Jean Piaget sinh năm 1896 tại Neuchâtel, Thụy Sĩ. Ông có tố chất làm nhà khoa học ngay từ khi còn nhỏ, đã xuất bản một công trình học thuật khi mới 11 tuổi. Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, ông đã đóng góp hơn 60 cuốn sách và hàng trăm bài báo vào kho thành tựu. Mặc dù Piaget thường được nhắc đến với tư cách là nhà tâm lý học, nhưng thực tế ông là một nhà nhận thức luận (là người nghiên cứu về bản chất và khởi nguồn của sự hiểu biết). Chính phần này trong sự nghiệp của Piaget đã khiến ông trở thành người có đóng góp lớn lao trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục. Trong khi những người khác băn khoăn rằng trẻ biết điều gì (what) và khi nào (when) trẻ biết, thì Piaget hỏi làm thế nào (how) trẻ đạt được những gì chúng biết.
Giống như nhiều người trong chúng ta, Piaget không có kế hoạch theo đuổi sự nghiệp làm việc với trẻ em. Ông nhận bằng tiến sĩ về sinh học nhưng không bao giờ làm việc trong lĩnh vực này. Thay vào đó ông quay sang tâm lý học. Năm 1919, Piaget sang Paris để nghiên cứu và nhận một công việc tại Trường Thực nghiệm Alfred Binet. Công việc của ông là chuẩn hóa phiên bản tiếng Pháp của một trắc nghiệm trí tuệ của Anh. Trong khi tiến hành công việc này, Piaget bắt đầu để ý tới điểm tương đồng trong các câu trả lời sai của trẻ khi được câu hỏi dành cho lứa tuổi nhất định nào đó, và ông bắt đầu tự hỏi rằng trẻ đang sử dụng quá trình tư duy nào. Điều này đã trở thành câu hỏi nghiên cứu thúc đẩy sự nghiệp cả cuộc đời ông. Ông tiếp tục theo đuổi mối bận tâm của mình về trẻ nhỏ và quá trình tư duy của trẻ cho đến khi qua đời vào năm 1980.
Công trình của Piaget bắt đầu có ảnh hưởng chủ yếu tới các chương trình mẫu giáo tại Hoa Kỳ từ những năm 1970. Các tác phẩm của Piaget đã đưa lại cái nhìn sâu sắc về việc trẻ em đã kiến tạo nên sự hiểu biết như thế nào. Thật không may, nhiều tác phẩm của ông rất khó đọc và thật đáng sợ đối với những giáo viên bận rộn. Hơn nữa trong những năm gần đây, công trình của Piaget đã bị phê phán về những hạn chế mà các nghiên cứu gần đây chỉ ra. Đặc biệt là nhiều giáo viên cho rằng ông tập trung quá nhiều vào các quá trình tư duy mà xem nhẹ cảm xúc và những mối liên hệ xã hội của trẻ với các giáo viên và bạn bè đồng lứa. Nhiều người khác cũng cho rằng việc ông sử dụng những thuật ngữ không thông dụng đã làm độc giả bối rối. Ngoài ra, vì hầu hết những quan sát của ông được thực hiện trên chính ba người con của ông nên nhiều nhà phê bình cho rằng đó không được xem là nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, các giai đoạn phát triển nhận thức của Piaget đã tạo nên một góc nhìn tổng quan cho chúng ta về việc trẻ đã tư duy như thế nào trong những năm đầu đời, cũng giống như những giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson đã giúp chúng ta hiểu trẻ phát triển như thế nào về mặt cảm xúc. Các giáo viên cần chấp nhận rằng trong khi một số quan điểm của Piaget không đúng với trẻ nhỏ như chúng ta từng nghĩ thế, thì những khái niệm cơ bản của ông vẫn giúp chúng ta xây dựng nội dung chương trình để thử thách trí tuệ của trẻ nhỏ. Việc gạt bỏ lý thuyết của ông chỉ vì những thiếu sót trong đó sẽ là một sai lầm. Tôi rất xúc động khi đọc Elizabeth Jones viết về những đóng góp của Piaget:
Con người ở mọi thời đại và ở mọi nơi đều tạo ra những cách diễn giải khác nhau về những gì diễn ra với mình, và tất cả các diễn giải đó đều có năng lực dự đoán; nó giúp chúng ta có thể nói rằng: “Thấy chưa, tôi đã nói với các bạn rồi.” Trong nền văn hóa của mình, chúng ta gọi diễn giải đó là khoa học và cho rằng chúng là thực tại chứ không phải là thứ được tạo ra. Nhưng các diễn giải khoa học rồi cũng biến đổi, cũng như huyền thoại và những tín điều từng như vậy, bởi vì ngay cả trong vật lý học, hay gần đây là trong tâm lý học, chúng chỉ đưa ra những diễn giải mang tính cục bộ về cách thức mà mọi việc thực sự xảy ra. Hãy học chúng, sử dụng chúng nhưng đừng quá nghiêm túc nặng nề với chúng. Chẳng có gì xảy ra như thế chỉ vì Piaget nói như thế. Piaget nói nó như thế vì nó xảy ra như thế, ông chỉ là một nhà quan sát thận trọng và biết khái quát hóa. Tất cả chúng ta đều có thể phát triển với những năng lực của riêng mình và đều có thể làm như thế. (1986, 99-100)