N
hững từ như triệu phú, triệu triệu phú và tỷ phú gợi lên một cảm giác kỳ diệu và hấp dẫn. Dễ hiểu được tại sao nhiều người bị mê hoặc bởi những từ đó, bởi họ nghĩ rằng nó tượng trưng cho một lượng tài sản không giới hạn.
Họ dường như tin rằng triệu phú luôn có hàng triệu đô tiền mặt sẵn sàng mọi lúc, được lưu trữ trong các két sắt dưới giường hoặc trong một bức tường ẩn két sắt trong thư viện để đem ra tiêu tùy ý thích. Họ cũng tin rằng tiền có thể mua được mọi thứ và giải quyết tất cả các vấn đề.
Xét trong trường hợp một triệu phú “đang làm việc” hay một cá nhân giàu có tích cực tham gia vào hoạt động kinh doanh, thì điều đó hoàn toàn sai. Đầu tiên, mặc dù một doanh nhân có thể “đáng giá” hàng triệu đô la, nhưng rất ít tài sản của anh ta ở trong trạng thái sẵn để chi tiêu. Tài sản của anh ấy được đầu tư, gắn liền với các khu đất, tòa nhà, máy móc, thiết bị, nguyên liệu thô, hàng tồn kho thành phẩm, và trong tất cả những thứ tạo nên, giữ cho doanh nghiệp được hoạt động.
Chắc chắn, chỉ một phần nhỏ tài sản của doanh nhân đang hoạt động mới có sẵn tiền mặt hoặc trừ khi họ chọn đóng cửa doanh nghiệp và thanh lý cổ phần của mình bằng cách bán chúng. Nhưng doanh nhân thành đạt rất hiếm khi chọn cách bán đi như vậy. Họ biết rằng sự giàu có không có tính xây dựng sẽ chẳng có nghĩa lý gì để tồn tại. Có thể nói rằng họ coi kinh doanh như một nghệ thuật sáng tạo. Họ sử dụng tiền của mình làm vốn, đầu tư và tái đầu tư để tạo ra các doanh nghiệp, tạo việc làm, sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Các doanh nhân thành đạt cũng biết sự giàu có không tự động cho phép họ quyền được ăn chơi chác táng không giới hạn quanh năm ngày tháng. Họ nhận thức rõ được rằng tiền có sức mạnh để làm nhiều thứ vì con người, nhưng cũng nhận ra rằng tiền có thể tác động, cả xấu lẫn tốt lên con người, cuộc sống riêng tư, tính cách, giá trị đạo đức và trí tuệ của họ.
Tin tôi đi, sự giàu có là thứ mà người ta phải học cách để sống chung và không phải lúc nào cũng đơn giản như mọi người thường tưởng tượng. Một người trở nên giàu có sẽ thấy cần phải điều chỉnh bản thân theo sự giàu có. Anh ta phải chắc chắn rằng mình vẫn giữ được quan điểm và ý thức về giá trị của bản thân. Anh ta phải học cách đối phó với những vấn đề đặc biệt mà sự giàu có mang đến, để xử lý những kiểu người bị thu hút bởi sự giàu có của anh ta. Và mặc dù doanh nhân thành công có thể không phải lo lắng về hóa đơn thuê nhà, thỏa mãn về nhu cầu tài chính, nhưng anh ta sẽ không bao giờ an tâm được trước những vấn đề tài chính. Sự giàu có của doanh nhân bắt nguồn từ lợi nhuận được tạo ra từ các hoạt động kinh doanh của họ, lợi nhuận đó phụ thuộc vào hoạt động hiệu quả của kinh doanh. Do đó, anh ta luôn phải lo nghĩ về “vấn đề” tiền nong.
Nếu một trong những công ty của anh ta hoạt động thua lỗ, một điều khá thường xuyên xảy ra thì anh ta sẽ phải thực hiện ngay lập tức các bước hành động để khắc phục tình trạng này. Anh ta phải tìm nguồn tiền để tài trợ cho các chương trình mở rộng và hiện đại hóa của các công ty mình. Anh ta phải đảm bảo các công ty của anh ta trả nợ kịp thời. Anh ta luôn phải suy nghĩ và lo lắng về những vấn đề tương tự như trên, cùng với vô số câu hỏi khác về tài chính khác. Hãy tin tôi đi, nỗi lo của một doanh nhân về việc trả hết khoản trái phiếu trị giá 5.000.000 đô la đã đáo hạn không kém phần gấp rút và cá nhân hơn so với một nhân viên bán hàng lương 75 đô la một tuần phải trả nợ 500 đô la sắp hết hạn!
Khi một cá nhân đạt được thành công tài chính và được xác định là một triệu phú, anh ta dường như đã bị đánh dấu, và vấn đề chỉ trở nên tồi tệ hơn khi sự giàu có của anh ta tăng lên. Nếu anh ấy nói chuyện với các doanh nhân khác trong bữa ăn trưa tại nhà hàng, anh ấy chắc chắn sẽ nhận được hàng tá cuộc gọi điện thoại vài giờ sau đó yêu cầu xác nhận thực hư của thông tin về việc sáp nhập dự án, chia cổ phiếu và vòng trả cổ tức đang diễn ra. Khi anh ta tham dự một sự kiện và khiêu vũ với một cô gái trẻ nào đó nhiều hơn một lần, những tin đồn về một “mối tình lãng mạn mới” sẽ xôn xao khắp phòng khiêu vũ và trở thành các cột tin nóng hổi trên báo chí. Tuy nhiên rất có thể, cuộc trò chuyện tại bữa trưa có thể chỉ liên quan đến sở thích của họ hay các cuộc đua ngựa. Bạn nhảy của triệu phú có thể chỉ là cháu gái hoặc em họ của anh ta. Nhưng lẽ dĩ nhiên là một triệu phú, kết quả sai lầm trên là không thể tránh khỏi.
Mặc dù có thể có bất kỳ lợi thế nào mà anh ta thích, cuộc sống của doanh nhân giàu có không phải chỉ có mỗi rượu sâm banh và trứng cá muối. Anh ta phải chấp nhận thực tế có nhiều hạn chế trong việc trở thành một triệu phú bất kể dù là về sự giàu có hay chức vụ của anh ta. Anh ta có thể được tôn trọng hoặc ngưỡng mộ vì đã đạt được thành công cùng sự giàu sang, nhưng anh ta nên biết sẽ có một bộ phận đáng kể người ghen tị, thậm chí ghét anh ta vì điều đó. Có những lúc hành động và lời nói của anh ta có thể được đánh giá cao, nhưng anh ta cũng sẽ bị chửi rủa với tần suất ngang ngửa như vậy.
Bằng một cách nào đó, triệu phú không bao giờ có thể chiến thắng. Nếu anh ta chi tiêu quá tự do, anh ta sẽ bị chỉ trích là ngông cuồng và phô trương. Mặt khác, nếu anh ta sống lặng lẽ và tiết kiệm, thì chính những người chỉ trích anh ta vì hoang phí sẽ gọi anh ta là kẻ hà tiện. Nếu anh ta đi dự tiệc và các câu lạc bộ đêm, anh ta bị gọi là kẻ ấu trĩ và họ sẽ nghi ngờ về sự trưởng thành cùng ý thức trách nhiệm của anh ta. Tuy nhiên, nếu anh ta trốn tránh các nhà hàng và quán rượu, anh ta sẽ nhanh chóng bị gọi là kẻ ẩn dật và bất cần đời.
Đối với các kiểm toán viên và các nhà phê bình về người giàu có, ngay cả những hành động nhỏ nhất của các triệu phú cũng có thể trở thành vấn đề quan tâm lớn. Ví dụ về chuyện tiền boa chẳng hạn. Tôi đã thấy rằng nếu tôi boa cho nhà hàng một số tiền phóng khoáng, chắc chắn sẽ có ai đó ngay lập tức nói rằng tôi đang khoe khoang thể hiện. Nếu tôi không boa nhiều, chính người đó sẽ là người đầu tiên nói rằng “Paul Getty là một kẻ hà tiện.” Nếu tôi nói chuyện với các phóng viên, ngay lập tức họ sẽ gọi tôi là kẻ cuồng sự chú ý. Nếu tôi từ chối các cuộc phỏng vấn, tôi bị coi là có thái độ “bất hợp tác” và thù địch với báo chí, và một số chuyên mục tin đồn chắc chắn sẽ viết một cái gì đó về “Gần đây, Paul Getty lảng tránh truyền thông một cách lạ lùng. Liệu ông ta có đang cố gắng tránh những câu hỏi nhạy cảm nào đó?”
Có phải tôi đang phàn nàn không? Hoàn toàn không. Tôi chỉ đang liệt kê một số điều mà một triệu phú buộc phải chấp nhận bằng khiếu hài hước và sự khiêm tốn của họ.
Một người giàu có rõ ràng có thể mua về rất nhiều của cải vật chất trong cuộc sống. Anh ta có thể có một tủ quần áo rộng rãi, ô tô, một ngôi nhà đẹp, người hầu hạ, và tất cả các vật chất khác cho một cuộc sống xa xỉ. Mức độ có thể tận hưởng phụ thuộc vào anh ta và nếu anh ta là một doanh nhân năng động, thì điều này sẽ phụ thuộc vào thời lượng và công sức mà công việc kinh doanh yêu cầu anh ta phải bỏ ra.
Tôi vẫn thường xuyên phải làm việc 16 đến 18 giờ mỗi ngày, và đôi khi là không có ngày nghỉ. Khi tôi đi du lịch, các vấn đề kinh doanh không bao giờ xa hơn các cuộc điện báo, bưu điện hay bốt điện thoại gần nhất. Tôi không thể nhớ một ngày nghỉ nào trong 45 năm qua mà không bị gián đoạn bởi một cuộc gọi hay điện tín, chúng khiến tôi phải quay trở lại làm việc trong ít nhất vài giờ. Lịch trình làm việc dày đặc và lượng công sức mà sự nghiệp đòi hỏi đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân của tôi.
Tôi đã kết hôn và ly dị năm lần. Tôi vô cùng hối hận về những thất bại trong hôn nhân, nhưng tôi có thể hiểu tại sao tôi đã thất bại. Những người vợ trước của tôi đều là mẫu hình phụ nữ tuyệt vời, họ luôn làm hết sức mình để khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi được suôn sẻ. Nhưng một người phụ nữ sẽ không cảm thấy an tâm, hài lòng hay hạnh phúc khi không cảm thấy mình thực sự là một người vợ, hay cảm thấy cô ấy thực sự có một người chồng khi mà cô ấy thấy người chồng luôn nghĩ đến lợi ích kinh doanh trước tiên, còn vợ chỉ là suy nghĩ thứ hai. Năm lần thất bại trong hôn nhân đã dạy tôi rằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc là một trong vô số những điều của cuộc sống mà không người đàn ông nào có thể mua được cho dù anh ta có bao nhiêu tiền đi chăng nữa.
Tình bạn cũng là một trong những thứ không thể mua được dù có nhiều người cố bán đi tình bạn giả tạo của họ. Tôi thường nói rằng thời gian là thước đo đáng tin cậy duy nhất mà một người giàu có, có thể đo lường được tình bạn. Tôi tự coi mình là người cực kỳ may mắn khi có được nhiều người bạn thật sự, những người đã là bạn của tôi trong nhiều năm và thậm chí hàng thập kỷ. Họ chưa bao giờ cố gắng kiếm lợi nhuận từ tình bạn của chúng tôi. Nếu họ có nhờ vả tôi bất cứ điều gì, thì yêu cầu của họ cũng đều rất hợp lý, thường gặp ở những người bạn tốt nhờ cậy ở nhau.
Điều đó hoàn toàn khác với loại người luôn cố gắng làm thân với một người giàu nhằm tính toán để có được thứ gì từ người giàu mà không cần làm gì. “Thứ gì đó” có thể là một công việc, một mẹo làm ăn trên thị trường chứng khoán, một khoản tiền để bắt đầu một doanh nghiệp mới hoặc vực dậy một doanh nghiệp cũ đang khủng hoảng, thậm chí đó có thể là một khoản tiền mặt trắng trợn được gọi tên là một khoản vay.
Chẳng hạn, tôi có bốn người con trai trưởng thành. Tất cả đều chọn về với doanh nghiệp của gia đình. Khi mỗi đứa con đưa ra quyết định, chúng được bắt đầu lại từ đầu ngay lập tức, từ con số không. Các con tôi học nghề bằng cách phục vụ khách hàng trong các trạm xăng thuộc sở hữu của các công ty mà tôi đầu tư nhiều tiền. Chúng bán xăng và dầu bôi trơn, đổ đầy bình, thay lốp, chăm chỉ tẩy dầu và quét dọn cơ sở làm việc. Tuy nhiên, vô số người quen qua đường đã yêu cầu tôi giúp họ một “ân huệ” và cho con trai của họ, hoặc người thân nào đó đang thất nghiệp một công việc ở cấp điều hành trong các công ty tôi có quyền. Họ dường như không bao giờ hiểu tại sao tôi từ chối, và luôn tức giận với tôi khi bị từ chối.
Rồi lại có những người xin tôi những lời khuyên giúp họ trở nên giàu có trong một đêm hoặc trong một hoặc hai tuần. Thật vô ích khi phải nói với họ rằng tôi không có gì để nói với họ. Những kẻ mơ mộng giàu nhanh không bao giờ tin lời tôi.
“Lũ triệu phú chết tiệt đều ích kỷ và không công bằng!” “Ông có những bí mật để kiếm tiền, nhưng ông không chịu chia sẻ chúng.” “Ông không muốn ai khác cũng trở nên giàu có!” Đó là một số lời than vãn mà tôi đã nhận được.
Rõ ràng là những cá nhân này tin rằng kinh doanh hiện đại được tiến hành trong phía khuất của mặt trăng bởi các chiến binh và các thầy phù thủy, những người tụng thần chú và vẽ những ngôi sao năm cánh trên sàn của các phòng hội đồng. Chẳng có lý do gì để tôi tranh luận với họ. Họ sẽ không tin rằng sự cần mẫn, không phải mẹo hay bí mật gì là chìa khóa thành công trong kinh doanh. Họ không muốn tin vào điều đó. Họ muốn sự thành công và giàu có phải được dâng lên tận miệng. Họ không muốn làm việc.
Hiệu ứng mà một người giàu có sẽ mang lại cho người khác thường rất bất ngờ, nhiều khi là kỳ quặc, và không có nghĩa luôn là những lời khen hay sự ghen tị. Như tôi đã nói ở trên triệu phú là người đã bị đánh dấu. Có nhiều người thậm chí coi người giàu có là một đối tượng dễ dàng nhắm tới. Chẳng hạn, tôi từ lâu đã được biết đến là một nhà sưu tập nghệ thuật nghiêm túc. Vì thế, trong những năm qua, tôi bị mời mua không biết bao nhiêu bức tranh giả của Botticelli, Corot hay Fragonard.
Tôi nhớ rằng từng có một người đàn ông đã cố bán cho tôi một tấm thảm mà theo như lời anh ta là hiếm có, từ thế kỷ XVI, với giá “chỉ 45.000 đô la”. Khi tôi trả lời rằng tôi không quan tâm, anh ta đã nổi giận.
“Nhưng anh phải mua nó!” Anh ta hét lên, đẩy tấm thảm vào tôi, “Vợ tôi đã dành ra nhiều tháng để dệt tấm thảm ấy!”
Một linh hồn dám nghĩ dám làm khác đã thông báo với tôi về sự kiện thanh lý bộ sưu tập tranh của anh ta và cho tôi xem một số bức tranh sơn dầu đã đổ màu vàng, vẽ trên nền vải hạng bét, bọc bằng khung tranh rẻ tiền gãy nứt. Anh ta đã thật sự thu thập các bức tranh từ đống phế liệu và các cửa hàng tạp hóa.
Không có bất cứ điều gì minh họa cho sự tham lam và thiếu hiểu biết về kinh tế của một bộ phận người tốt hơn hàng ngàn bức thư mà tất cả những người giàu có uy tín đều liên tục phải nhận. Tôi đã nhận được tới 3.000 bức thư mỗi tháng từ những người hoàn toàn xa lạ. Một số được viết bởi phụ nữ ở mọi lứa tuổi và từ mọi tầng lớp khác nhau, có lẽ là những người biết được rằng tôi cực kỳ giàu có và hiện chưa lập gia đình.
“Anh đúng là mẫu người chồng lý tưởng của em...” “Rõ ràng rằng anh đang cần có một người vợ, và em là ứng cử viên hoàn hảo cho vị trí đó...” “Em sẽ rất vui lòng ly hôn với chồng mình, miễn là anh thanh toán số tiền luật sư ly hôn giúp em...” Đó là nội dung của những bức thư cầu hôn tiêu biểu được gửi cho tôi. Những phụ nữ đó thường gửi kèm theo ảnh tự chụp hoặc ảnh chụp tiệm, những bức ảnh thể hiện phẩm chất lớn hơn, hoặc xấu hơn của họ. Thỉnh thoảng, họ sẽ gửi cùng bộ album ảnh. Những hy vọng đầy mê hoặc này, tôi có thể nói thêm, một cách tinh tế hay suồng sã rằng họ sẵn sàng từ bỏ các ràng buộc hôn nhân và trao cho tôi tình yêu vô bờ bến miễn là các thỏa thuận về tài chính phù hợp được thực hiện trước.
Nhưng phần lớn các bức thư không mong muốn của tôi, khoảng 70% theo thư ký của tôi kiểm đếm là những lá thư được viết bởi những người yêu cầu tôi gửi tiền cho họ. Tôi không nghi ngờ trong một vài khoảnh khắc rằng có một số phần trăm nhỏ trong số này là từ những cá nhân thực sự đang có nhu cầu. Nhưng thật không may, khó có thể tách điều này hoàn toàn ra khỏi hàng ngàn bức thư gửi đến từ những kẻ ăn chơi chuyên nghiệp và kẻ ăn xin kinh niên. Những bức thư kiểu như này đến từ mọi ngả trên thế giới. Tôi sẽ phải tốn một khoản tiền lớn để kiểm tra tính hợp lệ của toàn bộ các bức thư. Vì vậy, tôi buộc phải từ chối tất cả.
Giống như hầu hết tất cả những người giàu có, chắc chắn là ở những người mà tôi quen, tôi chỉ đóng góp cho các tổ chức từ thiện hợp pháp. Mỗi năm, các công ty của tôi và cá nhân tôi đóng góp một khoản tiền tổng cộng hàng trăm ngàn đô la để làm từ thiện. Đây là cách duy nhất người ta có thể quyên góp tiền với mức độ đảm bảo rằng tiền của họ sẽ đến đúng tay người cần. Tôi đã cố gắng làm rõ điều này trong các cuộc phỏng vấn báo chí và tuyên bố công khai nhưng không hiệu quả. Hàng ngàn người muốn tôi gửi tiền cho họ tiếp tục viết thư cho tôi. Những bức thư xin tiền thường viết “Ông quá giàu. Ông sẽ không tiếc số tiền đó đâu” như thể để giải thích và biện minh cho mọi thứ họ làm. Một số người cầu xin. Những người khác đòi hỏi. Một số khác thậm chí còn đe dọa. Đáng ngạc nhiên là một số lượng lớn sẽ chỉ định tôi gửi cho họ “tiền mặt” không qua séc” vì họ “không muốn cơ quan thuế biết được nguồn tiền từ đâu”. Thậm chí có những người yêu cầu số tiền được gửi là “tiền ròng với tất cả các khoản thuế đã được trả”.
Người đứng đầu một hiệp hội y tế nhà nước đã từng hỏi xin tôi 250.000 đô la để anh ta có thể mua một chiếc du thuyền. “Vậy là không nhiều, xét về quy mô tài sản của anh thì như vậy chẳng đáng là bao” - ông ta viết như vậy. Người đó, xin hãy nhớ, ông ta một người đàn ông chuyên nghiệp, một bác sĩ được đánh giá cao trong cộng đồng y tế và tiểu bang nơi ông làm việc. Vì vậy, tôi cho rằng người kế toán đã sử dụng những văn phòng phẩm ấn tượng của công ty mình để xin 500.000 đô la cũng là một trường hợp tương tự như vị bác sĩ kia. Anh ta đã “phát hiện ra một hệ thống chắc chắn để chơi lãi trên thị trường chứng khoán” và muốn chơi bằng tiền của tôi, “Tôi đảm bảo sẽ chia cho anh mười phần trăm lợi nhuận”. Anh ta hứa một cách hào phóng.
Ngoài ra, còn có một giáo viên trung học muốn có 1.000.000 đô la được miễn thuế để cô ấy có thể giúp đỡ người thân của mình, và một nhân viên ngân hàng viết rằng anh ta đã biển thủ 100.000 đô la và chắc chắn muốn tôi sẽ giúp anh ta sửa sai lỗi lầm.
Tôi có thể liệt kê các dẫn chứng như vậy rất lâu. Trong một tháng, trung bình, tổng số tiền được yêu cầu bởi những người đặt hàng qua thư này có thể lên tới hơn 3.000.000 đô la. Vào một ngày đáng nhớ cách đây không lâu, một bức thư duy nhất còn yêu cầu tổng cộng số tiền lên tới 15.000.000 đô la!
Tất cả điều này, chỉ là những phiền toái tương đối nhỏ trong vô số các vấn đề lặt vặt khác đi cùng với sự giàu có. Tôi liệt kê ra một vài điều trong chương này nhằm miêu tả cuộc sống của một người giàu có, mặc dù dễ chịu và thú vị theo nhiều cách nhưng cũng không hoàn toàn vô tư như nhiều người hình dung. Tiền có thể làm nhiều thứ cho mọi người, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến họ. Tất nhiên tiền có thể làm gì và ảnh hưởng như thế nào đến một cá nhân cụ thể phần lớn sẽ phụ thuộc vào tiêu chuẩn đạo đức, trí tuệ, quan điểm và thái độ của anh ta đối với cuộc sống.
Nếu anh ta là một doanh nhân, điều quan trọng là anh ta làm gì với tiền của mình. Như tôi đã nói ở trên, điều tốt nhất anh ta có thể làm là đầu tư vào các doanh nghiệp, sản xuất nhiều hàng hóa, dịch vụ tốt cho nhiều người hơn với mức chi phí thấp hơn. Mục tiêu của anh ta nên là việc tạo ra và vận hành các doanh nghiệp giúp đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới, và làm cho cuộc sống của tất cả mọi người tốt hơn. Đó nên là động lực để hướng tới sự giàu có, và từ nguồn thôi thúc ấy, doanh nhân có thể đạt được sự thỏa mãn cao nhất trong công việc của mình.
Trên đây cũng là tất cả những gì tôi đã cố gắng làm với tiền của mình và là mục đích của các công ty tôi đã đầu tư. Điều này được coi là đạo đức về tiền bạc của các doanh nhân thành đạt.