T
ôi rời nhà sớm hơn thường lệ để đến cửa hiệu ảo thuật vì hôm đó được dự báo sẽ là một trong những ngày tháng Tám nóng nhất ở Lancaster, nhiệt độ lên đến ba con số(1). Bầu trời đầy những dải mây mỏng xam xám. Đó là một ngày không nhiều nắng cũng chẳng nhiều mây, và khắp nơi đều phủ một màu nâu hoặc xám. Tôi có thể cảm nhận được sức nóng bốc lên từ mặt đất thông qua chiếc bàn đạp trên xe, nóng đến nỗi tôi nghĩ nó sẽ làm xém những sợi lông chân của mình mất. Tôi lái xe một tay và phải đổi tay liên tục để không bị bỏng. Tôi còn thử buông cả hai tay một lúc khi chạy qua Đại lộ K, và khi vừa bắt được nhịp độ thì tôi nghe thấy tiếng la hét vọng lại từ cánh đồng bên cạnh nhà thờ Episcopal.
(1) Tính theo nhiệt độ Fahrenheit.
Tôi nhận ra thằng nhóc lớn hơn trong đám đó, cái đứa đang không ngừng tung ra những cú đấm. Tên này lớn hơn tôi hai lớp, và cả tôi lẫn anh trai tôi đều từng bị nó đuổi chạy khắp nơi, bị đánh vài lần, thậm chí còn bị nó và tên lâu la tin cậy của nó nhổ vào người. Tụi nó là một băng đảng hai đứa và trong năm học tụi nó gần như thống trị Lancaster trong khung giờ từ ba đến năm giờ chiều. Rõ ràng là tụi nó đang mở rộng khung giờ trong mùa hè bởi vì bây giờ còn chưa đến mười giờ sáng, và tôi có thể nhìn thấy một trong hai đứa nó đang vừa đấm vừa đá một thằng nhóc trong khi đứa còn lại hò hét và cười. Tôi không thấy được đứa nhóc kia là ai vì nó nằm cuộn người dưới đất, đầu cúi xuống. Hai tay nó ôm lấy đầu, cố gắng che chắn chính mình. Trong một giây tôi đã nghĩ đó có thể là anh trai tôi, nhưng rồi tôi nhớ ra anh đang ở nhà lúc tôi rời đi.
Tôi không chắc điều gì khiến tôi dừng xe và bắt đầu hét lên với đám tụi nó. Tôi đã quen với việc bảo vệ anh trai mình, một thói quen mà tôi đã mang theo đến thời trưởng thành, nhưng tôi không mong gặp mấy vụ đánh đấm đâu, nhất là với bọn này. Ban đầu tụi nó không nghe thấy tôi, và khi bước về phía tụi nó, tôi như thể cảm nhận được từng cú đấm, từng cú đá mà tụi nó đang giáng xuống thằng nhóc nằm dưới đất kia và tim tôi bắt đầu nện thình thịch trong ngực. Tôi hít một hơi thật sâu và hét lên lần nữa để ngăn cản tụi nó.
– Dừng lại!
Tên to con đang cúi người xuống phía thằng nhóc, và khi nghe thấy tôi, nó đứng thẳng dậy. Nó nhe răng gầm gừ với tôi rồi đá thằng nhóc đang nằm dưới đất thêm một cái vào bụng. Cú đá đó khiến tôi hơi chùn bước và bỗng cảm thấy như chính tôi cũng vừa bị đá vào bụng vậy.
– Đứa nào sẽ bắt tao dừng được vậy?
Sự chú ý của tụi nó dồn về phía tôi và tôi thấy thằng nhóc nằm trên đất kia lăn qua một bên, cố đứng dậy. Nó là thằng nhóc học cùng trường. Tôi không nhớ được tên nó, nhưng tôi biết gia đình nó vừa chuyển đến đây vào năm ngoái. Cha nó vừa rời lực lượng không quân. Mặt thằng nhóc đầy máu me và cặp kính dơ hầy thì rơi xuống nằm cạnh nó. Nó chỉ nhỏ bằng nửa chúng tôi. Tôi vốn cao ngang tầm hai đứa lớn kia, nhưng tụi nó đều nặng ký hơn tôi ít nhất là mười ba ký. Tôi nhìn thằng nhóc lúc nó đứng lên được và bắt đầu loạng choạng bước về hướng nhà thờ. Tôi không thể trách nó về việc muốn chuồn sớm khỏi đây.
– Mày muốn thế mạng cho nó hả?
Hai đứa cùng bước về phía tôi và tôi chợt cảm thấy miệng mình khô khốc, còn tai thì bắt đầu lùng bùng. Tôi cố gắng hít một hơi thật sâu theo cách mà Ruth đã dạy tôi, nhưng tôi dường như không thể đưa không khí vào tới phổi được.
Chuyện này rồi sẽ chẳng tốt đẹp nổi đâu.
– Vậy là, mày nghĩ mày là anh hùng? Một kiểu anh hùng ghê gớm nào đó hả?
Tôi không lên tiếng. Tôi cố gắng thả lỏng tay chân như đã học ở cửa hiệu ảo thuật. Tôi co duỗi lòng bàn chân và làm rỗng đầu óc. Nếu buộc phải đánh nhau, tôi sẽ đánh. Tôi sẽ không bỏ chạy.
– Tao sẽ cho mày no đòn rồi tụi tao sẽ tịch thu cái xe đạp.
Tôi vẫn không lên tiếng. Tôi cảm nhận được thằng nhóc tháp tùng kia đang di chuyển ra sau lưng, nhưng tôi vẫn cứ nhìn thẳng vào tên thích đấm đá này. Nó là đứa cầm đầu. Nó đưa mặt sát lại gần mặt tôi, đến nỗi tôi có thể thấy mấy vết trăng trắng dính trên mép nó. Trời ngày càng nóng hơn và trên mặt nó thì đầy mồ hôi cùng bụi bẩn.
– Trừ khi mày hôn chân tao.
Tôi nghĩ đến Ruth và Neil đang ở cửa tiệm. Họ đang đợi tôi đến đó vào khoảng giờ này. Liệu Ruth có nghĩ tôi cúp cua một ngày khi không thấy tôi xuất hiện không? Sẽ có ai đó tìm thấy tôi ở đây với đầy máu me không? Thằng nhóc nọ có chạy đi tìm ai đó đến giúp không? Mà cái gã này thức dậy, ăn ngũ cốc với sữa rồi chạy luôn ra ngoài để đánh người mà không thèm chùi miệng gì hết hay sao vậy? Tất cả những suy nghĩ đó bắt đầu chạy đua trong đầu tôi, nhưng tôi chỉ việc nhìn chằm chằm vào vết bết màu trắng trên mép kia và tưởng tượng nó là một ngọn nến.
– Hôn chân tao!
Tôi ngước lên, nhìn thẳng vào mắt nó và cất tiếng lần đầu tiên kể từ lúc tôi ngăn cản nó đánh thằng nhóc kia.
– Không.
Nó nhoài người về trước và nắm lấy ngực áo tôi.
– Hôn chân tao. – Nó đe dọa. Miệng nó bắt đầu nở một nụ cười theo kiểu cười của kẻ biết mình áp đảo được kẻ khác. Mặt nó kề ngay trên mặt tôi và tôi có thể ngửi, cảm thấy hơi thở của nó. Tôi nhắm mắt lại trong đúng một giây; và trong một giây đó, có điều gì đó đã khác đi.
Tôi mở mắt ra và nhìn thẳng vào tên đó. Tôi nhìn sâu vào mắt nó, cái nhìn ta vẫn dùng khi cố gắng nhìn thấu một điều gì hay một ai đó.
– Mày muốn làm gì tao thì làm, còn tao sẽ không hôn chân mày đâu.
Nó bật cười và nhìn sang bạn mình. Tôi thấy nó nhướng mày, rồi quay lại nhìn tôi. Tôi vẫn nhìn nó chằm chằm, không hề chớp mắt. Nó giơ nắm đấm lên, rồi kéo về sau tai. Tôi không nao núng. Tôi cứ khóa ánh nhìn của mình vào nó, và trong khoảnh khắc đó, tôi chẳng để tâm đến việc nó to con hơn tôi hay việc trên tay nó nhuốm máu của một đứa khác. Tôi sẽ không lùi bước. Tôi sẽ không trao cho nó thứ quyền lực khiến tôi sợ hãi. Và tôi sẽ không hôn chân nó hay bất kỳ ai khác. Không bao giờ.
Và trong một giây ánh mắt chúng tôi khóa chặt vào nhau, tôi nhìn thấu nó, và nó biết tôi đã nhìn thấu nó. Tôi nhìn thấy nỗi đau và sợ hãi bên trong nó. Nỗi đau và nỗi sợ mà nó đã cố che đậy bằng hành động bạo lực lên người khác.
Hắn dứt mắt khỏi cái nhìn của tôi và quay sang nhìn tên đồng bọn, rồi nhìn lại tôi.
– Không dư hơi.
Nó buông áo tôi ra và đẩy nhẹ tôi một cái khiến tôi vấp về sau một chút nhưng không bị ngã.
Nó nhìn tôi lần nữa rồi quay đi rất nhanh.
– Nóng quá trời. Biến khỏi đây thôi.
Tôi cảm thấy đứa còn lại cũng đẩy nhẹ lưng tôi một cái, nhưng đó chỉ là một chút ra vẻ chứ chẳng là gì. Tôi dám chắc là nó cảm thấy không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Hai đứa cùng bỏ đi và tôi có thể thấy thằng nhóc tay chân đang nói chuyện với tên cầm đầu. Tôi biết nó đang hỏi tại sao tên kia không đập tôi một trận. Tên kia đẩy nó và nói:
– Thôi câm đi. – Không đứa nào trong tụi nó ngoái đầu lại.
Tôi hít thở sâu thêm vài lần và nhìn tụi nó bỏ đi trước khi quay lại với chiếc xe đạp của mình. Tôi không hoàn toàn chắc chuyện gì vừa xảy ra hay tại sao tôi lại làm điều vừa rồi, nhưng tôi cảm thấy rất tốt. Đột nhiên tôi nhận ra mình đã trễ giờ và Ruth đang đợi tôi. Tôi hy vọng bà không nghĩ tôi trốn tránh bà. Tôi leo lên xe và đạp hết tốc lực đến cửa tiệm.
TÔI PHÓNG NƯỚC ĐẠI qua cửa, hụt hết hơi nhưng đang sẵn sàng kể cho Ruth và Neil toàn bộ câu chuyện xảy ra trên đường tôi đến cửa tiệm. Tôi đã đứng lên vì bản thân và đã đứng lên vì một đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Nên hẳn nhiên đây là lần đâu tiên tôi cảm thấy mình là một anh hùng. Ruth chắc phải tha thứ việc tôi tới trễ thôi, một khi bà nhận ra tôi đã làm gì.
– Ruth! – Tôi gọi lớn tiếng. Thật lạ lùng, cả Ruth và Neil đều không có mặt ở quầy hàng. – Ruth! Neil! Con đến rồi.
Không có hồi đáp.
Tôi đi ra phía sau hướng về văn phòng và khi đó tôi nghe thấy tiếng của họ. Ruth và Neil đang cãi nhau. Tôi chưa từng nghe họ cãi nhau trước đây.
– Nó chỉ là một đứa trẻ.
– Rồi thằng bé sẽ mang theo chuyện này đến hết đời. Con phải làm cho đúng.
– Quá trễ rồi. Tổn thương đã xảy ra rồi. Con sẽ giải thích cho nó mọi thứ khi nó lớn hơn.
– Tổn thương có thể và nên được phục hồi. – Ruth có vẻ thật sự tức giận.
Tôi chưa bao giờ nghe giọng bà như thế và việc đó khiến tôi lo lắng. Tôi đã làm gì sai sao? Họ bực vì tôi tới trễ ư? Không lý nào. Neil đã gây tổn thương gì cho tôi kia chứ? Anh ấy sẽ giải thích cái gì cho tôi khi tôi lớn hơn?
– Neil à, ai cũng phạm sai lầm. Mẹ hoàn toàn thông cảm với con. Nhưng mẹ nói này, vẫn chưa là quá muộn để con sửa chữa sai lầm. Con sẽ hối hận nếu con không làm vậy. Tin mẹ đi.
Tất cả chìm vào im lặng. Tôi không muốn họ bước ra và nhìn thấy tôi nghe lén. Nên tôi bước trở ra ngoài cửa tiệm, mở cửa lần nữa và gọi tên họ thật to. Chắc là họ sẽ không biết rằng tôi đã nghe trộm họ.
– Xin chào! – Tôi gọi lớn. – Ruth ơi, con đến rồi.
Ruth bước ra từ cửa phòng. Mắt bà đỏ hoe như mắt mẹ tôi vậy, thế nên tôi biết bà đã khóc.
– Chào Jim. – Bà nói. – Con đến trễ.
– Con xin lỗi. Con gặp chút rắc rối trên đường đến đây.
Ruth nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới.
– Trên áo con là máu đấy ư?
– Dạ. – Tôi trả lời. – Nhưng không phải máu của con. Bà đừng lo.
Ruth bật cười. – Chuyện đó còn khiến ta lo lắng hơn ấy chứ. Lại đây.
Tôi bước ngang qua Neil, anh lầm bầm chào hỏi nhưng không nhìn vào tôi. Tôi không chắc mình đã làm gì hay anh ấy đã làm gì, nhưng hẳn là điều tồi tệ. Trông có vẻ như giờ anh ghét tôi lắm.
Ruth bảo tôi ngồi xuống ghế và dẫn dắt tôi thực hành bài tập thả lỏng, rồi yêu cầu tôi nhẩm câu thần chú của mình trong đầu. Tôi khởi động, nhưng trong đầu không thể ngừng phát lại cuộc đối thoại mà tôi đã nghe trộm được. Neil đã gây ra lỗi lầm gì với tôi chứ? Chuyện gì mà tệ đến nỗi Ruth phải khóc? Tôi không chịu đựng được nữa, và tôi chắc chắn không thể thuần hóa tâm trí mình vào lúc này.
– Đã xảy ra chuyện gì? Con đã làm sai điều gì? Tại sao Neil lại giận con? – Tôi tuôn ra cả ba câu hỏi khi vẫn nhắm mắt, và rồi tôi mở mắt ra thấy Ruth đang nhìn mình với vẻ bối rối.
– Tại sao con nghĩ rằng mình đã làm gì sai? – Bà hỏi.
– Con nghe thấy bà và Neil cãi nhau về con. Con đã nghe khi ở ngoài cửa. Anh ấy ghét con.
Ruth tiếp tục nhìn chằm chằm vào tôi, rồi bà chỉ nhẹ nhàng gật đầu.
– Con nghe hết ư?
– Dạ. – Tôi trả lời một cách khổ sở. Tôi biết Ruth và Neil quá tốt đến nỗi đã không muốn thành thật với tôi, và tôi khá chắc chắn hôm nay sẽ là ngày cuối cùng tôi đến cửa hiệu này.
– Thật ư, ngay lúc này sao? Và Neil đã nói gì về con vậy?
– Anh ấy nói…
Tôi nghĩ về chuyện đó nhưng không thể nhớ chính xác Neil đã nói gì về tôi.
– Sao nào? – Ruth hối thúc.
– Chuyện gì đó về… về những tổn thương đã xảy ra.
– Và con nghe thấy tên mình ư?
– Không, không hẳn vậy. – Tôi trả lời. Tôi không nhớ là họ đã nhắc đến tên tôi, nhưng tôi biết chuyện đó liên quan tới tôi. Tôi cảm thấy còn khổ sở hơn nữa. Có phải Ruth sẽ nói dối tôi và bảo rằng họ cãi nhau không phải vì tôi.
– Jim à, – Ruth nhẹ nhàng nói, – chúng ta không nói về con. Chúng ta nói về cháu trai của ta.
– Cháu trai của bà?
– Ừ, Neil có một đứa con trai, đó là một câu chuyện phức tạp, và buồn nữa, và ta nhớ thằng bé lắm.
– Bạn ấy bao nhiêu tuổi ạ?
– Tầm tuổi như con.
– Bạn ấy ở đâu?
– Thằng bé đang sống với mẹ nó. Nhưng giờ chuyện đó không quan trọng. Quan trọng là tại sao con nghĩ bọn ta đang cãi nhau về con. Tại sao con nghĩ Neil ghét con?
Tôi không chắc phải trả lời như thế nào. Tôi chỉ tự cho rằng họ đang nói về tôi thôi.
– Jim, trong đời mỗi người đều có những hoàn cảnh khiến họ đau đớn. Hoàn cảnh của con trai và cháu trai ta khiến ta đau lòng. Nó giống như một vết thương vậy. Vậy thì, nếu ta lỡ làm rách đầu gối của mình, ta nên làm gì? Ta có thể chăm sóc nó – rửa sạch vết thương, băng bó lại và dưỡng vết thương lành lặn – hoặc ta có thể lờ đi, giả vờ rằng nó không có ở đó và cứ thế xổ ống quần xuống che vết thương đi và hy vọng nó sẽ biến mất. Đó có phải là cách tốt nhất để chữa lành vết thương không?
– Không ạ.
Lại một lần nữa tôi không biết chính xác bà đang nói về cái gì.
– Vết thương trong tim chúng ta cũng như vậy con à. Chúng ta cần trao cho chúng sự quan tâm của chúng ta, để chúng có thể lành lại. Bằng không vết thương sẽ tiếp tục hành hạ chúng ta, đôi khi trong những khoảng thời gian rất dài. Chúng ta ai rồi cũng sẽ tổn thương. Đó là chuyện tự nhiên thôi. Nhưng đây là điểm lắt léo của những thứ gây tổn thương và gây đau đớn cho ta: chúng còn có thể phục vụ cho một mục đích tuyệt vời. Trái tim ta tổn thương là khi nó rộng mở. Chúng ta trưởng thành qua nỗi đau. Chúng ta trưởng thành qua những hoàn cảnh khốn khó. Đó là lý do tại sao con phải nắm lấy mọi khó khăn trong đời con. Ta cảm thấy đáng tiếc cho những người không gặp phải vấn đề. Với những ai không bao giờ phải đi qua bất kỳ khốn khó nào, họ đã bỏ lỡ món quà. Họ đã bỏ lỡ phép màu.
Tôi gật đầu với Ruth. Tôi đã dành nhiều thời gian cuộc đời cho đến lúc này của mình để so sánh bản thân với những đứa bạn, những đứa trẻ dường như có mọi thứ. Chúng không phải đứng xếp hàng trước cửa hàng tạp hóa và cảm thấy đau đớn vì người thu ngân nhìn mình khi mẹ mình đưa cô tờ tem phiếu thực phẩm. Hay đứng xếp hàng ở khu cứu trợ thực phẩm của chính phủ để chờ ai đó phát cho một ít sữa bột, bơ, hay phô mai trắng làm đồ cứu trợ. Chúng không có những bậc phụ huynh luôn cãi vã, say xỉn hay uống thuốc quá liều. Chúng không phải lên giường mỗi tối trong cảm giác mọi thứ đều tồi tệ và theo một cách nào đó chuyện đó là lỗi của chúng. Chúng có xe, tiền, quần áo, bạn gái và sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ. Ruth thấy tiếc cho chúng ư?
– Jim, bí quyết tiếp theo mà ta sẽ dạy con chính là mở cửa trái tim. Nhiều người gặp rắc rối trong vụ này. Với con thì sẽ dễ hơn.
– Tại sao ạ? – Tôi hỏi.
– Bởi vì cuộc sống đã bắt đầu mở cửa trái tim con rồi. Con biết quan tâm, Jim ạ. Con quan tâm đến gia đình mình. Anh trai con, mẹ con, và cả cha con nữa. Con quan tâm khi con nghĩ rằng Neil đang giận con. Con đủ quan tâm để có mặt ở đây mỗi ngày. Ta không nghi ngờ gì về khả năng của con khi quan tâm đến người khác, đó là một phần của việc mở cửa trái tim con.
Tôi nghĩ về đứa trẻ bị đánh sáng nay. Tôi không thật sự biết cậu bé, nhưng tôi quan tâm đến nó. Tôi đủ quan tâm để dừng xe lại. Tôi biết mình quan tâm là bởi tôi có thể (và đã từng) là đứa trẻ đó. Tôi quan tâm bởi vì tôi đã từng cảm thấy nỗi đau và sự nhục nhã cả triệu lần, và cảm giác ấy rất đau. Đau vô cùng.
– Một phần khác của việc mở cửa trái tim con, và đây là phần mà con sẽ luyện tập nghiêm túc, đó là quan tâm đến chính bản thân con.
Tôi vốn quan tâm đến chính mình mà. Vụ này sẽ dễ lắm đây.
– Có một lý do cho việc con tự cho rằng cuộc trò chuyện của chúng ta là nói về con, Jim ạ. Con đã thực hiện một cú nhảy khá xa từ những gì con nghe thấy đến kết luận rằng Neil ghét con đấy.
– Con chỉ hiểu lầm thôi. – Tôi nói.
– Đúng vậy. – Ruth bật cười. – Chúng ta đều hiểu lầm. Về nhau. Về chính chúng ta. Về hoàn cảnh. Đó là một bài học đáng giá, rằng không phải mọi thứ trên đời đều xoay quanh chúng ta. Ta nghĩ ta cũng cần học bài học tương tự khi nói đến trường hợp cháu trai của mình.
Tôi gật đầu.
– Mỗi chúng ta tự lựa chọn đâu là điều có thể chấp nhận trong đời mình. Khi là một đứa trẻ, chúng ta không có nhiều lựa chọn. Chúng ta được sinh ra trong những gia đình và những hoàn cảnh, và tất cả những thứ đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lựa chọn. Có ý thức hoặc trong vô thức, chúng ta quyết định cho phép bản thân mình được đối xử thế nào. Mình sẽ chấp nhận gì? Mình sẽ không chấp nhận gì? Con sẽ phải lựa chọn và con sẽ phải tự đứng lên vì mình. Không ai có thể làm chuyện đó cho con.
TÔI KHÔNG BAO GIỜ có cơ hội để kể cho Ruth nghe về lần đấu tranh đầu tiên mà tôi đã chứng tỏ được sáng hôm đó. Tôi không bao giờ nghe thấy Neil và bà cãi nhau lần nào nữa. Mỗi ngày trong tuần kế tiếp đó, bà dạy tôi mở cửa trái tim. Bà giải thích cho tôi rằng những cuộc hội thoại thường đi vào đầu chúng ta nhất là những cuộc hội thoại theo hướng khắt khe và tiêu cực. Cuộc hội thoại mà thường xuyên khiến chúng ta phản ứng theo cách không có lợi cho mình. Cuộc hội thoại mà khiến ta cứ làm sống lại sự việc tới lui hoặc ước ao mọi chuyện sẽ thế này thế kia. Quá nhiều những thứ như thế đến nỗi ta không thực sự dành nhiều thời gian cho thực tại. Buổi sáng hôm đó chúng tôi bắt đầu với việc Ruth muốn tôi nói những điều tốt đẹp với chính mình. Lạ lùng làm sao. Hết lần này đến lần khác tôi lặp lại: “Mình tốt mà, đó không phải là lỗi của mình, mình là một người tử tế”. Như thể tôi là một người DJ khác của trạm phát thanh vậy, nhưng mọi thứ tôi nói đều tử tế và an ủi. Mỗi lần nhận ra chính mình đang lắng nghe gã DJ nọ, tôi dừng lại và bắt đầu câu thần chú tử tế với mình.
– Mình xứng đáng. Mình được yêu thương. Mình được quan tâm. Mình quan tâm đến người khác. Mình chỉ lựa chọn những điều tốt đẹp cho mình. Mình chỉ chọn những điều tốt đẹp cho người khác. Mình yêu bản thân. Mình yêu mọi người. Mình mở cửa trái tim. Trái tim mình rộng mở.
Ruth yêu cầu tôi lập danh sách mười lời khẳng định đó và lặp lại chúng mỗi sáng, mỗi tối và vào bất kỳ thời điểm nào chúng xuất hiện trong đầu tôi, đặc biệt là sau khi tôi thực hiện bài tập thư giãn và thuần hóa tâm trí. Toàn bộ danh sách đó khá sến sẩm, nhưng tôi đã quen dần và tôi biết ơn là Ruth đã không bắt tôi phải nói thành tiếng. Tiếp theo, bà bảo bà muốn tôi gửi những suy nghĩ yêu thương cho chính mình, cho gia đình, cho bạn bè, và thậm chí cho những người tôi không thích hay những người không xứng đáng. Bà thấy tôi nhìn bà bối rối khi bà bảo gửi những suy nghĩ yêu thương cho những người tôi không thích hay không xứng đáng. Bà nhìn tôi với vẻ thân ái vô cùng và nói:
– Jim, thường thì những người làm tổn thương người khác là những người đang đau đớn nhiều nhất.
Nhưng thật sự rất khó. Rất khó để nghĩ cho cái gã chuyên bắt nạt đã từng đập tôi và phải theo cách nào đó nghĩ rằng chuyện đó cũng ổn thôi. Chuyện đó không hề ổn và tôi vẫn ghét nó, ghét tất cả những ai từng độc địa với tôi hay làm đau tôi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng. Lần nữa và lần nữa. Sau một lúc, tôi nhận ra rằng nếu tôi nghĩ về việc chúng cũng bị đau hay bị đánh, rồi khóc vì đau đớn, và nghĩ xem nếu chuyện đó xảy ra với tôi thì tôi sẽ cảm thấy thế nào, theo đó mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Dễ dàng hơn khi tôi nhận ra rằng khi tôi giận dữ với ai đó, thường là bởi vì tôi đang đau đớn từ bên trong. Tôi đã tức giận với chính mình vì một điều gì đó. Tôi chưa bao giờ nhận ra điều đó trước đây. Lời của Ruth không ngừng trở lại trong tôi: “Những người làm tổn thương người khác thường là những người đang đau đớn nhiều nhất”. Bà đã đúng.
Và đó cũng chính là điều trọng tâm bà muốn nói. Nếu bạn có thể chữa lành vết thương của chính mình, bạn sẽ không đau đớn nữa và bạn sẽ không làm đau người khác. Ôi chao! Có phải việc bầu bạn cùng Ruth đã chữa lành cho tôi theo một cách nào đó chăng?
Một tuần trước đó, Ruth đã nói với tôi rằng điều cuối cùng bà sẽ dạy tôi chính là năng lực đạt được mọi thứ tôi muốn. Tôi đã sẵn sàng chuyển sang học điều đó rồi. Nói về trái tim khiến tôi bắt đầu thấy hơi mệt. Dành quá nhiều thời gian nghĩ về nó khiến tôi đau đớn. Nó đào lên quá nhiều những nỗi đau mà tôi đã tốn rất nhiều thời gian cố gắng chôn chặt chúng bên trong mình để chúng không khiến tôi đau nhiều nữa. Nhưng tôi nhận ra rằng trong khi thật đau đớn khi chúng hiện về, thì đồng thời mỗi lần đối diện với chúng trở nên dễ dàng hơn và ít đau đớn hơn. Và cuối cùng, khi tôi tái hiện sự kiện trong đầu mình, những xúc cảm phản ứng với chúng đã hoàn toàn không còn như trước. Tôi có thể nghĩ về chúng mà không còn lạc lối trong đớn đau và thống khổ. Tôi có thể nghĩ về chúng và không tự trách chính mình hay bằng cách nào đó nghĩ rằng đó là lỗi của tôi. Tôi có thể sống với chúng. Tôi đã nhận ra rằng trong khi gã DJ vẫn còn ở đó, tôi chỉ việc không chú ý nhiều đến hắn nữa hoặc những âm thanh của hắn đã bị vặn thật nhỏ, thật nhỏ rồi.
Ruth đã xẻ trái tim tôi ra, và trong lúc điều đó thật đau đớn, nó cũng đồng thời mang đến cảm giác tuyệt vời.
CÓ MỘT THỨ MÀ MỌI NGƯỜI đều tương đồng với nhau, đó là âm thanh đầu tiên chúng ta nghe được. Đó là tiếng nhịp tim của mẹ chúng ta. Nhịp điệu ổn định đó là sự kết nối đầu tiên mỗi chúng ta biết đến, không phải bằng trí tuệ, mà là nhận thức bằng trái tim. Trái tim là nơi chúng ta tìm thấy sự an ủi và an toàn trong tăm tối. Nó là thứ ràng buộc chúng ta lại với nhau và là thứ tan vỡ khi chúng ta chia lìa. Trái tim có phép thuật riêng của nó, tình yêu.
Khi Richard Davidson(2) ở Đại học Wisconsin tiến hành những nghiên cứu đầu tiên về lòng trắc ẩn, ông đã tiến hành với những thầy tu người Tây Tạng, những người trầm tư mặc tưởng trường kỳ. Các thầy tu được yêu cầu đội những cái mũ trên đầu, và những cái mũ này được nối với vô số điện cực điện não đồ để đo lòng trắc ẩn của họ. Khi nghe thấy yêu cầu này, những thầy tu đều bật cười. Những nhà nghiên cứu nghĩ rằng đó là bởi vì những chiếc mũ trông rất buồn cười, với đống điện cực kia, và mỗi điện cực lại được nối với một sợi cáp nên cái mũ trông như một bộ tóc giả hoang dại vậy. Tiếng cười của những thầy tu tuyệt nhiên không phải vì những chiếc mũ như các nhà khoa học đã nghĩ. Những nhà nghiên cứu đều đã sai. Cuối cùng, một thầy tu giải thích điều gì khiến họ thấy buồn cười. “Chúng ta đều biết,” – vị này nói, – “lòng trắc ẩn không sinh ra từ bộ não. Nó đến từ trái tim”.
(2) Richard Davidson (12/12/1951) là giáo sư tâm lý học và tâm thần học thuộc Đại học Wisconsin – Madison, là người sáng lập và điều hành Center for Healthy Minds.
Nghiên cứu đã cho thấy trái tim là một cơ quan thuộc trí thông minh, bởi chính ảnh hưởng sâu sắc của nó, không chỉ từ bộ não mà còn lên chính bộ não của chúng ta, lên cảm xúc, lý trí và lựa chọn của chúng ta. Hơn là chỉ chờ đợi trong thụ động những chỉ dẫn từ bộ não, trái tim không chỉ tự nó suy nghĩ mà còn gửi những tín hiệu đến các bộ phận khác trên cơ thể. Dây thần kinh phế vị sinh ra từ thân não, phân bố rộng khắp trong tim và các cơ quan khác là một phần của hệ thần kinh tự chủ (ANS(3)).
(3) Autonomic Nervous System: Còn gọi là hệ thần kinh thực vật, kiểm soát hoạt động vô thức và điều chỉnh chức năng cơ thể như nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết, kích thích tình dục và các phản ứng bản năng khác. Hệ thần kinh tự chủ được điều khiển bởi vùng dưới đồi của não.
Điện tâm đồ được biết đến như sự biến thiên tần số tim (HRV(4)) chính là sự phản ánh trạng thái cảm xúc bên trong chúng ta và chịu ảnh hưởng bởi hệ thần kinh tự chủ (ANS). Trong giai đoạn áp lực căng thẳng hoặc sợ hãi, trương lực của dây thần kinh phế vị giảm xuống và có một phần của hệ thần kinh tự chủ co thắt dữ dội nhất được gọi là hệ thần kinh giao cảm (SNS(5)).
(4) Heart Rate Variability được hiểu đơn giản là số thay đổi trong khoảng thời gian nhất định của các nhịp tim.
(5) Sympathetic Nervous System: Hệ thần kinh giao cảm là một trong hai bộ phận chính của hệ thần kinh tự chủ. Hệ thống thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm điều chỉnh lên và xuống trong nhiều cơ chế cân bằng nội môi trong các sinh vật, chịu trách nhiệm cung cấp chất liệu cho cơ thể khởi động, đặc biệt trong các tình huống đe dọa sự sống còn.
Hệ thần kinh giao cảm được kết hợp với một bộ phận rất nguyên thủy của hệ thần kinh chúng ta, vốn được dành cho việc phản ứng với những đe dọa và sợ hãi bằng việc gia tăng huyết áp và nhịp tim, đồng thời làm giảm độ biến thiên tần số tim. Ngược lại, khi một người ở trong trạng thái bình tĩnh, cởi mở và thư giãn, trương lực của dây thần kinh phế vị sẽ tăng lên và sự co thắt của hệ thần kinh đối giao cảm (PSNS(6)) sẽ chiếm ưu thế. Hệ thần kinh đối giao cảm kích thích phản ứng nghỉ ngơi và tiêu hóa của chúng ta, trong khi hệ thần kinh giao cảm kích thích phản ứng chiến - hay - chạy. Bằng việc đo biến thiên tần số tim, các nhà nghiên cứu có thể phân tích cách thức mà tim và hệ thần kinh phản ứng trước căng thẳng và các loại cảm xúc khác. Cảm giác yêu thương và lòng trắc ẩn có liên kết với sự tăng trưởng của biến thiên tần số tim, và khi chúng ta cảm thấy bất an, tức giận hoặc thất vọng, biến thiên tần số tim đang giảm xuống, nhẹ nhàng và đều đặn. Nhiều người hiểu nhầm về việc này bởi vì nghe sẽ logic hơn nếu sự căng thẳng và nhịp tim tăng lên thì HRV của chúng ta phải trở nên hỗn loạn, không đều, biến thiên lớn hơn. Tuy nhiên, HRV hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta chờ đợi.
(6) Parasympathetic Nervous System: Hệ thần kinh đối giao cảm hay còn gọi là hệ thần kinh phó giao cảm, là một trong hai bộ phận chính của hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động bù trừ, đôi khi trái ngược với hệ thần kinh giao cảm, nó đảm nhiệm các chức năng liên quan đến hoạt động sinh lý lúc không vận động như là hoạt động sinh dục, tiết nước bọt, nước mắt, tiết niệu, tiêu hóa (giảm nhu động ruột), giảm trương lực cơ... đặc biệt, nó làm chậm nhịp tim.
Thú vị hơn nữa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trụy tim chính là thiếu biến thiên tần số tim – hậu quả của việc bị khuấy động liên tục bởi đe dọa và sự suy giảm trương lực của dây thần kinh phế vị. Áp lực, lo âu, sợ hãi kinh niên, suy nghĩ tiêu cực đều có thể khiến máu được bơm vào tim với áp lực cao hơn. Phản ứng cơ thể này tương đương với tiếng thét “Cháy rồi!” trong một rạp phim đông kín người. Lặp đi lặp lại như vậy. Cuối cùng sẽ có ai đó bị giẫm đạp.
Ruth giúp tôi hình thành các liên kết thần kinh mới trong não. Đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi với tính mềm dẻo của hệ thần kinh, trước cả khi thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi. Trên thực tế, mặc dù nhà tâm lý học người Mỹ William James đã đưa ra giả thuyết lần đầu tiên từ một trăm hai mươi năm trước, nhưng mãi đến cuối thế kỷ 20 thì người ta mới bắt đầu hiểu về tính mềm dẻo của hệ thần kinh. Ruth không chỉ dạy tôi thay đổi não bộ bằng việc tạo ra các hệ thống mạch thần kinh mới mà bà còn rèn cho tôi điều hòa trương lực dây thần kinh phế vị của mình, và bằng cách đó, tác động đến cả trạng thái cảm xúc và nhịp tim, lẫn huyết áp của tôi. Chỉ với trực giác về hiệu quả của những gì bà dạy tôi và không một chút hiểu biết sinh lý học nào đứng sau các phép nhiệm màu, bà đã khiến tôi tập trung hơn và chăm chú hơn, bình tĩnh hơn, tăng cường hệ miễn dịch của tôi, giảm đi những căng thẳng, thậm chí hạ được huyết áp của tôi. Có lần mẹ tôi còn hỏi liệu có phải tôi dùng chất kích thích không. Về điểm này thì tôi không bao giờ làm vậy. Tôi đã kinh hãi rượu bia và các thể loại thuốc lắm thay. Đến lúc này thì mẹ tôi đã từng cố tự tử bằng thuốc vài lần rồi. Mẹ nói với tôi rằng tôi có vẻ thanh thản và vui vẻ hơn. Bà nói tôi dường như không còn trong trạng thái cáu gắt nữa. Ruth đã giúp tăng cường khả năng điều hòa cảm xúc, tăng sự thấu cảm, sự kết nối xã hội của tôi và giúp tôi trở nên lạc quan hơn. Bà đã thay đổi cách tôi nhận thức về bản thân và về thế giới.
Và điều đó hiển nhiên đã làm thay đổi mọi thứ.
NHÀ ẢO THUẬT tài ba và điêu luyện nhất biết cách kiểm soát sự chú ý của khán giả, lôi kéo ký ức và tác động đến lựa chọn của họ trong khi họ hoàn toàn không hay biết. Bằng việc dạy tôi thả lỏng cơ thể và thuần hóa tâm trí, Ruth đang dẫn dắt tôi học cách kiểm soát sự chú ý của chính mình. Bà chính là đang dạy tôi trò ảo thuật vĩ đại nhất thế gian, một màn đánh lừa vĩ đại hơn bất cứ thứ gì Houdini(7) từng thi triển, và trước mặt vị khán giả hoài nghi, sẵn sàng chất vấn nhất – tâm trí của chính tôi.
(7) Harry Houdini (1874 – 1926): Ảo thuật gia nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary.
Bằng việc học cách quan sát suy nghĩ của mình, tôi đã học được cách tách biệt mình khỏi chúng. Đó là những gì Ruth đảm bảo với tôi. Lúc ấy tôi không thật sự chắc là mình hiểu hết. Hơn nữa, ngay cả với Ruth và những bí quyết của bà, tôi vẫn không thể thấy đời tôi thay đổi gì mấy. Tôi vẫn sống trong căn hộ nhỏ ở một góc thị trấn mà chẳng ai muốn ở. Tôi vẫn nghèo. Tôi có ít bạn bè và một đời sống xã hội không hề tồn tại. Mặc dù tôi biết cha mẹ thương yêu mình, nhưng cuộc sống của tôi vẫn chênh vênh và hỗn độn. Vào thời điểm đó, dường như vẫn đúng là nếu bạn sinh ra đã giàu có, nghĩa là bạn có tất cả. Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, bạn sẽ không khác gì một gã tội nghiệp bị lôi lên sân khấu của một nhà thôi miên, bị mê hoặc và tin rằng mình là một con chim. Bất kể bạn vỗ cánh đến chừng nào, bạn sẽ chẳng bao giờ bay được mà chỉ nhận lấy những tràng cười của khán giả. Tôi đã cố gắng mở cửa trái tim mình. Tôi đã cố hết sức để nhẩm lại những lời khẳng định. Nhưng trong tâm trí tôi, tôi vẫn là đứa trẻ nghèo khó, sống trong một căn hộ tồi tàn, luôn đói khát cả lương thực lẫn tình yêu.
Tôi có một câu chuyện cho thấy tôi là ai và tương lai tôi chứa đựng những gì. Tôi không thật sự sẵn sàng nhìn nhận những tổn thương của mình như những món quà. Nhưng tôi đã sẵn sàng để Ruth dạy tôi bí quyết cuối cùng của bà. Bà đã dạy tôi mỗi ngày trong năm tuần liền, và chúng tôi chỉ còn một tuần nữa trước khi bà trở về Ohio.
– Jim, – Ruth mở lời, – ta biết là có những điều ta dạy con mà con không nghĩ chúng có thể phát huy tác dụng. Ta muốn con biết rằng chúng có thể. Vượt xa những gì con có thể nhận ra lúc này.
Tôi gật đầu và cố chen vào để nói với bà rằng chúng đã rất hiệu quả, nhưng bà không cho tôi cơ hội cất lời.
– Chúng ta không còn nhiều thời gian gặp nhau Jim à. Vào thời điểm chúng ta từ biệt, ta sẽ dạy con phép thuật nhiệm màu nhất mà ta biết. Nhưng con phải tuyệt đối lắng nghe mọi điều ta nói. Tất cả mọi điều. Lý do mà chuyện đó rất quan trọng là bởi vì, không như những bài học khác mà chúng ta đã cùng dành nhiều thời gian luyện tập, bài học cuối cùng này có quyền năng mang lại cho con mọi thứ con muốn. Không may là, chính bởi nó có thể mang lại cho con mọi thứ con muốn, nó có thể trở nên vô cùng nguy hiểm. Con cần hiểu rằng thứ con nghĩ con muốn có không phải luôn luôn là thứ tốt nhất cho chính con và cho người khác. Con cần mở trái tim mình ra để hiểu thấu điều con muốn trước khi sử dụng phép màu này, bằng không, nếu con không thật sự biết con muốn gì và con có thứ con nghĩ rằng con muốn có, con sẽ kết thúc với việc có được thứ con không muốn.
Hả? Nói lại lần nữa được không?
Lúc đó, tôi không hiểu chút gì những điều bà nói với tôi. Thứ duy nhất tôi nghe được là “Nó sẽ mang đến cho con mọi thứ con muốn”.
Cuối cùng, tôi đã sẵn sàng. Tôi biết đây sẽ là phép màu thay đổi cuộc đời tôi như Ruth đã hứa. Tôi đã cố gắng để bà bắt đầu dạy tôi bí quyết cuối cùng này sớm một chút. Tôi không ngừng nói với bà là trái tim tôi rộng mở và hãy bắt đầu học nó ngay bây giờ, nhưng bà luôn chỉ lắc đầu với tôi.
– Jim! – Bà cảnh báo. – Con không thể bỏ qua bước mở rộng trái tim. Nó là bước quan trọng nhất. Tin ta đi. Hứa với ta là con sẽ luôn luôn làm điều này đầu tiên, trước khi thực hiện bí quyết cuối cùng mà ta sắp dạy con đây. Ta biết con nghĩ rằng những gì ta dạy con giống như những trò mánh. Và có thể theo một cách hiểu nào đó chúng thật sự là những trò mánh ảo thuật. Mong con hãy nhớ rằng những trò mánh như thế này chứa quyền năng. Nếu con không nghiêm túc nghe những gì ta nói, con sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Hiểu những gì ta nói với con bây giờ, về sau con sẽ không phải học lấy chúng theo những cách nghiệt ngã.
– Con hứa. – Tôi sẽ hứa với Ruth bất cứ điều gì để có thể học được bí quyết cuối cùng của bà. Trái tim đóng mở không quan trọng. Tôi đã biết chính xác mình muốn gì. Chính xác!
Tôi ước gì mình đã lắng nghe cẩn thận hơn. Tôi ước gì ở tuổi mười hai tôi đã học được cách dẫn đường với một trái tim rộng mở – đến với mọi người và với cả thế giới. Những đớn đau nào mà tôi đã có thể ngăn chặn? Những bài học cuộc đời của tôi có thể khác biệt ra sao? Những mối quan hệ nào vốn có thể đơm hoa, mà rồi cuối cùng tan vỡ? Tôi có thể trở thành một người chồng tốt hơn không? Một người cha tốt hơn? Một bác sĩ tốt hơn? Có phải tôi đã quá xấc xược suốt nửa đầu cuộc đời mình để đòi hỏi những quyền lợi cho bản thân không? Những lựa chọn nào mà tôi đã có thể chọn khác đi? Khó nói lắm. Tôi tin rằng chúng ta học những gì chúng ta cần được học, và vài người đơn giản là phải học lấy chúng bằng những bài học nghiệt ngã. Ruth đã cố gắng giúp tôi hết sức của bà. Bà dạy tôi đứng lên vì chính mình và không để người khác quyết định giá trị, sự xứng đáng hay tiềm năng của tôi. Bà đã cố gắng cứu tôi khỏi những đau khổ do chính tôi tạo ra. Nhưng khi đó tôi còn nhỏ, và tôi đói khát. Và khi Ruth chỉ tôi cách rèn luyện tâm trí, bà đã mở cửa toàn bộ thế giới cho tôi, còn tôi đã tấn công nó như thể nó là kẻ thù. Thời điểm đó không có cách nào tôi hiểu được những gì hiện nay tôi đã hiểu, bởi vì nếu tôi hiểu, tôi đã có thể thật sự mở rộng trái tim mình trước khi bắt đầu mọi thứ khác. Đầu óc là sức mạnh, nhưng nó chỉ có thể đạt được thứ ta thật sự muốn nếu ta mở rộng trái tim mình trước tiên.
Kinh qua đau đớn có thể là một món quà nếu ta biết học hỏi từ nỗi đau. Nhưng khi một người gây ra những đau đớn và khốn khổ không cần thiết, không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác, thì chẳng cao quý cũng chẳng công bằng với những người chung đường đời với họ. Ruth đã dạy tôi vài phép nhiệm màu, tôi đã có thể tự cứu lấy mình và nhiều người khác nữa, khỏi muôn vàn đau đớn và thống khổ, nếu tôi chăm chú lắng nghe hơn những gì Ruth nói với tôi ngày hôm ấy.
Nhưng khi đó tôi mới chỉ là một thằng nhóc, và chăm chú tập trung vào một điều gì đó là thứ mà tôi chỉ mới vừa bắt đầu học tập thôi.
Bí quyết thứ ba của Ruth
Mở rộng trái tim
1. Hoàn toàn thả lỏng cơ thể (bằng bí quyết thứ nhất của Ruth).
2. Một khi đã thả lỏng, tập trung vào hơi thở và cố gắng làm rỗng tâm trí hoàn toàn khỏi mọi suy nghĩ.
3. Khi những suy nghĩ kéo đến, dẫn dắt sự chú ý của bạn trở về hơi thở.
4. Tiếp tục hít vào thở ra, làm rỗng đầu óc hoàn toàn.
5. Giờ hãy nghĩ về ai đó trong đời bạn, người đã trao cho bạn tình yêu thương vô điều kiện. Tình yêu thương vô điều kiện không phải là tình yêu hoàn hảo hay tình yêu không có tổn thương và đau đớn. Nó chỉ đơn giản nghĩa là ai đó, một lần hay một giai đoạn nào đó, từng yêu bạn với sự vị tha và không màng đến bản thân. Nếu bạn không thể nghĩ ra ai đó từng yêu mình vô điều kiện, hãy nghĩ về ai đó trong đời, người mà bạn trao cho họ tình yêu vô điều kiện của mình.
6. Đắm chìm trong cảm giác ấm áp và thỏa mãn mà tình yêu vô điều kiện ấy mang lại trong lúc chậm rãi hít vào thở ra. Cảm nhận sức mạnh của tình yêu vô điều kiện và cảm thấy bạn được chấp nhận, được quan tâm như thế nào, thậm chí với tất cả những sai lầm và thiếu sót của bạn.
7. Nghĩ về ai đó bạn quan tâm, cùng với tình yêu sôi nổi, rộng mở và vô điều kiện mà bạn dành cho người đó. Hiểu rằng món quà bạn đang trao cho người đó cũng là món quà mà ai đó đang trao cho bạn và nó sẽ giúp người ta cảm thấy được quan tâm, được che chở.
8. Trong lúc trao tình yêu vô điều kiện ấy cho người mà bạn quan tâm, hãy nghĩ lại bạn đã cảm thấy như thế nào khi chính mình được chấp nhận và được trao tình yêu vô điều kiện.
9. Ngẫm lại lần nữa cảm giác của bạn khi được quan tâm, được che chở và được yêu thương bất chấp những sai lầm, thiếu sót của bạn, và nghĩ về ai đó bạn quen biết với một tình cảm trung lập. Giờ, với sự chủ đích, hãy mở rộng tình yêu thương vô điều kiện của bạn tới người này. Trong khi bao bọc người này bằng tình yêu thương, hãy cầu mong họ có một cuộc đời hạnh phúc kèm một chút khổ sở trong khả năng chịu đựng. Giữ người đó trong tim bạn và nhìn về tương lai của họ. Nhìn về hạnh phúc của họ. Bạn hãy để mình tắm trong cảm giác ấm áp đó.
10. Giờ hãy nghĩ về ai đó mà bạn đang có mối quan hệ không mấy tốt đẹp, hoặc ai đó mà bạn không thích. Hãy hiểu rằng thông thường hành động của một người là một dạng biểu hiện của nỗi đau bên trong người đó. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Là một người thiếu sót, không hoàn hảo đang trong giai đoạn vùng vẫy và phạm sai lầm. Hãy nghĩ về ai đó trong chính cuộc đời bạn, người đã trao cho bạn tình yêu vô điều kiện. Ngẫm lại xem tình yêu đó và sự chấp thuận đó đã tác động đến bạn như thế nào. Giờ, hãy trao tình yêu vô điều kiện tương tự đến với người mà bạn đang có mối quan hệ tồi tệ hoặc người mà bạn không thích đó.
11. Nhìn nhận mọi người bạn gặp đều là những tạo vật thiếu sót, không hoàn hảo như chính bạn, một người từng phạm lỗi lầm, chọn sai hướng, và từng có lúc làm tổn thương người khác, cũng đồng thời là người đang cố vẫy vùng và xứng đáng được yêu thương. Bằng tâm trí bạn, hãy bao bọc họ bằng tình yêu, sự ấm áp và chấp nhận. Chẳng quan trọng phản ứng của họ với bạn là gì.
Điều quan trọng là bạn có một trái tim rộng mở. Một trái tim rộng mở sẽ kết nối với mọi người, và điều đó làm thay đổi mọi thứ.