M
ột ảo thuật gia tài ba sẽ báo hiệu cho khán giả rằng anh ta sắp biểu diễn màn ảo thuật tiếp theo. Một ảo thuật gia vĩ đại có thể khiến cho khán giả trúng “bùa mê” của anh ta trước cả khi họ nhận ra anh đã chuyển sang màn ảo thuật kế tiếp.
Và Ruth chính là một ảo thuật gia vĩ đại.
Tôi chưa bao giờ biết rằng có những giọng nói trong đầu mình cho đến khi Ruth chỉ ra việc đó. Tôi chưa từng biết chúng đã ồn ào ra sao cho đến khi Ruth đề nghị tôi cố gắng khiến chúng im lặng. Rèn luyện cho cơ thể tôi thả lỏng đã là việc khó khăn – đặc biệt là ở nhà, trong một căn hộ chật chội với chiếc tivi gần như luôn om sòm và mỗi hơi thở sâu đều đẫm mùi khói thuốc lá cũ mốc lơ lửng đầy trong không khí. Nhưng nếu thả lỏng cơ thể mình đã khó, thì việc làm tĩnh lặng tâm trí dường như là điều bất khả.
Tôi đã đến cửa hiệu ảo thuật trong mười ngày và theo nhiều cách thì ở đó thoải mái hơn chính ngôi nhà của tôi nhiều. Tôi thích sự tĩnh lặng và êm ả. Sau mấy ngày đầu học tập, Ruth bắt đầu chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày. Chúng tôi sẽ hoàn thành buổi tập của mình, rồi ra gian trước của cửa tiệm, và sẽ có một hộp Tupperware(1) màu xanh lá thật lớn với một khay nhựa trắng bên trong, thường chứa hoa quả cắt sẵn, phô mai và bánh quy hay các loại hạt. Loại hạt duy nhất mà tôi thích ăn là hạt Corn Nuts(2), nhưng tôi cũng đã thử hết các loại hạt của Ruth dù một số loại thật lạ lùng. Sẽ luôn có món yêu thích của tôi là bánh quy Chips Ahoy!. Nếu Neil không bận, anh sẽ cùng ăn với chúng tôi và kể những câu chuyện của anh hoặc biểu diễn cho tôi xem một trò ảo thuật mới, hoặc cho tôi xem những lá bài mới nhất anh vừa làm. Neil vẫn thích vừa ăn vừa trò chuyện. Mặc dù chúng tôi là một nhóm lẻ và là một bộ ba tạm bợ, tôi vẫn nhanh chóng cảm thấy gần gũi với họ. Kiểu như họ là gia đình tôi vậy. Tôi không phải trở thành người trông coi trong cửa hiệu gia đình này, và mỗi ngày hai giờ đồng hồ tôi đều nhận được sự quan tâm trọn vẹn từ họ. Chúng tôi trò chuyện và cười đùa, có một cảm giác thanh thản vào những lúc đó, không như ở nhà tôi, nơi luôn có những chủ đề cấm kỵ nhất định và luôn tiềm ẩn những cơn cuồng nộ, oán hận có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
(1) Một hãng chuyên sản xuất các loại vật dụng gia đình bằng nhựa.
(2) Một thương hiệu thức ăn nhẹ nổi tiếng ở Mỹ với sản phẩm chính là hạt bắp.
Neil luôn bắt đầu mỗi câu chuyện bằng việc đeo cặp kính của anh lên và kiểm tra chúng. Anh mỉm cười với tôi khi bắt đầu câu chuyện. Anh kể một câu chuyện về lần đóng quân ở khu phi quân sự ở Triều Tiên. Anh kể rằng anh và bạn bè đang biểu diễn một màn ảo thuật trong căn tin của họ khi viên sĩ quan chỉ huy đến và ra lệnh họ ngay lập tức phải trình diện tại vĩ tuyến 38 – ranh giới nằm giữa Nam và Bắc Triều Tiên. Anh và hai người đồng đội khác đến điểm tập kết, nhưng quân cảnh ở đó không cho họ vào, bởi vì trong khi họ đã sẵn sàng vũ khí của mình, họ vẫn còn đội chiếc mũ chóp và mặc chiếc áo tôm từ buổi biểu diễn ảo thuật của mình. Tôi không biết liệu câu chuyện này hay bất cứ câu chuyện nào khác mà Neil kể tôi nghe là thật hay chỉ là chuyện phóng đại, nhưng chúng khiến chúng tôi cười. Kiểu cười mà một khi đã bắt đầu chúng ta khó lòng dừng lại. Trong giây phút đó, tôi có thể hoàn toàn thư giãn và xua đi được giọng nói trong đầu tôi mà Ruth đã nhắc tới. Ruth kể tôi nghe câu chuyện của bà về cuộc sống tại một thị trấn nhỏ ở Ohio, nơi mọi người đều quan tâm đến nhau và nơi mà những ngày hè dài đằng đẵng trôi qua cùng với gia đình và bạn bè. Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng Neil nhận tôi là người học việc và dạy tôi tất cả những ngón ảo thuật hay ho nhất của anh. Tôi thậm chí có thể tưởng tượng ra tấm bạt quảng cáo có hình ảnh của hai chúng tôi trong ánh đèn rực rỡ. Buồn cười làm sao khi ta khao khát những trải nghiệm như thế, muốn níu giữ nó mãi và không để nó biến đi. Mối liên kết mà tôi có với Ruth và Neil là đặc biệt và chân thật. Tôi từng cảm nhận mối liên kết đó với những người khác trong đời – đôi khi chỉ là những người tôi gặp ngẫu nhiên trong thang máy, nơi ta nhìn vào mắt nhau và vì một lý do không giải thích được nào đó, có một mối liên kết tồn tại, không đơn giản chỉ là ánh mắt gặp nhau, mà là kiểu thấu hiểu sâu sắc hơn nào đó, một nhận thức về bản chất của nhau và thực tế của việc đi chung một con đường. Và khi điều đó xảy ra, nó sẽ tựa như phép màu nếu ta thật sự suy nghĩ về nó. Những lần khác, tôi từng nhìn vào mắt ai đó là người vô gia cư, hay người đang sa cơ lỡ vận và khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau thì như thể tôi có thể nhìn thấy chính gương mặt tôi đang chằm chằm ngó lại mình; và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, thậm chí kéo dài về sau nữa, tôi đã trải nghiệm nỗi đau của chính hành trình cuộc đời mình và cảm nhận một niềm cảm thông sâu sắc, cùng sự biết ơn vì hành trình ấy đã đưa tôi đến nơi tôi có mặt ngày hôm nay. Mỗi người đều có câu chuyện của mình, và tôi đã học được rằng, ở phần cốt lõi, hầu hết câu chuyện của chúng ta tương đồng nhiều hơn là khác biệt. Sự liên kết có thể mang đầy sức mạnh. Đôi khi chỉ một lần gặp gỡ thoáng qua có thể thay đổi cuộc đời một người mãi mãi.
Và rõ ràng trường hợp của Ruth chính là như vậy. Cuộc gặp gỡ ban đầu ấy đã thay đổi tất cả, đặt cuộc đời tôi vào một quỹ đạo khác xa khỏi quỹ đạo vốn có. Ruth không phải là một đấng siêu nhiên, mặc dù ở tuổi mười hai tôi đã thích tưởng tượng về bà như vậy. Bà đơn giản là một con người với thiên khiếu thấu cảm và trực giác tuyệt vời, có khả năng quan tâm đến người khác mà không mong bất kỳ hồi đáp nào. Bà dành thời gian cho tôi. Bà dành sự ân cần cho tôi. Và bà khai sáng cho tôi một kiểu phép thuật mà tôi vẫn còn sử dụng đến ngày hôm nay. Có những giờ đồng hồ trong cửa hiệu ảo thuật ấy khiến tôi tin chắc rằng mình đang lãng phí thời gian, và rằng tôi chẳng thể học được những gì bà đang cố gắng dạy tôi. Có những lúc khác tôi thật sự nghĩ rằng bà gần như bị điên. Giờ đây tôi đã biết được những phương pháp mà Ruth dạy tôi thuộc về những phương pháp cổ xưa và là một phần của truyền thống phương Đông từ hàng ngàn năm trước. Giờ đây khoa học đã công nhận rằng tính mềm dẻo của thần kinh không chỉ có thật mà còn là một phần vốn có của các chức năng não bộ. Giờ đây tôi đã biết được rằng não bộ có thể được rèn luyện để nâng cao khả năng tập trung và chú tâm của con người, đồng thời không đáp lại những cuộc đối thoại liên tục trong đầu khiến ta bị phân tâm khỏi việc đưa ra những quyết định rõ ràng và hữu ích. Ngày nay điều này đã được hiểu kỹ càng, nhưng vào thời điểm Ruth dạy tôi thì đó là điều chưa được biết tới. Khi Ruth nói với tôi là bà sẽ dạy tôi xua đi những giọng nói trong đầu mình, tôi hoàn toàn không có khái niệm bà đang nói về cái gì, nhưng tôi quyết định dẫu thế nào thì tôi cũng theo đuổi nó tới cùng.
– Thả lỏng vai của con. Rồi thả lỏng cổ. Và rồi thả lòng hàm. Cảm nhận cơ mặt của con giãn ra. – Bà nói, tất cả những điều này tôi đều đã biết cách làm.
Ruth vẫn lần nữa dẫn dắt tôi thả lỏng cơ thể mình, giọng nói dịu dàng của bà khiến cơ thể tôi cảm thấy nhẹ nhàng đến nỗi tôi sẽ không ngạc nhiên lắm nếu tôi bay lượn khỏi chiếc ghế, bay lên như một lá bài được rút khỏi bộ bài ảo thuật nào đó của Neil.
– Giờ ta muốn con làm rỗng đầu óc của mình.
Cái này thì mới tinh. Đột nhiên, tôi cảm thấy trọng lượng cơ thể mình lại đè lên ghế. Chính xác thì Ruth đang nói về cái gì? Làm thế nào tôi có thể làm rỗng đầu óc mình? Suy nghĩ của tôi vào cuộc và tôi mở mắt ra để thấy Ruth đang mỉm cười với mình.
– Đây là một mẹo khác. – Bà nói.
– Dạ được. Con phải làm như thế nào?
– Chà, việc này sẽ hơi phức tạp một chút bởi vì tâm trí của con sẽ suy nghĩ về việc suy nghĩ, và vào giây phút tâm trí con làm vậy, con sẽ phải ngừng suy nghĩ về việc suy nghĩ trong khi không nghĩ gì về việc đó cả.
Cái gì kia?
– Con có biết người dẫn chuyện là gì không?
– Dạ biết. – Tôi nói. – Giống như bà hướng dẫn con bí quyết về sự thả lỏng vậy.
Ruth vỗ tay hai cái và khẽ cười.
– Khi con thực hành thư giãn tại nhà, con làm như thế nào?
Tôi suy nghĩ về chuyện đó một chút.
– Con làm y như con làm ở đây.
– Thế thì, ta không có ở đó để dẫn dắt con, vậy ai đã dẫn dắt con?
– Là bà, nhưng điều đó diễn ra trong đầu con.
– Nhưng ta đâu thật sự ở trong đầu con, vậy ai mới là người dẫn dắt?
Theo như tôi đã cân nhắc thì đó chính là giọng nói của bà bảo tôi tập trung và thả lỏng từng cơ bắp trên người tôi.
– Đó là giọng của bà.
– Nhưng đó đâu thật sự là ta, vậy thì đó là ai?
Tôi đã đoán được bà muốn tôi trả lời như thế nào.
– Đó là con ư?
– Đúng vậy, đó là con, con đang nói chuyện với chính con trong đầu mình, và nó nghe giống như ta đang nói bởi vì con muốn như vậy. Người dẫn dắt này rất giỏi trong việc hóa thân. Nó có thể nghe giống như bất kỳ ai.
– Dạ.
– Chúng ta đều có giọng nói không ngừng trò chuyện trong đầu chúng ta như vậy. Từ giây phút chúng ta thức dậy cho đến khi đi ngủ. Nó luôn hiện diện. Hãy nghĩ về nó xem. Nó giống như một trong những DJ(3) trên truyền thanh sẽ nói cho ta biết điều gì sắp diễn ra vậy. Nó cho ta biết danh sách chương trình mỗi giây trong ngày.
(3) DJ ở đây là người giới thiệu và phát nhạc trên đài truyền thanh.
Tôi suy nghĩ về điều này. Tôi có nghe đài truyền thanh Boss, chương trình Top 40 bài hát, đài phát thanh KHJ-AM với tần số 930 khz ở Los Angeles. Tôi tưởng tượng “the Real Don Steele”(4) đang dẫn dắt cuộc đời tôi.
(4) The Real Don Steele là nghệ danh của Don Steele, một trong những DJ nổi tiếng nhất của Mỹ thập niên 1960.
– Hãy tưởng tượng người DJ này ở trong đầu con, nói với con về tất cả mọi chuyện trong suốt một ngày. Con đã quá quen thuộc với nó đến nỗi con hẳn đã không nhận ra rằng đài phát thanh trong đầu con đã bật âm lượng hết cỡ và không bao giờ bị tắt đi cả.
Thật vậy sao? Tôi không chắc nữa. Trước giờ tôi chưa từng để ý đến nó. Tôi luôn luôn nghĩ về chuyện này chuyện nọ, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ thật sự suy nghĩ về việc suy nghĩ cả.
– Giọng nói này trong đầu con phán xét từng giây phút trong đời con là tốt hay xấu. Và tâm trí con phản ứng lại những gì giọng nói này nói với con. Như thể nó thật sự biết con vậy. – Ruth nói điều này với sự nhấn mạnh, như thể tôi sẽ bị sốc hay bị sỉ nhục bởi tôi nghĩ về chính mình. Tôi hoàn toàn bối rối. – Vấn đề là phản ứng của con thường chưa hẳn là tốt cho con.
– Vậy là, chính con ở trong đầu mình, vậy con không biết chính con sao?
– Không. Con không phải là giọng nói trong đầu con. Con, một “con” thật sự, chính là người đang lắng nghe người DJ kia.
Tôi tự hỏi không biết Ruth nghĩ có bao nhiêu người đang sống bên trong tôi. Có thể bà nghe thấy nhiều giọng nói trong đầu mình, nhưng tôi khá chắc là chỉ có mình tôi ở trong đầu tôi thôi, chứ chẳng có người DJ nào nói với tôi về thời tiết hay về ca khúc tiếp theo cả.
– Đây là điều mà ta muốn con hiểu. Con không thể tin tưởng tiếng nói trong đầu mình, giọng nói mà lúc nào cũng lải nhải với con ấy. Nó thường sai nhiều hơn đúng. Con có thể nghĩ về bài học này như là học cách vặn nhỏ âm lượng của giọng nói xuống và thậm chí là tắt nó đi hoàn toàn. Khi đó con sẽ hiểu ta đang nói về điều gì.
– Con nghĩ là con có thể thử cố gắng. – Tôi nói với Ruth.
– Người DJ đang nói gì với con ngay lúc này? Ngay giây phút này, trong đầu con ấy?
Tôi nghĩ về những gì tôi vừa nghĩ.
– Anh ta nói rằng con hoàn toàn không biết bà đang nói về cái gì cả, và chuyện này rồi sẽ chẳng đâu vào đâu.
Người DJ còn nói rằng toàn bộ chuyện này nghe có vẻ thật sự lố bịch, nhưng tôi sẽ không nói với Ruth điều đó đâu.
Bà mỉm cười với tôi.
– Tốt lắm. Con thấy đó, con vừa nghĩ về những gì con suy nghĩ. Đó là bước đầu tiên của bí quyết này.
Tôi gật đầu như thể tôi đã hiểu.
– Chúng ta sẽ thực hành nghĩ về việc nghĩ. Giờ con nhắm mắt lại và dành vài phút để thả lỏng cơ thể con lần nữa.
Tôi nhắm mắt lại và trải qua chuỗi quá trình thả lỏng mà tôi đã thực hành hàng trăm lần cho đến lúc này. Tôi bắt đầu với ngón chân của mình và di chuyển dần lên đến đỉnh đầu… mọi thớ cơ đều được thả lỏng khi tôi nghĩ về chúng trong đầu mình. Ngay lúc này, tôi cảm thấy thật tuyệt, như thể đang nằm trong một bồn tắm đang chầm chậm dâng đầy nước ấm vậy.
– Tập trung vào hơi thở của con. – Ruth nói. – Hít vào và thở ra. Chỉ nghĩ về hơi thở của con thôi. Không nghĩ gì khác ngoài hơi thở.
Tôi hít một hơi thật sâu bằng mũi và từ từ thở ra. Rồi một hơi khác. Sau vài hơi thở nữa, tôi bỗng cảm thấy một cơn ngứa trên mặt, tôi đưa tay lên gãi, và khi đó tôi sờ thấy một chỗ sưng. Tôi hy vọng đó không phải là một cái mụn đang nổi lên. Có một cô bé mà tôi thích vừa chuyển vào căn hộ tầng trên ở khu phức hợp. Cô nàng tên là Chris. Cô có mái tóc dài đen nhánh phủ gần tới hông. Tôi đã nói chuyện với cô nàng vào ngày đầu tiên tôi nhìn thấy cô và sau đó không ngừng tự hỏi liệu cô có nghĩ tôi là một thằng dở hơi không. Cô nàng khá tử tế và đã mỉm cười trong lúc trò chuyện với tôi. Liệu cô sẽ cân nhắc chuyện hẹn hò với tôi chứ? Tôi bỗng nhớ tới chiếc răng cửa xiên xẹo của mình và vội lấy môi trên che nó đi. Không đâu, cô ấy sẽ không đâu. Tôi đã nghĩ gì vậy chứ? Những cái mụn và hàm răng lồi lõm, trời ạ! Tôi vẫn nhớ khi cô ấy nhìn tôi, và rồi xoay người bước đi. Tôi nào xứng đáng với cô ấy.
– Tiếp tục tập trung vào hơi thở của con. Nếu người DJ trong đầu con bắt đầu lên tiếng, hãy ngừng lắng nghe nó và quay lại tập trung vào hơi thở của con.
Tâm trí tôi đã trôi dạt và tôi thậm chí không hề nhận ra. Tôi quay lại tiếp tục suy nghĩ về hơi thở của mình, nhưng sau đó lại bắt đầu nghĩ về chuyện giao du với một cậu bạn trong lớp tôi. Cậu ấy sống trong khu nhà “xịn” của thị trấn. Cha cậu ấy sở hữu một công ty xây dựng, họ sống trong một ngôi nhà to đùng và cha mẹ cậu thì lái một cặp xe Cadillac. Năm ngoái, có một lần cậu ấy mời tôi đến nhà ăn tối, và trong bữa ăn mẹ cậu hỏi tôi sống ở đâu và cha tôi làm công việc gì. Tôi chỉ muốn chui xuống dưới gầm bàn và biến mất luôn cho rồi. Cha tôi thất nghiệp và từng bị bắt không chỉ một lần vì say xỉn và gây rối trật tự. Đó không phải là điều tôi có thể kể với bà và hẳn cũng không phải là điều bà muốn nghe.
Tôi lại làm vậy nữa rồi. Tôi đã nghĩ về điều gì đó khác hơn là chỉ tập trung vào hơi thở của mình. Vụ này khó thật. Tôi không làm được. Có vẻ tôi chỉ tập trung được vào chừng năm hơi thở, rồi lại bắt đầu suy nghĩ về những thứ khác. Tôi quyết định sẽ đếm xem mình tập trung được vào bao nhiêu hơi thở, nhưng rồi tôi nhận ra nếu tôi đếm hơi thở thì nghĩa là tôi vẫn suy nghĩ thôi. Chuyện này thật sự bất khả thi. Có thật là người ta có khả năng làm được chuyện thế này không? Ruth có làm được không? Bà có thể hít thở bao nhiêu nhịp mà không suy nghĩ về việc gì đó khác? Tôi có nên hỏi bà không? Ruth có tốn nhiều thời gian để học mẹo này không hay chỉ là tôi quá kém cỏi? Dù thế nào thì mục đích của trò này là gì? Và tôi cứ tiếp tục nghĩ mãi những điều như thế.
Tôi cố gắng hết sức mình để làm chậm suy nghĩ của mình lại, nhưng có vẻ như tâm trí tôi không có khả năng ngồi yên một chỗ như cơ thể tôi. Liệu Ruth có biết tôi chỉ đang giả vờ thôi không?
– Mở mắt ra đi.
Tôi nhìn Ruth. Tôi đã hoàn toàn thất bại trong vụ này.
– Khó quá. – Tôi nói. – Con không làm được.
– Con có thể làm mọi thứ, Jim à.
– Chuyện này thì không.
– Chỉ cần luyện tập thôi. Cố gắng dừng suy nghĩ của con chỉ trong một giây. Rồi sau đó nhiều giây hơn. Rồi sau đó nhiều hơn chút nữa.
– Con thật sự không giỏi vụ này lắm.
Ruth chỉ nhìn tôi và không nói gì trong vài giây.
– Bất cứ ai từng cố gắng thực hành bài này ban đầu đều nói y như con vậy. Con có thể giỏi ở bất cứ thứ gì con muốn. Ngay cả chuyện này. Con chỉ là chưa nhận ra thôi.
Tôi đột nhiên cảm thấy nỗi đau của tôi mỗi khi tôi thấy mình không đủ giỏi giang, hay không thuộc về đâu cả, hay không thể đảm đương việc gì. Và cứ thế tôi cảm thấy mắt mình bắt đầu cay cay. Cứ thỉnh thoảng, trong khoảng thời gian ngồi với Ruth, những cảm giác này lại trỗi dậy, tôi lại cảm thấy muốn vùi đầu mình xuống và khóc lên.
– Khi tâm trí con đi lang thang khỏi hơi thở của con, đó hoàn toàn không phải là chuyện tốt hay xấu. Nó chỉ diễn ra như vốn dĩ thôi. Con chỉ cần để ý đến nó. Rồi dẫn dụ nó quay lại với hơi thở của con. Giúp nó tập trung lại. Chỉ vậy thôi. Con chỉ cần cho tâm trí con thấy ai mới là người kiểm soát ở đây. Tất cả những gì ta muốn con làm là hãy chú ý mỗi khi con suy nghĩ. Sau đó, con sẽ bắt đầu nhận thấy khi nào thì tâm trí con không còn đi lang thang khắp nơi nữa.
– Con sẽ luyện tập.
– Tuyệt vời. Đó là tất cả những gì con có thể làm. Luyện tập, luyện tập, và luyện tập nhiều hơn.
– Bà cũng đã làm như vậy sao? – Tôi hỏi.
– Chính xác như vậy. – Bà nói. Tôi cảm thấy khá hơn rồi.
– Con có cần thả lòng cơ thể con trước không?
– Thả lỏng trước, rồi tĩnh tâm bằng việc thuần hóa suy nghĩ của con. Đến cuối cùng, tất cả những bí quyết ta dạy cho con sẽ thông với nhau và con sẽ có thể thả lỏng, làm lắng dịu tâm trí mình cùng một lúc, còn bây giờ thì con phải thực hiện từng bước một.
HÔM ĐÓ TÔI VỀ NHÀ quyết tâm sẽ làm chủ kỹ thuật làm tên DJ khó chịu trong đầu tôi phải im lặng. Cha tôi vẫn đi vắng khi tôi về đến nhà, và mẹ tôi vẫn đang nằm trên giường trong phòng bà. Tôi ngồi thinh lặng trong phòng mình, tập trung vào việc tắt đi tiếng nói trong đầu, chầm chậm hít vào thở ra, nhưng sự tĩnh lặng dường như còn khiến âm thanh trong đầu tôi trở nên ồn ào hơn. Tôi biết cha tôi lại đang trong một cuộc chè chén say sưa và bất cứ lúc nào ông cũng có thể ập qua cánh cửa kia trong trạng thái cực kỳ say xỉn hoặc cực kỳ chếnh choáng. Nó như một cảnh tượng trong cuộc sống của tôi mà được đặt chế độ lặp đi lặp lại không ngừng, không bao giờ thay đổi. Ông sẽ bước vào cửa, cha mẹ tôi sẽ cãi nhau to, ông sẽ đổ lỗi cho mẹ về mọi sai lầm của ông trong quá khứ, và rồi ông đưa ra những hứa hẹn tương lai, những lời hứa mà ông không bao giờ giữ được. Cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác.
Nếu có bất kỳ ai trong nhà để ý thấy tôi đang ngồi trên một cái ghế với hai mắt nhắm nghiền, thường thì cũng sẽ chẳng có ai buồn lên tiếng về chuyện đó. Không ai hỏi tôi đang làm gì. Không ai hỏi tôi đang nghĩ gì. Và chắc chắn chẳng ai hỏi xem tôi cảm thấy ra sao. Tôi cố gắng hết sức luyện tập những bí quyết mà Ruth dạy, nhưng những ngày mà cha tôi vắng nhà, tôi chỉ có thể không ngừng lo lắng và tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi ông rốt cuộc cũng xuất hiện. Cuộc cãi vã sẽ bắt đầu như thế nào? Nếu mẹ tôi lại dùng thuốc quá liều nữa thì sao? Tôi cố gắng không nghĩ đến nữa, nhưng không thể được. Liệu tôi nên gọi cảnh sát hay xe cấp cứu? Tôi sẽ phải nói chuyện với ai? Tôi giải thích như thế nào chuyện anh trai tôi đang trốn dưới một góc nào đó trong phòng tôi khi ai đó đến giúp mẹ? Liệu họ có bắt cha tôi đi không? Tôi cố gắng tập trung tâm trí vào hơi thở của mình, nhưng tâm trí tôi chỉ gợi lên hết viễn cảnh tồi tệ này đến viễn cảnh tồi tệ khác – mỗi viễn cảnh đều bắt đầu với việc cha tôi bước qua cánh cửa. Cũng giống như khi ta biết có một cơn bão sắp ập đến nhưng quá sợ hãi đến cứng người nên ta chẳng thể chạy trốn hay che chắn gì. Thỉnh thoảng tôi có những giấc mơ như thế. Ác mộng thật sự. Những cơn ác mộng mà tôi mở miệng hét to để cảnh báo đến ai đó nhưng lại chẳng có âm thanh nào bật ra.
Có vẻ như Ruth biết tôi đang phải chật vật thế nào, bởi vì vài ngày sau bà đã thay đổi phương pháp với tôi.
– Hãy thử một cách khác để ngăn những suy nghĩ trong đầu con nhé.
Ruth mang theo một ngọn nến và thắp nó lên bằng một que diêm nhỏ. Bà đặt ngọn nến lên bàn. Bà bảo tôi dời ghế để ngồi đối diện với ngọn nến.
– Ta muốn con tập trung vào ngọn nến. Vào ánh lửa trên ngọn nến.
Bà muốn tôi hít thở sâu, hít vào thở ra và nhìn chằm chằm vào ngọn nến.
– Chỉ nghĩ về ánh lửa đó thôi. Mỗi khi tâm trí con lại lang thang, hãy tập trung lại ở ánh lửa.
Theo một cách nào đó, rõ ràng khi mở mắt, tôi lại dễ làm dịu tâm trí mình hơn. Mỗi khi tôi nhắm mắt lại và mọi thứ chìm vào bóng tối, cũng là lúc những lo lắng tồi tệ nhất trong tôi lại ùa ra. Trong bóng tối không có chút gì gây xao nhãng đó, từng nỗi sợ lại như hiện lên và hoành hành. Bao giờ thì chúng tôi lại bị đuổi đi nữa? Tại sao cha tôi cứ lại phải uống rượu chứ? Mẹ tôi liệu có thể nào khỏe lại được không? Khi nào thì gia đình chúng tôi mới có tiền? Tại sao tôi không thể hàn gắn lại gia đình này? Tôi bị làm sao vậy? Khi nhìn vào ánh lửa trên ngọn nến, tôi như thể bị cuốn vào đó. Tôi có thể tập trung vào phần màu xanh ở chân ngọn lửa, rồi đến màu cam ở giữa, thứ trông giống như viên kẹo bắp trong mùa Halloween vậy. Đôi lúc tôi sẽ tập trung vào phần màu trắng trên ngọn lửa. Có cảm giác gần như tôi có thể đi vào trong ánh lửa. Việc khiến gã DJ trong đầu tôi im lặng trở nên dễ hơn nhiều bằng việc nhìn chằm chằm vào một ngọn lửa cứ lay động nhẹ nhàng theo từng hơi thở của tôi. Nó còn gợi nhớ trong tôi về khoảng thời gian khi những người bạn của gia đình mời chúng tôi đến một căn nhà gỗ trên núi nhiều năm về trước. Trong nhà có một cái lò sưởi và tôi nhớ mình đã ngồi sưởi trước nó. Đó là giai đoạn ngắn ngủi mà cha tôi có việc làm. Ông từng có lúc không hề say xỉn. Cha mẹ tôi hòa thuận và sức khỏe của mẹ tôi hình như khá hơn bây giờ. Tôi đã ngồi trước đống lửa đó, nhìn vào ánh lửa bập bùng và trong một lúc tôi như chìm vào đó. Tôi thấy ấm áp. Tôi thấy tốt đẹp. Và tôi thấy hạnh phúc.
Tôi dành nhiều giờ đồng hồ trong những tuần lễ đó với Ruth để chỉ nhìn những ngọn nến. Những ngày này, ánh sáng từ ngọn nến đã đưa tôi đến trạng thái bình tĩnh hơn. Hôm đầu tiên đó, trong nhà tôi không có nến. Tôi nhớ mình đã đi cùng một người bạn đến nhà thờ Công giáo mấy tuần trước đó bởi vì bà của cậu ấy bị bệnh, và cậu đã thả đồng một hào vào một cái hộp bên trong nhà thờ, rồi thắp một ngọn nến và cầu nguyện. Chuyện đó hơi lạ lẫm với tôi. Trên đường về, tôi đánh vòng về phía nhà thờ và lấy hai ngọn nến cùng mấy que diêm, rồi để lại mười lăm xu mà tôi có trong túi. Và mỗi đêm, tôi vật lộn và nhìn chằm chằm vào ngọn nến, cố gắng kéo dài những khoảng trống trong suy nghĩ của mình.
Là một bác sĩ phẫu thuật, tôi vẫn thường nghe những bệnh nhân của mình miêu tả họ trải qua những cơn đau nghiêm trọng hơn về đêm như thế nào – nhưng không phải những cơn đau của họ trở nên tồi tệ hơn về đêm, chỉ là đêm đến không có gì làm phân tán tâm trí họ khỏi cơn đau thôi. Tâm trí trở nên tĩnh lặng và cơn đau vẫn hiện diện đó bắt đầu gào thét. Nguyên do tương tự như khi mắt chúng ta chợt mở lúc hai giờ sáng, mọi âu lo về tương lai và những hối tiếc về quá khứ cứ hiện ra từ màn đêm.
Ruth dạy tôi cách kiểm soát tâm trí. Bằng việc đó, bà đã giúp tôi ngăn lại việc hồi sinh đài phát thanh trong đầu tôi về những cảm giác tội lỗi và tủi hổ trong quá khứ, cũng như những âu lo và sợ hãi về những viễn cảnh tương lai. Hoặc có lẽ quan trọng hơn nữa là bà đã dạy tôi không phản ứng một cách quá xúc động với những suy nghĩ này như trước đây. Bà dạy tôi rằng ước mong quá khứ khác đi là vô nghĩa và lo lắng về những điều khiếp sợ của tương lai, những điều tôi không thể điều khiển được, là hoàn toàn vô ích.
Tổng cộng chúng tôi phải mất ba tuần để tập luyện ba cách khác nhau giúp tôi nhận thức được suy nghĩ của mình và mang đến sự tĩnh lặng cho tâm trí. Tập trung vào hơi thở, nhìn chăm chú ánh đèn và phương pháp cuối cùng – niệm chú.
– CON CÓ BIẾT thần chú là gì không, Jim?
Tôi lắc đầu. Tôi chẳng có chút khái niệm nào cả.
– Nó giống như một bài hát hay một kiểu âm thanh mà con tạo ra để giúp con tập trung vào tâm trí mình. Cũng giống như con đã tập trung bằng hơi thở và ngọn nến vậy, đây là một phương pháp khác để đánh lừa tâm trí con.
Tôi nhìn bà lần nữa, để ý thấy bà đang đeo một chiếc vòng cổ có một cái còi và một cái chuông. Đó có phải là thứ mà bà đang nói không? Khoảnh khắc bà rướn người về phía tôi và chiếc chuông nhẹ rung lên, tôi suýt nữa đã bật cười. Bà cúi nhìn xuống cái chuông và cười:
– Không, đây không phải là thứ ta đang nói đến đâu.
– Âm thanh kiểu gì ạ? – Tôi bỗng có cảm giác chuyện sắp trở nên kỳ cục.
– Còn tùy. Người ta thường nói một từ mà họ cho rằng quan trọng với mình hoặc một cụm từ có ý nghĩa ma thuật nào đó. Nhưng nó có thể là bất cứ thứ gì. Từ ngữ không thật sự quan trọng, âm thanh mới là thứ đáng kể.
– Vậy con phải nói gì? – Tôi hỏi.
– Chuyện đó tùy con thôi. Bất kể là gì, con sẽ nhẩm đi nhẩm lại nó hết lần này đến lần khác.
– Nhẩm thành tiếng ư?
– Không, nhẩm với chính mình thôi.
Chuyện này dứt khoát sẽ trở nên quái dị rồi. Tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về những từ ngữ quan trọng mà tôi phải dùng cả. Những từ ngữ duy nhất mà tôi luôn nói đi nói lại trong đầu mình là những tiếng chửi thề, và tôi khá chắc chắn đó không phải là thứ Ruth đang nghĩ đến.
– Vậy sẽ là cái gì đây? – Ruth kiên nhẫn đợi tôi nói ra từ ngữ diệu kỳ nào đó, và tôi thì hoàn toàn chẳng nghĩ ra cái gì.
– Con không biết. – Tôi biết rằng trong phép thuật thì từ ngữ là vô cùng quan trọng. Úm ba la vừng ơi mở ra. Mấy chữ này hẳn là thích hợp để dùng.
– Từ ngữ đầu tiên hiện lên trong đầu con là gì? Từ gì cũng được mà.
– Chris! – Tôi tự nhủ. Đó là tên cô nàng ở tầng trên. Tôi lục lọi trong đầu về những gì tôi đã nghĩ đến, tìm một từ có thể thích đáng. Nhưng tôi chẳng nghĩ được gì khác cả. Đột nhiên, hình ảnh một tay nắm cửa (knob) hiện lên trong đầu tôi. Một tay nắm tròn. Chris knob. Đến hôm nay tôi vẫn không biết được mình đã nghĩ ra tổ hợp từ ngữ ấy kiểu gì, hay ý nghĩa của nó với tôi lúc ấy ra sao.
Ruth nhìn tôi:
– Vậy, con nghĩ ra chưa?
– Rồi. – Tôi trả lời, nhưng rồi đột nhiên tôi thấy xấu hổ. Tôi đã chọn sai từ rồi. Mấy từ này sẽ nghe thật là ngu và hẳn nhiên là chẳng có tác dụng gì đâu.
– Giờ hãy tự nhẩm từ đó với chính mình đi, một cách chậm rãi thôi, và giãn khoảng cách mỗi từ ra khi con nói nhé.
– Chrissss… Knobbbbbb… – Tôi lẩm bẩm với chính mình.
Tôi lặp lại vài lần trong một lúc.
– Giờ ta muốn con tự niệm với mình. Lặp đi lặp lại trong mười lăm phút tới.
Ruth nhìn tôi và tôi chắc mình đã nhìn lại bà như thể tôi nghĩ bà lẩm cẩm rồi.
– Cứ tập trung tâm trí con vào thanh âm của từng từ. Đừng nghĩ về điều gì khác cả.
Ruth đã đúng. Thật khó để nghĩ về bất cứ cái gì khác khi đang niệm câu thần chú mình tự chế. Và mặc dù tôi không ngừng lặp lại cụm từ kết hợp bởi Chris vàKnob, nhưng tôi lại chẳng thể tập trung vào cô nàng hoặc vào cái nắm cửa. Chẳng còn quan trọng nữa cái việc cô nàng có biết đến sự tồn tại của tôi hay không, hay việc cô nàng nghĩ gì về mấy cái răng của tôi, hay liệu cô nàng có để ý đến mấy cái mụn của tôi không. Đó không còn là trọng điểm nữa. Trọng điểm là tôi không còn nghe thấy gã DJ trong đầu nữa. Anh ta đã ngừng hoạt động rồi.
TÔI LUYỆN TẬP CÂU THẦN CHÚ của mình tại nhà. Thỉnh thoảng tôi tập hàng giờ liền. Bởi lẽ giờ tôi đã hiểu, đó là thứ giúp tôi tĩnh lặng đến không ngờ. Lặp lại. Có chủ đích. Là phương thức tin cậy nhất để thay đổi não bộ. Bằng việc kết hợp với kỹ thuật hít thở mà Ruth đã dạy tôi với việc, hoặc là nhìn vào ánh nến, hoặc là lặp lại chậm rãi câu thần chú của mình, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
Rốt cuộc, cha tôi cũng đã về nhà. Lần này ông cũng say và dằn vặt. Mẹ tôi bước ra khỏi phòng bà, và chuyện xảy ra lần nữa. Cuộc cãi vã như thường lệ, nhưng lần này còn kèm theo một thực tế là chúng tôi vừa được gửi thông báo siết nhà. Tôi đã ở trong phòng mấy giờ đồng hồ để luyện tập hít thở và tự nhẩm thần chú. Vì lẽ gì đó mà tôi không giải thích được, tôi đã bước vào phòng khách và nói với cha mẹ rằng tôi yêu họ. Tôi nhận ra mình đã có cái nhìn hoàn toàn khác với cha mẹ. Tôi trở về phòng. Tôi không cảm thấy giận dữ hay buồn bã. Tôi chấp nhận hoàn cảnh. Vài phút sau, tôi nhận ra mình đã chẳng nghe thấy gì trong đầu cũng như từ bên ngoài. Ngôi nhà trở nên hoàn toàn tĩnh lặng. Tôi bước trở ra phòng khách và thấy cha mẹ tôi lặng lẽ ngồi đó.
– Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi con. – Cha tôi nói.
– Cha mẹ cũng yêu con. – Mẹ tôi thêm vào.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi không thật sự biết được liệu mọi thứ rồi có ổn không. Nhưng tôi biết cha mẹ đã yêu mình theo cách tốt nhất họ có thể. Và điều đó khác xa với kỳ vọng của tôi về tình thương yêu mà cha mẹ dành cho tôi. Thế nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như vậy là đủ.
BỘ NÃO ĐẦU TIÊN mà tôi nhìn thấy là đang nằm lơ lửng trong một cái lọ thủy tinh chứa đầy formaldehyde(5). Nó xám xịt và nhăn nheo – giống một hạt óc chó khổng lồ hay một cái hamburger ôi thiu nặng cỡ 1,3 ký hơn là một siêu máy tính chịu trách nhiệm cho toàn bộ vận hành của con người. Tôi nhìn chòng chọc vào đống nhăn nheo đó và trong đầu tự hỏi làm thế nào một khối sền sệt vừa xám vừa trắng lại mưng mủ kia có thể là cội nguồn của tư tưởng, ngôn ngữ và ký ức. Tôi sẽ được học về phần não chịu trách nhiệm cho năng lực nói, mùi vị và mọi chức năng vận động, nhưng không có người thầy nào từng có thể chỉ cho tôi – kể cả trong sách vở lẫn trong ca phẫu thuật – rằng phần nào của não bộ mà tôi có thể cắt lát và nhìn thấy tình yêu từ đó chảy ra. Không có mặt cắt nào cho thấy động lực của một người mẹ nuôi dưỡng và che chở đứa con của mình. Không có một mẫu nhỏ tôi có thể làm sinh thiết nào mà chứa đựng sức mạnh thần bí giúp một người cha làm đến hai công việc chỉ để con cái ông được lớn lên đầy đủ hơn mình trước đây. Không có một điểm trung tâm hữu hình nào trong não bộ mà tôi có thể định vị là nơi chốn khiến cho một người vội vàng giúp đỡ một người khác – hay khiến những người vốn là xa lạ hợp lại với nhau trong những lần khủng hoảng.
(5) Formaldehyde: Một hợp chất dạng khí ở nhiệt độ phòng nhưng dễ hòa tan trong nước, dung dịch này thường được dùng để tẩy uế hoặc bảo quản các mẫu sinh vật.
Chính xác thì phần nào của não đã khiến Ruth dành cho tôi thời gian, sự quan tâm và tình yêu của bà?
Tôi không thấy bất cứ thứ gì như vậy trong bộ não lềnh bềnh trong hũ formaldehyde, và cũng tôi không thể nhìn thấy chúng qua kính hiển vi trong lúc làm phẫu thuật não. Tôi đã trải qua nhiều đêm muộn ở trường Y, dùng bộ não của mình suy nghĩ về bộ não, và rồi dùng trí óc mình cân nhắc về tính mỉa mai của chuyện đó. Chính xác thì làm thế nào chúng ta phân định và phân biệt tâm trí với bộ não? Tôi có thể giải phẫu bộ não nhưng không thể phẫu thuật tâm trí, mà phẫu thuật bộ não có thể làm biến đổi tâm trí mãi mãi. Đó là thế lưỡng nan của quan hệ nhân quả – một bài toán vòng tròn lặp giống như câu hỏi trăm năm rằng cái gì có trước, con gà hay quả trứng. Có một hôm tôi đã hỏi Ruth chính câu hỏi này.
– Jim này, – bà nói, – nếu con đang đói, thì chuyện gà có trước hay trứng có trước đâu thật sự quan trọng, đúng không?
Tôi từng có lúc vô cùng đói, và tôi sẽ vui vẻ được ăn dù là gà hay trứng. Ruth luôn có cách để phá vỡ sự việc, rồi đặt nó dưới một góc nhìn mới. Và ngày qua ngày, bà đã dạy tôi làm thế nào để có những góc nhìn mới với chính những suy nghĩ và cảm xúc của tôi. Và việc suy nghĩ về việc nghĩ này – khả năng bộ não quan sát được chính nó – là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất.
Chỉ với hai tuần còn lại của mùa hè tôi bầu bạn cùng Ruth, và vừa ngay lúc tôi gói ghém được tâm trí với suy nghĩ rằng tôi có thể quan sát suy nghĩ của mình và vì thế tôi đã tách biệt được mình khỏi những suy nghĩ, thì Ruth lại rút ra từ chiếc túi thần kỳ của mình một bí quyết hoàn toàn mới.
– Jim này, con đã bao giờ chứng kiến màn ảo thuật mà ảo thuật gia cưa người phụ nữ ra làm đôi chưa? – Bà nói.
Tôi gật đầu:
– Dĩ nhiên là rồi ạ.
– Thế thì, chúng ta sắp làm một trò giống như thế, nhưng với trái tim của con. Chúng ta sẽ cắt mở nó ra. Chẻ nó làm đôi.
Tôi hoàn toàn không biết bà đang nói đến cái gì, nhưng đến lúc này tôi đã quen với việc Ruth ươm mầm bài học trong tôi, và tôi biết tất cả những gì tôi có thể làm là vào vị trí, thắt dây an toàn, và tận hưởng hành trình.
Bí quyết thứ hai của Ruth
Thuần hóa tâm trí
1. Một khi cơ thể bạn đã được thả lỏng (bằng bí quyết thứ nhất của Ruth), đã đến lúc thuần hóa tâm trí.
2. Lần nữa, hãy bắt đầu bằng việc tập trung vào hơi thở. Những suy nghĩ liên tục nảy ra và đòi hỏi sự chú ý của bạn là việc hoàn toàn bình thường. Mỗi khi việc này xảy ra, chỉ cần quay lại tập trung vào hơi thở. Một vài người nhận thấy rằng việc suy nghĩ về lỗ mũi và về luồng không khí ra vào qua đó sẽ giúp họ lấy lại sự tập trung.
3. Một kỹ thuật khác có thể hỗ trợ hạn chế tâm trí lang thang là sử dụng thần chú, một từ hay cụm từ lặp đi lặp lại, và tập trung nhìn vào một ngọn nến hoặc một vật gì khác. Việc này giúp tránh cho những suy nghĩ lang thang đó nhận được sự chú ý. Trong vài trường hợp, người dạy có thể cho người học câu thần chú bí mật của họ, nhưng bạn luôn có thể chọn bất cứ từ nào bạn muốn để làm câu thần chú. Hoặc bạn có thể tập trung vào ngọn nến hoặc một vật thể nào khác cũng được. Thử xem cách nào hiệu quả nhất với mình. Mỗi người mỗi khác.
4. Sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực, đừng nản lòng. Có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn bạn mới nhận ra được những ảnh hưởng sâu sắc của một tâm trí tĩnh lặng. Bạn sẽ không còn mong muốn thu hút những xúc cảm vào suy nghĩ của mình, mà đó thường là xúc cảm tiêu cực và rối bời. Sự bình tĩnh mà bạn cảm thấy từ sự thư giãn sẽ gia tăng bởi vì bạn không bị phân tâm bởi những đối thoại nội tâm, và vì thế những phản hồi dễ xúc động sẽ không xảy ra. Nó là phản ứng đã ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn.
5. Luyện tập bài tập này từ hai mươi đến ba mươi phút mỗi ngày.
Phần thưởng của việc thuần hóa tâm trí là sự sáng suốt trong suy nghĩ.