Khi ước muốn vượt quá nhu cầu là tham. Nếu cuộc sống biết đủ, ít ham muốn, tâm không chạy theo vật dụng thì sẽ được an lạc.
Khi ước muốn vượt quá nhu cầu là tham. Nếu cuộc sống biết đủ, ít ham muốn, tâm không chạy theo vật dụng thì sẽ được an lạc.
Thế nào là tâm tham?
Trong kinh Phật nói tham có rất nhiều loại khác nhau như tham gọi là dục, cũng là ý nghĩa ước vọng, tìm cầu, khao khát. Rốt cuộc con người mong muốn cái gì? Khát khao mong cầu điều gì? Nhu cầu của con người không ngoài tham năm dục là: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Mắt tham thấy đẹp, tai tham nghe tiếng hay, mũi tham ngửi mùi thơm, lưỡi tham thích vị ngon, thân tham xúc chạm vật mềm mại. Tóm lại, hễ thích là tham.
Nhưng con người vốn không thể không ăn uống, không ngủ nghỉ, mắt không thể không nhìn, tai không thể không nghe; cho nên tham là khi chúng ta đòi hỏi quá mức. Tôi thường nói với các đệ tử: “Có được những thứ cần dùng không phải là tham, không cần mà muốn có thêm, đó là tham”. Trên thực tế, chúng ta cần không nhiều, như chúng ta ngủ chỉ cần một cái giường, ăn cơm chỉ cần no… nhưng mọi người vẫn muốn mưu cầu được nhiều thứ. Vì sao con người tham không biết chán?
Tâm lý con người là mãi mãi chạy theo ham muốn của mình, nhưng những thứ mà con người mong muốn tham đắm thì không thể giữ gìn lâu dài, nên khi được nó rồi, lại bắt đầu lo sợ mất đi. Tôi lấy tiền làm ví dụ, chi phí sinh hoạt hằng ngày của chúng ta không nhiều, nhưng ai cũng muốn thu tiền vào mà không ai muốn chi ra, cho nên mong muốn gom góp của cải càng nhiều, để phòng cần đến bất cứ lúc nào, kết quả trở thành lòng tham không đáy.
Lòng tham của con người giống như con khỉ trèo lên cây hái trái đào non, nó thấy những trái đào căng tròn, nặng trĩu trên cây nên muốn hái, trái nào nó cũng muốn ăn; kết quả, nó hái cầm trong tay không hết, lại kẹp dưới hai bên nách; hái đến trái cuối cùng, chẳng ăn được trái nào mà còn mệt đứt hơi. Con người thường cũng như vậy, bị lòng tham lôi kéo mà chuốc nhiều phiền não và mệt mỏi.
Tục ngữ nói: “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”. Thật ra, con người không chỉ tham đắm tiền tài mà còn tìm cầu, giành giật đủ thứ, giữa người với người chà đạp, tranh cãi nhau cũng vì lòng tham. Vì thế, lòng tham chẳng những làm cho mình bất an mà còn gây tai họa cho xã hội.
Xưa nay, nhu cầu của con người đều giống nhau là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đi lại. Nếu như người nào, ngoài lo nhu cầu cho mình, lại còn lo cho đời sống của mọi người thì không gọi là tham, như chúng ta mong muốn cho mọi người đầy đủ cơm ăn, áo mặc, có xe đi lại, có nhà ở, còn làm phước giúp mọi người trong xã hội thì không gọi là tham.
Do đó, ngoài những thứ mình cần, chúng ta không nên tham. Biết đủ thì dừng mới là trí tuệ, phương thức đơn giản nhất chính là thường chú ý đến khởi tâm động niệm, biết được mình đang sống cho mình hay cho người khác.
Vì sao tâm tham?
Chỉ cần có tâm tham cũng là tâm thái không tốt, vì với mỗi vật dụng bạn lại có tâm tham khác nhau. Cho dù, bạn tham vật gì cũng là tìm cầu quá mức dù cho mức độ tham lam mỗi người là khác nhau.
Có một vị trụ trì mới nhận chùa chưa được bao lâu, thầy nói với tôi: “Từ khi con làm trụ trì đến nay, dường như lòng tham ngày càng nhiều, nhưng con không thể bỏ ý muốn làm trụ trì. Trước đây, con mong muốn có nhiều Phật tử, muốn có nhiều tiền và nhiều đệ tử; lại còn muốn xây chùa to, có nhiều phòng và mong công việc hoằng pháp ngày càng phát triển rộng rãi”. Thầy cảm thấy sau khi nhận chức trụ trì, suốt ngày trong đầu luôn suy nghĩ phải làm thế nào ngày càng nhiều hơn; điều này làm cho thầy rất mệt mỏi. Chúng ta đủ thấy tham đúng là căn bản của phiền não.
Sau đó, tôi hỏi lại: “Thầy dự tính, mong đợi những điều đó là vì mình phải không? Thầy muốn làm trụ trì nhất định phải làm cho mọi người ca ngợi chứ gì? Thầy muốn có nhiều Phật tử khâm phục thầy như vậy, chùa lớn như thế, họ cho rằng thầy tài giỏi hơn bất cứ vị nào, việc gì thầy cũng làm được phải không? Nếu thầy có ý nghĩ đúng như thế là tham. Còn như thầy lo cho Phật giáo, cho chùa, cho chúng tăng thì không phải tham”.
Vị trụ trì này vì hoằng dương Phật pháp, cần có một đạo tràng để thuyết pháp, nơi tu tập cho nhiều người được nghe giảng Phật pháp, cho nên muốn xây giảng đường rộng một chút, và xây nhiều phòng cho chúng tăng. Vì làm lợi ích cho chúng sinh được thấm nhuần Phật pháp, có nơi bố thí cúng dường, vun trồng ruộng phước; cho nên trong chùa cần phải có sự đóng góp của mọi người, đem tịnh tài tịnh vật làm lợi ích cho chúng sinh. Những nhu cầu này đều vì chúng sinh và xã hội, vì truyền bá Phật pháp, cho nên không phải tham.
Nếu như ham muốn cho bản thân mình, không vì người khác, đó là tham. Người muốn lợi ích cho mình, khi thành công thì kiêu căng ngạo mạn, cảm thấy mình quá tài giỏi, dường như tất cả mọi việc đều là công lao của mình; lúc thất bại thì cảm thấy chán nản, sợ mọi người xem thường. Người suy hơn tính thiệt như thế thì sống trong phiền não. Trái lại, nếu họ biết chuyển ý nghĩ, biết mình nỗ lực là vì Phật pháp, phục vụ cho chúng sinh; đây là người có trí tuệ.
Nếu như bạn nghĩ đúng như vậy thì không còn phiền não. Đối với mọi người cũng như vậy, phản ứng của họ cũng sẽ theo ý định và động cơ của bạn mà thay đổi. Trong xã hội ngày nay, có những người làm từ thiện vì lòng tư lợi, làm cho mọi người hiểu lầm họ là người có tâm từ bi, làm việc công đức, người tài giỏi. Nhưng hạng người này cuối cùng cũng bị vạch trần bộ mặt đạo đức giả.
Cho dù họ đóng kịch rất hay, khiến cho mọi người hiểu lầm họ là người tốt, rốt cuộc vẫn là trò lừa bịp; đã lừa bịp người cũng là phiền não, họ có lừa dối mọi người suốt đời, nhưng lương tâm họ không thể an lạc. Vì thế, người có trí tuệ tuyệt đối không được dối mình, lừa người.
Chuyển tâm tham thành tâm nguyện
Phật pháp nói tham là gốc khổ, chúng ta muốn giải quyết vấn đề khổ thì trước tiên phải bắt đầu từ “biết tham”. Nhu cầu của con người có hai:
1. Nhu cầu.
2. Ước muốn.
Hễ khi ước muốn quá mức nhu cầu của mình thì gọi là “tham”. Nhưng mọi người thường không biết mình cần bao nhiêu, và cũng khó phân biệt được sự sai khác giữa nhu cầu và ước muốn rõ ràng nên luôn cảm thấy thiếu.
Thật ra, không khó để phân biệt nhu cầu và ước muốn. Khát thì uống nước; đây là “nhu cầu”. Nhưng uống giải khát chỉ cần chúng ta uống một ly thì đủ, nếu như đề phòng cần đến bất cứ lúc nào, ước muốn cất trữ hai, ba ly thì tâm lý này giống như nuôi con để cậy về già, tích lúa phòng khi đói; đây chính là tham. Vấn đề hiện tại phải giải quyết trước chính là nhu cầu. Còn sau này cần cái gì? Có phải nhu cầu mình cần nhiều như thế không? Vì không có cách gì mà đoán trước mọi việc, cho nên không cần suy nghĩ.
Con người ăn uống thiếu thốn thì không thể duy trì thân mạng. Nam nữ không giao hợp thì không duy trì được nòi giống vì không sinh được thân mạng. Người Trung Quốc nói: “Thích ăn là bản tính con người”. Chúng ta có thể thấy chuyện ăn uống, quan hệ nam nữ là chuyện thường tình của con người, có thể bị cho là việc xấu do con người tìm cầu quá mức, đắm chìm trong vật chất nên không có cách nào tự cứu mình, giống như đam mê chuyện tình cảm, hoặc thích ăn chơi trác táng; những điều này đều vì tham mà tự mình chuốc lấy phiền não, cũng chính là nói: “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”. Tất nhiên, nếu như chúng ta có sở thích thật sự, và năng lực của mình có thể đạt đến mục tiêu như thế thì không hề gì. Nhưng nếu chúng ta ham gánh vác công việc quá sức mình sẽ chuốc lấy rất nhiều phiền phức.
Ngoài nhu cầu cơ bản sinh tồn, con người còn thích ngắm phong cảnh đẹp, nghe âm nhạc hay; nói chung, mong muốn thấy nhiều, nghe nhiều của con người cũng là chuyện thường tình. Cho nên con người thưởng thức cảnh đẹp và âm nhạc là phản ứng bản năng, không cần trốn tránh nó. Hoa lá, cây cảnh trong công viên để cho mọi người thưởng thức ngắm nhìn, cứ để nó tự nhiên hiện ra trước mắt, chỉ cần chúng ta chiêm ngưỡng thưởng thức cảnh đẹp. Còn về âm nhạc, nếu như chúng ta nghe những bản nhạc mình ưa thích thì tất nhiên chăm chú lắng nghe thích thú; đây cũng là một cách hưởng thụ.
Nhưng nếu chúng ta thấy hoa đẹp, liền khởi tâm muốn bẻ hoa đem về nhà, đó là tham. Âm nhạc cũng như vậy, nếu nghe nhạc mà say đắm quên mình, bỏ công ăn việc làm mà đắm chìm trong đó; hoặc nghe bản nhạc hay mà say mê vào âm nhạc, càng thưởng thức càng chìm đắm, nhu cầu thích nghe ngày càng nhiều, không ngừng chạy theo ham muốn, chiếm hữu, thì đó là tham. Vì thế, theo đuổi phẩm chất cuộc sống tốt đẹp vốn là thường tình của con người; nhưng nếu biến thành chấp trước thì sẽ đem đến nhiều phiền não.
Ham muốn và yêu thương vốn không có gì là xấu, nhưng ham muốn thường đưa đến lòng tham của mọi người. Khi ham muốn, yêu thương và tham cùng sinh khởi thì biến thành phiền não. Nhưng tham cũng phải phân biệt mức độ tốt xấu, giống như yêu thương có thể là một sự cống hiến, và ham muốn cũng có thể là hy vọng. Hy vọng cho mình và khắp thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, tiến bộ văn minh hơn. Đây chính là chuyển tham ái và tham dục thành tâm nguyện, chuyển thành sự mong đợi. Do đó, tham ái và tham dục cũng có thể chuyển đổi phương hướng phát triển tốt đẹp, làm việc tích cực cống hiến cho xã hội.
Dùng bố thí đối trị tâm tham
Tâm tham thường đem đến phiền não cho chúng ta rất nhiều. Vậy phải làm thế nào giúp chúng ta trừ tham, giải độc? Dùng bố thí để đối trị tham là biện pháp tốt nhất. Bố thí là xả bớt tiền của, vật dụng của mình có để giúp người khác vượt qua khó khăn, thậm chí còn bố thí thời gian, trí tuệ của mình; hoặc dùng các thứ tài nguyên của mình để trợ giúp người khác. Khi chúng ta lo cho người khác, mưu cầu hạnh phúc và lợi ích cho người khác thì tự mình sẽ nhận lại được rất nhiều.
Lấy bản thân tôi làm ví dụ, tôi là người xuất gia chẳng có gì cả, nhưng khi tôi thấy nhiều người sống thiếu thốn, vì muốn giúp họ cải thiện đời sống, nên tôi nghĩ cách kêu gọi Phật tử phát tâm; kết quả, ngày càng có rất nhiều người đồng tâm nguyện đến góp của cải giúp đỡ tôi, thành tựu nhờ đông người, xây dựng được Pháp Cổ Sơn. Pháp Cổ Sơn chẳng phải thuộc về tôi mà thuộc nhiều người trong xã hội.
Nhờ tôi kêu gọi, mọi người hưởng ứng ngày càng đông, tập hợp lực lượng cũng rất rộng, nên làm việc ngày càng phát triển. Điều này giống như Lão Tử nói: “Đã vì người thì mình càng có, đã cho người thì mình càng nhiều hơn”. Cũng chính là nói, nếu chúng ta càng cho thì mình càng được nhiều, lại không cần ra sức mà tự nhiên nó đến.
Điều này giống như nước trong giếng, người múc dùng càng đông thì mạch nước càng chảy ra không dừng. Nếu như mọi người không múc dùng thì mạch nước giếng mãi mãi không chảy ra; cũng thế, nếu như chúng ta không đem của cải mình cho người khác, chẳng những của cải không có thêm mà còn bị mắng là kẻ keo kiệt; lại còn lo lắng vì tiền, phải sử dụng thế nào, khi sắp chết nên cho ai….
Vì thế, nếu chúng ta muốn bố thí thật sự, cho dù không có vật gì cũng chẳng sao; bởi vì, chúng ta phát tâm nguyện cố gắng làm việc hết sức mình, nhất định sẽ có để bố thí. Bố thí chân thật là phụng sự cho chúng sinh, trong tâm hoàn toàn không mong cầu được đáp đền, cũng không có lòng tham; như thế, mới có thể đạt đến cảnh giới trí tuệ viên mãn, phước đức cũng viên mãn thì giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Danh lợi chỉ là tạm thời
Mục đích con người tham chiếm lấy không ngoài tiền bạc, danh vị, nhưng những thứ này dù tìm kiếm cũng không ra, có lúc không mời mà tự đến; cho nên quan trọng là phải có thái độ chính xác đối xử với nó.
Tôi lấy tiền dành dụm làm ví dụ, nếu như chúng ta có kế hoạch, mục tiêu chính đáng, sau khi dành dụm được một số tiền có thể thỉnh một bộ “đại tạng kinh”; hoặc có thể làm quỹ học bổng giúp đỡ những em nhà nghèo hiếu học; những điều này đều có ý định rất tốt, không phải tham. Nếu như mục đích tích trữ tiền của là để thỏa mãn ham muốn cá nhân thì đây là tham.
Như người đầu tư cổ phiếu, chúng ta thường thấy có những người chơi cổ phiếu bị tán gia bại sản. Kỳ thật, dùng cổ phiếu để làm việc chính đáng thì không có gì là không tốt, trừ phi đem cổ phiếu để đầu cơ trục lợi; đó là ý nghĩ tham, là phiền não.
Tiền bạc giống như nước, cần phải thường chảy mãi; khi nước chảy bất luận nước nhiều cũng tốt mà ít cũng được đều vẫn duy trì trong một chỉnh thể. Vì thế, khi chúng ta đầu tư cổ phiếu, chỉ cần nghĩ đến số tiền này đặt vào trong cổ phiếu, có thể giúp cho nguồn kinh tế xã hội được phát triển; như vậy, chúng ta kiếm được tiền cũng tốt, nếu có bị thua lỗ cũng chẳng đau buồn.
Nếu như chúng ta khởi lòng tham, mong muốn kiếm được tiền càng nhiều càng tốt, nên khi đầu tư chúng ta sẽ đánh canh bạc cuối cùng, đem hết tài sản để đầu tư, kết quả cổ phiếu bị rớt giá, thua sạch, đau khổ cùng tột. Cho nên, hành động giống nhau, nhưng quan niệm và thái độ khác nhau, đưa đến kết quả sai khác.
Còn về danh vị, quan trọng nhất là có thành tựu thực tế, còn nếu chỉ có hư danh thì đau khổ vô cùng. Danh vọng không phải là một công cụ, bởi vì người có danh thì tất nhiên có địa vị trong xã hội, là người có năng lực làm nên sự nghiệp, phát huy tài năng. Đạt được danh vị không phải việc xấu, nhưng có danh vị cùng lắm chỉ là được mọi người biết mà thôi, không nên đem danh vị làm thành chính mình. Trên thực tế, cũng không cần đem hết tâm ý theo đuổi danh vị, khi thời cơ đến thì tự nhiên xuất hiện. Vì thế, chúng ta cũng không cần coi trọng, suy hơn tính thiệt.
Như có người đóng phim được đưa lên truyền hình nhiều lần, trở thành người nổi tiếng, cho nên bắt đầu tính toán thiệt hơn về chuyện nổi tiếng. Họ sợ mình sẽ bị mọi người quên lãng. Nếu như thật sự một ngày nào đó, họ không còn xuất hiện trước quần chúng thì họ cảm thấy bị xã hội chối bỏ; do đó, sinh ra thất vọng, phiền não.
Kỳ thật, câu chuyện của mỗi người được đăng trên báo hay đưa lên truyền hình là nhờ quần chúng đưa tin, chẳng nói lên điều gì; chỉ vì chúng ta làm những việc đó đúng lúc được mọi người thấy. Nếu như chúng ta là diễn viên nhưng chưa có cơ hội quay phim là chứng tỏ thời gian, hoàn cảnh chưa đủ nhân duyên xuất hiện.
Bất luận là tiền tài hay danh vị đều phải xem nó chỉ có tạm thời, không nên xem nó làm đại diện cho mình. Chúng ta nên có thái độ có cũng tốt, không có cũng được, đều chỉ là nhân duyên nhất thời. Như thế, chúng ta sẽ không bị đau khổ, phiền não.
Xa lìa cám dỗ danh vị và quyền lực
Mọi người đều muốn theo đuổi danh vị và quyền lực, có rất nhiều người trẻ tuổi thường nói: “Chỉ cần tôi thích thì có gì mà không làm được”. Dường như họ làm những việc trái ngược thì cơ hội nổi danh càng nhiều. Thật ra, phần đông họ muốn được mọi người chú ý, hoàn toàn vì muốn nổi danh mà thôi, nhưng sự thỏa mãn này chỉ là kích động nhất thời, có được cũng chỉ là hư danh, mà hư danh đưa đến cái lợi hão. Cho dù được lợi ích thật sự nhưng e rằng cũng là thứ rỗng tuếch.
Nhưng người trẻ tuổi xưa nay không suy nghĩ kỹ hư danh này, rốt cuộc nó mang lại cho mình bao nhiêu lợi ích? Có lợi cho người khác được bao nhiêu? Hư danh, lợi hão thường đi ngược lại sự mong đợi, là nguyên nhân tạo thành phiền não. Vì họ muốn cho mọi người biết đến nên không ngừng gây sóng gió, dẫn đến dư luận trong quần chúng. Cho dù, họ không làm việc phạm pháp nhưng gây hoang mang trong xã hội và bất an cho mọi người, chẳng những họ hại nhiều người mà đối với xã hội cũng có hại và vô ích.
Đối diện với hiện tượng xã hội này, chúng ta phải ra sức thay đổi nếp sống xã hội, quan trọng nhất là gia đình giáo dục từ nhỏ. Làm cha mẹ phải đối xử với con cái như người bạn, cùng trò chuyện với con, thảo luận các vấn đề, nhẹ nhàng khuyên bảo, dần dần làm cho con tự phát hiện những mặt tốt, xây dựng kiến giải chính xác, chẳng những cha mẹ chỉ dạy con cái mà còn biết phát huy điểm mạnh, điểm yếu của con. Ngoài ra, hành động của cha mẹ làm tấm gương cho con cái noi theo. Các vị nghĩ thử, nếu cha mẹ làm điều không tốt mà bảo con cái: “Ba mẹ làm sai, các con không nên bắt chước theo nhé!”. Làm sao con cái vâng lời cha mẹ được?
Ngoài danh vị ra, quyền lực cũng hấp dẫn rất nhiều người. Khi có quyền lực, tuy có thể làm chút việc, nhưng giống với danh vị, chúng ta phải cẩn thận đừng để quyền lực khống chế, rơi vào cảnh giới phiền não.
Mặc dù người có quyền lực thường nổi tiếng, nhưng người nổi tiếng chưa hẳn có quyền. Bởi vì, phần đông người nổi tiếng chỉ hiện ra bề ngoài, sau lưng có bàn tay quyền lực điều khiển họ; do đó, họ chỉ là người diễn viên. Làm diễn viên tuy có nổi tiếng, nhưng người đạo diễn mới có quyền hành thật sự, giống như có rất nhiều người làm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty, nhưng họ không có quyền hành thật sự.
Người có quyền lực vừa có tiền, vừa có trí tuệ, cũng có khi từ chối chức vị. Vì thế, nếu như bạn có tiền, có trí tuệ và có chức vị, cho dù chưa nổi tiếng nhưng nhất định sẽ có quyền. Có người sau khi nắm quyền hành thì bắt đầu lộng quyền, ỷ thế, giở những trò thủ đoạn, họ không ngờ sự đời sẽ thay đổi. Chúng ta phải biết quyền thế chỉ tạm thời, một người không thể nắm quyền hành mãi mãi. Khi thân thể già yếu, hoàn cảnh thời cuộc thay đổi thì quyền lực cũng không còn.
Người có quyền lực mà lo toan cho người khác, giúp đỡ họ, không sử dụng quyền lực, hoặc tự tư tự lợi quá mức thì tốt, danh vị cũng giống như vậy. Cho nên, quan trọng nhất là bạn sử dụng quyền lực bằng tâm nguyện, và bạn đối nhân xử thế theo thái độ của đó.
Kết rộng thiện duyên được gặp người tốt
Chúng ta đều biết tham là tật xấu nhưng có lúc chúng ta lại rơi vào một cực đoan khác là keo kiệt, cũng chính là hẹp hòi, tiếc rẻ và bủn xỉn. Có người cho rằng đây là tiết kiệm. Thật ra, keo kiệt và tiết kiệm là hai việc khác nhau.
Keo kiệt khác với tiết kiệm, mục đích chủ yếu của tiết kiệm là đúng chỗ, giống như chúng ta có mười đồng tiền, vì muốn bố thí mà tính kỹ việc thu chi, tiết kiệm lại một đồng; đây không phải là keo kiệt. Trái lại, nếu như sinh hoạt của chúng ta chỉ cần chi phí năm đồng, nhưng lúc đó gặp người thiếu cơm ăn, áo mặc đến xin, chúng ta tiếc rẻ năm đồng còn lại, không dám bố thí cho họ; đó là keo kiệt.
Vì thế, keo kiệt là mình có dư của cải cũng không chịu cho người khác mà để cất giữ cho nhiều, hành vi như thế không ích lợi cho ai cả. Nhưng nó không giống tham là cứ muốn lấy đồ của người khác làm của mình; cho nên, keo kiệt không hại đến người khác, so ra đỡ hơn tham một chút.
Mặc dù keo kiệt không làm tổn hại người khác, nhưng có nhiều người tiếc của không chịu bố thí, nên ngăn trở sự trưởng thành của mình. Như có người học vấn rất tốt, hiểu biết phong phú; hoặc rất giỏi kỹ thuật, nhưng họ không muốn truyền trao cho người khác, cũng không muốn chia lợi cho mọi người cùng hưởng. Sau khi chết khác nào đem trí tuệ, tài sản vào trong quan tài; như thế chẳng phải vô ích sao?
Lại như trong công ty bạn có rất nhiều công nhân, viên chức. Họ ra sức làm việc số tiền lãi bạn thu về rất nhiều, nhưng rốt cuộc bạn không thưởng cho họ đồng nào; như thế, công ty này có tiếp tục tồn tại phát triển được không? Có lợi thì mọi người cùng hưởng chung, khi phân chia có thể theo công sức góp phần, người làm nhiều thì hưởng nhiều, người làm ít thì hưởng ít.
Có một ông chủ đầu tư hết vốn liếng, đem hết trí tuệ và tâm lực để làm việc kinh doanh; bởi vì ông ta bỏ ra rất nhiều nên thu lợi nhiều là việc bình thường. Nhưng một viên chức bình thường, ít nhất cũng phải ra sức làm việc bằng trí tuệ và nỗ lực, thậm chí làm hoàn thành công việc trước thời gian công ty quy định, vì để cho công bằng thích hợp, chia hưởng hợp lý là điều nên làm. Nếu như ông chủ chỉ biết bóc lột, hoặc không muốn chia cho nhân viên hưởng lợi ích thì dần dần sẽ mất đi nhân lực và quần chúng, tổn thất này do keo kiệt đưa đến.
Có người tuy không có tài sản gì, nhưng họ rất rộng rãi, bằng lòng đem tất cả tài vật chia cho người khác cùng hưởng. Nhờ họ sống rộng rãi như vậy, cho nên được nhiều người tin tưởng, ủng hộ, có thể nói là nhân tài lãnh tụ. Nhưng kẻ keo kiệt vì không muốn chia tiền vật của mình cho mọi người cùng hưởng, nên không có mối quan hệ với mọi người, không được ủng hộ và thương yêu.
Nhưng người hào hiệp khác với kiểu “giả làm người hào hiệp”. Hào hiệp là mình không có tiền, hoặc có tiền không nhiều, nhưng đem hết khả năng của mình giúp đỡ người khác. Có người tuy không có gì, nhưng dùng nhiều cách lấy đồ của nhà giàu, như mua chịu, mượn, lấy trộm… đem chia cho người nghèo cùng hưởng, cũng là của người phúc ta, đó là “giả làm người hào hiệp”.
Người nào đời này không kết duyên rộng với mọi người thì đời sau sẽ thành kẻ ngu si. Nếu bản thân mình có tiền vật đem chia cho người cùng hưởng thì đời sau mới tăng trưởng phước tuệ.
Tri túc
Keo kiệt làm cho chúng ta không kết duyên được với mọi người, mất đi tình bạn; đồng thời, tự mình cũng không thể trưởng thành. Vì thế, bất cứ chúng ta có đồ vật gì đều nên giúp người hết lòng. Dù ta có được cả danh vị, tài sản và quyền lực, không nên hưởng thụ một mình mà hãy rộng rãi chia sẻ với mọi người.
Có rất nhiều người nổi tiếng sợ bị người khác lợi dụng nên không muốn cho họ mượn danh. Có lúc người khác chẳng qua là muốn mượn tiếng tăm của bạn để mở rộng hoạt động nào đó, thay mặt bạn tán thành việc này; cho dù đó chỉ là mượn danh, nhưng bạn vẫn không bằng lòng cho họ mượn sử dụng.
Tất nhiên chúng ta phải quý trọng danh dự, làm rõ mục đích của đối phương, không nên để người khác mượn danh của bạn làm việc xấu, nếu như mục đích chính đáng thì người cầu xin không có vấn đề gì mà bạn lại không cho họ sử dụng là keo kiệt. Nếu như sau khi hiểu rõ, phát hiện đối phương, hoặc sự việc không tốt thì tốt nhất không nên cho họ sử dụng, kẻo sẽ gây ra nhiều phiền toái, người khác sẽ nghi ngờ bạn vì sao cùng liên kết với hạng người này, tiếp đến họ sẽ suy đoán có lẽ bạn cấu kết nhiều người xấu. Nếu xảy ra việc như thế thì bạn phải lưu ý quý trọng danh dự, nhưng ngược lại quý trọng danh dự quá mức cũng gọi là keo kiệt.
Danh là như thế, quyền cũng như vậy, chỉ cần làm tốt công việc và việc cần làm thì không phải keo kiệt. Tôi thường nói: “Quan làm việc thiện” chính là mong muốn người có quyền thường chủ động vận dụng quyền lực của mình để giúp đỡ người khác, làm lợi ích cho chúng sinh và xã hội. Nếu như nói khi có quyền mà không dùng quyền, hoặc không làm lợi ích cho mọi người và xã hội, chỉ làm tròn bổn phận công việc của mình, làm hài lòng cấp trên, được lòng cấp dưới là kẻ ba phải. Có quyền lực như vậy chỉ uổng phí, thăng quan tiến chức chỉ vô ích. Cho nên, người có quyền phải có sự quyết đoán, có lý tưởng thì mới làm được.
Nhưng có lúc trừ bỏ keo kiệt lại dễ trở thành một kẻ lãng phí; do đó, giữa hai tính cách này nhất định phải có được sự cân bằng. Hễ là tiêu xài xa xỉ thì gọi là lãng phí, nếu như chi dùng đúng mức thì không gọi là lãng phí; giống như người khác đã cho anh ta đủ đồ dùng, bạn lại cho anh ta thêm; hoặc là hôm nay họ có, ngày mai cũng có, bạn vẫn cho họ thêm, đó là lãng phí.
Người Trung Quốc rất sợ người khác phê bình mình là hẹp hòi, nên thường muốn làm cho người khác thấy mình rộng rãi. Vì thế, khi mời khách đến nhà đãi, chỉ cần năm món là ăn no đủ thì họ nhất định phải chuẩn bị mười mấy món thức ăn, dường như họ nghĩ làm như thế mới không cho là hẹp hòi; rốt cuộc, còn dư lại thức ăn rất nhiều, hình thành thói quen lãng phí; đây thật là một thói xấu. Cho nên, khi mời khách đến phải suy nghĩ người khách đó như thế nào? Và khả năng kinh tế của mình ra sao? Tuy không keo kiệt, bủn xỉn quá mức, nhưng cũng đừng quá lãng phí.
Chúng ta làm việc phải nắm vững trong tay hai chữ “vừa đủ”. Việc gì cũng vừa đủ là tốt nhất, tính toán chi li cũng không tốt. Bởi vì tính toán quá mức thì thành keo kiệt, ăn xài xả láng thành lãng phí.
Thanh bần khác với keo kiệt
Nếp sống thanh bần từng lưu hành một thời, cũng có thể gọi là một trào lưu sống đơn giản. Đời sống thanh bần phù hợp với tự nhiên, tiết kiệm tối đa, coi trọng sự chất phác, thật thà, là một nếp sống trở về chân thật, nó khác với keo kiệt. Thanh bần là nhấn mạnh đời sống đạm bạc, đơn giản, chỉ cần những đồ cần thiết, bền chắc mà không xa xỉ, tự mình sắp xếp cuộc sống đơn giản, thanh tao, không cầu cho đẹp đẽ và lãng phí quá mức.
Tôi có một người bạn, ông là một doanh nhân về hàng hải rất giàu có. Nhưng mỗi buổi sáng ông chỉ dùng một ly cà phê, một quả tần bà, một ly sữa là đủ. Một hôm, tôi đến thăm ông, ông lấy trong tủ lạnh một trái chanh, xem ra đã cắt mấy lần rồi, cắt một miếng vắt vào trong ly hồng trà của mình, và một miếng vắt vào ly hồng trà của tôi; sau đó, lại cất miếng chanh còn lại trong tủ lạnh. Thấy như vậy, tôi hỏi: “Quả chanh này, anh dùng mấy ngày rồi?”. Ông đáp: “Dạ, đây là ngày thứ ba, dù sao chỉ mình con ăn sáng cũng quen rồi”. “Ông dùng như thế có quá tiết kiệm không?”. “Dạ, con chỉ cần chừng đó”.
Như vậy, ông ấy có thể dùng một quả chanh năm, sáu ngày. Có lẽ mọi người cảm thấy ông ấy là người rất keo kiệt và hẹp hòi. Nhưng thực ra, ông ấy là người rất rộng rãi, thường mang tiền giúp đỡ người khác, lập ra nhiều quỹ học bổng giúp đỡ xã hội, giúp trường học và tất cả thanh niên nghèo. Bản thân ông tiêu xài rất hạn chế, cuộc sống rất đơn giản, nhưng đem số tiền lớn giúp đỡ cho người nghèo. Người như thế làm sao gọi là người keo kiệt được?
Ngoài ra, tôi còn quen một người cũng rất hay. Mỗi lần anh ta đến thăm tôi đều mang một giỏ trái cây. Tôi hỏi: “Cuộc sống của con cũng rất thiếu thốn, vì sao mỗi lần đến thăm thầy, con đều mang trái cây đến?”. Anh ta thưa: “Bạch thầy! Mỗi lần con đến thăm thầy đều đi bộ, nên số tiền đi xe con đem mua trái cây. Vì thế, giỏ trái cây là số tiền con tiết kiệm”.
Tiết kiệm, thanh bần là cuộc sống giản dị và không có tiếc rẻ; vả lại, bản thân họ sống giản dị, chất phác nên mới có dư nhiều tài vật đem cho người nghèo. Nếu như bản thân mình ăn xài lãng phí, hưởng thụ thì cho người sẽ ít.
Vì sao tư tưởng thanh bần lưu hành được ở đời? Bởi vì, con người ham muốn vô cùng tận, hưởng thụ vật chất không bao giờ thấy thỏa mãn, cũng không có cách gì làm cho tâm họ cảm thấy yên tĩnh, an ổn và bình an thật sự. Chỉ cần điều kiện đời sống vật chất quá đầy đủ thì lòng người càng dễ bất an, giống như người ta có thể xỏ một đôi giày bình thường, nhưng với người lấy vật hiếm làm quý, vì chuộng hư vinh nên nhất định phải mang giày quý, đắt; kết quả, sự tìm cầu ngày càng cao. Có người liều mạng cướp giật đồ quý hiếm để hưởng thụ, có người cho rằng càng nổi tiếng thì càng phải dùng đồ quý giá.
Thật sự, những thứ này không thể làm cho con người thỏa mãn được, hưởng thụ đến cuối cùng vẫn là trống rỗng, chỉ có người sống giản dị, chất phác thì mới an ổn, không bị vật chất lôi kéo, hôm nay muốn thứ này, ngày mai muốn thứ kia, hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Cho nên, chỉ có cuộc sống giản dị, thanh bần thì mới làm cho mình hài lòng, tự tại.