V
ài tuần trước, tôi gửi con trai bé bỏng Chase đến lớp dạy kèm. Sau đó tôi viết một bức email gửi cho giáo viên của Chase với nội dung như sau:
“Chase không ngừng nói với tôi rằng những cái mà cô đang dạy nó là toán học, nhưng tôi không chắc rằng có thể tin nó. Xin cô vui lòng giúp tôi.”
Cô trả lời ngay email của tôi, ghi rằng:
“Không thành vấn đề, tôi sẽ dạy kèm Chase sau giờ học bất cứ lúc nào.”
Tôi hồi âm lại:
“Không, không phải vấn đề nằm ở Chase mà là tôi. Chase hoàn toàn hiểu về môn học, nhưng tôi thì không. Xin hãy giúp tôi.”
Và tôi đã đến gặp cô giáo của Chase vào một ngày chớm đông se lạnh. Trong một phòng học trống, tôi đứng trước tấm bảng đen và cô giáo của Chase ngồi phía sau tôi, ôn tồn giải thích cho tôi hiểu về cách dạy mới đối với phép chia dài. May mắn cho tôi vì không phải gạt bỏ kiến thức cũ bởi tôi chưa bao giờ thực sự hiểu cách dạy cũ của phép chia dài. Tôi mất khoảng một giờ để giải quyết mỗi bài toán, nhưng dù sao thì tôi vẫn nghĩ là cô giáo của Chase rất mến tôi.
Sau đó, chúng tôi ngồi lại bên nhau để nói về việc dạy trẻ em, về niềm tin và trách nhiệm của công việc thiêng liêng này. Cả hai chúng tôi đều cho rằng các môn học như toán và đọc sách không phải là môn học quan trọng nhất cần được dạy trong lớp. Điều quan trọng của người làm công tác giáo dục là phải nuôi dưỡng, ươm mầm những trái tim thiện lương để bọn trẻ lớn lên trở thành một công dân có ích cho xã hội. Chúng tôi còn nói nhiều về ước mơ xây dựng một cộng đồng từ những cá nhân tốt bụng và dũng cảm.
Và cô ấy còn chia sẻ với tôi một việc vô cùng đặc biệt.
Cứ mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, cô đều yêu cầu học sinh của mình chuẩn bị một tờ giấy và viết ra tên của bốn người bạn mà chúng mong muốn được ngồi cạnh vào tuần sau. Bọn trẻ đều hiểu rằng yêu cầu của chúng có thể được chấp nhận hoặc không. Đồng thời cô ấy cũng bảo các học sinh đề cử ra một bạn làm “công dân” đặc biệt của lớp trong tuần đó. Các lá phiếu sẽ được giữ kín thông tin khi nộp lại cho cô.
Sau khi học trò ra về hết, cô lẳng lặng xếp những tờ giấy ấy lên bàn và bắt đầu nghiên cứu. Cô cẩn thận tìm ra các hình mẫu:
Bạn nào không nhận được yêu cầu của người khác?
Bạn nào không thể nghĩ ra bất cứ ai để bầu chọn?
Bạn nào không được chú ý, không được đề cử?
Bạn nào nhận được nhiều đề xuất vào tuần trước và không được đề xuất trong tuần này?
Sự thật là cô giáo của Chase không phải tìm kiếm một sơ đồ chỗ ngồi mới cho lớp hay “công dân” đặc biệt nào cả. Đơn giản là cô ấy đang tìm kiếm những đứa trẻ cô đơn, những đứa học trò nhỏ đang bị bạn bè cho ra rìa. Cô ấy làm vậy nhằm mục đích gì? Thông qua những lá phiếu khảo sát, cô sẽ biết được bạn nào đang bị cả lớp cô lập, bỏ rơi. Cô cũng phát hiện được những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt thường được mọi người quan tâm chú ý. Và khi cô phát hiện ra hành động bắt nạt, cô sẽ nhanh chóng can thiệp.
Cô chia sẻ rằng:
- Là một giáo viên, cũng là phụ huynh và là người yêu trẻ, tôi nghĩ đây là một chiến lược đáng yêu nhất mà tôi từng đương đầu. Nó cũng giống như việc chụp X-quang vào một lớp học, để xem bên trong những học sinh đang diễn ra tâm tư, tình cảm gì. Nó giống như việc chúng ta đang lần mò khám phá kho báu, nhưng thay vì tìm ra kim cương quý giá, chúng ta có thể nhìn thấy học sinh nào cần sự giúp đỡ, học sinh nào cần được người lớn yêu thương dạy bảo, và những tâm hồn non nớt nào mong muốn được kết bạn, được cùng học, cùng chơi, cùng chia sẻ mọi thứ với bạn bè.
Những tờ giấy nhỏ ấy chứa đựng thông điệp vô cùng to lớn và ý nghĩa. Nó giúp người thầy nhận biết, bao quát được tình hình chung của lớp học. Thậm chí nhận ra những thay đổi nhỏ nhất trong cách ứng xử, mối quan hệ giữa bọn trẻ. Và nó còn giúp chúng ta kiểm soát, ngăn chặn những tệ nạn học đường, nhất là việc bắt nạt, kết bè cánh.
Cô giáo của Chase giải thích đơn giản, nhưng tường tận và thu hút đến nỗi tôi cứ há hốc miệng nhìn chằm chằm vào cô. Một lúc sau, tôi tò mò hỏi cô:
- Cô đã áp dụng phương pháp này lâu chưa?
- Bắt đầu từ khi vụ thảm sát ở trường Columbine(**) xảy ra. Kể từ lúc đó, chiều thứ sáu tuần nào tôi cũng thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Ơn Chúa! – Cô nhẹ nhàng trả lời.
**. Vụ thảm sát trường Trung học Columbine xảy ra vào ngày 20/04/1999 tại trường Trung học Columbine, Quận Jefferson, thủ phủ bang Colorado. Thủ phạm gây ra vụ tàn sát trong trường này là hai học sinh tuổi thiếu niên, Eric Harris và Dylan Klebold. Các em đã dùng súng bắn chết 1 giáo viên, 12 học sinh và gây thương tích cho 24 người khác trước khi tự sát.
Người phụ nữ đáng mến này đã nhận thấy vấn đề từ sau vụ thảm sát ở trường Columbine và cô tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến bi kịch thương tâm kia. Rõ ràng mọi hành động bạo lực bên ngoài đều bắt đầu từ sự cô đơn, tổn thương bên trong tâm hồn. Chính vì vậy nếu chúng ta không quan tâm, không yêu thương những đứa trẻ non nớt ấy, thì những bi kịch tương tự có thể diễn ra. Và cô đã quyết tâm đấu tranh để ngăn chặn bạo lực học đường bằng những việc đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Giây phút cô ngồi yên lặng, chăm chú nghiên cứu những tờ giấy khảo sát của học sinh của mình, đã vẽ nên hình ảnh một cô giáo tận tụy, sẵn sàng dành cả đời mình cho thế hệ măng non mai sau. Tôi tin cô đã làm một việc thực sự hữu ích cho tương lai trẻ thơ.
Và những gì mà cô đúc rút được trong khi áp dụng phương pháp này chính là: tất cả mọi thứ, ngay cả tình yêu hay tài sản đều có một kiểu mẫu của nó. Cô tìm ra các mô hình và thông qua những danh sách để phá vỡ những nguồn gốc dẫn đến sự phân chia. Từ đó cô có thể nhận ra những đứa trẻ cô đơn đang cần sự giúp đỡ. Đó là bài toán dành cho riêng cá nhân cô.
Năm nay cô giáo của Chase sẽ nghỉ hưu. Và cô đã làm gì để trải qua hết cuộc đời mình? Cô tìm kiếm các mô hình của tình yêu và sự cô độc, rồi từng bước một, đều đặn mỗi ngày và làm thay đổi quỹ đạo của thế giới chúng ta.