Nuôi dạy được những đứa trẻ khỏe mạnh là một công việc nặng nhọc. Đối lập với quan niệm từ nền văn hóa rộng lớn hơn, hầu hết những gì trẻ em cần đều không thể mua được bằng tiền. Trẻ em cần thời gian và không gian, cần sự chú ý, tình cảm yêu thương, sự hướng dẫn và đối thoại. Các em cần những nơi trú ẩn an toàn để học những gì các em cần biết để sinh tồn.
- Mary Pipher
Đây không phải là trí tưởng tượng của bất kỳ ai mà sự thật là chăm sóc trẻ em Mỹ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bất kể những nỗ lực mang tính lạc quan và khẩu hiệu cũ rích của chúng ta là “tại sao họ lại không thể như chúng ta, hoàn hảo về mọi mặt – có chuyện gì diễn ra với lũ trẻ thời nay vậy?” mọi nhà giáo dục có kinh nghiệm đều biết rằng 30 năm trước đây việc chăm sóc trẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với bây giờ. Có rất nhiều lý thuyết giải thích về lý do tại sao lại như thế, đến nỗi nếu thu thập lại có thể thành nhiều tập sách. Tại hội thảo của các nhà giáo dục tại Đại học Harvard, Jerome Kagan (1998) đã chỉ ra rằng ngoài chịu ảnh hưởng từ quan điểm di truyền (các gen được thừa hưởng từ cha mẹ ruột của chúng ta) và môi trường (con người và nơi chốn ảnh hưởng tới những trải nghiệm của chúng ta sau khi sinh), các nhà tâm lý học ngày càng quan tâm tới việc xã hội và văn hóa đã ảnh hưởng tới sự phát triển và trưởng thành của trẻ như thế nào.
Những yếu tố nào trong xã hội Mỹ đã ảnh hưởng tới sự phát triển và trưởng thành của con em chúng ta? Đất nước mà chúng ta đang sống là một trong những đất nước có tính bạo lực cao hơn trong các nước phát triển. Nhiều người Mỹ cảm thấy không an toàn khi đi loanh quanh ngoài đường gần khu nhà mình vào buổi tối. Điều lo lắng này là có cơ sở. Theo Sentencing Project, một tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu hoạt động nhằm cải thiện hệ thống pháp lý thì tỉ lệ tội phạm ở Liên bang Hoa Kỳ cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác (Siegel 1998).
Những ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông và sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường không vì lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em1. Trong 40 năm qua, có hơn một nghìn nghiên cứu về tác động của phương tiện truyền thông và phim bạo lực đã được thực hiện. Trong thập kỉ vừa qua, Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Tổ chức Y tế Mỹ, Viện Tâm thần học Trẻ em và Thanh thiếu niên Mỹ và Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, mỗi tổ chức trong số này đều đã độc lập xét duyệt lại rất nhiều nghiên cứu trong những nghiên cứu vừa nói ở trên. Những xét duyệt đó đều đi đến kết luận giống nhau: bạo lực truyền hình dẫn tới bạo lực trong đời thật (Trang tin của Hiệp hội Nhi khoa New Hampshire).
1 Ý tác giả muốn nói rằng, những sản phẩm truyền thông đại chúng (như phim ảnh, quảng cáo…) đôi khi vì lợi nhuận mà bất chấp sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể gây tác động xấu tới người tiêu dùng là trẻ em khi các em tiếp nhận những sản phẩm truyền thông như vậy (ND).
Đời sống gia đình và đời sống cộng đồng đã dần dần thay đổi trong 50 năm qua. Hầu hết các tranh luận của công chúng về những biến đổi này đều tập trung vào mặt tiêu cực. Mọi người đều bộc lộ nỗi lo sợ rằng đời sống gia đình đang trong tình trạng nguy hiểm. Khẩu hiệu của các cuộc vận động kêu gọi hãy quay lại với những giá trị gia đình. Trong The Way We Never Were, Stephanie Coontz chỉ ra rằng việc cố gắng giải quyết những thách thức trong đời sống gia đình hiện nay bằng cách quay trở lại những hình thái gia đình “truyền thống” là vô ích (1992). Bà viết rằng, người Mỹ đang kì vọng vào một huyền thoại về những gia đình ổn định, hạnh phúc từng tồn tại trước đây trong tâm trí của những người luyến tiếc quá khứ. Đời sống gia đình trong mọi thời đại đều phải đối mặt với sự đói nghèo, căng thẳng, cái chết, bệnh tật và sự hiểu lầm cảm xúc của nhau giữa các thành viên trong gia đình. Tình trạng lạm dụng trẻ em, phân biệt chủng tộc, những bất công giai cấp và giới (gender) là những vấn đề thường thấy xuyên suốt lịch sử nước ta. Hoài niệm luyến tiếc về “những ngày xưa tươi đẹp ấy” không phải là câu trả lời, chúng ta cần phải hướng tới xử lý những biến đổi trong thời đại của mình. Thách thức của chúng ta là làm sao tìm ra được cách thức phù hợp và sáng tạo để thích ứng với những biến đổi này.
Những nơi làm việc và các tổ chức cộng đồng không còn tiến bước kịp với những biến đổi. Ví dụ, rất nhiều tổ chức cộng đồng dành cho trẻ em vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động như “vũ điệu cha và con gái” hay “cắm trại cha và con trai1”, mà không để ý tới một thực tế rằng hiện nay chỉ có khoảng chưa tới một nửa các gia đình ở Mỹ là còn giống với gia đình kiểu mẫu, với cha và mẹ là những người thuộc giới tính đối lập2 và con cái sống trong một nhà riêng. Tương tự như thế, nhiều trường học không có sự thích ứng sáng tạo với những yếu tố liên quan tới phụ huynh học sinh để phù hợp với những gia đình mà cả cha và mẹ đều chú tâm vào sự nghiệp hoặc những gia đình cha mẹ đơn thân3. Việc không thích ứng được với những biến đổi mang tính xã hội này sẽ tạo gánh nặng lên con em chúng ta.
1 “father/daughter dances”; “father/son campouts” – kiểu như chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đang phổ biến hiện nay (ND).
2 Bởi hiện nay, ở Mỹ, nhiều gia đình có cặp cha và mẹ đồng tính, hoặc gia đình người mẹ/người bố đơn thân (single moms, single dads) nuôi con chứ không có đủ cả cha lẫn mẹ (ND).
3 Dual-career or single-parent families.
50 năm trước, nhiều dự án đã được thực hiện để khỏa lấp thời giờ nhàn rỗi, vốn là thứ thách thức đối với hầu hết người Mỹ trong những năm 1990. Bây giờ điều này không còn đúng nữa. Những người trưởng thành làm việc nhiều giờ hơn bao giờ hết. Harris Poll báo cáo rằng, kể từ năm 1973 thời gian nhàn rỗi đã giảm xuống gần 40%, từ con số trung bình là 26 giờ một tuần xuống dưới 17 giờ. Cùng thời điểm, các nghiên cứu cho thấy thời gian dành cho lao động tăng lên trong mọi hạng mục có thu nhập (Schor 1991). Chúng ta dành ít thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Những tranh luận trong thập niên 1980 về thời gian chất lượng (quality time) đối với thời gian số lượng (quantity time) đã biến mất. Ngày nay, với nhiều người, việc tìm được bất kể chút thời gian nào bên nhau cũng còn là điều khó khăn!
Bây giờ, tôi dám chắc bạn đọc sẽ hỏi, “Tất cả những thứ này có liên quan gì tới Piaget và Erikson không?” Những giáo viên làm việc với trẻ mầm non dành nhiều giờ để thảo luận về trẻ em và những xung đột gia đình. Rất nhiều giáo viên tôi từng trao đổi cùng đã nản lòng. Họ nói với tôi rằng: “có quá nhiều vấn đề về hành vi, không thể giải quyết được”. Một số giáo viên đổ lỗi cho các bậc cha mẹ. Một số thậm chí còn nói thế này: “Nếu các bậc cha mẹ không muốn chăm sóc con cái của mình, vậy họ còn sinh con làm gì?” Thái độ này thường bắt nguồn từ sự tuyệt vọng khi họ gặp phải những khổ sở trong tương tác hàng ngày với trẻ em. Chừng nào chúng ta còn chưa thể làm mọi chuyện tốt hơn thì chừng đó chúng ta còn muốn tìm ai đó để đổ lỗi, và các bậc cha mẹ thường là mục tiêu dễ nhất. Nhiều bậc cha mẹ cũng căng thẳng lắm. Họ biết rằng phần lớn thời gian dành cho công việc đã lấy mất đi thời gian họ dành cho cuộc sống gia đình. Giống như các giáo viên, họ cũng không biết phải làm gì để cải thiện tình hình.
Đây chính là lúc mà Erikson, Piaget và các nhà lý thuyết khác vào cuộc. Khi tôi hỏi các giáo viên rằng họ đã học được gì từ trường đại học có thể giúp họ làm việc với trẻ dưới những áp lực đó, họ chỉ cười. Một số đưa ra những bình luận kiểu như, “Tôi chưa bao giờ hiểu được chính xác những nhà lý thuyết ấy nói gì” hoặc “Lối tiếp cận sách vở ấy không có hiệu quả một khi bạn ở trong một lớp học thực sự.” Nhiều giáo viên sẽ nói: “Ông ta là ai vậy?” hoặc “Chẳng phải Piaget là lý thuyết về nhận thức sao?” chứ hiếm khi chịu dừng lại để suy nghĩ về việc hiểu lý thuyết về sự phát triển ở trẻ em có thể giúp ích cho hoạt động thực tế ở lớp học hàng ngày của họ như thế nào. Mục đích của cuốn sách nhỏ này là tìm kiếm những lợi ích đó.