N
ăm 1960, biên tập viên của tạp chí PLAYBOY đã ngỏ lời mời tôi hợp tác ra mắt một chuỗi bài báo với chủ đề: “Đàn ông, Tiền bạc và Giá trị trong xã hội ngày nay”.
Phải thừa nhận, tôi hài lòng vì được đánh giá cao, như bất cứ ai khi nhận được đề xuất này. Nhưng mặt khác, tôi cũng nghiêm túc đặt câu hỏi về khả năng của mình. Tôi đã dành cả cuộc đời chỉ để xây dựng và điều hành doanh nghiệp nhưng tôi không chắc những kinh nghiệm này có thể giúp tôi giữ chân hàng triệu khán giả trước nhiều chủ đề.
Bên cạnh đó, tôi là một doanh nhân. Tôi lo mình không có đủ thời gian cần thiết dành cho việc viết lách. Và cuối cùng, tôi cũng chẳng rõ, liệu độc giả của tạp chí có quan tâm đến những gì tôi viết không nữa.
Nhưng rốt cuộc thì tất cả nghi vấn của tôi đều bị đẩy lùi vì những lý do mà tôi coi là có giá trị, đáng cân nhắc và thực sự thuyết phục.
Trước tiên, tôi đã nhận thức được rằng, từ lâu, các doanh nhân, doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống doanh nghiệp tư nhân thường là mục tiêu chỉ trích của dư luận. Rất hiếm khi những phản hồi của các doanh nghiệp tư nhân đến được với công chúng.
Mặt khác, tôi và nhiều doanh nhân thành đạt mà tôi quen thường được chú ý bởi các chủ doanh nghiệp trẻ tuổi còn đang bấp bênh. Tôi không cho rằng họ thiếu đào tạo chuyên ngành, đơn giản chỉ là họ chưa nhìn được toàn cảnh bức tranh một cách tổng thể. Họ không hiểu và đánh giá cao những quy luật đang vận hành của thế giới, những triết lý cơ bản, hàm ý, sự phân nhánh và đặc biệt là vô số trách nhiệm. Đây là những yếu tố cần thiết để sống sót khi vận hành doanh nghiệp trong thời đại phức tạp này.
Thứ hai, dù ban đầu điều này không nằm trong danh sách những nguyên nhân thuyết phục tôi, tôi nhận ra rằng, xã hội hiện đại đang quá coi trọng sự giàu có nhưng không bao giờ đặt câu hỏi: Làm thế nào để trở nên giàu có và trách nhiệm đi kèm với những đặc quyền đó là gì?
Xét cho cùng, sự giàu có hay tiền bạc đều là sản phẩm của triết lý, quan điểm và thái độ. Cái đầu của triệu phú ngày nay không thể chỉ biết tới tích lũy. Một người có năng lực và tham vọng phải hiểu rằng thuật ngữ “giàu có” có vô số lớp nghĩa. Để đi tìm sự giàu có cho bản thân, anh ta phải biết làm thế nào để trở nên giàu có trên mọi nghĩa.
Tất cả những lý do trên cùng sự tác động của một số nhân vật khiến tôi đi đến quyết định nhận lời mời của các biên tập viên.
Hơn nữa, nhà xuất bản kiêm biên tập viên của PLAYBOY - Hugh M. Hefner và Tổng biên tập của tạp chí - AC Spectorsky đã hứa rằng tôi sẽ có quyền nói lên tất cả những gì tôi muốn, bất kể quan điểm của tôi có thể gây tranh cãi đi chăng nữa. Họ đã giữ đúng lời hứa nhưng tôi thì chưa vượt qua được sự ngờ vực của chính mình:
“Tôi sẽ viết thử phần đầu và rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp!”
Kết quả đạt được, đối với tôi là một sự đáng ngạc nhiên. Dù có hơi khác thường và mang tính biểu tượng cao, nhưng những gì tôi viết lại nhận được phản hồi khả quan. Rõ ràng, có nhiều người chung quan điểm với tôi hoặc họ vẫn luôn chờ ai đó thay họ lên tiếng để xóa tan những hoài nghi sâu sắc về các học thuyết được số đông công nhận.
Không từ nào có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi khi những bài viết trên tạp chí PLAYBOY được đón nhận nồng nhiệt, trích dẫn ở khắp mọi nơi và trở thành nguồn cảm hứng cho hàng ngàn bình luận, phản hồi tích cực từ báo chí và công chúng. Cuốn sách ra đời chính là kết quả của sự tiếp nhận ấy.
Với cuốn sách này, tôi sẽ cố gắng trả lời một cách đơn giản và trực tiếp nhất ba câu hỏi tôi thường xuyên nhận được kể từ khi bài báo đầu tiên ra mắt trên tạp chí PLAYBOY:
1. Tại sao, giữa hàng ngàn các tạp chí xuất bản ở Mỹ, tôi lại chọn PLAYBOY làm phương tiện thể hiện quan điểm của mình?
Câu trả lời rất đơn giản: PLAYBOY có lượng độc giả khổng lồ với phần đông là người điều hành trẻ tuổi và sinh viên đại học. Đây chính là những doanh nhân và chủ doanh nghiệp tương lai. Họ chính là đối tượng có thể hưởng lợi từ những chia sẻ của tôi về kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường. Họ là những thanh niên trẻ tuổi có thể hệ thống lại tư duy thông qua những tư tưởng không nằm trong sách giáo khoa hoặc những ấn phẩm cứng nhắc. Dù có đồng tình với những quan điểm trong cuốn sách này hay không, ít nhất, họ cũng sẽ học được phương pháp tư duy mang tính xây dựng nhờ vào sự kích thích trí não. Nói ngắn gọn, họ là mục tiêu của những thông điệp mà tôi muốn chuyển tải thông qua cuốn sách này.
2. Tại sao tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình với tất cả mọi người?
Tôi đã từng trả lời câu hỏi này trước đây nhưng tôi e rằng những lời của tôi đã hơi bị khuếch đại hơi quá. Dù các doanh nghiệp thường bị công kích bởi dư luận, nhưng điều đó không có nghĩa là công chúng hoàn toàn quay lưng với họ. Nhiều doanh nhân thường chỉ lên tiếng trong các cuộc họp hội đồng quản trị, hội đồng cổ đông, hiệp hội thương mại, những buổi gặp mặt kết nối và đặt bút viết trong những văn bản nội bộ hoặc tạp chí thương mại. Dù có nhiều thông điệp quan trọng muốn truyền tải tới rộng rãi công chúng, nhưng các doanh nhân hiếm khi nắm bắt được cơ hội. Nói một cách đơn giản, tôi cố gắng để trở thành người mở đường và hy vọng nỗ lực này có thể khuyến khích các doanh nhân thành công khác chia sẻ quan điểm của họ với công chúng.
3. Tôi hy vọng đạt được điều gì khi chắp bút cho những bài báo đó?
Ngoài một vài điểm đã đề cập ở trên, tôi cũng có không ít hy vọng và mục tiêu. Tôi muốn các doanh nhân trẻ hiểu rằng, không có bất cứ công thức nào để có thể chắc chắn và dễ dàng đạt được thành công trong kinh doanh, và, không có cách nào khiến một người bỗng dưng trở thành triệu phú.
Không có mánh khóe, câu thần chú hay ma thuật nào có thể khiến một doanh nghiệp hay một doanh nhân thành công chỉ sau một đêm. Một doanh nhân sẽ cần đến sự siêng năng, cũng như vô số các yếu tố khác để có thể trở thành một triệu phú. Đó cũng là chủ đề của cuốn sách này.
Tôi tin chắc rằng tương lai của nền kinh tế Mỹ, của những công dân Mỹ, và của toàn thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi những doanh nghiệp tư nhân tiến bộ và có tầm nhìn được dẫn dắt bởi những doanh nhân thành công. Kể cả khi những thông điệp trong cuốn sách này chỉ được một vài người tiếp nhận thì tôi cũng đã đạt được mục đích của mình - đó là lan tỏa và củng cố những nguyên tắc mà tôi tin tưởng.
J. Paul Getty