15 trước, khi tôi bắt đầu viết ấn bản lần thứ nhất Các lý thuyết về trẻ em, tôi biết rằng đó là một ý tưởng hay. Tôi từng là người thực hành và là người hướng dẫn tại trường cao đẳng trong nhiều năm và tôi biết rằng cha mẹ, giáo viên chăm sóc trẻ em, những người cung cấp dịch vụ và các sinh viên đều gặp nhiều khó khăn khi làm việc với trẻ em.
Tôi chưa bao giờ mong đợi có được sự phản hồi đối với cuốn sách như tôi đã có trong 10 năm qua. Tại các cuộc hội thảo và các buổi tập huấn, các sinh viên thường đến nói với tôi rằng, họ chưa bao giờ ‘nắm’ được lý thuyết cho đến khi họ bị bắt phải đọc sách của tôi lúc vào trường. Tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ nhiều trường cao đẳng cộng đồng, các trường đại học và từ nhiều người hướng dẫn sau đại học, họ cảm ơn tôi vì tôi đã cung cấp một tài liệu nhập môn hữu ích cho những người mới bắt đầu.
Thật thú vị khi tôi nhận được các bình luận và thư từ nhiều độc giả mà tiếng Anh không phải tiếng bản ngữ của họ. Những người thực hành này cảm ơn tôi vì tôi đã giúp họ thích ứng được với việc chăm sóc trẻ tại Liên bang Hoa Kỳ. Vừa khiêm tốn và cũng rất vui sướng khi thấy rằng lý thuyết và những khó khăn trong thực hành của tôi đã giúp các đồng nghiệp vận dụng được vào công tác hàng ngày của họ với trẻ em.
Cũng rất thú vị khi có một số người thắc mắc về việc tôi trích dẫn Margaret Mead1 trong phần giới thiệu. Những phản đối này thường có hai nội dung chính. Người biên tập không thích nội dung trích dẫn có từ năm 1963 (liệu có còn liên quan tới chủ đề hay không?). Và về nguồn trích dẫn (tạp chí Sách đỏ - Redbook magazine), chúng tôi cũng nhất trí như vậy, đó không phải là công cụ nghiên cứu đáng tin cậy cho việc viết một cuốn sách giáo trình. Tôi vẫn còn bỡ ngỡ với việc viết sách giáo trình, nhưng với tôi, Margaret Mead là người rất đáng tin cậy bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào bà đưa ra những bình luận về cuộc sống của con người.
1 Margaret Mead (1901 – 1978) nhà nhân học Mỹ nổi tiếng. Những nghiên cứu về Nhân học của bà đã ảnh hưởng tới đời sống và văn hóa Mỹ và văn hóa phương Tây hiện đại (ND).
Ngày nay, với hơn 75.000 bản in của cuốn sách này đã được phát hành, tôi thấy tự tin hơn với những lời của Mead và với việc tôi đã trích dẫn chúng. Người thầy có ảnh hưởng lớn nhất tới tôi trong những năm tháng học đại học cũng đã đưa ra lời bình luận tương tự với tư tưởng của Mead trong khóa học về triết học hiện sinh mà ông dạy. Ông nói: “Khóa học này sẽ hấp dẫn những ai muốn đứng trên bục diễn giảng. Nếu bạn có điều gì đó muốn nói… tốt nhất là hãy nói nó theo cách mà bà dì Gertrude vĩ đại của tôi, người mới chỉ học hết lớp ba, có thể đọc và hiểu được nó.” Kinh nghiệm tốt nhất trong việc chia sẻ thông tin quan trọng đó là sử dụng thứ ngôn ngữ đơn giản, trực tiếp.
Tôi đã sai khi cho rằng, như trong một phần hợp đồng xuất bản có viết rằng tôi sẽ phải vui lòng cập nhật nội dung nếu cần, sẽ là điều khoản có thể được yêu cầu. Một điều hài hước khác cả ở nhà xuất bản Redleaf và ở nhà tôi đó là dường như tôi cố ý chọn những nhà tư tưởng đã quá cố. Tôi cố hình dung xem liệu mình có thể diễn giải quan điểm của các nhà tư tưởng đó một cách rõ ràng mạch lạc được không, có thể đưa ra những ví dụ minh họa gắn với thực tế lớp học được không… và hình dung xem có thể làm gì tốt hơn nữa không? Sao cho không phải kèm theo một công trình bổ sung thêm nữa cho tác phẩm.
Giờ đây với tôi điều này có vẻ rất ngây thơ. Người được phong danh hiệu Nhà giáo của năm 1990, Janis T. Gabay đã từng nói với khán thính giả rằng: “Tôi đưa ra cho các học trò của mình tất cả những ý tưởng mà tôi có thể cung cấp bằng cách chỉ ra cho các em thấy qua tư liệu rằng không có điều gì chưa được người ta cảm nhận, trải nghiệm hay nghĩ tới, có điều phần lớn những thứ ấy phải được khám phá theo một cách thức mới” (Hội đồng các viên chức lãnh đạo học đường [CCSSO1] năm 2002).
1 Council of Chief State School Officers.
Chỉ tính riêng những thay đổi công nghệ trong đời sống hàng ngày của chúng ta trong chục năm trở lại đây thôi cũng đã rất đáng kinh ngạc rồi. Ngoài ra còn có những thay đổi trong khoa học, y tế, tâm lý giáo dục, những nghiên cứu về phụ nữ và gia đình. Hơn ba mươi năm qua, trẻ em đã bị tách dần khỏi thế giới tự nhiên do những tiến bộ công nghệ, do sợ hãi (ví dụ như “nguy hiểm từ người lạ”, những thảm họa tự nhiên), và thậm chí cả những thông điệp học đường cũng có xu hướng nêu ra những mối bận tâm của các em về tương lai thế giới (ví dụ như hiện tượng nóng lên toàn cầu). Hiện tượng này được gọi tên là sự “rối loạn thiếu hụt-tự nhiên”1. Trong cuốn Đứa trẻ cuối cùng trong những cánh Rừng2 của mình, tác giả Richard Louv viết: “chứng rối loạn thiếu hụt-tự nhiên (nature-deficit) mô tả về những cái giá mà con người phải trả khi tha hóa khỏi tự nhiên và tha hóa với chính đồng loại của mình: giảm khả năng sử dụng các giác quan, những khó khăn về chú ý, tăng cao tỉ lệ các bệnh thể chất và tinh thần” (2008, 36). Hơn nữa, nếu trẻ em không được cung cấp những cơ hội để khám phá và gắn bó với giới tự nhiên thì ai sẽ là người chăm lo cho tự nhiên trong tương lai? Và một thập kỉ trước đây, hầu hết chúng ta đều không chú ý gì nhiều tới thái độ vị chủng3 (đặc trưng bởi/hoặc dựa trên thái độ cho rằng nhóm hay cộng đồng của mình mới là ưu trội) trong những thảo luận của mình về trẻ em và gia đình trong Liên bang Hoa Kỳ. Chúng ta diễn giải tất cả các quá trình học tập với những nhãn quan thoáng rộng hơn như khi ta xem xét về văn hóa, về sự biến đổi của thời đại, về sự quan trọng của thời gian trong tự nhiên và những hoạt động mà thậm chí mới chỉ một thập kỉ trước đây thôi chúng ta còn không biết là chúng có tồn tại.
1 Nature-deficit disorder.
2 “Last Child in the Woods”.
3 Ethnocentric: thái độ vị chủng, xem chủng tộc hoặc nhóm cộng đồng của mình là ưu trội hơn so với những cộng đồng hay dân tộc khác, dễ dẫn tới thái độ cực đoan, phiến diện và lệch lạc (ND).
Chính vì tinh thần “khám phá theo một cách thức mới”, diễn giải mọi thứ qua những nhãn quan rộng mở hơn và nhằm áp dụng vào một thế hệ trẻ em mới mà tôi cho tái bản lần thứ hai tác phẩm Những lý thuyết về Trẻ em này. Tôi hy vọng vẫn giữ được phong cách trình bày giản dị và trực tiếp mà bạn đọc đã từng đánh giá cao, khi áp dụng một cái nhìn mới mẻ đối với những nền tảng lý thuyết của chúng ta trong thế giới ngày càng biến đổi nhanh hơn.