Bất cứ việc gì tự mình không giữ lập trường, không có lòng tin với người là nghi. Nếu xác lập được phương hướng cuộc sống chính xác và thái độ xử thế thì không còn sống trong nghi ngờ.
Bất cứ việc gì tự mình không giữ lập trường, không có lòng tin với người là nghi. Nếu xác lập được phương hướng cuộc sống chính xác và thái độ xử thế thì không còn sống trong nghi ngờ.
Có nên nghi ngờ không?
Bản tính con người chưa hẳn là đa nghi, phần đông từng bị mắc lừa cho nên mới đa nghi. Nếu cha mẹ thường lừa dối con thì tất nhiên con cũng bắt chước lừa dối người khác; vì thế, làm cho mọi người hiểu lầm cho rằng con người sinh ra dường như đã đa nghi.
Có người bị người khác lừa gạt, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng người đó, kết quả bị lừa hết lần này đến lần khác mà vẫn cứ tin; đây là hạng người chấp mê không ngộ. Bởi vì, anh ta không tin tưởng tuyệt đối vào người khác mà làm việc theo cảm tình. Cũng có khi thấy được năng lực của người khác thấp kém nhưng vì không có bản lĩnh cho nên dễ bị gạt.
Nhưng sự lo ngại cũng không hẳn là việc xấu, như khi chúng ta đi ra ngoài, vì lo lắng nếu không cẩn thận sẽ dẫm phải đinh nên việc trước tiên là chú ý. Có người bị đạp đinh mấy lần, cho nên mỗi bước đi đều sợ đinh dưới chân mình. Do đó, nếu trong quá trình đời người thường gặp trắc trở, tất nhiên lâu ngày sẽ tạo thành tích cách đa nghi của họ; hay nói cách khác, nếu như một người làm ăn phát triển khá thuận lợi, lòng tự tin của họ càng mạnh, bất cứ đi đến đâu đều cảm thấy giải quyết vấn đề dễ dàng.
Có người lúc còn trẻ rất ít nghi ngờ, cho nên họ quyết đoán, năng nổ làm việc để thăng tiến, đến khi lớn tuổi họ suy nghĩ rất nhiều. Họ có thể nghi ngờ: “Ta làm giỏi như thế này sao?”. Khi về già có thể họ trở thành một người do dự, thiếu quyết đoán; đặc biệt người già không dư dả tiền bạc nên họ suy tính rất kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Nói về kinh nghiệm mắc lừa, trước đây tôi có gặp một lần, lúc này nhớ lại tôi thấy rất thú vị. Khi tôi ở Mỹ nhận được một phong thư, nói tôi được thưởng phải đi nhận, tôi không tin, nên hỏi người bạn ở Mỹ xem giải thưởng này có thật không; bởi có những doanh nghiệp vì muốn giới thiệu sản phẩm nên mới tổ chức bốc thăm trúng thưởng, anh ta cũng thường gặp việc này. Do đó, tôi nhờ anh ta gọi điện hỏi thử xem, kết quả họ nói tôi được trúng thưởng thiết bị điện rất tốt, tôi nhờ anh ta đi nhận. Người bạn của tôi cũng không hỏi thiết bị điện gì, vội lái xe đến nhận; kết quả, chạy xe hơn 50 dặm, chỉ nhận được một bộ ống nghe, tính ra tiền xăng đến địa điểm nhận quà thì lỗ nhiều. Vì sao tôi được giải thưởng này? Vốn là một doanh nhân muốn giới thiệu căn nhà, xem qua tư liệu, họ biết chúng tôi từ nơi khác đến, nên mượn cớ trúng thưởng để chúng tôi đến xem căn nhà. Từ kinh nghiệm lần này, bất kỳ giải trúng thưởng nào chúng tôi cũng không nghĩ đến.
Chúng ta cần phải đề phòng người lạ, nếu như có người nói với bạn: “Hiện giờ ba bạn nằm trong bệnh viện, tôi đưa bạn đến thăm ba”. Trước tiên, bạn phải hỏi: “Vì sao ba tôi nằm trong bệnh viện? Để tôi gọi điện thoại hỏi thử xem”. Đợi sau khi xác định đối phương là người nào, có quan hệ với ba mình thì mới có thể tin. Nếu đối phương thật sự có tâm tốt đến báo cho bạn biết thì bạn cũng phải cẩn thận và giữ mình, tốt nhất là sau khi cảm ơn họ thì nên, đi một mình sẽ an toàn hơn, đừng để bị mắc lừa người khác.
Mặc dù nghi ngờ có tác dụng giữ mình, nhưng cũng không thể cứng nhắc, làm việc gì cũng đều đa nghi, nên cứ chần chừ. Chúng ta cần phải dùng trí tuệ phán đoán mới có thể nắm bắt cơ hội.
Nghi ngờ và niềm tin
Người nặng lòng nghi thường do dự không quyết định, có người không giữ vững lập trường, có người không tin tưởng người khác; cho nên bất cứ việc gì cũng không dám quyết định.
Bởi vì họ không giữ vững lập trường, cũng không có mục tiêu, phương hướng và tiêu chuẩn nhất định để làm nguyên tắc cho mình đối nhân xử thế; cho nên bất cứ việc gì cũng nghi ngờ. Cho dù người khác đối với họ rất tốt, nhưng họ lại nghĩ ngược lại. Do đó, người nặng lòng nghi, làm bất cứ việc gì cũng khó thành công.
Thông thường chúng ta hình dung một hạng người là “hồ nghi”, vì họ nói ra giống như con cáo xảo quyệt. Con cáo có thể nói là động vật rất nguy hiểm, cho nên lấy nó để hình dung con người có thái độ nghi ngờ bất cứ việc gì - không phải là nghi ngờ người khác gây bất lợi cho họ, mà nghi ngờ sự việc có thể thay đổi.
Chúng ta nói con người có niềm tin, xác thật là phải tin mình, tin người khác và tin sự thật, gọi là tin tưởng. Niềm tin chỉ có đối với người hoặc sự vật mà mình đã nắm vững một số và hiểu rõ về họ. Người xưa đã dạy: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu như bạn không lường sức mình, làm việc mù quáng thì đến lúc nào đó có thể rơi vào mâu thuẫn nghi ngờ chính mình.
Tôi nói thí dụ, tiết mục “Đại pháp cổ” mời cô Trần Nguyệt Khanh làm người chủ trì tiết mục, tất nhiên mọi người tin tưởng cô chắc chắn có năng lực chủ trì việc này. Nhưng tôi và cô Trần có thể hợp tác được hay không và hợp tác đến mức độ nào thì phải dựa vào sự tín nhiệm của hai bên. Vì thế, trước khi chúng tôi chọn tiết mục, phải hiểu rõ thông suốt chủ đề lần này cần bàn luận điều gì. Nếu như hoàn toàn không hiểu thì cơ bản không có cách nào mà bàn luận đúng. Thế nên cần làm chăm chỉ, cẩn thận; mục đích là mong muốn làm việc được tốt hơn, hi vọng khi hoàn thành việc này, nhất định hai bên càng hiểu nhau hơn.
Do đó, chúng ta làm bất cứ việc gì đều phải chuẩn bị trước, cũng như có người nói tập hợp, nghiên cứu tài liệu; sau khi hiểu rõ và phân tích đầy đủ thì trong quá trình chúng ta tiến hành sẽ ít gặp trắc trở; đồng thời, có đủ điều kiện và hi vọng thành công.
Trên thực tế, việc nghiên cứu, điều tra, hoặc có tâm lý cẩn thận là do chưa hiểu rõ, như người phương Tây nói: “Nghi ngờ là sự bắt đầu của học vấn”. Nhưng sự nghi ngờ này là tìm hiểu tri thức, không giống sự nghi ngờ trên đây đã nói. Bởi vì chúng ta không biết việc đó như thế nào, cho nên muốn tìm kiếm, hiểu rõ. Giống như niềm tin đối với tôn giáo vì chúng ta vốn không hiểu rõ giáo lý, chỉ có niềm tin. Nhưng nếu chúng ta vừa nghi ngờ vừa cầu khấn Phật thì chúng ta cầu các ngài có ý nghĩa gì?
Ngoài ra, không nên vận dụng nghi ngờ để giao tiếp với mọi người, khi bắt đầu tình bạn, phải bắt đầu bằng sự tin cậy. Nếu như có tâm nghi ngờ thì dứt khoát không nên kết bạn. Sau khi kết thân, cũng không nên trút hết bí mật của mình; có thể họ vốn chưa hẳn có tâm xấu, nhưng vì bạn làm thế khiến họ khởi ý xấu, kết quả vì quan hệ với bạn mà tăng thêm tâm xấu. Vậy đối với họ có công bằng không? Cho nên, khi kết bạn với người, nhất định phải tin tưởng đối phương. Dùng người cũng giống như vậy, cho nên nói: “Nghi ngờ người thì không dùng, dùng người thì không nghi”. Nhưng trong quá trình dùng người, chúng ta vẫn phải chú ý, cẩn thận; như thế mới có thể làm cho người có cơ hội phát huy tài năng, làm việc tốt hơn.
Vì thế, niềm tin và nghi ngờ tuy là đối lập, nhưng cũng có thể bổ sung cho nhau, có tin mới có thể hoàn thành công việc. Nếu như bạn không có lòng tin với người khác thì tất nhiên công việc sẽ không thành công như mong đợi.
Dùng tin tưởng để trừ nghi ngờ
Tôi có quen một Phật tử, anh ta tin số mệnh mình không tốt, rất mê tín luôn xem tử vi. Mỗi ngày, trước khi anh ta ra khỏi nhà, hay trở về nhà rồi, nhất định xem tử vi. Có lúc đi đâu cũng nhìn xe màu hồng hay màu trắng, anh ta cũng tính toán sự việc trước; thậm chí vì sợ trúng độc, trước khi ăn cơm lấy kim cắm vô thức ăn, suốt ngày đa nghi như vậy.
Bởi vì anh ta cảm thấy luôn bất an, nghi ngờ tất cả, nhưng khi một người sống trong tình cảnh như vậy thì rất đau khổ. Một hôm, tôi hỏi anh ta: “Mỗi ngày tôi đi ra ngoài, gặp mọi người vẫn không xảy ra việc gì. Ngày nào anh cũng cảnh giác như vậy, có xảy ra việc gì không?”. Anh ta đáp: “ Thưa thầy! Thế giới này thật đáng sợ”.
Lại còn có một người kinh doanh nhỏ, nếu như trao đổi bằng tiền mặt thì anh đều bảo người khác bỏ tiền vào trong túi xách, tự mình không dám cầm tiền; kết quả, không biết người khác đưa anh bao nhiêu tiền. Tôi hỏi anh ta: “Vì sao anh làm như thế?”. Anh ta đáp: “Thưa thầy! Hiện nay trên tiền giấy có rất nhiều vi trùng, vì tiền rất dơ”. “Tôi cũng cầm tiền đâu có bị gì?”. “Thưa thầy! Có lẽ tay của thầy đã phòng độc”. “Không có gì đâu, mỗi ngày chỉ cần anh rửa tay thật sạch thì được, không nên quá lo lắng như vậy”.
Về sau, anh ta chết khi còn rất trẻ, nguyên nhân không phải trúng độc mà là quá cẩn thận, cuối cùng vì quá lo sợ mà chết.
Hằng ngày, họ sống trong sợ hãi, nghi ngờ bất cứ điều gì cũng làm tổn hại họ, cũng uy hiếp sinh mệnh của họ; cho nên, cuộc sống cứ luôn nghi ngờ. Khi một người sống trong nghi ngờ thì thế giới này biến thành như địa ngục. Một hoàn cảnh vốn là rất tốt, họ lại biến nó thành ở đâu cũng có tai họa, nơi nào cũng dữ dội, thì tất nhiên không có cách gì sống nổi, có thể là vì tâm lý chịu đựng không nổi nên họ chết.
Chúng ta muốn trừ sự nghi ngờ vô ích này, trước hết phải kiến lập một phương hướng, cách sống chính xác và thái độ xử thế đúng đắn thì trong cuộc sống sẽ không còn nghi ngờ; nhưng then chốt là ở hai chữ “niềm tin”; cũng chính là tin nhân quả, tin nhân duyên.
Sau khi tin nhân quả, là tin mình không hoàn hảo khi vấp ngã sẽ không có vấn đề gì, cũng là không có lo âu quá mức. Nhân quả này là mình đã tạo tác từ vô lượng kiếp đời quá khứ cho đến ngày nay; mặc dù, chúng ta không biết ngọn nguồn như thế nào, nhưng vì tin có nhân quả thì chúng ta sẽ cố gắng tạo phương hướng tốt hơn, cuộc sống cũng sẽ ngày càng thiết thực.
Tin nhân duyên là tin tưởng chỉ cần mình chú ý, cẩn thận, nỗ lực xúc tiến nhân duyên tốt thì hoàn cảnh cuộc sống của mình có thể tốt hơn. Nếu như không có nhân duyên tốt thì bạn phải tìm cách để làm thành nhân duyên tốt.
Khi sinh ra, tuy phước báo, tuổi thọ của mỗi người về cơ bản đã sắp đặt rồi, nhưng nó không phải là bất biến, chỉ cần chúng ta cố gắng nỗ lực thì vẫn có thể thay đổi, cải thiện tất cả. Tin nhân quả, tin nhân duyên, niềm tin có thể trừ sạch nghi ngờ.
Càng nghi ngờ càng ngộ
Mọi người biết lo âu là lo sự việc chưa xảy ra mà lo âu thì sinh ra nghi ngờ, hoặc lo sự việc sắp xảy ra, không biết kết quả ra sao. Xảy ra tình trạng này, phần đông là người không quả quyết. Có người lo lắng cho con cái; có người lo lắng cuộc sống về già, có những người lo lắng vì sự nghiệp. Cho nên họ thường sống trong bất an.
Loại bất an này rất đau khổ, giống như bậc làm cha mẹ thường lo lắng vấn đề giáo dục và tương lai cho con cái. Nếu như cha mẹ cứ sống trong tình trạng lo âu, nghi ngờ như thế thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con cái. Bởi vì cha mẹ dạy con mà không rõ đúng sai, con cái không đi học cũng được, học quá nhiều cũng không sao; con cái ham đi chơi nhiều cũng được, không đi chơi cũng tốt, làm cho con cái không biết nghe theo ai, không biết làm thế nào mới đúng?
Bản thân tôi từng có kinh nghiệm này, hằng ngày khi tôi lạy Phật thì thầy bảo: “Con lạy Phật chẳng có ích gì? Khác nào gà ăn gạo”. Vì thế, tôi chuyển sang niệm Phật, kết quả thầy nói: “Con niệm Phật có ích gì, giống như đĩa hát được thu lại”. Tôi đổi sang ngồi thiền, không ngờ thầy lại bảo: “Con ngồi thiền có ích gì? Giống như khúc gỗ”. Tôi lại chuyển qua tụng kinh, thầy lại bảo: “Con tụng kinh có ích gì? Đều là một đống văn tự”.
Sau đó, tôi đến hỏi thầy: “Bạch thầy! Rốt cuộc con phải tu như thế nào mới đúng?”. Thầy bảo: “Thầy không biết, tự con hãy nỗ lực tu tập”.
Thầy nhất quyết không nói cho tôi biết vì sao thầy làm như thế. Lúc đó, tôi cũng rất lo âu, nghi ngờ, không biết rốt cuộc phải làm thế nào? Tôi không hiểu vì sao thầy đối với tôi như thế.
Sau đó, tôi hiểu ra là thầy dạy không nên chấp bất cứ pháp môn nào, chỉ cần có chấp là sai. Nhờ đó, tôi hiểu được phương pháp tu hành tốt nhất chính là “cuộc sống là tu hành”, cũng chính là khi làm việc gì, bạn phải cố gắng chuyên tâm làm tốt việc đó.
Kỳ thực, phương pháp tu hành theo Thiền tông chính là “nghi”, có phải thầy muốn làm cho tôi sinh nghi ngờ, nhưng tôi không biết. Nghi là làm cho bạn cảm thấy điều gì cũng không đúng, làm như thế này không đúng, làm như thế kia cũng không đúng, làm cho mình luôn bực bội; sau đó, bạn cứ mãi bực mình, khó chịu, không biết phải làm thế nào, bỗng nhiên trong lúc suy nghĩ nung nấu liền khai ngộ.
Khi ấy, tuy tôi chưa khai ngộ, nhưng cảm thấy cách thầy dạy dường như là đúng, mục đích của thầy là dạy tôi khởi sinh nghi ngờ. Bởi vì, nếu bạn muốn biết vì sao, tất nhiên sẽ đi hỏi, đi tìm hiểu: “Vì sao lạy Phật, ngồi thiền không đúng, xem sách, tụng kinh cũng không được, thầy làm như thế rốt cuộc phải làm thế nào?”.
Vì thế, tôi không nghi ngờ thầy, tin tưởng bất cứ điều gì thầy bảo nhất định đều có lý của nó; đây chính là lợi ích không có nghi ngờ.
Không cần lo lắng cho tương lai
Tôi thường dạy các đệ tử phải nhìn hiện tại của chúng ta. Bạn sống trong thời gian hiện tại thì không cần lo lắng tương lai xảy ra như thế nào. Nếu như bạn thường lo lắng cho tương lai thì thời gian hiện tại bị lãng phí mất rồi, điều này chẳng phải là đáng tiếc sao?
Người xưa nói: “Một trăm con chim ở rừng, không bằng bắt được một con”. Nếu như hiện tại bạn bắt được một con chim thì bạn không cần lo lắng phải làm thế nào bắt được hết một trăm con chim khác ở trong rừng, chỉ cần bạn chăm sóc một con chim chu đáo là được rồi. Nếu như bạn chăm sóc con chim bắt được tốt, có lẽ chim khác trên cây cũng sẽ bay đi; nhưng nếu bạn cứ lo lắng chỉ bắt được có một con chim nên muốn bắt được hết thảy một trăm con chim thì phải thả một con chim hiện tại, để đuổi bắt một trăm con chim kia; kết quả, chẳng những một trăm con chim kia bay đi mất mà con chim bắt được cũng không còn.
Vì thế, cách tốt nhất là bạn nắm bắt hiện tại, vận dụng hiện tại, từ hiện tại mà từng bước vững chắc đi về phía trước. Con người muốn tiến bộ phải vươn lên, cần phải phối hợp vị trí hiện tại và nỗ lực không ngừng. Phương hướng nhất định không thể thay đổi, nhưng chỗ đứng có thể thay đổi; nếu như chỗ đứng không thay đổi thì bạn sẽ không tiến lên được. Hiện tại, tuy bạn đang tiến bước vững chắc, nhưng bạn phải biết rõ tình huống thực tế là thế nào, sau đó mới có thể đi tiếp; đây chính là cách làm “thận trọng từng bước”.
Nếu như bạn nắm chắc cách làm này thì bất luận tương lai xảy ra việc gì, bạn cũng có năng lực kịp thời ứng phó. Bằng không, bạn cứ lo lắng cho tương lai thì mỗi bước trong hiện tại đều đi không vững, có khi còn làm hỏng việc và rất nguy hiểm.
Có những người lo lắng vì tình hình di dân của Đài Loan, nhưng khi người dân đến nước ngoài rồi, cuộc sống lại không tốt bằng trong nước. Chúng tôi không phản đối di dân, bản thân di dân không có vấn đề, người nước ngoài cũng đến Đài Loan, quan trọng là tâm lý của người di dân. Nếu như họ sợ ở Đài Loan sẽ gặp nguy hiểm, như thế là có vấn đề. Chỉ cần chúng ta ở Đài Loan được quản lý tốt, nhân dân đoàn kết, an ninh bảo đảm thì không có việc gì. Do đó, chúng ta không cần quá lo lắng cho bản thân, hoặc xã hội, hay quốc gia, chỉ cần chúng ta sống thực tại làm tốt công việc thì được rồi.
Chúng ta muốn sống ngay hiện tại, cũng chính là sống thật sự và thiết thực. Hiện tại bạn làm việc gì thì phải chuyên tâm làm việc ấy. Ví dụ chúng tôi đồng ý phỏng vấn, nếu trong tâm suy nghĩ lung tung thì sẽ nói năng lộn xộn. Nếu bạn sống thật sự chuyên tâm là sống trong hiện tại; đây là cách tu hành rất tốt, cũng là phương pháp tốt nhất khắc phục lo lắng và nghi ngờ.
Sợ cũng vô ích
Nói đến lo sợ là khi chúng ta đứng trước tình huống nguy hiểm; hoặc là biết trước sẽ xảy ra sự cố tai họa, tâm lý sinh ra bất an, lo lắng. Mặc dù, chúng tôi không phải là nhà tâm lí học, nhưng chúng tôi biết lo sợ là một trạng thái tâm lý luôn có cảm giác không an toàn. Người Trung Quốc xưa có một câu chuyện thành ngữ rất hay, giống như bóng cây cung có hình con rắn trong chén rượu, con người thấy cỏ cây tưởng là địch, gió thổi, hạc kêu đều là tâm lý lo sợ dẫn đến.
Mỗi người đều có tâm lo sợ nhiều hoặc ít; có người sợ chết; có người sợ cô độc. Nhưng phần đông mọi người đều sợ bệnh, bởi vì ai cũng từng nếm qua nỗi khiếp sợ này, giống như có những người từ nhỏ bị cha mẹ ngược đãi, cho dù họ đã trưởng thành nhưng trong tâm họ vẫn luôn hiện ra hình ảnh kinh hãi. Lại có những người luôn thấy ác mộng, nằm mộng thấy mình bị đuổi giết, hoặc bị té xuống sông, hay rơi ruống hầm lửa; đây gọi là ngày nghĩ sao đêm mơ thấy vậy. Điều này đủ thấy vì trong tâm họ thường cảm thấy lo sợ, nên bất cứ lúc nào cũng cảm giác sợ hãi.
Ngoài ra, có người khi ngồi thiền cũng sinh ra cảm giác lo sợ. Vì sao môi trường ngồi thiền yên tĩnh, an toàn như thế mà họ vẫn lo sợ? Rốt cuộc họ sợ điều gì? Cảm giác sợ hãi này sẽ làm cho người ta cảm thấy dường như sau lưng thường có ma tìm đến. Cảm giác sợ hãi và cảm giác sinh mệnh không an toàn không hoàn toàn liên quan tới nhau.
Có người nói tâm nghi sinh ra quỷ ám, khi tâm lo sợ nghiêm trọng, thậm chí còn làm cho người ta vì quá lo sợ mà dẫn đến tử vong. Như có người mắc bệnh ung thư, người thân của họ sợ họ lo lắng, cho rằng họ không biết bệnh tình thì có thể sống thêm một thời gian, cho nên cố tình giấu bệnh tình. Chúng ta nghe qua dường như có lý, nhưng nếu hoá giải tâm lo sợ của bệnh nhân, cho họ biết sự thật bệnh tình cũng không nhất định sẽ chết, cho nên không cần che giấu họ, có khi nói ra bệnh tình lại càng tốt hơn là giấu. Bởi vì, nếu bệnh nhân biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình thì họ mới biết nên tự điều dưỡng thế nào; như thế, họ có thể kéo dài sự sống.
Do đó, nếu như chúng ta hoá giải được tâm lo sợ là rất tốt; còn không hoá giải được là việc rất nguy hiểm. Cho nên, đối với những người thường cảm thấy lo sợ, chúng tôi từng nói với họ: “Các bạn đừng sợ, sợ cũng vô ích”. Sợ hãi làm cho vấn đề trở thành nghiêm trọng, gọi là “người trong cuộc thì mê, người ngoài cuộc thì sáng”. Nguyên nhân người trong cuộc bị mê là vì lo sợ, họ lo lắng vấn đề lợi và hại, được và mất, cứ mãi lo sợ sẽ xảy ra việc gì; kết quả, xảy ra thật. Nhưng người ngoài cuộc vì không lo sợ, họ xử lý sự việc rất bình thường.
Do đó, chúng ta thấy được sợ hãi làm ảnh hưởng nặng nề đến thân tâm của chúng ta, chẳng những làm tổn hại sức khoẻ mà thậm chí có khả năng sẽ kết thúc sự sống của bạn. Duy trì cách nhìn khách quan sẽ dễ dàng hoá giải tâm lý lo sợ.
Làm thế nào để trừ nỗi lo sợ?
Có một người từng làm cảnh sát, lần đầu anh ta đến Hồng Kông rất sợ hãi, lo khi máy bay đáp xuống phi trường Hồng Kông không có ai đến đón anh ta. Anh ta hồi hộp hỏi chúng tôi: “Thưa thầy! Con không biết nói tiếng Quảng Đông cũng không biết nói tiếng Anh, đến Hồng Kông không có ai đón con phải làm thế nào?”. Chúng tôi bảo: “Không sao đâu! Cậu hãy ghi địa chỉ và số điện thoại của bạn cậu bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nếu như khi máy bay đáp mà không thấy bạn đến thì có thể gọi điện thoại hỏi”.
Kết quả, anh ta lại lo lắng mình không có tiền Hồng Kông, không biết làm thế nào để gọi điện thoại ở Hồng Kông mà ngay cả số điện thoại cũng không tìm được. Chúng tôi lại bảo: “Cậu đừng sợ! Cậu có thể nhờ cậy những người mặc đồng phục ở sân bay Hồng Kông giúp đỡ. Nếu như cậu không nói được tiếng Quảng Đông và tiếng Anh thì có thể đưa cho họ địa chỉ liên lạc của bạn cậu”.
Khi anh ta đến phi trường Hồng Kông thì đã thấy bạn của anh ta đến đón, lúc đó anh ta mới hết lo lắng.
Thật ra, chúng ta không cần lo sợ như thế. Chúng tôi đến bất kỳ nơi nào cũng đều bỡ ngỡ. Chúng ta đến thế giới này một mình, khi tôi xuất gia, đi học cũng một mình. Một người muốn đến thế giới này cũng chỉ có một mình, chỉ cần sống chung với người khác thành thật, không nên xem người khác là người xa lạ; như thế, những người này sẽ không còn xa lạ, cũng không cần sợ hãi.
Vậy chúng ta làm thế nào để trừ nỗi sợ hãi? Có hai cách:
1. Thái độ cho đi và cống hiến, cũng có nghĩa là mình đến thế giới này, không phải để tìm cầu điều gì mà đến để giúp đỡ mọi người. Khi chúng ta đi ban đêm thường rất sợ ma, liền niệm “A Di Đà Phật” hồi hướng cho họ, và suy nghĩ: “Tôi đang cầu nguyện giúp cho các vị được vãng sinh, nên các vị đừng tìm tôi gây phiền phức”. Nếu như bạn thấy một người không nghĩ đến lợi ích của bản thân mà chỉ muốn được giúp người khác, chúc phúc họ được bình an; như thế sẽ cảm thấy không lo sợ.
2. Chúng ta nghĩ đến tất cả các nơi trên thế giới, bất luận là con người, sự việc, sự vật không thể nào tồn tại mãi được mà do nhân duyên hợp thành, chỉ mang tính tạm thời. Khi nhân duyên hội tụ thì nó thành, khi nhân duyên hết thì tan rã. Vận xấu cũng là nhân duyên hoà hợp, vận tốt cũng là nhân duyên hoà hợp, đã là nhân duyên hoà hợp thì không cần lo lắng, sợ hãi. Bởi vì, chúng ta chỉ là một trong nhân duyên mà thôi, nó sẽ sinh ra và thay đổi bất cứ lúc nào, sợ cũng vô ích.
Nếu chúng ta dùng tâm thái theo hai cách này để đối nhân xử thế, khi gặp bất cứ tình cảnh nào cũng không còn lo sợ nữa.
Không có sợ hãi
Tôi còn nhớ lúc bé đạp xe đi học, vì đường bằng phẳng nên đạp rất nhanh, cho nên tôi đổi đi trên đường bờ ruộng. Do đường bờ ruộng hai bên đều là ruộng lúa gập ghềnh đi xe rất khó. Lúc đó, tôi nghĩ: “Nhất quyết không được ngã xuống ruộng”. Cuối cùng, tôi vẫn ngã nhào xuống ruộng.
Thật ra, chiều rộng bờ ruộng đủ để đi xe. Sau khi tôi gượng dậy từ dưới ruộng bước lên bờ, toàn thân ướt sũng, lấm lem, vì ngã xuống ruộng nên không bị trầy xước. Lần sau, tôi đi xe đã vững nên suy nghĩ: “Vì sao lần đầu mình đi xe bị ngã?”. Chính là vì lo lắng, tâm lý càng sợ càng dễ ngã.
Còn nữa, lúc còn nhỏ tôi có chứng sợ hãi, đặc biệt là đi trên cầu khỉ. Mỗi lần tôi đi trên cầu khỉ, chỉ cần vừa thấy cầu lắc lư là sợ không dám đi tiếp. Sau đó, tôi nghĩ: “Dù sao người khác đi qua được không bị ngã xuống cầu, mình cứ đi có lẽ không sao đâu”. Thế là dù cầu khỉ lắc lư, tôi cứ vịn tay lên cầu hơi run mạnh dạn đi hết cầu, sau đó còn có thể đi rất nhanh, là vì không còn sợ hãi.
Sợ hãi là như thế, trong cuộc sống của chúng ta, khi làm bất cứ việc gì, chỉ cần có tâm lo sợ thì làm việc không thành tựu. Nhưng sau khi buông bỏ tâm lo sợ, bảo đảm không còn vấn đề. Cho nên tâm nghi sinh quỷ ám, người luôn sợ hãi là do tâm mình. Trên thực tế, chẳng có việc gì làm cho người ta sợ hãi, cho dù đi trong đêm tối, đi xe trên bờ ruộng, hay đi cầu khỉ đều do tâm mình lo âu, sợ hãi mới cảm thấy việc đó thật khiếp sợ.
Trong Tâm Kinh1 ghi: “Không có sợ hãi”. Sợ hãi này khác với sợ hãi của người bình thường chúng ta. Sợ hãi ở đây là sợ hãi sống và chết, nên nói hàng phàm phu sợ chết, A-la-hán sợ sống. Chúng sinh tham sống sợ chết, không biết sau khi chết đi về đâu; do đó mong đừng chết. Người đã chứng quả, vì hiểu rõ nỗi đau khổ của sinh, cho nên không muốn sinh lại nhân gian.
1 Tâm Kinh: tên gọi tắt của Kinh Tinh Yếu Bát Nhã ba la mật đa Tâm Kinh (ND)
Thật ra, sinh tử và giải thoát là giống nhau. Bạn sợ sinh tử thì sinh tử là chịu khổ, nếu như bạn không sợ, cũng đừng tham nghĩ sinh tử thì ngay trong sinh tử bạn tự do đi lại, có thể độ khắp chúng sinh, hành đạo Bồ-tát. Sinh tử như thế có gì là đáng sợ?
Vì thế, trên thực tế sợ hãi là điên đảo, sinh tử vốn là việc không phải đau khổ; điều này trong Tâm Kinh đã ghi: “Không có sợ hãi”.
Tự tin vượt qua mỗi ngày
Con người ở đời trong tâm thường sinh ra một loại không quân bình và không an toàn. Nguyên do là vì đâu? Không biết phải làm thế nào để đối diện với tương lai và hiện tại? Đây chính là sợ hãi và lo âu.
Nguyên nhân sợ hãi và lo âu, phần đông là vì thiếu tự tin, cũng chính là không hiểu điều kiện, năng lực, vị trí và lập trường của mình, cho nên đối với tương lai thường bất an. Như khi chúng ta đi xa, trong lòng thấp thỏm lo thời tiết xấu, bị xe đụng? Trước sau luôn cảm thấy sợ hãi, tức là quá đa nghi.
Có những người hàng ngày trước khi ra khỏi nhà, đều lạy thần cầu xin, hoặc ném đồng tiền, xem tử vi hay xem kinh Dịch thì phải sắp xếp tám chữ, đoán ra quẻ mới chịu đi khỏi nhà. Như thế trước khi đi xa, họ đều phải chuẩn bị để khẩn cầu bình an; buổi tối trở về thì họ cảm tạ thần, hay Phật, Bồ-tát gia hộ một ngày bình an. Như thế rõ ràng là mình được bình an ngày đó là nhờ sự gia hộ của Bồ-tát, thần, hoặc là tổ tiên chứ tự mình không có khả năng làm chủ phải không? Bởi vì không có cách gì làm chủ được mình mới luôn cảm thấy mình sống trong hoàn cảnh không an toàn.
Chúng ta muốn phá trừ tâm lý lo lắng và sợ hãi triệt để thật không dễ, Tâm Kinh đã ghi: “Không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng, điên đảo”. Chúng ta muốn xa lìa sợ hãi thì phải thực hành quán “năm uẩn đều không” mới được. Đã nói năm uẩn đều không thì hãy quán thân tâm, thế giới của chúng ta đều là không. Lúc đó, tự mình hoàn toàn làm chủ hoàn cảnh thân tâm, thế giới của chúng ta thì không cần lo lắng, hôm nay đi xa có xảy ra việc gì hay không, cho dù có xảy ra sự cố cũng không hề gì; bởi vì, chúng ta không có sợ hãi và lo lắng thì luôn sống trong bình an.
Nhưng chúng ta muốn làm chủ thân tâm, thế giới của mình vốn là việc không thể. Bởi vì, thân của chúng ta không do chúng ta điều khiển, khi nào đau đầu, hắt hơi chúng ta cũng không biết trước được. Chúng ta thường khuyên người khác giữ gìn sức khoẻ, nhưng chính mình lại bị bệnh, điều này rất thường xảy ra. Vì thế, chứng tỏ chúng ta sống ở thế giới này vốn không có bình an, thế giới bình an thật sự là không có mặt chúng ta nơi đó, làm sao có thể khẩn cầu bình an? Nếu như có được sự bình an thì nhất định phải giống Phật, Bồ-tát; giống như Bồ-tát Quán Tự Tại quán thế giới và thân năm uẩn này - sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là không; bởi vì, chỉ có bậc đại trí tuệ thì mới có khả năng bình an thật sự.
Còn người bình thường chúng ta, làm sao bình an được? Tôi thường nhủ mình, không có gì phải sợ, bởi vì sợ cũng vô ích. Chỉ cần chúng ta nghĩ được như vậy thì có xảy ra việc gì thì đã chuẩn bị trước, cũng chính là nói: “Sửa nhà trước lúc mưa xuống”. Cho dù đã chuẩn bị trước, nhưng cũng có thể xảy ra tình huống bất ngờ, chẳng phải chúng ta thường nghe nói: “Té ngã bể mắt kính”; hay là “Giữa đường gặp nạn, may có Trình Giảo Kim1” phải không? Đây là hình dung những việc mà mình không ngờ đến, đã là việc bất ngờ, có sợ cũng vô ích. Bởi vì chúng ta lo sợ chẳng những không có ích gì mà còn khiến cho thần kinh căng thẳng; nếu hàng ngày chúng ta sống như thế thì thật là đau khổ.
1 Trình Giảo Kim: Danh tướng nổi tiếng dưới thời vua Đường Thái Tông, Trung Quốc cổ đại. (ND)
Cho nên đối với hiện thực vô thường, chỉ cần biết nó là như thế. Sau khi hiểu rõ tình cảnh của mình thì không nên quá lo lắng, sợ hãi.
TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU BỘ SÁCH PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG
Tác giả: Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
1. Tu trong công việc
2. Tìm lại chính mình
3. Giao tiếp bằng trái tim
4. An lạc từ tâm
5. Buông xả phiền não
6. Thành tâm để thành công
7. Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm
8. Tình thế gian
9. Bình an trong nhân gian