Đ
ể thực sự giàu có, bất kể quy mô tài sản của mình, một người phải sống theo giá trị của chính mình. Nếu những giá trị đó không có ý nghĩa với chính bản thân bạn thì không có khoản tiền nào có thể che giấu được sự trống rỗng của một cuộc sống vô nghĩa.
Tôi biết quá nhiều người dành cả cuộc đời của họ để cố gắng trở thành những gì mà người khác muốn họ trở thành và làm những gì người khác mong đợi họ làm. Họ tự ép mình theo những quy tắc ứng xử được thiết lập bởi những người có tính cách hoàn toàn khác biệt với họ. Vì loay hoay tìm cách tuân thủ theo những khuôn mẫu đó, họ hòa tan vào những hình ảnh phản chiếu kỳ cục, mờ ảo khi tính cá nhân bị xóa sạch đi để bắt chước người khác. Mất gốc, bất mãn, họ cố gắng điên cuồng và thường xuyên tìm kiếm những bản sắc riêng còn sót lại trong giới hạn hạn chế của một vỏ bọc không đúng với bản chất, bản năng và khát vọng bẩm sinh của họ.
“Tôi muốn trở thành một nhà văn. Cha tôi đã từ chối nghe nguyện vọng của tôi và khăng khăng bắt tôi đi học luật và trở thành một luật sư. Bây giờ tôi kiếm sống tốt, nhưng luôn chán nản và bồn chồn.”
“Tôi muốn bán doanh nghiệp của mình và mua một trang trại ở đâu đó, nhưng vợ tôi sẽ không cho vì cô ấy sợ sẽ mất đi thu nhập ổn định và uy tín...”
“Không có gì tôi ghét hơn là phải sống ở ngoại ô. Tôi muốn có một căn hộ trong thành phố, nhưng tất cả các giám đốc điều hành trong công ty của tôi đều có nhà ở ngoại ô...”
“Tôi cảm thấy bị mắc kẹt, như thể tôi bị cuốn vào một cuộc đua vô nghĩa. Tôi thực sự không thích công việc của mình, nhưng tôi không biết tôi có thể làm gì khác mà vẫn kiếm được nhiều tiền như bây giờ...”
Tôi càng ngày càng nghe thấy nhiều lời than vãn như vậy hơn trong những năm gần đây. Về cơ bản, đó là biểu hiện của sự bất mãn cá nhân và thậm chí sự lụn bại, nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của một căn bệnh đang càng ngày càng len lỏi nhiều hơn vào cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Thời kỳ hậu chiến tranh thế giới từng được cho là đã tạo ra một thế hệ lạc lối, tự ti và vỡ mộng. Thật buồn khi chúng ta có đủ những bằng chứng để chứng minh rằng thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã tạo ra một thế hệ người đa số đều đã mất đi quan điểm cá nhân và mục đích sống của mình. Đó là một thế hệ có xu hướng coi tiền bạc là thứ quyết định thang giá trị lâu dài và vứt đi tính cá nhân cùng cả sự chính trực của con người họ đi. Một biểu hiện rõ ràng của điều này có thể được tìm thấy trong hiện tượng chạy theo hình ảnh về địa vị trong xã hội. Điều đó đã trở nên phổ biến và rõ ràng đến mức hình ảnh đã gần như trở thành một trong những nguyên tắc thúc đẩy hành vi trong xã hội đương đại của chúng ta.
Tôi đồng ý rằng con người luôn mong muốn vươn lên trên sự tầm thường và giành được sự tôn trọng từ mọi người. Xét trong giới hạn và những quy tắc tự chủ nhất định, đó là một động lực mang tính xây dựng và đáng được khen ngợi. Mong muốn trở nên vượt trội hơn so với số đông đã thúc đẩy vô số cá nhân có thể có những đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Nhưng, như nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, việc chạy theo địa vị trong xã hội ngày nay và các hướng phát triển tiếp theo của nó không hề mang tính xây dựng và lành mạnh.
Theo cách nghĩ của tôi, địa vị có thể được định nghĩa là một hình thức mà các mối quan hệ công nhận anh ta vì đã xuất sắc hơn so với số đông. Đó là thứ phải kiếm được bằng sự cố gắng, là phần thưởng được trao ở mức độ tương xứng với giá trị hoặc tầm quan trọng của những gì cá nhân đó đóng góp cho lợi ích chung. Tuy nhiên, ngày nay, địa vị thường được đánh đồng với sự thành công về mặt tài chính, cũng như nhiều mặt khác. Và, dường như việc có địa vị không chỉ được coi là mục đích cuối cùng, mà đối với nhiều người nó trở thành động lực duy nhất và mục tiêu có giá trị duy nhất.
Một lượng lớn người rõ ràng đã hoàn toàn tự huyễn hoặc bản thân rằng việc tích lũy tiền và những vật chất tiền có thể mua là cách biểu thị thành tích, thành công và khẳng định vị thế duy nhất. Họ tích lũy tiền bạc và của cải vật chất mà họ tin là bằng chứng vững chắc về biểu tượng của khả năng, thành tích và thành công, mặc dù trên thực tế đó là những giá trị rất yếu ớt. Họ chấp nhận một sự thật hiển nhiên rằng họ có thể có được vị trí xã hội và sự tôn trọng của người khác chỉ bằng cách kiếm nhiều tiền và mua nhiều thứ hơn những người xung quanh. Họ không có hứng thú xây dựng bất cứ thứ gì ngoại trừ số dư trong tài khoản ngân hàng của chính họ; họ không quan tâm đến các giá trị, mà chỉ quan tâm đến giá đô la họ phải trả cho các của cải của mình.
Tôi đã gặp nhiều ví dụ cụ thể về quan điểm méo mó này hơn tôi muốn. Một dẫn chứng khá điển hình là về một doanh nhân từng ghé thăm tôi ở Luân Đôn, với một lá thư giới thiệu từ một người quen biết ở New York. Sau khi dành hơn hai giờ để khoe khoang về số tiền anh ta kiếm được trong vài năm qua, vị khách của tôi đã kể với tôi rằng anh ta đang trên đường đến Pháp, nơi anh ta dự định mua một số bức tranh.
“Tôi đã được nghe nói rằng anh là một nhà sưu tập nghệ thuật”, ông nói, “Tôi nghĩ anh có thể gợi ý cho tôi tên và địa chỉ của một vài phòng trưng bày nghệ thuật hoặc đại lý đáng tin cậy mà tôi có thể mua.”
“Anh có thích tranh vẽ từ bất kỳ thời kỳ đặc biệt nào hay của bất kỳ trường phái nào không?”, tôi hỏi, “Hoặc anh có đang tìm kiếm tác phẩm của một nghệ sĩ cụ thể nào không?”
“Tôi thấy chẳng có gì khác nhau”, người đàn ông đó nhún vai, “Đằng nào tôi cũng không phân biệt được chúng. Tôi cần phải mua một vài bức tranh và tôi phải chi ít nhất 100.000 đô la.”
“Tại sao anh không thể chi ít hơn thế?” Tôi hỏi, bối rối vì bất cứ ai cũng sẽ đặt mức chi tiêu tối đa thay vì tối thiểu.
“Ồ, lại câu chuyện cũ ấy mà”, ông ta giải thích thẳng thắn, “Đối tác của tôi đến đây vài tháng trước và anh ấy đã trả 75.000 đô la cho vài bức tranh. Tôi nghĩ rằng để tạo ấn tượng được ở nước nhà, tôi cần phải chi nhiều hơn anh ta ít nhất 25.000 đô la.”
Dễ dàng có thể hiểu được các giá trị của người đàn ông này. Tôi cũng ngờ khả năng cao là trong bất cứ điều gì ông ta làm trong cuộc sống, động cơ của ông đều luôn nông cạn và tầm thường như lý do chỉ để chạy theo địa vị mà vì thế ông ta đã muốn mua tranh. Thật không may, xã hội có nhiều người như ông ấy. Theo tôi, thật khó để tìm ra lời biện minh cho sự giàu có của họ. Tôi không tin rằng họ thực sự kiếm được một cách xứng đáng số tiền mà họ sở hữu.
Tôi là một người ủng hộ rất cứng đầu của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp tự do giác ngộ và sẽ là người cuối cùng trên thế giới đặt câu hỏi về quyền cơ bản của bất kỳ ai để đạt được thành công tài chính. Tôi cho rằng một người sở hữu trí tưởng tượng, khả năng “làm giàu” và thực hiện hoạt động kiếm tiền của mình một cách hợp pháp nên được trao cho mọi cơ hội để làm như vậy. Mặt khác, tôi tin chắc rằng một cá nhân tìm kiếm thành công tài chính nên được thúc đẩy không chỉ đơn thuần là mong muốn tích lũy tài sản cho cá nhân.
Cha tôi, như tôi đã nói, đã rất nghèo vào thời ông còn trẻ, và mặc dù ông đã kiếm được rất nhiều tiền trong suốt cuộc đời mình, ông đã không kiếm tiền chỉ để giữ ích riêng cho mình. Ông biết giá trị của đồng tiền và có những quan điểm rất chắc chắn về cách tiêu tiền. Cha tôi coi sự giàu có của mình chính là vốn cần được đầu tư vì lợi ích trực tiếp của nhân viên, cộng sự, cổ đông, khách hàng và cả gia đình của họ.
Thái độ của ông ấy đối với sự giàu có được ảnh hưởng bởi một câu châm ngôn của ngài Francis Bacon: “Không có khối tài sản có thể là kết thúc xứng đáng cho con người.” Ông yêu thích những thử thách của việc kinh doanh, nhưng động lực không phải là để kiếm bội tiền, mà là để có được một điều gì đó lâu dài. Tôi nghĩ tổng chi tiêu cá nhân và gia đình của ông khó có thể vượt quá 30.000 đô la một năm, vậy mà ông lại là một trong những doanh nhân đầu tiên xây dựng bể bơi và các cơ sở vật chất giải trí khác cho nhân viên của mình.
Tôi đã học được từ cha tôi rằng những doanh nhân sắc sảo, tiến bộ và thực sự thành công không nghĩ công việc của mình quá nhiều về mặt lợi nhuận. Giá trị tiền của các sở hữu của tôi trong các công ty mà tôi điều hành hoặc kiểm soát được ước tính lên tới hàng trăm triệu đô la. Nhưng đó chỉ là tài sản trên giấy, và vẫn chỉ là một phương tiện chứ không phải là kết thúc. Chỉ có một phần vô hạn trong tài sản của tôi được tôi giữ bằng tiền mặt. Sự giàu có của tôi được thể hiện bằng máy móc, giếng dầu, đường ống, tàu chở dầu, nhà máy lọc dầu, nhà máy và tòa nhà văn phòng, tổng tất cả tài sản của vô số công ty mà tôi đã đầu tư vốn vào. Và những công ty này đang tiếp tục sản xuất hàng hóa, phát triển, mở rộng và thực hiện các dịch vụ. Do đó, sự giàu có của tôi vẫn đang tiếp tục tạo thêm nhiều công việc sáng tạo và hữu ích. Sự giàu có là phương tiện để đem lại những kết quả có giá trị và là phương tiện để tạo nên giá trị thật của tiền.
Tôi không đo lường thành công của mình bằng đồng đô la. Tôi đo lường thành công theo các công việc và năng suất mà sự lao động và giàu có của tôi tạo ra qua các cuộc đầu tư và tái đầu tư trong doanh nghiệp của tôi. Tôi không nghĩ mình có thể sẽ đạt được mức thành công hiện tại nếu tôi sử dụng bất kỳ thước đo nào khác để đánh giá sự tiến bộ trong sự nghiệp của mình.
Tôi nhận ra rằng, để xác lập nên danh tính của mình, để cảm thấy như là một thành viên tích cực đóng góp cho xã hội, một cá nhân phải có mục đích và cảm thấy những gì anh ta làm có giá trị lâu dài và đi xa hơn lợi ích cá nhân của anh ta. Để đạt được sự hài lòng nào đó, anh ta phải hướng về sự chân thực trong cuộc sống và công việc của mình. Những điều này quan trọng ngang với quy mô thu nhập từ công việc, nghề nghiệp hoặc kinh doanh của anh ta.
Tôi không có ý nói rằng sự nghèo đói triền miên hay bất cứ thừ gì gần như thế sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi cá nhân. Nền văn minh của chúng ta gần như không có chỗ cho những thầy thuốc lang bạt và những người ăn xin. Con người đã tiến bộ vượt xa giai đoạn mà con người có thể hài lòng với số tiền ít ỏi, một lát bánh mì đen và món bắp cải luộc. Chúng ta cần phải có mức sống khá giá, tất cả những điều thiết yếu và nhiều thú vui khác trong cuộc sống để có thể cảm thấy hài lòng với mức độ vừa phải. Để có được những điều này, chúng ta cần phải kiếm tiền.
Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi thực tế rằng có nhiều cách để đánh giá các giá trị của một cá nhân ngoài việc việc đặt chúng trên thang đo bằng tiền. Một cuốn tiểu thuyết đương đại tầm thường có thể bán được năm đô la một bản, trong khi một ấn bản bìa mềm của tác phẩm văn học kinh điển vĩ đại có thể được mua với giá 50 xu. Chắc chắn tác phẩm văn học kinh điển có giá trị thực lớn hơn nhiều lần so với cái trước, bất kể sự chênh lệch giá quá lớn giữa chúng. Cùng một phương thức so sánh đó, trong cuộc sống cũng có nhiều loại thành công khác với thành công tài chính thuần túy. Tôi cho rằng vị thế của một cá nhân trong xã hội cần được đánh giá theo các tiêu chí không chỉ đơn thuần về thu nhập, tài sản tích lũy và giá trị tiền bạc của các tài sản của anh ta.
Trong quá khứ và hiện tại, có vô số những ví dụ chưa từng thấy về những cá nhân có đóng góp vô giá cho nền văn minh, nhưng họ nhận về được rất ít hoặc thậm chí không nhận phần thưởng bằng tiền từ những gì họ đã làm. Vô số nhà triết học, nhà khoa học, nghệ sĩ và nhạc sĩ vĩ đại là những người sống cả đời trong nghèo đói. Mozart, Beethoven, Modigliani và Gauguin và nhiều nhân vật có tầm vóc khác đều chết vì nghèo đói. Không ai trên trái đất có thể ước tính giá trị của những đóng góp cho nhân loại bởi những người như Tiến sĩ Albert Schweitzer hay Thomas Dooley. Tuy vậy, tôi ngờ rằng mức lương hàng tháng của họ cũng chỉ ngang bằng một người mua hàng bình thường ở siêu thị.
Kiến trúc sư thiết kế một tòa nhà đẹp ngoạn mục thường nghèo hơn nhiều so với những người chủ tương lai của những căn nhà ấy. Kỹ sư xây dựng một con đập kiếm được ít tiền hơn từ công sức lao động của mình so với chủ đất có mẫu đất được tưới bằng nước từ con đập. Các kiến trúc sư và kỹ sư đã tạo dựng và xây dựng; thành công của họ vẫn vĩ đại mặc dù họ không kiếm được nhiều tiền từ công việc của họ.
Một điều khác cũng thường bị bỏ qua trong thời đại của cuộc đua tranh giành tiền bạc và địa vị là thực tế có nhiều hình thức giàu có khác ngoài sự giàu có về tài chính. Một trong những người thực sự hạnh phúc nhất mà tôi từng biết là người anh em họ của tôi, Hal Seymour. Hal và tôi lớn lên cùng nhau; chúng tôi luôn là bạn thân và trong thời gian dài, chúng tôi gắn bó như hình với bóng. Hal rất ít quan tâm đến tiền. Vì đã hài lòng với số tiền vừa đủ cho nhu cầu của riêng mình, anh từ chối mọi cơ hội tôi đề nghị để kiếm thêm. Anh làm đủ mọi thứ việc, một người khoan dầu hàng đầu, một nhiếp ảnh gia, thợ mỏ, một bậc thầy trong nhiều ngành nghề không bao giờ đem lại nhiều tiền. Nhưng anh đã xoay xở để thỏa mãn mong muốn được đi nhiều nơi và làm nhiều việc, và anh luôn tận hưởng cuộc sống với những người bạn mới mà anh luôn tìm ra ở bất cứ nơi nào anh đi. Mục tiêu của anh ấy trong cuộc sống là luôn làm bất cứ điều gì anh ấy có thể làm. Anh sống vì mục đích này và luôn cho đi nhiều hơn là nhận về.
Hal tự coi mình là người rất giàu có về khoản tự do cá nhân. Anh ấy luôn có thể và luôn có thời gian để làm những việc anh ấy muốn. Anh ấy hiếm khi bỏ lỡ cơ hội để nhắc nhở tôi rằng về mặt này tôi nghèo hơn anh ấy nhiều. Trước khi qua đời vài năm trước, anh thường xuyên viết cho tôi những lá thư mở đầu bằng câu chào đầy hài hước nhưng đầy ý nghĩa: “Gửi đến Người Giàu nhất thế giới từ một Người giàu nhất trên thế giới...”
Tôi phải thừa nhận rằng tôi ghen tị với thời gian rảnh mà Hal có vì đó là một trong những hình thức giàu có mà mọi người có xu hướng coi thường trong những ngày này. Tôi có thể giàu từ quan điểm vật chất, nhưng từ lâu tôi cảm thấy rằng tôi thực sự rất nghèo nàn về mặt thời gian. Trong nhiều thập kỷ, công việc kinh doanh đã chiếm đi gần hết thời gian của tôi, khiến tôi ít khi có thể sử dụng thời gian cá nhân theo ý muốn của mình. Có những cuốn sách mà tôi muốn đọc và những cuốn sách mà tôi muốn viết. Tôi luôn khao khát được đi du lịch đến những nơi xa xôi trên khắp thế giới mà tôi chưa từng được đi. Một trong những tham vọng chưa được thực hiện lớn nhất của tôi là được đi một chuyến dài ngày và nhàn nhã tới thăm vườn bảo tồn tự nhiên ở châu Phi.
Tiền không phải là một rào cản để thực hiện những mong muốn này; về vấn đề tiền, tôi có thể dễ dàng đủ khả năng để làm bất cứ điều gì tôi muốn trong nhiều năm. Nhưng sự thật đơn giản và đau đớn là tôi chưa bao giờ có thể làm được vì tôi không bao giờ có đủ thời gian. Điều đó thật nghịch lý nhưng đúng là những người được gọi là con chim đầu đàn của các ngành công nghiệp thường có ít thời gian để thỏa mãn ham muốn cá nhân của họ hơn là những người cấp bậc thấp hơn. Điều này áp dụng cho những vấn đề nhỏ cũng như những vấn đề lớn.
Tôi không có ý ám chỉ rằng tôi không hài lòng với những thứ trong cuộc sống. Thật vậy, tôi vô cùng biết ơn và hạnh phúc cho những thành công và may mắn tôi có được trong suốt cuộc đời. Hơn nữa, tôi rất hài lòng rằng tôi đã phấn đấu để hoàn thành hầu hết các mục tiêu tôi đặt ra cho bản thân khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.
Điều tôi đang cố gắng nói ở đây là mỗi cá nhân phải thiết lập các tiêu chuẩn giá trị của riêng mình và điều đó là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Những giá trị đó dựa trên những gì được coi là quan trọng nhất đối với anh ta và những gì anh ta sẵn sàng hy sinh để đạt được một mục tiêu nhất định.
Như một ngạn ngữ cổ từng nói: Bạn không thể có được hết tất cả mọi thứ, và bạn cũng không thể có được thứ gì đó mà không phải cho đi bất kỳ thứ gì. Chúng luôn phải hy sinh hoặc từ bỏ một thứ gì đó để có hoặc có được thứ gì đó khác. Liệu chúng ta có sẵn sàng thực hiện trao đổi ấy hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta và ý thức về giá trị của bản thân.
Tất cả những điều trên là đúng, mặc dù vậy, tôi vẫn tin rằng có một số giá trị nhất định sẽ luôn là giá trị nền tảng nhất, đúng nhất và chung nhất. Tôi sẽ không bao giờ hết ngạc nhiên bởi một số lượng lớn người trong chúng ta đã hồn nhiên quên đi mất những giá trị cơ bản ấy.
Ước tính có hơn 120.000 người Mỹ lấy đi mạng sống của họ mỗi năm. Con số này bao gồm các trường hợp được ghi nhận chính thức là tự tử và các trường hợp mà cái chết của họ, vì lý do này hay lý do khác, không được ghi nhận chính thức. Một phần đáng kể trong 120.000 thảm kịch hàng năm này được xếp vào loại “tự sát vì kinh tế”.
Theo Tiến sĩ Thomas P. Malone, giám đốc phòng khám tâm thần Atlanta, Georgia, một chuyên gia về chủ đề rùng rợn này đã nói: “Ít nhất 30% đến 40% cái gọi là tự sát vì kinh tế xảy ra khi một người đã đạt đến thành công, không phải khi đang thất bại. Khi đã đạt được đến đỉnh cao của thành công, thường thì không còn gì để tranh giành nữa.”
Tôi không phải là bác sĩ tâm lý, nhưng dường như bất cứ ai tự tử vì anh ta đã đạt được thành công và “không còn gì để tranh giành” ngay từ đầu đã không có động lực đáng giá nào để phấn đấu rồi. Những mục tiêu mà anh ta tìm kiếm và đạt được là vô nghĩa. Khi nhận ra điều này, anh ta cũng nhận ra rằng những gì anh thực sự đạt được không phải là thành công mà là thất bại thảm hại.
Trong một báo cáo trên tạp chí của hiệp hội Y khoa Mỹ, tiến sĩ Richard E. và Katherine K. Gordon đã tiết lộ kết quả của một nghiên cứu chuyên sâu về các gia đình sống trong một cộng đồng ngoại ô điển hình đương đại. Họ xác định rằng những hộ gia đình đó có tỷ lệ mắc các bệnh chủ yếu xuất phát từ căng thẳng cảm xúc ví dụ như loét dạ dày, huyết khối động mạch vành, tăng huyết áp và bệnh tim mạch tăng huyết áp cao hơn nhiều so với các cộng đồng trong đó sự chạy theo địa vị không phải là một yếu tố chi phối xã hội. Bất cứ ai đã từng gặp loại người bị bệnh dạ dày, nghiện thuốc an thần và nghiện chạy theo địa vị, trung thành với tổ chức đứng cạnh những người vợ áp đặt và chua chát sẽ đều không thấy bất ngờ trước báo cáo đó.
Tôi không thấy rằng có bất cứ thành tích về địa vị xã hội, bất kể lớn tới mức nào, có thể đáng đánh đổi bằng mạng sống con người và sự hủy hoại gia đình anh ta. Chắc chắn, về cơ bản, hẳn có một điều sai đã tồn tại khi con người sẵn sàng bán đi mạng sống và sức khỏe của họ với giá rẻ như vậy. Tôi cũng không thể thấy rằng có bất cứ số tiền hay lợi ích nào đủ lớn, đủ chứng minh cho địa vị tới mức đáng để trao đổi bằng tính cá nhân và sự chân chính của bản thân. Tôi đang thuộc về thiểu số. Rõ ràng rằng con người ta không còn thấy giá trị trong việc suy nghĩ nhiều về vấn đề này như trước nữa. Giá trị của chúng đã bị gạt sang một bên trong cơn sốt tiền để phù hợp với những gì được coi là quan điểm của đa số, rằng sự tích lũy tư bản, sự công nhận về địa vị bằng những số tiền kếch sù đã trở thành thước đo duy nhất cho thành công của một người.
Tôi coi đó là một trong những bi kịch lớn nhất của nền văn minh loài người. Mọi người đã coi việc bắt chước để giành được sự chấp nhận của xã hội như một điều bắt buộc. Kết quả cuối cùng của việc này sẽ khiến những cá nhân xuất sắc nhất trở nên những con tốt dập khuôn.
Xun xoe, xu nịnh là những từ nặng nề. Một người bình thường có lẽ khó giữ được bình tĩnh khi những từ như vậy được dùng để chỉ anh ta. Tuy nhiên, vô số người vẫn sẽ hạ thấp mình xuống tới mức đeo nơ vì sếp của họ đang đeo nơ, hoặc cắt tóc theo kiểu giống với cấp trên của họ, hoặc mua nhà gần nơi những giám đốc điều hành khác đã mua. Họ bắt chước và lặp lại ý tưởng, quan điểm và hành động của những người mà họ cần phải gây ấn tượng, để cuối cùng chẳng chứng minh được gì ngoài việc tự khiến bản thân mình trở thành kẻ đầy tớ bợ đỡ. Bắt chước có thể là hình thức nịnh hót chân thành nhất nhưng vẫn chỉ là bắt chước, và nịnh hót không gì khác hơn là một cái vỗ nhẹ vào đầu từ một người biết rằng anh ta xứng đáng bị đâm từ đằng sau.
Tôi đã từng có được quyền điều hành ở một công ty và ngay sau đó phải bất ngờ về sự nịnh bợ của đại đa số những nhà điều hành ở đó. Hầu hết họ đều là những người vâng lời, cố gắng làm hài lòng ông chủ mới để họ có thể tiếp tục được tham vọng hạn hẹp của mình. Vì muốn xem họ sẵn sàng đi xa tới đâu, tôi đã cho gọi một cuộc họp quản lý đặc biệt. Tại cuộc họp, tôi đề xuất một kế hoạch hoàn toàn không thực tế và ngớ ngẩn, và nếu được thực hiện sẽ nhanh chóng đưa công ty đến đà phá sản.
Trong số chín giám đốc điều hành có mặt, sáu người ngay lập tức bày tỏ sự tán thành của họ đối với “kế hoạch” của tôi. Ba trong số những người đàn ông này thậm chí đã đã ám chỉ một cách khiêm tốn rằng họ đã từng “nghĩ theo hướng tương tự” một việc mà tôi có thể tin vào qua việc nghiên cứu báo cáo lãi lỗ của công ty. Có hai giám đốc điều hành trẻ không tán thành trong im lặng. Chỉ có một người đàn ông trong nhóm có thái độ rõ ràng, đã đứng dậy và chỉ ra những sai sót trong đề xuất của tôi.
Không cần phải nói, công ty đã sớm có thêm một số gương mặt mới trong văn phòng điều hành. Ba nhà điều hành bất đồng vẫn còn tại chức; tất cả đều vẫn đang hợp tác với các công ty của tôi và thậm chí đang có về mức thu nhập cao hơn trước.
Tôi luôn luôn tin rằng một người có thể tự là chính bản thân mình và chân thật với bản chất của mình là một người vô cùng đáng tin cậy. Anh ta đặt giá trị không phải giá tiền vào bản thân và các nguyên tắc của mình. Và điều đó, suy cho cùng, là thước đo đáng tin cậy nhất về giá trị thực của bất kỳ ai.