Nếu có ai hỏi, cái gì ở Hà Nội đáng để nhớ nhất, chắc chắn ông sẽ trả lời: nhan sắc con gái, cây xanh và… bia hơi. Nhan sắc con gái thì rõ rồi, ngàn năm Kinh Kỳ, Tràng An văn vật, bao nhiêu cung tần mỹ nữ sinh con đẻ cái, nối dài dòng dõi ở đây có muốn xấu cũng chả được. Kinh tế càng ảm đạm, nhan sắc con gái càng lung linh, không chói chang, không rỡ ràng nhưng lại thẳm sâu, hun hút cái vẻ đẹp tội tình kiêu hãnh như thể để chống trả, để tương phản lại cái khung cảnh nghiệt ngã ở xung quanh. Cây xanh thì càng rõ, xanh phố phường, xanh mặt hồ, xanh từng ngõ nhỏ, xanh trong mỗi ngôi nhà, xanh ngoài ô cửa sổ, xanh trong mắt ai, cả Hà Nội ngan ngát một màu xanh quyến rũ khi nắng hè oi ả tràn về. Còn bia, phải là bia hơi, bia vại, phải là thứ bia được cất từ mạch nước Hoàng Hoa Thám ấy mới đủ độ châng lâng, sủi bọt, mát rượi tới tận tim gan phổi phèo.
Tại một quán bia vỉa hè như thế, dưới tán bàng đang kỳ ra lá, ông vừa uống nhăm nhắp vừa nhai trệu trạo gói cơm nắm chấm muối vừng do người bán dạo đem đến. Bia đầu bảng, cơm nắm cũng đầu bảng, thơm nhẹ, dẻo quánh, chưa nhai đã muốn trôi tuột qua cổ họng. Cảm thấy đã phần nào chắc dạ, tiền lẻ không còn, ông đành phải lục lần túi trong cùng lôi ra mấy tờ tiền chẵn và, vô tình lôi ra cả một mảnh giấy nhăn nheo đã ố vàng. Ông chú mục nhìn và chợt nhận ra đó chính là mảnh giấy ghi địa chỉ của cô gái tên là… là Hòa thì phải đã xin ngủ trọ đêm mưa hôm nào. Làng… xã… huyện… tỉnh… Thanh Hóa… Tiếng cô vẳng lên: “Mẹ nuôi cháu cũng là thanh niên xung phong ở Trường Sơn, nếu gặp bác chắc mẹ cháu mừng lắm…”. Ông nhìn dính vào dòng địa chỉ đó, trong đầu chợt loé lên một quyết định rồi quả quyết đứng dậy…
Trời đã chớm vào thu. Những ngọn gió heo may thổi dọc sông, lướt qua các cánh đồng mới gặt mang theo cả hương vị rơm rạ bay vào trong xe. “Em im lặng như cánh đồng mới gặt…”. Câu thơ ấy không biết của ai mà sao nặng sức gợi đến thế? “Một thời con gái đi qua cánh rừng…”. Lại một câu thơ khác cũng không biết của ai gợn lên trong lòng ông.
Thì ông đang trên đường tìm đến một cô gái ấy đây. Tìm cho gọi là có tìm thôi, không tìm thì không biết làm gì lúc này nữa chứ ông biết chắc cũng chả lần thêm ra manh mối nào. Vả lại ông cũng muốn biết số phận của cô gái đêm đó ra sao chứ hai tiếng Trường Sơn lúc này đối với ông là vô nghĩa. Ai chả đi qua Trường Sơn, ai chả đã từng có kỷ niệm về các cô gái Trường Sơn, nhàm lắm rồi. Ông càng muốn biết số phận cả đứa con của cô ấy nữa. Với số tiền đó, đứa con có cứu được không hay lại…
Ông rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa. Sao số phận con người khổ thế? Sao chính số phận ông cũng khổ thế? Lại còn con bé, giọt máu của ông nữa, thôi thì cứ cho là ông có lỗi đi, lỗi không tha thứ được nhưng chí ít con cũng phải để cho bố một tia hy vọng, một cơ hội để sửa lỗi chứ? Con đến rồi đi như một ảo ảnh, như một lời kết án khốc liệt thế này thì bố sao chịu nổi, bố già rồi, con tim bố rệu rã lắm rồi con có hiểu không mà lại nỡ để cho bố đi tìm con vô vọng, khổ sở như tìm chim trên trời vậy? Con ác quá…
Ngồi trên chiếc xe nhồi chật ních người, để mặc cho gió sông gió đồng thổi vào ngào ngạt, lồng ngực ông cứ từng chập thắt bóp lại như người bị đau tim. Cả cánh rừng Trường Sơn lở loét năm ấy chờn vờn hiện về, hiện về cả khuôn mặt đẫm nước mắt của em vào khoảnh khắc chia tay… Thủy ơi! Ông gục đầu xuống thành cửa sổ khẽ nấc lên một tiếng.
Xe đi dọc đê sông Mã rồi bon qua cầu Hàm Rồng. Đến một ngã ba lầm bụi đường, tiếng anh lơ xe bỗng vang lên khàn đục và mệt mỏi: “Ngã ba Yên Định, có ai xuống không?”. Ông giật mình bừng tỉnh, vội vơ lấy chiếc túi lật đật bước xuống.
Vẫn chiếc ba lô bạc màu nằm lép kẹp trên lưng, vẫn bộ quần áo lính cũng bạc màu lúc này đã ướt đẫm mồ hôi, với mảnh giấy trên tay, ông sẽ tần ngần đứng ở ngã ba đường như một con bù nhìn rơm không biết đến bao giờ nếu không có một chiếc xe công nông từ trong làng lồng cồng đi đến. Ông chìa mảnh giấy ra. Người thanh niên ngồi trên xe nhíu mày một lúc rồi ra hiệu bảo ông lên xe anh ta sẽ cho quá giang một đoạn. Một đoạn ấy cũng phải tới cả chục cây số đường đê. Trời bắt đầu về chiều. Dòng sông dưới kia chảy buồn man mác. “Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”. Câu thơ của thi sĩ tài hoa xứ Đoài ngày nào vang lên trong tâm trí ông. Gầm lên… Sao bây giờ nó lại chảy buồn thế nhỉ? Sông buồn hay lòng ông đang ủ dột?
Xe dừng. Theo ngón tay chỉ của người chủ xe, ông cám ơn rồi thả chân xuống triền đê, nhằm một cái làng có rặng tre xanh mờ và nóc ngôi nhà thờ nhô cao, nhọn hoắt phía xa xa bước nhanh.
Ông tha thẩn đi sâu vào trong làng, một cái làng nghèo xơ xác, nhà cửa hầu hết là mái gianh mái rạ, chốc chốc lại đụng một đám trẻ con đi học về, nước da bủng, dáng gầy gò, đen nhẻm. Sau một hồi hỏi han, vòng qua vòng lại, cuối cùng ông cũng tìm đến được một ngôi nhà lá hai gian có mấy gốc mít già đang mùa ra trái. Trong nhà cửa mở toang nhưng tịnh không có bóng người. Ông đi ra sau vườn và chợt nhận ra chính cô gái đêm nào đang lúi húi làm cỏ, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Ướt đẫm như cái đêm mưa ấy cô xộc thẳng vào phòng ông.
Thấy bóng người, cô giật mình nhìn lên và khi nhận ra ông, cô sững sờ một lúc lâu, miệng há ra, mắt mở tròn, đánh rơi cả cái cán cuốc trên tay rồi lao bổ lại, hai bàn tay lấm lem nắm chặt lấy tay ông.
- Trời… Bác họa sĩ… Có phải bác đấy không? Sao dạo này nhìn bác khác thế? Tý nữa thì cháu đã không nhận ra.
Ông cười buồn:
- Nhưng vẫn nhận ra, vậy vẫn còn là may - Ông nhìn quanh - Cô Hòa ở nhà có một mình à? Thế… thế thằng bé đâu?
- Thì bác cứ vào trong cái đã.
Cô gần như lôi thẳng ông vào trong nhà, lóng ngóng rót từ trong ấm tích ra một cốc nước to màu nâu nhạt:
- Bác uống nước đi! Nước vối con mới hãm đấy. Chao ôi, gặp bác con mừng quá, định bụng mấy ngày nữa, chờ công việc nó đỡ đỡ một chút, con sẽ lên Hà Nội thưa chuyện với bác.
- Thế thằng bé đâu? - Ông hỏi lại.
- Nó đi học ạ! Bác ơi… - Miệng cô cười nhưng nước mắt lại rơm rớm - Nhờ có số tiền của bác mà con cháu đã qua được cơn bạo bệnh. Cái ơn này cháu…
Ông nhăn mặt xua tay:
- Còn bà nó đâu? Thú thực nghe cô nói bà cụ trước cũng ở thanh niên xung phong Trường Sơn, hôm nay đến đây tôi cũng muốn gặp một chút, biết đâu lại chả là người quen?
Giọng Hòa chợt chìm xuống:
- Mẹ cháu vào… vào chùa rồi. Vào chùa ngay từ sau ngày giải phóng, không hiểu sao nhất định không muốn dính líu gì đến bụi trần nữa!
Người họa sĩ già ngửa cổ uống cạn cốc nước vối khó nhọc như uống cạn một ly thuốc đắng, im lặng không nói gì.
Hoà rót thêm cho ông cốc nước nữa, chuyển giọng vui hơn:
- Cháu về có kể lại chuyện bác cho mẹ cháu nghe, mẹ cháu chỉ chùi nước mắt bảo: “Ở đời cũng còn nhiều người tốt lắm, coi như ơn cứu tử, sống để dạ chết mang theo, con làm sao đừng phụ lòng người ta”. Rồi mẹ cháu hỏi, bác tên là gì? Họa sĩ ở Trường Sơn à? Cháu không biết trả lời sao, đoảng thế đấy, có cái tên ân nhân cũng không kịp hỏi, bác bỏ lỗi cho cháu.
Nói rồi cô cởi tấm áo đầm mồ hôi ra, trên người chỉ còn chiếc áo cánh nâu, động tác trở nên sốt sắng hẳn:
- Mà thôi, bác đã đến đây coi như là cơ duyên. Mai cháu sẽ dẫn bác lên chùa gặp mẹ cháu, ôi giời, gặp bác chắc mẹ cháu mừng lắm! Giờ mời bác cứ nghỉ ngơi, tắm táp thoải mái như ở nhà, giếng nhà cháu mát lắm, quần áo thay cứ để đó cháu giặt cho, giờ cháu chạy ù ra chợ mua chút đồ ăn rồi đón thằng bé về cho ông cháu nhận nhau. Bác ở đây chơi một tuần, một tháng, một năm cũng được, cháu sẽ chăm nom cho bác.
Cô xăm xắn cất chiếc ba lô của ông vào trong tủ, rút chiếc khăn phơi ngoài sân, cả bánh xà phòng không hiểu là xà phòng thơm hay xà phòng giặt trên bậu cửa đưa cho ông.
Giây phút ấy, bước theo cô gái đi ra giếng, không hiểu sao khoé mắt ông bỗng cay xè…