sẽ được cử đi học một khoá chính trị ở trong nước hay ở ngoài nước tuỳ theo. Một trang đời mới sẽ mở ra trước mắt, em xứng đáng được như vậy, chúc mừng em!”.
Trước thông tin bất ngờ ấy, thú thực cô hơi bị ngợp. Dẫu rằng lúc này cô không muốn rời đi đâu cả, cô không thể xa bạn bè, đồng đội trong những ngày căng thẳng, ác liệt nhất, hơn thế, cô muốn ở lại để ngày ngày đón nhận tin của anh từ những chuyến xe từ trong kia ra mặc dù càng đón càng vô vọng.
Đầu óc đang hoang mang như vậy thì bất ngờ bàn tay cô đã nằm gọn trong hai bàn tay rắn rỏi, ram ráp của ông Phó Chính uỷ. Một tiếng nói nóng bỏng như nó đã được hun nóng từ lâu rồi: “Thủy… Những ngày qua em có biết em đã làm tôi khổ sở đến thế nào không? Khổ lắm, khổ đến nỗi đối với tôi cả cái đường dây này đều trở thành hoang vắng, vô nghĩa hết…”. Cô giật mình định rút tay ra nhưng hai bàn tay càng bị siết chặt đến đau nhói nhưng tiếng nói của người đàn ông còn đau nhói hơn: “Xin lỗi… tôi đã không kìm được lòng mình. Đúng ra tôi không nên làm thế này nhưng không thể không làm, bởi vì đó là cái phần thật nhất trong con người tôi, cái phần mà hàng ngày tôi phải cố gắng gượng để cho cái bổn phận, trách nhiệm của người chỉ huy đè lên trên. Thủy ơi, trước em tôi trở thành yếu đuối lắm em biết không? Tôi thèm được yêu thương, được nhớ nhung giận hờn và đêm đêm được đón em trở về từ trọng điểm…”.
Choáng váng chưa hiểu hết được ý nghĩa tận cùng câu nói như mê hoảng ấy thì toàn thân cô đã nằm gọn trong tay ông. “Thủy… Tôi yêu em… Tôi cần em… Cần lắm, cần như nước uống, khí trời…”. Và chỉ đến khi cái miệng đang lắp bắp kia tham lam và điên loạn định gắn chặt vào miệng mình thì cô mới bừng tỉnh. Một phản xạ bản năng trỗi dậy, cô giơ thẳng tay tát vào cái mặt đó rồi vùng ra, chạy thoát ra ngoài…
Sư nữ ngừng kể. Người họa sĩ cũng im lặng. Chỉ thấy lồng ngực ông khó nhọc dướn lên hạ xuống như bị ngạt thở.
Giây lâu sư nữ mới khẽ khàng nói tiếp:
- Thế là ông ấy cắt suất Chiến sĩ Thi đua toàn binh trạm của nó và điều nó về phía sau với một lý lịch không ra gì. Nam mô a di đà… sao nước đời lắm nỗi!
Người họa sĩ lúc này mới gù gập người xuống, thốt lên:
- Đau quá!... Tôi đau quá sư thầy ơi! Tại tôi, chỉ tại tôi.
- Không phải tại ai cả. Tại đời! Đời luôn là bể khổ. Thí chủ cũng chỉ là nạn nhân.
- Vâng, vâng… Nạn nhân… Rồi sau đó thế nào, xin sư thầy nói tiếp!
- Nhưng nó không gục ngã, tính nó thế, vẫn cắn răng vượt lên làm lại từ đầu để trở thành một hiệu trưởng cấp ba tiên tiến nhất ngành giáo dục.
Giây lâu, ông mới khó nhọc hỏi một câu định hỏi ngay từ lúc đầu:
- Rồi… rồi sau này Thủy có lấy chồng không?
- Có. Sau hơn chục năm nó không được tin gì của ông, lại có nhiều người theo đuổi, rồi bà mẹ đang bệnh nặng, muốn nhìn thấy con gái yên bề trước khi nhắm mắt, thế là nó đành nghe lời. Người chồng này rất tốt nhưng sống yểu, mới được vài năm thì đã mất vì căn bệnh ung thư…
- Họ không có mụn con nào ư? - Ông dằn lòng hỏi.
- Chưa kịp. Chồng mất, nó tìm về đây ở với tôi mấy ngày. Điều làm nó khổ tâm, dằn vặt nhất vẫn là chuyện không biết ông hy sinh ở đâu, hy sinh trong trường hợp nào, người ta có lấy được xác không. Thế đó, thí chủ có hiểu một điều, đàn bà con gái khi đã yêu thương một ai thì không gì có thể bẩy ra được nữa, cho đến khi chết.
Ông nói như khóc:
- Tôi hiểu… Tôi chỉ thật hiểu khi Thủy đã đi xa, khi tất cả đã trở nên quá muộn!
- Còn điều này nữa, nguyện vọng cuối cùng của nó trước khi mất là được gặp lại tất cả chị em trong đội. Cũng phải mất cả tháng mới tập hợp đủ. Tội lắm! Người lấy chồng nối gánh, người lấy chồng đứt gánh, người không lấy được chồng, người xuống tóc đi tu, người không còn, người ốm đau, bệnh tật… Phải cho nhau từng bộ quần áo, từng đôi dép, từng cái máy trợ thính để nghe được tiếng nói của nhau. Khi gặp, tất cả ôm nhau nước mắt như mưa nhưng ông có biết không, khóc không phải vì những cơ nhỡ ngày hôm nay mà vì những tháng ngày cao đẹp đã sống hôm qua. Gặp xong, nghe nói hơn tháng sau nó… đi nhưng không báo cho ai cả.
Ông vồ ngay lấy câu nói này, hỏi vội:
- Nhưng mọi người biết nhà của Thủy chứ?
- Không, không ai biết hết. Mọi người chỉ đến bệnh viện với nó, sau này nó mất ở quê. Mà quê nó thì… chỉ nghe đâu khi trở về, nó đã chuyển đến một tỉnh duyên hải nào đó ở phía bắc để dạy học thôi chứ cụ thể ra sao, trong lúc luýnh quýnh cũng không ai kịp hỏi. Đúng là sau chiến tranh, tứ tán khắp nơi, cuộc sống mải vật lộn với miếng ăn, bệnh tật nên… con người cũng bỗng trở thành vô tình.
Im lặng. Ngột ngạt. Gió cũng ngưng thổi trên vòm lá. Ngột ngạt đến nỗi người mẹ trẻ phải bỏ đi ra ngoài như không chịu nổi áp lực của cuộc nói chuyện này.
Phải mất một lúc sau, ông mới cất nổi lời:
- Trước khi mất Thủy đã để lại cho tôi bức thư này, chị đọc đi rồi sẽ hiểu.
Ông lấy trong túi ngực ra lá thư đã nhàu nát đưa cho bà Lan. Người đội phó năm xưa lặng lẽ cầm lấy, đưa ra chỗ sáng… Đọc xong, lại lặng lẽ trả lại, mắt hơi nhoè đi, trong một khoảnh khắc chợt không nhớ mình là ai nữa, giọng bà căng lên:
- Vậy mà nó không nói gì với tôi! Cái con khỉ này, vẫn tính nào tật đó, nó vẫn muốn giấu kín chuyện tình cảm giữa ông và nó cho riêng nó không muốn cho ai biết, cả chuyện đứa con nữa! Tội nghiệp! Giờ ông định tính sao?
- Tôi sẽ tiếp tục đi tìm con - Nét mặt ông thoắt đanh lại - Sẽ tìm bằng được, tìm cả đời này, tìm cả kiếp sau. Tôi đã để mất mẹ nó thì giờ đây tôi không thể mất nó. Nó là phần hồn, là toàn bộ cuộc sống của tôi. Tôi đã thề điều này trước hương hồn cô ấy.
Sư nữ đẩy đến trước mặt ông một cốc nước:
- Nếu tôi chưa xuống tóc thì tôi cũng sẽ cùng đi tìm với ông. Đi tìm đứa con của đồng đội, đi tìm một kỷ vật thiêng liêng của chiến tranh để lại. Có lẽ trong cuộc đời này, chỉ còn điều đó là quý giá nhất. Ông cứ đi đi! Ở lại, ngày đêm tôi sẽ cầu nguyện cho ông sớm đạt được điều mong mỏi mà không bị đứt giữa chừng.
Người họa sĩ già không giấu được sự xúc động ập đến, bất giác đưa hai tay lên ngực vẻ thành kính như đứng trước một vầng vỉa tâm linh từ trên cao đang toả xuống.
Sư nữ nén một tiếng thở dài:
- Thời gian trôi nhanh quá! Thấm thoắt đã sắp đến ngày giỗ đầu của nó rồi. Cầu mong linh hồn nó sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì sao cho đến ngày ấy bố con được gặp nhau, cho bạn bè, đồng đội được tề tựu đến thắp hương bên ban thờ nó. Thí chủ cứ đi đi, bền gan sẽ tìm thấy. Giờ tôi phải vào trong, đã đến giờ làm lễ.
Sư nữ tiễn ông ra cửa. Vừa lúc chiếc xe lăn đẩy người đàn ông già nua, bệnh tật lúc nãy đi qua. Bà Lan nhìn theo… Định nói một câu gì đó lại thôi rồi lại không thể không nói:
- Thí chủ có nhận ra ai không?
Ông Linh chớp chớp mắt:
- Không… Ai đấy ạ?
- Ông Lâm - Phó Chính ủy đấy. Từ ngày mắc bệnh hiểm nghèo hoặc vì một lý do sâu xa nào đó, ngày nào ông ấy cũng đến đây cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi nhưng nghe nói bệnh càng trầm trọng hơn, thời gian sống chỉ tính từng ngày. Nghĩ cũng cơ khổ. Xin phép thí chủ!
Tay lần tràng hạt, bà quay lưng chầm chậm bước vào.
Có ánh lửa bom săng nào cháy rần rật trong người, ông họa sĩ trừng trừng nhìn theo chiếc xe lăn rồi siết chặt hai nắm đấm, lầm lầm đi đến chỗ nó vừa đậu dưới tán cây… Có cảm giác, với tất cả những uất ức, khốn khổ và cả căm phẫn chất chứa bấy lâu nay, ông sẽ nắm lấy cổ áo con người kia nhấc lên quật xuống với câu nói thốc vào giữa mặt: “ Ông có nhớ tôi là ai không? Khi ông làm những điều thất đức ấy ông có biết cõi đời này có ác giả ác báo không? Đúng là trời có mắt! Ông chết đi…”. Nhưng khi bắt gặp đôi mắt vô hồn, dài dại kia nhìn lên, thậm chí đôi môi nhợt nhạt còn khẽ nhếch ra như mếu như cười, ông lại hạ tay xuống, buông một tiếng thở nặng nề rồi lặng lẽ đi trở lại.
***
Đêm đó hầu như ông không hề chợp mắt. Bao nhiêu kỷ niệm về Trường Sơn, về Thủy dồn về nghẹn cứng, bao nhiêu những toan tính cho chặng đường đi tìm con trước mắt chưa biết ra sao đã đốt cháy tâm trí ông. Gian trong người mẹ trẻ cũng có vẻ như không ngủ. Mới gà gáy canh tư mà cô đã trở dậy, lục đục nấu nướng cái gì đó. Ông cũng trở dậy, bước ra hè đốt thuốc. Làng quê sáng tinh mơ thật yên ả. Nghe được cả tiếng cá quẫy dưới ao, tiếng sung rụng âm thầm xuống mặt nước. Chao ôi, những ngày sống chết năm xưa, sao cứ chạnh nghĩ đến cảnh thanh bình này là lòng dạ cứ quặn lên, thèm vô cùng một lần được sống lại rồi sau đó chết cũng cam mà giờ đây, bao nhiêu năm sống chìm trong nó mà có cảm nhận gì đâu.
Có tiếng chân bước nhẹ đến bên ông. Rồi tiếng Hòa cất lên như vẫn còn ngái ngủ:
- Bác không ngủ được ạ!? Cháu thấy bác trở mình suốt.
- Tuổi già, đau mình đau mẩy, đêm ngủ ít lắm! Sao cháu dậy sớm vậy?
- Tới đây bác định tính thế nào?
- Còn tính thế nào nữa! Bác sẽ đi khắp gầm trời góc bể, còn sức còn đi cho đến khi tìm được nó. Nó không chỉ là giọt máu của mẹ nó để lại mà hơn thế, nó còn là kỷ vật của những năm tháng đáng sống nhất đời bác, cho nên bác buộc phải tìm, tìm như tìm chính con người bác.
- Bác…
- Gì cháu?
- Đêm qua cháu đã nghĩ kỹ rồi, cháu sẽ quyết định đi cùng bác.
- Vớ vẩn nào! - Ông gắt khẽ - Đi cái gì mà đi? Định để thằng bé ở nhà một mình à?
- Bác cứ yên tâm. Cháu sẽ gửi nó vào trường năng khiếu toán của tỉnh một thời gian để ở đó người ta sẽ trông nom, rèn luyện nó. Nó đồng ý rồi.
- Còn mẹ cháu, sao?
- Đây cũng chính là ý của mẹ. Mẹ cháu bảo bác tuổi già sức yếu rồi, coi chừng đường xa, mưa nắng nhỡ xảy ra chuyện gì. Mẹ muốn cháu thay mặt mẹ cháu, thay mặt những đồng đội năm xưa của mẹ, của cô Thủy đi theo chăm sóc bác.
Ánh trời đã rạng.
Ông quay lại nhìn thẳng vào mắt cô. Đôi mắt ấy đang ánh lên những chấm sáng quyết liệt và chân thật không thay đổi được nữa.