M
ột nhà điều hành thành công, một người lãnh đạo, một người đổi mới là một người vô cùng đặc biệt. Anh ta không tuân thủ theo bất kỳ điều gì mà không suy nghĩ, ngoại trừ trong việc tuân thủ lý tưởng và niềm tin của chính mình.
Một giám đốc điều hành doanh nghiệp trẻ mà tôi từng có cơ hội gặp sẽ là nguyên mẫu chuẩn cho kiểu “người của tổ chức” tuân thủ cứng nhắc, kiểu người như vậy ngày càng tăng trong thế giới kinh doanh hiện nay. Quần áo, cách cư xử, lời nói, thái độ và cả ý tưởng của anh ta đều được rập khuôn. Rõ ràng anh ta tin rằng sự tuân thủ là điều cần thiết cho thành công của sự nghiệp, nhưng anh lại phàn nàn rằng mình không tiến lên đủ nhanh và hỏi xin tôi lời khuyên giúp anh ta.
“Làm thế nào tôi có thể đạt được thành công và sự giàu có trong kinh doanh?” - Anh ta hỏi một cách nghiêm túc, “Làm thế nào tôi có thể kiếm được một triệu đô la?”
“Tôi không thể cho anh một công thức chắc chắn nào”, tôi trả lời, “nhưng tôi có thể chắc chắn một điều. Anh sẽ tiến xa hơn nếu anh ngừng cố gắng hành động và suy nghĩ như mọi người khác trên đại lộ Madison, đường Wacker hay đại lộ Wilshire. Hãy thử trở thành một người không tuân thủ xem. Hãy là một người theo chủ nghĩa cá nhân và là một cá nhân đặc biệt. Anh sẽ phải ngạc nhiên về tốc độ thăng tiến của mình đấy.”
Tôi e rằng những gì tôi nói không tạo được nhiều ấn tượng với chàng trai trẻ đó. Tôi nghĩ anh ta là một môn đệ quá tận tụy của Giáo phái Tuân thủ đang hoành hành ở khắp nơi nên sẽ chẳng chú ý đến lời khuyên dị giáo của tôi. Hẳn rằng anh ấy sẽ dành phần còn lại của cuộc đời mình để bắt chước như vẹt những điều anh ta tin, hoặc được dẫn dắt để tin là “đúng” và an toàn.
Anh ta sẽ tuân thủ các quy tắc và quy ước nhỏ mọn, tùy tiện, cố gắng để chứng tỏ bản thân ổn định và đáng tin cậy nhưng anh ta sẽ chỉ chứng minh được rằng anh ta không có trí tưởng tượng, không kiên định và rất tầm thường. Thành công và sự giàu có sẽ luôn trốn tránh những người đàn ông như vậy. Họ sẽ chỉ là những giám đốc điều hành nhỏ, bị trao đổi và chuyển từ một chuồng bồ câu của công ty này sang một công ty khác trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình.
Tôi không giả vờ là người hiền triết hay là người thông thái. Tôi cũng không quan tâm đến việc thiết lập bản thân trở thành tượng đài cho niềm tin, sự tôn thờ của bất kỳ ai. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đủ hiểu về kinh doanh và thế giới kinh doanh. Theo tôi, không ai có thể đạt được thành công thực sự, lâu dài hoặc “làm giàu” trong kinh doanh bằng cách tuân thủ. Một doanh nhân muốn thành công không thể có thời gian để bắt chước người khác hoặc ép những suy nghĩ và hành động của anh ta vào một khuôn mẫu. Anh ta phải là một người theo chủ nghĩa cá nhân, có thể suy nghĩ và hành động độc lập. Anh ta phải là một doanh nhân nguyên bản, giàu trí tưởng tượng, tháo vát và hoàn toàn tự chủ. Nếu như một phép hoán dụ xảy ra, anh ta phải là một nghệ sĩ sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là một nghệ nhân trong kinh doanh.
Sự bất tuân thủ của doanh nhân thành công thể hiện chung nhất và rõ ràng nhất ở cách thức hoạt động kinh doanh của anh ta. Cách thức kinh doanh này sẽ không chính thống theo nghĩa chúng hoàn toàn không giống với cách hoạt động của các cộng sự hoặc đối thủ cạnh tranh hèn nhát, ít trí tưởng tượng và kém thành công hơn. Thông thường, sự thiếu kiên nhẫn bẩm sinh của anh ta cộng với sự vô ích của quy ước và giáo điều hời hợt sẽ thể hiện ra ở mức độ lập dị cá nhân khác nhau.
Chắc hẳn mọi người đều biết về thói quen sử dụng những đồng tiền mới cứng, sáng loáng của John D. Rockefeller Đệ Nhị. Howard Hughes được chú ý vì thói quen mang giày tennis với áo sơ mi mở cúc cổ. Bernard Baruch đã tổ chức nhũng cuộc họp kinh doanh quan trọng nhất của mình trên băng ghế công viên. Đây chỉ là ba trong số nhiều triệu phú, những người đã tạo ra vận may của mình bằng cách giải phóng tinh thần chủ nghĩa cá nhân của họ và không bao giờ lo lắng về việc bất tuân thủ nguyên tắc của mình có thể len lỏi vào cuộc sống riêng tư của họ.
Tôi không có ý ám chỉ rằng việc áp dụng những thói quen hay cách ăn mặc lập dị là đủ để đưa một người đàn ông lên đỉnh kim tự tháp quản lý hoặc làm cho anh ta trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Tuy nhiên tôi chắc chắn rằng những kẻ khăng khăng ép mình vào khuôn sẽ không bao giờ tiến được xa trên con đường dẫn đến thành công.
Tôi khá thất vọng khi rất nhiều doanh nhân trẻ ngày nay tuân thủ một cách mù quáng và cứng nhắc vào những khuôn mẫu mà họ tin rằng đa số những người thành công đặt ra, làm điều kiện tiên quyết để được xã hội chấp nhận và đạt tới thành công trong kinh doanh. Họ rơi vào mọi lỗi ngụy biện cơ bản: quan niệm rằng đa số tự nhiên luôn luôn đúng. Thực tế thường không phải như vậy, tôi quan sát được rằng ranh giới giữa ý kiến đa số với cuồng loạn tập thể là vô cùng mỏng manh. Điều này đúng trong kinh doanh cũng như trong bất kỳ khía cạnh nào khác của hoạt động con người. Việc phần lớn các doanh nhân nghĩ rằng một điều gì đó là không nhất thiết đảm bảo tính hợp lệ ý kiến của họ. Đa số thường có sức ỳ rất lớn trước thay đổi, hoặc rất dễ rối loạn mất phương hướng. Những doanh nhân không tuân thủ sẽ tự làm theo lời khuyên của chính mình và bỏ qua những lời kêu gọi của bầy đàn thường nhận được những phần thưởng tuyệt vời. Có rất nhiều ví dụ kinh điển trong đó, những ví dụ kịch tính nhất thuộc về thời kỳ Đại suy thoái.
Dòng họ Rockefeller bắt đầu xây dựng Trung tâm Rockefeller, khu liên hợp giải trí, kinh doanh thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất ở Mỹ và có thể là toàn bộ thế giới vào năm 1931 trong khoảng thời gian Đại suy thoái. Hầu hết các doanh nhân Mỹ coi dự án đó là điên rồ. Họ đã nghe theo quan điểm phổ biến cho rằng nền kinh tế của quốc gia đang sụp đổ và tiên đoán các tòa nhà chọc trời khổng lồ sẽ trở thành những vỏ ốc trống không trong nhiều thập kỷ tiếp theo. “Trung tâm Rockefeller sẽ là bộ xương voi lớn nhất thế giới”, họ dự đoán, “Nhà Rockerfeller đang ném tiền của họ xuống một cái rãnh không đáy.” Tuy nhiên, nhà Rockefeller đã tiếp tục dự án của họ và xây dựng nên một tòa nhà trung tâm tuyệt vời. Họ gặt hái về lợi nhuận lớn từ dự án, và chứng minh họ đã đúng, và đa số công chúng đã sai.
Conrad Hilton bắt đầu mua và xây dựng khách sạn khi hầu hết các chủ khách sạn khác đang vội vã tìm kiếm khắp nơi những người mua tiềm năng có thể mua hết tài sản đang cần bán tháo của họ. Chắc hẳn tôi cũng không cần phải đi sâu vào chi tiết Conrad Hilton sau đó đã đạt đến thành công rực rỡ như thế nào.
Bản thân tôi, bắt đầu mua cổ phiếu trong thời kỳ suy thoái, khi cổ phiếu được bán với giá hời và “mọi người” tin rằng giá sẽ còn giảm hơn nữa.
Những người tuân thủ theo số đông đã bán tống, bán tháo hết cổ phiếu của họ ra thị trường bằng bất cứ giá nào. Tư tưởng của họ là “cứu vãn” những gì họ có thể trước khi thảm họa kinh tế sẽ diễn ra theo lời mà “số đông” đã tiên đoán.
Bất chấp điều đó, tôi tiếp tục mua vào cổ phiếu. Kết quả? Nhiều cổ phiếu tôi đã mua trong những năm 1930 hiện có giá trị gấp trăm lần và hơn thế so giá tôi đã trả cho chúng. Một cổ phiếu cụ thể mà tôi đã mua theo số lượng khá lớn thậm chí đã mang lại cho tôi lợi nhuận không dưới 4.500% trong những năm qua.
Không, tôi không có ý định khoe khoang, cũng không tuyên bố rằng tôi đã được trời ban cho khả năng bất khả chiến bại về thấu thị kinh tế. Có những doanh nhân và nhà đầu tư khác đã làm điều tương tự và cũng thu về lợi nhuận tương ứng. Nhưng chúng tôi là những trường hợp ngoại lệ, những người bất tuân thủ, những người từ chối bị cuốn theo làn sóng bi quan ảm đạm và sự phong trào của đại đa số.
Những doanh nhân thực sự thành công về cơ bản là những người không dễ hài lòng và những kẻ nổi loạn hiếm khi hài lòng với hiện trạng. Họ tạo ra thành công và sự giàu có của mình bằng cách liên tục tìm kiếm những cách mới và tốt hơn để làm việc và tạo ra mọi thứ.
Danh sách những người đạt được thành công lớn bằng cách từ chối chấp nhận và làm theo các mô hình được thiết lập sẵn là một danh sách dài. Danh sách đó sẽ có quy mô kéo dài hai thế kỷ của lịch sử nước Mỹ và đi từ A tới Z, từ John Jacob Astor đến Adolph Zukor. Những người đàn ông này dựa vào bốn phẩm chất đã được liệt kê trước đó: trí tưởng tượng, sự độc đáo, chủ nghĩa cá nhân và sáng kiến của riêng họ. Họ đã gặt hái được rất nhiều trong khi những người tuân thủ cứng đầu vẫn mãi dậm chân tại chỗ.
Những người tuân thủ đơn giản không nhận ra rằng chỉ có những người ít khả năng và hiệu quả kém nhất trong số họ mới có được bất kỳ lợi ích nào từ phước lành của chủ nghĩa tuân thủ. Những người đàn ông giỏi nhất chắc chắn sẽ bị kéo xuống cấp độ vô vị mà tại đó kiểu người thứ cấp, kẻ ra vẻ, đạo đức giả, cứng nhắc và lười nhác là những người quyết định cuộc chơi. Sự cuồng tín về sự tuân thủ, ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền văn minh của chúng ta và theo cách tôi nhìn được, hiệu ứng này không hề chỉ ở mặt bên ngoài. Ranh giới từ một xã hội tuân thủ đến một xã hội quân sự là rất mong manh. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian để tạo ra một cơn ác mộng Orwellian thông qua việc tự nguyện đầu hàng của chủ nghĩa cá nhân và từ đó, sự độc lập, hơn là thông qua sắc lệnh toàn trị, kết quả rồi sẽ giống nhau. Ở một số khía cạnh nào đó, một xã hội trong đó các cá nhân đều đồng nhất tới mức họ tự nguyện trở thành con rối của xã hội thậm chí còn đáng sợ hơn một xã hội mà con người bị buộc phải chống lại lý trí của họ. Khi con người từ bỏ tính cá nhân và bản sắc trí tuệ của chính mình, họ cũng sẽ từ bỏ quyền để làm người.
Trong kinh doanh, sự huyền bí của tuân thủ đang làm hao mòn đi chủ nghĩa cá nhân năng động, mặc dù đó là phẩm chất vô giá nhất mà một giám đốc điều hành hoặc doanh nhân có thể sở hữu. Sự tuân thủ đã tạo ra những tấm bìa cứng dập khuôn vô hồn của người làm công ăn lương, người cố gắng hết sức để che giấu nỗi sợ hãi, thiếu tự tin và sự bất tài đằng sau những mặt nạ được cách điệu của sự tuân thủ.
Người tuân thủ không được sinh ra. Họ được tạo ra. Tôi tin rằng quá trình tẩy não bắt đầu từ trường học. Nhiều giáo viên và giáo sư dường như rất muốn xây dựng sinh viên của họ với mong muốn có được sự “ổn định” ở mọi mặt và bằng mọi giá. Ngoài ra, chương trình giảng dạy ở trường trung học và đại học thường được thiết kế để tạo ra các “chuyên gia” với những kiến thức và sở thích cố định. Phương hướng chung dường như là kế toán viên chỉ nên là kế toán viên, người quản lý giao thông chỉ nên là người quản lý giao thông, v.v… tương tự như vậy. Dường như không có nhiều nỗ lực được đặt ra để tạo nên những chàng trai trẻ nắm bắt được bức tranh kinh doanh toàn diện và tương lai sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo. Vô số thanh niên thông minh khác rời khỏi trường đại học nơi họ được giáo dục quá đà rồi sau đó biến thành một trong những con tốt hành chính của các tổ chức quan liêu của chúng ta.
Còn có nhiều áp lực khác ngoài kia buộc các chàng trai trẻ ngày nay phải tuân thủ. Anh ta bị áp lực mọi phía từ những lập luận rằng phải điều chỉnh lại bản thân, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, để phù hợp với hình ảnh sạch sẽ, đứng đắn, điều đó đồng nghĩa là anh ta phải giống như mọi người khác. Anh ta không hiểu rằng những áp lực đó đều đến từ những người chưa thể và chẳng thể nào đạt tới thành công, những người chỉ muốn lôi kéo anh ta vào hội họp của những kẻ thất bại để cùng chia sẻ nỗi khổ và sự thất vọng cùng họ. Ông trời sẽ chỉ giúp người dám khác biệt trong suy nghĩ và hành động. Anh ta được dạy rằng bất kỳ sự khác biệt nào so với chuẩn mực tầm thường sẽ gán cho anh ta biệt danh Bohemian hay Bolshevik, kẻ kỳ quặc hay kẻ nghiện ngập, kẻ không thể đoán trước được và do đó là không đáng tin cậy.
Điều này, tất nhiên là vô nghĩa. Bất kỳ người nào cho phép sự độc đáo của mình phát triển sẽ sớm vươn lên dẫn đầu. Anh ta sẽ là người có nhiều khả năng thành công nhất. Nhưng sự tẩy não vẫn sẽ tiếp diễn trong suốt sự nghiệp của con người. Những người phụ nữ của đời anh sẽ thường xuyên cố gắng để giữ anh trong chiếc áo khoác tuân thủ. Các bà mẹ, vợ chưa cưới và các bà vợ đặc biệt có khuynh hướng bảo thủ, vì họ coi tiền lương hàng tuần là một con chim bé nhỏ cần phải được bảo vệ và nâng niu, và họ sẽ chẳng bao giờ để ý đến con chim quý đang đậu ở cây khế gần đó. Các bà vợ có thói quen ngăn chặn ngay tập tức bất kỳ ý tưởng muốn mạo hiểm nào của người chồng mà có thể ảnh hưởng đến công việc an toàn, ổn định của anh ta, và tìm kiếm sự thỏa mãn, sự giàu có thông qua những hành động táo bạo. “Anh đang có một tương lai tốt đẹp ở công ty Totter and Plod”, họ than vãn, “Đừng có làm gì mạo hiểm. Nên nhớ chúng ta vẫn còn nhiều hóa đơn phải thanh toán thường xuyên và chắc chắn mình phải sắm được một chiếc xe mới trong năm nay!”
Từ đó, “người đàn ông tuân thủ đã tiến hóa hoàn chỉnh” sẽ đi chuyến tàu 8 giờ 36 phút mỗi sáng vào các ngày trong tuần và hy vọng rằng trong một vài năm nữa anh ta sẽ thăng tiến đủ xa để có thể đi chuyến tàu lúc 9 giờ 03 phút với các nhân viên điều hành ở bậc giữa. Các doanh nhân tuân thủ là Caspar Milquetoast của thời đại hiện nay. Tương lai của họ không mấy tươi sáng. Con đường của kẻ tuân thủ sẽ chỉ ngày càng lún sâu hơn cho đến khi nó trở thành mộ phần cho những hy vọng, tham vọng và cơ hội mà anh ta có thể đã từng có để đạt được sự giàu có và thành công. Sự nghiệp kinh doanh của những người tuân thủ theo tổ chức sẽ sa lầy vào một loạt các quy tắc, bản ghi nhớ được in số lượng lớn và các cuộc họp giao ban vô tận, trong đó anh ta và các nhân viên khác là bản sao của anh ta sẽ đưa ra những câu trả lời được mớm sẵn cho bất kỳ vấn đề nào đặt ra trước họ. Anh ta lo lắng và băn khoăn về những điều tầm thường và hời hợt, chẳng hạn như quyết định mặc một bộ quần áo được quảng cáo là “phù hợp” cho một người nắm giữ chức vụ quản lý như anh ta, hay đắn đo việc mua một căn nhà có gác mái mà một tay buôn bất động sản lạ lùng đã thuyết phục anh ta tin rằng đó là căn nhà “thích hợp cho một nhà điều hành”.
Những người như vậy tự chặn con đường đi của mình. Anh ta sẽ mãi chỉ là người chơi dự bị cho cái mà anh ta thích gọi một cách ngụy biện là “đội nhóm”, thay vì trở thành đội trưởng hoặc cầu thủ ngôi sao. Anh ta bỏ lỡ những cơ hội vô hạn mà ngày hôm nay trao cho anh ta để thể hiện bản thân với chủ nghĩa cá nhân và trí tưởng tượng của mình. Nhưng anh ta thực sự không quan tâm, “Tôi muốn có sự ổn định”, anh tuyên bố, “Tôi muốn biết rằng công việc của tôi ổn định và tôi sẽ được tăng lương theo định kỳ, nghỉ phép có lương và mức lương hưu tốt khi tôi nghỉ hưu”. Điều này, thật không may dường như là giấc mơ chung của nhiều nam thanh niên ngoài kia. Đó là lời thú nhận của sự yếu đuối và sự hèn nhát.
Có rất ít những nhà điều hành trẻ sẵn sàng mạo hiểm để khẳng định bản thân và đấu tranh cho những gì họ nghĩ là đúng và tốt nhất ngay cả khi họ phải đập bàn trước mặt chủ tịch tập đoàn để đưa ra quan điểm của họ.
Thật vậy, một giám đốc điều hành dám thách đấu với cấp trên của mình đôi khi sẽ mạo hiểm cả công việc, nhưng một công ty mà sa thải một nhân viên chỉ vì anh ta có lòng can đảm bảo vệ niềm tin của mình không phải là nơi mà một giám đốc thực sự giỏi nên quan tâm chọn để làm. Và, nếu anh ta là một nhà điều hành giỏi, anh ta sẽ nhanh chóng có được một công việc tốt hơn trong trường hợp bị sa thải khỏi công ty cũ, tôi có thể chắc chắn về điều đó. Tôi cũng có thể chắc chắn rằng người tuân thủ không bao giờ dám làm khác đi so với tiêu chuẩn sẽ ở mãi lại mức thấp hơn, khá nhất là ở cấp độ trung bình trong bất kỳ công ty nào mà anh ta làm việc. Anh ta sẽ không đạt đến đỉnh cao hoặc làm giàu bằng cách chỉ tìm cách đoán ý nghĩ của cấp trên của mình. Người giành được thành công là người khác biệt rõ rệt với những người xung quanh mình. Anh ta phải có những ý tưởng mới và có thể hình dung ra những cách tiếp cận mới đối với mọi vấn đề. Anh ta có khả năng và tâm trí để tự thân suy nghĩ và hành động mà không quan tâm đến sự ngăn cản và phá hoại của “đa số” vì những ý tưởng và hành động bất tuân thủ của anh ta.
Những người tạo được dấu ấn trong thương mại, công nghiệp và tài chính là những người có trí tưởng tượng tự do, cá tính mạnh mẽ và độc đáo. Những người như vậy có thể không quan tâm liệu có nên để tóc húi cua hay tóc vuốt phồng, và họ có thể thích cờ vua hơn golf, nhưng họ sẽ nhận ra và nắm bắt được những cơ hội xung quanh mình. Tâm trí của họ không bị cản trở bởi sự tuân thủ khó hiểu của những nhân viên trung thành với tổ chức, họ sẽ là những người đưa ra các phương pháp mới giúp tăng sản lượng và bán hàng. Họ sẽ phát triển các sản phẩm mới và cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận và xây dựng vận may của riêng họ. Những nhà tư tưởng kinh tế tự do này là những cá nhân tạo ra các doanh nghiệp mới, và chính họ sẽ hồi sinh và mở rộng những doanh nghiệp cũ. Họ dựa vào phán đoán của chính mình hơn là vào các cuộc điều tra, nghiên cứu và các cuộc họp giao ban. Họ không sử dụng các cuốn quy tắc hành xử và hướng dẫn quy trình, vì họ biết rằng mọi tình huống kinh doanh đều khác nhau và không có quyển sách hàng ngàn chương nào có thể chứa đủ các quy tắc để bao quát tất cả các tình huống thực tế.
Các doanh nhân thành công không chỉ có chuyên môn ở một vài mảng nhất định. Anh ta phải biết và hiểu về tất cả các khía cạnh trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Anh ta có thể phát hiện ra một điểm tắc trong sản xuất với tốc độ nhanh ngang với phát hiện ra một lỗi sai của kế toán. Anh ta cũng có thể khắc phục điểm yếu trong chiến dịch bán hàng một cách dễ dàng như xử lý một lỗ hổng trong phương pháp tuyển dụng nhân sự. Doanh nhân thành đạt là một người lãnh đạo biết thu nhận ý kiến và lời khuyên từ cấp dưới của mình nhưng sẽ luôn là người đưa ra các quyết định cuối cùng, để đưa ra các mệnh lệnh và nhận trách nhiệm cho bất kỳ điều gì xảy ra. Tôi đã nói điều đó trước đây và tôi sẽ nhắc lại: Những người như vậy trong kinh doanh ngày nay luôn được săn đón, cả với tư cách là người điều hành bậc cao, chủ sở hữu hay nhà điều hành các doanh nghiệp của riêng họ. Còn rất nhiều chỗ cho họ trong tất cả các ngành nghề kinh doanh.
Người đàn ông tháo vát và năng động muốn làm giàu sẽ tìm thấy nhiều khả năng luôn rộng mở, miễn là anh ta sẵn sàng chú ý và hành động theo trí tưởng tượng của mình, dựa vào khả năng và phán đoán của bản thân thay vì tuân thủ các khuôn mẫu và quy trình do người khác thiết lập.
Người bất tuân thủ, người lãnh đạo và sáng lập có cơ hội tuyệt vời để kiếm về bộn tiền trong thế giới kinh doanh. Anh ta có thể mặc một chiếc toga màu xanh lá cây thay vì một bộ đồ flannel màu xám, uống sữa yak thay vì ly rượu martini, lái một chiếc kibitka thay vì một chiếc Cadillac và bỏ phiếu cho đảng Ăn chay. Khả năng và thành tích là những thuộc tính của anh ta mà không ai khác dám nghi ngờ, bất kể anh ta có thể cổ quái tới mức nào.