Bất cứ việc gì tự cho mình đúng, cậy tài khinh người, là mạn. Nếu chúng ta buông xả tự ngã, khiêm tốn, cung kính với mọi người thì tâm mạn tất nhiên dần dần tiêu mất.
Bất cứ việc gì tự cho mình đúng, cậy tài khinh người, là mạn. Nếu chúng ta buông xả tự ngã, khiêm tốn, cung kính với mọi người thì tâm mạn tất nhiên dần dần tiêu mất.
Tự tin hay là tự phụ?
Dường như con người ai cũng có tâm tự phụ và tự mãn, Phật giáo gọi là “tâm mạn”, cũng là ý nghĩa tự cho mình tài giỏi. Người như thế, khi chung sống với người khác thì luôn xem họ thấp kém còn mình thì tài giỏi; do đó, rất dễ làm tổn thương đến người khác, tạo thành điều không tốt cho cả hai.
Sở dĩ con người tự phụ là vì họ ỷ mình giỏi hơn người khác ở phương diện nào đó, như tài năng, trí thức, hoặc phẩm chất con người; do đó, khi họ đối xử với người khác tự nhiên biểu hiện tâm kiêu mạn. Nếu như họ được người khác khẳng định tài giỏi, lại luôn gặp cơ hội tốt đưa họ lên cao thì càng ngày họ càng kiêu mạn. Nhưng cuối cùng con người không thể trèo mãi lên cao, cho dù cứ trèo mãi lên cao, cũng có lúc lên đến điểm cao nhất, khi lên đến nơi rồi, nhất định phải trở xuống.
Nhưng người có tâm mạn thường không tự biết mình. Mặc dù họ bị phiền não rất nhiều, nhưng vẫn không biết là do tâm mạn gây nên. Như họ luôn cảm thấy mình là tự tin (chẳng phải tự phụ). Tự tin là khả năng tự biết mình, cũng chính là biết rõ tài năng của mình, có khả năng làm được những việc gì, nhiệm vụ đạt được như thế nào. Còn tự phụ là tự cho mình có năng lực như vậy, nhưng chưa chắc gì làm được.
Khi tôi ở Tokyo, từng gặp một người bạn từ Đài Loan đến, anh ta tốt nghiệp đại học chính trị, bạn học của anh ta có người làm thứ trưởng, có người làm đến bộ trưởng; do đó, anh ta than thở với tôi: “Thưa pháp sư! Thầy biết không? Con thật là xui xẻo! Thời gian chẳng chờ đợi con, thời vận vẫn không đến, dường như vận tốt không đến với con. Cho nên con ở Tokyo chỉ còn cách buông bỏ tất cả, dứt khoát mai danh ẩn tích”. Bởi vì anh ta nhìn thấy các bạn cùng học và đồng nghiệp đều thăng quan tiến chức, nhìn lại mình cảm thấy thất vọng. Thật ra, đây chính là vì tự phụ không được như ý mà đưa đến.
Nếu như người tự biết và tự tin thì sẽ không nghĩ như thế. Họ sẽ nói: “Tôi có năng lực làm việc này, nếu như có cơ hội thì chắc chắn tôi làm được rất tốt; giả sử không có cơ hội thì cũng không sao.
Bởi vì đây chẳng phải vấn đề năng lực của tôi, mà là liên quan nhân duyên chưa đủ”. Hoặc nói: “Có việc nào thì tôi làm việc đó, không nhất thiết phải làm bộ trưởng, tôi làm việc khác cũng làm rất tốt”.
Do đó, chúng ta quán sát kỹ tâm mạn, có phải là có tâm so sánh hay không. Nói chung tâm mạn là tự cho rằng mình tài giỏi hơn người khác một bậc, như người lấy thành công của mọi người đều thuộc về công lao của mình, còn khi thất bại lại đổ lỗi cho người khác, tâm lý sinh ra bất bình thường và cảm thấy thất vọng, cũng là tâm mạn. Chúng ta nên biết việc được thành công là phải có rất nhiều nhân duyên mới thành tựu, không phải hết thảy công lao đều là của mình. Vì thế, đối với bất cứ việc gì chúng ta phải giữ thái độ là chẳng phải nhờ mình mà làm tốt, nếu như không thể làm việc này thì cũng có thể đổi làm việc khác. Chúng ta làm được như thế thì giữ được tâm lý bình tĩnh và an ổn, cũng không khởi tâm mạn.
Giữ khiêm tốn, cung kính, thích làm người phụ việc
Người có tâm mạn, trong tâm thường cảm thấy bất an nên thường đau khổ và phiền não. Nhưng hai loại thái độ khiêm tốn và cung kính là phương thuốc tốt nhất chúng ta trừ bỏ tâm mạn.
Nói về khiêm tốn là khi cùng chung sống với mọi người, không nên luôn nghĩ công lao thuộc về mình. Như trong tiết mục “Đại pháp cổ” chiếu trên truyền hình; mặc dù tôi là người chủ giảng, nhưng nếu không có vị chủ trì giới thiệu hướng dẫn, mọi người cùng nhau góp sức sắp đặt, lại chọn đề tài phù hợp với khán giả thì nội dung tiết mục này sẽ không được tốt, và khán giả cũng không được nhiều như thế. Phải công nhận khán giả ủng hộ rất nhiều, tôi vô cùng cảm ơn họ. Trên thực tế, tôi chỉ là nhân tố nhỏ trong tiết mục này, nhờ các duyên hoà hợp mới làm được “Đại pháp cổ”, lại đạt được thành tích rất tốt.
Khi chúng ta xem xét vấn đề từ khía cạnh nhân duyên thì sẽ hiểu được khiêm tốn, cũng có thể trừ được tâm mạn, nhưng không vì thế mà phủ định sự nỗ lực của mình. Bởi vì sự cống hiến của bạn vẫn là nhân tố thành công, song vẫn kết hợp điều kiện khác, cho nên không được đem hết công lao của mọi người thuộc về mình. Nhưng có những người đem tất cả công lao của tập thể thuộc về mình, cho rằng người khác được nhờ họ, như thế thì có thể nói: “Nếu như bạn không chủ trì tiết mục của tôi thì ai biết được người đó là bạn, chẳng phải bạn nhờ tôi mà được nổi tiếng”. Nếu như nói như thế là tâm kiêu mạn.
Cho nên, trừ bỏ tâm kiêu mạn rất quan trọng; mặc dù bạn muốn khẳng định sự nỗ lực và cống hiến của mình, nhưng phải cho mình là người phụ việc, là một nhân tố trong nhiều nhân duyên, như vậy sẽ phá được tự ngã, mà có thể thường nghĩ đến công lao người khác, cảm ơn họ, cảm ơn nhân duyên của họ. Chúng ta làm được như thế thì không còn tâm mạn.
Ngoài tâm thái quan trọng như khiêm tốn, tôn kính, cung kính cũng là hoá giải tâm mạn, cũng chính là kính nghiệp, lạc quần. Kính nghiệp là đối với công việc đã làm luôn giữ tâm tôn kính. Lạc quần là mỗi cá nhân cùng tham gia nên khởi tâm cung kính, cảm tạ. Như thế, tự nhiên người khác sẽ chủ động cộng tác với bạn, giúp đỡ bạn; đó là mọi người đồng tâm hiệp lực. Tôi thường nói, ngày nay Thánh Nghiêm tôi có chút danh tiếng; trên thực tế, danh tiếng này không phải cá nhân tôi mà là của tín chúng, đệ tử, còn có xã hội của chúng ta cùng làm nổi danh tôi. Vì thế, tôi gặp bất cứ người nào cũng rất cung kính, cảm ơn, không khởi tâm kiêu mạn.
Nhưng có một hạng người, khi bình thường không dễ gì cúi đầu trước người khác, họ luôn cảm thấy đó là việc mất thể diện; đặc biệt đối với bạn cùng lứa, hoặc cấp dưới, tuy biết mình không làm được, phải nhờ người khác chỉ dạy, nhưng họ không chịu cúi đầu, trừ khi bị tổn hại đến lợi ích của mình, hoặc bất đắc dĩ họ mới chịu cúi đầu.
Trong đạo Phật, lạy Phật là phương pháp tốt bồi dưỡng tâm cung kính. Từng có một vị cư sĩ đến nói với tôi, ông ta vốn là người có tâm mạn rất nặng. Nhưng có một lần ông ta tham gia tu thiền trong ba ngày, tổ chức ở Pháp Cổ Sơn, nhờ lạy Phật làm cho ông ta học tập thật sự, hiểu được thế nào là khiêm tốn, cung kính. Bởi vì trong quá trình lạy Phật, ông ta học được phải đối xử với chúng sinh sẽ thành Phật giống nhau, đem tâm khiêm tốn đối xử với mỗi chúng sinh. Vì thế, khi ông ta lạy Phật, đầu, hai tay, hay chân úp sát xuống đất quán tưởng lễ kính Đức Phật và cũng cảm thấy giống như lễ kính chúng sinh.
Nếu như mỗi người, mỗi gia đình, hoặc đoàn thể, cho đến tất cả xã hội, quốc gia luôn luôn giữ tâm thái khiêm tốn và cung kính đối phương thì tâm kiêu mạn tất nhiên sẽ trừ sạch; cũng không dẫn đến đầu mối tranh chấp.
Biết tàm quy1 mới tiến bộ được
1 Tàm quý: “Tàm” là tự thấy xấu hổ với bản thân, “quý” là xấu hổ với người khác. Sám hối: tiếng Phạn là Ksama, dịch âm là Sám Ma (dịch âm tức chỉ dịch bằng cách dùng từ sao cho khi đọc lên âm dịch đó gần giống với âm gốc, bản thân nó hoàn toàn không có nghĩa gì), dịch nghĩa là hối quá (ăn năn, cầu mong sửa đổi và chịu hình phạt vì sai lầm đó). “Sám hối” vừa dịch âm, vừa dịch nghĩa. (ND)
“Tàm quý” là danh từ chuyên dùng trong Phật giáo, trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc ngay cả từ vựng cũng chưa có hai chữ “tàm quý”. Nhưng hai chữ này là một phương pháp và quan niệm tu hành. Trong đó, tàm là chỉ có lỗi với mình, cũng chính là “tự thẹn mình không bằng người”. Quý là chỉ có lỗi với người khác, cho nên nói “xấu hổ với người”. Thật ra, một người có lỗi với người khác cũng là có lỗi với chính mình, ví dụ bạn làm sai lầm việc gì tổn hại đến người khác, ít nhất đã làm tổn hại đức hạnh của mình, cho nên cũng là có lỗi với mình.
Nhưng khi chúng ta có lỗi với chính mình, thì sẽ ít khi đối tốt với người khác; cho nên có lỗi với mình cũng là có lỗi với người khác. Như cha mẹ luôn hy vọng con cái học thành tài làm vẻ vang cho gia tộc, nếu như con cái không làm được thì có lỗi với mình, cũng có lỗi với cha mẹ, vì làm cho cha mẹ thất vọng. Mặc dù con cái không làm việc xấu, nhưng vì không chịu chăm chỉ, nỗ lực học tập, lãng phí thời gian, tuổi trẻ, phụ lòng mong đợi của người thân và dòng họ. Do đó, hai chữ tàm quý luôn có tác dụng và có ý nghĩa có lỗi với mình, lại còn có lỗi với người khác.
Vì thế, chúng ta đối với thầy cô, bạn bè, cho đến tất cả chúng sinh phải luôn sinh tâm hổ thẹn. Đây cũng là nguyên nhân đại sư Ấn Quang đặt pháp hiệu mình “thường tàm quý tăng”. Ai cũng cho rằng là cao tăng sẽ rất ít khuyết điểm, xứng đáng làm gương cho mọi người, nhưng ngài vẫn thấy bản thân thường phạm sai lầm mà tự cảm thấy hổ thẹn. Điều này không chỉ là một đức hạnh khiêm tốn mà còn thể hiện sự tu hành cao hơn khiêm tốn một bước.
Khiêm tốn là tự biết mình không có khả năng, còn nhiều khiếm khuyết; cho nên đối với mọi người rất khiêm tốn. Nhưng sự hổ thẹn này là rất tích cực là tự mình biết sai nên sửa, tự mình biết không làm được nên phấn đấu nỗ lực, tự mình biết làm được nhưng vẫn chưa tốt, cần cố gắng cải tiến; đây chính là người thường có tâm tàm quý, tâm Bồ-đề. Chúng ta học Phật là phải học tâm Bồ- đề, tâm Bồ-tát, có trí tuệ, có từ bi, làm lợi mình, lợi người; đồng thời, phải thẳng đến thành Phật mới gọi là viên mãn; còn trước khi chưa thành Phật, thường phải nhắc đến hai chữ tàm quý.
Nếu như chúng ta thường nhớ hai chữ “tàm quý” trong đầu thì sẽ được ba điều có ích:
1. Không dám lười biếng, sẽ luôn nỗ lực tinh tấn.
2. Thường khiêm tốn, chẳng những tôn kính tất cả mọi người mà còn giúp người vô điều kiện.
3. Có khả năng nhẫn nhục, bởi vì hiểu được “tàm quý”, cho nên làm được việc khó làm, nhẫn được điều khó nhẫn, xả được điều khó xả; đây chính là tinh thần Bồ-tát.
Vì thế, chúng ta không nên hiểu sai, cho rằng có tâm tàm quý là biểu hiện có khuyết điểm, thừa nhận có khuyết điểm là thể hiện người hèn kém. Trái lại, bởi vì người biết tàm quý, luôn sửa đổi mình nên ít khuyết điểm; vì biết tàm quý, thường xuyên nỗ lực tinh tấn không lười biếng.
Không biết thì nói không biết
Nói theo người bình thường mạn chính là kiêu mạn. Nhưng kinh Phật phân tích mạn rất kỹ, như quá mạn, quá nghĩa là vượt mức, là tự cho mình giỏi hơn người khác nên kiêu ngạo, xem thường người khác không bằng mình; đây gọi là quá mạn.
Kế đến là ti liệt mạn, là nói tự biết mình không làm được mà vẫn kiêu ngạo, giống như nhân vật A.Q trong tiểu thuyết A.Q chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn. A.Q bị người ức hiếp, đánh đập thì nói đây là con đánh cha, cho rằng mình là cha, mà người đánh anh ta là con. Ngoài ra, chúng ta cũng thường nghe mọi người nói: “Anh ta thì tài giỏi gì, chẳng qua đọc nhiều sách một chút mà thôi, anh ta ngủ thì tôi cũng ngủ, anh ta đi thì tôi cũng đi, anh ta ăn cơm thì tôi cũng ăn cơm giống nhau, lại không thấy tôi ăn nhiều hơn”. Mình làm không được mà vẫn xem thường mọi người, gọi là ti liệt mạn. Loại mạn tâm này cũng rất phổ biến.
Lại còn có một loại mạn, tự biết mình không tài giỏi hơn người khác, chỉ vì giữ thể diện mà luôn làm bộ lên mặt vênh váo; đây gọi là kiêu hão. Bởi vì hão là tự mình không làm được, do đó mới áp đặt mọi người, đối với bất cứ việc gì cũng hiện ra dáng điệu cao ngạo, kiêu mạn, dường như mình quá tài giỏi lại sợ người khác xem thường. Hạng người này không biết trời cao đất rộng, đi đến chỗ nào cũng tỏ thái độ khinh người, đến khi bị mọi người vạch trần bộ mặt thật thì trở thành ti liệt mạn. Nếu như họ phát hiện mình thật sự tài giỏi hơn người khác thì lập tức khởi kiêu mạn.
Nhưng người kiêu mạn thường luồn cúi cấp trên, ức hiếp cấp dưới, đối với đồng nghiệp luôn tính mưu kế để hãm hại. Cho nên, người có tâm kiêu mạn rất khó được mọi người tiếp đón, dù họ có biểu hiện thân thiện để bạn đón nhận họ, nhưng chẳng bao lâu cũng làm cho mọi người sợ hãi; bởi vì, khi làm chung với họ không được thoải mái, họ luôn có thái độ dò xét, rình mò.
Chúng ta phải trừ bỏ thói xấu kiêu mạn, trước tiên là tự biết rõ mình, người tự biết mình là không biết thì nói không biết, cũng chính là “biết thì cho là biết, không biết thì cho là không biết”. Cho dù chúng ta biết mười phần nhưng nói sáu, bảy phần, như thế không có gì là xấu cả.
Nhưng nếu chúng ta biết chỉ có sáu, bảy phần lại nói biết mười phần, như thế là mạn. Cho nên, khi chúng ta khoác lác, khoe khoang, phải biết mình đã quá xa sự thật, nhưng nói khiêm tốn cũng không nên nói giả dối mà nên nói đúng mức.
Do đó, biết mình là nửa cân thì mình là nửa cân, một lạng thì một lạng, không cần làm ra vẻ giả tạo, cũng không cần so sánh với người khác, vừa so sánh thì xuất hiện hai loại mạn. Tự mình đi trên con đường mình đi, dựa vào tâm lực của mình, thông minh và phước báo phải hết lòng nỗ lực. Người giỏi, chúng ta khen ngợi; họ dở, chúng ta khuyến khích, không nên ở trước mặt họ biểu hiện kiêu ngạo. Đối với bậc bề trên nên tôn kính, người dưới nên thông cảm, đối với đồng nghiệp, nên ôn trọng lẫn nhau. Nếu như chúng ta làm được như thế thì không còn mạn nữa.
Biết bao dung, tha thứ cho người khác
Khiêm tốn là việc rất quan trọng. Trong 64 quẻ trong Kinh Dịch, mỗi quẻ đều có tốt và xấu, chỉ có quẻ “khiêm” có thể xem là quẻ tốt nhất.
Bởi vì khiêm thì có thể nhường, nhường thì có thể nhịn, nhịn mới có thể bao dung, cũng chính là bao dung tất cả mọi người. Nếu một người có thể hiểu được nhường nhịn, bao dung người khác, cũng chính là nói lòng rộng như biển mới tiếp nhận trăm sông, được lợi ích mọi phương diện.
Cho nên, người khiêm tốn biết lắng nghe ý kiến của người khác thì nhất định tôn trọng tất cả mọi người; nếu như một người không có tâm khiêm tốn thì luôn cho mình là đúng, thường để mắt trên đầu, làm sao có thể nhìn thấy được người khác? Bởi vì họ chỉ thấy bầu trời nên kiêu ngạo vô lễ. Người kiêu ngạo vô lễ vì xem thường làm tổn hại người khác; cũng thế, họ không được mọi người tiếp đón, bị cô lập, vì họ không tiếp nhận mọi người, tất nhiên người khác cũng không tiếp nhận họ.
Khiêm tốn rất quan trọng, nhưng muốn làm được thật không dễ gì. Bởi vì thông thường mọi người chỉ thấy khuyết điểm, vấn đề của người khác, thấy người khác có lỗi với mình, họ không xứng đáng, luôn cho mình giỏi hơn người khác, cống hiến nhiều hơn người khác, luôn khẳng định mình, phủ định người khác. Người như thế, làm sao hiểu được khiêm tốn?
Về cơ bản, con người cũng là phàm phu, mà phàm phu thì không thể không có khuyết điểm. Cho nên, trước tiên chúng ta hãy kiểm thảo khuyết điểm của mình, lại nhìn người khác có ưu điểm gì để chúng ta học tập theo, kiểm điểm lại mình trước đây có những việc nào làm tốt, hay chưa làm tốt; hoặc không nên làm sai, lại làm sai, đối với những việc này đều phải sinh tâm hổ thẹn và tích cực sửa đổi. Phương pháp sửa đổi là phải có tâm bi nguyện cho tương lai. Bi nguyện là mong muốn mình từ nay về sau phải cống hiến phục vụ cho mọi người, cho chúng sinh đem đến lợi ích cho họ, để họ được quan tâm, chăm sóc, được hạnh phúc, an vui.
Có bi nguyện rồi thì cảm thấy mình không đáng kể, phát hiện ra nhiều điều mình phải nỗ lực học tập. Trên thực tế, cơ hội học tập ở đâu cũng có, đó là “ba người cùng đi, ắt có một người là thầy ta”. Khi ba người cùng đi, nhất định có một người tài giỏi để hai người kia học hỏi, huống gì trong cuộc sống hiện thực của chúng ta tiếp xúc bên ngoài rất rộng, tiếp xúc rất nhiều người, nhất định có những điều để chúng ta học tập. Nếu như họ biểu hiện mặt tốt thì chúng ta học ưu điểm và cái hay của họ; cho dù là mặt xấu nhưng chúng ta cũng có thể học tập để tự mình tránh khỏi sai lầm không giống họ.
Ít phê bình người khác, tự kiểm điểm mình nhiều, học tập theo người khác, đối với những việc sai lầm trước đây phải có tâm hổ thẹn, đối với tương lai phải có tâm bi nguyện. Nếu chúng ta có tâm như thế thì trở thành một người rất khiêm tốn.
Khiêm tốn mới trưởng thành
Suốt đời người là một quá trình không ngừng theo đuổi tự mình trưởng thành, người thành tựu cũng phải tích luỹ từng chút một mới tự mình trưởng thành. Chỉ cần tự mình không ngừng nâng cao, nỗ lực vươn lên, tất nhiên thành quả sẽ như nước chảy ắt thành sông, thật sự được nổi tiếng.
Nhưng trong xã hội hiện nay, có những người thích đánh bóng tên tuổi mình quá mức, không chịu sống thực tế, tự mình không chịu nỗ lực để trau dồi thiết thực. Đặc biệt là người tuổi trẻ biểu hiện ham muốn mạnh mẽ, thích gì làm nấy, tình hình này dường như rất nghiêm trọng. Trên thực tế, tự mình trưởng thành phải từng bước vững chắc, có cống hiến bao nhiêu thì có kết quả bấy nhiêu, cho nên nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”.
Thật ra, người trẻ tuổi tính tình ngông cuồng kiêu ngạo cũng không phải là không tốt, tính bốc đồng không phải hoàn toàn là xấu. Bởi vì, thông thường người nóng nảy nhất định có tài năng nên họ mới ngông cuồng kiêu ngạo, có lẽ họ biết rõ tài năng mình giỏi, hoặc thông minh hơn người, cũng có thể họ dũng cảm ra sức nỗ lực làm việc hơn bất cứ người nào, vì vậy mà được thành tích rất tốt. Khi họ thấy người đồng trang lứa không bằng mình, tất nhiên tâm kiêu ngạo khởi lên. Tâm lý này khác với thổi phồng mình quá mức rồi sinh ra kiêu ngạo.
Người càng lớn tuổi càng thấy năng lực có giới hạn; vả lại, sau khi họ trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên phát hiện: “Người giỏi có người giỏi hơn, ngoài trời có trời”. Nghĩa là: “Có rất nhiều người tài giỏi, chứ chẳng phải chỉ có vài người”. Cho dù cùng lứa chẳng có người lợi hại hơn mình. Nhưng người lớn tuổi, thậm chí cả người trẻ tuổi hơn có thể vẫn có người giỏi hơn, cho dù cùng một thời đại chẳng có người giỏi hơn mình, nhưng ở thời đại trước nhất định sẽ có. Đây chính là đạo lý đối nhân xử thế.
Cho nên, sau khi một người từng trải có kinh nghiệm sâu sắc, tất nhiên dần dần giảm bớt đi tính ngông cuồng, kiêu ngạo. Nếu như người này vẫn không biết kiểm điểm hành vi thì chỉ sống lâu thành lão làng chứ không thành tựu được việc gì. Bởi vì một người thích chơi trội, lười lao động, đạp trên đầu của người khác, đi đến đâu cũng không được mọi người chào đón. Hạng người này chỉ hại người lợi mình, có lẽ chỉ làm được việc nhỏ tạm thời, không thể thành tựu được việc lớn.
Người có khả năng thành công việc lớn nhất định là người phải có lòng rộng lượng, nỗ lực tinh tấn, cống hiến phục vụ cho người khác; đồng thời, không chiếm công lao của người khác làm của mình. Người khiêm tốn như vậy chắc chắn được người khác tôn kính, hoàn toàn khác với những người khoe khoang, khoác lác, không coi ai ra gì. Những người tâng bốc mình, cho dù người khác không nói trước mặt, nhưng họ phê bình sau lưng. Vì thế, làm người cho dù có cống hiến rất nhiều, năng lực tài giỏi bao nhiêu thì cũng phải giữ khiêm tốn.
Một người thành công, tuyệt đối không chỉ nhờ nỗ lực của riêng mình mà còn nhờ các duyên hoà hợp mà thành. Nói theo Phật pháp, một người thành công là nhờ phước đức chung của chúng sinh mà được cảm ứng tác thành, cá nhân chẳng có cống hiến gì, chỉ là một công cụ chẳng có tài giỏi gì. Nếu như mọi người đều không có phước báo để tiếp nhận thành quả như thế thì cá nhân cố gắng nỗ lực cũng vô ích. Đây là điều chúng ta thường nói là “cộng nghiệp”, là mọi người cùng chung nỗ lực mới hoàn thành.
Vì thế, cho dù là người tuổi trẻ cũng được, lớn tuổi cũng không sao; sau khi thành công, tuyệt đối không được đắc ý vênh váo, khoe khoang mình. Nếu như bất cứ việc gì ai cũng nghĩ như thế thì người kiêu ngạo có lẽ sẽ giảm ít, và ai ai cũng không kiêu ngạo, đều lấy khiêm tốn làm bản hoài; như vậy, thế giới sẽ hoà bình.
Tàm quy không phải tự ti
Phật pháp muốn chúng ta biết tàm quý mà thường sám hối, nhưng có người do vậy mà đánh mất lòng tự tin; nên hiểu tàm quý là nguyên do của tự ti.
Sự thật, tàm quý và tự ti hoàn toàn khác nhau. Tự ti là không có lòng tin vào bản thân mình, coi thường mình; hoặc bị người khác xem thường mà cảm thấy mình không có năng lực; do đó, việc gì cũng không muốn làm, cũng không dám gặp mọi người. Tàm quý là cảm thấy mình làm chưa được tốt; hoặc làm sai muốn sửa đổi để tốt hơn, như ý nghĩa của câu nói: “Mất bò mới lo làm chuồng”.
Vì thế, tàm quý là sau khi biết mình làm sai, tự cố gắng sửa đổi tích cực. Giống như bạn nói sai một câu là đắc tội với người rồi, tự mình lại không biết; sau đó, bạn mới biết vì có người vô tình kể lại khiến bạn bị tổn thương; vì thế, bạn không muốn gặp lại người ấy vì cảm thấy rất xấu hổ, và suy nghĩ: “Vì sao mình không cẩn thận như thế, ngay cả nói sai cũng không biết, lần sau nhất định phải sửa đổi”. Cho nên, khi sinh tâm tàm quý nhất định phải xin lỗi người đó; sau đó, tâm luôn cảnh giác, hi vọng lần sau sẽ sửa đổi.
Ý nghĩa tàm quý vốn là có lỗi với mình và xấu hổ với người khác. Có người cảm thấy nghi ngờ, cho rằng có lỗi với người khác không nhất thiết có lỗi với mình, và có lỗi với mình cũng không nhất định có lỗi với người khác. Kỳ thật, hai điều này có quan hệ mật thiết, ví dụ tự mình làm sai, nói sai, nhìn bề ngoài chỉ có tổn thương đến người khác, nhưng trên thực tế cũng làm tổn hại đức hạnh của mình. Có lúc tuy chúng ta không nói sai, làm sai, nên được nhiều người ca ngợi; thậm chí ban thưởng cho bạn, nhưng bạn cảm thấy ban thưởng này nhiều hơn công sức mình bỏ ra nên cảm thấy hổ thẹn, bạn phải cố gắng hơn nữa; vì thế, dù không bị tổn thương, nhưng vẫn phải phản tỉnh.
Giống như tôi từng trụ trì Thiền Thất, hoặc khi dạy trên lớp, thường nói với các học viên: “Lần này, tuy tôi dạy các bạn học, nhưng chuẩn bị bài chưa được chu đáo, nhìn thấy các bạn bỏ thời gian học tập như thế, tôi cảm thấy thật có lỗi với các bạn, thật xấu hổ”. Có lúc sau khi dạy xong, tôi thường nói cảm ơn các học viên: “Thật hổ thẹn! Thật hổ thẹn! Tôi phải cảm ơn các bạn đã lắng nghe tiếp thu giờ học của tôi”. Khi tôi cảm thấy hổ thẹn thì giờ dạy lần sau có thể chuẩn bị tốt hơn, cũng có lúc các học sinh và đệ tử của tôi thấy tôi dạy cũng chưa đầy đủ lắm, nên họ cần tìm tòi tra cứu những điều hay hơn; do đó, tự mình chủ động nghiên cứu, phát hiện ra càng hay, càng mới, càng có quan niệm và phương pháp ứng dụng. Do đó, có thể thấy tàm quý là rất tích cực.
Nhưng tự ti thì không giống như vậy. Tự ti là bị người phê bình, hoặc là làm xong một việc nào đó cảm thấy không có lòng tự tin, cảm thấy có lỗi với người và có lỗi với mình mà sinh ra tâm thái dứt khoát không chịu làm. Tư tưởng không muốn làm việc như thế, cho dù họ có làm nhiều lần cũng làm không đạt; chẳng những không thể làm cho người khác hài lòng mà ngay cả chính mình cũng không vừa ý, mình đã không có năng lực thì tốt nhất đừng lộ khả năng thấp kém của mình.
Vì thế, người cảm thấy tự ti, chẳng những làm cho mình không thể trưởng thành mà còn không làm được nhiều việc phục vụ và cống hiến cho người khác, lại trở thành chùn bước, hoàn toàn khác với tàm quý.
Dùng khích lệ thay quở trách
Trong kinh Phật có một câu chuyện về hai con bò kéo xe. Chuyện kể rằng: Có hai người dắt hai con bò kéo xe lên dốc. Khi người đi trước dắt bò kéo xe lên dốc không ngừng khích lệ nó, anh ta nói: “Bò ngoan nhé! Ta biết sức ngươi rất mạnh, nên tin rằng nhất định ngươi kéo xe lên dốc rất tốt; đợi khi lên dốc rồi, ta sẽ để cho ngươi nghỉ một tí, ta cũng phụ đẩy với ngươi. Nào! Chúng ta cùng cố lên nhé!”. Kết quả, con bò này kéo xe lên dốc rất nhanh.
Người đi sau thì luôn hùng hổ hối thúc bò, lại vừa đánh vừa mắng nó: “Con bò ngu xuẩn, lười biếng này, hiện tại chúng ta phải kéo lên dốc, ta nghĩ ngươi ngốc nghếch, chắc chắn kéo không lên được rồi”. Rốt cuộc, con bò đứng ì ra không chịu đi, cho dù người chủ đánh đập, la hét cỡ nào nó cũng không chịu kéo. Vì nó bị mắng là con bò ngu xuẩn, lười biếng, kéo không lên được cũng là lẽ tất nhiên.
Mặc dù đây là câu chuyện ngụ ngôn, nhưng tôi nghĩ thật sự con bò cũng có thể làm như thế. Tương tự, nói về con người đối xử tốt với nhau nên khích lệ tốt hơn là trách mắng, ức hiếp hay xem thường. Nếu như bạn ca ngợi, khích lệ họ thì tất nhiên họ hết lòng với bạn và cảm thấy: “Anh tốt với tôi như thế, tất nhiên tôi phải cố gắng”. Nhưng nếu bạn mắng họ là kẻ vô dụng, bất tài thì tất nhiên họ sẽ nghĩ: “Dù sao mình cũng là kẻ bất tài vô dụng, phải làm như thế nào?”. Kết quả là dù có cơ hội thử sức, họ cũng bỏ luôn.
Trước đây, có một cô bé đang học phổ thông trung học rất ham chơi, vì mẹ cô không yên tâm nên mỗi ngày sau khi tan học, cho dù cô bé về nhà sớm hay muộn luôn bị mẹ hỏi: “Hôm nay con có đi chơi với bọn con trai lêu lổng không?”. Cho dù cô bé nói không có nhưng người mẹ vẫn không tin, mỗi lần cô đi học về bà vẫn hỏi như thế. Cô bé nghĩ: “Mình có về nhà sớm cũng nói như thế mà có về muộn cũng nói như thế, vậy thì về trễ một tí cũng không sao”.
Một hôm, người mẹ hỏi thẳng: “Hôm nay con la cà ở đâu? Nhất định là con đi chơi với bọn lưu manh đúng không?”. Kỳ thật, cô bé về trễ một tí cũng chẳng làm việc gì xấu; vả lại, cô cũng chẳng kết bạn lưu manh nào, nhưng vì cô bé nói không có, người mẹ cũng buộc cho là có. Do đó về sau, cô kết bạn với bọn lưu manh thật, đến khi tự mình hiểu được và tỉnh ngộ, cô mới tránh xa bọn lưu manh.
Cho nên, đối với việc giáo dục con cái, không thể nói chúng nó là không tốt, bằng không sẽ dễ đưa đến nhân cách tự ti, bất cứ việc gì chúng cũng nghĩ làm không được nên đành cam chịu thụt lùi. Chúng ta phải khích lệ, khen ngợi con cái, nhưng đừng khen con quá mức, bằng không chúng nó sẽ hiểu lầm mình giỏi, trở thành hỗn hào, xấc láo, không coi ai ra gì, thậm chí biến thành áp lực cho chúng, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thân tâm.
Chúng ta có thể nói với con: “Hôm nay, con làm rất tốt, mẹ thấy rất vui, nhưng có bạn làm giỏi hơn con nữa đó, mẹ tin tưởng con sẽ làm giỏi hơn bạn ấy, nhưng con cũng không cần cố sức, con có nỗ lực là tốt rồi”.
Bất cứ việc gì cũng phải đúng mức, nhất là việc cha mẹ giáo dục con cái rất quan trọng. Cho nên vì con, bậc làm cha mẹ cũng phải cố gắng tu dưỡng sửa đổi mình thêm.
Cởi bỏ lớp hào nhoáng bên ngoài
Tâm chuộng hư vinh là một trong những phiền não của chúng ta, nó có liên quan đến tâm tự ti. Như các phương diện học vấn, tài năng mình chưa giỏi lắm, nhưng lại muốn mình nổi trội làm cho người khác hâm mộ; hoặc muốn cho mọi người thấy mình có địa vị, ước muốn này là lòng chuộng hư vinh.
Ví dụ, mọi người cùng mặc quần áo đẹp để tiếp đón khách quý; nhưng rõ ràng là chúng ta không cần tốn nhiều tiền để mua hàng nổi tiếng, chỉ là vì tiếp đón những người nổi tiếng này nên ăn mặc đẹp một chút là được; nếu tự mình bỗng dưng thích khoe khoang là chuộng hư vinh.
Còn nhớ, khi tôi còn trẻ từng có phong trào chạy theo mốt răng vàng. Có rất nhiều người răng không bị gì, nhưng vì muốn khoe mình có nhiều tiền, hoặc chạy theo mốt cũng đi làm răng giả bằng vàng. Những kẻ chuộng hư vinh không hề nghĩ đến mức thu nhập kinh tế cá nhân, hay tập trung vào học hỏi tăng trưởng trí tuệ, chỉ chuộng hình thức bề ngoài, cũng là hư vinh.
Hư vinh thường xuyên đem lại cho người ta rất nhiều đau khổ, rõ ràng tự mình không có ích; hoặc là phí tổn không đáng, cũng vì sĩ diện mà dốc hết của cải, sức lực. Như chúng ta cùng các bạn vào quán ăn, mặc dù mình không có đồng tiền nào, nhưng vì chuộng hư vinh, lại miễn cưỡng gọi rất nhiều thức ăn mời các bạn dùng; tự cho mình là người hào phóng.
Ngoài ra, còn có những người nhìn thấy người khác làm việc tốt được mọi người khen ngợi, vì muốn mình được ca tụng, khẳng định mình với mọi người mới miễn cưỡng đi làm những việc tốt; đây cũng là một loại hư vinh. Vả lại, những hành động này không tốt cho mình và người, có thể vì mình không có tiền, hoặc năng lực để giúp người khác; kết quả, vì không lượng sức mình, chẳng những làm cho mình giống như người sụp chân xuống hố, càng vùng vẫy càng lún sâu, không có cách nào thoát được, cũng làm cho người được giúp đỡ hi vọng tan vỡ, thất vọng.
Cho nên, chuộng hư vinh không hẳn nhằm vào vật chất, có lúc tâm lý háo danh; hoặc thích khẳng định mình trội hơn người khác, cũng chính là chuộng hư vinh. Như có người mưu cầu danh tiếng, họ bỏ ra một số tiền, muốn bạn đăng trên mục quảng cáo, tuyên truyền rộng rãi cho mọi người biết. Điều này tuy là hư vinh, nhưng vẫn tốt hơn những kẻ chuộng hư vinh không thật; bởi vì họ bỏ tiền ra thật sự, thật có năng lực như thế và không hoàn toàn là giả dối.
Điều này làm cho tôi nhớ đến một bộ phim, trong đó có một người mặc bộ đồ âu phục, nhưng bên trong không mặc y phục, chỉ là cổ áo, lại thêm cái cà vạt. Người hư vinh giống như quan lớn đầu óc rỗng tuếch, mặc bộ âu phục này, tuy bề ngoài tướng mạo đường bệ, nhưng bên trong không biết gì. Tôi tin rằng chẳng có ai muốn làm một người chỉ có cái mã bề ngoài.
Làm thế nào tiêu trừ bệnh ưa hư vinh?
Trong xã hội ngày nay, có một số người sống rất xa xỉ, phương tiện đi lại đều là xe đời mới để phô trương sự giàu sang, các loại đồ dùng trong nhà bằng vàng; thậm chí ngay cả cái bô cũng bằng vàng. Mục đích của họ muốn làm cho người khác biết, họ khác với mọi người rất xa, lấy đó làm thoả mãn.
Cũng có người cho rằng mình làm ra tiền nên phải hưởng thụ; bởi vì, nếu không xài của cải, lỡ ngày nào đó thần chết đến gọi chưa kịp hưởng thụ thì chẳng khác nào tiền hết sạch sao? Cho nên, họ có bao nhiêu thì xài hết bấy nhiêu; đây cũng là một động lực kích thích họ kiếm tiền. Còn có người cho rằng, thời gian con người sống ở đời ngắn ngủi chỉ mấy mươi năm, nếu như mình kiếm được tiền mà không xài thì bị người khác xài hết, đáng tiếc biết bao! Vì thế, thà tự mình xài hết tiền, họ không muốn để lại cho người khác.
Điều này không phải người chuộng hư vinh, nhưng là những kẻ lãng phí.
Hai hạng người này, bất luận là đứng trên lập trường Phật pháp, hay nói theo quan điểm bảo vệ môi trường đều không nên khuyến khích họ lãng phí. Bởi vì những thứ đồ dùng đều là tài nguyên tự nhiên trên trái đất, mà tài nguyên tự nhiên đều thuộc của chung mọi người, không phải cá nhân của họ.
Vì thế, cho dù mình kiếm được tiền nhưng đáng tiết kiệm được thì nên tiết kiệm, không nên vung tiền quá trán để hưởng thụ. Như dùng xe cũng không cần thiết chọn xe sang trọng, lẽ nào đem xe theo lên giường ngủ? Hoặc đem xe vào trong vũ trường cùng khiêu vũ, uống rượu? Còn cái bô dùng được là tốt rồi, cần gì phải mạ vàng? Có người vì muốn khác hơn mọi người, nên biểu hiện tâm lý mình là người giàu sang. Nếu như tất cả đồ dùng đều là vàng; hoặc dùng vật chất đặc biệt khác để chế tạo hình dáng đồ dùng kỹ xảo, chẳng những có thể làm cho mọi người cảm thấy tâm lý họ có vấn đề, còn đối với tự mình chưa hẳn là có ích.
Chúng ta muốn phá trừ quan niệm hư vinh này, có thể chỉ rõ cho họ thấy hưởng thụ như thế để làm gì? Nếu như chỉ thoả mãn nhất thời mà chuốc lấy sự ganh tỵ của người khác; hoặc bị chỉ trích là kẻ lãng phí, khóa trương xa xỉ; như thế thì có giá trị gì?
Nhưng nếu chúng ta kiếm tiền để mưu cầu phước lợi cho xã hội, thay đổi quan niệm con người và trợ giúp đức hạnh con người thì rất tốt, đời sống lại an toàn, ổn định, tốn tiền như thế là việc đáng làm, có ý nghĩa.
Tôi từng gặp qua những người rất giàu có biết sử dụng đồng tiền. Khi chúng tôi đến thăm nhà họ, phát hiện đồ vật trong nhà trưng bày rất đơn giản, họ ăn mặc, đồ dùng cũng rất giản dị. Họ kiếm được tiền đều sử dụng vào việc kinh doanh công ty và lợi nhuận đều đem làm từ thiện xã hội mà không hưởng thụ cá nhân mình; bởi vì, họ cho rằng chỉ có tự nhiên mới là tốt nhất, cuộc sống chất phác luôn được mạnh khoẻ.
Cho nên, một người được giáo dục và có nền tảng đạo đức tốt thì sẽ không có tâm chuộng hư vinh; bởi vì, họ hiểu rõ đạo lý đừng vì của cải mà đánh mất lý trí.