T
ừ khởi thủy của nền văn minh, nguồn gốc của trí thông minh và ý thức con người đã là một bí ẩn. Vào thế kỷ 17 trước Công nguyên, người Ai Cập đã tin rằng trí thông minh ngụ trong trái tim. Sau khi chết, trái tim vẫn được coi trọng và được giữ lại cùng với các cơ quan nội tạng khác. Bộ não lại được xem là ít giá trị với người Ai Cập cổ đại; vì thế, thông thường trước khi ướp xác, nó sẽ bị lấy ra bằng một chiếc móc thông qua khoang mũi và rồi bị vứt đi. Vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, Aristotle tin rằng bộ não có chức năng chủ yếu như một cái máy làm lạnh máu, và đó là lý do tại sao con người (với bộ não lớn hơn) có lý trí hơn những loài thú “máu nóng”. Phải mất đến hai ngàn năm để quan điểm về bộ não vô giá trị này được đổi chiều.
Tính chủ chốt của não bộ chỉ bắt đầu được biết đến bởi những người bị chấn thương đầu do tai nạn hoặc tổn thương do chiến tranh, đã thể hiện sự suy giảm khả năng tư duy hay chức năng. Tuy đã nghiên cứu nhiều về giải phẫu học và chức năng của não, nhưng hiểu biết của chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Thực tế là gần như suốt thế kỷ 20, người ta vẫn tin rằng não bộ là được cố định, không thể thay đổi và thuộc dạng tĩnh. Ngày nay, chúng ta đã biết được rằng não bộ có thể thay đổi, thích nghi và biến tính. Nó được tạo thành bởi trải nghiệm, sao chép và mục đích. Bởi có những tiến bộ công nghệ vượt bậc mà trong vài thập kỷ gần đây, chúng ta đã có thể thấy được khả năng biến đổi của não ở cấp độ tế bào, di truyền và thậm chí ở cấp độ phân tử. Đặc biệt hơn, như tôi đã tìm hiểu được, mỗi người chúng ta đều có khả năng thay đổi hệ thống chính của não bộ mình.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi về tính khả biến (mềm dẻo) của hệ thần kinh diễn ra với Ruth trong căn phòng phía sau cửa hiệu bán đồ ảo thuật ở khu mua sắm nhỏ hẹp ấy. Ở độ tuổi mười hai, tôi không biết chút gì về điều đó, nhưng trong sáu tuần ấy, bà đã thật sự hệ thống lại mạng lưới thần kinh não bộ của tôi. Bà đã làm được điều mà vào thời điểm đó nhiều người hẳn sẽ nói là không thể.
TÔI KHÔNG NÓI với ai về dự định đi đến cửa hàng bán đồ ảo thuật mỗi ngày, nhưng rồi cũng như mọi khi, chẳng có ai thật sự để tâm đến chuyện đó. Mùa hè ở Lancaster vừa nóng, vừa gió, lại dường như mang niềm hối lỗi bất tận – tôi không ngừng có cảm giác rằng mình phải làm gì đó, nhưng lại chẳng thật sự có gì để làm. Khu nhà ở phức hợp mà tôi sống được bao quanh không gì hơn ngoài đất đá và những bụi cỏ lăn(1). Thỉnh thoảng phong cảnh ở đây sẽ được điểm thêm bằng những chiếc xe hơi cũ bị vứt đi hoặc những bộ phận của các loại máy móc vô chủ. Những thứ chẳng ai cần đến nữa, bị ném đến một nơi không ai thèm quan tâm.
(1) Cỏ lăn là loại cỏ bụi thường mọc ở những hoang mạc Bắc Mỹ, đến mùa thì cả bụi sẽ héo đi, bong ra và lăn theo gió.
Trẻ con và cả người lớn đều có màn thể hiện tốt nhất khi tỏ ra nhất quán và đáng tin cậy. Não bộ khao khát cả hai thứ đó. Ở gia đình tôi thì không có cái nào cả. Không có giờ quy định ăn cơm, không có báo thức nhắc nhở đến trường, không có giờ quy định đi ngủ. Nếu tình trạng suy kiệt của mẹ tôi giảm đi đủ để bà ra khỏi giường, thì bữa cơm có thể được nấu. Đó là nếu trong nhà còn thức ăn. Nếu không, tôi sẽ để bụng đói đi ngủ, hoặc sẽ đi thăm một đứa bạn và hy vọng nó mời tôi ở lại dùng bữa tối. Tôi đã nghĩ là mình may mắn, vì không như hầu hết bạn bè mình, tôi không bao giờ phải về nhà đúng giờ. Tôi không muốn trở về nhà sớm bởi vì tôi biết nếu về sớm sẽ thường chạm trán với những cuộc cãi vã hoặc một vài tình huống khác mà sẽ khiến tôi ước gì mình đã biến đi đâu đó, làm một người khác. Đôi khi điều mà ta cần nhất chính là có ai đó chuyện trò, chuyện trò về bất cứ chuyện gì. Bởi điều đó có nghĩa là ta quan trọng. Và cũng có đôi khi, không phải ta không quan trọng, chỉ là ta không được chú ý đến bởi nỗi đau của những người xung quanh biến ta trở thành vô hình. Tôi giả vờ như mình may mắn khi không có ai làm phiền – không ai nhắc tôi làm bài tập, đánh thức tôi dậy để đến trường, hoặc bảo tôi phải ăn mặc ra sao. Nhưng tôi chỉ đang cố giả vờ mà thôi. Mọi thiếu niên đều khao khát tự do, nhưng chỉ khi họ có một nền tảng ổn định và an toàn.
RUTH BẢO TÔI đến cửa hiệu lúc mười giờ sáng, và tôi dậy thật sớm vào ngày đầu tiên đó, cảm giác như thể ngày sinh nhật của tôi và ngày Giáng sinh đang hòa làm một vậy. Tôi đã rất khó ngủ. Tôi không biết bà sẽ dạy tôi cái gì, mà tôi cũng không quan tâm lắm đâu. Tôi chỉ muốn được trò chuyện với bà nhiều hơn, và cảm giác có nơi nào đó để đi thì thật tuyệt. Tôi cảm thấy mình quan trọng.
TÔI CÓ THỂ NHÌN THẤY RUTH qua cửa sổ của tiệm ảo thuật vào ngày đầu tiên ấy khi cưỡi chiếc xe đạp màu cam Schwinn Sting–Ray với cái yên xe màu trắng của mình. Tôi nhớ chiếc xe ấy rất rõ vì đó là thứ giá trị nhất tôi có và tôi đã mua nó bằng tiền của chính mình. Tiền mà tôi kiếm được từ việc cắt rất nhiều cỏ trong cái oi bức của những ngày hè dai dẳng ấy. Khi dừng xe lại, tôi thấy bà đeo một cái băng đô lớn màu xanh để giữ cho mái tóc nâu vừa ngang vai của bà không lòa xòa vào mặt, và cặp kính của bà thì lủng lẳng trên một sợi dây đeo ở cổ. Cái váy bà đang mặc trông giống như chiếc áo choàng rộng thùng thình mà chúng tôi vẫn hay mặc bên ngoài trong những lớp học nghệ thuật ở trường. Nó có màu y hệt như bầu trời Lancaster vào buổi sáng – màu xanh nhạt với những vệt trắng mờ mờ vắt ngang. Mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi làm là nhìn ra cửa sổ. Vì một lý do nào đó mà việc nhìn thấy bầu trời xanh luôn khiến tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng.
Ruth cười với tôi thật tươi, và tôi cười đáp lại bà, tôi có thể cảm thấy tim mình đập liên hồi trong ngực. Tôi biết chuyện đó một phần là bởi tôi đã đạp xe quá nhanh và một phần là bởi tôi không biết điều gì sắp diễn ra tiếp theo. Ý tưởng của ngày hôm trước nghe thật hay, và sáng nay dường như trở nên tuyệt vời hơn hẳn so với những ngày đạp xe rong ruổi khắp những cánh đồng cỏ lăn bất tận trên chiếc xe đạp Sting–Ray của tôi, đi trong vô định nhưng vẫn hy vọng tìm thấy một điểm dừng nào đó. Vậy mà vào thời khắc đó, tôi vẫn chưa chắc chắn một điều gì.
Tôi đang dấn thân vào điều gì đây? Lỡ như tôi không đủ thông minh để học được bất kỳ trò ảo thuật nào mà bà sắp dạy thì sao? Lỡ như bà biết được sự thật về gia đình tôi thì sao? Lỡ như bà thật ra chỉ là một bà già loạn trí muốn bắt cóc tôi và lôi tôi ra giữa sa mạc hoang vắng, rồi thực hành những ma thuật đen tối trên thi thể tôi thì sao? Tôi vừa xem một bộ phim có tên là Voodoo Woman(2) và tôi đột nhiên tự hỏi liệu Ruth có phải là một mụ phù thủy cuồng trí, người sẽ biến tôi thành một con quái vật mà bà có thể điều khiển bằng tâm trí, rồi đi xâm chiếm thế giới hay không.
(2) Voodoo Woman (tạm dịch: Bà đồng) là một bộ phim kinh dị nổi tiếng của đạo diễn Edward L. Cahn được phát hành vào năm 1957.
Cánh tay tôi bỗng trở nên vô lực. Tôi đẩy cánh cửa he hé, nhưng rồi bỗng cảm thấy nó nặng trịch. Nó chống lại tôi. Tôi nhìn lại chiếc xe đạp đang dựng nghiêng nghiêng ở bãi đỗ xe trống trải cạnh bên. Tôi đang làm gì thế này? Tại sao tôi phải đồng ý làm chuyện này? Tôi có thể leo lên chiếc xe đạp của mình, rời khỏi đây và không bao giờ quay lại.
Ruth mỉm cười và gọi tên tôi.
– Jim, thật hay khi gặp lại con. Trong một lúc, ta đã không chắc là con có đến không.
Bà gật đầu như một người bà và vẫy tay gọi tôi vào. Tôi cảm thấy lòng mình ấm áp. Bà trông không hề giống một bà phù thủy cuồng trí muốn tiêu diệt tôi chút nào cả.
Tôi tiếp tục đẩy cánh cửa. Giờ thì nó mở ra rất nhẹ nhàng.
– Con đạp xe trên đường như thể con đang bị rượt đuổi vậy. – Bà nói khi tôi bước vào. Tôi thường có cảm giác như đang bị rượt đuổi, nhưng tôi không biết có ai đang đuổi theo mình không.
Đột nhiên mặt tôi đỏ bừng vì ngượng. Có lẽ bà đã nhìn thấy nỗi sợ hay nỗi hoài nghi của tôi. Có thể bà có khả năng nhìn thấu. Tôi cúi xuống đôi giày tennis cũ mèm của mình. Có một lỗ thủng nhỏ trên góc phải mũi giày. Tôi xấu hổ quá. Tôi quắp ngón chân mình lại để bà không nhìn thấy lỗ thủng đó.
– Đây là con trai ta, Neil. Nó là một nhà ảo thuật. – Nếu bà có để ý thấy lỗ thủng trên đôi giày của tôi, thì bà cũng đã vờ như không thấy.
Neil trông không giống như một nhà ảo thuật, thật sự không giống. Anh đeo một đôi kính đen to đùng và có mái tóc màu nâu sậm như mẹ anh. Anh trông hoàn toàn bình thường. Không có mũ ảo thuật, không có áo choàng, cũng không có ria mép.
– Vậy... anh nghe nói em thích ảo thuật. – Giọng của Neil trầm và chậm rãi. Anh đang giữ một thứ trông giống như một cỗ bài năm mươi lá đang đặt trên quầy hàng bằng kính.
– Dạ, ảo thuật hay lắm ạ.
– Em có biết mánh ảo thuật bằng lá bài nào không? – Neil bắt đầu xáo bộ bài trên tay mình. Những lá bài như thể bay từ tay phải sang tay trái của anh, tới tới lui lui, bay qua không trung. Tôi muốn học trò này. Anh dừng lại và trải những lá bài ra trước mặt tôi.
– Em chọn một lá đi.
Tôi nhìn vào những lá bài. Có một lá hơi nhô ra ngoài, tôi hiểu đó chính là một lựa chọn hiển nhiên, và thay vào đó tôi đã chọn một lá bài nằm thật xa về bên phải.
– Giờ thì đừng cho anh thấy lá bài, mà hãy giữ nó phía trước em và nhìn kỹ nó nhé.
Tôi liếc xuống dưới, giữ lá bài sát vào ngực mình, đề phòng có tấm gương nào đó đằng sau tôi. Đó là con Đầm pích.
– Em giữ mặt bài úp, rồi đặt nó xuống bất cứ chỗ nào trên bộ bài đi, và giờ anh muốn em xáo bộ bài. Cứ xáo chúng lại theo bất cứ kiểu gì em muốn. Của em đây.
Neil đưa cho tôi cả bộ bài, và tôi cố gắng xáo chúng – không được như anh ấy đã làm, nhưng tôi cũng xoay xở được để bàn tay mình nắm trọn bộ bài và cũng đã làm khá tốt màn xáo bài.
– Xáo lần nữa đi.
Tôi xáo lại lần nữa và lần này đã làm tốt hơn một chút. Những lá bài được chồng lại với nhau dứt khoát hơn và trật tự hơn.
– Giờ xáo lần thứ ba đi nào.
Lần này tôi đã nhớ được phải ấn những đốt ngón tay của mình vào những lá bài để làm chúng cong lại, và khi chúng được lồng vào nhau, sẽ giống như khớp hai bánh răng vậy.
– Tốt lắm.
Tôi đưa lại cho anh bộ bài. Anh bắt đầu lật từng lá một, lật bề mặt lên. Cứ một lúc anh lại giữ một lá bài lâu một chút và nói: “Đây không phải lá bài của em”.
Cuối cùng anh lật lên lá bài Đầm pích.
– Là lá này. Đây là lá bài của em. – Anh vẫy vẫy lá bài một cách hoa mỹ và đặt nó nằm ngửa trên quầy hàng trước mặt tôi.
– Tuyệt vời quá. – Tôi nói kèm theo một nụ cười, lòng tự hỏi làm thế nào anh ấy biết được đó là lá bài của tôi. Tôi cầm nó lên, úp nó xuống. Tôi đã kiểm tra tất cả bốn cạnh của lá bài để xem nó có bị cong một chút nào không. Không hề.
– Em có biết đây là ai không? Lá Đầm pích đại diện cho ai?
Tôi cố gắng nhớ lại cái tên của một vị nữ hoàng mà tôi đã nghe trong lớp lịch sử. Tôi chỉ nhớ được một cái tên duy nhất.
– Nữ hoàng Elizabeth?
Neil mỉm cười với tôi. – Nếu đây là bộ bài Anh thì em có thể đã đúng rồi. Nhưng đây lại là những lá bài Pháp, trong một bộ bài của Pháp, mỗi vị nữ hoàng đại diện cho một người phụ nữ khác nhau trong lịch sử hoặc thần thoại. Đầm cơ và Đầm rô trong bộ bài Pháp là đại diện cho Judith và Rachel, cả hai đều là những người phụ nữ quyền năng theo Kinh Thánh. Lá bài Đầm chuồn được biết đến là đại diện của Argine, người không phải ai cũng từng nghe đến tên, nhưng tên của bà là phép đảo chữ của Regina, tiếng Latinh có nghĩa là Nữ hoàng. Lá Đầm pích, lá bài của em, là nữ thần Athena của Hy Lạp. Bà là nữ thần của trí tuệ và là đồng minh của tất cả những anh hùng. Nếu em dấn thân vào một hành trình theo đuổi chủ nghĩa anh hùng, em chắc chắn sẽ muốn Athena sát cánh bên mình.
– Vậy, làm thế nào anh biết đó là lá bài của em?
– Em biết mà, một nhà ảo thuật không bao giờ tiết lộ mánh khóe của mình, nhưng nếu em đã đến đây để học, thì anh nghĩ rằng anh có thể tiết lộ bí mật cho em. – Neil lật lá bài lại. – Bộ bài này tình cờ là một bộ bài được đánh dấu. Nó trông giống như một bộ bài Bicycle(3) thông thường, nhưng nếu em nhìn kỹ hơn vào thứ trông giống một bông hoa ở đây, ngay phần dưới này, em có thể thấy có tám cánh hoa quanh phần tâm. Mỗi cánh hoa đại diện cho một lá bài từ 2 tới 9, và tâm của cánh hoa thì tượng trưng cho lá số 10. Ở phần bên trên, bốn hình xoáy ốc này tượng trưng cho chất của lá bài. – Anh chỉ vào một hình vẽ bên cạnh đóa hoa. – Khi những nhà ảo thuật đánh dấu bộ bài, họ sẽ làm sậm màu cánh hoa hoặc cả tâm và cánh hoa để tương ứng với lá bài Bồi, Đầm, Già. Nếu không có thứ nào được tô đậm, đó sẽ là một lá Át. Và rồi họ sẽ làm dấu ở đây để cho biết chất của lá bài. Vậy nên, nếu em nhìn vào lá bài của mình, em có thể thấy được những mật mã đó. Tâm cánh hoa đã được tô đậm, cộng thêm ba cánh hoa nữa. Vậy, đó phải là lá Đầm. Và ở đây em có thể thấy biểu tượng pích cũng đã được tô đậm.
(3) Bicycle: Tên một hãng nổi tiếng chuyên sản xuất các bộ bài.
Tôi nghiên cứu lá bài. Những phần tô đậm rất tinh vi, và nếu tôi không biết thứ mình đang tìm thì chắc chắn tôi chẳng bao giờ để ý thấy.
– Mánh này đòi hỏi em phải học tập ít nhiều, nhưng một khi em đã ghi nhớ được chúng, em có thể đọc ra chúng rất nhanh.
Tôi nhìn những bộ bài khác được bày ra trên quầy.
– Tất cả những bộ bài này đều được đánh dấu ư?
– Không đâu. Có những kiểu ảo thuật bằng lá bài hoàn toàn khác nhau. Bài Stripper(4). Bài Svengali(5). Bài Gaffed. Bài Forcing(6). Anh thậm chí còn một bộ bài hai mặt. Anh tự làm chúng đấy. Bài là chuyên môn của anh.
(4) Bài Stripper: Rút ra được bất kỳ lá bài nào mà khán giả chọn từ giữa bộ bài nhờ lá bài đầu to, đầu nhỏ.
(5) Bài Svengali: Màn diễn cơ bản nhất của bài Svengali là cho khán giả chọn một lá bài, bỏ nó vào lại bộ bài, sau đó lá bài có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong bộ bài. Hiệu ứng tuyệt vời nhất của bài Svengali là sau cùng tất cả lá bài đều biến thành lá bài mà khán giả chọn ban đầu.
(6) Bài Gaffed và bài Forcing là những bộ bài có nhiều cách biểu diễn khác nhau.
Tôi từng nghe nói về những bộ bài bịp, với những lá bài mánh như lá 13 rô hay lá Già pích với hình vị vua đã chết, hay lá Joker đang cầm chính xác là lá bài mà một khán giả nào đó đã chọn, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi. Tất cả những cái tên khác đều nghe thật thần bí với tôi. Bài Stripper và bài hai mặt ư? Tôi hoàn toàn không hình dung được chúng là gì nhưng tôi không muốn thú nhận với Neil về sự thiếu hiểu biết của mình.
– Em có biết trong Thế chiến thứ hai đã có những bộ bài đặc biệt được làm ra và gửi cho những tù nhân chiến tranh ở Đức không? Mỗi lá bài có thể bóc ra từng lớp và ẩn giấu bên trong là một mảnh của tấm bản đồ mà nếu ghép tất cả lại với nhau, sẽ hiện ra một lộ trình tẩu thoát bí mật cho những tù nhân. Đó mới là màn ảo thuật tuyệt vời đấy.
Neil đặt lá bài Đầm bích trở lại bộ bài được đánh dấu và trao nó cho tôi.
– Em có thể giữ lấy nó. Coi như là một món quà.
Tôi nhận bộ bài từ anh. Chưa từng có ai cho không tôi thứ gì cả.
– Cảm ơn anh. – Tôi nói. – Cảm ơn anh rất nhiều. – Tôi tự thề với mình là sẽ ghi nhớ từng lá bài được đánh dấu này.
– Mẹ anh nói rằng bà sẽ dạy cho em vài mánh ảo thuật thật hay ho.
Tôi mỉm cười, không chắc mình nên nói gì.
– Phép thuật của bà vượt ra mọi thứ chúng ta có ở đây. – Anh vung cánh tay vòng quanh cửa hiệu. – Với phép thuật của bà, em có thể học cách đạt được mọi thứ em muốn. Giống như một kiểu thần đèn vậy, nhưng bà sẽ cho em làm quen với vị thần trong đầu của em. Chỉ cần cẩn thận với những gì em ước thôi.
– Ba điều ước hả anh? – Tôi hỏi.
– Em muốn bấy nhiêu có bấy nhiêu. Tuy nhiên, phải tốn nhiều công sức luyện tập. Sẽ khó hơn nhiều so với học ảo thuật với những lá bài, nhưng có thể cũng không giống lắm. Anh đã phải tập luyện trong khoảng thời gian rất dài. Chỉ cần nhớ là tập trung chú ý mọi lời bà nói. Không có đường tắt nào cả. Em phải đi theo những bước chính xác như những gì bà dạy em.
Tôi gật đầu với Neil và bỏ bộ bài được đánh dấu vào túi của mình.
– Giờ bà sẽ dẫn em ra phía sau. Anh có một văn phòng nhỏ ở đó. Nhớ đấy, hãy làm bất cứ điều gì bà bảo em. – Anh nhìn quanh và mỉm cười với bà.
Ruth vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay của con trai và rồi bà nhìn tôi. – Đi nào, Jim. Chúng ta bắt đầu thôi.
Bà bước về phía cánh cửa ở bức tường phía sau cửa hiệu và tôi đi theo sau, hoàn toàn không có khái niệm gì về việc tôi đang làm.
VĂN PHÒNG PHÍA SAU mờ tối và có mùi hơi ẩm mốc. Phòng không có cửa sổ và chỉ có duy nhất một chiếc bàn màu nâu cũ kỹ cùng hai chiếc ghế sắt. Tấm thảm nâu xù xì được trải ở giữa căn phòng và lổm chổm như những bụi cỏ nâu ngắn mọc quanh những bức tường. Chẳng có đạo cụ ảo thuật nào ở đây cả. Không có đũa phép, những chiếc cốc nhựa, những lá bài hay những chiếc mũ.
– Ngồi xuống đi, Jim.
Ruth ngồi xuống một trong hai cái ghế sắt và tôi ngồi xuống cái còn lại. Chúng tôi ngồi mặt đối mặt và đầu gối gần như chạm vào nhau. Chân phải của tôi cứ bồn chồn lên xuống, điều tôi vẫn hay làm mỗi khi tôi căng thẳng. Lưng tôi hướng về phía cửa nhưng tôi biết nó ở hướng nào trong trường hợp cần tháo chạy. Tôi tính nhẩm trong đầu cần bao lâu để tôi chạy ra khỏi đây và đến được với chiếc xe đạp của mình.
– Ta vui vì hôm nay con đã trở lại. – Ruth mỉm cười với tôi và tôi cảm thấy đỡ bồn chồn hơn một chút. – Con cảm thấy thế nào?
– Ổn ạ.
– Con đang cảm thấy gì ngay lúc này?
– Con không biết.
– Con có căng thẳng không?
– Không ạ. – Tôi nói dối.
Ruth đặt tay bà lên đầu gối phải của tôi và ấn xuống. Đầu gối của tôi ngay tức khắc ngừng động đậy. Tôi dồn sức lại, sẵn sàng tháo chạy nếu chuyện này trở nên kỳ cục hơn. Bà nhấc tay bà khỏi đầu gối tôi.
– Con rung chân như thể con đang căng thẳng vậy.
– Con nghĩ mình chỉ đang tự hỏi bà sẽ dạy gì cho con thôi.
– Thứ phép thuật mà ta sẽ dạy con không phải là thứ con có thể mua ở một cửa tiệm nào đó. Phép thuật này đã xuất hiện từ hàng trăm, có thể đến hàng ngàn năm rồi và con chỉ có thể học nó khi có ai đó dạy cho con.
Tôi gật đầu.
– Nhưng trước tiên con phải cho ta một thứ.
Tôi khá chắc chắn rằng mình sẽ đưa cho Ruth bất cứ thứ gì để có thể học được những bí thuật của bà, nhưng ngoài chiếc xe đạp của tôi ra thì tôi không còn có gì đáng kể cả.
– Bà muốn cái gì ạ?
– Ta cần con hứa với ta rằng con sẽ dạy lại cho ai đó những gì ta dạy con trong mùa hè này. Và con phải buộc người đó hứa với con rằng họ sẽ truyền dạy lại cho người khác. Và cứ tiếp tục như vậy. Con có làm được không?
Tôi hoàn toàn không có chút khái niệm gì về chuyện tôi sẽ dạy cho ai, và tại thời điểm đó tôi cũng không biết liệu mình có thể dạy cho ai khác được không. Nhưng Ruth cứ nhìn chằm chằm vào tôi, chờ đợi câu trả lời, và tôi biết chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất.
– Con hứa.
Tôi đã nghĩ đến chuyện bắt ngón tay làm dấu cầu may sau lưng trong trường hợp tôi không thể tìm được ai đó để dạy lại, nhưng thay vì vậy, tôi lại giơ ba ngón tay lên như tôi từng thấy những hướng đạo sinh vẫn làm. Rồi tôi nhận ra chuyện đó khiến lời hứa trở thành chính thức.
– Con nhắm mắt lại đi. Ta muốn con tưởng tượng con là một chiếc lá đang bị cuốn đi trong gió.
Tôi vẫn mở mắt và hơi nhăn nhó. Tôi thật sự khá cao so với tuổi của mình nhưng tôi chỉ nặng khoảng năm mươi ký. Tôi giống một cái que cắm trên đất hơn là một chiếc lá bị cuốn trong gió.
– Nhắm mắt lại. – Bà gật đầu và nhẹ nhàng nói.
Tôi nhắm mắt lại lần nữa và cố gắng tưởng tượng ra một chiếc lá đang bị cuốn đi trong gió. Có thể bà sắp thôi miên tôi khiến tôi nghĩ rằng mình là một chiếc lá. Tôi từng thấy một màn thôi miên trước đây, và người biểu diễn đã khiến tất cả khán giả nghĩ rằng họ là những loài vật nông trại khác nhau. Rồi anh ta còn khiến tất cả họ bắt đầu lao vào choảng nhau nữa. Tôi bật cười và mở mắt ra.
Ruth ngồi thẳng người trên chiếc ghế đối diện tôi, tay bà đặt úp trên đùi. Bà khẽ thở dài.
– Jim, mẹo đầu tiên mà con phải học là làm sao thả lỏng từng thớ cơ trên cơ thể con. Nghe thì dễ nhưng nó thật sự không dễ đâu.
Tôi không chắc là mình đã từng có cảm giác thả lỏng không nữa. Dường như tôi luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chạy trốn hoặc chiến đấu. Tôi mở mắt lần nữa và Ruth nghiêng đầu sang phải, nhìn thẳng vào mắt tôi.
– Ta sẽ không làm hại con. Ta sẽ giúp con. Con có thể tin tưởng ta không?
Tôi suy nghĩ về điều mà bà đang yêu cầu tôi. Tôi không biết từng có bất kỳ lúc nào trong đời tôi đã tin tưởng ai đó chưa, chắc chắn không phải là những người lớn rồi. Nhưng trước giờ chưa từng có ai yêu cầu tôi tin tưởng họ, và tôi thích cảm giác ai đó muốn có được lòng tin của tôi thế này. Tôi muốn tin tưởng Ruth. Tôi muốn học những gì bà sẽ dạy cho tôi, nhưng vẫn cảm thấy toàn bộ chuyện này thật lạ lùng.
– Tại sao ạ? – Tôi hỏi. – Tại sao bà lại giúp con?
– Bởi vì trong khoảnh khắc chúng ta gặp nhau, ta đã biết con có tiềm năng. Ta nhìn thấy nó. Và ta muốn dạy cho con cũng nhìn thấy được nó.
Tôi không biết tiềm năng là gì, cũng như làm thế nào bà ấy biết rằng tôi có nó. Khi đó, tôi cũng không biết rằng bà hầu như chắc chắn sẽ nhìn thấy tiềm năng ở bất cứ ai tình cờ dạo bước vào cửa hiệu nhiệm màu vào ngày mùa hè năm 1968 đó.
– Dạ được. – Tôi nói. – Con tin bà.
– Vậy thì tốt. Đó sẽ là khởi đầu của chúng ta. Giờ thì tập trung vào cơ thể con đi. Con cảm thấy thế nào?
– Con không biết.
– Nghĩ đến việc chạy xe đạp của con đi. Cơ thể con có cảm giác gì khi con đạp xe thật nhanh?
– Cảm giác rất tuyệt, con nghĩ vậy.
– Vậy ngay lúc này trái tim con đang làm gì?
– Đang đập. – Tôi nói, và mỉm cười.
– Đập nhanh hay chậm?
– Đập nhanh.
– Tốt. Còn bàn tay con cảm giác thế nào?
Tôi nhìn xuống và thấy hai tay mình đang siết chặt vào mép chiếc ghế. Tôi thả lỏng chúng.
– Chúng đã thả lỏng.
– Tốt lắm. Còn hô hấp của con ra sao? Sâu hay nông? – Ruth hít vào thật sâu và thở ra. – Như thế này hay như thế này? – Bà bắt đầu hít thở nhanh, giống như một chú chó đang thở hổn hển.
– Con nghĩ là ở đâu đó giữa hai cái đó.
– Con đang căng thẳng phải không?
– Không. – Tôi nói dối.
– Chân con lại bắt đầu rung lắc rồi.
– Chắc cũng căng thẳng một chút.
– Cơ thể chúng ta là toàn bộ những dấu hiệu về những gì diễn ra bên trong chúng ta. Nó thật sự rất diệu kỳ. Ai đó có thể hỏi con đang cảm thấy thế nào và con có thể trả lời rằng “Con không biết”, bởi vì có thể con thật sự không biết hay có thể bởi con không muốn nói ra cảm giác của con, nhưng cơ thể của con luôn luôn biết con đang cảm thấy thế nào. Khi nào con sợ hãi. Khi nào con hạnh phúc. Khi nào con phấn khích. Khi nào con căng thẳng. Khi nào con giận dữ. Khi nào con đố kỵ. Khi nào con buồn bã. Tâm trí con có thể nghĩ rằng con không biết, nhưng nếu con hỏi cơ thể mình, nó sẽ nói với con. Nó có trí óc của riêng nó, hiểu theo một cách nào đó. Nó phản ứng. Nó phản hồi. Đôi khi nó phản ứng đúng với tình huống, đôi khi lại sai. Con đã hiểu chưa?
Tôi đột nhiên nghĩ điều bà vừa nói đúng đắn đến thế nào. Khi về nhà, tôi có thể ngay lập tức biết được tâm trạng của mẹ tôi ra sao ngay khi tôi bước vào cửa. Mẹ tôi không cần phải nói một lời. Tôi có thể cảm thấy nó qua cơn quặn ở bụng mình.
Tôi nhún vai. Tôi cố gắng để theo kịp những gì bà đang nói.
– Con đã bao giờ cảm thấy thật sự buồn bã hay thật sự giận dữ chưa?
– Thỉnh thoảng ạ. – Tôi thường xuyên giận dữ, nhưng tôi không muốn nói ra.
– Ta muốn con kể ta nghe một ví dụ về lúc con tức giận hay sợ hãi. Và rồi chúng ta sẽ nói về việc khi con kể ta nghe chuyện đó thì cơ thể con cảm thấy thế nào.
Trí óc tôi bắt đầu chạy đua. Tôi không biết phải nói gì với bà. Tôi có nên kể bà nghe về khoảng thời gian tôi học ở trường Dòng và vị nữ tu đã tát vào mặt tôi, và không nghĩ ngợi gì, tôi đã tát lại bà ta? Hay có thể kể về buổi tối thứ Năm khi cha tôi lại trở về nhà trong tình trạng say xỉn. Hay tôi có thể kể bà nghe về những gì bác sĩ đã nói khi tôi đưa mẹ đến bệnh viện và những lời đó đã khiến tôi muốn đánh ông ta hoặc lẩn trốn vào một cái hố, hoặc cả hai, như thế nào.
– Jim, suy nghĩ của con lên tiếng quá rõ ràng, ta có thể nghe thấy chúng, nhưng ta không thể xác thực được. Nói ta nghe xem ngay lúc này con đang nghĩ gì.
– Con đang nghĩ về tất cả những chuyện con không muốn kể với bà.
Bà mỉm cười. – Không sao. Không có điều gì con nói là sai cả đâu. Chúng ta đang nói về cảm giác của con. Cảm giác thì không có đúng hoặc sai. Chúng chỉ là cảm giác thôi.
Tôi không thật sự tin những gì bà đang nói. Tôi cảm thấy hết sức xấu hổ về những cảm xúc của tôi, cơn giận dữ của tôi, nỗi buồn của tôi, và tất cả những kiểu cảm xúc đã dường như xâm chiếm lấy tôi lúc đó. Tôi muốn chạy trốn.
– Giờ đôi chân của con đang nhịp lên xuống với tốc độ cả dặm một phút rồi đấy. – Bà nói. – Ta sẽ đếm đến ba và ta muốn con hãy bắt đầu kể ta nghe một câu chuyện. Con không phải suy nghĩ về những gì con sẽ nói, được chứ? Ta sẽ bắt đầu đếm đến ba đây. Sẵn sàng chưa?
Tôi vẫn đang điên cuồng cố gắng loại bỏ những suy nghĩ và cảm giác đang nhen nhóm để tìm ra chuyện gì đó không quá xấu hổ. Tôi không muốn dọa bà chạy mất.
– Một…
Sẽ ra sao nếu bà là một tín đồ Công giáo và thấy kinh tởm khi nghe tôi từng tát một nữ tu, và bị đuổi khỏi trường, và bị gửi đi sống với vợ chồng chị gái của tôi, nơi mà tôi lại dính líu vào một vụ ẩu đả, và lại bị đuổi khỏi trường? Lỡ như bà không muốn tôi quay lại đây nữa bởi vì tôi quá bạo lực thì sao?
– Hai…
Sẽ ra sao nếu tôi kể bà nghe tôi đã điên tiết như thế nào khi cha tôi say xỉn và đập phá chiếc xe của chúng tôi, và giờ chúng tôi phải lái một chiếc xe với toàn bộ phần đầu bẹp dúm còn bộ phận hãm phanh thì được chắp vá bằng một sợi dây thừng, và điều đó như thể là một dấu hiệu rành rành rằng “nhìn xem chúng tôi nghèo đến cỡ nào, chúng tôi thậm chí không đủ điều kiện sửa chiếc xe của mình”? Lỡ như bà nghĩ tôi là một thằng nhóc xấu xa thì sao?
– Ba... Bắt đầu đi!
– Cha con uống rượu. Không phải uống mỗi ngày, mà uống rất nhiều. Ông đi uống rượu và biến mất cả tuần liền, và cả nhà bị bỏ lại mà chẳng có đồng nào trừ tiền trợ cấp, và tiền trợ cấp thì chẳng được bao nhiêu. Những khi ông không uống rượu, cả nhà vẫn phải nhón chân rón rén đi lại trong nhà, cố gắng không làm ông bực mình. Mỗi khi uống rượu ở nhà, ông thường la hét, mắng chửi, đập phá đồ đạc và mẹ con thì bắt đầu khóc. Anh trai con lỉnh đi mất mỗi khi chuyện này xảy ra, còn con thì trốn trong phòng mình, nhưng con luôn phải dỏng tai nghe ngóng đề phòng mọi chuyện tồi tệ hơn và con phải can thiệp. Con lo lắng cho mẹ. Bà bệnh rất nặng và phải nằm trên giường suốt, và mẹ luôn có vẻ tệ hơn mỗi lần cha uống say, và họ cãi nhau. Bà hét vào mặt ông mỗi khi ông về nhà và khi ông rời đi thì bà hoàn toàn im lặng. Bà không rời khỏi giường, cũng không ăn uống hay làm gì cả. Con không biết con phải làm gì.
– Tiếp tục đi, Jim. – Bà thật sự để tâm lắng nghe tôi. Dường như bà thật sự rất muốn nghe những gì tôi nói. Bà trông không có vẻ gì là bị sốc. Bà đang mỉm cười với nụ cười của sự thấu hiểu, như nụ cười trên chiếc bánh quy sô-cô-la vậy. Như thể bà đã biết tôi đang nói về điều gì hoặc ít nhất bà không nghĩ rằng gia đình tôi bẩn thỉu bởi vì chúng tôi quá nghèo. – Tiếp tục đi. – Bà nói để khích lệ tôi.
– Có một lần con từ trường trở về nhà và trong nhà quá yên ắng. Một sự yên lắng dị thường. Con bước vào phòng của mẹ, và bà đang nằm trên giường. Bà đã uống một đống thuốc. Chúng là những viên thuốc giúp bà giảm đau, nhưng bà đã uống quá nhiều. Con đã phải chạy sang nhà hàng xóm và nhờ bà ấy chở mẹ con đến bệnh viện. Trước đây mẹ con từng phải đến bệnh viện như thế rồi. Ý con là, mẹ con, bà đã từng làm những chuyện kiểu như vậy. Đến bệnh viện, mẹ con nằm trên giường và con ngồi cạnh bên bà, con có thể nghe thấy những gì người khác nói phía bên kia tấm màn che. Một gã nào đó đang điên tiết vì phải lo liệu mớ thủ tục giấy tờ cho mẹ con, anh ta nói bà đã từng đến đây rồi và rằng anh ta mệt mỏi vì phải lãng phí thời gian với những loại người này. Người phụ nữ bật cười và nói điều gì đó đại loại như “Biết đâu đây sẽ là lần cuối cùng”. Con không thật sự nghe rõ và rồi họ cùng nhau cười cợt, còn con thì quá giận dữ, con chỉ muốn xé nát tấm màn đó và hét vào mặt họ. Người làm trong bệnh viện không nên hành xử như thế. Và con giận mẹ con, bởi con không hiểu được tại sao bà làm vậy. Thật không công bằng và thật xấu hổ. Con giận cha con vì đã khiến mẹ tức giận và buồn bã như vậy. Con căm tức cả hai người và tất cả những người ở bệnh viện nữa. Đôi khi con thật sự, thật sự phát điên lên được.
Tôi không chắc lúc này mình phải làm gì, vậy nên tôi ngừng lời. Ruth vẫn ngồi trên chiếc ghế đối diện với tôi và tôi chỉ biết nhìn chằm chằm xuống cái lỗ thủng ngu ngốc trên đôi giày tennis của mình.
– Jim! – Bà gọi tên tôi hết sức dịu dàng. – Cơ thể con đang cảm thấy gì ngay lúc này?
Tôi nhún vai. Tôi tự hỏi bà đang nghĩ gì về tôi lúc này khi mà bà đã biết về gia đình tôi.
– Bụng con cảm thấy sao?
– Hơi khó chịu.
– Ngực con cảm thấy sao?
– Căng và hơi đau một chút.
– Còn đầu con thì sao?
– Đầu con như đang nện đùng đùng vậy.
– Còn mắt con thì thế nào?
Tôi không biết tại sao, nhưng ngay giây phút bà hỏi tôi câu đó, tôi cảm thấy tất cả những gì mình muốn lúc đó là được nhắm mắt lại và khóc. Tôi sẽ không khóc. Tôi không muốn khóc, nhưng tôi không thể kiềm lại được. Một giọt nước mắt lăn trên má tôi.
– Mắt con hơi cay, con nghĩ vậy.
– Cảm ơn con đã kể ta nghe về cha mẹ con, Jim. Thỉnh thoảng chúng ta cần thôi nghĩ đâu mới là điều mình nên nói và chỉ nói chúng ta cần gì.
– Bà nói thì dễ rồi.
Ruth và tôi cùng bật cười, và trong giây phút đó tôi cảm thấy khá hơn một chút.
– Ngực cháu không còn căng nữa.
– Tốt lắm. Vậy thì tốt. Ta sẽ dạy con làm sao để thả lỏng từng thớ cơ trên cơ thể và ta muốn con luyện tập nó mỗi ngày một giờ đồng hồ. Những gì chúng ta tập ở đây vào mỗi buổi sáng, ta muốn con cũng tập chúng tại nhà mỗi tối, như một kiểu bài tập về nhà. Bởi vì, việc thả lỏng nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nó thật sự rất khó, rất khó thực hành, và nó đòi hỏi nhiều sự luyện tập.
Tôi không chắc mình có thể nhớ được từng có lúc nào đó tôi cảm thấy thả lỏng. Tôi cảm thấy mệt mỏi suốt, nhưng tôi không biết liệu mình có từng thả lỏng bao giờ chưa. Tôi thậm chí không chắc ý nghĩa thật sự của nó là gì.
Ruth bảo tôi ngồi trên ghế trong tư thế thật thoải mái và nhắm mắt lại. Bà yêu cầu tôi lần nữa hãy tưởng tượng mình là một chiếc lá bị cuốn trong gió. Tưởng tượng mình bay lượn quanh những con phố khiến tôi cảm thấy điềm tĩnh hơn. Tôi thấy mình như nhẹ đi trên ghế ngồi.
– Đừng rũ người xuống. Con cần giữ mình tỉnh táo và con cần giữ cơ bắp trên người kết lại với nhau cho dù con sắp thả lỏng chúng. Hít vào thật sâu và thở ra. Làm như vậy ba lần. Hít vào qua mũi và thở ra bằng miệng của con.
Tôi hít vào sâu nhất có thể. Ba lần.
– Giờ thì ta muốn con tập trung vào ngón chân của mình. Tâm trí con hãy nghĩ về những ngón chân của con. Cảm nhận chúng. Ngọ nguậy chúng nhè nhẹ. Co chúng lại vào giày của con, thả chúng ra. Hít một hơi thật sâu và lần nữa chầm chậm thở ra. Tiếp tục hít thở và nghĩ về những ngón chân của con. Cảm nhận chúng trở nên nặng hơn và ngày một nặng hơn.
Tôi tiếp tục hít thở sâu và cố gắng tập trung nghĩ về những ngón chân của mình. Bạn hẳn nghĩ chuyện đó đơn giản thôi, nhưng không hề. Tôi ngọ nguậy chúng thật nhẹ trong giày của mình, nhưng rồi tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôi có thể có được đôi giày mới trước khi năm học bắt đầu không, và tôi bắt đầu nghĩ đến việc tôi không có đủ tiền, rồi tôi quên béng luôn những ngón chân của mình.
Có vẻ như Ruth nhận ra được mỗi lần tôi bắt đầu suy nghĩ về thứ gì đó khác ngoài những ngón chân của mình bởi vì mỗi lần tâm trí tôi lang thang về bất cứ điều gì khác, bà sẽ can thiệp chính xác vào khoảnh khắc đó và bảo tôi hít thở sâu lần nữa. Tôi không chắc tôi đã hít thở và nghĩ về những ngón chân của mình trong bao lâu, nhưng dường như nó sẽ kéo dài như vậy mãi.
– Giờ ta muốn con hít thật sâu vào và tập trung nghĩ về bàn chân của con.
Tôi bắt đầu thấy đói. Tôi bắt đầu chán nữa. Bàn chân tôi thì liên quan gì tới việc học ảo thuật cơ chứ? Lúc này hẳn sắp đến giờ ăn trưa rồi. Biết đâu bà sẽ bỏ đói tôi đến chết. Bà hẳn phải đọc được tâm trí tôi bởi tôi thề là bà biết rõ khi nào thì cần ngăn tôi lại.
– Kéo tâm trí con về lại với bàn chân con đi.
Tôi xoay mắt cá chân và nghĩ về bàn chân to cồ, ngớ ngẩn và xấu xí của mình.
– Giờ nghĩ về mắt cá chân của con đi. Đầu gối của con nữa. Thả lỏng bắp đùi của con. Cảm nhận chân con đang trở nên nặng hơn và buông xuống ghế.
Tôi tưởng tượng mình là người đàn ông mập nhất thế giới và cái ghế trở nên quá trĩu nặng đến nỗi rơi xuyên qua lớp thảm lông xù và dừng lại ở tận Trung Quốc.
– Giờ hãy thả lỏng cơ bụng của con. Căng chúng ra và rồi thả lỏng chúng. – Tôi làm theo lời bà nói chỉ để bụng tôi kêu lên thật lớn và tôi chắc là bà có thể nghe thấy.
– Giờ thì đến ngực của con, Jim. Hít thở thật sâu và thả lỏng ngực của con đi. Cảm nhận tim con đang đập và thả lỏng những khối cơ quanh tim của con. Trái tim con là một khối cơ, bơm máu và oxy đi khắp cơ thể. Con có thể thả lỏng nó như bất cứ cơ bắp nào khác trên người.
Tôi tự hỏi nếu tôi thả lỏng tim mình thì liệu cơ thể tôi có ngừng hoạt động không. Khi đó Ruth sẽ làm gì?
– Tập trung vào vùng trung tâm trên ngực con. Cảm nhận những cơ bắp trên ngực con đang thả lỏng. Hít thật sâu vào và cảm nhận tim con đang đập khi con thả lỏng hơn nữa. Giờ thì thở ra và lần nữa tập trung vào việc thả lỏng cơ ngực của con.
Tôi nhận thấy khi tôi tập bài tập này, tim tôi không còn đập nhanh nữa.
Tại trường Y, rồi tôi sẽ học về tim. Tôi sẽ biết được rằng có một dây thần kinh kết nối tim với phần cuống não được gọi là hành tủy qua dây thần kinh phế vị(7), và dây thần kinh phế vị có hai thành phần ra sao, và nếu ta tăng thêm sản lượng đầu ra của dây thần kinh bằng thư giãn và thở chậm thì sẽ kích thích hệ thần kinh đối giao cảm, làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp của chúng ta như thế nào. Tôi cũng học được làm sao mà khi giảm trương lực của dây thần kinh phế vị thực sự sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, điều mà sẽ xảy ra khi ta sợ hãi hay khiếp đảm – nhịp tim ta tăng lên. Nhưng trong cửa hiệu ảo thuật ngày hôm đó, tất cả những gì tôi biết là khi Ruth dạy tôi cách thả lỏng và hít thở, tôi đã cảm thấy khá hơn một chút, bình tĩnh hơn một chút. Tôi không biết về hệ thần kinh, cùng vô vàn cách thức mà não bộ và trái tim giao tiếp với nhau. Cả não và tim tôi đều không cần phải học bất cứ thứ gì để có thể hoạt động. Tôi gửi một tín hiệu từ não đến tim, và tim tôi phản hồi.
(7) Dây thần kinh phế vị: Dây thần kinh số 10, là dây thần kinh thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối sự vận động, cảm nhận của hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng (tim, phổi, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục). Thoát qua hộp sọ, cặp dây số 10 xuống cổ, ngực và bụng. Đến ngực, chúng tách ra hai nhánh quặt ngược lên vận động dây thanh âm. Khi bị tổn thương dây số 10, bệnh nhân hay bị sặc thức ăn lỏng, nghẹn thức ăn đặc; liệt dây quặt ngược sẽ nói giọng khàn.
– Giờ ta muốn con thả lỏng hai vai của con. Cổ của con. Hàm của con. Để lưỡi của con buông xuống dưới miệng. Cảm nhận mắt con và trán con siết chặt, rồi thả lỏng. Để cho mọi thứ, mọi thớ cơ trên cơ thể con thả lỏng.
Ruth không nói thêm bất cứ điều gì trong một khoảng thời gian tưởng như vô tận. Tôi ngồi đó cố gắng thả lỏng, cố gắng hít thở thật chậm. Cố để không sốt ruột. Tôi có thể nghe thấy bà hít vào những hơi thật sâu và thở ra, và tôi tiếp nhận điều đó như một tín hiệu bảo tôi làm điều tương tự. Thật khó để hít thở trong lúc bận suy nghĩ về việc ta nên hít thở như thế nào. Một hai lần tôi đã cố hé nhìn Ruth qua đôi mắt nheo lại của mình, tôi có thể thấy bà cũng nhắm và phản chiếu tư thế của tôi trên ghế. Cuối cùng bà lên tiếng.
– Được rồi. Hết giờ. Con mở mắt ra đi.
Tôi mở mắt ra và ngồi thẳng trên ghế. Cơ thể tôi cảm thấy khang khác và có chút lạ lùng.
– Vậy thôi, Jim. Và ta cá là con muốn ăn nhẹ một chút. – Bà mở một ngăn bàn và lôi ra một túi bánh quy sô-cô-la Chips Ahoy!, rồi nói:
– Con cứ lấy bao nhiêu tùy thích.
Tôi lấy một nắm đầy. Đây là món khoái khẩu của tôi. Sau đó bà nhìn tôi qua gọng của đôi kính mà bà vừa đeo lên và nói:
– Con đang theo đúng hướng rồi đó.
Tôi thật sự không biết mình đang hướng về cái gì. Tôi không chắc việc ngồi trên một cái ghế hàng giờ đồng hồ thì thật sự có gì màu nhiệm chứ.
– Jim, ta muốn con luyện tập thả lỏng cơ thể con. Đặc biệt trong những tình huống xảy ra với gia đình con như con đã kể với ta. Con có thể vẫn thả lỏng ngay cả khi con cảm thấy giận dữ hay buồn bã. Ta biết điều đó nghe có vẻ phải tốn thật nhiều công sức, nhưng cuối cùng con sẽ có khả năng bước vào một trạng thái hoàn toàn thả lỏng gần như ngay tức thời. Đó là một mẹo tuyệt vời đáng học đấy. Con hãy tin ta.
– Dạ được. Nhưng con có thể hỏi tại sao không?
– Có rất nhiều thứ trong đời mà chúng ta không thể kiểm soát được. Thật khó để cảm thấy rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ, nhất là khi con vẫn là một đứa trẻ. Như thể con không thể thay đổi bất cứ thứ gì vậy. Nhưng con có thể kiểm soát cơ thể con và con có thể kiểm soát tâm trí con. Chuyện đó có thể nghe chẳng có gì đáng kể, nhưng nó rất quyền lực. Nó có thể thay đổi mọi thứ.
– Con không biết nữa.
– Con sẽ biết thôi. Cứ trở lại đây. Tiếp tục luyện tập mọi thứ con học được trong mùa hè này, và một ngày nào đó con sẽ biết.
Tôi gật đầu đồng ý, nhưng tôi không biết liệu mình có trở lại đây không. Đây không giống với kiểu ảo thuật mà tôi muốn học lắm.
– Con có biết Isaac Newton là ai không? – Bà hỏi.
– Một nhà khoa học nào đó?
– Đúng vậy, giỏi lắm. Ông ta là một nhà vật lý và là một nhà toán học. Có lẽ là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất từ trước tới nay. Có một câu chuyện về ông ấy mà có thể con sẽ thích. Ông không có một cuộc đời tuyệt đẹp đâu. Cha của ông qua đời ba tháng trước khi ông chào đời. Ông bị sinh non và không có cha, nên con có thể nói rằng ông không thật sự có một khởi đầu thuận lợi trong đời. Mẹ của ông tái hôn khi ông được ba tuổi, và ông không thích cha dượng của mình lắm. Từng có lần ông đe dọa sẽ đốt trụi ngôi nhà cùng với hai người họ bên trong. Isaac là một chàng trai trẻ xinh xắn lòng đầy phẫn hận khi ông ở vào tuổi cỡ con bây giờ. Dù sao thì, mẹ của ông đã lôi ông khỏi trường học vì bà muốn ông trở thành nông dân. Đó là việc cha ông đã làm, và là việc mà mọi người cho rằng ông cũng sẽ làm. Nhưng Isaac ghét việc đồng áng. Ông ghét tất cả mọi thứ về nó. Một người giáo viên đã thuyết phục được mẹ ông cho ông trở lại trường. Ông trở thành học sinh đứng đầu, nhưng điều đó chỉ bởi vì ông bị kỳ thị khủng khiếp và bị bắt nạt bởi những học sinh khác, và đạt thứ hạng cao là hình thức trả thù của ông. Sau đó ông lên đại học, nhưng để có thể trang trải cho việc học ông phải trở thành người phục dịch tại trường để đổi lấy học phí và thức ăn. Ông có thể không có lợi thế, hay sự may mắn, hay sự sung túc như những đứa trẻ khác. Nhưng ông đã thay đổi thế giới.
Tôi chưa từng biết rằng những nhà khoa học nổi tiếng cũng từng ghét cha mẹ mình và từng đối đầu với bạn học của họ.
Tôi tạm biệt Ruth và Neil, ngay lúc tôi vừa dợm bước ra khỏi cửa hiệu ảo thuật, tôi nghe Ruth nói: “Đừng quên đấy, Jim, hãy luyện tập những gì chúng ta đã nói tới”. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi và mỉm cười. Tôi nhấn bàn đạp về Đại lộ I với cảm giác ấm áp lan tỏa khắp cơ thể. Tôi hoàn toàn không biết tại sao bà lại dạy tôi thả lỏng cơ thể mình, nhưng tôi sẽ về nhà và tập luyện để xem nó có thật sự nhiệm màu không.
Ngày nay, tôi đã biết được một phần lớn những gì Ruth bắt đầu dạy tôi vào ngày đầu tiên ấy có liên quan đến não bộ và phản ứng cấp của cơ thể với những căng thẳng tâm lý, hoặc phản ứng được hầu hết mọi người gọi là phản ứng chiến - hay - chạy(8). Nếu bộ não cảm thấy có một mối đe dọa, hoặc trong trạng thái lo sợ cho sự sống còn của mình, thì bộ phận của hệ thần kinh tự trị được gọi là hệ thần kinh giao cảm sẽ kích động và giải phóng epinephrine(9). Tuyến thượng thận cũng nhận sự kích hoạt bởi những hormone được tiết ra từ vùng dưới đồi (Hypothalamus), và hormone cortisol được sinh ra. Tôi khá chắc chắn là ngay từ độ tuổi mười hai thì tôi đã nâng cao liều lượng cortisol rồi. Về cơ bản, mọi bộ phận trong cơ thể không cần thiết phải chiến đấu để ngăn sự sống của bạn kết thúc. Tiêu hóa chậm, mạch máu bị co rút (trừ những mạch nằm ở cơ bắp lớn, sẽ phình ra), thính lực của bạn giảm, tầm nhìn của bạn thu hẹp, nhịp tim của bạn tăng lên và miệng bạn trở nên khô khốc bởi vì tuyến lệ điều tiết làm cho nước bọt tiết ra ngay khi bị ức chế. Tất cả những điều này là quan trọng nếu bạn đang đối diện với tình trạng đấu tranh cho sự sống còn, nhưng kiểu phản ứng cấp với căng thẳng này chỉ mang tính tạm thời. Sống trong trạng thái căng thẳng kéo dài sẽ gây ra những hậu quả cả về tâm lý lẫn sinh lý – giận dữ, suy sụp, lo lắng, đau ngực, đau đầu, mất ngủ, và suy giảm hệ miễn dịch.
(8) Fight-or-flight: Phản ứng chiến - hay - chạy, hay còn được gọi là phản ứng tăng nhạy cảm quá độ, xảy ra khi cơ thể cảm nhận một mối đe dọa hay nguy hiểm sống còn. Người đầu tiên đề cập đến phản ứng này là Walter Bradford Cannon. Theo ông, đứng trước những đe đọa, động vật sẽ tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu hay chạy trốn.
(9) Epinephrine, hay còn gọi là adrenaline, là một hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm.
Rất lâu trước khi mọi người bắt đầu nói về những hormone do căng thẳng, Ruth đã dạy tôi điều chỉnh phản ứng sinh lý của mình với những căng thẳng triền miên và những đe dọa. Hôm nay, khi tôi bước vào phòng mổ, tôi có thể làm chậm nhịp thở, điều hòa huyết áp của mình, và duy trì nhịp tim chậm. Khi tôi nhìn qua kính hiển vi và tiến hành phẫu thuật những phần tinh vi nhất của não bộ, đôi tay tôi vững vàng và cơ thể tôi thả lỏng là bởi những gì Ruth đã dạy tôi trong cửa hiệu nhiệm màu ấy. Thực tế là, nếu không vì Ruth, có thể tôi đã không trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Học cách thả lỏng cơ thể vốn và vẫn mang đến nhiều sức mạnh, nhưng đó chỉ là khởi đầu. Mất đến mười ngày để Ruth đưa tôi đến giai đoạn tôi có thể thả lỏng toàn bộ cơ thể mình. Ngày thứ mười một, tôi đạp xe đến cửa hiệu, ngồi trên ghế, nhắm mắt lại và đợi Ruth hướng dẫn tôi quá trình thả lỏng. Nhưng Ruth có một dự định khác.
– Mở mắt ra đi Jim. Đã đến lúc làm gì đó với những giọng nói trong đầu con.
Bí quyết thứ nhất của Ruth
Thả lỏng cơ thể
1. Tìm một thời điểm và địa điểm để thực hiện bài tập này mà không bị làm gián đoạn.
2. Đừng bắt đầu nếu bạn đang quá căng thẳng, bị vô số thứ làm phân tâm, hay vừa uống rượu, sử dụng chất kích thích, hoặc đang mệt mỏi.
3. Trước khi bắt đầu, hãy ngồi xuống vài phút và thư giãn. Nghĩ về những gì bạn muốn đạt được qua bài tập này. Xác định mục đích của mình.
4. Giờ thì nhắm mắt lại.
5. Bắt đầu hít sâu ba lượt qua mũi và chầm chậm thở ra qua miệng. Lặp lại cho đến khi bạn quen với kiểu hít thở này để bản thân việc hít thở không còn khiến bạn phân tâm.
6. Khi bạn cảm thấy thoải mái với kiểu hít thở này, hãy hình dung thật chính xác bạn đang ngồi như thế nào và tưởng tượng rằng bạn đang nhìn vào chính mình.
7. Giờ tập trung vào những ngón chân của bạn và thả lỏng chúng. Và giờ tập trung vào bàn chân, thả lỏng các cơ bắp. Tưởng tượng chúng gần như tan chảy ra khi bạn tiếp tục hít vào thở ra. Chỉ tập trung vào ngón chân và bàn chân. Khi mới bắt đầu, bạn sẽ dễ bị phân tâm hoặc để tâm trí đi lang thang. Khi xảy ra việc đó, chỉ việc bắt đầu lại, thả lỏng cơ trên ngón chân và bàn chân.
8. Một khi bạn có thể thả lỏng ngón chân và bàn chân của mình, hãy mở rộng lên trên, thả lỏng bắp chân và đùi.
9. Tiếp đó, thả lỏng cơ bắp vùng bụng và ngực.
10. Tiếp theo, tập trung nghĩ về xương sống của bạn và thả lỏng toàn bộ vùng cơ dọc theo sống lưng, ngược lên vùng vai và cổ.
11. Cuối cùng, thả lỏng cơ mặt và da đầu của bạn.
12. Khi bạn có thể kéo dài sự thả lỏng của các cơ bắp trên cơ thể, hãy chú ý đến sự tĩnh lặng đang chiếm lấy bạn. Cảm giác đó rất tuyệt. Thời điểm đó, không có gì bất thường khi bạn cảm thấy buồn ngủ hoặc thậm chí thiếp đi. Việc đó hoàn toàn ổn. Có thể sẽ cần nhiều cố gắng để đạt đến giai đoạn này và có khả năng duy trì cảm giác thả lỏng này mà không rơi vào trạng thái buồn ngủ. Hãy kiên nhẫn. Hãy dịu dàng với chính mình.
13. Giờ hãy tập trung vào trái tim bạn và nghĩ về việc thả lỏng cơ tim trong lúc hít vào thở ra thật chậm. Bạn sẽ nhận ra nhịp tim của mình chậm lại khi nhịp thở chậm và khi cơ thể bạn được thả lỏng.
14. Hình dung cơ thể bạn, giờ đã hoàn toàn được thả lỏng, và trải nghiệm cảm giác của sự sống đơn thuần trong khi bạn chậm rãi hít vào thở ra. Hãy cảm nhận sự ấm áp. Rất nhiều người sẽ cảm thấy như họ đang trôi bồng bềnh và bị xâm chiếm bởi cảm giác điềm tĩnh. Tiếp tục chậm rãi hít vào và chầm chậm thở ra.
15. Hãy ghi nhớ cảm giác thả lỏng, điềm tĩnh và ấm áp này.
16. Giờ hãy mở mắt ra thật chậm. Ngồi một vài phút, mở mắt và không nghĩ ngợi về điều gì trong đầu.
Hít thở và thả lỏng là bước đầu tiên hướng đến việc thuần hóa tâm trí.