Phần giới thiệu của cuốn sách này đã gợi ý rằng bạn không nên thực hành các bài tập vào lần đọc đầu tiên. Tuy nhiên, bài tập sau là một ngoại lệ. Hãy thử nó ngay bây giờ. Hãy dồn tất cả khả năng tưởng tượng của bạn vào bài tập này.
Chùng ta cùng xem xét bài tập minh họa sau.
Hãy hình dung là bạn đang đứng trong bếp, tay cầm một quả chanh mà bạn vừa lấy ra từ tủ lạnh. Bạn thấy tay mình lạnh. Hãy nhìn bên ngoài quả chanh, lớp vỏ màu vàng của nó. Nó có màu vàng như sáp, và những chấm nhỏ màu xanh lá ở hai đầu. Hãy bóp nhẹ nó một chút, cảm nhận độ cứng và trọng lượng của nó.
Giờ hãy tưởng tượng tiếp là bạn đưa quả chanh lên mũi và ngửi nó. Không có mùi giống như một quả chanh, phải vậy không? Tiếp theo, hãy cắt đôi quả chanh và ngửi. Mùi đã mạnh hơn rồi. Hãy cắn một miếng thật to và để nước chanh cuốn vào trong miệng. Cũng không có vị giống như quả chanh, phải vậy không?
Tại thời điểm này, nếu bạn đã sử dụng trí tưởng tượng của mình tốt, miệng bạn sẽ đầy nước miếng.
Như các bạn đã thấy, từ ngữ, dù chỉ là những từ “thông thường”, có thể tác động đến tuyến nước bọt của bạn. Các từ này không phải là quả chanh thực, mà bạn dùng những từ ngữ đó để tưởng tượng ra quả chanh. Khi bạn đọc những từ về quả chanh, cũng là bạn đang nói với não của mình rằng bạn có một quả chanh, dù bạn không có quả chanh đó trong tay. Não của bạn tiếp nhận các từ này rất nghiêm túc và truyền thông tin đến tuyến nước bọt của bạn: “Gã này đang cắn một quả chanh. Nhanh lên, rửa nó đi.” Tuyến nước bọt tuân lệnh.
Hầu hết chúng ta nghĩ rằng, từ ngữ chúng ta sử dụng phản ánh những ý nghĩa và rằng điều chúng mang nghĩa đó có thể là tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, đầy sức mạnh hoặc có khi yếu ớt. Đúng là vậy, nhưng đấy chỉ là một nửa của ngôn từ. Từ ngữ không chỉ phản ánh thực tế, chúng tạo ra thực tế, giống như dòng chảy của nước bọt.
Não bộ không phải là kẻ lí giải tinh tế về những chủ ý của chúng ta. Nó nhận thông tin và lưu chứa thông tin. Nó điều khiển cơ thể của chúng ta. Hãy nói với bộ não một câu kiểu “Tôi sẽ ăn một quả chanh,” và thế là nó tin là thực và bắt tay vào việc.
Giờ là lúc đề cập tới điều mà trong khoá học kiểm soát tâm trí tôi gọi là dọn dẹp căn nhà tinh thần. Không có bài tập nào cho việc này, chỉ cần bạn kiên trì với những từ ngữ bạn sử dụng để kích hoạt bộ não của mình.
Bài thực hành chúng ta vừa làm là một bài độc lập, về mặt thể chất nó không có lợi cũng không hại. Nhưng cả lợi và hại đều có thể đến từ những từ chúng ta sử dụng.
Một vài đứa trẻ có một trò chơi nhỏ trong bữa ăn tối. Chúng mô tả đồ ăn chúng đang ăn bằng những cụm từ gây buồn nôn nhất có thể: Bơ là để chỉ những con bọ được nghiền nát. Đấy là tôi đã chọn một ví dụ đỡ tệ hại nhất mà tôi còn nhớ được. Mục đích của trò chơi này là giả vờ không bị buồn nôn thông qua cách nhìn mới mẻ về đồ ăn, để giúp chúng vượt qua khả năng giả vờ của chúng. Trò này thường có hệ quả là đột ngột làm giảm cảm giác thèm ăn của ai đó.
Là người lớn, chúng ta cũng thường chơi trò chơi này. Chúng ta làm thui chột hương vị của cuộc sống bằng những từ ngữ tiêu cực, và những từ ngữ đó tập hợp sức mạnh bằng cách lặp đi lặp lại. Đến một lúc, nó sẽ tạo ra những cuộc sống tiêu cực, khiến cho sự thèm ăn của chúng ta bị thui chột.
“Bạn có khỏe không?”
“Cũng bình thường, không thể phàn nàn,” hay “Không có gì để phàn nàn cả,” hay “Không tệ lắm.”
Não bộ phản ứng thế nào với những cái nhìn thê lương này? “Thật là khó chịu9 khi phải rửa bát.” “Tính toán sổ sách chi tiêu khiến tôi đau đầu.” “Thời tiết làm tôi mệt phát ốm.”
9 Pain in the neck: Thành ngữ tiếng Anh chỉ sự khó chịu, đáng ghét, kinh tởm.
Tôi có cơ sở để tin rằng một phần lớn thu nhập của các bác sĩ tiêu hóa có được là nhờ những từ ngữ tiêu cực mà chúng ta sử dụng10. Hãy nhớ rằng, bộ não không phải là người thông dịch tinh vi. Nó nói, “Anh chàng này đang muốn đau đầu hả. Được rồi. Sẽ có ngay một cơn đau đầu .”
10 Hàm ý rằng những từ ngữ tiêu cực có khả năng gây bệnh cho con người.
Tất nhiên, mỗi lần chúng ta nói điều gì đó khiến chúng ta đau, nỗi đau sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Trạng thái tự nhiên của cơ thể là khỏe mạnh, và tất cả các quy trình của nó đều hướng tới sức khỏe. Tuy nhiên, theo thời gian, những lời nói tiêu cực lặp đi lặp lại sẽ phá vỡ sức phòng thủ của cơ thể, gây ra những căn bệnh mà chúng ta tự mình rước tới.
Hai điều thêm sức mạnh cho những từ ngữ chúng ta sử dụng, đấy là: (1) cấp độ tâm trí của chúng ta, và (2) cảm xúc của chúng ta với điều chúng ta nói.
Câu “Chúa ơi, đau quá!” được thốt ra tự đáy lòng sẽ vô tình cung cấp lời mời chào nồng nhiệt cho nỗi đau. Lời than thở “Tôi chẳng thể làm được việc chết tiệt nào ở đây cả!” được nói ra với sự thất vọng sâu sắc sẽ trở thành sự thật, và sự thật này lại làm tăng thêm giá trị cho cảm giác tiêu cực.
Kiểm soát tâm trí giúp chúng ta phòng vệ hiệu quả trước những thói quen xấu của mình. Tại trạng thái Alpha và Theta, sức mạnh của các ngôn từ tăng lên vô cùng to lớn. Trong các chương trước bạn đã thấy sức ảnh hưởng của những từ ngữ cực kì đơn giản: Bạn có thể lập trình các giấc mơ và truyền sức mạnh đến ba ngón tay để đi vào trạng thái Alpha.
Tôi rất trân trọng Émile Coué, mặc dù trong nhiều thời điểm phức tạp ấy, người ta đã cười nhạo ông ấy. Bác sĩ Coué nổi tiếng với một câu nói mà ngày nay bất kì ai nghe cũng phải bật cười: “Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn.” Những từ này đã chữa lành cho hàng nghìn người mắc những căn bệnh hiểm nghèo. Những lời nói đó không phải để làm trò cười. Tôi tôn trọng chúng và tôi nhắc đến bác sĩ Coué với lòng biết ơn và thán phục, vì tôi đã học được những bài học vô giá từ cuốn sách của ông ấy The Self-Mastery Through Autosuggestion (Bí mật và thực tế về Tự kỉ ám thị, iBooks và NXB Phụ Nữ, 2020).
Bác sĩ Émile Coué là một nhà hóa học sống gần 30 năm tại Troyes, nước Pháp, nơi ông sinh ra. Sau khi nghiên cứu và làm thí nghiệm thôi miên, ông đã phát triển phương pháp trị liệu tâm lí của riêng mình, dựa trên tự kỉ ám thị. Vào năm 1910 ông mở một phòng khám miễn phí tại Nancy, Pháp, nơi ông đã chữa trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân, một số bị thấp khớp, đau đầu dữ dội, hen suyễn, liệt tứ chi. Những người khác bị tật nói lắp, vết loét do lao, khối u xơ và nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác. Ông nói mình chưa từng chữa bệnh cho ai. Ông dạy họ cách tự chữa lành. Không nghi ngờ rằng, sự chữa lành thực sự xảy ra, chúng được ghi lại. Nhưng phương pháp Coué gần như hoàn toàn biến mất khi ông ấy qua đời vào năm 1926. Có phải vì phương pháp này quá phức tạp mà chỉ một số ít chuyên gia có thể học để hành nghề? Liệu có thể làm nó sống lại và áp dụng tốt vào cuộc sống ngày nay?
Đấy là một phương pháp đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể học nó. Trái tim của nó nằm ở việc kiểm soát tâm trí. Có hai nguyên tắc cơ bản:
1. Chúng ta có thể nghĩ về chỉ một điều tại một thời điểm, và
2. Khi chúng ta tập trung vào một suy nghĩ, suy nghĩ ấy trở thành sự thật bởi vì cơ thể của chúng ta chuyển đổi nó thành hành động.
Do đó, nếu bạn muốn kích thích quá trình chữa lành của cơ thể, nó có thể bị ngăn chặn bởi những suy nghĩ tiêu cực (có ý thức hoặc không), chỉ cần lặp lại 20 lần liên tiếp, “Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn.” Hãy làm việc này hai lần mỗi ngày. Chính là bạn đang sử dụng phương pháp Coué.
Từ khi nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng sức mạnh của từ ngữ có khả năng khuếch đại đáng kể tại các cấp độ nhập thiền, tôi đã thực hiện một số điều chỉnh. Tại cấp độ Alpha và Theta, chúng ta nói “Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn.” Chúng ta chỉ nói nó một lần khi thiền. Chúng ta cũng nói (điều này cũng là dưới ảnh hưởng của bác sĩ Coué): “Các suy nghĩ tiêu cực, những gợi ý tiêu cực, không có ảnh hưởng đến tôi tại bất cứ cấp độ nào của tâm trí.”
Chỉ câu câu này thôi đã tạo ra một kết quả thành công đầy ấn tượng. Hãy xem trải nghiệm của một người lính, anh ấy đột ngột bị điều động đến Indochina khi anh ấy mới hoàn thành buổi học đầu tiên của khóa kiểm soát tâm trí. Anh ấy nhớ cách thiền và nhớ hai câu này.
Anh ấy được chỉ định vào đơn vị của một trung sĩ nghiện rượu với tính khí nóng nảy, chính người này đã chọn anh làm người mới để lạm dụng đặc biệt. Trong vài tuần, anh lính bắt đầu thức giấc vào ban đêm với những cơn ho, sau đó là những cơn hen suyễn, mà trước đây anh ta chưa từng mắc phải. Một cuộc kiểm tra y tế toàn diện cho thấy anh ấy có sức khỏe tốt. Trong khi đó, anh ngày càng cảm thấy mệt mỏi, anh bắt đầu thể hiện làm việc kém hiệu quả. Anh ấy càng thu hút sự chú ý khó chịu từ vị trung sĩ.
Những người khác trong đơn vị của anh bắt đầu sử dụng thuốc, còn anh lính quyết định thực hiện kiểm soát tâm trí với hai câu nói trên. May mắn thay anh ấy có đủ khả năng để thiền ba lần một ngày. “Trong ba ngày, tôi đã hoàn toàn miễn nhiễm với viên trung sĩ đó. Tôi làm điều ông ta bảo tôi làm, nhưng không có điều gì ông ta nói chạm được đến tôi. Một tuần sau tôi ngừng ho và bệnh hen suyễn của tôi biến mất.”
Nếu điều này đã được những người tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí nói ra, tôi sẽ rất vui lòng, vì tôi luôn luôn có sẵn những câu chuyện thành công, nhưng không quá ấn tượng. Chúng ta có những kĩ thuật có sức mạnh hơn nữa để tự chữa lành, tôi sẽ giúp bạn học được chúng ở những chương sau. Điều khiến cho trải nghiệm của người lính này trở nên đặc biệt thú vị là anh ta không hề biết chút gì về những kĩ thuật này, mà chỉ sử dụng đúng hai câu anh ta đã học vào ngày đầu tiên.
Ngôn từ có sức mạnh đến đáng ngạc nhiên, ngay cả ở các cấp độ tâm trí sâu hơn. Bà Jean Mabrey là một y tá gây tê (kiêm giảng viên kiểm soát tâm trí) ở Oklahoma, bà sử dụng kiến thức này để giúp đỡ các bệnh nhân của mình. Ngay khi họ ở trong trạng thái gây tê sâu, bà thì thầm vào tai họ những hướng dẫn có thể giúp họ phục hồi nhanh hơn, trong một số trường hợp, chúng đã cứu sống họ.
Trong một ca phẫu thuật, bình thường dự kiến sẽ mất nhiều máu, thì nay bác sĩ phẫu thuật đã rất ngạc nhiên: Chỉ có một giọt nhỏ. Bà Mabrey đã thì thầm: Hãy bảo cơ thể bạn đừng chảy máu.” Bà ấy làm điều này trước vết rạch đầu tiên, sau đó khoảng 10 phút một lần trong khi phẫu thuật.
Trong một ca phẫu thuật khác, bà thì thầm, “Khi bạn tỉnh dậy bạn sẽ cảm thấy mọi người trong cuộc sống đều yêu bạn và bạn sẽ yêu bản thân.” Bệnh nhân này đã khiến bác sĩ phẫu thuật của cô ấy quan tâm đặc biệt. Cô ấy là một người phụ nữ rất hay căng thẳng, hay phàn nàn rằng những cơn đau thật khủng khiếp. Thái độ này có thể làm chậm quá trình hồi phục của cô ấy. Nhưng lúc cô tỉnh dậy sau khi hết thuốc mê, khuôn mặt cô có những biểu hiện mới. Ba tháng sau, bác sĩ phẫu thuật của cô nói với bà Mabrey rằng bệnh nhân hay lo lắng này đã thay đổi hoàn toàn. Cô ấy trở nên thoải mái, lạc quan và nhanh chóng hồi phục sau ca phẫu thuật.
Công việc của bà Mabrey minh họa ba điều mà tôi dạy trong kiểm soát tâm trí: Thứ nhất, lời nói có sức mạnh đặc biệt ở tầng sâu của tâm trí. Thứ hai, tâm trí có quyền chỉ huy cơ thể mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì chúng ta biết. Và thứ ba, như tôi đã lưu ý trong Chương 5, chúng ta luôn luôn đang nhận thức.
Không có nhiều cha mẹ bước vào phòng của con trẻ khi chúng đang ngủ, chỉnh lại tấm chăn phủ, nói một vài lời nói tích cực và yêu thương giúp đứa trẻ an toàn và bình tĩnh hơn mỗi ngày. Tôi khuyên các bậc phụ huynh rất nên làm điều này.
Rất nhiều học viên kiểm soát tâm trí chia sẻ sự cải thiện sức khỏe của họ, thậm chí là ngay cả trước khi họ hoàn thành khóa học. Đến nỗi tôi từng thấy mình không thoải mái khi gặp rắc rối với việc hành nghề y ở quê nhà. Một số bệnh nhân nói với bác sĩ của họ rằng tôi đã chữa khỏi các vấn đề sức khỏe của họ, và các bác sĩ đã khiếu nại với ngài Biện lí11. Họ đã điều tra và thấy rằng tôi không hành nghề y như các bác sĩ lo ngại. May mắn thay, việc kiểm soát tâm trí tốt cho sức khỏe không phải là bất hợp pháp, nếu không sẽ không có tổ chức Mind Control ngày nay.
11 Thẩm phán.