T
ôi không phải là một người sùng đạo, theo bất kỳ định nghĩa nào trên thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn là người có tín ngưỡng sâu sắc, và nếu phải đặt tên cho đức tin của mình, tôi xin gọi nó là tôn giáo của lòng nhân ái. Tôi đã trải qua và chứng kiến nhiều hành động thể hiện lòng nhân ái trong suốt cuộc đời mình, nhiều trải nghiệm trong đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, giúp tôi định hình nên bản thân ngày hôm nay. Và câu chuyện về cô giáo tôi là một ví dụ.
Đã ba tuần trôi qua kể từ sinh nhật thứ 11 của tôi, tôi đang ngồi bất động trong lớp, nhìn chiếc kim đồng hồ trên tay cứ “nhát gừng” nhúc nhích như thể thời gian đang đóng băng vậy. Bình thường, lúc này tôi sẽ mở sách ra đọc rồi trả lời những câu hỏi mà giáo viên đặt ra, nhưng hôm nay thì không thể. Cả cô Clarence và tôi đều đang đợi cánh cửa sau của lớp học mở ra, giáo viên trợ giảng đến và gọi chúng tôi đi. Tôi nhìn vào quyển sách rồi lại liếc nhìn cánh cửa, ngó vào chiếc đồng hồ rồi lại ngó cánh cửa. Mỗi giây trôi qua tôi càng cảm thấy lo lắng hơn.
Cuối cùng cánh cửa cũng được mở, tôi bật nhảy khỏi chỗ ngồi. Cô Clarence nhờ giáo viên trợ giảng trông chừng lớp học, rồi cô nhanh chóng lấy ra một cái hộp nhỏ nằm dưới bàn giáo viên, trong hộp đựng một số món đồ cá nhân của tôi, gồm một con búp bê Cabbage Patch, một con thú nhồi bông tên Alf, máy cát xét và mấy cái đĩa của ban nhạc Metallica và Iron Maiden của anh trai tôi. Đây là tất cả những gì chúng tôi mang theo bên mình trong cuộc chạy trốn khỏi Texas, khỏi người bạn trai kinh khủng của mẹ. Gã đàn ông ấy đã lạm dụng, ngược đãi gia đình tôi theo những cách cực kỳ kinh tởm. Ông ta không cho mẹ tôi bước ra khỏi cửa nhà nếu không có ông ta đi kèm. Tôi luôn tự hỏi tại sao không ai báo cảnh sát, ngay cả khi tôi giãi bày với cô Clarence về ma túy, về rượu, về những lần lạm dụng tình dục và bạo hành thể xác trong căn nhà của tôi. Rồi tôi nghĩ, có thể cô ấy biết rằng, báo cảnh sát rồi thì mẹ tôi cũng sẽ bị bắt, khi đó tôi và anh trai sẽ đi về đâu. Nên thay vì báo cảnh sát, mẹ và cô giáo tôi đã có chung suy nghĩ về một cuộc đào thoát.
Cô Clarence bảo tôi mang một số vật dụng theo khi ra khỏi nhà, chỉ lấy những thứ thực sự cần thiết, vỏ bọc để mang những thứ đó đi sẽ là một buổi thuyết trình trước lớp về món đồ yêu thích, dù dĩ nhiên, buổi học đó không diễn ra trong chương trình lớp năm. Rắc rối duy nhất là đưa mẹ tôi ra khỏi nhà, đến trường với chúng tôi, và chỉ đi một mình. Sáng nay, cô Clarence gọi điện thoại đến nhà, tự xưng là hiệu trưởng, và nói rằng anh trai tôi dính vào một cuộc ẩu đả ở trường, và cô muốn ngay lập tức được nói chuyện riêng với mẹ tôi, cô nhấn mạnh là chỉ một mình mẹ tôi mà thôi. Sau cuộc gọi, chúng tôi cùng ngồi đợi mẹ tôi đến, đó là những giây phút dài nhất cuộc đời tôi, cho đến khi người trợ giảng xuất hiện, gánh nặng trong lòng tôi mới vơi đi một nửa.
Khi cô Clarence dẫn tôi bước về phía chiếc xe, là chiếc xe của cha dượng, tôi run lên khiếp sợ, khổ sở vì không biết điều gì đang đợi mình. Cô Clarence đích thân đưa tôi đi, vì cô muốn trực tiếp gặp mẹ và nắm lấy tay bà. Cô lấy 20 đô-la từ trong túi ra, đó là tất cả số tiền còn lại của cô, rồi dúi vào tay mẹ tôi.
- Tôi ước gì tôi có nhiều hơn chừng này. – Cô nói trong khi ôm chúng tôi nói lời từ biệt.
Ngồi trên xe, tôi ngoái nhìn cô mãi cho đến khi bóng cô khuất khỏi tầm mắt.
Bốn năm sau, khi đó tôi đã 14 tuổi, trong lúc dọn dẹp tủ quần áo mà tôi và mẹ đang dùng chung ở nhà ông ngoại, tôi tìm thấy một hộp giày cũ trong đống quần áo hỗn độn được nhét trên nóc tủ. Tính tò mò nổi lên, tôi mở chiếc hộp ra, và nhìn thấy trong đó những tấm ảnh của bạn bè tôi ở Texas, những lá thư viết tay từ bàn tay non nớt của chúng tôi và một mảnh giấy nhỏ sờn rách được gấp lại, trên đó có nét chữ viết tay của phụ nữ, đề tên cô Clarence và một số điện thoại.
Không do dự, cũng không đợi ai cho phép, tôi chạy ào xuống nhà, vớ lấy điện thoại và bấm số. Điện thoại đổ chuông, tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực và cổ họng tôi như nghẹn lại. Một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên trả lời điện thoại. Bằng cách nào đó, cổ họng tôi thả lỏng được một chút đủ để tôi có thể nói, tôi xin được gặp cô Clarence. Cô bé nhận điện thoại cũng không hỏi tôi là ai, chỉ đặt điện thoại xuống và gọi mẹ đến nghe.
- Xin chào?
Giọng nói của tôi như bị đông cứng trong vài giây, sau đó mọi thứ bật ra:
- Cô Clarence, em không chắc liệu cô có còn nhớ em không, nhưng em là Heather White.
Đầu dây bên kia chìm trong im lặng, chỉ nghe được tiếng la hét của những đứa trẻ ngoài sân.
- A lô! – Tôi thử lên tiếng.
Cô ấy nghẹn ngào nói qua làn nước mắt:
- Đương nhiên là cô nhớ em rồi.
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh nói tiếp:
- Em chỉ muốn nói cho cô biết rằng hiện tại em sống rất ổn.
Cô nói cô đã cầu nguyện mỗi ngày để nhận được cuộc gọi này. Sau khi tôi cảm ơn cô ấy về mọi thứ mà cô đã làm cho tôi, cho anh trai tôi và mẹ tôi, cô hỏi tôi về cuộc sống hằng ngày của tôi. Chúng tôi khóc và nói chuyện với nhau rất nhiều, cố gắng bù đắp khoảng thời gian mất liên lạc. Chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc, rồi chào tạm biệt.
Tôi cất số điện thoại của cô cẩn thận trong chiếc hộp và đặt nó lại chỗ cũ. Không lâu sau, tôi quay lại chỗ cái hộp để lấy số điện thoại của cô, định gọi cho cô lần nữa, nhưng chiếc hộp đã biến mất. Tôi điên cuồng tìm kiếm khắp căn phòng nhưng mảnh giấy nhỏ sờn rách đó cứ như đã tan biến rồi vậy. Như thể tôi chỉ có thể gọi cho cô một lần, để đáp lại lời nguyện cầu của cô vậy.
Lòng tốt của cô Clarence đã cứu lấy cuộc đời tôi và tôi tin tưởng vào sức mạnh to lớn của lòng tốt. Cho dù được thể hiện qua những hành động nhỏ, như nở một nụ cười với người lạ, mở giùm cánh cửa hoặc nhặt hộ món đồ người khác đánh rơi; hay một hành động lớn như chung sức giúp đỡ cuộc sống của trẻ cơ nhỡ thì lòng tốt vẫn có tác động mạnh mẽ, có thể ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống xung quanh. Trên thực tế, những hành động tốt bụng ngẫu nhiên có thể là nguồn sức mạnh thay đổi thế giới.
Thầy là người nắm lấy bàn tay, mở rộng trí óc, chạm vào trái tim các học trò.
- Khuyết danh