Trong khi những người cùng thời Piaget cho rằng quá trình học hoặc là mang tính nội tại (đến từ đứa trẻ) hoặc mang tính ngoại tại1 (được tạo nên bởi môi trường hoặc được người lớn dạy), thì Piaget nghĩ rằng không riêng một mệnh đề nào có thể giải thích được quá trình học. Thay vì thế ông cho rằng tương tác của trẻ với môi trường chính là những yếu tố tạo nên quá trình học. Ông cho rằng trẻ kiến tạo sự hiểu biết của mình bằng cách gán định ý nghĩa cho những con người, nơi chốn và những sự vật trong thế giới của chúng. Ông rất thích cách diễn đạt “sự kiến tạo là thứ tuyệt vời để hướng đạo” (Hendrick 1992, 476). Ý ông muốn nói rằng trẻ học tốt nhất khi được tự mình làm việc một cách thực sự và kiến tạo nên sự hiểu biết của riêng mình về những gì đang diễn ra thay vì nhận lấy những cách diễn giải mà người lớn đưa ra. Ông là một người học hỏi từ công trình của Montessori và xây dựng quan điểm của mình dựa trên tư tưởng của bà, cho rằng trẻ thực hiện những công việc có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển nhận thức. Cũng như Montessori, Piaget tin rằng trẻ cần mọi cơ hội có thể có để được tự mình làm mọi việc. Ví dụ trẻ có thể rất quan tâm tới việc mọi vật đã phát triển như thế nào. Nếu giáo viên đọc cho trẻ nghe một cuốn sách minh họa về chủ đề đó, trẻ có thể tăng được kiến thức nền tảng. Nhưng nếu trẻ có cơ hội được trồng một vườn cây thực sự tại trường thì quá trình đào xới, tưới tắm, quan sát và trải nghiệm sự lớn lên của cây cối sẽ giúp trẻ kiến tạo nên sự hiểu biết về quá trình phát triển của sự vật, những thứ mà các em không thể có được nếu chỉ đọc và nhìn vào những bức tranh minh họa.
1 Intrinsic và Extrinsic.
Giống như Dewey, Piaget tin rằng trẻ chỉ học khi sự tò mò của chúng chưa được thỏa mãn. Ông cho rằng sự tò mò là thứ thúc đẩy quá trình học của trẻ. Theo Piaget, chiến lược tốt nhất cho nội dung chương trình học dành cho tuổi mẫu giáo là khiến cho trẻ tò mò, làm chúng băn khoăn và đưa ra cho chúng những thử thách giải quyết vấn đề thực tế thay vì đưa ra những thông tin. Nhiều người lớn vẫn giữ quan niệm cho rằng giáo viên là người chia sẻ thông tin. Sử dụng lý thuyết của Piaget về quá trình học ở trẻ đòi hỏi phải thay đổi hình ảnh người giáo viên thành người nuôi dưỡng sự tra hỏi và hỗ trợ quá trình tự tìm kiếm câu trả lời của trẻ.
Piaget cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trò chơi như là con đường chính để học tập. Khi trẻ tham dự vào một trò chơi biểu trưng (làm bánh từ cát, sử dụng vòi nước tưới cây để làm lính chữa cháy), chúng sẽ gán ý nghĩa cho những đồ vật và cho các hoạt động xung quanh chúng. Khi chúng mô phỏng theo những gì diễn ra xung quanh, chúng bắt đầu hiểu mọi thứ vận hành như thế nào và để làm gì. Mới đầu đây là quá trình thử và sai. Tuy nhiên theo thời gian và sự lặp lại, trẻ sẽ sử dụng thông tin mới để tăng cường sự hiểu biết của mình về thế giới xung quanh.
Piaget tin rằng tất cả trẻ em đều trải qua những giai đoạn giống nhau khi phát triển các kĩ năng tư duy của mình. Độ tuổi mà trẻ hoàn thành những giai đoạn phát triển này có thể rất khác nhau. Vì sự khác biệt này mà các biểu đồ tóm lược các giai đoạn của Piaget có thể khác nhau một chút. Cha mẹ và giáo viên cần nhớ rằng mỗi trẻ có tốc độ phát triển riêng của mình. Những khác biệt trong quá trình phát triển dàn trải trên một phổ rộng. Ví dụ, rất nhiều cuốn sách trích dẫn rằng trẻ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tháng là thuộc bước phát triển thứ nhất. Một số trẻ biết đi sớm ngay từ tháng thứ tám, trong khi có những trẻ 18 tháng mới biết đi.
Nhiều giáo viên và người lớn băn khoăn rằng liệu có yếu tố nào đó ngăn cản sự trưởng thành không, hay liệu có cách nào đẩy nhanh sự phát triển không. Piaget tin rằng sự phát triển trí tuệ của trẻ dựa một phần trên sự phát triển về thể chất. Ông cũng tin rằng quá trình này chịu ảnh hưởng từ sự tương tác của trẻ với môi trường. Ông không tin các giáo viên có thể “dạy” các em nhỏ hiểu được một khái niệm. Ông khẳng định trẻ nhỏ kiến tạo sự hiểu biết của riêng mình về thế giới thông qua những việc các em làm.
Theo Piaget, sự phát triển nhận thức của trẻ trải qua những giai đoạn được trình bày trong bảng dưới đây. Sau phần bảng này là phần thảo luận cơ bản về hai giai đoạn đầu trong hành trình kiến tạo tri thức của trẻ theo quan điểm của Piaget, vì đây là những giai đoạn liên quan mật thiết tới các giáo viên chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ.