Tất cả sự, lý không rõ ràng; thị, phi đảo lộn đó là si. Nếu tâm mọi người thường giữ chánh kiến, chánh niệm thì thiên hạ thái bình.
Tất cả sự, lý không rõ ràng; thị, phi đảo lộn đó là si. Nếu tâm mọi người thường giữ chánh kiến, chánh niệm thì thiên hạ thái bình.
Đừng nhìn thế giới đảo điên
Phật pháp nói “si” là một trong những phiền não căn bản của chúng sinh. Ý nghĩa si là sự, lý không rõ ràng; thị, phi đảo lộn. Điều này khác với chúng ta thường nói người này si do tâm si mê. Si do tâm si mê là ý nghĩa “chấp mê không ngộ”.
Nói về thị, phi đảo lộn; sự, lý không rõ ràng là chỉ những điều hiểu biết thông thường hợp tình, hợp lý, thậm chí cho kiến giải hợp lý. Nhưng nhìn từ quan điểm Phật pháp lại thấy đảo lộn, giống như chúng ta tham luyến, chấp trước vật nào đó thì cho là thường còn. Nói về quan hệ nam nữ, có rất nhiều người nói khi hai người yêu nhau, hoặc sắp kết hôn thì luôn thề non hẹn biển, song mạng người rất ngắn, làm sao vững chắc giống như núi, rộng sâu như biển được? Huống gì núi có thể sập đổ và biển sẽ khô cạn.
Nhưng có nhiều người tin rằng núi, biển thường hằng bất biến, có khả năng làm cho mình nương tựa mãi mãi, giống như chỉ cần tìm được chỗ dựa vững chắc thì sẽ yên ổn suốt đời. Họ không biết ngay cả núi cũng bị sạt lở, sập đổ, huống gì là con người? Cho nên nói muốn lấy con người làm chỗ dựa vững chắc là cách nghĩ ngu ngốc; đây chính là lấy vô thường cho là thường, lấy đồ vật thường thay đổi làm không thay đổi, lấy không đáng tin cậy làm tin cậy, cũng chính là si.
Đức Phật nói chúng sinh điên đảo, điên đảo này quy nạp thành bốn loại, cũng chính là nói “bốn loại điên đảo”. Ngoài lấy vô thường là thường hằng nói ở trên, còn có ba loại: (1) lấy khổ làm vui, (2) lấy dơ làm sạch, (3) lấy vô ngã làm ngã.
Chẳng những sự vật bên ngoài thân chúng ta không đáng tin cậy, mà ngay cả bản thân mình cũng không tin được, như sức khỏe, quan niệm, cách nghĩ và ý chí của mình không giống như đồ vật là chúng ta có thể điều khiển, nhưng chúng ta lại cho rằng là mình có, hoặc bản thân mình đáng tin cậy; đây chính là lấy vô ngã làm ngã. Sai lầm này đưa đến chúng ta sự xung đột và đau khổ rất nhiều.
Lấy khổ làm vui là việc khổ cho là vui, niềm vui chân thật cho là khổ. Như có rất nhiều người ăn chơi trác táng, say mê cờ bạc, làm thành thú vui để theo đuổi, nhưng nó chỉ là kích thích và khoái lạc nhất thời, sau khi kết thúc rồi thì tinh thần trống rỗng vô vị, thân thể càng thêm đau khổ, làm sao có thể an vui? Vui sướng tạm thời tạo thành đau khổ lâu dài. Nhưng mọi người cho là vui mà không biết việc này tự mình cảm thấy là vui, kỳ thật chính là nguyên nhân tạo ra đau khổ.
Còn về dơ bẩn cho sạch là nói trên thế gian này không có vật gì là sạch mãi mãi. Như thân thể của chúng ta, hiện tại nhìn thấy cho là sạch, nhưng đến ngày mai thì dơ bẩn, hôi hám; đây cũng là nguyên nhân mọi người phải tắm rửa hằng ngày. Thức ăn ngon dọn trên bàn thơm phức, chúng ta cho là thức ăn sạch sẽ, không có vấn đề nên mới ăn vào, nhưng khi ăn vào bụng, đến ngày hôm sau bài tiết thì hôi thối chịu không nổi; cho dù chúng ta không ăn thức ăn ngon, nhưng chỉ cần đem cất vài hôm thì nó biến chất, dần dần trở thành hôi thiu.
Chúng ta có thể thấy sự sạch, dơ bất kỳ vật nào chỉ là cảm giác thoáng chốc của chúng ta mà thôi, phải xem đồ vật thì mới có thể quyết định là sạch hay không, vật bạn thích là sạch, bạn không thích là dơ; do đó, sạch chỉ là cảm thọ tương đối.
Cho nên, thường, lạc, ngã, tịnh cũng không đáng tin, không chân thật, cũng chỉ là một loại huyễn tướng, ảo giác mà thôi.
Phiền não và ngu si
Ngu si có nghĩa rộng và cũng có nghĩa hẹp. Ngu si theo nghĩa rộng là chỉ chung tất cả phiền não. Ngu si theo nghĩa hẹp là chỉ quan niệm, cách nhìn, hoặc vấn đề tư tưởng, cũng chính là không hiểu nhân quả, không tin nhân duyên, hoặc đảo lộn nhân quả, thậm chí không tin có nhân quả và nhân duyên.
Bất cứ việc gì nhất định phải có nhân duyên mới hoàn thành được; trong đó, nhân là điều kiện chủ yếu, duyên là điều kiện thứ yếu, khách quan. Một điều kiện chủ yếu thêm một, hai điều kiện khách quan, đó là nhân duyên.
Nếu như sự việc thành công, là nhờ nhân duyên đã đầy đủ; nếu không thành công cũng là vì quan hệ nhân duyên.
Do đó, nếu chúng ta không muốn kết quả xấu thì không nên tạo nhân xấu. Cũng thế, nếu chúng ta muốn đạt được thành quả tốt thì nhất định phải có nhân tốt mới có thể xúc tiến. Nhưng chúng ta thường đổi nhân làm quả, mãi mãi không làm rõ đúng nguyên nhân tạo thành kết quả, sai lầm muốn chiếm của người chính là tự mình làm việc xấu, chẳng những gây bất an cho mình mà còn gây phiền phức cho người khác; do đó, luôn bị đau khổ trói buộc. Cho nên, người không biết nhân quả, không biết nhân duyên là kẻ ngu si.
Nói về nhân quả, nhất định phải từ nhân đến quả, nhưng nó không phải quan hệ hình thức đơn phương từ nhân đến quả mà là trong quá trình từ nhân đến quả, lại còn phối hợp nhiều duyên, sau đó sinh ra một kết quả. Giống như chúng ta vừa ươm hạt giống mà muốn có trái ăn liền, là việc không thể có. Nhất định phải trải qua giai đoạn ươm trồng chăm sóc, có ánh nắng mặt trời, không khí, nước, phân bón và phối hợp nhân tố khác thì mới có thể khai hoa kết trái. Bản thân nhân quả rất phức tạp.
Nói theo nghĩa rộng, chỉ cần con người có phiền não là biểu hiện ngu si. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có nói ngu si giống như mây hoặc sương mù. Khi trên bầu trời có mây mù, chúng ta không nhìn thấy mặt trời; sự thật mặt trời vẫn hiện trong đám mây, chỉ là do mây che khuất mặt trời, làm cho mọi người không nhìn thấy; nhưng mây mù là do ẩm thấp trong không khí, nhiệt độ tăng cao và liên quan đến nhân duyên khác mà hình thành, cho nên nó vốn không tồn tại, là nhân duyên tụ hợp mà thành. Vì thế, khi nhân duyên chưa đầy đủ thì sẽ tan theo mây khói.
Khi chúng ta có phiền não giống như bị mây che, không nhìn thấy chân tướng sự thật; do đó, đánh mất lý trí, sinh ra tinh thần bực tức, phiền não cũng từ tinh thần mà ra. Phiền não giống như sương mù hiện trên trái đất, không phải là bất biến, vĩnh cửu mà rất nhanh chóng trở về nguồn gốc căn bản. Vì thế, Đức Phật dạy mọi người đều có Phật tính, ai cũng sẽ thành Phật, chỉ vì có phiền não mới thành chúng sinh.
Phật tính trong mỗi người xưa nay không hề thay đổi, nhưng chúng sinh ngu si không biết mình là giả, chẳng phải bền vững lâu dài. Nhưng vì chúng sinh không biết mình là kẻ ngu si, mới lấy khổ làm vui, cứ mãi điên đảo. Cho nên, chỉ cần chúng ta biết ngu si là gì thì sẽ không lấy khổ làm vui, mà Phật pháp chính là thuốc hay, khi người khác gặp phiền não làm cho chúng ta đề cao cảnh giác.
Thoát khỏi cạm bẫy mình tự đặt ra
Chúng tôi từng đọc báo có một bài viết như thế này: “Có một người vợ muốn chồng mình khi trở về nhà, tiện thể mua một chai dầu trộn, nhưng chồng cô quên mua, người vợ rất tức giận, hai người cãi nhau; kết quả, người vợ vì chuyện này mà tự sát”.
Vừa nghe qua, ai nấy đều sửng sốt, cảm thấy ngoài thấy sức tưởng tượng. Vì sao chỉ một chai dầu trộn mà người vợ tự sát? Nếu như chúng ta xem nó là việc nhỏ thì việc này không đến nỗi nghiêm trọng, chỉ cần người chồng nói: “Xin lỗi! Đợi tí nữa anh đi mua nhé! Hay để ngày mai anh đi mua” thì có thể giải quyết sự việc. Vấn đề ở chỗ là do người chồng thường quên việc biểu lộ tình cảm với vợ, không quan tâm đến vợ.
Nếu thật sự là như vậy, mặc dù người vợ rất yêu thương chồng, nhưng vì thái độ người chồng quá thờ ơ, nên người vợ cảm thấy lấy chồng thật là chán, tâm lý cũng bất an, cô nghĩ mình sống chẳng có ý nghĩa gì; kết quả là tự sát. Thật ra, nếu cô ta có thể cùng chồng ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau thì không đến nỗi đi vào chỗ bế tắc, cho rằng chồng không mua chai dầu trộn là không biểu lộ sự quan tâm đến vợ; như thế, cô ta sẽ không tự sát.
Đọc câu chuyện này chúng ta thật không sao hiểu nổi, nhưng lại là vấn đề rất phổ biến trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người vì chuyện rất nhỏ nhặt mà tự sát. Thật ra, chuyện mua chai dầu trộn chỉ là một nguyên cớ, và chuyện nhỏ hiện tại không phải thật, mà là vì thường xảy ra những việc như thế; kết quả, sự oán giận chất chứa trong lòng lâu ngày, lại không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề, cuối cùng vì quá tức giận chọn cái chết cho đối phương sáng mắt. Việc này quả là quá ngu si.
Chúng tôi nghĩ người vợ này có lẽ không có bạn bè, nếu như có vài người bạn thân thì có thể trò chuyện, khuyên giải cô ta thế này: “Chồng của em còn tệ hơn chồng chị, chồng của chị chỉ quên mua chai dầu trộn thôi mà, có gì đâu mà chị tức giận? Chị đi mua cũng được vậy, anh ấy bận việc mới quên, chị nên thông cảm cho anh ấy!”.
Hoặc cô ta nghe theo quan niệm Phật pháp thì thay đổi ý nghĩ, có thể giúp cô ta ra khỏi cảnh khốn cùng. Có rất nhiều người tự làm chuồng giam mình, tự đặt mình ở trong vòng luẩn quẩn, thân rơi vào trong đó, đau khổ vô cùng. Nếu như họ không thoát ra được thì có thể đi vào con đường chết. Vì thế, tôi mong mọi người hãy vận dụng quan niệm, cách nghĩ theo Phật pháp để thoát khỏi cạm bẫy do mình đặt ra.
Si làm tổn hại sức khỏe thân tâm của chúng ta, vì người si tâm lý của họ thường ở trạng thái bất an, rất dễ gây áp lực cho mình. Lại thêm bất kỳ động tĩnh hoàn cảnh xã hội đều ảnh hưởng đến họ, khi tâm lý bị ảnh hưởng, cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe. Cho nên, bất cứ việc gì cũng nghĩ lùi lại một bước là tốt nhất. Khi chúng ta gặp đau khổ, hoặc phiền não thì tự nhắc mình: “Vì sao ta ngu si như thế! Điên đảo như thế!”. Như vậy, sẽ chuyển được tâm, thoát khỏi cảnh khốn đốn.
Do đó, khi chúng ta gặp chuyện khó khăn, hoặc hoàn cảnh khốn cùng không có cách gì giải quyết được, chỉ cần chuyển quan niệm thì không có con đường nào mà không thông, chỉ là nhanh hay chậm, xa hay gần mà thôi.
Chuyển biến được khủng hoảng
Ngu si, đảo điên theo quan niệm và cá tính sẽ làm cho mình phiền não vô cùng, chỉ có thay đổi quan niệm đảo điên thành chánh kiến thì mới thoát được phiền não thật sự; vì thế, quan niệm chính xác là rất quan trọng.
Giống như bình hoa này đã cắm rất đẹp, nếu lúc đó có một người chuyên cắm hoa đến, muốn cắm lại bình hoa đẹp hơn; nhưng khi đem so sánh lại xấu hơn, tất nhiên rút hoa ra hết để cắm lại. Nếu người chuyên cắm hoa không đến thì bình hoa này vẫn y nguyên được cho là bình hoa đẹp. Cho nên, sự việc ở thế gian thường thay đổi khác biệt, một thời gian nào đó trước đây, nó cũng từng rất tốt, bạn cho là tốt, nhưng có thể trong chốc lát trở thành xấu.
Do đó, câu chuyện “Tái ông mất ngựa, mới biết chưa phải là họa” chẳng phải câu nói để an ủi mọi người. Nếu như bạn thật sự làm thiện, đối đầu trước nghịch cảnh, như thế nó sẽ trở thành một nhân tố giúp bạn thành công. Trái lại, có những người tuy giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống, nhưng cuối cùng lại làm cho bạn thành bất tài, không thể vươn tới thành công.
Nhưng tốt và xấu không phải là tuyệt đối, đối với việc tốt không nên cho là quá tốt, không nên vui mừng quá độ. Thật ra, cho dù là tốt cũng chỉ là nhất thời. Có khi là việc rất tồi tệ, đi đến tình trạng sụp đổ, lại làm cho bạn chuyển biến được khủng hoảng. Bởi vì nếu chúng ta biết rõ sự khủng hoảng, khéo vận dụng khủng hoảng để thay đổi chính mình, thay đổi hoàn cảnh thì có thể giải quyết việc rắc rối dễ dàng, và chúng ta cũng có thể trở thành người thành công trong chốc lát.
Do đó, khi chúng ta gặp việc tốt không nên đắc chí mà gặp việc xấu cũng đừng suy sụp tinh thần; như thế mới không gọi là kẻ ngu si, cũng không bị phiền não, đau khổ giày vò. Tất nhiên, ai cũng mong muốn thành công, nhưng thành công không có được 100%, chỉ có những người không hài lòng vì sự việc chưa đạt được thành tựu trọn vẹn nên cảm thấy đau khổ. Nếu như bị thất bại hoàn toàn thì càng đau khổ hơn.
Tôi từng kể có ba người bạn chuẩn bị tham gia bầu cử “thành bại là chuyện thường ngày của nhà binh”. Đối với bầu cử, chúng ta phải giữ niềm tin nhất định sẽ thắng, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tâm lý thất bại. Bởi vì, họ với bạn tranh bầu cử sức lực ngang nhau, cho dù thất bại bạn vẫn thu hoạch được nhiều điều và đối phương cũng cảm ơn bạn, vì nhờ bạn cạnh tranh, bạn có kinh nghiệm phong phú mới làm cho đối phương không dám sơ suất, lại nhờ đó mà khuyến khích trí tuệ của họ, nêu ra chánh kiến càng nhiều càng tốt. Mọi người tranh bầu cử đều hi vọng thành công, nên ai cũng tốn rất nhiều tâm lực, nếu như cuối cùng thất bại cũng là thất bại trong vinh quang. Huống gì, sau khi thất bại, biết đâu cơ hội lại đến rất nhiều.
Đây gọi là “chuyển tâm, không chuyển cảnh”. Như người Trung Quốc thường nói: “Chỗ nương họa và phúc, chỗ ẩn họa và phúc”. Nhưng cách nghĩ như thế và tâm lý A.Q để an ủi tự mình là hoàn toàn khác nhau. Tâm lý A.Q là không có hy vọng, không có năng lực, là tự an ủi mình một cách ảo tưởng.
Chúng ta đã có lòng tin, có nỗ lực, có mục tiêu, cũng là có khả năng tự biết mình, không thể cho rằng người chưa từng nếm thất bại thì dễ gặp thất bại thảm hại, người từng thành công thì luôn thuận buồm xuôi gió. Nếu như chúng ta thấy rõ sai khác chân tướng của hai mặt thì chúng ta sẽ không chấp vào trong đó, lại cũng không bị phiền não.
Khéo áp dụng cuộc sống không lười biếng
Lười biếng gọi là giải đãi và trái với tinh tấn. Nó là một thái độ, cách sống được sao hay vậy, thường không nghĩ đến tự mình phải làm xong việc gì. Cho dù họ có việc làm cũng luôn kéo dài không có hành động sốt sắng, thường dừng lại ở giai đoạn suy nghĩ vẩn vơ mà không muốn chuyên cần thực hành, nỗ lực. Vì thế, người lười biếng thường cảm thấy cuộc sống rất mù mịt, nhưng kỳ lạ là họ lại thấy đời sống của mình luôn bận rộn.
Vì họ cảm thấy mâu thuẫn như vậy, nên họ vừa làm việc chậm chạp vừa không muốn hoàn thành mục tiêu; kết quả, họ cảm thấy việc gì cũng liên quan đến mình, thường cho là rất nhiều việc nên rất mệt mỏi. Thậm chí, khi cầm đũa ăn cơm, hay muốn rót ly nước cũng uể oải không muốn làm. Bởi vì mỗi việc đều kéo dài không làm xong, do đó mỗi việc làm đều muốn làm cho nhanh, nhưng lại không chịu làm thật sự.
Hạng người này chưa hẳn là không còn hy vọng, chỉ là không chịu làm việc. Cũng có những người lười biếng thật sự, việc gì cũng không muốn làm, không có hy vọng điều gì, không biết cuộc sống cần làm việc gì, dường như sống là vì phải sống. Có những người vì năng lực có giới hạn, cơ hội tìm việc làm chưa được; cho dù họ có tìm được công việc nhưng không có cách nào để hoàn thành; cho nên, họ trở thành kẻ chơi bời lêu lổng, thích ăn xài, lười lao động.
Thật ra, cuộc sống của người này rất đau khổ, vì bản thân họ không có năng lực, khiến cho người khác khinh thường, lại không có công việc để làm, những người như vậy ở trên thế giới thật là nhiều. Khi chúng tôi ở Mỹ nhìn thấy rất nhiều hàng con cháu sai lầm, bối cảnh gia đình không có cách nào giáo dục được chúng, hoặc bản thân chúng nó cũng không muốn được giáo dục, nền tảng giáo dục lệch lạc; do đó, chúng không có tài năng gì, đành phải suốt ngày ở nhà rong chơi, hoặc ngồi tán gẫu. Tuổi trẻ bị thất nghiệp thì rất dễ xuất hiện hành vi phạm tội. Nếu như mọi người đang đối diện tình cảnh túng quẫn, không thể hướng thượng thì dễ bị sa đọa mà hiện tượng này là nguyên nhân hình thành lười biếng.
Có người nghi ngờ rằng, người lười biếng không muốn làm điều gì; như thế có giống với cuộc sống người thích thanh nhàn không? Thật ra, giữa hai người này khác nhau rất nhiều. Người sống thanh nhàn có điều kiện làm cho cuộc sống càng thêm giàu có, chỉ là họ không muốn chạy theo sự giàu sang. Mặc dù họ có năng lực làm việc rất giỏi, nhưng họ muốn không làm nhiều để giàu có, chỉ muốn cuộc sống thanh nhàn.
Đồng thời, người sống thanh nhàn phần đông chú trọng vào đời sống tinh thần. Có người chọn sống ở núi rừng, bên suối. Có người chọn sống ở miền quê yên tĩnh, thường ngày thích đọc sách, viết sách, nghe nhạc, ẩn chứa tính tình của họ ở trong đó. Bởi vì họ có điều kiện chọn lựa cuộc sống mình thích, không phải họ không có năng lực, hay thanh cao, chỉ là họ muốn hưởng thụ đời sống an nhàn, bình thường, yên ổn; họ không thích đời sống chốn đô thị ồn ào; hoặc những giao tiếp nhiều người phức tạp sinh ra nhiều vấn đề phiền toái.
Ngoài ra, có những người lười biếng chỉ một giai đoạn, rồi bắt đầu đi tìm việc làm, họ lại làm việc rất năng nổ, tích cực; đây là người có khả năng thay đổi cuộc sống tốt hơn.
Không ngụy biện để chốn việc
Người thích ước mơ viển vông nên thường suy nghĩ rất nhiều điều, nhiều mưu kế, tự cho mình ôm ấp chí lớn, chỉ là cơ hội chưa đến; hoặc là chưa làm.
Làm việc phải làm từ chỗ gần, nhìn xa trông rộng, là người có chí hướng và nguyện vọng rộng lớn. Nhưng nếu không làm thiết thực thì mãi mãi là một loại ảo tưởng, hoặc vọng tưởng hư huyễn; cho dù họ ôm ấp chí lớn, nhưng là người không có năng lực. Nếu như nói từ góc độ này thì cũng có thể gọi là người lười biếng.
Người có chí lớn thật sự, trước khi họ chưa thực hiện được chí nguyện, họ nhất định sống và làm việc rất chân thực. Như thời xưa có những vị tể tướng, tướng quân, trước khi chưa làm quan đều là nông phu, hoặc là công nhân, tiều phu. Về sau, nhờ được phát hiện tài năng, cơ hội đến mới ra làm quan. Nhưng khi họ làm nông phu, họ không hề nói: “Chao ôi! Tôi là người phải làm tể tướng, làm sao có thể làm nông phu được?”. Đồng thời, lại không vì làm người nông dân mà họ mặc cảm, trong lòng vẫn nuôi ý chí lớn. Nếu như trong tâm họ luôn ảo tưởng nghĩ: “Tôi chuẩn bị làm việc lớn, không thèm làm những việc lặt vặt này”, như thế về sau, chắc chắn họ không thành tựu được.
Ngoài những kẻ ảo tưởng, vọng tưởng ra, còn có một hạng người thích kéo dài công việc cũng là tâm lý lười biếng. Có rất nhiều người thích kéo dài công việc, việc hôm nay vốn phải làm ngay thì họ nghĩ không hề gì, dù sao ngày mai làm vẫn còn kịp. Kỳ thật, công việc phải nhanh, không được đợi đến hôm sau. Tuy làm việc không được cẩu thả, nhưng nhất định phải làm nhanh; bởi vì công việc nếu không được thực hiện luôn, thông thường khó mà hoàn thành được, chỉ có những việc cấp bách, làm nhanh không nghỉ ngơi, mới có thể thuận lợi, nhanh chóng.
Có nhiều người cho rằng hôm nay làm không xong cũng không hề gì, ngày mai làm vẫn được; ngày mai làm không xong thì ngày mốt làm, cho dù tự mình làm không xong cũng không hề gì, vẫn có thể để lại cho đời sau làm. Đây cũng là một cách mượn cớ, cũng là một loại tâm lý lười biếng. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng thường tự nhắc nhở mình: “Việc ngày hôm nay phải làm cho hoàn thành, vì không biết ngày mai mình có còn sống nữa không, phải cố gắng làm xong nhanh chóng”.
Vì thế, Phật pháp thường nhấn mạnh tinh tấn, giống như “nhất định chứng quả”, ý nghĩa là phải phát nguyện, nhất định trong thời gian nào đó hoàn thành việc gì. Có rất nhiều người cũng phát nguyện, nguyện trong đời này mình sẽ hoàn thành việc gì, nhưng nguyện phải thiết thực, bằng không trở thành nguyện suông. Nhưng mình phát nguyện, khi bắt đầu làm cần có động lực, chỉ cần bắt đầu làm thì tâm nguyện của bạn có thể hoàn thành từ từ. Nếu như không phát nguyện thì ngay cả chính mình muốn làm việc gì? đi đến đâu? làm đạt đến mức độ nào? đều không biết. Vì thế, chúng tôi thường khuyên các bạn phát nguyện; bởi vì, sau khi bạn phát nguyện thì nhất định phải làm, khi làm bạn sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tâm nguyện đó.
Thật ra, chỉ cần chúng ta hiểu rõ “sinh mệnh vô thường, thân người đáng quý” thì có thể khắc phục tâm lý thích kéo dài hoặc lười biếng. Bởi vì thân mạng là vô thường, nên con người có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng thân của chúng ta là đáng quý, vì sau khi mất thân này rồi thì chúng ta không còn cách nào để làm hoàn thành công việc.
Cho nên, trước khi chúng ta chưa mất thân mạng thì hãy cố gắng vận dụng thân mạng vô giá này, làm việc cống hiến hết sức mình, cho rằng mình dù sao cũng chỉ làm có một đời này, nếu lười biếng thì quả là thật đáng tiếc.
Thân người là đáng quý, cuộc sống của con người rất khó được, lại còn rất ngắn, chúng ta phải quý tiếc, vận dụng nó, mới không uổng phí.
Làm cho cuộc sống đi vào nề nếp
Không tập trung có thể chia làm hai: đầu óc không tập trung và cuộc sống vô kỷ luật. Đầu óc không tập trung là không biết cách tổ chức, không có kế hoạch, nói hay gọi là tùy duyên, nói dở gọi là không có chủ kiến.
Cuộc sống vô kỷ luật, nếu người có tiền mà đi ăn chơi trác táng, đời sống không có nề nếp sẽ trở thành kẻ bê tha; còn nếu kẻ nghèo cùng mà sống bừa bộn, trong công việc họ không có cách gì chuyên tâm học hỏi, hòa đồng với mọi người và xác định công việc làm; kết quả, từ sáng đến tối chơi bời lêu lổng, có khi ngủ li bì suốt ngày, đời sống trôi qua vô nghĩa. Khi thân tâm không khép vào quy luật chính là sống không có nề nếp.
Cuộc sống vô kỷ luật là rất buồn chán, không có niềm vui, cũng không có ý nghĩa. Vậy chúng ta phải làm thế nào để cuộc sống có ý nghĩa hơn? Trước tiên, tự mình đặt ra mục tiêu, lại bồi dưỡng sở thích của mình, sẽ phát hiện được tiềm năng của mình, làm xong việc này, rồi làm việc khác, dần dần sẽ cảm thấy hài lòng có thành tựu, cũng có thể quen dần cuộc sống có nề nếp.
Vì thế, chúng ta muốn khắc phục tính vô kỷ luật rất đơn giản, hãy bắt đầu thử khi mới thức dậy. Mỗi ngày sau khi thức dậy xếp mùng, mền, chiếu, gối gọn gàng; lại quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp đặt đồ dùng ngăn nắp; sau đó, lại nhìn thử thưởng thức nhà cửa, cuộc sống của mình có gọn gàng, ngăn nắp hơn trước đây không, có thoải mái hơn không?
Nguyên nhân con người sống vô kỷ luật là phần đông quên đi cuộc sống nề nếp, sinh hoạt không có quy luật. Bởi vì tâm cẩu thả, nên cuộc sống tất nhiên cũng bừa bãi; do đó, trở thành vô kỷ luật. Vì thế, chúng ta muốn khắc phục tâm cẩu thả thì phải khép mình vào nề nếp. Chúng ta có thể dùng phương pháp tự đặt cho mình thời khóa nhất định, mỗi ngày để bồi dưỡng định lực; đồng thời, dùng phương thức phát nguyện để kiến lập hướng đi cuộc đời mình, suy nghĩ kỹ tự mình muốn làm, nên làm việc gì? Cuộc sống mỗi ngày phải đặt ra kế hoạch như thế nào? Sau khi bạn áp dụng quy luật thay đổi cuộc sống, dần dần trừ bỏ bớt tâm cẩu thả thì cuộc sống đi vào nề nếp, quy củ.
Mục đích nuôi dưỡng đam mê là tránh sai lầm làm cho mục tiêu trở thành thứ cứng nhắc. Nếu như chỉ có mục tiêu mà không có sở thích thì mục tiêu dễ trở thành làm việc theo hình thức, nếu muốn đạt mục đích nhanh quá thì ngay chính mình cần làm gì cũng không biết.
Ngoài ra, còn bồi dưỡng đức hạnh tốt, thân cận với mọi người, cùng chung sống qua lại với người khác, có thể dựa vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh để sửa đổi tính vô kỷ luật của mình. Nếu như người có cá tính gàn bướng, lại sống vô kỷ luật mà muốn thay đổi thái độ cuộc đời thì rất khó. Hay nói cách khác, nếu như có thể thân cận với mọi người, cho dù họ vô kỷ luật như thế nào, nhưng vì tâm lý cảm thấy cần bạn bè, cũng có thể dùng phương thức sinh hoạt giao lưu kết nối bạn bè để thay đổi; như thế, thái độ cuộc sống của họ sẽ thay đổi từ từ. Tất nhiên, bạn bè ở đây là người có học vấn, có tín ngưỡng, hoặc cùng nhau bàn luận việc có ý nghĩa và bản thân cuộc sống của người bạn có nề nếp.
Giống như cuộc sống của người xuất gia là chủ trương phải theo chúng, cũng chính là theo đại chúng cùng nhau sinh hoạt, thức dậy, tụng kinh, quá đường, nghỉ ngơi đều theo chúng; đây cũng là sinh hoạt theo tập thể. Nếp sống tập thể nuôi dưỡng tâm mình hướng thiện, vì khi nhìn thấy người khác tinh tấn tu tập như vậy; cho dù mình không có tâm cầu tiến, nhưng vì sự khích lệ của người khác dần dần mình trở thành người có tâm cầu tiến. Cho nên, theo chúng không phải muốn chúng ta trở thành giống như máy móc cứng nhắc, mà là muốn chúng ta hoạt bát có khí thế học tập điều hay của người khác.
Lợi ích theo chúng rất nhiều, không bị lạc phương hướng, giống như loài trúc sống trong rừng trúc vừa thẳng vừa cao. Bởi vì trong vườn hoàn toàn là trúc, cho mỗi cây đều mọc vươn thẳng, không có cong quẹo. Khi cùng chung sống với nhau, cùng trưởng thành, vì theo thời gian nếu có cơ hội tiếp nhận môi trường giáo dục tốt, lớn lên nhất định sẽ trưởng thành. Trái lại, nếu sống một mình thì sẽ cảm thấy không có chuyện gì và không thấy sai lầm nên không có cơ hội tiếp nhận sự giáo dục và được trưởng thành giống như người khác, rất dễ đánh mất chính mình và trở thành người được sao hay vậy.