Chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian của mình. Nếu chúng ta dành một nửa thời gian đó để nghiên cứu tâm trí của chúng ta nhằm đối phó tốt hơn với cuộc sống, chúng ta sẽ thấy bản thân mạnh mẽ hơn chúng ta nghĩ rất nhiều”, ca sĩ kiêm diễn viên Carol Lawrence, trích dẫn trên tạp chí Chicago Tribune, ngày 14 tháng 11 năm 1975. Cô đã tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí theo lời giới thiệu của một học viên tốt nghiệp khác, ca sĩ Marguerite Piazza.
Đúng, hầu hết chúng ta bị nhốt trong những ý tưởng hạn hẹp như chúng ta là ai và chúng ta có thể làm gì. Bạn sẽ sớm trải nghiệm niềm vui khi phá vỡ những hạn chế này và tìm thấy những quyền tự do mới bên ngoài chúng. Khi bạn nhìn thấy khả năng của mình, lòng tự trọng của bạn sẽ tăng cao. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về vấn đề này và kết quả là như vậy. Chúng bao gồm các nhóm lớn gồm những người không gặp vấn đề gì đặc biệt và những người mà lòng tự trọng của họ rõ ràng là đang lung lay, các sinh viên cũng như người nghiện rượu, nghiện ma túy, tù nhân và những người nghèo hưởng trợ cấp nhà nước.
Đầu tiên chúng ta hãy xem xét giới sinh viên. Thường là dưới dạng một chương trình trọn vẹn, các khóa học kiểm soát tâm trí đã được giảng dạy tại 24 trường cao đẳng và đại học, 16 trường trung học và 8 trường tiểu học.
Bạn có thể dự đoán rằng cùng một khóa học khi được dạy theo cùng một cách ở các trường khác nhau, cho học sinh ở các độ tuổi khác nhau và nền tảng văn hóa - kinh tế khác nhau sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Không như bạn nghĩ, kết quả giống nhau đến mức giờ đây tôi có thể khẳng định một cách an toàn về các khía cạnh cơ bản, tôi có thể dự đoán được các kết quả. Nhờ đưa kiểm soát tâm trí vào trường học, học sinh sẽ có khả năng tự định hướng mạnh mẽ hơn, tính tự giác cao hơn, khả năng tự giải quyết các vấn đề cá nhân được cải thiện. Nói cách khác, sức mạnh bản ngã lớn hơn. Điều này đã được đo lường một cách khoa học bởi Tiến sĩ George De Sau, cựu Giám đốc Nghiên cứu Giáo dục Kiểm soát Tâm trí Silva và trước đây là Giám đốc Tư vấn và Kiểm tra tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Khu vực Williamsport (Pennsylvania).
Bài trắc nghiệm đầu tiên, vào năm 1972, được thực hiện tại trường trung học Hallahan ở Philadelphia, nơi có 2.000 học sinh tham gia khóa học. Một tuần trước và hai tuần sau khóa học, 220 học sinh được chọn ngẫu nhiên để trả lời bảng câu hỏi Tính cách Trung học20, bao gồm khoảng 140 câu hỏi nhằm đo lường một cách cẩn thận về hình ảnh bản thân. Sau đó, toàn bộ hình ảnh về bản thân của người này có thể vẽ lên như một bức chân dung với 14 đặc điểm: phiêu lưu, say mê, tự tin, v.v. Bài trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và tư vấn ngày nay.
20 Được VIện Kiểm nghiện Tính cách và Năng lực công bố.
Các bức ảnh chân dung tự chụp của 220 học sinh này kết hợp thành một hồ sơ nhóm duy nhất, sau đó so sánh trước và sau khóa học. Kết quả: Một mặt là những thay đổi lớn theo hướng sức mạnh bản ngã, sự tự tin và sự điềm tĩnh cao hơn. Mặt khác là một số học sinh trở nên thiếu kiên nhẫn, bất an và tách biệt. Ở một số khía cạnh, tính cách của học sinh vẫn không thay đổi như cân bằng giữa khả năng làm chủ và phục tùng, sự dịu dàng và cứng rắn. Tất cả những thay đổi bổ sung vừa nêu cho thấy sau khóa học kiểm soát tâm trí, số học sinh này tôn trọng bản thân hơn hơn trước đây.
Đương nhiên, với sự thay đổi của cuộc sống, cách nhìn của chúng ta về bản thân cũng thay đổi theo từng ngày. Nếu chúng tôi đưa bài kiểm tra cho một nhóm được chọn ngẫu nhiên và lặp lại ba tuần sau đó, chúng tôi thấy có một số thay đổi. Điều này cũng được nghiên cứu bởi những người phát triển thử nghiệm. Những thay đổi ngẫu nhiên có thể xảy ra một cách tình cờ là một điều bình thường và tỉ lệ của chúng đã được tính toán. Để đánh giá kết quả tại trường trung học Hallahan, cần phải xác định xem những thay đổi được báo cáo vượt quá bao nhiêu so với những thay đổi ngẫu nhiên có thể được tạo ra. Dưới đây là những gì chúng tôi phát hiện ra.
Để có cơ hội tạo ra những thay đổi tích cực về sức mạnh cái tôi tuyệt vời như những thay đổi do kiểm soát tâm trí tại trường trung học Hallahan, bài kiểm tra sẽ phải được thực hiện hơn 1.000 lần cho một nhóm ngẫu nhiên – hơn 1.000 lần để phù hợp với sự thay đổi trong việc tự bảo đảm, hơn 1.000 lần để phù hợp với sự thay đổi trong trạng thái điềm tĩnh. Như vậy, sự khác biệt được tạo ra không phải là do ngẫu nhiên mà là do kiểm soát tâm trí.
Khi khóa học đang diễn ra, Joe Clark, phóng viên của tờ Philadelphia Daily News, đã phỏng vấn một số học sinh trong giờ nghỉ trưa. Trong bài báo ngày 27 tháng 9 năm 1972, ông dẫn lời Kathy Brady, 13 tuổi, người có thói quen cắn móng tay từ khi lên 8: “Tôi luôn cắn chúng khi tôi lo lắng. Khi tôi ở trong khán phòng sáng nay, tôi cảm thấy muốn cắn chúng, nhưng tôi đã không làm thế. Tôi tự nhủ thầm, ‘Đừng cắn móng tay nhé.’ Tôi nhắm mắt và thư giãn.”
Còn Pat Eisenlohr kể với Joe Clark rằng cô đã bỏ qua và không đánh nhau với em trai mình, điều mà trước đây hiếm khi xảy ra. “Tôi tự nhủ với bản thân, ‘Nổi điên lên cũng chẳng ích gì. Tại sao phải đánh nhau?’ Và tôi đã không đánh nhau với nó. Sáng nay, tôi cũng thoát khỏi cơn đau đầu chỉ bằng cách tự nhủ mình phải loại bỏ nó, tôi biết điều đó nghe có vẻ kì quái, nhưng nó thực sự có tác dụng.”
Bây giờ, chúng ta hãy so sánh kết quả tại trường Hallahan với hai nghiên cứu khác, một tại trường trung học Công giáo dành cho cả nam lẫn nữ, một tại trường trung học Công giáo Central dành cho nam giới dự định trở thành linh mục. Trường thứ nhất ở khu Lawrenceville, trường thứ hai ở St. Fidelis của thành phố Pittsburgh.
Tại Lawrenceville và St. Fidelis, cũng như tại Hallahan, sự thay đổi lớn nhất giữa các học sinh là ở sức mạnh bản ngã. Hơn nữa, sự thay đổi này là đồng nhất ở mỗi trường, hồ sơ nhóm được cải thiện ở một mức độ có thể xảy ra ngẫu nhiên chỉ 1 lần trong 1.000 lần. Mức độ thay đổi tương tự ở tiêu chí điềm tĩnh cũng xảy ra tại trường Hallahan và Lawrenceville, mặc dù ít hơn ở St. Fidelis. Mức độ thay đổi khác nhau đáng kể về sự tự tin, mặc dù tất cả đều tích cực ở cả ba trường.
Những phát hiện ở trên chỉ là một phần, không làm cho Tiến sĩ De Sau hài lòng. Cho dù những kết quả là tích cực và mô hình kiểm soát tâm trí mang lại những lợi ích tương đối đồng nhất, nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó. Các bài trắc nghiệm thực hiện trước và hai tuần sau khóa học kiểm soát tâm trí không cho thấy liệu những lợi ích này có giá trị lâu dài hay không. Tiến hành trắc nghiệm bốn tháng sau khi được đào tạo giúp chúng tôi biết được điều này.
Tiến sĩ De Sau tiến hành trắc nghiệm bổ sung tại Lawrenceville và St. Fidelis. Ông phải đối mặt với một số bất ngờ. Trong tất cả các đặc điểm cá nhân như sức mạnh, sự tự tin, sự điềm tĩnh,... học sinh của cả hai trường đã tiến bộ nhiều hơn trong thời gian bốn tháng so với những gì họ có trong hai tuần ngay sau khóa học!
Dựa trên báo cáo của mình về những nghiên cứu này, Tiến sĩ De Sau kết luận:
Có lẽ những thay đổi diễn ra với những học sinh nói trên trong các môi trường giáo dục khác nhau cần được đánh giá trên quan điểm của nhà giáo dục và tác giả John Holt. Theo Holt, quá trình giáo dục thường khiến cho học sinh ngày càng trở nên mụ mị, ngây dại hơn, góp phần làm gia tăng cảm giác lo lắng, tội lỗi ở những người học và họ hầu như liên tục dựa vào môi trường bên ngoài để chấp nhận hoặc không chấp nhận – tất cả các điều kiện để tạo ra hành vi phù hợp, loạn thần, máy móc nhưng rất ít tác dụng nâng cao giáo dục hoặc trưởng thành nhân cách. Có cơ sở hợp lí để tin rằng các điều kiện tương tự cũng được tìm thấy trong các thể chế xã hội khác.
Dữ liệu nghiên cứu ở trên đã chỉ ra một sự thay thế mới mẻ và khả thi, ít nhất là từ quan điểm giáo dục. Một sự thay đổi lâu dài và mạnh mẽ sau khóa huấn luyện kiểm soát tâm trí là sự chuyển dịch sang các điểm tham chiếu bên trong con người, nói cách khác là một cá nhân thể hiện sự công nhận đối với giá trị của bản thân. Đây là một bước quan trọng đối với sự tự kiểm soát, thay vì bị những người khác kiểm soát từ bên ngoài.
Ở hầu hết các trường có dạy kiểm soát tâm trí, giáo viên cũng được khuyến khích thực hiện điều vừa nói. Xét về lợi ích của việc huấn luyện thì các lí do đều rõ ràng, ngoại trừ một điều. Các giáo viên trở nên ít xuề xòa hơn, kiên nhẫn hơn, học sinh học tập dễ dàng hơn trong giờ học.
Ai cũng biết rằng một giáo viên ít kì vọng hơn ở học sinh sẽ nhận được ít kết quả hơn, và một người mong đợi nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Giáo viên đã qua huấn luyện kiểm soát tâm trí có kinh nghiệm trực tiếp với điều mà José gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền vũ trụ (xem chương 14), với quyền tài phán trên toàn nhân loại. Không một giáo viên nào tham gia huấn luyện kiểm soát tâm trí lại chế giễu “công cụ tinh thần”21 của người khác. Họ biết quá rõ mức độ sâu rộng của tâm trí mỗi người. Do đó, họ trở thành một giáo viên giỏi hơn, ngay cả khi học sinh của họ chưa bao giờ nghe nói về kiểm soát tâm trí. Tuy nhiên, khi học sinh và giáo viên đã tốt nghiệp kiểm soát tâm trí, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra trong lớp học.
21 Ám chỉ trí ó
Một giáo viên trung học ở Buffalo dạy học sinh của cô ấy “hóa thân” thành George Washington và các nhân vật khác trong quá khứ để nghiên cứu lịch sử. Các em sử dụng các kĩ thuật thực hiện bài tập tình huống trong những giờ cuối của khóa học kiểm soát tâm trí. Bằng cách này học sinh được trải nghiệm lịch sử. Và để làm bài kiểm tra tốt hơn, các em đã “hóa thân” thành cô giáo và tìm cách xác nhận các câu trả lời của riêng chúng.
Một giáo viên khác, người này giảng dạy ở cấp đại học, cho sinh viên của cô ấy hóa thân thành triết gia để giải thích những điểm mà họ thấy khó hiểu trong các bài viết của mình. “Nó có tác dụng!” giáo viên này kể.
Bà Joe Lytle, một giảng viên kiểm soát tâm trí ở Virginia Beach, đặc biệt thích thú khi dạy các bạn trẻ từ 7 đến 17 tuổi. Một số kinh nghiệm của bà đã được tường thuật trên tờ Ledger-Star của Norfolk (ngày 16 tháng 7 năm 1975) với tiêu đề “Student Excel After Course in Mind Control” (Học sinh vượt trội sau khóa học Kiểm soát Tâm trí). Một trong những học sinh của bà đang dùng thuốc điều trị chứng tăng động. Tờ báo dẫn lời mẹ của cậu bé hiếu động này: “Những thay đổi sau khóa học vô cùng tuyệt vời. Con trai tôi đã có thể ngừng dùng thuốc và điểm học tập từ C đã nâng lên mức A. Kiểm soát tâm trí đã cho con tôi kiến thức giúp con có sức mạnh để thay đổi.”
Điểm của một học sinh khác ở trường trung học cơ sở đã nhảy từ điểm C trước khóa học lên điểm A sau đó. Vẫn còn một em khác thi trượt bài kiểm tra chính tả. Sau khóa học, cô bé đã đạt điểm A tất cả các bài kiểm tra chính tả của mình, và trong vòng một năm, khả năng đọc của cô bé đã tăng cấp từ lớp bốn lên lớp chín.
Không có cách nào để so sánh những người đã chọn tham gia khóa học với những người không tham gia khóa học, hoặc để đo lường sự khác biệt giữa hai nhóm sau đó, vì tại ba trường trung học nơi tiến sĩ De Sau đã thực hiện thử nghiệm đo lường chất lượng của mình, hầu như tất cả học sinh đã đăng kí học khóa kiểm soát tâm trí.
Tuy nhiên, cơ hội đã đến. Tại Đại học Scranton, ở Scranton, Pennsylvania, Giáo sư Donald L. Angell của Bộ Nguồn Nhân lực đã cung cấp khóa học cho các học viên sau đại học chuyên ngành tư vấn phục hồi chức năng. Số lượng học viên không tham gia khóa học ở mức đủ lớn, cho phép ông và tiến sĩ De Sau nghiên cứu một số khác biệt. Họ đưa ra một bài kiểm tra tương tự thiết kế riêng cho người lớn, cho 35 sinh viên tham gia khóa học và 35 sinh viên không tham gia.
Sự khác biệt giữa hai nhóm đã xuất hiện ngay từ trước khóa học. Theo kết quả trắc nghiệm, những người chọn tham gia khóa học tỏ ra cởi mở hơn, sẵn sàng trải nghiệm và tự chủ hơn. Những người không muốn tham gia khóa học là những người truyền thống hơn, bị ràng buộc bởi những quy tắc và thực tế hơn.
Một tháng sau khóa học, hai nhóm đã tiến hành kiểm tra lại, trong khi những khác biệt ban đầu vẫn còn, những điểm khác biệt đáng kể khác đã tăng lên: Nhóm tham gia khóa học kiểm soát tâm trí ổn định hơn về mặt cảm xúc và trưởng thành, tự tin hơn, thoải mái hơn so với nhóm còn lại.
Tóm lại, nghiên cứu này gợi ý rằng những người chọn sử dụng kiểm soát tâm trí khác với những người không sử dụng, và một khi họ sử dụng nó, họ sẽ được lợi.
*
Việc nâng cao lòng tự trọng là quan trọng đối với tất cả mọi người, nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu sống người nghiện ma túy đang vật lộn để thoát khỏi chứng nghiện này. Tuy kinh nghiệm sử dụng kiểm soát tâm trí để giúp đỡ những người nghiện ma túy còn hạn chế, nhưng thực tế đã cho thấy là kiểm soát tâm trí có hiệu quả đối với những ca bệnh này.
Paul Grivas, đồng giám đốc của Mind Control ở Manhattan, muốn xem kiểm soát tâm trí có thể làm gì cho những người nghiện. Ông bắt đầu với bốn người nghiện, hai trong số họ nghiện thuốc giảm đau methadone, hai người còn lại vẫn đang sử dụng heroin. Hai người dùng methadone nhận thấy khóa học này hữu ích, nhưng nó không giúp họ thoát khỏi cơn nghiện. Tuy methadone có khả năng gây nghiện cao nhưng được sử dụng trong nhiều chương trình cai nghiện, để giải phóng người nghiện khỏi heroin. Hai người nghiện này cho biết việc ngưng sử dụng methadone rất đau đớn về thể chất, những cơn đau này nghiêm trọng đến mức họ không thể tập trung vào các bài tập kiểm soát tâm trí.
Một trong những người nghiện heroin phải đối mặt với khủng hoảng gia đình vào ngày đầu tiên của khóa học và đã bỏ học. Người còn lại có thể tự cai nghiện – không tái nghiện ma túy trong vài tháng sau khóa học. Sau đó, anh ta gọi điện cho Grivas để báo rằng anh ta lại bắt đầu sử dụng heroin. Anh ấy yêu cầu học lại khóa học. Ông Grivas dành một ngày để củng cố những bài học kiểm soát tâm trí cho anh ta, và một lần nữa anh ta dứt được cơn nghiện. Nhiều tháng sau anh vẫn kiểm soát được cơn nghiện, rồi anh ta rời đi và ông Grivas mất liên lạc.
Nỗ lực thứ hai để giúp đỡ những người nghiện thông qua kiểm soát tâm trí là một dự án cộng đồng ở Bronx, New York, với 18 người nghiện. Một vài người trong số họ là quản trị viên và nhân viên của chính dự án. Những người tham gia khóa học cho biết họ cảm thấy kiểm soát được bản thân hơn bao giờ hết. Vài tháng sau, một số người cho biết họ thậm chí có thể truyền lại một phần khóa huấn luyện cho gia đình. Việc kiểm tra độ tin cậy trước và sau khóa học không thể thực hiện được bởi vì sau ba tháng nhiều người trong số 18 người ban đầu đã bỏ học.
Có bài học nào rút ra được từ hai kinh nghiệm này không? Có, Paul Grivas nói. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng thống kê, nhưng kinh nghiệm của ông chỉ ra hai điều:
Thứ nhất, kiểm soát tâm trí không nên bước vào cuộc sống của một người nghiện chỉ trong 48 giờ và sau đó bước ra, bỏ mặc anh ta với phần đời còn lại. Đối với hầu hết chúng ta, khóa học kiểm soát tâm trí là một trải nghiệm biến đổi vĩnh viễn, nhưng đối với người nghiện nhiều năm, có lẽ cả đời, sống trong môi trường tiêu cực mạnh mẽ khó lòng vượt qua, cộng với chứng nghiện về tinh thần và thể chất, họ cần phải có một thời gian bồi dưỡng thường xuyên và lâu dài. “Hãy cho tôi một chương trình cai nghiện ma túy để tôi có thể làm việc này,và tôi chắc rằng tôi sẽ thu được kết quả.”
Thứ hai, chính người nghiện cũng nhận thức được sự mất kiểm soát bản thân khi sử dụng ma túy, nhưng vẫn không thể vượt qua, nên họ dễ dàng đồng ý tham gia huấn luyện kiểm soát tâm trí hơn nhiều người khác. Ông Grivas tin rằng lí do là kiểm soát tâm trí liên quan đến một trạng thái ý thức bị thay đổi. Trong khi hầu hết mọi người chưa bao giờ thay đổi ý thức của họ, người nghiện ma túy đã làm điều đó thường xuyên. Chỉ có điều anh ta chưa đạt được tới mức độ hữu ích của tâm trí nơi anh ta giành được quyền kiểm soát, mà thường là đánh mất khả năng ấy. Đây chính là điểm khiến kiểm soát tâm trí trở nên đặc biệt hứa hẹn đối với những người nghiện.
Mặc dù chưa có nghiên cứu sâu rộng nào về lĩnh vực này, nhưng những câu chuyện thành công thường xuyên từ các học viên tốt nghiệp đã đủ để thấy rằng sự tự tin của ông Grivas về kiểm soát tâm trí là có cơ sở.
Đây là tự thuật của một học viên tốt nghiệp đã tự chữa khỏi chứng nghiện của mình vào năm 1971. Đến giờ anh ta vẫn sống thật “lành mạnh”:
Tôi biết mình đã gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: nghiện heroin. Tôi tham gia một khóa học kiểm soát tâm trí, được tuyên bố là một trong những cách giúp mọi người loại bỏ những thói quen không mong muốn, tôi hi vọng sẽ giúp ích cho bản thân khi tôi đã thử hầu hết các phương pháp cai nghiện ma túy. Nó vượt quá mức hiểu biết hiện tại của tôi. Trong tâm trạng hoài nghi sau khi đã đến bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu tâm lí, chương trình methadone và bệnh viện, tôi sẵn sàng thử bất cứ điều gì! Tôi tin rằng mình sẽ không thể sống thêm ba năm nữa cho đến sinh nhật lần thứ 30 của mình trừ khi tôi ngừng sử dụng heroin và từ bỏ lối sống phải kiếm được ma túy trị giá 200 USD mỗi ngày.
“Thói quen không gì khác hơn là những ấn tượng trên các tế bào não đã được củng cố bằng cách lặp lại,” huấn luyện viên kiểm soát tâm trí nói với tôi như vậy. “Bạn hãy thay đổi việc lập trình đó ở cấp độ nguyên nhân hay tiềm thức, và bạn sẽ thay đổi các khuôn mẫu hành vi ở cấp độ ảnh hưởng hay ý thức bên ngoài.” Lời dạy này có ý nghĩa đối với tôi về mặt logic, nhưng cảm xúc của tôi lại đang nói với tôi rằng, tôi cần phải sử dụng ma túy để giảm bớt sự nhạy cảm của bản thân với cuộc sống và những cảm xúc tiêu cực mà tôi có về bản thân. Sau đó, huấn luyện viên chỉ dẫn cho chúng tôi một kĩ thuật để thay đổi hình ảnh bản thân, từ một người yếu ớt, không có ý chí, kém hiệu quả thành một con người tự tin, tự chủ và khỏe mạnh.
Vẫn còn những hoài nghi, nhưng với một tia hi vọng, tôi bắt đầu thay đổi bản thân trong trí tưởng tượng của mình ở cấp độ Alpha. Tôi lập trình cho mình ba lần một ngày, sáng, trưa và tối, rằng đến ngày 20 tháng 7, tức là 30 ngày kể từ ngày lập trình lần đầu tiên, tất cả ham muốn ma túy sẽ biến mất vĩnh viễn. Trong 30 ngày, tôi tiếp tục sử dụng ma túy nhưng giảm lượng sử dụng từ từ, tôi lập kế hoạch ngưng sử dụng ma túy hoàn toàn vào ngày mục tiêu.
Vào ngày trọng đại của tháng Bảy đó, tôi đã ngừng sử dụng ma túy và không bao giờ sử dụng chúng nữa. Hoàn toàn không giống như nhiều lần trước, khi tôi ngừng sử dụng ma túy nhưng rồi quay lại với nó chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Lần này cảm giác “ruột” của tôi là tôi thực sự không còn ham muốn với ma túy. Không cần đến ý chí, không dùng thuốc thay thế, không phải kìm nén cảm xúc và ham muốn. Nó đã có tác dụng! Cuối cùng tôi đã thoát khỏi ma túy!
Nghiện rượu, một chứng nghiện khác, phổ biến hơn nhiều so với nghiện ma túy và làm đen tối nhiều cuộc đời của hàng triệu người chỉ riêng ở Hoa Kì. Các nạn nhân của nó cũng có mong muốn vượt qua cảm giác bất lực, thất bại và mặc cảm, xây dựng sự tự tin và bình tĩnh để dễ dàng có sức khỏe trở lại.
Năm 1973, 15 người nghiện rượu đã tham gia sử dụng kiểm soát tâm trí, một phần dự án nghiên cứu của Tiến sĩ De Sau, tại một khu giáo dưỡng. Ông đã thực hiện cùng một bài trắc nghiệm tính cách mà ông đã sử dụng trước đó với các học viên cao học tại Đại học Scranton, và như mọi lần, ông tiến hành hai kiểm tra trước và sau khóa học.
Sự tương phản rõ nét nhất giữa những người này trước và sau khi tham gia khóa học là ở hành vi thao túng. Có một sự dịch chuyển trong hồ sơ nhóm, từ sự kiểm soát ngấm ngầm các sự kiện sang sự nhiệt tình và cởi mở hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu, một sự thay đổi chỉ xuất hiện ngẫu nhiên một lần trong cả trăm lần. Những thay đổi khác về cơ bản tuân theo mô hình đã thấy ở các học sinh trung học và học viên sau đại học được mô tả trước đó. Cả 15 người này đều có sức mạnh bản ngã và sự tự tin cao hơn, thoải mái hơn và cởi mở hơn với những trải nghiệm mới, thật đáng quý đối với bất kì ai đang phải vật lộn để thoát khỏi rượu.
Một trong những thay đổi quan trọng nhất là giảm độ “nhạy cảm với mối đe dọa” hay còn gọi là sự lo lắng. Tiến sĩ De Sau đã viết, “Khu vực của não nhạy cảm với mối đe dọa, với độ căng thẳng cao và việc hoạt động quá mức, có tầm quan trọng đáng kể trong việc hiểu hành vi của người nghiện rượu. Rất có thể người nghiện rượu sử dụng rượu như một phương tiện để cố gắng cân bằng các triệu chứng về tinh thần/thể chất của họ. Họ coi rượu như một chất xúc tác giúp cân bằng tâm trí/cơ thể trong tình huống bị đe dọa và giúp giảm bớt mức độ lo lắng đó. Cải thiện sự hiểu biết về bản thân và khả năng xử lí lo lắng dường như là một giải pháp thay thế có ý nghĩa cho chứng nghiện rượu.”
Giám đốc của khu giáo dưỡng22 đã báo cáo tình hình hoạt động của từng sinh viên trong số 15 sinh viên mới tốt nghiệp khóa học kiểm soát tâm trí 6 tháng sau đó. (Để bảo vệ quyền riêng tư của họ, họ chỉ đơn giản được gọi là “đối tượng” hoặc “S” chứ không phải bằng tên.)
22 Khu giáo dưỡng là một định chế dành cho những người đã phạm tội hoặc có xu hướng lạm dụng ma túy nhằm giúp họ học (hoặc học lại) những kĩ năng cần thiết để tái hòa nhập xã hội và hỗ trợ và chăm sóc bản thân tốt hơn.
Đối tượng 1: Không tái nghiện kể từ khi trải qua chương trình phục hồi 90 ngày. Sau khóa học kiểm soát tâm trí, đã tiến bộ từ một người rất thụ động, khép kín thành một người nhã nhặn, dễ gần và là tay hài hước thâm thúy.
Đối tượng 2: Kể từ khi dùng kiểm soát tâm trí, không bị tái phát gì và đã rời bỏ nơi cư trú và bỏ ngang chương trình điều trị ở khu giáo dưỡng. Có vẻ như “S” đang phát triển khỏe mạnh, trở nên tự tin hơn vào bản thân.
Đối tượng 3: Không tái phát sau khi điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện. Kể từ khóa học kiểm soát tâm trí đã có những tiến bộ rõ ràng trong chương trình cai nghiện 12 bước của tổ chức Alcoholics Anonymous (AA)23
23 Alcoholics Anonymous (Người nghiện Ẩn danh) là một tổ chức quốc tế hỗ trợ lẫn nhau được thành lập năm 1935 ở Akron, Ohio. Nhằm giúp đỡ người nghiện.
Đối tượng 4: Không tái phát kể từ khi nhập viện trước khi dùng kiểm soát tâm trí. Khóa học kiểm soát tâm trí đã củng cố rất rõ ràng chương trình trị liệu người này tham dự.
Đối tượng 5: Không tái nghiện kể từ khi ra khỏi chương trình phục hồi.
Đối tượng 6: Không tái phát. Cảm thấy hạnh phúc hơn. Sự cải thiện được thể hiện qua sự ổn định rõ ràng của cả gia đình anh. Điểm của anh ấy ở trường đại học cũng được cải thiện.
Đối tượng 7: Cho đến nay chưa tái nghiện. Sau khóa học kiểm soát tâm trí, “S” đã ngừng chương trình AA. Tuy nhiên, rõ ràng là anh ấy đang sống theo triết lí của AA. Các mối quan hệ trong gia đình dường như cũng đang được cải thiện.
Đối tượng 8: Không tái nghiện kể từ khi tham gia khóa học kiểm soát tâm trí. Mối quan hệ gia đình được cải thiện đáng kể. Thay đổi từ kiểu người hay chỉ trích, hay giận dữ sang dễ mến và biết yêu thương những người xung quanh.
Đối tượng 9: “S” là một phụ nữ, không tái nghiện và hiện đã quay trở lại làm việc.
Đối tượng 10: Không tái nghiện. Hiện tại hướng tới mục tiêu và chắc chắn đã thay đổi những hạn chế của bản thân, đang tìm kiếm cơ hội để đạt được thành tích cao hơn.
Đối tương 11: “S” đã nói rằng kể từ khi sử dụng kiểm soát tâm trí, cuộc sống của anh ấy đang dần trở nên tốt hơn, điều này thể hiện rõ ở cảm giác hạnh phúc, cuộc sống gia đình tốt và công việc thuận lợi hơn. Không có sự tái phát nào.
Đối tượng 12: Có 12 năm tham gia chương trình AA. Kể từ khi dùng kiểm soát tâm trí, đã có một lần tái phát ngắn trong thời gian dưới một giờ. Không tái phát tiếp.
Đối tượng 13: Không tái phát kể từ xuất viện ở nơi tham gia chương trình phục hồi chức năng. Kể từ khi sử dụng kiểm soát tâm trí, đang dần dần thay đổi. Sự cải thiện được ghi nhận trong công việc cũng như trong đời sống gia đình,...
Đối tượng 14: Kể từ khi tham gia khóa học kiểm soát tâm trí, đã có một số lần tái phát, tất cả các lần tái phát đều tự khỏi. Anh ta đã không phải nhập viện vì bất kì lần tái phát nào như trước khi sử dụng kiểm soát tâm trí.
Đối tượng 15: Có 8 năm liên tục trong chương trình AA. Nhập viện bốn lần trước khi tham gia khóa học kiểm soát tâm trí. “S” bỏ trị liệu hoặc tái phát gián đoạn trong thời gian này. Kể từ khi tham gia khóa học kiểm soát tâm trí, “S” đã trải qua bốn lần tái phát, hai trong số đó phải nhập viện trong thời gian ngắn.
Kiểm soát tâm trí rõ ràng là một sự thúc đẩy mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh của 15 trường hợp nghiện rượu này, trừ người cuối cùng.
Tất nhiên, một nghiên cứu nhỏ này không đủ để chứng minh rằng đã đến lúc kiểm soát tâm trí nên được chấp nhận như một phần không thể thiếu trong việc điều trị nghiện rượu. Song, việc cải thiện cảm giác hạnh phúc đã trở nên đồng nhất trước và sau các cuộc kiểm tra đối với các học viên và bệnh nhân tâm thần cho thấy rằng, những người đang tìm kiếm những cách tốt hơn để giúp đỡ người nghiện rượu nên thử huấn luyện kiểm soát tâm trí.
*
Có một tình trạng khác liên quan đến lòng tự trọng bị suy giảm, tuy cũng do bản thân tự áp đặt giống như nghiện ma túy hoặc rượu, nhưng phổ biến hơn, đấy là sự nghèo đói. Nguyên nhân của sự nghèo đói và các biện pháp khắc phục nó đã được tranh luận từ khi có xã hội loài người. Kiểm soát tâm trí không đi vào cuộc tranh luận này, nhưng nó có thể giúp ích rất nhiều trong việc thuyết phục những người này tập hợp sức mạnh của bản thân và giúp đỡ chính mình.
Điều này đối với một số người nghe có vẻ như thể khi thuyết phục người nghèo tự giúp mình, chúng ta đang cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về sự nghèo khó của chính họ. Rõ ràng không phải là như vậy, nhưng mỗi người nghèo có thể giúp bản thân thoát ra khỏi giới hạn, khi họ tìm thấy trong kiểm soát tâm trí những gì tất cả những người khác tìm thấy: kiểm soát tốt hơn cuộc sống của chính mình.
Nỗ lực nghiêm túc đầu tiên để tìm ra mức độ hữu ích, nếu có, khiến kiểm soát tâm trí có thể là một phần của chương trình phục hồi chức năng trong công tác xã hội là một nghiên cứu trên 41 nam giới và phụ nữ đang sống nhờ trợ cấp của chính phủ.
Ai cũng biết rằng khi một người nhận ra mình đang thất nghiệp, anh ta như bị giáng một đòn mạnh vào lòng tự trọng của bản thân. Điều này khiến anh ấy khó suy nghĩ và hành động theo cách riêng của mình để giải quyết vấn đề của mình. Với một người tự ti về bản thân sau khi đã nộp cả đống đơn xin việc nhưng đều thất bại, thì việc tiếp tục thực hiện các cuộc phỏng vấn xin việc mờ nhạt chỉ kéo dài thời gian thất nghiệp và làm giảm lòng tự trọng của anh ta nhiều hơn. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc anh ta sẽ phải nhận trợ cấp thất nghiệp. Giá như có điều gì đó can thiệp vào vòng xoáy đi xuống này và tạo ra cú hích thúc đẩy lòng tự trọng của người thất nghiệp, thì người đó sẽ ở một vị trí thuận lợi hơn để tự giúp mình.
Đại khái đây là lời giải thích của Larry Kildore, giám đốc Sở Dịch vụ Xã hội quận Ottawa ở Michigan. Ông đã tự mình tham gia khóa học kiểm soát tâm trí và biết khóa huấn luyện có thể làm được gì. Câu hỏi duy nhất trong đầu ông là liệu có thể đo lường kết quả hay không và các phép đo sẽ như thế nào.
Để thiết kế dự án nghiên cứu và thực hiện thử nghiệm, Larry Kildore và Tiến sĩ De Sau đã tìm đến Tiến sĩ James Motiff thuộc Khoa tâm lí của Đại học Hope ở Holland, Michigan. Đầu tiên, họ chọn bài trắc nghiệm đánh giá bản thân Tennessee với sáu trang câu hỏi, được sử dụng rộng rãi để đo lường 5 khía cạnh trong quan điểm của một người về bản thân và các mối quan hệ: thể chất, đạo đức cá nhân/ đạo đức xã hội, cá nhân, gia đình và xã hội. Bài kiểm tra được thực hiện hai lần, một lần trước khóa học và một lần sau đó.
Chỉ riêng điều này có thể khiến một số người coi kết quả trắc nghiệm Tennessee chỉ là Hiệu ứng Hawthorne. Vào giữa những năm 20 và đầu những năm 30 thế kỉ XX, công ty Western Electric đã khởi động một dự án lớn nghiên cứu những thay đổi khác nhau trong điều kiện làm việc có thể cải thiện tinh thần của nhân viên tại nhà máy Hawthorne ở Chicago. Bất kể công ty đã làm gì, tinh thần nhân viên đều tăng vọt. Họ tăng thêm đặc quyền cho nhân viên, tinh thần tăng vọt. Họ giảm bớt các điều kiện làm việc, tinh thần cũng tăng vọt. Kết luận thật đơn giản là mọi người cảm thấy vui mừng vì được chú ý, và điều này thể hiện ở tinh thần được cải thiện.
Để đo lường Hiệu ứng Hawthorne, Tiến sĩ Motiff đã tiến hành trắc nghiệm Tennessee trên một nhóm người khác đang hưởng phúc lợi, những người này không tham gia khóa học kiểm soát tâm trí. Họ làm bài kiểm tra hai lần, nhưng khác với nhóm kiểm soát tâm trí, họ không có trải nghiệm gì đặc biệt giữa hai bài kiểm tra này. Kết quả là không có Hiệu ứng Hawthorne.
Những người tham gia huấn luyện kiểm soát tâm trí có quan điểm hoàn toàn khác về bản thân. Những thay đổi mà trong một số trường hợp vượt quá khả năng xảy ra với tỉ lệ một trên hàng triệu. Những thay đổi rất đáng kể ở tất cả các hạng mục: Các sinh viên mới tốt nghiệp thấy mình là những người tốt hơn nhiều so với những gì họ nghĩ trước đó, và cảm thấy tự tin hơn vào khả năng giải quyết vấn đề của chính mình. Mức độ thay đổi khiến Tiến sĩ Motiff phải thốt lên rằng dữ liệu mà ông thu được “là quan trọng nhất mà tôi từng thấy”. Một báo cáo về nghiên cứu này cho biết:
Đã có một số lo ngại về cách một người mẹ đang nhận trợ cấp sẽ phải đột ngột tiếp nhận triết lí lạc quan “tốt hơn và tốt hơn” của kiểm soát tâm trí trong lúc bà đang chìm sâu trong nỗi đau khổ của mình. Song, mối quan tâm đó nhanh chóng bị cuốn trôi đi... vào cuối tuần thứ hai. 100% những người đăng kí ban đầu đã trở lại để hoàn thành khóa học. Sự im lặng nhút nhát ban đầu đã không còn, giờ đây là những cuộc trò chuyện sôi nổi, có nguy cơ biến buổi học thành một cuộc họp đông đảo, có tác dụng phục hồi niềm tin.
Hầu như tất cả mọi người đều có điều gì đó mang tính xây dựng để chia sẻ, một quan hệ gần gũi trở lại với con cái của họ, chứng đau đầu kinh niên biến mất, giảm thất vọng, giảm cân,... Một bà mẹ trẻ rạng rỡ vì đã sử dụng kĩ thuật chiếc gương tâm trí để tìm ra nơi đang thuê người làm việc và chỉ thấy một bàn tay đang viết séc. Ngày hôm sau, cô nhận được công việc mà cô hằng mong muốn.
Nói chung, bệnh tật là một trạng thái tinh thần, một hình ảnh bản thân bị tổn thương, nó đưa một người vào nhà tù tâm trí, đối xử thô bạo và tàn nhẫn với anh ta khi anh ta ở đó. Đấy là trạng thái của tâm trí thường đảm bảo rằng người bệnh sẽ nhanh chóng trở lại nhà tù của anh ta khi anh ta được “tự do”. Thứ tự do mà kiểm soát tâm trí có thể mang lại cho tù nhân là thứ tự do có thể phá vỡ những ức chế tinh thần mà nhiều người trong chúng ta biểu hiện ra “bên ngoài” thông qua những hiện tượng như đau đầu, ung nhọt, mất ngủ, và thất bại trong công việc, cuộc sống, còn đối với tù nhân thì đó là những bức tường và song sắt.
Kinh nghiệm hạn chế của kiểm soát tâm trí trong nhà tù chỉ ra rằng, nó dẫn đến một môi trường ít khắc nghiệt hơn. Thời gian trong lao tù không còn là những thời giờ trống rỗng, bị luật pháp cưỡng chế lấy đi khỏi cuộc sống của một người, mà là một phần phong phú của chính cuộc sống – thời gian để trưởng thành và tự khám phá. Kiểm soát tâm trí không thể khiến nhà tù trở thành nơi ẩn náu của hạnh phúc, nhưng nó có thể biến nhà tù thành nơi văn minh hơn để phát triển.
Mặc dù các nghiên cứu thống kê chưa được thực hiện, nhưng kinh nghiệm cá nhân của các tù nhân và người hướng dẫn của họ tỏ ra thuyết phục hơn nhiều. Lee Lozowick, khi còn là điều phối viên khu vực của Mind Control ở New Jersey (ông từ chức vào đầu năm 1976 để thành lập cộng đồng Hohm), đã 7 lần dạy khóa học kiểm soát tâm trí tại nhà tù Rahway bang New Jersy, 4 lần cho tổng số 60 tù nhân, và 3 lần cho nhân viên nhà tù.
Ông nói: “Không có gì phải thắc mắc về những lợi ích mà các tù nhân và nhân viên nhận được từ khóa học. Bạn có thể nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của họ.” Các quan chức đã rất ấn tượng với kiểm soát tâm trí đến nỗi các tù nhân đang học lấy bằng đại học đã được cấp tín chỉ cho khóa học.
Ronald Gorayeb, người kế nhiệm chức vụ của ông Lozowick tại Mind Control, đã cung cấp khóa học cho 10 tù nhân tại nhà tù quận Passaic ở New Jersey. Một người đàn ông đang tham gia dở dang khóa học thì mãn hạn tù. Anh ta muốn trở lại nhà tù để hoàn thành nó nhưng các viên chức nhà tù buộc lòng phải từ chối. Một người khác yêu cầu được biệt giam sau khóa học để giúp anh ta thiền định và các viên chức nhà tù đã đồng ý. Một người khác nữa đã sử dụng kĩ thuật màn hình tâm trí để lập trình tìm kiếm việc làm ở bên ngoài. Anh ta đã tìm được một công việc và đó là tất cả những gì anh ta cần để được ân xá.