B
ài phát biểu của bà Margaret Thatcher trước Hạ viện Anh hôm 30 tháng 10 năm 1990 khiến ông Geoffrey Howe(27) từ chức khỏi nội các và cuối cùng làm bà mất luôn ghế thủ tướng. Trong bài phát biểu đó, bà dùng 3 từ “Không, không, không” để trả lời 3 đề xuất mà bà cho là của ông Jacques Delors, chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nội dung các đề xuất xoay quanh việc Nghị viện châu Âu nên là cơ quan dân chủ của Cộng đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm hành chính và Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan lập pháp.
(27) Geoffrey Howe (1926 – 2015) là phó thủ tướng Anh, đồng thời là đồng minh thân cận nhất của bà Thatcher.
Đây thật sự là tầm nhìn của ông Delors về tương lai châu Âu. Nhưng quan trọng hơn, quan điểm của các đời chính phủ Đức cũng vậy. Tầm nhìn này phù hợp một cách chính xác với cách nước Đức vận hành. Đức là quốc gia liên bang. Bản chất liên bang trong hiến pháp và chính trường Đức làm nên một trong những nét đặc trưng của nước này – điều mà nếu không biết rõ thì sẽ cảm thấy khó hiểu. Đặc trưng này không chỉ phản ánh cách nước Đức tự nghĩ về mình mà còn là cách họ nghĩ về châu Âu.
Lịch sử cũng chịu một phần trách nhiệm. Đức chỉ trở thành một nước vào năm 1871 sau những nỗ lực của Thủ tướng Bismarck(28) và Thống chế von Moltke(29). Trước thời điểm đó, Đức chỉ là một vùng đất chắp vá, cư dân tại những khu vực lớn, nhỏ khác nhau tuy cùng nói tiếng Đức và cảm nhận mối quan hệ gần gũi, song chưa bao giờ nghĩ tới chuyện là người của một quốc gia duy nhất. Goethe (1749 – 1832), tác gia lừng danh nhất viết bằng tiếng Đức, tự nhận mình là công dân của Lãnh địa Đại công tước Saxe-Weimar-Eisenach. Nhắc tới người Đức trước năm 1871 là nói về đặc điểm văn hóa chứ không phải chính trị. Ngay cả sau năm 1871, ý thức về một quốc gia thống nhất vẫn khá mờ nhạt ở Đức, dĩ nhiên là nếu so với Pháp và Anh. Phải đến năm 1934, từ “Đức” mới được dùng để mô tả quốc tịch trên hộ chiếu Đức. Trước năm này, người mang hộ chiếu được phân biệt thành người Phổ, Bavaria, Saxon,...
(28) Otto Eduard Leopold von Bismarck (1815 – 1898) là người thống nhất các tiểu bang nhỏ lẻ thành nước Đức hùng mạnh và trở thành thủ tướng đầu tiên của đế chế này.
(29) Helmuth Karl Bernhard Graf von Moltke (1800 – 1891) là tư lệnh quân đội Vương quốc Phổ trong 30 năm.
Kết quả là nhiều người Đức vẫn cảm thấy thân thuộc với thể chế từng tạo thành chính phủ có chủ quyền trong khu vực của họ – có thể là vương quốc, tiểu vương quốc, thành phố thuộc Liên minh Hanseatic... Cảm giác thân thuộc này khá đa dạng. Cư dân Hamburg hết sức tự hào về thành phố của họ, với truyền thống thương mại tự do và lòng khoan dung. Người Bavaria lại tự hào kiểu khác – về lịch sử khác biệt và thái độ sống thoải mái hơn.
Bang Bavaria còn có điểm độc đáo khác là có riêng đảng chính trị. Không giống một đảng quốc gia lớn khác là đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) không đề cử ứng cử viên cho các cuộc bầu cử ở Bavaria. Thay vào đó, họ liên minh với đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) – một đảng thuần Bavaria có chung nhiều chương trình nghị sự chính trị với CDU nhưng cũng theo đuổi nhiều vấn đề riêng (như cực kỳ bảo thủ về chính sách xã hội và nông nghiệp).
Kỳ lạ là trong số tất cả vùng đất hợp nhất thành nước Đức vào năm 1871, khu vực biến mất trên bản đồ chính trị lại là mảnh ghép rộng lớn nhất – Vương quốc Phổ. Vào thế kỷ 18, Phổ dưới sự trị vì của Frederick Đại đế(30) đã trở thành một trong những thế lực thống trị ở châu Âu; dù từng bị vua Napoleon của Pháp đánh bại và làm nhục nhưng dưới sự chỉ huy của Blücher, chính quân Phổ đã giành chiến thắng trong trận Waterloo(31). Sang thế kỷ 19, Phổ dần lấy lại ảnh hưởng, ban đầu là thông qua việc thành lập Liên bang Bắc Đức và cuối cùng là vào thời điểm năm 1871, Phổ thâu tóm các bang còn lại của Đức để xây dựng đế chế Đức mới. Các nhà vua Hohenzollern của Phổ trở thành hoàng đế Đức.
(30) Vua Frederick II cai quản Vương quốc Phổ từ năm 1740 – 1786, là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất triều đại Hohenzollern.
(31) Thống chế Gebhard Leberecht von Blücher (1742 – 1819) lừng danh sau khi đánh bại Napoleon trong trận Leipzig năm 1813 và Waterloo năm 1815.
Phổ chiếm tới 60% dân số của nước Đức mới vào năm 1871; song đến nay, không còn ai tự nhận mình là người Phổ. Một phần nguyên nhân có thể do những dư âm của chủ nghĩa quân phiệt và bá quyền gắn liền với cái tên Phổ, phần khác là bởi hầu hết vùng lãnh thổ của Phổ ngày xưa giờ nằm ở Ba Lan, các nước Baltic, hay như trường hợp Königsberg trước đây nay thuộc Nga. Cũng có thể vì Phổ từng thu nạp nhiều đặc tính địa phương đến nỗi nhạt nhòa đặc tính của chính mình.
Hậu duệ của vương triều Hohenzollern sống lặng lẽ, ẩn dật ở Berlin. Đây không phải là những thành viên hoàng gia duy nhất ở Đức. Đời sau của các vua Wittelsbach ở Bavaria, vua Wettin ở Saxony và hoàng tử Welf của Hannover đều xuất hiện thường xuyên trong các bài báo “lá cải”. Họ không phải là nhân vật tiếng tăm về chính trị nhưng họ nhắc nhớ người Đức về cái thời mà tổ tiên họ còn trung thành với một đất nước khác.
Những điều trên không có nghĩa là ở Đức tồn tại các xu hướng ly khai hay tiếc nhớ về một trật tự chính trị khác. Ngược lại là đằng khác: Đức ngày nay là đất nước đồng nhất nhất trong số các quốc gia lớn ở châu Âu, và câu chuyện kỳ diệu mang tên tái thống nhất – như nhiều người Đức vẫn cảm nhận như thế – chính là điều thống trị suy nghĩ của họ về đất nước. Hay nói đúng hơn, lịch sử của Đức giúp họ dễ thích nghi với ý nghĩ hợp nhất các tư tưởng chính trị. Cảm thấy mình vừa là người Bavaria vừa là người Đức khiến họ dễ chấp nhận việc là dân Đức lẫn dân châu Âu.
Tích hợp khu vực không chỉ là dấu tích quá khứ của Đức mà quan trọng hơn, còn hiện hữu trong cách quản lý đất nước thời hiện đại. Sau khi giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, quân Đồng minh bắt đầu tái xây dựng nền chính trị ở phần nước Đức mà họ kiểm soát. Họ khuyến khích một cấu trúc phân tán quyền lực và không dựa trên một chính phủ trung ương quá mạnh. Điều này trùng hợp với khuynh hướng của các chính trị gia Đức trực tiếp tham gia phác thảo bản hiến pháp mới, đặc biệt là thị trưởng Cologne khi đó, ông Konrad Adenauer, người sau này trở thành thủ tướng đầu tiên của Tây Đức.
Kết quả là nước Đức sau năm 1949, và cả hiện nay, vẫn đi theo con đường cộng hòa liên bang và được cấu thành bởi các Länder (bang). Đại diện các bang đã ký và phê chuẩn hiến pháp, và chính từ quyết định của các bang mà Đức tồn tại như một quốc gia có chủ quyền.
Từ Länder là bang nhưng còn có nghĩa rộng hơn là đất nước. Cấu trúc chính quyền của bang tương tự như các quốc gia có chủ quyền. Mỗi bang có Landtag (nghị viện), trong đó các nghị sĩ chọn ra chính quyền bang do thủ hiến đứng đầu và có đầy đủ dàn bộ trưởng bang. Cấu trúc này tương tự chính quyền ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland hơn là các hội đồng cấp hạt ở Anh.
Ban đầu Đức có 11 bang. Nhưng đến năm 1952, ba bang gộp lại thành bang Baden-Württemberg nên trong vòng 38 năm tiếp theo, Cộng hòa Liên bang Đức bao gồm 9 bang. Một điều đáng nói là Bavaria, một trong những bang đầu tiên, chưa bao giờ thông qua hiến pháp. Nguyên nhân chuyện này khá mù mờ nhưng dường như không gây ra hậu quả thực tế nào. Cho tới sau khi nước Đức thống nhất, vẫn không rõ cần thêm tiêu chuẩn gì để thuyết phục Bavaria đổi ý.
Sau khi bỏ phiếu tự sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang, Đông Đức phải điều chỉnh cho phù hợp với cấu trúc này. Lúc đó, Đông Đức không có đơn vị hành chính tương đương cấp bang (những bang từng tồn tại trước đó đã bị bãi bỏ vào thập niên 1950 để hình thành các đơn vị hành chính địa phương nhỏ hơn nhưng lại có ít quyền lực thực tế). Do vậy, Đông Đức không có chính quyền bang nào đứng ra ký hiến pháp như các bang Tây Đức đã làm. Nhưng kể từ sau quyết định tái thống nhất, có 6 bang được lập ra ở Đông Đức là Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen, Sachsen Anhalt và Thüringen. Cộng thêm việc Berlin cũng tự biến thành một bang – thay vì một thành phố bị lệ thuộc vào sự phân chia của bốn cường quốc(32), nước Đức hiện có 16 bang nhưng hiến pháp cũng như cách thức điều hành vẫn không thay đổi.
(32) Thỏa thuận Bốn cường quốc về Berlin, còn gọi là Thỏa thuận Berlin hay Thỏa thuận Bốn bên về Berlin, đạt được vào ngày 3 tháng 9 năm 1971 bởi bốn cường quốc đồng minh thời chiến là Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô. Thỏa thuận chia Berlin thành bốn khu vực do bốn cường quốc cai quản.
Hiến pháp này (tiếng Đức là Grundgesetz, dịch theo nghĩa đen là “Luật Cơ bản”) trao một số quyền lực nhất định cho Bund (chính phủ trung ương). Tất cả quyền lực còn lại nằm trong tay các bang. Kim chỉ nam trong việc phân chia quyền lực là tùy thuộc vào mức độ mà công dân chịu ảnh hưởng trực tiếp trên tư cách cá nhân. Với các lĩnh vực như sức khỏe, giáo dục, văn hóa và an ninh trật tự, quyền quản lý thuộc về bang. Những lĩnh vực ảnh hưởng gián tiếp hơn, như chính sách đối ngoại và quốc phòng, kiểm soát biên giới, nhập cư và chính sách tài chính và kinh tế chung, nằm trong thẩm quyền của chính phủ trung ương.
Ngay cả ở những lĩnh vực mà chính phủ trung ương chịu trách nhiệm, quyền quản lý thực sự thường do các quan chức làm việc cho chính quyền bang nắm giữ. Thu thuế là một ví dụ. Đức có các mức quốc gia cho thuế thu nhập và các loại thuế khác, song không có cơ quan nào tương đương Cục Thuế nội địa của Anh (cơ quan cấp quốc gia có trách nhiệm thu thuế). Thay vào đó, các bang có cơ quan thu thuế riêng và thuế sau khi thu sẽ được chuyển cho ngân khố quốc gia. Bộ Tài chính liên bang có một phòng thuế rất nhỏ để bàn bạc các vấn đề chính sách chứ không có quyền hành chính.
Về mặt lý thuyết, sự phân chia quyền lực giữa chính quyền liên bang và các bang lẽ ra phải đồng nghĩa với việc quyền lập pháp thuộc về Bundestag (nghị viện liên bang) hoặc Landtag (nghị viện bang). Tuy nhiên, hiến pháp cũng quy định trong một số trường hợp, khi quyền lợi của các bang (nhất là quyền lợi tài chính) bị ảnh hưởng bởi các quyết định cấp liên bang thì Bundesrat (hội đồng liên bang) phải thông qua những đạo luật liên quan. Thực tế này có những ảnh hưởng sâu rộng đến cách vận hành của chính trường Đức. Để vận động cho một đạo luật nào đó, chính phủ Đức trong hầu hết trường hợp phải có được sự chấp thuận của Bundestag (bằng thế đa số) lẫn Bundesrat (cơ quan có thành phần chính trị khác biệt).
***
Các thành viên của Bundesrat không phải được bầu hay bổ nhiệm trực tiếp. Đó là hội đồng bao gồm các đại diện của chính quyền 16 bang. Mỗi bang có quyền quyết định sẽ cử ai đến dự bất kỳ cuộc họp nào của Bundesrat. Thông thường thủ hiến bang tham gia các cuộc họp quan trọng và họ được tháp tùng bởi các bộ trưởng bang chịu trách nhiệm về vấn đề đang được thảo luận.
Thành phần của Bundesrat, và thế cân bằng chính trị của nó, thay đổi mỗi khi có bầu cử bang. Các bang tổ chức bầu cử vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng với tổng số 16 bang và mỗi nghị viện bang thường có nhiệm kỳ 4 năm thì trung bình có 4 cuộc bầu cử bang một năm.
Số đại biểu trong Bundesrat đã được tính toán. Các bang đông dân nhất được nhiều đại biểu hơn, bang ít dân được ít hơn. Nhưng số đại biểu không tương ứng hoàn toàn với quy mô dân số. Chỉ có 4 loại, với số đại biểu tối đa là 6 và tối thiểu là 3. Vì thế, North Rhine Westphalia với 18 triệu dân có 6 đại biểu. Bremen với 663.000 dân có 3 đại biểu. Đó là một mô hình kỳ quặc. Lẽ ra theo lô-gic thì tất cả bang nên có số đại biểu ngang nhau (giống các bang của Mỹ dù lớn hay nhỏ cũng chỉ được bầu ra 2 thượng nghị sĩ) hoặc số phiếu bầu phải tương ứng trực tiếp với nhân khẩu học (nếu tính trên đầu người).
Tuy nhiên, hầu hết người Đức có vẻ thoải mái với sự kỳ quặc này. Dù ở Đức có nhiều vấn đề liên quan đến hiến pháp được mang ra tranh luận, song thay đổi hệ thống đại biểu của Bundesrat chưa bao giờ là một trong số đó. Đây có thể cũng là lý do Đức chưa bao giờ ủng hộ quyền bỏ phiếu ở Hội đồng Bộ trưởng EU – vốn dựa trực tiếp trên quy mô dân số của các nước thành viên.
Một dự luật muốn thành luật phải chắc chắn có 35 phiếu thuận trên tổng số 69 phiếu của Bundesrat. Việc bỏ phiếu trắng do đó không khác gì bỏ phiếu chống. Lá phiếu của mỗi bang về một vấn đề gì đó do chính quyền bang quyết định. Trong trường hợp chính quyền bang bao gồm đại diện của nhiều đảng chính trị khác nhau – hầu hết họ là liên minh – và họ không thể đồng thuận về việc bỏ phiếu tại Bundesrat, quyết định cuối cùng sẽ dựa trên thỏa thuận mà các đảng đã tán thành khi họ cùng thành lập liên minh. Điều này có nghĩa là trong hầu hết trường hợp như vậy, bang đó sẽ bỏ phiếu trắng. Vì vậy, đạt được kết quả tích cực tại Bundesrat đối với các vấn đề gây tranh cãi là chuyện không bao giờ dễ dàng.
Cũng như các tổng thống Mỹ ít khi may mắn có được đảng của mình nắm thế đa số tại quốc hội, ở Đức hiếm có chuyện phe chiếm đa số ở Bundestag tương đồng với phe chiếm đa số ở Bundesrat. Do đó, các chính phủ liên bang thường xuyên đối mặt với thử thách khi tìm cách thông qua các dự thảo luật của mình. Muốn làm được điều này, đôi khi cần các kỹ năng chính trị tương tự sự nhạy bén mặc cả trong buôn bán và dùng tiền (ngân sách chính phủ) để giành lấy phiếu bầu – đều là những chiêu trò chính trị ở Washington.
Một số thủ tướng Đức lão luyện về kỹ năng này hơn những người khác. Vào mùa hè năm 2000, sau một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử bang, chính phủ liên bang do ông Gerhard Schröder dẫn đầu đánh mất thế đa số trong Bundesrat. Nhưng dự thảo luật cải cách thuế lại được thông qua. Luật này là bước đầu tiên trên con đường đau khổ nhằm lập lại trật tự cho hệ thống tài chính công của Đức cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đảng đối lập chính, Dân chủ Cơ Đốc giáo, phản đối dự luật này tại Bundestag. Người ta cho rằng vì đảng này có đủ số phiếu để đánh bại dự luật ở Bundesrat nên họ có thể ngăn chặn nó trở thành luật.
Thế nhưng, trong vòng 48 giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quyết định ở Bundesrat, ông Schröder gọi điện thoại cho hàng loạt nhà lãnh đạo liên minh của các bang còn do dự và mua họ – theo đúng nghĩa đen. Ông chỉ cần 3 hoặc 4 bang nhỏ hơn cam kết ủng hộ, tất cả bang này đều nằm ở những khu vực nghèo hơn của nước Đức. Ông Schröder thuyết phục từng bang một bằng cách hứa hỗ trợ tài chính từ ngân sách liên bang cho các dự án mà họ vốn không đủ tiền thực hiện. Khi bỏ phiếu diễn ra, trước sự kinh ngạc của giới bình luận chính trị và sự thất vọng của ban lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, cả 4 bang này bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Đó là một thành công chính trị xuất sắc, vượt trội và hoàn toàn hợp pháp.
Sau đó, tôi hỏi ông Schröder rằng ông chắc chắn tới mức nào về việc họ sẽ bỏ phiếu thuận. Ông cười tủm tỉm và nói ông khá tự tin. Ông rành rẽ họ từ thời ông còn ở Bundesrat với vai trò thủ hiến bang Lower Saxony và ông biết chính xác đâu mới là chuyện quan trọng với họ khi trở về bang nhà.
Vận động chính trị thành công kiểu này khá hiếm. Thông thường, cơ sở bỏ phiếu của các bang không phải là những vấn đề đó ảnh hưởng tới riêng họ ra sao mà phải phù hợp với quan điểm quốc gia của các đảng chính trị tạo nên chính quyền bang. Điều này thường xuyên tạo ra bế tắc giữa Bundestag và Bundesrat. Trong những năm cầm quyền cuối cùng của ông Helmut Kohl, các bang dưới sự dẫn dắt của SPD – lúc đó đang chiếm đa số ở Bundesrat – đã triển khai cái gọi là “chính sách phong tỏa”. Một cách có hệ thống, họ bỏ phiếu chống lại tất cả nỗ lực (kể cả những thử nghiệm) cải cách hệ thống phúc lợi xã hội. Họ làm vậy dưới áp lực của ban lãnh đạo quốc gia của đảng SPD và đặc biệt là chủ tịch SPD khi đó, ông Oskar Lafontaine, người muốn khắc họa chính quyền của ông Kohl thành độc ác và bất lực trong khi SPD trở thành người bảo vệ những quyền lợi mà khó khăn lắm mới giành được của tầng lớp lao động. Chiến thuật này gây tổn hại nghiêm trọng tới các lợi ích kinh tế dài hạn của Đức, song có thể đã giúp SPD chiến thắng trong cuộc bầu cử Bundestag vào năm 1998. Sở dĩ ông Lafontaine áp đặt được kỷ luật ở Bundesrat phần lớn là vì ông từng là thành viên tại đây với tư cách thủ hiến bang Saarland. Câu chuyện này trở thành ví dụ minh họa cho câu hỏi quyền lực chính trị tại Đức thực sự nằm ở đâu.
***
Về lý thuyết, hiến pháp Đức cho phép duy trì sự khác biệt lớn giữa các bang. Trong những lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm, mỗi bang được tự tổ chức điều hành và ban hành chính sách. Nhưng trên thực tế, họ không làm thế. Tất cả vận hành chính quyền và cung cấp dịch vụ công cơ bản giống nhau. Bất chấp việc là nhà nước liên bang, Đức là một quốc gia đồng nhất.
Ngay cả trong giáo dục – lĩnh vực được hoạch định chính sách lớn nhất của các bang, sự khác biệt cũng không lớn như người ta tưởng. Chính phủ liên bang không chịu trách nhiệm gì về giáo dục. Không hề có bộ giáo dục Đức ở cấp liên bang. Mỗi bang được tự do phát triển hệ thống giáo dục, với những tiêu chuẩn đầu vào riêng của các trường học và đại học.
Kết quả là có nhiều loại trường chỉ phổ biến ở một bang nào đó mà hiếm khi, hoặc không bao giờ, xuất hiện ở bang khác. Ví dụ, ở Bavaria thịnh hành các Gymnasia (trường chuyên) tuyển chọn đầu vào trong khi các bang khác không có. Nhưng ở tất cả các bang, đến một giai đoạn nào đó, học sinh đều rẽ theo hai hướng là học tiếp lên trung học và chuyển sang đào tạo nghề (với chất lượng cao). Tuy mô tả và tên gọi các trường khác nhau nhưng bản chất nền giáo dục Đức là như nhau.
Đây là kết quả có được do sự lựa chọn của các bang. Họ lập ra Kultusministerkonferenz (Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa), một cơ quan thường trực có nhiệm vụ phối hợp chính sách của các bang. Cơ quan này đơn giản là đảm bảo mức độ tương thích tối thiểu giữa hệ thống giáo dục của các bang để tạo điều kiện cho việc điều chuyển qua lại. Trên thực tế, hội nghị tạo ra sự tương đồng và phù hợp rất cao. Do vậy, Đức chỉ có một hệ thống thi cử, với cấp độ cao nhất là Abitur (kỳ thi ra trường vào năm 18 tuổi mà tất cả học sinh ở mọi bang phải tham gia). Và tuy tiếp nhận tài chính từ bang riêng, song các trường đại học áp chuẩn đầu vào như nhau đối với bất kỳ ai đến từ bất kỳ đâu trong cả nước.
Các trường đại học cũng tổ chức hoạt động trên một cơ sở chung. Ngoại trừ một số rất ít trường đại học tư, các trường còn lại giảng dạy cùng loại giáo trình, trả lương cho giảng viên và giáo sư theo cơ sở chung của cả nước. Vậy là dù được tạo điều kiện để phát triển đa dạng, người Đức lại quyết định bỏ qua điều đó.
***
Nếu ông Edmund Stoiber, ứng cử viên của đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, trở thành thủ tướng liên bang vào năm 2002 (ông suýt làm được) thì ông sẽ đồng thời trở thành thành viên của Bundestag lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Điều tương tự sẽ xảy ra nếu ông Frank-Walter Steinmeier (ứng viên của SPD) thành công vào năm 2009, hay ông Peer Steinbrück (cũng là ứng viên của SPD) vào năm 2013.
Với bất cứ ai trưởng thành trong nền chính trị truyền thống của Anh thì việc trở thành thủ tướng mà chưa từng là thành viên của hạ viện là một điều kỳ lạ (trừ trường hợp của ông Alec Douglas-Home(33)). Nhưng người Đức không thấy chuyện này có gì đáng kể. Họ xem đây là tiểu tiết, giống như thuận tay trái vậy. Đó là bởi vì không như Hạ viện Anh, Bundestag không chiếm lĩnh vị thế trung tâm đời sống chính trị Đức.
(33) Alec Douglas-Home (1903 – 1995) làm thủ tướng Anh từ tháng 10 năm 1963 đến tháng 10 năm 1964. Ông là thủ tướng gần đây nhất của Anh lên nắm quyền khi đang là thành viên của Thượng viện Anh. Sau đó, ông từ bỏ thân phận quý tộc rồi nhận lấy một ghế trong hạ viện để giữ khoảng thời gian làm thủ tướng còn lại.
Cho tới thời bà Angela Merkel, tất cả thủ tướng Đức đều từng làm thủ hiến bang hoặc ít ra là chính trị gia nổi bật ở địa phương. Ông Konrad Adenauer là cựu thị trưởng Cologne, ông Ludwig Erhard có thời làm bộ trưởng kinh tế bang Bavaria, ông Kurt Georg Kiesinger từng giữ vai trò thủ hiến bang Baden-Württemberg, ông Willy Brandt trải qua vị trí thị trưởng Berlin, ông Helmut Schmidt làm bộ trưởng nội vụ ở Hamburg, ông Helmut Kohl giữ chức thủ hiến bang Rheinland Pfalz, và ông Gerhard Schröder từng làm thủ hiến bang Lower Saxony.
Chỉ có ba ông trong số họ – Erhard, Brandt và Schmidt – cũng từng đảm nhận chức bộ trưởng trong chính phủ liên bang. Khởi nghiệp với vai trò chính trị gia địa phương, họ đã tạo nên bước đột phá then chốt để vươn tới thành công và được công nhận. Chính nhờ việc được biết tới ở địa phương đã đưa họ đạt đến tầm quốc gia.
Tương tự với các ứng viên thủ tướng. Ông Stoiber làm thủ hiến bang Bavaria năm 2002 và trước khi ông Gerhard Schröder thành công vào năm 1998, ba ứng cử viên của SPD từng thách thức ông Helmut Kohl đều có thời gian làm thủ hiến bang: ông Johannes Rau đến từ bang North Rhine Westphalia (tranh cử năm 1987), ông Oskar Lafontaine từ bang Saarland (năm 1990) và ông Rudolf Scharping từ bang Rheinland Pfalz (năm 1994). Về khía cạnh này, chính trường Đức giống với Mỹ. Số tổng thống Mỹ xuất thân là thống đốc bang nhiều hơn hẳn so với cựu thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ.
Làm thủ hiến bang không chỉ là bệ phóng tiềm năng tới ghế thủ tướng mà còn mở ra con đường đến văn phòng cấp bộ trưởng liên bang. Trong số khoảng 25 bộ trưởng nội các dưới thời ông Gerhard Schröder, có 7 người là cựu thủ hiến. Ngược lại, chỉ một hoặc hai bộ trưởng của ông là thành viên kỳ cựu của Bundestag và tạo được danh tiếng chính trị nhờ vào thành tựu ở đó. Tình hình thay đổi khi bà Angela Merkel lên cầm quyền. Bản thân bà không phải cựu thủ hiến, cũng chưa từng làm việc trong chính quyền bang. Và cũng chẳng có cựu thủ hiến nào trong nội các của bà.
Về nhiều mặt, bà Angela Merkel là một thủ tướng khác thường. Không chỉ vì bà là phụ nữ và là một “Ossi” (người Đông Đức) mà còn vì bà theo đạo Tin Lành, từng ly dị và là một nhà vật lý – sự kết hợp độc đáo đối với vị trí lãnh đạo của một đảng từng được điều hành bởi các luật sư Công giáo hoặc các sử gia thuộc gia đình dòng dõi. Ở tuổi 51, bà là thủ tướng Đức trẻ nhất từ trước tới giờ. Trên tất cả, bà khác thường ở cái cách trở thành lãnh đạo đảng của mình. Bà đi đúng con đường mà bà Margaret Thatcher đã đi: thách thức đương kim chủ tịch đảng trong khi các đối thủ của bà không đủ can đảm làm thế. Bà Thatcher (giống bà Angela Merkel ở chỗ cũng là “người ngoài” vì bà theo giáo hội Kháng Cách, kết hôn với một người đã ly dị và là cử nhân hóa học) đối đầu với ông Edward Heath để giành quyền lãnh đạo Công đảng vào năm 1976. Khi đó, các đồng sự của bà không làm thế vì bị bó buộc bởi lòng trung thành, hoặc là sự trì trệ. Bà từng là bộ trưởng giáo dục nhưng chưa hề nắm giữ vị trí quan trọng nào trong nước. Bà cũng không được yêu thích đặc biệt trong nội bộ đảng trong khi có nhiều quý ông, như ông Willie Whitelaw, được cho là phù hợp hơn với vị trí thủ lĩnh. Nhưng nhờ nắm thế chủ động mà bà Thatcher đánh bại được họ.
Bà Angela Merkel cũng từng làm bộ trưởng nội các (phụ trách môi trường) dưới thời ông Helmut Kohl, người hay tỏ vẻ bề trên khi gọi bà là “das Mädchen” (cô bé), nhưng bà được đánh giá là người có năng lực hơn là một ngôi sao chính trị. Năm 2000, bà trở thành tổng thư ký của CDU, một chức vụ quan trọng trong đảng nhưng thường không phải là bệ phóng đến vị trí cao nhất.
Nhưng tới năm 2002, bà chớp lấy thời cơ. Đảng CDU bị bao trùm bởi các bê bối tài chính, trong đó có nhiều vụ góp quỹ bằng tiền mặt đựng trong các phong bì màu nâu của các nhà tài trợ ẩn danh. Bà lên án mạnh mẽ hệ thống chính trị dung túng cho hành vi như vậy và kêu gọi thay đổi. Việc này dẫn đến sự từ chức của ông Wolfgang Schäuble, người kế nhiệm ông Kohl làm chủ tịch đảng và bản thân cũng nhận một trong số phong bì. Bà Angela Merkel tự tiến cử mình làm người thế chỗ ông Schäuble và được bầu chọn mà không vấp phải sự phản đối nào tại hội nghị đặc biệt của đảng. Bà đã đánh trúng tâm lý công chúng và những “quý ông” trong đảng bị bỏ lại dù trước đó họ từng tự cho rằng mình phù hợp hơn với vị trí đó. Hơn một thập kỷ sau, một vài người trong số đó vẫn chưa thể thật sự tin rằng bà Merkel là lãnh đạo đảng. Bà không có đặc trưng của Stallgeruch, tức là có nhiều năm gắn bó mật thiết với các sự vụ của đảng và quen thuộc với các thói tật cũng như nhược điểm của đảng – điều mà hầu hết lãnh đạo CDU và SPD đều thông hiểu. Ông Helmut Kohl là ví dụ điển hình cho điều này.
Tôi ăn trưa cùng bà không lâu sau khi bà trở thành chủ tịch đảng. Bà thẳng thắn nhìn nhận mình khác với những người tiền nhiệm như thế nào, cũng như việc bà đắc cử gây sốc ra sao cho những thành viên nệ cổ trong đảng. Nhưng bà lưu ý rằng với nhiều người trong số họ, chuyện bà lớn lên ở Đông Đức và theo đạo Tin Lành đáng lo ngại hơn việc bà là nữ giới.
Bà cũng hiếu kỳ một cách đáng ngạc nhiên. Bà hỏi tôi rất nhiều về hệ thống chính trị Anh, về lượng thời gian mà các thủ tướng Anh trải qua ở khu vực bầu cử của mình, về mối quan hệ giữa thủ tướng và nghị sĩ cấp thấp. Tôi cảm thấy bà đang chuẩn bị cho vai trò quốc tế mà một thủ lĩnh đảng có thể có, đồng thời hào hứng tận dụng bữa ăn trưa để thu thập thêm thông tin cho mình.
Nói Bundestag không chiếm lĩnh vị trí trung tâm của đời sống chính trị Đức thì không có nghĩa là hạ thấp vai trò hay tầm quan trọng của cơ quan này. Các chính phủ và thủ tướng Đức chỉ có thể điều hành với sự hậu thuẫn của Bundestag. Bundesrat không đóng vai trò gì trong điều này.
Tuy nhiên, Bundestag không phải là con đường duy nhất dẫn đến quyền lực chính trị. Các bộ trưởng trong chính phủ liên bang Đức, kể cả các thủ tướng, không nhất thiết phải là thành viên Bundestag. Theo thông lệ, trước một cuộc bầu cử liên bang, các đảng lớn phải thông báo ứng cử viên cho ghế thủ tướng của mình và do đó, ứng viên này cũng đại diện đảng cho cuộc bầu cử vào Bundestag. Nhưng thủ tướng mới có thể được bổ nhiệm giữa các cuộc bầu cử nên bất cứ ai ngoài Bundestag cũng có khả năng được đề cử. Ông Kurt Georg Kiesinger là thủ tướng đắc cử theo cách này vào năm 1966, khi ông đang là thủ hiến bang Baden-Württemberg.
Mỗi bộ trong chính phủ liên bang có ít nhất một quốc vụ khanh nghị viện – tương đương thứ trưởng và là một thành viên Bundestag. Nếu không, các đảng tham gia liên minh cầm quyền sẽ bổ nhiệm người họ chọn. Hiếm có chuyện bộ trưởng mà không có kinh nghiệm chính trị (dù không phải không có). Kinh nghiệm như vậy có thể được tích lũy hiệu quả thông qua phục vụ trong chính quyền hay nghị viện bang, hoặc ở những cấp độ khác của chính quyền dân sự, như trong Bundestag.
Do đó, nếu bạn là một thanh niên Đức có tham vọng chính trị và ôm giấc mơ trở thành lãnh đạo nước mình một ngày nào đó, bạn không cần nghĩ ngay đến chuyện phải ứng cử vào nghị viện quốc gia. Bạn nên gầy dựng sự nghiệp trong giới chính trị địa phương trước và cố gắng xây dựng một nền tảng quyền lực ở đó.
***
Ngay cả trong thế giới chính trị tầm quốc gia, các lợi ích vùng vẫn rất quan trọng. Điều này thể hiện trong cách Bundestag vận hành. Các hoạt động của Bundestag đi theo một khuôn mẫu. Trong một tháng, họ thường nhóm họp một tuần. Vì vậy, các chính trị gia không phải là bộ trưởng chính phủ chỉ xuất hiện ở Berlin trong những Sitzungswoche (kỳ họp) như vậy. Thời gian còn lại họ làm việc tại đơn vị bầu cử của mình ở các khu vực. Họ đến Berlin vào thứ Hai. Tới tối thứ Hai, các Landesgruppen (nhóm nghị sĩ Bundestag đến từ các bang) – ít nhất có thành viên hai đảng lớn nhất – gặp nhau để thảo luận về các vấn đề sẽ có mặt trong chương trình họp tuần sắp tới. Đến thứ Ba, toàn bộ Fraktion (các nhóm nghị viện) nhóm họp. Đây thường là những cuộc họp quan trọng trong tuần và các bộ trưởng chính phủ tham dự các cuộc họp ở Fraktion của mình rất nghiêm túc. Sang thứ Tư, đến lượt các ủy ban của Bundestag họp bàn về các dự thảo luật và thảo luận bất cứ vấn đề gì mà họ chọn. Phiên toàn thể của Bundestag diễn ra trong thứ Năm. Vào trưa thứ Sáu, kỳ họp thường chấm dứt và các thành viên nghị viện chuẩn bị trở về đơn vị bầu cử của mình.
Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ và nhiều kỳ họp khẩn cấp được tổ chức để bàn bạc những vấn đề đang nóng bỏng. Nhưng để triệu tập một kỳ họp khẩn cấp cần 2 ngày thông báo. Bundestag do đó không phải là cơ quan liên tục xen vào nhịp sống của công chúng, cũng như không phải là nơi mà các bộ trưởng phải báo cáo công việc thường xuyên.
Ví dụ, ở Đức không có hình thức tương đương các cuộc chất vấn thủ tướng, hay thật ra là các bộ trưởng nói chung, như tại Hạ viện Anh. Thực tế này cũng cho thấy ở Đức không có thủ lĩnh phe đối lập, dù là chính thức hay không chính thức. Chỉ đến khi chạy đua cho bầu cử liên bang, các đảng mới quyết định ứng viên cho chức thủ tướng.
Đối với đảng cầm quyền, việc đề cử ứng viên cho tới nay chỉ mang tính thủ tục. Chưa có thủ tướng Đức nào không tái ứng cử và chưa có đảng nào tìm cách rũ bỏ một thủ tướng đương nhiệm. Đó là lý do mà ông Helmut Kohl công khai xem sự kiện bà Margaret Thatcher bị ép phải từ bỏ quyền lực vào năm 1990 là tồi tệ và sai trái, dù hai người không có quan hệ hữu hảo.
Đối với phe đối lập, chọn người làm ứng viên thủ tướng thường là quyết định khó khăn. Chẳng hạn, không phải cứ chủ tịch đảng hễ muốn là hiển nhiên trở thành ứng cử viên. Năm 1998, ông Oskar Lafontaine là chủ tịch đảng SPD và rất mong muốn làm thủ tướng – ông từng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1990 khi được SPD đề cử. Nhưng lần này, trong đảng ông có đối thủ đáng gờm khác là Gerhard Schröder và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Schröder được yêu thích hơn hẳn, cũng như có cơ hội đánh bại ông Helmut Kohl cao hơn.
Bản thân ông Schröder phải đối mặt một cuộc bầu cử ở bang Lower Saxony, nơi ông làm thủ hiến, vào mùa xuân năm đó (bầu cử liên bang tới tháng 9 mới diễn ra). Ông Schröder đã khôn khéo tận dụng cuộc bầu cử bang thành một dạng bỏ phiếu sơ bộ. Ông tuyên bố nếu không đạt được một kết quả nhất định (thực ra cũng không phải tham vọng lắm), ông sẽ không xem mình là một ứng cử viên đáng tin cậy cho chức thủ tướng. Ông dễ dàng vượt qua thử thách tự đặt ra và dùng kết quả đó củng cố tính chính danh của mình. Tỷ lệ ủng hộ ông tăng hơn nữa và ông Lafontaine quyết định không đấu với Schröder trong cuộc tuyển lựa ứng cử viên tại đại hội đảng.
Thành công của ông Schröder cuối cùng khiến ông Lafontaine phải bỏ đảng. Năm 2000, trong sự oán giận không được lý giải, ông Lafontaine từ chức chủ tịch đảng SPD và chức bộ trưởng tài chính. Sau một thời gian dài, ông gia nhập Die Linke, đảng có liên kết với đảng Cộng sản cũ của Đông Đức, và có thời gian làm đồng chủ tịch đảng này. Đảng SPD sau đó không gặp may khi chọn ứng viên thủ tướng không phải là chủ tịch đảng. Năm 2009, SPD nghiêng về ông Frank-Walter Steinmeier thay vì chọn ông Kurt Beck và tới năm 2013, họ chọn ông Peer Steinbrück chứ không chọn ông Sigmar Gabriel. Cả hai nhân vật được chọn đều thua.
Trong trường hợp của CDU và CSU, chuyện chọn ứng cử viên thủ tướng phức tạp ở chỗ hai đảng là các thực thể riêng biệt song lại phải đồng thuận về một đại diện chung. Đã có hai lần thủ lĩnh của đảng nhỏ hơn, tức CSU, được đề cử. Lần đầu vào năm 1980, ông Franz Josef Strauss được chọn thay vì ông Helmut Kohl. Tới năm 2002, ông Edmund Stoiber vượt qua bà Angela Merkel. Dù cả ông Kohl và bà Merkel đều là chủ tịch đảng CDU lớn hơn nhưng vào thời điểm đó, họ còn khá mới mẻ trên cương vị của mình và chưa hoàn toàn thống trị trong đảng. Do đó, các đối thủ nội bộ có thể ngăn chặn họ chạm tới cơ hội trở thành thủ tướng.
Không có ứng viên nào của CSU giành chiến thắng và trong hai trường hợp kể trên, xuất thân Bavaria của hai ứng viên bị nhiều nhà quan sát đánh giá là điểm hạn chế. Có lẽ là vậy. Nhưng chiếu theo tiêu chuẩn lịch sử, thành tích của họ không hề tệ. Năm 1980, liên đảng CDU/CSU giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử hợp tác. Năm 2002, họ suýt trở thành đảng lớn nhất tại Bundestag. Và trong cả hai năm này, họ đối mặt các đương kim thủ tướng rất mạnh và được ủng hộ của SPD là ông Helmut Schmidt và Gerhard Schröder.
***
Việc thiếu vắng thủ lĩnh đối lập lý giải vì sao Bundestag không phải là một cơ quan đối đầu. Nguyên nhân khác nằm ở bản chất của cơ quan này.
Bundestag được bố trí theo hình bán nguyệt và các thành viên ngồi thành nhóm theo đảng của mình. Những ai phát biểu thì lên bục đứng và hiếm khi bị ngắt lời. Vị trí và thời gian phát biểu được sắp xếp theo cấp bậc và rất ít khi xảy ra chuyện tự phát hay cảm xúc thái quá. Đây là một nghị viện dành cho kiểu tranh luận mang tính lý trí giữa những con người hiểu biết và mong muốn tìm đến sự đồng thuận, chứ không phải kiểu dữ dội và hỗn loạn như Hạ viện Anh.
Kết quả là hùng biện chính trị không phải là một kỹ năng được đánh giá cao ở Đức. Danh tiếng của Bundestag không được tạo ra bởi sự khéo léo hay khả năng đặt những câu hỏi hóc búa (hoặc trả lời xác đáng). Thay vào đó là sự tinh thông chuyên môn và làm việc chăm chỉ trong các ủy ban, kể cả ủy ban của Bundestag lẫn của các Fraktion và các cơ quan thành phần.
Trình độ chuyên môn được khuyến khích bởi một hệ thống chuyên môn hóa. Mỗi Fraktion có chủ tịch và các phó chủ tịch, cùng người phát ngôn riêng cho các lĩnh vực chính sách chính (đối ngoại, quốc phòng, y tế, xã hội, kinh tế, thuế,…). Ngoài ra, từng thành viên của Fraktion chịu trách nhiệm, dù không chính thức, về những vấn đề hay mối quan hệ đặc biệt.
Dĩ nhiên, ở nghị viện nào cũng vậy, mỗi thành viên đều có những lợi ích và mối quan tâm riêng. Ở Bundestag, điều này được chính thức hóa hơn. Thế là có một số lượng khổng lồ các nghị sĩ đảm nhận trách nhiệm ở nhóm của đảng mình lẫn ở Bundestag. Thành quả đổi lại là mức độ tinh thông về một vấn đề nào đó.
Các nghị sĩ cấp thấp trong Bundestag, vốn cảm thấy mình không đóng vai trò nào và cũng không có triển vọng thăng tiến lên cấp bộ trưởng, ít tỏ ra thất vọng. Thật ra, hầu hết thành viên Bundestag ít tham vọng về những thăng tiến như vậy. Có hai nguyên nhân cho thực tế này. Thứ nhất, số bộ trưởng ở Đức ít hơn nhiều so với Anh, không phải tất cả họ được bầu ra và Đức cũng không có truyền thống cải tổ nội các (dù các bộ trưởng đôi khi từ chức vì lý do riêng, song thường là họ sẽ làm hết nhiệm kỳ 4 năm). Do đó, cơ hội để bước lên nấc thang bộ trưởng rất ít ỏi. Thứ hai, Bundestag có liên hệ trực tiếp với chính phủ theo cách mà Hạ viện Anh không có. Việc làm luật được bàn bạc trước với các Fraktion của các liên minh đảng chính trị, nhiều lúc còn thương thảo với các đảng đối lập. Quan điểm của các chuyên gia trong Fraktion và các bộ trưởng được cân nhắc rất nghiêm túc. Sự ủng hộ của họ không phải tự nhiên mà có: cần thuyết phục họ cho được.
Ở Đức, làm việc trong nghị viện không phải là kiểu sự nghiệp chính trị loại hai. Vị trí chủ tịch và thành viên cấp cao trong các ủy ban của Bundestag không phải được phân chia để làm quà an ủi cho những ai nuôi hy vọng, hoặc bị tuột mất, ghế bộ trưởng. Sự xuất chúng trong Bundestag có giá trị riêng. Chức chủ tịch Fraktion là một trong những vị trí cao cấp nhất của chính trường Đức, chỉ xếp sau thủ tướng (trong trường hợp đó là đảng cầm quyền) và ngang hàng chủ tịch đảng (trong trường hợp đó là đảng đối lập). Trong các cuộc phỏng vấn và tọa đàm trên truyền thông, một chuyên gia của Bundestag thu hút sự chú ý không thua gì bộ trưởng. Trong chính trường Đức không có hiện tượng nghị sĩ cấp thấp bất bình vì không đủ cơ hội thăng tiến lên bộ trưởng, hay bực bội vì bị đối xử như những kẻ vận động hành lang.
***
Nếu được hỏi mục đích cơ bản của họ trong Hạ viện Anh là gì, hầu hết nghị sĩ Anh có thể sẽ nói đó là đại diện cho cử tri (hoặc họ tin như thế hoặc họ nghĩ rằng đây là câu trả lời phù hợp). Các đồng nghiệp của họ ở Đức nhiều khả năng nói đó là kiểm soát chính phủ. Không phải các thành viên của Bundestag không có khu vực bầu cử nhưng mối quan hệ giữa họ với các cử tri đi theo một hình thức khác.
Bundestag có khoảng 630 thành viên. Phân nửa số này được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử trên cơ sở phiếu bầu cao nhất. Nửa còn lại được chọn ra từ các danh sách đảng ở bang – số nghị sĩ tương ứng với tổng số phiếu mà các đảng nhận được. Các ứng viên thắng ở khu vực bầu cử không bị phụ thuộc vào kết quả chung của đảng mình. Nhưng để nhận được ghế phân phối thì các đảng phải đạt được ít nhất 5% tổng số phiếu bầu toàn quốc.
Không hề có sự khác biệt giữa một nghị sĩ Bundestag được bầu trực tiếp và người được chọn theo danh sách đảng. Trong suốt 16 năm làm thành viên Bundestag với tư cách thủ tướng liên bang, ông Helmut Kohl chỉ được bầu trực tiếp tại khu vực bầu cử đúng một lần. Ông Gerhard Schröder chưa bao giờ đại diện cho một khu vực bầu cử nào.
Hệ thống này rõ ràng có nhiều sức hút. Nó có chế độ đại diện tỷ lệ để đảm bảo thành phần của nghị viện quốc gia thể hiện được số phiếu bầu mà các đảng nhận được. Nó duy trì mối liên kết giữa nghị sĩ và khu vực bầu cử. Nhờ nó, các đảng cực đoan thiểu số khó được bầu chọn hơn và Đức có được sự ổn định chính trị đáng kể từ năm 1948. Các chính phủ của Đức thường kéo dài đến hết nhiệm kỳ 4 năm. Liên minh đảng phái là đặc trưng của chính trường Đức, nhưng thường chỉ bao gồm hai đảng; trừ một lần duy nhất vào năm 1982, thành phần liên minh cầm quyền thay đổi vào giữa nhiệm kỳ.
Và dường như cử tri Đức biết các nghị sĩ Bundestag của họ làm được gì và không làm được gì. Họ không trông chờ các nghị sĩ giải quyết khó khăn nhà ở của mình hay xen vào các vấn đề địa phương vốn nằm trong quyền hạn của chính quyền bang hoặc hội đồng địa phương. Với thực tế Bundestag chỉ nhóm họp một tuần mỗi tháng, các nghị sĩ Đức dành rất nhiều thời gian ở địa phương. Nhiều người tổ chức tiếp dân ở các khu vực bầu cử tương ứng, qua đó lắng nghe ý kiến cử tri trong các cuộc gặp riêng. Nhưng phần lớn họ sử dụng thời gian ở quê nhà để duy trì sức hút chính trị của bản thân. Các đảng địa phương sẽ quyết định ai ra ứng cử ở từng khu vực bầu cử cũng như thứ tự ứng viên xuất hiện trong danh sách của vùng. Trong khi khó mà loại trừ một chính trị gia nổi trội ở tầm quốc gia thì với những người khác, mỗi cuộc bầu cử đồng nghĩa với một thử thách mới để củng cố sự ủng hộ của đảng nhà.
Chính vì vậy, họ chăm chỉ tham dự các cuộc họp của đảng tại địa phương. Khi phát biểu trước công chúng, quan điểm của họ thường là trung thành với đảng. Các chính khách phi đảng phái không phải là không có, song thường thì nghị sĩ Đức xem trọng lòng trung thành với đảng hơn là với các cử tri.
***
Kể từ khi hình thành vào năm 1948, Cộng hòa Liên bang Đức luôn theo hệ thống đa đảng. Trong Bundestag đầu tiên – được bầu vào năm 1949, có tổng cộng 12 đảng. Trong Bundestag của năm 2013, có 5 đảng. Trong quãng thời gian đó, 8 đảng đã biến mất trên chính trường quốc gia, một đảng mới ra đời (đảng Xanh) và một đảng tự tái tạo (Die Linke).
Trong suốt thời gian tồn tại, Bundestag bị thống trị bởi hai khối – Dân chủ Cơ Đốc giáo và Dân chủ Xã hội – và một trong hai khối này thường kết hợp với một đảng nhỏ để hình thành chính phủ liên bang. Các ngoại lệ xảy ra vào giai đoạn 1966 – 1969, 2005 – 2009 và từ năm 2013 đến nay(34), đó là khi hai khối bắt tay với nhau để tạo thành một Đại liên minh với thủ tướng là người của Dân chủ Cơ Đốc giáo.
(34) Tính đến năm 2016.
Cả Dân chủ Cơ Đốc giáo và Dân chủ Xã hội đều có gốc rễ sâu rộng trong lịch sử chính trị Đức, song họ đạt đến hình thức và hệ tư tưởng như ngày nay ngay trong hai thập niên đầu của Cộng hòa Liên bang. Hai đảng đều mô tả mình là Volksparteien (đảng của nhân dân), tức là cùng mong muốn đại diện cho quảng đại quần chúng và giành được tỷ lệ phiếu phổ thông đáng kể. Nhìn chung, họ đều thành công với các mục tiêu trên. Chưa có bên nào trong hai đảng giành được ít hơn 20% tổng số phiếu quốc gia (riêng Dân chủ Cơ Đốc giáo luôn từ 25% trở lên) trong khi không có đảng nào khác từng có được hơn 15% số phiếu.
Như tên gọi chỉ ra, Dân chủ Cơ Đốc giáo là một đảng bảo thủ với đặc tính nguyên thủy là hỗ trợ các giá trị đạo đức của Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tầm nhìn xã hội của đảng bị châm biếm là phản ánh quan niệm của thế kỷ 19 “Kirche, Küche, Kinder” (tức là nhà thờ, nhà bếp, trẻ em) và theo truyền thống thì Dân chủ Cơ Đốc giáo mạnh nhất ở các vùng có đa số người theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt là ở phía Nam nước Đức. Nhưng qua năm tháng, đảng này đủ nhanh nhạy để hiện đại hóa và tiếp tục mở rộng đối tượng cử tri chứ không chỉ nhắm vào những người đi nhà thờ. Trong suốt lịch sử của Cộng hòa Liên bang (chỉ trừ 10 năm), đây luôn là đảng lớn nhất trong Bundestag và tất cả thủ tướng của Đức (chỉ trừ 20 năm) là người của Dân chủ Cơ Đốc giáo.
Đảng “chị em” của CDU ở Bavaria là Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU), với đường lối bảo thủ hơn về mặt xã hội và bảo vệ nhiều hơn quyền lợi của bang, bao gồm quyền phân phối trợ cấp. CSU thống trị chính trường Bavaria. Tất cả thủ hiến của Bavaria kể từ năm 1957 tới nay đều xuất thân từ CSU.
Dân chủ Xã hội (SPD) là một đảng riêng. Đảng bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx nhưng tại đại hội đảng tổ chức ở Bad Godesberg vào năm 1959, Dân chủ Xã hội chính thức đi theo hướng kinh tế thị trường. Họ gỡ bỏ bất cứ chương trình nào của đảng liên quan đến quốc hữu hóa hay phản đối chủ nghĩa tư bản (tương tự việc dỡ bỏ Điều 4 trong chương trình của Công đảng Anh vào năm 1995). SPD có đông thành viên (thường là nhiều hơn CDU) và dù có quan hệ gần gũi với các nghiệp đoàn thương mại Đức nhưng đảng vẫn không bị phụ thuộc về mặt tài chính.
Trong hầu hết lịch sử Cộng hòa Liên bang, đảng khác duy nhất từng được liên minh để lập thành chính phủ Đức là đảng Dân chủ Tự do (FDP). Đảng này tham gia nắm quyền trong các giai đoạn 1949 – 1956, 1961 – 1966, 1969 – 1998 và 2009 – 2013, với tổng thời gian còn dài hơn từng đảng trong hai đảng chính. Từ năm 1949 – 1956, 1961 – 1966, 1982 –1998 và 2009 – 2013, FDP là đối tác trong liên minh do CDU dẫn dắt, còn từ năm 1969 –1982 họ bắt tay với SPD. Trong phần lớn thời gian nằm trong chính phủ – dưới thời cả hai đảng lớn, FDP nắm vị trí bộ trưởng ngoại giao.
FDP đại diện cho chủ nghĩa tự do cổ điển: không chỉ kinh tế thị trường tự do mà xã hội cũng cởi mở. Đảng này thường giành được 5 – 10% tổng số phiếu bầu cả nước. Thành công lớn nhất của đảng là vào năm 2009, với tỷ lệ phiếu bầu 14,65% và đạt được 93 trên tổng số 622 ghế của Bundestag. Bốn năm sau, FDP lại không đạt được ngưỡng 5% tổng số phiếu và biến mất khỏi chính trường quốc gia.
FDP được xem là ủng hộ châu Âu nhiều nhất trong tất cả đảng phái ở Đức và điều này có thể góp phần vào thất bại của họ năm 2013. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Chủ tịch đảng, ông Guido Westerwelle, không đạt được thành tựu gì khi đảm nhận chức bộ trưởng ngoại giao dưới thời bà Angela Merkel và bị buộc từ chức lãnh đạo đảng. Cả hai người kế nhiệm ông là Rainer Brüderle và Philip Rössler (hiện tượng lạ trong giới chính trị gia Đức vì là người gốc Việt Nam và được nhận nuôi) cũng không ghi được dấu ấn trên cương vị bộ trưởng kinh tế. Tới năm 2013, FDP dường như mất phương hướng và trở nên thừa thãi.
Người ta vẫn đang quan sát xem FDP có thể phục hồi được hay không. Tới nay, các dấu hiệu khá phức tạp. Trong các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2014, đảng này rớt xuống mốc 3%; còn tại các cuộc bầu cử bang kể từ đó, thành tích của FDP tệ hại. Với việc không có đại diện nào ở Bundestag và ở nhiều nghị viện bang, FDP mất gần hết ngân sách của mình. Trong các cuộc thăm dò dư luận quốc gia vào cuối năm 2016, đảng này chỉ nhỉnh hơn ngưỡng 5%. Thật khó để tìm ra phân khúc thích hợp trên “thị trường bầu cử” mà FDP có hy vọng trám chỗ. Trong khi một số đảng ở Đức tàn lụi và phai mờ, số khác lại sinh sôi nảy nở. Đa phần những đảng này chỉ đạt thành công mang tính địa phương và thậm chí không sống sót lâu. Duy nhất một đảng dường như đang tồn tại lâu dài trong chính trường quốc gia.
Đảng Xanh vốn có nguồn gốc từ một phong trào biểu tình. Đảng viên đảng này là hậu duệ của Sixty-Eighters(35), thế hệ dấn thân vào chính trị thông qua các cuộc biểu tình sinh viên và để lại dấu ấn sâu sắc ở Đức hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào khác. Trong những năm 1960, nếu những chủ đề thời thượng ở Anh là âm nhạc, thời trang và tự do tình dục thì ở Đức là kỷ nguyên của nhận thức chính trị và thức tỉnh: một kỷ nguyên của giận dữ, của nổi dậy cấp tiến, của sự xa rời thế hệ cha mẹ cũng như các giá trị của họ. Những người biểu tình tại Đức vào năm 1968 là thế hệ đầu tiên lớn lên mà không có những trải nghiệm về thời Thế chiến thứ hai. Dù vậy, họ vẫn tò mò về chuyện gì đã xảy ra với đất nước trong khoảng thời gian 1933 – 1945, tại sao và trên tất cả là vai trò của cha ông mình khi đó là gì.
(35) Những người tham gia phong trào biểu tình năm 1968 ở Đức.
Vào thời điểm trên cũng có biểu tình và tuần hành ở nhiều nơi khác tại châu Âu và Mỹ. Nhưng ở Đức, biểu tình mang tính bản năng và cá nhân nhiều hơn. Những ai xuống đường năm 1968 và nhiều năm sau đó đều thể hiện – và bị đáp trả bằng – một mức độ bạo lực mà gần 50 năm sau vẫn khuấy động sự giận dữ lẫn tranh cãi trong giới trí thức Đức. Sau đó, họ phân hóa thành ba nhóm. Một nhóm thiểu số rất ít chọn con đường khủng bố và biến đổi thành băng đảng Baader-Meinhof, hay còn gọi là Phái Hồng quân(36). Số khác đơn giản là tiếp tục sống và gia nhập giai cấp tư sản. Nhóm còn lại xác định rằng con đường để đạt được thay đổi trong chính trị là hành trình dài thông qua các định chế. Do đó, họ thành lập một phong trào để tạo khuôn khổ hoạt động.
(36) Tiếng Đức là Rote Armee Fraktion (RAF), là tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả được biết đến nhiều nhất trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức.
Phải mất một thời gian để đảng Xanh quyết định họ có thực sự muốn trở thành một đảng chính trị và thực thi quyền lực chính trị hay không. Một số nhân vật từng là nòng cốt của phong trào đã ra đi vì những thỏa hiệp liên quan. Nhưng về tổng thể, đảng quyết định quyền lực chính là thứ họ muốn có. Sau những thành công trong các cuộc bầu cử cấp bang và nghị viện châu Âu, các thành viên đầu tiên của đảng Xanh được bầu vào Bundestag năm 1983 và thủ hiến đầu tiên của đảng này, ông Joschka Fischer, được bổ nhiệm ở Hessen năm 1985 (đôi giày thể thao mà ông mang khi tuyên thệ nhậm chức được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử Đức ở Bonn). Cuối cùng, vào năm 1998, đảng Xanh bước chân vào chính phủ liên bang với tư cách là đối tác nhỏ hơn trong liên minh với đảng Dân chủ Xã hội; ông Joschka Fischer trở thành bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng.
Đảng Xanh thường giành được khoảng 10% số phiếu bầu phổ thông. Như các đối tác của họ ở châu Âu, họ tập trung chủ yếu vào các vấn đề môi trường, còn về chính sách xã hội, quan điểm của họ nghiêng về cánh tả/tự do. So với đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh ủng hộ thị trường tự do hơn nhưng lại ít hợp tác trong cách tiếp cận về các vấn đề kinh tế. Về cơ bản, họ phản đối năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, đảng Xanh tích cực đi theo khuynh hướng hòa bình nhưng kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ quốc gia của họ đã thay đổi điều này. Các bộ trưởng xuất thân từ đảng Xanh trong chính phủ giai đoạn 1998 –2005 đã thông qua việc triển khai lực lượng vũ trang Đức tham gia các chiến dịch của NATO ở Kosovo và Afghanistan, và nhìn chung đảng Xanh ủng hộ họ. Đảng không bao giờ hô hào gây chiến song trong một số trường hợp, họ chấp nhận chiến tranh.
Các đảng khác đều sẵn sàng lập liên minh với đảng Xanh. Đối tác tự nhiên của họ là đảng Dân chủ Xã hội và cho tới nay họ mới chỉ tham gia chính phủ cấp quốc gia với SPD. Tuy nhiên, một liên minh giữa CDU và đảng Xanh từng nắm quyền ở Hamburg (được thừa nhận không phải là một bang điển hình) và nếu một ngày nào đó liên minh này hình thành từ Bundestag thì cũng chẳng phải là chuyện kỳ lạ. Sau cuộc bầu cử liên bang năm 2013, bà Angela Merkel – với tư cách chủ tịch CDU – đã đàm phán về khả năng thành lập chính phủ với đảng Xanh. Nếu thành công, họ sẽ nắm thế đa số trong Bundestag. Đàm phán không đi đến đâu và nguyên nhân thất bại đến từ cả hai phía. Nhưng chỉ riêng việc đàm phán diễn ra cũng cho thấy trong đánh giá của CDU, đảng Xanh nhìn chung là koalitionsfähig (thích hợp để liên minh).
Điều này không đúng với một đảng khác là Die Linke (cánh tả). Nguồn gốc của Die Linke bắt nguồn từ Sozialistische Einheits Partei (SED) trước đây – tức đảng Thống nhất Xã hội, tên của đảng cộng sản ở Đông Đức cũ. Sau khi nước Đức thống nhất, đảng này đổi tên thành Partei Demokratischer Sozialismus (PDS) và thường giành được khoảng 20% số phiếu bầu ở phần phía Đông của nước Đức. Năm 2007, PDS hợp nhất với một nhóm cánh tả tách khỏi đảng Dân chủ Xã hội để trở thành Die Linke. Trong cuộc bầu cử Bundestag năm 2013, Die Linke giành được 8,6% số phiếu, giảm so với thành tích của 4 năm trước đó nhưng vẫn về thứ ba.
Die Linke thu hút phiếu bầu trên khắp nước và có mặt trong nghị viện nhiều bang ở miền Tây của Đức. Dù vậy, sức mạnh thật sự của họ nằm ở phía Đông đất nước. Đảng này giành được khoảng 20% số phiếu hoặc hơn ở tất cả các khu vực thuộc Đông Đức cũ và thường xuyên nằm trong liên minh cầm quyền của chính quyền các bang tại đây, bao gồm Berlin. Năm 2014, một đảng viên Die Linke được bầu làm thủ hiến bang Thüringen – đánh dấu lần đầu tiên đảng này nắm giữ vị trí như vậy.
Die Linke chăm sóc người ủng hộ rất hiệu quả ở cấp độ địa phương. Tôi từng trải qua một ngày với Uwe Klett, thị trưởng (Burgermeister) của Hellersdorf, khu ngoại ô của Đông Berlin. Klett xuất thân từ một gia đình tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa xã hội: cha ông là một lãnh đạo đảng cộng sản ở Đông Đức và bản thân Klett gia nhập SED ở độ tuổi 22. Ngay sau khi nước Đức thống nhất, ông Klett du học vài năm ở Đại học Glasgow (Scotland) nhưng khoảng thời gian này không giảm bớt sự nhiệt tình của ông với chủ nghĩa xã hội cấp tiến. Khi trở về, ông bắt đầu sự nghiệp ở chính trường địa phương với PDS, đảng kế thừa từ SED. Tôi từng gặp ông Klett trước đó và khi tôi nói mình chưa hề đến Hellersdorf, ông liền mời tôi tới thăm. Ông nói: “Chúng tôi không có nhiều đại sứ đến thăm khu vực của mình ở Berlin”.
Nơi ông Klett quản lý ở Berlin thực sự là một thế giới khác. Hellersdorf nằm ở rìa Berlin, giáp với Brandenburg và cách biên giới Ba Lan khoảng 40 km. Cho đến thập niên 1980, nơi đây vẫn là những cánh đồng và bãi cỏ. Trong thập kỷ cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, Hellersdorf được phát triển thành một dự án nhà ở mới. Phong cách này có tên gọi là Plattenbau – bao gồm những tòa nhà từ trung tới cao tầng, có thiết kế giống nhau, không có gì đặc sắc về màu sắc và kiến trúc. Đó là kiểu nhà ở chức năng và giá rẻ (nhưng không vui mắt).
Người dân ở Tây Berlin không bao giờ có thể tưởng tượng ra được cảnh sống ở một nơi như Hellersdorf. Nhưng ông Klett tự hào và quan trọng hơn là người dân địa phương cũng tự hào. Khi ông dẫn tôi tham quan xung quanh, người dân lại gần ông và trò chuyện. Ông hành xử hệt như bất cứ chính trị gia phương Tây giàu kinh nghiệm nào. Ông biết tên họ, hỏi han họ về gia đình, thảo luận bất kỳ vấn đề địa phương nào họ gặp phải, đồng thời hứa kiểm tra những rắc rối họ nêu ra. Nếu tôi sống ở Hellersdorf, chắc chắn tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy.
Tuy thành công tại địa phương nhưng ở tầm quốc gia, không đảng nào khác chịu chấp nhận Die Linke làm đối tác trong liên minh. Nguyên nhân một phần do các chính sách của đảng này: phản đối Đức làm thành viên của NATO và tán thành quốc hữu hóa phần lớn nền kinh tế Đức. Nguyên nhân lớn hơn nằm ở chỗ Die Linke bị xem là gắn bó mật thiết với chế độ Đông Đức (cũ) và do đó họ không thật sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ của Đức.
Sự hiện diện của một đảng mà không ai muốn hợp tác trong Bundestag đã gây nhiều khó khăn cho việc thành lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử năm 2013, chỉ có hai phương án khả dĩ: hoặc liên minh giữa CDU/CSU và đảng Xanh, hoặc một đại liên minh giữa CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội. Xét về cơ bản chính trị Đức, không phương án nào là phù hợp.
Có thể dàn xếp vấn đề này nếu một đảng mới được bầu vào Bundestag vào năm 2017. Đảng được nhắc tới có tên Alternative für Deutschland (AfD, tức Lựa chọn thay thế cho nước Đức). AfD được thành lập vào năm 2013 bởi một nhóm học giả trung niên, hầu hết trong số họ là cựu thành viên hoặc từng ủng hộ CDU. Chính sách chủ chốt của AfD, và cũng là nguyên nhân khiến đảng ra đời, là sự phản đối dành cho đồng euro. Tuy nhiên, đảng này không phản đối toàn bộ EU – như đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP) ở Anh. Theo AfD, việc tạo ra một đồng tiền chung với sự tham gia của các thành viên chênh lệch nhau về kinh tế là một sai lầm. Do đó, nên hủy bỏ euro hoặc thu gọn đáng kể nhóm thành viên xuống chỉ còn Đức, Benelux và Áo.
Ban đầu, AfD bị giới lãnh đạo chính trị Đức chế giễu. Các nhà bình luận lưu ý rằng tất cả nỗ lực thành lập một đảng hoài nghi châu Âu ở Đức trước đây đều công cốc và thủ lĩnh những đảng này đều thiếu sức hút. Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2013, AfD giành được 4,7% số phiếu bầu và chỉ thiếu một chút là có ghế trong Bundestag. Trong cuộc bầu cử châu Âu một năm sau đó, AfD đạt 7% số phiếu và 7 thành viên AfD nằm trong số 96 ứng viên Đức thắng cử.
Khó mà phân loại AfD là cánh tả hay hữu. Chính sách của đảng về các vấn đề châu Âu tương đối rõ. Họ phản đối đồng euro nhưng ủng hộ một EU trả lại những quyền tự quyết nhất định cho các nước thành viên. Chính vì vậy, bất chấp sự phản đối của ông David Cameron và thất vọng của bà Angela Merkel, AfD được chấp nhận là thành viên của Nhóm Bảo thủ và Cải lương trong Nghị viện châu Âu. Các thành viên đảng Bảo thủ Anh cũng thuộc nhóm này. Đối với các lĩnh vực khác, quan điểm của AfD mơ hồ hơn. Nhiều thủ lĩnh đời đầu của họ theo khuynh hướng tự do kinh tế và xã hội (một trong số họ là Hans-Olaf Henkel, cựu chủ tịch Liên minh Công nghiệp Đức và là người ủng hộ nhiệt thành tổ chức Ân xá Quốc tế), nhưng số khác có đường lối dân túy hơn.
Trong các cuộc bầu cử bang được tổ chức sau đó trong năm 2014, AfD đạt thành tích còn tốt hơn với từ 10% số phiếu trở lên ở Saxony, Thüringen và Brandenburg. Đến giữa năm 2015, đảng này giành được 7 – 8% số phiếu toàn quốc và trên đường trở thành nhân tố lâu bền trong chính trường Đức. Tuy nhiên, thành công lại dẫn tới phân tán. Trong số những người đã bỏ phiếu cho AfD tại các cuộc bầu cử nghị viện bang, nhiều người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa và dần dần chiếm quyền kiểm soát đảng. Vào tháng 6 năm 2015, AfD chia làm hai. Chủ tịch kiêm người sáng lập đảng, ông Bernd Lucke, một giáo sư kinh tế ôn hòa và là nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, bị thay thế bởi ông Frauke Petry, một nhân vật cứng rắn hơn. Từng được bầu vào nghị viện bang Saxony, mối quan tâm hàng đầu của ông Lucke là vấn đề nhập cư. Ông Lucke và nhiều thành viên cấp cao của AfD từ chức và lập đảng riêng. Trong vòng vài tháng, tỷ lệ ủng hộ AfD rớt xuống còn khoảng 4% trong khi phân nửa ra đi của đảng dường như biến mất tăm.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tị nạn vào mùa hè năm 2015 đã đem lại làn gió mới cho AfD. Đảng này đã tận dụng sự vỡ mộng của công chúng với chính sách mà bà Angela Merkel ban hành – cho phép bất cứ người Syria nào đến được Đức tị nạn. AfD cũng là đảng duy nhất xem vấn đề nhập cư là mối đe dọa lớn đối với đời sống Đức. Tới tháng 9 năm 2015, tỷ lệ ủng hộ AfD tăng trở lại 7% và tiếp tục tăng trong các cuộc bầu cử nghị viện bang năm 2016. Vào tháng 3 năm 2016, AfD giành được 25% số phiếu và về thứ nhì sau CDU ở bang Sachsen Anhalt thuộc miền Đông. Ở Baden-Württemberg, AfD đạt 15%, con số này ở Rheinland Pfalz là hơn 12%. Đến tháng 9, ngay tại bang nhà của bà Merkel là Mecklenburg-Vorpommern, AfD chạm mốc 20,8% và đẩy CDU xuống vị trí thứ ba. Cùng tháng 9, ở Berlin, AfD có 14,2% số phiếu. Cuối năm 2016, tỷ lệ ủng hộ AfD trên cả nước vào khoảng 12%. Chưa từng có đảng nhỏ nào ở Đức đạt được kết quả tới mức đó. Trong cả ba cuộc bầu cử, nhập cư và cách Thủ tướng Merkel xử lý vấn đề này là yếu tố chính đẩy sự ủng hộ AfD tăng vọt.
Trước sự trỗi dậy của AfD, phản ứng của các đảng chính trị khác ở Đức ban đầu là phớt lờ, tiếp đến là bôi xấu. Bà Angela Merkel và các thành viên của CDU loại bỏ bất kỳ sự hợp tác nào với AfD ở cả cấp bang lẫn liên bang. Trong Nghị viện châu Âu, thành viên của tất cả các đảng ngoại trừ Die Linke hiệp lực để ngăn chặn đại diện của AfD đảm nhận các vị trí trong ủy ban mà theo luật họ được phép.
Nếu AfD vào được Bundestag năm 2017(37) thì gạt họ ra bên lề sẽ càng làm việc thành lập liên minh cầm quyền thêm khó khăn. Nếu cả đảng cánh tả lẫn cánh hữu đều bị xem là đối tác không phù hợp thì lựa chọn lâu dài nhiều khả năng là một Đại Liên minh. Điều này khiến nhiều người Đức không hài lòng. Không như Áo – nơi Đại Liên minh là quy chuẩn trong nhiều thập kỷ, người Đức thường xem điều này là ngoại lệ, chỉ được cân nhắc khi không còn giải pháp nào khác. Họ lo ngại nếu Đại Liên minh diễn ra thường xuyên, như ở Áo, các đảng nhỏ sẽ trỗi dậy và xu hướng cực đoan chính trị sẽ mạnh lên ở cả cánh tả lẫn cánh hữu.
(37) Điều này đã thành hiện thực.
Một số người ở Đức sợ rằng AfD có thể tự phát triển theo hướng này. Sau khi những người sáng lập “ăn cỏ” bị thành phần “ăn thịt” hô hào chống nhập cư lật đổ, AfD rõ ràng nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa hơn. Tại đại hội đảng vào tháng 4 năm 2016, AfD thông qua một chương trình khẳng định Hồi giáo không phù hợp với nước Đức và nên cấm các tháp Hồi giáo, nghi lễ cầu nguyện và mạng che mặt. Đảng này cũng yêu cầu đưa binh lính nước ngoài và vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Đức.
AfD vẫn phản đối đồng euro. Nhưng nhập cư và Hồi giáo giờ mới là chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của họ. Rõ ràng họ được một phần công chúng Đức ủng hộ, dù không đạt tới cùng mức độ như tại Anh. Nhưng đây cũng là mối lo ngại sâu xa về phe cực hữu ở Đức. Sự thành công của AfD chắc chắn làm dấy lên câu hỏi vốn luôn ám ảnh chính trường Đức: liệu một đảng phát xít có giành được quyền lực một lần nữa?
Câu hỏi này là một trong những lý do khiến bà Thatcher phản đối nước Đức tái thống nhất. Bà không tin tưởng hoàn toàn vào các tiêu chuẩn dân chủ của người Đức. Bà sợ trong người họ di truyền đặc tính tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi tính đa cảm và chủ nghĩa dân tộc. Khi đó, bà bị chế nhạo vì suy nghĩ này song biết đâu nhiều người trong thế hệ bà cũng đồng tình.
Dù vậy, mọi bằng chứng đều cho thấy bà đã sai lầm.
***
Đảng Xã hội Quốc gia (Quốc xã Đức) bị cấm ở Đức vào năm 1945 và kéo dài tới tận bây giờ. Tương tự là các luật nghiêm khắc ngăn cấm việc sử dụng các biểu tượng của Đức Quốc xã hay chối bỏ thảm họa diệt chủng Holocaust. Ngày nay, không có đảng chính trị nào lấy cảm hứng từ Hitler hay ý thức hệ của hắn được phép hoạt động ở Đức. Tuy nhiên, trong những năm qua vẫn xuất hiện nhiều nhóm hoặc phong trào có đặc tính, nói một cách dễ nghe là, khó chịu; một vài trong số đó dính líu tới bạo lực và phạm tội.
Các đảng cánh hữu luôn hiện diện ở nước Đức hiện đại kể từ cuối thập niên 1940. Trong tên của các đảng này luôn có từ “Đức”, “quốc gia” hay “nhân dân” và họ nuôi dưỡng một hình ảnh dân túy. Hiện tại, nổi tiếng và thành công nhất trong số đảng này là Dân chủ Quốc gia Đức (Nationaldemokratische Partei Deutschlands – NPD). Đảng này, cùng những đảng tiền thân, nhiều lần giành ghế trong các nghị viện bang, ví dụ ở Sachsen Anhalt vào năm 1998 với gần 13% số phiếu bầu. Thế nhưng, họ chưa bao giờ đạt được chuẩn 5% tổng số phiếu quốc gia để có ghế trong Bundestag. (Năm 2014, một thành viên của NPD được bầu vào Nghị viện châu Âu nhưng sở dĩ họ làm được vậy là nhờ Tòa án Hiến pháp quyết định giảm ngưỡng phiếu để vào được cơ quan này xuống còn 3%.)
Đã có nhiều nỗ lực nhằm làm NPD bị cấm hoạt động. Một nỗ lực như thế đã thất bại vào năm 2002, khi vụ việc được đưa lên Tòa án Hiến pháp và lộ ra rằng hầu hết thành viên của NPD là người cung cấp tin tức, thậm chí là đặc vụ, của Cơ quan An ninh Liên bang. Do đó, tòa không thể xác định nên quy trách nhiệm cho đối tượng nào về các hoạt động của NPD.
Kiểu cực đoan cánh hữu như NPD nhận được rất ít sự ủng hộ cũng như không có mấy ảnh hưởng chính trị ở Đức, nhưng yếu tố tội phạm của họ vẫn “sống khỏe”. Cơ quan An ninh Liên bang Đức ước tính trong nước có khoảng 6.000 phần tử Quốc xã mới có khuynh hướng bạo lực và trên thực tế những năm gần đây, họ bị quy trách nhiệm cho một số vụ tấn công khủng khiếp. Trong thập niên 1990, có nhiều vụ đốt phá các khu nhà dành cho người xin tị nạn. Một trong số này làm nhiều người thiệt mạng. Gần đây hơn, một nhóm tự gọi mình là Tổ chức ngầm Xã hội Quốc gia đã sát hại 10 người nhập cư hoặc người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian 6 năm bắt đầu từ năm 2004.
Những hành động cực đoan hiển hiện công khai, đặc biệt là ở phía Đông nước Đức. Lái xe rời Berlin một quãng ngắn, bạn sẽ nhìn thấy nhiều ngôi làng nhỏ nghèo nàn, với những nhóm đầu trọc xăm hình chữ thập ngoặc lang thang quanh các quán cafe. Có lẽ chúng chưa từng nhìn thấy một người Do Thái hoặc dân nhập cư nhưng vẫn tuôn ra từ mồm mình những lời lẽ hận thù sặc mùi phân biệt chủng tộc của những năm 1930. Dĩ nhiên những băng đảng như vậy có mặt ở hầu khắp các nước châu Âu, song nhìn thấy chúng trên lãnh địa cũ của Hitler vẫn cảm thấy một vẻ độc ác đáng sợ.
Không có lãnh đạo nào của AfD từng dính líu tới hành vi cực đoan. Họ phản đối bất kỳ sự hợp tác nào với các đảng chủ nghĩa dân tộc hay cánh hữu. Họ không ủng hộ những hành động ngoài khuôn khổ nghị viện và tự xem mình là một đảng chính thống nắm bắt được hệ tư tưởng thời đại mà các đảng truyền thống không làm được.
Tuy vậy, việc tập trung vào Hồi giáo khiến AfD có mối liên hệ với một phong trào thịnh hành nhưng có những hành động đáng ngờ. PEGIDA là tên viết tắt của Patriotische Europäer Gegen die Islamisierung des Abendlandes (Những người châu Âu ái quốc chống lại sự Hồi giáo hóa phương Tây). PEGIDA được thành lập năm 2014 bởi ông Lutz Bachmann, một chuyên gia về quan hệ công chúng. Mọi chuyện bắt đầu bằng vài cuộc biểu tình nhỏ mà Bachmann mô tả là đi dạo buổi tối. Sự ủng hộ tăng dần và tới tháng 1 năm 2015, các đám đông biểu tình đã lên đến 25.000 người. Những cuộc tuần hành lớn nhất của PEGIDA diễn ra tại Dresden và Leipzig, các thành phố ở Đông Đức từng chứng kiến biểu tình chống đảng cộng sản cầm quyền vào năm 1989 – một biểu tượng không mấy thoải mái cho quan điểm tự do.
PEGIDA thu hút các phần tử quá khích và kích động sự chống đối công khai. Nhưng vào năm 2015, phong trào này chạy đua cho vị trí thị trưởng Dresden và giành được gần 10% số phiếu bầu. PEGIDA chưa bao giờ lớn mạnh thành một lực lượng chính trị thực sự và khi số lượng người nhập cư giảm xuống, sự ủng hộ dành cho PEGIDA cũng teo tóp. Tới năm 2016, các cuộc biểu tình của phong trào này chỉ còn hàng trăm người tham gia thay vì hàng ngàn. PEGIDA sống sót được hay không còn chưa rõ.
Điều mà PEGIDA phơi bày là ở Đức vẫn có sự thù địch ngấm ngầm với Hồi giáo cũng như người theo đạo Hồi và điều này có thể bị lợi dụng về mặt chính trị. Nhiều người tham gia PEGIDA có quan điểm cực đoan nhưng điều đó không có nghĩa là thái độ thù hằn người Hồi giáo chỉ có ở người cực đoan. Nó cũng ảnh hưởng tới một số người bình thường khác – họ có thể tự gọi mình là bảo thủ, nệ cổ – những người không muốn nhìn thấy đất nước thay đổi giống như những gì đã xảy ra ở nhiều vùng của Anh.
Trên chính trường Đức có một nỗi sợ thầm kín, đó là sự trỗi dậy của một đảng cánh hữu đủ khả năng thu hút những người bình thường này. Đặc biệt, đây là cơn ác mộng với đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo.
Là một đảng riêng biệt ở Bavaria, CSU có thể chủ trương những chính sách xã hội cứng rắn hơn đối với cử tri của riêng mình (vốn thuộc về phía bảo thủ) hơn là chấp nhận đứng về phía tự do hơn ở các vùng Bắc Đức.
Liệu AfD có biến đổi thành, hay mở đường hướng tới, một đảng dân tộc chủ nghĩa được ủng hộ nhiều ở Đức, như Mặt trận Dân tộc ở Pháp, đảng Tự do ở Áo, hay đảng của chính trị gia Geert Wilders ở Hà Lan? Vài năm trước, ý nghĩ này bị hầu hết người Đức bác bỏ. Họ cho rằng khó lòng thay đổi các giá trị dân chủ và tự do trong xã hội Đức. Hơn nữa, quá khứ từ thời Quốc xã khiến người Đức phản kháng kịch liệt bất cứ hình thức dân túy nào có ý kích động dân chúng.
Cả hai luận điểm trên vẫn đúng. Kiểu ngôn ngữ mà ông Jörg Haider(38) dùng ở Áo hay của ông Jean-Marie Le Pen(39) ở Pháp không tạo được cộng hưởng tại Đức. Người Đức luôn nghi ngờ sâu sắc những chính sách mị dân như vậy.
(38) Lãnh đạo phe cực hữu ở Áo, từng là chủ tịch đảng Tự do. Ông sinh năm 1950, mất năm 2008 trong một tai nạn xe hơi.
(39) Ông sinh năm 1928, là chính trị gia cực hữu Pháp đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc từ khi thành lập năm 1972 đến năm 2011.
Nhưng một hướng tiếp cận chín chắn hoặc ôn hòa hơn có thể giành được sự ủng hộ rộng lớn hơn. Phản đối chuyện chi tiền thuế của dân Đức cho những kẻ phung phí ở miền Nam châu Âu, e ngại chính sách cho nhập cư quá mức và gìn giữ các giá trị Cơ Đốc giáo trước sự gia tăng ảnh hưởng của đạo Hồi là sự kết hợp đầy mạnh mẽ của những vấn đề chính trị đang gây lo ngại. AfD đã chứng tỏ họ có thể biến những ủng hộ dành cho mình thành sự thành công trong bầu cử. Không hề hão huyền khi cho rằng thay vì biến mất nhanh chóng như các đảng cánh hữu trước đây, AfD có thể trở thành một thành tố lâu dài của chính trường Đức.
Đảng Xanh đã chứng minh có thể phá vỡ thông lệ ở Đức. Trong vòng hai thập kỷ, họ phát triển từ một nhóm biểu tình thành đối tác trong liên minh cầm quyền. Liệu AfD có làm được như vậy hay không một phần tùy thuộc vào các diễn biến bên ngoài nước Đức – ví dụ một cuộc khủng hoảng đồng euro mới hay một làn sóng nhập cư khác thông qua Địa Trung Hải. Phần quan trọng hơn có lẽ là sự xuất hiện của một nhân vật uy tín đủ sức nắm bắt tâm lý của người dân. Lúc này chưa có ai như thế. Ban lãnh đạo mới của AfD chắc chắn dân túy hơn những người tiền nhiệm ôn hòa trong giới học giả nhưng lại không sở hữu bất kỳ cá tính mạnh mẽ nào.
Lãnh đạo của AfD, bà Frauke Petry, là một cá nhân nổi bật. Bà có bằng tiến sĩ hóa học và một sự nghiệp kinh doanh thành công. Bà sử dụng thông thạo tiếng Anh, từng tốt nghiệp Đại học Reading ở Anh. Tuy nhiên, bà không tỏa sáng trên truyền thông và không khuấy động được đám đông. Bà lại hay nói hớ. Có lần khi được hỏi về vấn đề bảo vệ biên giới Đức, bà nêu ý kiến rằng nên vũ trang cho cảnh sát, lính biên phòng và trong trường hợp cần thiết, cho phép họ dùng vũ khí. Sau đó, bà cố cứu vãn bằng cách nói mình chỉ trích dẫn lại quy định của luật pháp và rằng dùng vũ khí không có nghĩa là giết người. Dù vậy, bà vẫn bị chỉ trích rất nhiều.
Ngay cả khi bà Petry từ chức, cũng không có ai trong ban lãnh đạo AfD đủ hấp dẫn trong mắt những người ủng hộ đảng hiện thời. Chính chương trình của đảng, chứ không phải cá nhân lãnh đạo, là yếu tố thu hút của AfD.
Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai có thể xuất hiện một nhân vật mạnh hơn để thúc đẩy đảng hơn nữa. Không mị dân như ông Le Pen, không phải là chú hề như ông Beppe Grillo(40) của Phong trào Năm Sao ở Ý, cũng không to mồm như ông Nigel Farage của đảng UKIP, mà là một người có khả năng diễn đạt các lo ngại của cử tri AfD thành những điều hợp lý và tự nhiên. Người đó có thể xuất thân ngoài chính trường nhưng đã có sẵn danh tiếng. Cầu thủ bóng đá? Giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn với cá tính, nếu không muốn nói là phong cách, như Donald Trump? Thiếu một đầu tàu như vậy mà AfD có thể đạt được 15% số phiếu thì không có lý do gì đảng này không giành được 20% hoặc hơn dưới sự dẫn dắt của một thủ lĩnh ấn tượng. Nếu thực tế đúng như vậy, chính trị Đức – và cả châu Âu – sẽ thay đổi một cách cơ bản.
(40) Ông Beppe Grillo sinh năm 1948, là một diễn viên hài, blogger kiêm nhà hoạt động chính trị của Ý. Ông đồng sáng lập đảng Phong trào Năm sao vào năm 2009.
Điều này có thể sẽ không xảy ra. Dù sao đi nữa, đây dường như là tính toán của hai đảng chính tại Đức. Tới lúc này, chưa đảng nào chịu nhìn nhận chương trình nghị sự của AfD một cách nghiêm túc. Nghi ngờ về đồng euro vẫn là điều cấm kỵ với họ. Số ít thành viên trong hai đảng lên tiếng chống lại các giá trị Hồi giáo hay đòi hỏi bớt tạo điều kiện cho đa dạng văn hóa đều bị gạt ra bên lề.
Cho dù AfD làm các nhà bình luận bối rối hay tiếp tục gia tăng mức độ ảnh hưởng thì cũng không gây hại cho nền dân chủ Đức – hệ quả không thể hơn được sự thành công của UKIP tại Anh. Nguyên nhân là do AfD vẫn tránh sử dụng những từ ngữ mang tính dân tộc chủ nghĩa hoặc coi thường những giá trị mà họ hưởng lợi lâu nay.
Chủ nghĩa cực đoan chắc chắn không có đất sống ở Đức. Không có cuộc cách mạng nào hiện hữu. Nước này cũng không chệch về cánh hữu. Tình hình chính trị bình ổn, dù là phức tạp hơn trước đây. CDU nhiều khả năng tiếp tục là đảng lớn nhất trong chính trường quốc gia. Điều mà sự trỗi dậy của AfD bộc lộ chính là bên dưới bề mặt đó đang ẩn chứa nhiều sóng ngầm bất mãn hơn những gì giới học giả tạo ra trong quá khứ.
Các chính trị gia và nhà bình luận người Đức thường kiêu ngạo theo dõi công việc vất vả của các đồng nghiệp mình tại các nước châu Âu khác, khi họ phải vật lộn với UKIP, Mặt trận Quốc gia, Phong trào Năm Sao hay Podemos của Tây Ban Nha(41). Họ khó chịu trước việc tiến trình phát triển suôn sẻ của châu Âu bị xáo trộn bởi một số nước châu Âu, không chỉ Anh, phải cầu viện đến trưng cầu dân ý và bầu cử để dẫn đến những kết quả trưng cầu không mong đợi.
(41) Podemos là đảng cánh tả của Tây Ban Nha, được thành lập năm 2014 sau các cuộc biểu tình của Phong trào 15-M chống lại bất bình đẳng và tham nhũng do nhà khoa học chính trị Pablo Iglesias khởi xướng.
Giờ đây đến lượt người Đức lo lắng. Đã có thông tin CSU ở Bavaria muốn phát triển thành một đảng quốc gia và đề cử ứng viên cho những nơi khác. Một số lãnh đạo của CSU cho rằng đó là cách tốt nhất để tranh thủ phiếu bầu của các thành viên bất mãn trong đảng CDU “chị em” – bao gồm những người đánh giá chính sách nhập cư của bà Angela Merkel quá tự do hoặc những người bị lôi cuốn sang đảng AfD.
Đó là một canh bạc khổng lồ. Đảng CDU có thể đề cử ứng viên riêng ở Bavaria và không ai đoán được kết quả sẽ ra sao. Nhưng dù sao đi nữa, hệ thống chính trị cần điều chỉnh cho khớp với sự thay đổi của xã hội. Cả đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và Dân chủ Xã hội đều tự hào là Volksparteien, tức các đảng có sức thu hút rộng rãi và không đại diện cho bất cứ tầng lớp hay nhóm lợi ích cụ thể nào. Nếu họ không nhạy cảm hơn với tâm lý của nhiều người Đức hiện nay về nhập cư và Hồi giáo thì sự tự đánh giá này có thể bị nghi ngờ.
***
Những ai trưởng thành trong nền chính trị truyền thống của Đức sẽ thấy châu Âu có cách điều hành tương tự. Ủy ban châu Âu cũng có chức năng như chính phủ liên bang Đức dù năng lực không tương đương. Sự phân chia trách nhiệm làm luật giữa Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu phản chiếu chính xác quan hệ giữa Bundestag và Bundesrat. Sự hiện diện của trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), cùng quy trình làm việc và phương pháp điều hành, đều giống với Bundestag ở Berlin. Tất cả dấu ấn của chính trị châu Âu – tầm quan trọng của công việc ủy ban, địa vị đứng đầu của các nhóm chính trị và nhu cầu dường như vô hạn của việc đàm phán và thỏa hiệp – không khác những gì mà giới chính trị gia Đức vận dụng trong đời sống chính trị cấp bang và quốc gia của họ.
Với nhiều người ở Anh, kể cả các thành viên người Anh của Nghị viện châu Âu, cách làm việc của EU vừa xa lạ vừa kỳ quái.
Với người Đức, những điều này chỉ là sự nối dài tự nhiên của chính trị trong trước. Không có gì lạ khi người Đức chiếm quá nhiều vị trí cấp cao ở Strasbourg trong những năm gần đây.
Theo quan điểm của Đức, sự tương đồng còn thể hiện ở một thể chế quan trọng khác của Liên minh châu Âu, đó là Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Vai trò và cách hoạt động của ECJ tương ứng với Tòa án Hiến pháp của Đức (tên tiếng Đức là Bundesverfassungsgericht). Có thẩm quyền rất lớn và rất được tôn trọng, Tòa án Hiến pháp có nhiệm vụ thực thi Luật Cơ bản của Đức và đảm bảo tất cả quyết định của chính phủ, cơ quan lập pháp và tư pháp của đất nước phù hợp với luật này. Tòa án Hiến pháp Đức có vai trò rà soát tư pháp, chứ tòa này không phải tòa phúc phẩm phân xử lại các vụ án đã qua cấp sơ thẩm (như kiểu Tòa án Tối cao ở Anh). Tòa án Hiến pháp sẽ hành động nếu có khiếu nại từ các định chế như chính phủ, các đảng chính trị, các bang cũng như các công dân.
Kết quả là tất cả vấn đề đều liên quan đến Tòa án Hiến pháp và phán quyết của tòa bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, chính trị và kinh tế Đức. Gần như bất cứ đạo luật nào gây tranh cãi cũng đều bị đưa ra tòa. Các thẩm phán của tòa do Bundestag và Bundesrat bổ nhiệm. Hầu hết họ ít nhiều theo khuynh hướng chính trị nào đó vì họ được đề cử bởi các đảng chính trị. Nhưng không giống Tòa án Tối cao ở Mỹ, Tòa án Hiến pháp Đức không bị chia rẽ bởi nền tảng chính trị riêng của các thành viên. Danh tiếng của Tòa án Hiến pháp Đức nằm ở sự chuyên nghiệp, gần như là mô phạm, trong việc thực thi một bộ luật bất khả xâm phạm.
Tòa án Hiến pháp Đức không ngần ngại khai tử bất cứ đạo luật nào bị xem là không phù hợp với hiến pháp, dù là cấp quốc gia hay bang, cũng như không chần chừ khi ra lệnh chính phủ liên bang và chính quyền bang hủy bỏ hay chỉnh sửa các quyết định ban hành trước đó. Tòa không bị chỉ trích vì quá tích cực hoặc tìm cách tạo ra, thay vì diễn giải, luật pháp. Người Đức dường như chấp nhận rằng hầu hết hiến pháp là ưu việt và tòa án có quyền quyết định những hàm ý bên trong.
Những phán quyết của tòa về các vấn đề liên quan tới Liên minh châu Âu được theo dõi rất sát từ bên ngoài nước Đức. Lâu nay có nhiều khẳng định, thường là từ phe chống EU, rằng Tòa án Hiến pháp Đức đã đưa luật pháp một nước đứng trên luật EU hoặc áp đặt giới hạn cho quá trình tích hợp châu Âu. Tuy nhiên, đọc kỹ các văn bản liên quan sẽ nhận ra những phán quyết này có nhiều sắc thái ý nghĩa hơn.
Nếu cần thiết, Tòa án Hiến pháp Đức sẵn sàng phán quyết rằng cách làm luật của châu Âu không phù hợp với hiến pháp Đức. Trong những vấn đề cần sự đồng thuận hoàn toàn của EU, chính phủ Đức nhiều khả năng ngăn chặn bất cứ biện pháp nào có thể dẫn đến một phán quyết như thế. Nhưng ở những lĩnh vực được định đoạt bởi bỏ phiếu đa số, cũng như những lĩnh vực mà Đức có nguy cơ bị thua phiếu (nên buộc phải chấp nhận một thỏa hiệp không hài lòng), không thể loại trừ khả năng Tòa án Hiến pháp Đức sẽ can thiệp.
Một ví dụ gần đây là về Chỉ thị Sử dụng dữ liệu vào năm 2006. Tới năm 2010, tòa án phán quyết rằng đạo luật Đức dùng để chuyển đổi chỉ thị trên thành luật pháp quốc gia đã vi phạm hiến pháp và sau đó tòa hủy bỏ nó. Kết quả là Đức bị Ủy ban châu Âu phạt vì không hoàn thành nghĩa vụ. Lập luận cho phán quyết của tòa tập trung vào tính tương xứng và chi tiết, chứ không phải nguyên tắc của chỉ thị; tòa án không đụng tới quyền ban hành luật của EU trong lĩnh vực này cũng như không đặt vấn đề về các mục đích của chỉ thị trên. Tòa chỉ đơn giản phán quyết rằng việc áp dụng chỉ thị này gây ra một số ảnh hưởng không tương xứng lên các quyền tự do cá nhân mà công dân Đức được hưởng.
Phán quyết trên cho thấy ở Đức, hiến pháp nước này – diễn giải bởi Tòa án Hiến pháp Đức – luôn được ưu tiên hơn bất kỳ chính sách nào của Brussels. Từ trường hợp của Đức, một số người ở Anh cho rằng nên có một hiến pháp quốc gia thành văn, hoặc ít nhất là một Đạo luật Quyền lợi. Tuy nhiên, các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức từ trước tới nay ít có ảnh hưởng thực tế đối với chính sách của EU. Tòa không bao giờ chất vấn quyền làm luật của EU trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Trên lý thuyết, tòa có thể làm thế. Tòa án thường quan tâm bảo vệ chủ quyền của Bundestag (được quy định trong hiến pháp) nhưng trong các phán quyết, tòa hay nhấn mạnh rằng EU chỉ có thể điều hành hoặc ban hành luật phù hợp với những quyền lực mà Bundestag trao cho. Tòa án không thách thức việc Bundestag quy cho EU một số thẩm quyền đặc biệt. Thay vào đó, tòa duy trì nguyên tắc rằng Bundestag sẽ quyết định EU có quyền lực hành động và các hành động của EU bị xem là bất hợp pháp nếu EU xa rời các quy tắc mà nhờ đó Bundestag trao cho liên minh này quyền lực.
Đó là một quy định quan trọng. Dựa vào các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức – như về Chỉ thị Sử dụng dữ liệu, có thể thấy tòa án là cơ quan phân xử tối cao về việc luật pháp của EU có được thực thi ở Đức hay không. Điều mà tòa án không xen vào chính là vị thế đứng đầu của chủ quyền nghị viện Đức. Cho tới nay, chưa có phán quyết nào của tòa án bị xem là trao quyền cho Bundestag để thi hành những đạo luật không thích hợp, hoặc thế chỗ, luật EU.
Điển hình cho hướng tiếp cận này là việc tòa án phán quyết về tính hợp pháp của Cơ chế Ổn định châu Âu vào tháng 9 năm 2012. Tòa án xác định một số điều kiện cần thiết để đảm bảo cơ chế này tương thích với hiến pháp Đức, trong đó tập trung bảo vệ thẩm quyền của Bundestag chứ không can thiệp vào quyền của Bundestag đối với nền tảng cũng như các điều khoản của cơ chế này.
Tòa án Hiến pháp rất được tôn trọng ở Đức. Phán quyết của tòa hiếm khi bị chỉ trích và công chúng không thấy bất mãn khi Tòa án Hiến pháp Đức trong chừng mực nào đó “lấn sân” vào chức năng của nghị viện. Quả là có quan điểm rằng tòa án đôi khi đóng vai trò là thành trì bảo vệ quyền tự do cá nhân trước một nhà nước quá hứng thú với quy tắc luật lệ.
Sự tôn trọng dành cho Tòa án Hiến pháp Đức cũng được người Đức thể hiện với Tòa án Công lý châu Âu. Thỉnh thoảng người Đức khó chịu khi phán quyết của ECJ tấn công vào các truyền thống trong nước, như từng xảy ra với luật sản xuất bia của Đức. Nhưng về tổng thể, người Đức có vẻ thừa nhận rằng ECJ hoạt động tốt. Ngay cả khi ECJ can thiệp vào các lĩnh vực như tư pháp và nội bộ Đức gần đây, cũng không có sự phản đối ầm ĩ nào buộc Bundestag phải duy trì quyền làm luật hay phản đối chuyện các công tố viên nước ngoài dẫn độ công dân Đức.
***
Cấu trúc quyền lực EU tương tự với Đức nên hầu hết người Đức cho rằng châu Âu là lãnh thổ chính trị quen thuộc. Những việc làm của EU tuy không phải là lợi ích cấp thiết hàng ngày song chúng rất dễ hiểu và tương thích với những gì người Đức đã quen thuộc ở quê nhà.
EU cũng là một định chế mà trong đó, Đức là thành viên sáng lập và luôn đóng vai trò quan trọng. Ngược lại, Đức chỉ mới gia nhập NATO năm 1955 và tham gia Liên Hợp Quốc vào năm 1973. Quy định và đặc tính của cả hai tổ chức này đều hình thành mà thiếu sự tham gia của Đức. Thêm vào đó, ban đầu Đức phải chịu thời gian thử thách – tức thể hiện hành vi tốt trước khi có tham vọng giành được vị trí dẫn đầu. Phải đến năm 1988, chính trị gia đầu tiên của Đức (ông Manfred Wörner, cựu bộ trưởng quốc phòng) mới trở thành tổng thư ký NATO.
Với EU thì khác hẳn, Đức có mặt từ các cuộc đàm phán khởi nguồn và có thể tự định hình tổ chức này ngay từ đầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đầu tiên vào năm 1957 là cựu bộ trưởng ngoại giao Đức, ông Walter Hallstein (tới nay cũng là người Đức duy nhất giữ cương vị này). Người Đức cũng có niềm tự hào lịch sử tương tự người Anh. Trong thập niên 1940, Anh tham gia rất tích cực trong việc tạo dựng các tổ chức mà sau này góp phần định hình thế giới, bao gồm OECD(42), Hội đồng châu Âu, cũng như Liên Hợp Quốc và NATO. Về phần Đức, họ chung tay tạo ra EU và ngay từ những năm đầu, đây là một cộng đồng kinh tế. Từ đó đến nay, Đức không hề gặp hạn chế nào trong việc thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ của mình lên các chính sách, cấu trúc và thủ tục của EU. Nhiều điều của EU lấy khuôn mẫu trực tiếp từ hình ảnh Đức.
(42) Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Bức tượng bên trên Cổng Brandenburg ở Berlin là một cỗ xe 4 ngựa kéo. Nó được dựng lên để kỷ niệm chiến thắng của Phổ trước Pháp vào năm 1871. Ngày nay, có thể xem bức tượng này đang mô tả 4 định chế then chốt của Cộng hòa Liên bang Đức hiện đại – chính phủ, Bundestag, Bundesrat và Tòa án Hiến pháp. Tất cả định chế này đều có bản sao trực tiếp ở cấp châu Âu – bao gồm Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu.
Những tương đồng còn mở rộng hơn. Ở Đức có Bundeskartellamt (Cơ quan Cạnh tranh liên bang) đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì các quy tắc của nền kinh tế thị trường, tương tự một trong những yếu tố quan trọng của Hiệp ước Rome nguyên thủy là chính sách cạnh tranh. Không có định chế nào tương đương Bundeskartellamt được thành lập ở cấp châu Âu, nhưng trong Ủy ban châu Âu, chức Tổng giám đốc Cạnh tranh (tên ban đầu là DGIV) ban đầu vốn là cơ quan độc lập và mạnh nhất: ủy viên chịu trách nhiệm về chính sách cạnh tranh có khả năng ra quyết định tương tự phán quyết của tòa án mà không cần sự ủng hộ của đồng nghiệp. Trong khoảng 20 năm đầu tiên, người đứng đầu cơ quan này luôn là một người Đức (giống như vị trí Tổng giám đốc về Nông nghiệp, DGIX, nằm trong tay người Pháp trong cùng thời gian trên). Cách tiếp cận của EU với vấn đề cạnh tranh trước sau đều phản chiếu các giá trị của Đức.
Tương tự là vai trò quan trọng của các “đối tác xã hội” trong EU, cụ thể là các chủ doanh nghiệp và nghiệp đoàn. Ở cấp châu Âu, chủ doanh nghiệp và nghiệp đoàn được tổ chức thông qua Cơ quan Kinh doanh châu Âu (trước đây là UNICE, Union des Industries des Pays de la Communauté Européenne) và Liên minh Nghiệp đoàn châu Âu. Đại diện của các tổ chức này có mặt trong nhiều cơ quan cố vấn của EU và Ủy ban châu Âu thường nghe theo tư vấn chuyên môn của họ. Cũng như các đối tác Đức, họ hy vọng được thông báo tình hình và có cơ hội ảnh hưởng lên bất kỳ dự thảo luật nào về kinh tế hoặc xã hội.
Ở cấp EU, không có quy định pháp lý nào buộc phải có các hội đồng lao động và ban giám sát như ở Đức, nhưng trong luật tuyển dụng EU có nói rằng các tổ chức của chủ tuyển dụng lao động và nghiệp đoàn chịu trách nhiệm đàm phán và các chính phủ, nghị viện nên chấp nhận quyết định chung mà họ đưa ra. Đây cũng là dấu ấn của Đức – đậm nét hơn hẳn các quốc gia thành viên còn lại.
***
Những tiếng nói phản đối EU thường cho rằng EU do Pháp tạo ra, dựa trên định nghĩa của Pháp về vai trò của chính phủ. Không sai, trong khoảng 20 năm tồn tại đầu tiên của EU, Pháp là ngôn ngữ thống trị trong các định chế của châu Âu và bộ máy hành chính của Ủy ban châu Âu vận hành theo kiểu Pháp. Nhưng khi bàn tới cấu trúc quyền lực, bản chất của các cơ quan nắm giữ quyền lực cũng như các thủ tục thực thi quyền lực thì EU không theo mô hình Pháp, mà hiển nhiên là theo kiểu Đức.