N
ếu trong chương trước, tôi đã liệt kê bảy phương pháp để phát triển năng lực thì chương này, tôi muốn nói chi tiết hơn về chiếc chìa khóa thứ bảy - Niềm tin.
Niềm tin là cách duy nhất để chứng minh năng lực. Không có niềm tin, năng lực cũng bị vô hiệu hóa.
Niềm tin mang đến cho bạn sức mạnh như thế nào?
Bạn không thể thuyết phục bất cứ ai khi chính bạn còn không tin vào bản thân mình. Bạn phải thuyết phục chính bạn, trước khi có thể thuyết phục tôi. Bạn cần có cơ sở niềm tin để thuyết phục được tôi.
Niềm tin vào bản thân của một con người có sức mạnh lớn tới mức nó đã trở thành một ý niệm sai với bản chất, được biết đến rộng rãi với cái tên “sự tự tin”.
Một người “tự tin” có thể biết rằng những gì anh ta làm là sai trái nhưng anh ta lại có niềm tin tương đương với một người hoàn toàn tin tưởng vào những gì mình đang làm - Anh ta tin rằng mình có thể thực hiện nó. Không may thay, niềm tin hiệu quả cho cả những mục đích xấu cũng như mục đích tốt. Niềm tin có thể là điều tốt nhưng chủ ý của con người thì có thể không.
Tuy nhiên, đừng để điều đó cản trở bạn đặt niềm tin vào những mục đích đúng đắn. Đó chỉ là một ví dụ cho quan điểm rằng niềm tin càng mạnh thì bạn càng dễ dàng thuyết phục được người khác. Niềm tin không bao giờ là đủ khi bạn muốn thuyết phục và gây ấn tượng bằng câu chuyện của mình.
Làm sao để người khác tin rằng bạn hoàn toàn tin tưởng vào bản thân?
Niềm tin là một món quà trời ban, là thứ sức mạnh thần thánh để bạn có thể truyền giáo cho chính mình. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn vô dụng nếu niềm tin ấy không rõ ràng, mạch lạc. Nhiều người vô cùng tự tin vào năng lực của bản thân nhưng lại thất bại trong việc thể hiện những điểm mạnh của đó. Với niềm tin rời rạc, anh ta sẽ chẳng thể thành công nếu không ai biết tới những điều mà anh ta tin tưởng. Niềm tin khởi nguồn từ bên trong nhưng nó cần được truyền tải tới đối tượng mục tiêu. Nếu không, bạn cũng không thể vươn tới những mục đích thực tế và có ích.
Đương nhiên là niềm tin của một nhà sáng chế sẽ thể hiện qua phát minh của anh ta. Chiếc xe Ford đầu tiên, chiếc đèn Mazda, máy khâu Singer và hàng nghìn sáng chế khác đều là minh chứng cho tài năng của những người đã tạo ra chúng. Ai cũng có thể nhận thấy điều này. Niềm tin ở đây trở thành một vật hữu hình, có thể nhìn được, sờ thấy. Tuy nhiên, với số đông, khi lòng tin là một khái niệm trừu tượng, khó nắm bắt, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Niềm tin cần được chứng minh một cách chắc nịch bằng lời nói của bạn.
Bạn cần phải lên tiếng và truyền cảm hứng tới những khán giả của mình. Bài thuyết trình của bạn không nhất thiết phải quá trơn tru. Một bài thuyết trình quá lưu loát có thể sẽ không nhất quán với câu chuyện mà bạn muốn truyền đạt cũng như hình ảnh mà bạn muốn tạo dựng. Sự đơn giản nhưng chân thật có sức thuyết phục lớn hơn nhiều những từ ngữ hoa mỹ. Hãy nói ngắn gọn và thành thật, rồi để sự thật và niềm tin của bạn hoàn thành nốt phần còn lại. Hãy chân thành và để người nghe tự cảm nhận niềm tin đằng sau lời nói của bạn.
Chúng ta đều đã quen thuộc với cụm từ “Niềm tin cháy bỏng” – ngôn từ miêu tả chính xác tầm quan trọng của niềm tin. Niềm tin bùng cháy từ bên trong chúng ta và dần hình thành một ngọn lửa không thể dập tắt. Chúng ta đều biết cách để thắp sáng ngọn lửa ấy và soi rọi con đường dẫn tới một nơi tốt đẹp hơn. Mỗi người đều có cách thể hiện khác nhau: Một nhà thơ, một chính khách, một doanh nhân thể hiện chính mình thông qua sự phỏng đoán, lời hứa hẹn và thành phẩm. Một nhà thơ sẽ để tâm tới những giấc mơ; chính khách quan tâm đến những yêu cầu của người dân; trong khi đó, doanh nhân lại chú trọng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sự thành công mà họ đạt được tỷ lệ thuận với sự kiên định và niềm tin của họ vào bản thân mình.
Làm thế nào để tăng sức thuyết phục của bạn?
Sẽ thật sai lầm khi bạn cho rằng chỉ một số ít chúng ta có khả năng này. Quy luật ấy luôn đúng với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, những người cần nó nhất hay những người thiếu động lực để quyết tâm tiến tới thành công có thể sẽ cảm nhận rõ ràng hơn hiệu quả của lòng tin. Kiến thức càng hạn hẹp thì khả năng phát triển lại càng lớn. Nước Mỹ hiện đại là một tượng đài đại diện cho những con người vươn lên từ hai bàn tay trắng và biến khả năng thành niềm tin: giới thiệu với thế giới khả năng độc đáo trong lĩnh vực của riêng họ.
Ngày nay, tác giả một cuốn sách củng cố lập luận của mình bằng những tên tuổi lớn trong ngành kinh doanh và công nghiệp Mỹ đã trở thành một thông lệ. Tuy nhiên, đó lại là điều tôi không muốn. Đơn giản là bởi vì nhiều người sử dụng nó tới mức độc giả chán ngán. Những cái tên tôi muốn trích dẫn đều là những cái tên lạ và vô danh. Họ là những người đã từng ngần ngại kiếm tiền bằng niềm tin, từng chần chừ khi đứng sau cánh gà sân khấu và háo hức chờ những màn biểu diễn của chính họ.
Những người thiếu can đảm và niềm tin xuất hiện trong mọi lĩnh vực. Họ đã làm việc lâu năm, chăm chỉ để cải thiện năng lực, kỹ năng và trang bị cẩn thận để dần chiếm lấy các vị trí quản lý cao hơn. Tuy nhiên, họ lại rụt rè, thiếu đi sự táo bạo. Họ dừng lại trước ngưỡng cửa của những giấc mơ và lãng phí cơ hội vì sự thiếu quyết đoán của mình.
Sự thuyết phục của bản thân bạn là hợp thể của tất cả những gì bạn có và những khả năng còn ẩn giấu trong bạn. Khi bạn thực sự hành động, địa vị và quyền lực sẽ đến với bạn dưới sự công nhận của những người có thẩm quyền.