Nhà Nhân chủng học và nhà giáo Margaret Mead từng nói trong tạp chí Redbook năm 1963 rằng: “Nếu chúng ta không thể trình bày một vấn đề đủ rõ ràng để tầm trí tuệ 12 tuổi có thể hiểu được thì chúng ta nên cấm túc trong bốn bức tường của Đại học và phòng nghiên cứu cho đến khi hiểu rõ hơn vấn đề mình trình bày. Trong lĩnh vực giáo dục trẻ mầm non rất cần lắng nghe những lời khôn ngoan này. Gần đây một học viên của tôi tâm sự, “Tôi phải bỏ dở khóa học này thôi. Tôi là học viên toàn thời gian, một bà mẹ đơn thân với đứa con 3 tuổi, và tôi còn làm thêm ở một tiệm bánh Pizza vào cuối tuần nữa. Tôi không có thời gian hay sự kiên nhẫn để hiểu được cuốn sách này muốn nói gì!” Cô quẳng cuốn sách giáo trình về sự phát triển ở trẻ em lên bàn tôi và chỉ vào một đoạn được đánh dấu trong chương giới thiệu. Đoạn đó viết thế này: “Sự cải tiến của nghiên cứu hướng tới việc tăng tính khác biệt trong việc xem xét bằng chứng và tăng tính khó hiểu trong việc giải thích những kết quả nghiên cứu đặc thù. Khi nghiên cứu về vấn đề càng chín muồi hơn thì các góc nhìn cũng càng phức tạp hơn.”
Tôi chia sẻ với cô cách diễn giải theo trí nhớ của mình. “Nó có nghĩa là việc nghiên cứu về trẻ em thực sự rất phức tạp. Càng học chúng ta càng hiểu sâu xa hơn về chủ đề đó.”
Cô học viên có vẻ rất bực mình: “Ồ, thế tại sao họ lại không nói đơn giản như vậy chứ?” cô phàn nàn. Sau đó, với một giọng buồn trầm, cô nói thêm: “Khi nhìn vào những con chữ mà trước đó thậm chí tôi còn chưa nghe thấy bao giờ, tôi thấy chán nản và nghĩ mình thật điên rồ khi đã đi học. Vị quản lý ở trung tâm tôi làm nói với tôi rằng, mọi lý thuyết đều chẳng giúp ích gì được một khi tôi làm việc thực tế với lũ trẻ.”
Với tư cách là một giảng viên về sự phát triển ở trẻ em, tôi luôn cảm thấy bức bách mỗi khi học trò chia sẻ những câu chuyện như thế này, mà họ rất thường làm thế. Để đi từ chỗ không muốn nghiên cứu những cuốn sách khó hiểu đã không làm tốt việc dẫn nhập người đọc vào chủ đề chính, đến chỗ không thừa nhận tầm quan trọng của lý thuyết trong việc định hình hoạt động thực hành dường như là một sai lầm lớn. Việc hiểu biết về cơ sở lý thuyết trong giáo dục trẻ mầm non là rất quan trọng để có thể thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách có chất lượng.
Không phải ai cũng đồng tình với tôi. Vài năm trước đây có một cuộc khảo sát những người quản lý các dịch vụ chăm sóc trẻ để định hướng cho việc đầu tư nguồn vốn đào tạo. Nhiều người quản lý đã phản hồi rằng họ không quan tâm liệu các giáo viên mầm non có biết Vygotsky hay Erikson là ai hay không, họ chỉ muốn các giáo viên biết cách làm thế nào khi trẻ đánh hoặc cắn các bạn khác. Điều mà nhà quản lý này không hiểu là những giáo viên biết cách xử lý thế nào khi trẻ đánh hoặc cắn các bạn khác thường là những giáo viên hiểu về sự phát triển của trẻ. Rất nhiều nhà quản lý khi được phỏng vấn đã trả lời như thế này: “Khi tôi thuê những sinh viên đại học về làm việc, họ nắm rõ nhiều lý thuyết nhưng lại không biết làm gì trong lớp học. Tôi thà thuê người chẳng học hành gì nhưng thực sự có hứng thú với trẻ còn hơn.” Chúng ta cần những giáo viên vừa có hứng thú thực sự với trẻ nhỏ, vừa có hiểu biết thực sự về quá trình trẻ đã phát triển và trưởng thành như thế nào. Dường như chúng ta chưa thành công trong việc áp dụng kiến thức về sự phát triển ở trẻ như một công cụ hữu dụng khi làm việc với trẻ nhỏ để đạt hiệu quả cao hơn. Có lẽ chúng ta cần chọn một phương pháp tiếp cận khác để dẫn nhập lý thuyết và ứng dụng lý thuyết đó cho những sinh viên và giáo viên mới nhập môn.
Hầu hết chúng ta đều cười nhạo khi nói: “À, về mặt lý thuyết thì…” bởi vì tất cả chúng ta đều cho rằng có những khoảng cách giữa bất kì lý thuyết nào với cách thức chúng ta có thể ứng dụng lý thuyết đó trong đời thực. Nhưng những khoảng cách này là một phần trong quá trình tăng cường hiểu biết về sự phức tạp của sự phát triển và trưởng thành. Chúng là những điều không thể tránh khỏi. Đây không phải lý do thích hợp cho các nhà thực hành gạt bỏ phần lý thuyết như thể nó là thứ gì đó “không liên quan” tới công việc hàng ngày của họ với trẻ nhỏ.
Những biệt ngữ chuyên ngành (Jargon) không giúp các học viên nắm bắt được các tư tưởng quan trọng của Piaget hay của Erikson. Học thuộc lòng tên và các giai đoạn trong sách giáo trình không nối được cây cầu mà chúng ta cần giữa lý thuyết về sự phát triển của trẻ và trẻ em ngoài đời thực. Tôi biết có rất nhiều trường dùng cách tiếp cận sách giáo khoa này để học lý thuyết, vì khi tôi hỏi các giáo viên rằng họ có nhớ các lý thuyết về sự phát triển ở trẻ em mà họ đã học ở trường không, hầu hết đều đáp lại: “Rất ít!” Những người khác nói với tôi rằng, họ không thể nhớ được có phải Erikson là người nói về các cảm xúc và Piaget là người nói về tư duy hay không. Những học viên này cứ tụng niệm: “Piaget, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, lý thuyết về phát triển nhận thức,” như việc chúng ta có thể học thuộc lòng thủ phủ các bang và những dòng sông chính vậy. Cứ dạy lý thuyết kiểu như thế này thì sẽ chẳng lạ gì khi nhiều nhà quản lý nói rằng: “Chỉ cần gửi cho tôi ai đó có cảm nhận tốt về trẻ con là được!”
Tuy nhiên, trong tình hình các nhà quản lý phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự và những giáo viên mầm non chưa được đào tạo thích hợp, thì việc các giáo viên hiểu biết cơ bản về sự phát triển, như việc các em bé cần được bế ẵm trong lúc cho ăn sẽ càng quan trọng hơn với các nhà quản lý. Các giáo viên có thể không cần phải biết là Erik Erikson sinh ra ở Đức và đã đóng góp cho chúng ta một lý thuyết phát triển tâm lý xã hội, họ sẽ làm tốt việc của mình hơn nếu biết rằng việc bế ẵm trẻ nhỏ khi cho chúng ăn sẽ giúp trẻ phát triển lòng tin vào người lớn. Với các giáo viên, lý thuyết cần phải rất gần gũi với thực tế. Nó cần được kiểm chứng trong thực hành và thích ứng với những tình huống thực tế của trẻ và lớp học. Quá trình tiếp nối này chính là thứ bắc nhịp cầu giữa lý thuyết và thực tế. Khi các nhà quản lý và giáo viên thấy việc hiểu về lý thuyết phát triển trẻ em khiến ngày làm việc của họ với trẻ suôn sẻ hơn, công việc của họ dễ dàng hơn và chương trình của họ hiệu quả hơn như thế nào, khi đó họ sẽ thấy trân trọng kiến thức ấy.